Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Nửa Đời Tìm Nhau

Tác giả: Trần Đức Phổ

Ai bảo ngày xưa mình nhút nhát
Lời yêu thổ lộ nặng ngàn cân
Để từ dạo ấy em xa khuất
Muốn nói chao ôi, khó vạn lần!

Người thương tôi ở xa xôi lắm
Cách một đại dương, nửa địa cầu
Không cánh chim bằng, không Ô thước
Bao giờ hai đứa mới gặp nhau?

Lận đận nửa đời trong nỗi nhớ
Khát khao hình bóng những đêm trường
Hỏi dòng lá thắm người xưa đó
Có nối quê nhà với viễn phương?

Tìm nhau trong cõi đời ngang trái
Se sắt trong lòng những gió mưa
Quả đất quay tròn mình gặp lại
Má đào vẫn thắm thuở ngày xưa.

19.5.2021 
 

 

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Phần Thư Khanh

 

Phần thư khanh

Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư,
Quan hà không toả tổ long cư.
Khanh hôi vị lãnh Sơn Đông loạn,
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư.

Chương Kiệt

.

Hố Đốt Sách

Sách vở đốt rồi, đế nghiệp tiêu
Núi, sông chẳng giữ được Tần triều
Tàn tro chưa nguội dân đà phản
Hạng Võ, Lưu Bang chẳng đọc nhiều

Trần Đức Phổ phỏng dịch

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Sơ Thu

 

Sơ Thu

Bất giác sơ thu dạ tiệm trường,
Thanh phong tập tập trọng thê lương.
Viêm viêm thử thoái mao trai tĩnh,
Giai hạ tùng toa hữu lộ quang.

 Mạnh Hạo Nhiên


Chớm Thu

 Đầu thu bất chợt thấy đêm dài
Gió thổi vù vù não ruột ai
Lều lão nồng oi dường giảm nhiệt
Cỏ thềm lóng lánh giọt sương mai

Trần Đức Phổ phỏng dịch 

 

 


Xuân tình

 

Xuân tình

Thanh lâu hiểu nhật châu liêm ánh
Hồng phấn xuân trang bảo kính thôi
Dĩ yếm giao hoan liên chẩm tịch
Tương tương du hí nhiễu trì đài
Toạ thì y đới oanh tiêm thảo
Hành tức quần cư tảo lạc mai
Cánh đạo minh triêu bất đương tác
Tư yêu cộng đấu quản huyền lai.

Mạnh Hạo Nhiên 


Tình Xuân 

 Lầu xanh rèm ngọc nắng hồng soi
Gương báu giục son điểm phấn dồi
Chăn gối đã đời còn nuối tiếc
Ao đài thoả mộng vẫn ham chơi
Gấu quần đi, quét hoa mai rụng
Lá cỏ đâm, vương vạt áo ngồi
Nhắn nhủ ngày mai đừng thế nữa
Sáo đàn hoà tấu điệu vui đôi

Tfaafn Đức Phổ phỏng dịch 



Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Đẹp Xưa

 

Em là thiếu nữ trăm năm nước
Thanh nhã u tình như cúc lan
Vóc liễu nương hồn trong mai trúc
Đẹp xưa huyễn hoặc bóng trăng ngàn
 
15.05.2021
 

 

Một Kiến Nghị

 

Giáo sư toán học đại tài
đưa ra đề nghị thế này quá siêu
dân nghèo mắc dịch là tiêu
vừa lo mất mạng, vừa teo... túi tiền!
 

 

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

MẸ TÔI

 

MẸ TÔI

 

Mẹ tôi là một mẫu người phụ nữ chịu thương chịu khó, suốt cuộc đời khổ nhọc thờ chồng nuôi con. Cha tôi mất sớm, khi đó mẹ tôi chỉ mới 44 tuổi. Bà đã ở vậy nuôi nấng 5 đứa con (chị Hai và chị Ba đã có chồng), và một đứa cháu ngoại, đứa nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 17 tuổi cho đến lúc chúng tôi trưởng thành.

