Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Vì Đâu Màu Cỏ Chẳng Xanh

 

Thì ra bãi cỏ Mỹ Đình
Không xanh là bởi chiến chinh năm nào
Bọn thù địch đang nhao nhao
Cỏ sân vận động úa màu đương nhiên
Phát hiện được những điều trên
Rõ là khóang hậu vô tiền không sai
Khen cho anh ý có tài
Khôn liền như thế hỏi ai sánh bằng?
 
TÚ ĐIẾC
30/12/2022
 

 

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Mơ Đàn Bà

 

Người xưa bỏ rượu bỏ trà
Chỉ riêng cái món đàn bà vẫn ưa
Ta nay bỏ rượu, bỏ thơ
Để dành tấc dạ ước mơ... đàn bà!
 
Trước ngày sinh nhật vợ
9/12/2022
 

 

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Mua Cà Phê Một Sáng Mùa Thu

Tác giả: Trần Đức Phổ

Chí thu đất khách trời se lạnh
Sáng sớm sương giăng khắp bốn bề
Như người hành khất trên phố vắng
Ghé vào quán nhỏ gọi cà phê

Chủ nhật người đứng ngồi đông đúc
Kiên nhẫn khách mua đợi, xếp hàng
Dẫu rằng chửa hết mùa vi-rút
Chẳng ai thèm đeo chiếc khẩu trang

Cô em má thắm, ôi, xinh quá!
Ướm hỏi, thưa ông, muốn thức gì
Nụ cười tươi trẻ duyên kỳ lạ
Ta ngẩn ngơ quên nói coffee!

Bưng ly cà phê nàng mới rót
Dường như còn hơi ấm bàn tay
Và thêm phảng phất mùi thơm phức
Vị đắng mà lòng ngọt ngất ngây!

6/11/2022 
 

 

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Em Đừng Xinh Ác

Tác giả: Trần Đức Phổ

Em đừng xinh ác làm ta sợ
Đốt cuộc đời mình như thiêu thân
Xui dại ta bỏ cơm thèm phở
Đời thêm một gã phụ tình lang

Em đừng xinh ác làm ta khổ
Mộng vẩn vơ, ao ước hoang đường
Trở về xã hội ngàn năm cũ
Cưới làm ái thiếp để yêu thương

Em đừng xinh ác làm ta trách
Ta kẻ phàm phu lại bất tài
Chẳng giàu như gã Elon Musk
Sẵn tiền mua cả cõi Thiên thai

Em đừng xinh ác làm ta giận
Ta chẳng uy quyền như họ Kim
Xây tòa điện ngọc trong cung cấm
Để chẳng trai nào được ngắm em!

5/11/2022 
 

 

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Sự Lố Bịch Của Ông Nguyên Lạc

 

 Chơi Facebook ai cũng hiểu khó tránh khỏi bị người khác bình luận trái với nhưng điều mình cho là đúng. Việc đó vốn là bình thương bởi vì hoàn toàn không thể có hai người đồng điệu từ A đến Z. Tôi biết rõ điều này và rất sẵn lòng chấp nhận sự phản biện của người khác với tinh thần bình đẳng, khách quan và mang ý nghĩa xây dựng. Nhưng với bài viết của ông Nguyên Lạc như được chụp lại trong ảnh dưới đây là một sự bôi bẩn danh dự tôi một cách lố bịch.

Dưới đây là là đoạn cuối bài nhận xét của ông Nguyên Lạc về bài phiếm Ngày Bé Đọc Ca Dao của tôi.

Trích:   

"Để nói về sự bất nghĩa của người con trai đối với cha mẹ, tục ngữ có câu : "Cha mẹ xa cái l. gần", hay ca dao: "Nóc nhà xa hơn cửa chợ/ L. vợ gần hơn mả cha".

Ở đây ông Tú Điếc "phán": "chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ", thì cũng giống như tục ngữ và ca dao trên, chỉ cần thay thế "cái l." bằng "con buồi" thôi, phải không? Mê "buồi" không đành rời để về thăm cha mẹ không phải là hạ thấp phẩm giá của người con gái sao? Than ôi, sao đành dùng đầu óc - tôi không dám dùng 2 chữ "tục tĩu" như ông Tú Điếc dùng trong bài, chỉ dùng chữ "phồn thực" - mà suy luận như vậy, làm hỏng bài ca dao hay.

Qua trên, đó là những gì tôi trả lời ông Tú Điếc những nhận xét của ông trong bài viết "Ngày bé đọc ca dao", hy vọng ông "nghe" để đừng viết thêm những bài nhận xét về thơ, ca dao mà có kèm theo "ngụ ý", cạnh khóe người khác." - Hết trích.

Trong bài phiếm tôi chỉ mổ xẻ với góc độ đùa cợt, cốt yếu gây cười cho độc giả. Tôi tán hưu tán vượn về chuyện tình dục là nhằm mục đích ấy, đâu phải để hạ thấp phẩm giá của cô gái trong bài ca dao. Vả lại bản năng nghiện tình dục của loài động vật hay con người là không có gì xấu xa, bất kể là giống đực hay giống cái. Chính những câu thành ngữ, tục ngữ ông Nguyên Lạc trích dẫn cũng đã nói lên một thực tế khó chối cãi đó mà? Thế nhưng ông Nguyên Lạc tự khoác cho mình chiếc áo thụng đạo đức rồi lên mặt dạy đời kẻ khác một cách lố bịch. Hiểu bài ca dao theo phạm trù đạo đức, xã hội, nhỏ nước mắt khóc người đời xưa thì học sinh lớp 9, lớp 10 đều hiểu, và có hằng hà sa số bài viết trên mạng. Tôi muốn chọn cho mình một cách tiếp cận khác, tiếu lâm hơn để cảm nhận về bài ca dao chứ không hề cho điều mình viết là nhất nhất đúng. Nếu ông Nguyên Lạc hiểu văn phiếm thì không có bài viết đầy ác ý kia. Ông Nguyên Lạc cho rằng cái câu trong bài phiếm của tôi "chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ" làm cho phẩm giá của người con gái bị hạ thấp! Làm sao ông Nguyên Lạc lại có thể nghĩ phẩm giá của con gái dễ dàng bị hạ thấp bởi một câu văn phiếm vậy nhở? Tôi cũng theo cách ông bảo rằng những câu thành ngữ ông trích dẫn đã hạ thấp phẩm giá của đàn ông thì sao? Từ đó tôi theo lối suy luận tương tự ông rồi bảo: "Sao mà cái đầu óc của Nguyên Lạc quá "phồn thực" được không?
 
Một điều lố bịch nữa là ông Nguyên Lạc tự cho mình cái quyền làm cảnh sát "tư tưởng" trên mạng, RA LỆNH cho tôi đừng viết thế này, thế kia. Thiết nghĩ mọi người đều có quyền bày tỏ cảm nhận và đánh giá về bất cứ điều gì trên cõi đời này miễn sao đừng xúc phạm đến người khác.
 
Hòn  đất ném đi hòn chì ném lại, nếu bây giờ tôi lại bảo ông Nguyên Lạc đừng chõ mũi vào việc của người khác thì sao nhỉ? Tôi tuy ĐIẾC nhưng vẫn nghe thấy. Không hiểu ông Nguyên Lạc thông thái và chưa bị điếc có nghe và hiểu không?
 
3/11/2022
Tú Điếc
 

 

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

ĐÔI LỜI VỚI ÔNG NGUYÊN LẠC VỀ MỘT BÀI PHIẾM

 


I.  DẪN NHẬP 
 
Gần một tháng trước đây tôi có viết bài PHIẾM Ngày Bé Đọc Ca Dao. Nội dung bài phiếm là một góc nhìn tiếu lâm, pha màu diễu cợt 'phồn thực.' Bài được đăng trên Facebook của tôi, và một số trang báo mạng khác. Đặc biệt trang Hải Ngoại Phiếm Đàm, sau khi đăng bài vào hai trang chính và phụ của báo đã gửi email cho tôi với lời khuyến khích:
"Thay mặt số Độc giả " khủng" yêu văn Phiếm, xin cám ơn Anh." – Nghiem Vo
 
Sở dĩ có bài viết này là nhằm làm sáng tỏ tâm ý của người viết cho bài phiếm đã dẫn để độc giả bốn phương không hiểu lầm ý tứ của tôi sau khi đọc những bài của ông Nguyên Lạc đã đăng.