Cũng như nhiều cô gái thôn quê Việt Nam hồi đầu thế kỷ trước, mẹ tôi có chồng từ năm 17 tuổi. Nhà ông bà ngoại tôi rất nghèo, chỉ có vài sào đất thổ cằn cỗi, trồng khoai mì, khoai lang nên thiếu ăn quanh năm. Từ nhỏ mẹ tôi đã phải theo bà ngoại trồng khoai thuê, gặt lúa mướn, để phụ giúp gia đình. Tuy cuộc sống vất vả, dãi nắng dầm sương nhưng mẹ tôi cũng khá xinh đẹp. Dáng  người bà nhỏ nhắn, cao dong dỏng, nước da trắng, mái tóc hơi dợn sóng. Cho dù năm nay mẹ tôi đã 95 tuổi nhưng bà vẫn đi đứng thẳng boong, lưng không còng, chân không run.

 

Theo lời mẹ tôi kể lại thì ông bà nội tôi khá khó tính nên bà làm dâu cũng không mấy vui vẻ. Cha tôi thứ Tư, bác Hai (theo cách gọi ở quê tôi là lớn nhất, không có bác Cả) mất khi còn bé, cô Ba là con gái, nên cha tôi thành trai trưởng trong họ tộc.

Bởi thế ông nội tôi rất kỳ vọng cha tôi sinh được một cậu con trai để nối dõi tông đường. Oái ăm thay, mẹ tôi sinh một lúc cả 6 cô con gái (một chị đã mất lúc chưa đầy tháng). Ông bà nội rất buồn, cứ chì chiết cha mẹ tôi vô phúc tuyệt hậu. Cha tôi tuy không hất hủi mẹ tôi, nhưng cũng không mấy vui. Để chấm dứt tình trạng sinh con gãi mãi, ông nội đã đặt tên cho bà chị thứ bảy của tôi cái tên không mấy đẹp là Thôi. Có nghĩa là đừng đẻ con gái nữa! Mà quả thật, không hiểu sao điều mong ước ấy lại được linh nghiệm. Sau đó, mẹ đã sinh ra tôi, một cậu con trai. Mẹ tôi kể lại, lúc bà chuyển bụng đẻ thì cha tôi đang ở ngoài biển. Được tin sinh con trai, cha tôi hối hả chạy về để quạt than, đun nước cho mẹ tôi hơ (xông). Công việc mà từ trước đến nay cha tôi chưa hề làm khi mẹ tôi sinh các người chị. Còn ông nội tôi thì vui mừng khôn xiết tả. Hôm ấy, ông uống cả nửa lít rượu đế! Rồi cười nói: “Ta có cháu đích tôn rồi!” Ông tôi mất, khi tôi vừa tròn một tuổi.

Những năm 1967 - 1972, ở quê tôi chiến tranh vô cùng ác liệt. Đạn bom cày xới từng tấc đất. Xe tăng san phẳng cả xóm làng, Dân làng bỏ xứ sơ tán. Gia đình tôi di cư vào Sa Huỳnh. Tại đây cha tôi mất trong một trận đụng độ ác liệt giữa quân đội Quốc gia và Việt cộng. Mẹ tôi không nỡ để cha tôi nằm ‘nơi đất khách, quê người’ nên đích thân bà đưa cha tôi về mai táng ở làng cũ, mặc dù lúc đó đang giữa mùa chiến dịch tổng tấn công Xuân-Hè của quân Cộng sản. Đoạn đường từ Sa Huỳnh ra Đức Phổ chỉ độ 25km mà xe lam đi hơn nửa ngày trời vì bị băm nát như tương. 

Sau khi cha tôi yên nghỉ, mẹ tôi đưa chị em tôi vào Nha Trang. Trước khi đi bà đã bán tất cả sản nghiệp ghe thuyền lưới chài của cha tôi để lại. Vào Nha Trang bà lặn lội tìm kiếm chỗ ở, lo giấy tờ để hợp thức hóa cho chúng tôi được đi học. Hàng ngày, bà dậy từ lúc ba giờ sáng để đến chợ đầu mối mua hàng về bán lại ở các chợ nhỏ. Mỗi ngày hai buổi chợ không ngày nào nghỉ. Lúc bấy giờ chỉ có tôi và thằng em trai cùng thằng cháu con chị Hai là còn chơi rông chứ các chị tôi đều phải nghỉ học đi làm cả. Sau vài năm, cuộc sống lúc đó đã dần dần ổn định, đi vào nề nếp. Nhưng đâu có ai ngờ biến cố lại xảy ra một lần nữa. Đầu tháng Tư năm 1975, Cộng quân tiến chiếm Nha Trang. Người dân lại rùng rùng kéo nhau bỏ chạy. Lần này thì mẹ tôi quyết định không chạy đâu nữa mà quay trở về làng xưa. Thế là giữa tháng Tư năm 1975, gia đình tôi lại lên ghe, bồng bế nhau về quê.