II. NỘI DUNG 
 
Mấy hôm nay, trang Facebook Lac Nguyen (Nguyên Lạc) đăng liên tiếp hai kỳ công kích bài viết trên của tôi. Tôi đọc thật kỹ, hiểu rõ ra là ông ta bất bình với tôi vì cái câu trong bài tôi đã chê một số người miệng hay tay dở, rao giảng phương pháp làm thơ nhưng thơ thì phản lại phương pháp mình dạy. Câu ấy trong đoạn sau đây (chữ in hoa):
"Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp “Show do not tell” nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này. Bài Lấy Chồng Sớm là một điển hình. Toàn bài không nói đến mây mưa, ân ái, nụ hôn cháy bỏng, vòng tay siết chặt... không cần từ ngữ tục tiũ gì ráo, nhưng đọc xong ai cũng hiểu được chuyện gối chăn của cặp vợ chồng này nồng nàn, lên đỉnh như thế nào! NGAY NAY CO MỘT SỐ NGƯỜI ĐI RAO GIẢNG THI PHAP “SHOW DO NOT TELL” NHƯNG TÔI ĐỌC THƠ HỌ CHỈ THẤY TOAN “TELL AND TELL.”
 
Không biết ông Nguyên Lạc đọc và hiểu như thế nào liền viết liên tiếp hai bài nhằm đả kích bài viết của tôi. Tôi thì tin rằng ông Nguyên Lạc không nhầm lẫn giữa một bài NGHỊ LUẬN VĂN HỌC và một bài PHIẾM. Ông ta viết là có mục đích khác?
Tôi sẽ lần lượt nói rõ ý mình từng điều theo mỗi bài viết của Nguyên Lạc để quý độc giả đã đọc bài ông ấy hiểu rõ phần nào câu chuyện..
 
A. Bài 1: 
Đại khái ông Nguyên Lạc cho là tôi ngụ ý, cạnh khóe ông ta, và ông Phạm Đức Nhì, rồi trích dẫn vài đoạn văn của ông Nhì. Cuối cùng phán rằng tôi cảm nhận ca dao thì cảm nhận đi, cạnh khóe mà chi.
 
A' TRẢ LỜI:
1. Những câu nhận xét của tôi ở phần cuối bài Ngày bé đóc ca dao là RÕ RÀNG, THẲNG THẮN, không hề ngụ ý, cạnh khóe gì ai. Ông NL xin đừng "có tật giật mình." Và đừng lôi kéo ông PĐN vào đây.
- Thủ pháp 'Show don't tell' là một thủ pháp cốt lõi để viết văn làm thơ, có nhiều người dạy trên mạng. Nhất là các video bằng tiếng Anh. Đừng nghĩ tôi phủ nhận cái hay của nó. Tôi chỉ phê phán những người "miệng hay tay dở" thôi, không nhằm vào ông NL hay ông PĐN.
- Trước khi người Việt ta biết đến thủ pháp "Show don't tell" bằng lý thuyết thì họ đã thực hành rồi, trong thơ cổ điển và trong ca dao đó.
- Ông NL và ông PĐN nói đến thủ pháp trên, trong các bài bình chứ không hề 'rao giảng'.
2.Như trên đã nói Show don't tell là một thủ pháp tuyệt vời, và là căn bản cho nghệ thuật thơ ca. Tuy nhuên nó không là tất cả. Chúng ta cũng có lúc cần đến "Show and tell."
3. Nếu ông NL có không đồng tình điều gì xin cứ mạnh dạn nêu ra ý kiến, đừng 'núp bóng' đươi những điều người khác đã nói.
 
B. Bài 2
Bài này ông Nguyên Lạc cho rằng tôi đã dùng một số từ ngữ thiếu chính xác, đồng thời "hạ thấp phẩm giá phụ nữ ngày xưa."
 
B' TRẢ LỜI
Trước hết xin nói rõ bài Ngày bé đọc ca dao của tôi là một bài PHIẾM, ở đó tôi muốn có một góc nhìn khác về bài ca dao trên. Thật tiếc thay ông NL lại đem cái tâm sáng vằng vặc của ông để soi vào khía cạnh nhục thể.
 
1. Ông NL viết: ""Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh" - Tú Điếc
"Ông Tú, thường ai cũng hiểu Tú là tú tài, dùng chữ này hình như không đúng lắm trong bài ca dao này.""
Tôi dùng bút hiệu Tú Điếc có gì là không đúng với bài ca dao thưa ông NL?
 
2. Về chữ "vú phu" chỉ có nghĩa như là một hành động mạnh bạo, cuồng nhiệt thôi. Nếu ông NL đã đọc phần trên của bài phiếm thì nên hiểu mới phải.
 
3. Về Phần chữ "nhắn" và “ăn quen bén mùi” thì ông NL đã dùng cái tâm địa 'đen thui' của mình để lý giải. Trước hết, sao ông NL lại nghĩ cô gái không được cho về nhà? Qua bài ca dao, trước lúc "giao hòa" thì cô gái đã về nhà cha mẹ đôi lần rồi, nên họ mới biết sự tình của con gái. Vì thế cho nên để trấn an cha mẹ bây giờ cô ta mới nhắn về trước cho gia đình an tâm, chứ không phải là không về. Hơn nữa cái sự mặn nồng của chồng vợ có gì là xấu xa? Họ đâu phải mèo mả gà đồng? Sự hòa hợp thể xác cũng là hòa hợp tinh thần vì thế ca dao mới nói: "chồng tôi nay đã giao hòa cùng tôi." Người của thế kỷ 21 sao ông NL lại có cái nhìn về phụ nữ thiếu bình đẳng về tình dục như thế?
 
III KẾT LUẬN
 
Ngày Bé Đọc Ca Dao chỉ là một bài VĂN PHIẾM nhằm mua vui cho đỡ buồn khi chơi Facebook. Trong  bài tác giả đã dùng cảm nhận của mình thông qua các trường hợp 'đặc biệt' để hiểu một bài ca dao theo khía cạnh tiếu lâm. Nó hoàn toàn không phải là một bài nghị luận văn học. Do đó người viết đã dùng bút hiệu Tú Điếc để gợi liên tưởng đến các nhà thơ trào phúng như Tú Xương, Tú Mỡ. Về cái ý "ăn quen bén mùi" chỉ là một câu đùa vui kiểu "đã bị hiếp dâm mà còn hẫy lên" đó thôi! Ông Nguyên Lạc trí tuệ hơn người sao không xét đến khía cạnh đó nhỉ?
 
Về việc ngụ ý cạnh khóe như ông Nguyên Lạc đề cập rõ ràng là một kiểu suy bụng ta ra bụng người. Ở phần cuối bài phiếm, thay vì đánh giá nghệ thuật đặc sắc của bài ca dao tôi chỉ dùng phép so sánh với thơ một số người 'miệng hay tay dở' mà thôi. Ông Nguyên Lạc là bạn bè trên Facebook của tôi. Tôi luôn nghĩ ông ta là bậc thầy của thi pháp "Show don't tell," là đại bàng thi sĩ, sao tôi lại dám cạnh khóe?

31/10/2022
Trần Đức Phổ
 

 

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Phường Bất Nghĩa

Tác giả: Trần Đức Phổ

Xưa nay thế thái nhân tình
ăn cháo đá bát có thành người đâu
thần linh ba tấc trên đầu
những phường bất nghĩa khó cầu thiện chung!

23/10/2022 
 

 

Đọc Quốc Sử, Nhớ Tiền Nhân

Tác giả: Trần Đức Phổ

Còn ai viết hịch giữa đêm thâu?
Ta xin mài mực, đứng bên hầu
Chờ nghe đồng vọng lời Sát Thát
Ba quân thế mạnh nuốt Sao Ngưu (1)

Còn ai bóp nát cả trái cam
Về thêu cờ nghĩa báo hoàng ân?
Cho ta làm lính theo dưới trướng
Vác ngọn cờ thiêng dẫu một lần

Còn ai mài kiếm báu đêm trăng
Trong làn sương lạnh giữa rừng hoang?
Cho ta làm kẻ chờ sai vặt
Thức suốt canh thâu cũng sẵn sàng

Còn ai dâng kế sách Bình Ngô
Đại Việt chung tay giữ cơ đồ?
Cho ta làm tiểu đồng dắt ngựa
Chờ nghe khúc hát Khải Hoàn ca.

22/10/2022 
 
(1): Phỏng dịch từ câu:
 Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
(Thuật Hoài - Phạm Ngũ Lão)

 

 

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Di Sản

Tác giả: Trần Đức Phổ

Cọp chết để
Da
Thi sĩ chết để
Thơ
Mỹ nhân chết để
Tình
Tỉ phú chết để
Nợ tiền
Trùm bất động sản chết để
Nợ đất
Lãnh tụ vĩ đại chết để
Nợ máu

11/10/2022 
 

 

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Bài Tụng Ca Phụ Nữ

Tác giả: Trần Đức Phổ

Phụ nữ đâu chỉ là hoa
Còn là cả cây và trái
Là những bà mẹ vĩ đại
Là những kỳ nữ, anh thư

Adam thuở xưa may mắn
Giữa chốn địa đàng cô liêu
Có nàng Eva xinh đẹp
Trao cho trái táo mỹ miều

Những vị hoàng đế kiệt xuất
Các ông lãnh tụ thiên tài
Giê-su hay là Đức Phật
Phụ nữ đều sinh quý ngài

Phụ nữ không là hết thảy
Cũng là vùng trời vô biên
Phụ nữ không là đòn bẫy
Cũng làm thế giới chao nghiêng

Bài thơ ngày Thanksgiving
Tụng ca toàn thể phụ nữ
Dành tặng luôn mẹ và em
Những người suốt đời không quên!

Canada Thanksgiving 10/10/2022 
 

 

Quán Trọ Tuyệt Vời

Tác giả: Trần Đức Phổ

Em đừng sợ trần gian là quán trọ
Rồi ra đi như kẻ chẳng chung đường
Xuân dẫu ngắn nhưng muôn hoa đua nở
Nên hạ vàng cây trái thoảng đưa hương

Vâng, đời vốn dĩ vô cùng ngắn ngủi
Lắm bão giông và đầy rẫy vô thường
Nhưng đến hẹn là đông tàn xuân tới
Vẫn luân hồi trong thế giới tai ương

Em chớ ngại trần gian là quán trọ
Rồi khép mình trong vỏ ốc cô đơn
Thử trải nghiệm yêu đương và gắn bó
Như hoa thơm cỏ lạ của tâm hồn

Xin cảm tạ trần gian này tuyệt mỹ
Cõi thiên đường nào sánh được đâu em?
Vạn sắc hương và muôn ngàn thi vị
Mỗi sát na đều chứa chất diệu huyền!

9.10.2022 
 

 

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Gửi Nàng T. T. Kh. Của Tôi

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Nàng ngày xưa yêu dáng hoa tim vỡ
Tôi thuộc lòng "Hai Sắc Hoa Ti Gôn"
Nên dở dang đã vận vào mệnh số
Tôi và nàng mỗi kẻ lạc một phương

Nàng chân chất không bao giờ đòi tặng
Bông hồng xanh hoặc chiếc lá diêu bông
Hoa ti gôn hai sắc màu đỏ trăng
Tình thủy chung gìn giữ ở nơi lòng

Tôi ngày đó một chàng trai khờ khạo
Xem thơ tình chuyện hư cấu mà chơi
Đâu biết được cuộc đời nhiều giông bão
Sóng trầm luân xô dạt phải xa người

Kể từ độ trên bước đường lưu lạc
Chuyện ngày xưa giấu kín đáy tim buồn
Mười năm dư chưa bao giờ dám nhắc
Loài hoa sầu dáng tim vỡ ti gôn

Rồi một lần trở về thăm chốn cũ
Giàn hoa xưa hò hẹn đã không còn
Tôi bàng hoàng trước màu hoa giấy đỏ
Cổng nhà nàng khép kín lúc hoàng hôn

Ngày theo chồng nàng có buồn rưng rức
Thương người xưa về bến cũ ngóng đò?
Xin lặng lẽ cầu mong ai hạnh phúc
Đừng nhớ gì câu chuyện một bài thơ!

6.10.2022 
 
 

 

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Thú Tự In Sách

Tác giả: Trần Đức Phổ

Cái thú tự in sách
Theo cây nhà lá vườn
Không màu mè, kiểu cách
Ngô nghê mà dễ thương!

Ôi, thời gian chờ đợi
Giống như thuở ban đầu
Yêu người luôn mong mỏi
Đến lần hẹn gặp nhau

Những cái bìa sách mới
Dường như có linh hồn
Sắc màu như biết nói;
Ruột rà những đứa con

Từng trang xòe trước mặt
Mùi mực còn thơm hương
Từng dòng chữ thẳng tắp
Như hoa nở trong vườn

Không chuyên chở tri thức
Không chuyển tải thơ văn
Những cuốn sách đích thực
Là chính tôi hóa thân!

4.10.2022 
 

 

Chẳng Phải Là Chiêm Bao

Tác giả: Trần Đức Phổ

Năm anh hai mươi tuổi
Em mới vừa được sinh

Năm em hai mươi tuổi
Mình kết sợi duyên tình

Năm con hai mươi tuổi
Mắt em còn long lanh

Năm con hai mươi tuổi
Tóc anh đã phai màu

Thêm hai mươi năm nữa
Mình có còn bên nhau?

Hai mươi năm hạnh phúc
Hai mươi năm vó câu

Hai mươi năm em hỡi
Chẳng phải là chiêm bao!

3.09.2022 
 

 

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Một Buổi Sáng Chủ Nhật

Tác giả: Trần Đức Phổ

Buổi sáng một ngày chủ nhật
Trời xanh và nắng thu vàng
Ly cà phê thơm trước mặt
Bềnh bồng tiếng nhạc lâng lâng

Tờ giấy trắng phau chờ đợi
Những dòng chữ viết đầu tiên
Muôn vàn ý tình chìm nổi
Thoáng qua rồi nằm lặng yên

Tình quê kể hoài chưa đủ
Thói đời tán mãi cũng nhàm
Văn chương vốn là mê lộ
Ái tình như giọt sương lam

Những nàng kiều nương Facebook
Mi thanh mục tú trêu ngươi
Chưa nghe giọng oanh thánh thót
Đã nghiêng quá nửa cuộc đời

Cà phê không đường đắng chát
Hương nào còn đọng vành môi
Bỗng đâu lời vợ cao vút:
"Cùng em dạo buổi đẹp trời!"

London, October 2, 2022 
 

 

Em Tháng Mười Viễn Xứ

Tác giả: Trần Đức Phổ

Em tháng mười choàng khăn gió ấm
Tóc buông lơi gợn chút mây chiều
Nét môi ngoan vương màu ảm đạm
Thu chín vàng nơi mắt cô liêu

Em tháng mười vầng trăng gầy úa
Nhạt mùi hương, lạnh lẽo vóc ngà
Ôi, mùa thu và lòng sương phụ
Còn chút gì... ngoài nỗi xót xa?

Em tháng mười chân trời viễn xứ
Nhạn xa bầy ngán nỗi thiên di
Không tưởng tiếc một thời xưa cũ
Sao đau thương thấu tận a tỳ!?

01.10.2022 
 

 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Cùng Ta Em Nhé... Mỹ Nhân Hề!

Tác giả: Trần Đức Phổ 


Thiên hạ mỹ nhân nhiều vô số
Đời ta quen biết được bao người?
May nhờ mạng ảo nên tương ngộ
Vô vàn dáng ngọc, sắc hoa tươi

Không cần khổ cực như người trước
Tìm Động Hoa Vàng để ngủ quên
Ta cứ đường đường mà tỉnh thức
Ngắm dàn kiều nữ đẹp như tiên

Dẫu chẳng mê em như mê rượu
Nhưng mà vẫn cứ mãi say mơ
Người đẹp cuối trời nào biết được
Nàng khiến ta vương mộng tình hờ!