Những ngày đầu mới trở về quê thật vô cùng vất vã khó khăn. Lúc ấy làng xóm vườn tược hoang vu như một khu rừng. Cỏ tranh mọc lút đầu người. Con đường làng chỉ rộng chừng nửa mét cỏ cây lu lấp. Cả xóm chỉ có vài túp lều tranh. Mẹ tôi cho dựng tạm vài tấm tôn mỏng chở từ Nha Trang về trên bãi biển để có nơi chất đồ đạt. Ban ngày vào vườn cắt tranh, giẫy cỏ, chặt cây... dựng tạm mái lều nơi nền nhà cũ. Sau một tháng trời cả nhà miệt mài lao động thì căn nhà cũng được hoàn tất

Theo lời mẹ tôi kể lại, cuộc đời của mẹ đã phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu căn nhà mà kể. Lúc ra riêng làm nhà. Máy bay phóng rocket cháy, làm lại. Tàu Khò “khạc lửa” cháy, làm lại. Lính Mỹ đi càn, đốt. Làm lại. v.v. ... v.v. ...

Bây giờ thì những đứa con mà mẹ một đời vất vã nuôi lớn đã thành gia lập thất. Cuộc sống của mẹ đã được thư nhàn. Các chị tôi đều muốn tổ chức Lễ Đại Thọ cho Mẹ nhưng bà cương quyết không cho, sợ con cháu tốn kém. Mẹ tôi vốn tính giản dị, suốt cuộc đời mẹ không hề thích phô trương, rườm rà. Mẹ chỉ mong muốn duy nhất là con cháu sống hạnh phúc, hòa thuận.

Với chị em tôi (có người đã có chắc) Mẹ luôn luôn là người Mẹ đáng kính nhất trần gian.

Mother’s Day 2021
 

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Bài Học Đầu Tiên

Tác giả: Trần Đức Phổ

lớp học tưởng đâu võ đài
múa quyền, tung cước là tài giáo viên
bạo lực bài học đầu tiên
trung tâm giáo dục thường xuyên... dạy nghề!

2.5.2021 
 

 

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Bẫy Nhông

 

Ký ức tuổi thơ
.
 

BẪY NHÔNG


"Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha tắc ké, tắc ké là mẹ kỳ nhông."

Cái câu đồng dao ‘quái dị’ này lũ trẻ con ‘đi săn kỳ nhông’ chúng tôi thường hay đọc. Mặc dù chẳng hiểu y nghĩa nội dung, nhưng những con vật được nhắc tên, đặc biệt là con nhông (con dông), thì không đứa nào là không biết. 

 

Tuổi thơ của chúng tôi không ‘dữ dội’ về tài học tập hay tài hoàn thành xuất sắc ‘kế hoạch nhỏ’ như một số bạn cùng lớp; nhưng còn ‘vui thú điền viên’ thì chẳng thua ai. Ngoài những trò chơi ngu như lùng bắt tổ chim, chọc phá tổ ong, bọn tôi thường đi bắt ếch, chạy còng, đào nhông... Nghĩa là toàn những công việc ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’. Ban ngày bọn chúng tôi lang thang dưới nắng gắt, đêm thì dầm sương lạnh, bận rộn với những thứ trò chơi (hay công việc?) mà ngày nay bọn trẻ không có mấy đứa thích.

Hàng năm, qua Tết âm lịch, tiết trời miền Trung bắt đầu ấm áp dần lên. Đó cũng là lúc lũ chúng tôi mong được chóng tới kỳ nghỉ hè. Mấy cái thú vui như tắm biển, tắm sông, thả diều, đá dế, chọi gà... thì không đứa nào chê chán. Lễ tổng kết năm học vừa xong cũng là lúc ‘chữ trả cho thầy’ để được thả ga với những trò chơi miền quê.