Thơ ta chẳng phải là bùa chú
Em đừng tìm cách giải thiêng chi
Quả thật nếu em bị mất ngủ
Cùng ta em nhé... mỹ nhân hề!

 30.09.2022 

 



Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Tạ Lỗi Quê Hương

Tác giả: Trần Đức Phổ

Biển Đông giăng giăng trước mặt
Trường Sơn sừng sững sau lưng
Vòm trời quê hương xám ngắt
Tối tăm, giá lạnh chiều đông!

Hai mươi năm dài chinh chiến
Xương rơi máu chảy không ngừng
Hòa bình dòng người vượt biển
Làm mồi cá mập đại dương

Mười năm đói nghèo Hợp tác
Không mảnh vải lành che trôn
Vùng kinh tế mới xơ xác
Phố phường trơ trọi, vô hồn!

Hy vọng cái ngày mở cửa
Tự do, Dân chủ đón chào
Ai dè Liên Xô tan rã
Lại tròng cái ách của Mao

Trước kia búa liềm vô sản
Đổi mới nhiều trò tham ô
Tài nguyên gom vào túi đảng
Công nông tay trắng như cò!

Một vùng biên cương phía bắc
Nam Quan, Bản Giốc, rừng vàng...
Đem dâng hiến cho lũ giặc
Mong nhờ bảo hộ bình an!

Hoàng Sa, Trường Sa đảo biếc
Mặc cho giặc cướp lộng hành
Ra lệnh "Buông súng, đừng giết!"
Đồng chí bạn vàng, đàn anh!

Tùng xẻo từng mảnh, từng mảnh
Đất đai bán tháo cho Tàu
Nhân dân ai người bất mãn
Xà lim chúng tống ngay vào!

Quan chức một bầy bạc nhược
Tham lam vơ vét bạc vàng
Mua sẵn hộ tịch ngoại quốc
Về hưu là vù bay sang

Sĩ khí quốc dân hèn mạt
Có đâu như thời Đông A
Hợp quần cùng hô: Sát Thát
Quyết tâm giữ lấy sơn hà!

29.09.2022 
 

 

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Tìm Em Bóng Dáng Chiều Thu

Tác giả: Trần Đức Phổ

Anh về qua ngõ mùa thu
Gió chiều lành lạnh, sương mờ mờ giăng
Đâu rồi tà áo lụa vàng
Ngẩn ngơ lối cũ thênh thang nỗi buồn

Mùa thu nào, em nhớ không
Lá rơi hòa nhịp tiếng lòng mình trao
Nắng thu thơm ngát môi đào
Tình thu mật ngọt rót vào đời nhau?

Em mùa thu đó giờ đâu
Một dòng nước chảy chân cầu buồn thiu
Cánh hoa vàng trôi phiêu phiêu
Bỏ rơi con bướm một chiều thu mưa

Về ngang con ngõ ngày xưa
Dường như... thuở đó... mới vừa hôm qua
Sau cành trúc dáng la đà,
Tóc thề, tà áo hoàng hoa... gió lùa!

29/09/2022 
 
 


Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Quãng Đời Sau Lưng - Tự truyện

 


Khi Anh Chết Đừng Đưa Anh Ra Biển

Tác giả: Trần Đức Phổ

Khi anh chết đừng đưa anh ra biển
Đàn cá voi chẳng hộ tống anh về
Biển Bắc Mỹ dẫu năm dài lạnh lắm,
Xác thân này cũng thối rữa em nghe!

Khi anh chết đừng đưa anh ra biển
Trung dương xanh đâu phải chốn quê nhà?
Một xác ướp lênh đênh trên bốn biển
Chảng linh hồn và cũng chẳng thây ma!

Khi anh chết đừng đưa anh ra biển
Làm mồi cho cá mập khắp đại dương
Thân cát bụi chắc gì còn nguyên vẹn
Mà cầu mong tìm đến cõi thiên đường?

Khi anh chết đừng đưa anh ra biển
Cho bão giông xô đẩy tấp vào bờ
Em sẽ chẳng nhận ra nơi bãi vắng
Khi tình cờ bắt gặp bộ xương khô!

Đêm nghe tin bão quê nhà
27/09/2022 
 

 

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Bài Mừng Sinh Nhật Sáu Mươi

Tác giả: Trần Đức Phổ

Đánh bóng "Quãng đời sau lưng"
Bỏ quên đoạn đường trước mặt
Sáu mươi đâu phải già chát
Cớ chi kể chuyện ngày xưa?

Lật tung từng trang dĩ vãng
Giăng giăng nỗi buồn mông mênh
Dòng sông tuổi thơ lai láng
Nỗi niềm ngọt ngào không tên

Quãng đời sau lưng khép lại
Một vùng ký ức lặng yên
Qua rồi bão giông ngày ấy
Ân tình xin khắc vào tim

Món quà sáu mươi tuổi Việt
Cho anh và cho cả em
Thuở nào chàng chàng thiếp thiếp
Dẫu không phận cải duyên kim!

Đôi chân đã từng lê gót
Dạo chơi nửa quả địa cầu
Vần còn nặng lòng tha thiết
Tình quê hồn nhói tim đau

Đúng ngày sáu mươi sinh nhật
Sáng ra dậy sớm làm thơ
Vợ con đề huề chúc phúc
Cuộc đời đẹp đến không ngờ!

20.09.2022 
 

 

Nụ Cười

Tác giả: Trần Đức Phổ

Nếu ai bảo nụ cười em lơi lả
Đừng giận hờn, đừng oán trách nghe em
Anh là kẻ vốn say tình rất lạ
Với những nàng ma nữ chẳng hồn nhiên

Nếu ai bảo nụ cười em khêu gợi
Đừng dỗi hờn những kẻ thiếu tự tin
Nếu ngày xưa môi hồng nàng Bao Tự
Không gợi tình Chu đế có đảo điên?

Nếu ai bảo nụ cười em phóng đãng
Cũng đừng buồn, đừng giận dữ làm chi
Ai dám bảo Tử Nha hay Đát Kỷ
Phá Trụ vương đế nghiệp chẳng còn gì?

Những nụ cười của mỹ nhân thiên hạ
Dù thiện lành hay chất chứa gươm đao
Cũng đủ khiến lắm anh hùng ngã ngựa
Nét môi son rất đáng để tự hào!

19/09/2022 
 

 

Thời Gian


 
Nguyên tác:
TIME IS
by Henry Van Dyke (1852- 1933)

Time is
Too Slow for those who Wait,
Too Swift for those who Fear,
Too Long for those who Grieve,
Too Short for those who Rejoice;
But for those who Love,
Time is not
.

Bản dịch của Trần Đức Phổ:

THỜI GIAN
Thời gian: Chậm quá – kẻ Chờ
Nhanh ghê với kẻ Sợ lo trong lòng
Dài ghê cho kẻ Đau thương
Ngắn ghê cùng kẻ Vui mừng, hân hoan
Những ai Hương lửa nồng nàn
Thời gian là chẳng liên can chút gì.

17/09/2022 
 

 

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

Xưa

Tác giả: Trần Đức Phổ

Em xưa cùng với tôi xưa
Đã từng tay nắm, đã ưa mắt nhìn

Em xưa cây trúc xinh xinh
Cho tôi đứng cạnh chung tình làm đôi

Em xưa đóa mộng thắm tươi
Cho tôi hương sắc của thờI thanh xuân

Em xưa suối nước trong ngần
Cho tôi soi bóng phù vân đời mình

Nhắc làm chi chữ chung tình
Trăm năm gương vỡ chẳng lành như xưa!

18/09/2022 
 

 
 
 

Nha Trang Anh Về

Tác giả: Trần Đức Phổ

Nha Trang ngày đó anh về
Nắng hiu hắt nắng, buồn lê thê buồn
Biển xanh lớp lớp sóng dồn
Thầm thì gió kể ngọn nguồn ngày xưa

Vầng trăng chửa tỉnh giấc mơ
Bàn tay vẫn nhớ những tờ thư trao
Kiếp này chẳng được bên nhau
Làm sao dốc cạn một câu chung tình?

Em là em của riêng anh
Hoa là hoa của nụ tình đầu tiên
Nợ nhau một mối lương duyên
Kiếp sau xin bến với thuyền đừng xa!

17/09/2022 
 

 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Tiễn Em

Tác giả: Trần Đức Phổ

Qua đường truông vắng chiều nay
Gặp hoa vàng nở thêm cay đắng lòng
Thu về ngấp nghé rừng phong
Lá xanh than thở sắc hồng cợt trêu

Trên cành xa xót chim kêu
Bước chân ai nặng bao nhiêu nỗi niềm
Thu này đã vắng bóng em
Còn ai đón đợi đoàn viên trăng rằm

Người xa xăm, mộng xa xăm
Lẻ loi tiếng nhạn buồn ngân cuối trời
Em về chốn áy mù khơi
Bơ vơ một bóng ta đời tha phương

Ngậm ngùi trong nỗi xót thương
Chia ly nào chẳng đoạn trường lòng nhau
Em về đâu? Ta về đâu?
Một vầng mây trắng trên đầu tóc tang!

16/09/2022 
 

 

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Nghề Mành Sơn Ở Quê Tôi

 

NGHỀ MÀNH SƠN Ở QUÊ TÔI
 
Ngày trước ở quê, tôi thường nghe người ta hay đọc một câu vè mà không biết nó có từ lúc nào:
Ai ăn bánh ít lá tra
Lấy chồng Quảng Ngãi bám cây chà mành sơn!
 
Bánh ít lá tra? Tôi chưa từng ăn. Tôi chỉ được ăn bánh ít lá gai, bánh ít trần, còn bánh ít lá tra tôi chỉ nghe người ta nói đến trong câu vè trên. Nhưng cây chà mành sơn thì tôi quá rành rẽ. Bởi thuở nhỏ vào những dịp nghỉ hè tôi đã từng nhảy theo những chiếc thuyền mành để làm thủy thủ tập sự. Xã tôi ở nằm dọc theo bờ Biển Đông, từ đầu này đến đầu kia của xã dài hơn chục cây số. 
 
Ngoài một số con tàu chạy bằng dầu có chỗ đậu ở của Mỹ Á, dọc theo bờ là bến bãi của nhưng chiếc thuyền và những cái mủng nan. Loại phương tiện này nhiều vô kể, lớn nhỏ đủ kích cỡ. Người dân quê tôi không gọi là thuyền mà gọi là ghe. Chiếc ghe bé nhất dài chừng 3-4 mét, bề ngang chừng 1.8 mét; còn ghe lớn nhất cũng chỉ dài và rộng gấp đôi. Loại ghe này được đan đát bằng tre cật già, đủ độ bền và dẻo dai để chịu được sóng gió. Khi đan xong còn phải trát ba lần phân bò bên ngoài và trong cho kín các khe hở. Sau đó chờ cho khô lại phết thêm hai lớp dầu rái chống thấm nước. Những chiếc ghe lớn theo phong tục ở quê tôi khi làm xong đều phải điểm nhãn. Mắt ghe được vẽ ở đầu mũi. Mỗi bên một con, kiểu mắt phượng, đầu tròn đuôi dài và nhọn. Lòng mắt được sơn hai màu đen trắng. Vành mắt đôi khi viền đen hoặc xanh đậm. Bên mỗi be thuyền có một hàng ba cái cọc quay chèo, phía trái thêm cọc chèo lái. Các cọc chèo được xếp theo hàng dọc so le nhau. Chính giữa ghe là cột buồm, chỉ khi nào đi lưới ngaoif khơi mới cần căng buồm lên. Ghe ở làng chài tôi không thả neo ngoài biển, không về cửa đậu mà được dùng đòn khiêng xoay vần lên bãi cát trong bờ sau mỗi buổi ra khơi. Tờ mờ sáng hôm sau lại khiêng xuống nước. Có lẽ vì là bãi ngang nên sóng gió bất ngờ, ghe neo ngoài nước không người trông coi dễ bị sóng đánh chìm hoặc vỡ. Còn về cửa Mỹ Á thì đi lại bất tiện.
 
Vì sống với sóng gió, tai ương không thể lường trước được nên ngư dân ở đây rất kiếng cữ. Có khi những điều kiêng cữ ấy quá phi lý đã trở thành mê tín dị đoan nhưng không ai dám bất tuân. Ví như lúc sắp khởi hành không ai được đi ngang qua trước mũi ghe, hoặc bước ngang qua cây chèo lái. Không được đem trái thị có mùi thơm của cô Tấm ra biển. Không được nói “chạy tuốt” mà phải nói “chạy tắp” v.v... Tất cả những điều kể trên đều bị cho là xúi quẩy. Kẻ nào lỡ vi phạm tuy không bị đánh đòn nhưng sẽ bị mắng là “Đồ ở núi!” Đó là một câu chửi rất nặng nề ở quê tôi. Có ý nghĩa như thứ dân mọi rợ chẳng biết gì.
 
Tuy là mặt biển rộng mênh mông, không ranh giới nhưng các vùng nước cách xa bờ vài hải lý đều có chủ quyền sở hữu cả. Dưới mặt nước xanh kia là những rặng san hô ngầm. Thật ra các chủ ghe không sỏ hữu mặt nước mà là các rặng san hô này. Mỗi một rặng san hô đều có tên gọi hẳn hòi, và được xác định tọa độ bằng cách lấy vị trí của các ngọn núi trong bờ làm chuẩn. Hàng năm các ông chủ rạng phải xuống Ủy ban xã đăng ký quyền sử dụng và đóng thuế cho nhà nước rồi mới được khai thác. Để sử dụng các rặng san hô cho có hiệu quả người ta tìm cách dụ hải sản quanh vùng về rạng của mình. Cách làm cũng đơn giản giống như thả chà ở sông. Nhưng về mặt kỹ thuật hơi khác chút đỉnh. Cụ thể, ngư dân dùng một cây tre đằng ngà to và dài, xung quanh có buộc bốn sợi dây thừng cũng rất dài đối xứng nhau. Những sợi dây thừng này được đánh bằng ruột tre chuốc thành sợi nhỏ, kết hợp với cọng cỏ lát khô cho tăng thêm độ bền. Dây thừng được đánh thật săn chắc, cứ mỗi đoạn cách nhau một cánh tay lại cột vào đấy mấy rẻ chà là đã phơi khô. Một đầu thừng buộc vào cây tre đằng ngà; đầu còn lại buộc vào cái giỏ cần xé to đùng có lót rơm xung quanh, và dồn cát biển vào trong ruột thật chặt. Tất cả những thứ ấy được chở ra biển và thả xuống rạng để làm “nhà” cho cá ở. Cứ vài ba tháng ngư dân lại phải làm một căn nhà mới để bổ sung. Những cái cây tre trụi lá do người tạo, mọc trên biển như thế được gọi là “cây chà mành sơn”.
 
Phương thức đánh bắt hải sản cũng có rất nhiều cách. Chẳng hạn như đi câu, thả bóng (một loại lờ bắt cá, cua, mực... ở biển, có dạng khối vuông, mỗi cạnh chừng 2m), đánh lưới... Nhưng thịnh hành nhất ở quê tôi là nghề mành sơn. Mỗi chiếc ghe mành gồm một ông chủ, luôn luôn là người cầm chèo lái, và sáu người bạn chèo. Cứ tờ mờ sáng là cùng nhau đẩy ghe ra biển. Đánh bắt đến xế trưa thì quay trở lại bờ. Sản phẩm thu được đem về chia phần ghe và giàn mành chiếm một nửa. Phần còn lại chia đều cho bạn và chủ ghe. 
 