Bẫy nhông là thứ một thời khó quên. Con nhông cát thoạt nhìn cũng hơi giống con rắn mối, nhưng thân hình dẹt hơn, đuôi dài hơn. Chúng thường đào hang sống trong những cánh rừng phi lao dọc theo bờ biển hoặc trên những trảng cát hoang vắng. Chỉ cần một nơi khô cằn chỉ có vài bụi gai lưỡi hùm, gai kim đàn... là chúng có thể sinh trưởng được. Suốt mùa đông, kỳ nhông trốn dưới lòng đất, tự ăn đuôi mình để sinh tồn. Mùa xuân đến, chúng mới đào đất chui lên. Đến khoảng tháng 4, tháng 5 con nào con nấy đã mập mạp. Đó cũng là lúc bọn trẻ con chúng tôi được nghỉ hè; và cũng là lúc khởi đầu cho mùa “săn” kỳ nhông.

Kỳ nhông có thể thay đổi màu da cho phù hợp với cảnh vật xung quanh. Chúng chạy rất nhanh lại rất cảnh giác. Vì thế rượt bắt chúng là điều không thể. Muốn tóm được một con nhông phải truy tầm đến tận sào huyệt của nó. Hang của chúng thường nằm cạnh các lùm bụi hoặc các gò mả hoang.

Ai muốn bắt kỳ nhông bằng cách đào hang của nó phải đi từ lúc nửa buổi chiều. Khi đó mặt trời còn nắng gắt, nhông trốn vào hang tránh nóng. Phải tinh mắt và biết phân biệt hang mới hang cũ thì mới có thu hoạch. Cần tìm những cái hang có dấu đất mới và có dấu chân mới, tránh những hang cũ đã bị phế bỏ. Kỳ nhông đào hang rất sâu, nên cũng cần phải có cái que dài thọc vào hang để đo tầm mà đào. Nhiều con khôn ngoan kiến tạo hang theo hình chữ z và nhiều ngõ ngách rất khó lần. Có khi đào sâu cả mét rồi bị mất dấu, đành bỏ cuộc là chuyện thường.

 

Cách đơn giản, ít nhọc sức hơn là gài bẫy để bắt kỳ nhông.

Chẳng biết từ đời nào, và do ai sáng tạo ra, ở quê tôi có phổ biến một loại 'vũ khí' bẫy kỳ nhông vô cùng hữu hiệu. Người ta dùng một cái ống nhựa, hoặc một khúc tre ngọn rỗng ruột, to bằng cái ống giang thổi lửa. Đem cưa nó ra từng đoạn ngắn chừng 6 - 7 cm. Lại dùng một mảnh tre cật, già, có sức đàn hồi mạnh và dẻo dai, dài chừng bốn tấc, chuốt mỏng. Một đầu thanh tre kẹp vào ống nhựa; đầu kia buộc vào sợi dây nhợ đã có gắn sẵn một lưỡi gà (cái lẫy cò) cũng bằng tre. Trên cái ống nhựa, phía đối diện với thanh tre, ta dùi một lỗ nhỏ luồn sợi dây nhợ qua và thắt một cái thòng lọng ở cuối sợi dây. Đặt cái thòng lọng nằm sát vào bề mặt trong của ống nhựa. Gắn cái lưỡi gà vào mép ống nhựa để giữ thòng lọng ở yên vị trí. Lúc này thanh tre cong như một cánh cung. Khi con nhông chui từ hang ra, liền thò đầu vào thòng lọng, rồi chạm vào lưỡi gà khiến cánh cung bật lên. Thé là con nhông bị treo cổ lơ lửng khỏi mặt đất, hết cách thoát thân.

Ngày bé, chiều chiều chúng tôi thường lang thang nơi các trảng vắng, hoặc rừng phi lao để đặt những cái bẫy như thế. Qua một đêm, đến 10 giờ sáng hôm sau mới đi dạo gom lại. Những con nhông sa bẫy được buộc thành một xâu chiến lợi phẩm mang về.

Thịt nhông rất thơm ngon, có thể làm được nhiều món để nhậu như xào sả ớt, cuốn với lá lốt chiên như thịt bò, hoặc nấu cháo... ăn rất bổ dưỡng .

Còn món thịt nhông bằm sả ớt, cuốn với lá ổi non nướng trên than hồng, nếu ai đã từng ăn một lần chắc chắn sẽ muốn ăn lại lần thứ hai.


2/5/2021
 Trần Đình Thư



Sư Phụ Lý Thông

 

lịch sử mà như trò đùa
quân ăn cướp được nhận bừa công lao
anh hùng của nước đông lào
lý thông cũng phải cúi chào thua xa