Thuở thiếu niên tôi cũng đã từng theo ghe mành vài lần vì muốn biết cái nghề mành sơn nó như thế nào . Khi mặt trời còn chưa ló dạng, phương đông chỉ mới ửng hồng, mọi người đã lục tục quay ghe xuống mép nước. Thủy thủ chia ra hai bên mạn thuyền “gay” chèo vào cọc, sẵn sàng nghe lệnh. Khi có một con sóng ngã vào bờ, chờ đúng lúc con sóng rút ra, chủ thuyền hô “Đẩy!” thì tất cả mọi người cùng khom lưng dồn hết sức đẩy mạnh cho chiếc ghe lao xuống nước. Khi ghe bắt đầu nổi lên khỏi mặt cát cũng là lúc mọi người thót nhanh lên thuyền, cầm vội lấy cây chèo, chèo thật cật lực. Bình thường sóng êm gió nhẹ thì chiếc ghe sẽ lướt phăng phăng rời bờ. Nhưng nhiều hôm có gió to sóng lớn ghe bị đánh xoay ngang, nước biển tràn vào khoang thì vất vả hơn nhiêu. Thủy thủ phải nghiêng ghe đổ nước hoặc dùng gàu tát cạn rồi mới tiếp tục cuộc xuất hành. Bởi thế khi biển hơi có sóng thủy thủ chỉ mặc có mỗi một chiếc quần cộc và để lưng trần. Nếu sóng lớn quá thì tạm nghỉ biển một bữa.
 
Khi đã đến vùng để đánh bắt, hai cái chèo ở khoang giữa được gỡ ra. Giàn mành sơn bằng sợi ni-lông (thời xưa hơn là sợi gai) được hai người cầm chèo giữa thả xuống nước. Những người khác vẫn tiếp tục chèo vì ghe không thả neo. Giàn lưới từ từ chìm xuống mặt biển xanh. Tấm lưới mành xòe ra trông giống như một cái đãy lớn, miệng rộng đuôi úm lại để chứa cá tôm. Ba sợi dây ni-lon lớn bằng ngón tay cái cột ở miệng lưới được giữ lại nơi be thuyền, để lát sau kéo mành lên. Lúc này ông mặt trời đã hiện ra nơi đường chân trời. Những tia nắng hồng ấm áp chiếu rọi khắp nơi. Thủy thủ gác chèo lên be, và mở những gô cơm ra ăn sáng. Chủ ghe vẫn đứng cầm lái, chốc chốc lại khua chèo khuấy nước một lần để giữ cho chiếc ghe khỏi trôi xa vị trí thả lưới. Chỉ khi nào có ai đó cầm chèo thay thì chủ ghe mới nghỉ ngơi để ăn sáng.
 
Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, bốn thủy thủ xúm lại kéo lưới lên. Giàn mành từ từ lộ ra dưới làn nước trong xanh. Dù còn cách mặt nước khá xa đã thấy những con cá đang bị tấm lưới dồn ép quây quần lại với nhau thành đàn. Lưới được kéo lên cao chừng nào đàn cá càng túm tụm lại với nhau chừng nấy. Ở rặng san hô có nhiều loại cá khác nhau, đủ các loại màu sắc đen, vàng, hồng, cam, trắng... bị lùa về phía cuối đãy mỗi lúc một nhanh. Tôi thấy chúng thật tội nghiệp, nhưng đám thủy thủ thì reo hò vui vẻ. Cá nhiều quá! Chủ ghe sợ cái đãy chứa không hết, cá sẽ tràn ra ngoài nên sai một anh thủy thủ trẻ tuổi nhảy xuống nước, dùng một khúc tre dài làm phao nắm lấy cái dây ở miệng đãy mà kéo lên để giữ cho cá khỏi tràn ra ngoài. Hai người đàn ông lực lưỡng hè hụi nâng đãy cá lên khỏi mặt biển và đổ cái ào vào khoang. Mọi người nói cười vui vẻ, đánh giá mẻ lưới đầu tiên như thế là quá tốt. Chiếc ghe lúc kéo lưới bị luồng nước và gió trôi đi hơi xa vùng san hô nên mọi người vội vàng cheo vòng lại chỗ cây tre chà. Mẻ lưới thứ hai lại được tiếp tục thả xuống. Mãi đén lúc không còn thu hoạch được gì chiếc ghe mới rời đi đến vùng rạng khác. Thường thì mỗi chủ ghe sở hữu hai ba vùng đánh bắt. Hôm nay có cá nhiều đến xế trưa họ mới trở vào bờ. 
 
Buổi trưa phụ nữ và các cô gái đem cơm ra biển cho chồng con, ngồi đợi trong những cái chòi rơm. Sau khi ghe đã được đưa lên bãi, thủy thủ khiêng những sọt cá lên chòi. Cá được đổ ra trên một tấm liếp lớn, và hai anh ngư dân phụ trách đong chia cho mọi người. Trong lúc đàn ông nghỉ ngơi ăn cơm thì đàn bà nhận phần cá của chồng con mình, gánh đến chợ bán hoặc san lại cho những người chạy rỗi (bạn hàng mua bán cá). 
 
Cuộc sống hàng ngày cách đây bốn mươi, năm mươi năm ở cái làng chài quê tôi diễn ra như vậy. Nhưng ngày nay tất cả đã khác xưa. Ngư dân đã đóng những chiếc tàu to đùng, đi đánh bắt những vùng biển khơi xa. Bãi biển không còn bóng dáng một chiếc ghe mành nào, mà chí có những vuông tôm xả nước thải đen ngòm và hôi thúi ra một vùng biển đầy thơ mộng với nhiều nét đẹp hoang sơ.
 
26/8/2022
Trần Đức Phổ
 

 

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Quê Tôi

 

HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP QUÊ TÔI 

Người có tuổi thường hay viết hay kể về những chuyện trước đây. Cũng rất dễ hiểu, vi già yếu không còn xông xáo như thời trai tráng, mắt mũi kem nhèm nên đọc báo đọc tin cũng chậm chạp hơn. Đầu óc thì chậm lụt. Bởi vậy chuyện đương thời không cách nào bén nhạy bằng các bạn còn trẻ. Những chuyện mình không rành khi nói và viết đều rất khó. Vì thế cứ ‘ăn mày quá khứ’ là dễ dàng thuận lợi nhất.
Tôi dài dòng rào đón là mong muốn được mọi người cảm thông trước khi viết ra những điều xưa như trái đất, bị mọi người tránh né như tránh hủi, đó là chuyện Hợp tác xã nông nghiệp trong thời kỳ bao cấp 10 năm (1976-1986) ở miền Nam Việt Nam.
 
Như tôi đã nhiều lần nhắc đến, làng tôi vừa có ruộng vừa có rẫy lại có cả biển. Nhưng những năm bao cấp tôi còn bé không thể đi biển được nên chỉ có thể làm ruộng và làm rẫy. Làm rẫy thì nhà tôi có đất đai của ông bà để lại, nhưng không có một tấc đất ruộng nào. Do đó gia đình tôi thuộc thành phần bần nông nên được vận động vào Hợp tác xã đầu tiên. Ngày đó đọc những cuốn sách viết về nông thôn miền Bắc làm hợp tác xã với những cánh đồng lúa năm tấn, tôi ngưỡng mộ và ham muốn lắm. Ước ao rằng quê tôi cũng làm hợp tác xã để tôi có cơm ăn cho thỏa thích. Thế nên nghe nói địa phương sắp thành lập hợp tác xã nông nghiệp tôi mừng lắm, cố gắng thuyết phục mẹ tôi ghi danh đầu tiên. 
 
Tôi nói với mẹ:
- Ngoài Bắc người ta làm hợp tác xã năm nào cũng bội thu. Tất cả những chi phí sảm xuất nhà nước đều lo, mình chỉ cần đi làm công rồi cuối mùa thu hoạch gánh lúa về thôi.
Mẹ tôi nghi ngờ:
- Dễ ăn như thế sao trong ta nhiều người không chịu vào?
- Chắc là họ có nhiều ruộng quá. Vào hợp tác sẽ bị mất sạch nên họ chống đối thôi!
- Nhưng sao mẹ thấy mấy gia đình tập kết từ ngoài Bắc trở về đây còn nghèo hơn nhà mình?
- Có lẽ do họ ở thành phố, gốc công nhân vô sản mà mẹ! Hơn nữa nhà mình vào hợp tác xã được nhận vài chục mét vuông ruộng phần trăm cũng tốt mà!
Bị tôi làm thuyết khách mẹ tôi đồng ý. Hôm đi ghi tên về mẹ đưa cho tôi tờ giấy vẻ không vui:
- Con đọc đi! Sao họ bắt mình phải xin xỏ?
Tôi cầm tờ giấy đánh máy thấy ghi phía dưới câu khẩu hiệu bắt buộc cho tất cả mọi đơn từ, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc là dòng chữ: Đơn Xin Vào Hợp Tac Xã Nông Nghiệp. Tôi cũng ghét hai chữ “đơn xin” nhưng vội an ủi mẹ tôi:
- Họ máy móc làm theo thủ tục thôi mẹ ơi! Đề đơn xin coi như mình tự nguyện tham gia cũng hay hay mà!
Mẹ tôi không nói gì thêm.
 
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đi làm hợp tác xã là một buổi sáng mùa hè. Đúng sáu giờ sáng trong xóm vang lên tiếng keng... keng... keng... của những mảnh kim loại đạp vào nhau. Người ta dùng cái búa to gõ vào một quả đạn pháo 175 ly rỗng ruột làm hiệu lệnh kêu gọi mọi người tập trung về ngôi trường tiểu học trước khi xuất phát. Hôm đó có chừng hai chục người cả nam và nữ. Mỗi người đều vác trên vai một cái cuốc. Anh đội trưởng đội sản xuất dẫn mọi người ra cánh động trống trụi trơ gốc rạ. Anh ta chỉ một đám ruộng vừa mới đốt rơm, bề mặt còn loang lổ những vũng tàn trò đen sì, bảo mọi người xuống đấy dàn thành hàng ngang để cuốc đất. Vì xóm tôi phần lớn các gia đình đều làm biển nên không nuôi trâu bò cày. Thỉnh thoảng những đội sản xuất khác có dư thợ cày mới được điều sang phụ giúp.
 
Mùa vụ đầu tiên ai nấy đều hăng hái làm việc vì cái hứng khởi được làm ăn trong một mô hình sản suất mới vĩ đại theo chủ trương của cách mạng: Làm ăn tập thể. Cuối vụ đó một ngày công vất vả 10 điểm được chia cho 1.2kg thóc. Nhưng dần dà cán bộ làm việc quan liêu. Chủ nhiệm không bước chân ra đồng, giao toàn bộ việc đồng áng cho các đội trưởng sản xuất. Ban quản trị ngồi mát ăn bát vàng, cấu kết với thủ kho, kế toán biển thủ ngân sách, phân bón, thóc giống, và tham ô nông sản... khiến người dân bất mãn, bỏ đi làm chuyện khác. Thời hợp tác xã nông nghiệp quê tôi không có cánh đồng lúa vàng trĩu hạt. Không có hình ảnh anh chủ nhiệm được ngợi ca với “bao tiếng thân thương, lời cảm mến” như trong bài thơ của Hoàng Trung Thông. Dạo đó, cánh đồng làng tôi chỉ có những thửa ruộng khô nức nẻ. Những thân lúa gầy ốm tong teo. Màu xanh của cỏ năng, cỏ lát bao trùm lấn át cả màu xanh của lúa. Để rồi mỗi vụ mùa thu hoạch một ngày công chỉ được vẻn vẹn 5 lạng lúa phơi một nắng có khi là lúa tươi! Không những thế, đội nào gặp phải tay thủ kho tham ô còn bị trộn cát vào trong lúa cho nặng cân để ăn chặn số thóc dư nữa! May là quê tôi còn có những vồng khoai lang, khoai mì. Những chiếc ghe mành sơn sớm chiều hăng hái vượt sóng. Nếu không, ngày đó dân làng đã chết đói hoặc tha phương cầu thực khắp mọi nơi rồi!
 
Sự vật cùng tấc biến. Nhờ phong trào đổi mới cải tổ, Hợp tác xã thay đổi cách làm ăn tập thể bằng “giao khoán sản phẩm.” Nông dân nhận ruộng về canh tác rồi đóng tô thuế cho hợp tác xã và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thật ra sự thay đổi này chẳng có gì mới mẻ cả chỉ là quay trở lại cảnh tá điền lãnh ruộng về cày thuê như thời phong kiến thực dân mà thôi. Dù sao thì cách làm đo cũng đã đem lại hiệu quả. Nông dân được chăm bón trên chính thửa ruộng nhà mình làm chủ nên khác hẳn kiểu “cha chung.” Năng suất tăng vọt. Đồng ruộng lại nghe sóng lúa rì rào.
 
6/9/2022
Trần Đức Phổ
 

 


Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Nhà Ông Ba Mân

NHÀ ÔNG BA MÂN
truyện ký
.
Mới nửa buổi sáng cả xóm bỗng nhiên náo động dị thường. Đang giữa mùa hè lý ra giờ này mọi người ở ngoài đồng làm ruộng, hoặc ở trong bếp lo cơm nước để đến trưa đem ra biển cho chồng mới phải. Nhưng hôm nay có chuyện khác lạ, không giống như mọi ngày. Từng tốp người lũ lượt chạy ngang qua trước nhà tôi lên xóm trên. Hình như trên đó đang xảy ra chuyện gì. Xỏ vội đôi dép cũ kỹ vào chân, tôi chạy theo một tốp phụ nữ. Đến gần nơi có con đường rẽ ngang, lối dẫn vào nhà ông Ba Mân, tôi thoáng thấy có hai chiếc xe công an đang đậu bên vệ đường. Cạnh đó là mấy người mặc quân phục an ninh đang làm nhiệm vụ. Trông thần thái ai ai cũng rất nghiêm trọng.

Hai bên đường từng đám phụ nữ bồng bế con nhỏ, và những đứa trẻ loai choai túm tụm bàn tán rì rầm, Tôi đến gần một nhóm phụ nữ quen biết để nghe ngóng tin tức. Có tiếng người hỏi:
- Chuyện gì đang xảy ra thế?
- Công an đang lục soát nhà ông Ba Mân.
- Vì chuyện gì chứ?
- Nghe đâu ông ta tham nhũng của công!
Có tiếng một người khác cảnh báo:
- Nói khẽ thôi! Công an tỉnh đang làm việc!
Tiếng xì xầm im bặt.

Tôi cố gắng len lỏi tiến về phía trước xem sao nhưng bị một anh công an chận lại. Chỉ còn cách đứng xa xa ngó vào ngôi nhà ông Ba Mân. Ngoài ngõ và trong sân có vài đồng chí công an đứng canh. Trong nhà im ắng, cửa đóng kín bưng.
Nhà ông Ba Mân thuộc về gia đình khá giả nhất làng. Trong khi mọi nhà khác đều làm bằng tranh vách đất thì nhà ông tường xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, nền lát gạch hoa văn bát tràng. Cả xóm chỉ mỗi ông Ba Mân và xã đội trưởng là có cái đài bán dẫn Transistor. Trong nhà bàn ghế đều bằng thứ gỗ tốt, đánh vẹc-ni láng bóng. Đặc biệt nhà có nuôi một con chó bẹc-giê màu đen khá to đặt tên là Thiệu. Có lần thằng Mừng con ông dẫn chó đến nhà tôi chơi; tôi khen con chó cao lớn, oai dũng. Thằng Mừng khoái lắm, gọi Thiệu... Thiệu... và ra lệnh cho nó nằm yên; con chó răm rắp vâng lời. Tôi hỏi, sao chó của mầy đặt cái tên đẹp đẽ, giống tên người vậy. Nó cười ha hả, trả lời tôi rằng, ba nó chúa ghét ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên đặt tên chó như thế chứ đẹp đẽ gi!

Ông Ba Mân làm phó phòng lương thực huyện nên của ăn của để dồi dào. Vợ kế ông là thư ký nơi ông làm việc. Bà vợ này kém ông chồng mười lăm tuổi, còn trẻ măng. Tôi nghe thằng Mừng kể gia đình nó trước ngày giải phóng sống trên núi cao. Mẹ nó bị bệnh sốt rét không có thuốc chữa nên chết sớm. Một năm sau cha nó tục huyền với bà mẹ kế bây giờ, nguyên là một cô gái công tác cùng đơn vị hậu cần.

Bà mẹ thằng Mừng chỉ sinh ra mỗi mình nó. Mẹ kế cũng chỉ sinh được một đứa con trai duy nhất đặt tên là Minh. Thằng bé trắng trẻo khác xa cha con ông Mân có màu da bánh mật. Tuy vậy thằng Mừng và cha nó cưng chìu thằng nhỏ hết mực. Đứa trẻ này hoạt náo, thông minh nhưng mạng yểu. Năm trước nó đã qua đời trong một tai nạn thương tâm. Nhà ông Mân ít người, hai vợ chồng đi làm việc trên huyện. Thằng Mừng đi học. Nên thằng bé ở nhà một mình với bà nội già của nó. Bà cụ mắt kém chân run không quản lý được thằng nhỏ sáu tuổi hoạt đầu. Nó chạy nhảy lục lọi khắp nơi. Không dè thằng bé vớ được khẩu súng ngắn của ba nó để nơi hộc tủ đầu giường. Cái tủ không khóa nên nó lấy khẩu súng ra chơi, ngậm vào miệng và bóp cò... Xảy ra án mạng, công an tỉnh về điều tra. Sự việc tưởng chừng cũng trôi qua với thời gian. Chẳng ngờ nhà ông Ba Mân gặp họa vô đơn chí. Sau khi công an tỉnh kết thúc điều tra, không biết vì buồn mất con hay chuyện gì bà vợ kế của ông bỏ nhà đi biệt. Ông Ba Mân chán đời do mất vợ, mất con sinh ra rượu chè bê tha, bỏ bê công việc...

Mặt trời đã gần đứng bóng. Cái nắng mùa hè ở miền Trung loang loáng đến lóa mắt. Những tia nắng nóng như lửa từ trên cao chiếu gần như vuông góc xuống mặt đường cát dội ngược lên rát cả mặt. Mọi người đã giải tán bớt, chỉ còn một số ít đang núp vào bóng râm của những bụi tre ven đường. Từ trong ngõ nhà ông Ba Mân, một tốp người bước ra. Đa số là công an mặc đồng phục xanh. Một người đi giữa dáng thấp lùn, bận chiếc áo cộc tay màu đen. Đầu ông ta cúi thấp, mái tóc điểm bạc che khuất khuôn mặt. Hai tay người ấy bị còng phía trước, mỗi bên tả hữu đều có một anh công an đi kèm. Nhóm người ra khỏi ngõ bước lên mấy chiếc xe, rời xóm. Mọi người đứng nép sát vệ đường để nhường cho đoàn xe chạy qua, rồi mới giải tán.

Từ ngày đó tôi không thấy thằng Mừng đến lớp nữa. Tôi nghe phong thanh rằng ông Ba Mân làm thâm hụt hơn một tấn thóc của huyện và bị tòa kết tội mười năm tù giam.

5/9/2022
Trần Đức Phổ
 
 







Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Guyện Cái Đầu Hói hay Xem Phim 18+

 

CHUYỆN CÁI ĐẦU HÓI HAY XEM PHIM 18+
 
Các báo online của đảng cộng sản Việt Nam mấy hôm nay rầm rộ đưa tin Bộ công an đang ráo riết truy tìm cô gái lai-chim xúc phạm lãnh đạo cấp cao. Tò mò vì chẳng biết cô thiếu nữ còn trẻ tuổi này ăn gan hùm mật gấu thế nào mà dám vuốt đầu rồng... ủa lộn, râu rồng của các ông lớn, nên tôi vào mạng tìm hiểu sự việc cho rõ đầu đuôi. Các tờ báo chính thống đều chỉ nói vị nữ streamer này “xúc phạm” lãnh đạo thôi, còn xúc phạm như thế nào thì chẳng nói rõ. Phải tốn một ít thời gian tôi mới tìm được cái clip của cô này. Hóa ra cô ta làm đoạn clip chỉ nhằm trả lời một số còm-ment về chuyện ‘cái đầu... hói’ của một số đấng mày râu.
 
Đại khái, cô ta nói rằng, các ông bị hói... đầu là do xem phim 18+ quá nhiều. Ông nào càng nghiện thì đầu càng hói. Đặc biệt nhất là các ngài Chủ tịch thường bị hói đầu và hói nặng. Lý do: các vị này rảnh rỗi quá cỡ cho nên thường hay xem phim con lợn. Chỉ có thế!
Một cái lai-chim tầm phào như vậy mà cả Bộ công an cho rằng đã xúc phạm ngài chủ tịch tối cao của nhà nước Đông Lào nên vào cuộc để truy tìm cho bằng được cô gái kia thì thật đúng là chuyện ruồi bu bãi phân... lợn!
 
Thứ nhất cô gái chẳng nêu đích danh một vị chủ tịch nào. Chỉ bảo “các ông chủ tịch” rất ư là chung chung. Có thể là chủ tịch phường háo sắc, chủ tịch hội mê gái hoặc chủ tịch nước Nga chủ tịch nước Tàu. Đâu cứ hễ nói chủ tịch thì chăm phần chăm phải là chủ tịch Đông Lào? Và nên nhớ cô ấy nói CÁC ÔNG CHỦ TỊCH. Có nghĩa là không phải nói đến bác Bảy rồi. Vì chưng chỉ có một bác Bảy thì không thể là “các ông” được?
 
Thứ hai, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ suy nghĩ của mỗi người được Hiến pháp bảo vệ. Cô ấy chỉ nói ra những gì cô cho là đúng, chưa hẳn điều đó là chân lý để mọi người phải tin và nghe theo.
Như vậy Bộ công an tìm bắt cô ta vì cho là bêu xấu lãnh đạo thì thật vô cùng phi lý. Hay là ở đây có thuyết âm mưu của một nhóm lợi ích nào đó nhằm phơi bày cái máu nghiện phim 18+ của bác Bảy? Mục đích hạ bệ bác ta trước thềm Hội nghị trung ương của đảng? Có lý lắm! Vì nếu Bộ công an không truy bắt cô nàng streamer thì chả ai biết cô ta nhằm vào bác Bảy nhà ta? Chỉ cần một chiêu này thôi có lẽ cái chuyện “miếng thịt bò dát vàng” hay hộ chiếu mới sẽ lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho “cái đầu hói” và “phim 18+” tung hoành trên mạng xã hội.
 
Mà tôi thử đặt giả thiết, (chỉ là giả thiết thôi nhé!) nếu cô ấy có nhằm vào bác Bảy kính yêu đi chăng nữa thì dân chúng cũng đếch thèm quan tâm. Đơn giản là vì các đấng liền ông ông nào lại chẳng khoái xem phim con lợn! Bác Bảy chẳng phải là bậc chơn tu. Dù đang ở địa vị cao của một giáo phái nhưng giáo phái này không có điều lệ cấm thú vui xác thịt hoặc ăn chay diệt dục. Thế thì bác ta có xem phim 18+ đi chăng nữa cũng ok salem! Mở ngoặc chỗ này là, nếu bác ấy chịu khó xem những loại phim như thế ở phòng ngủ với bà xã hoặc với bồ nhí. Cũng có thể xem nơi phòng riêng hoặc trong toilet trên chuyên cơ lúc đi công cán. Tuyệt đối không được xem ở chỗ nghị trường khi dân biểu đang họp bàn cách thu vàng trong dân.
 
Lợi ích của việc xem phim con lợn thì các ông các bà sồn sồn đều quá rõ! Nó giúp cho các ngài ấy sau một chầu bia rượu no say không cần món viagra cũng có thể thượng cờ tướng quân xông thẳng trận tiền nhằm làm vui lòng nội tướng quá đát hoặc cô đào măng tơ. Nó giúp các quý ngài giữ vững bản lĩnh đàn ông và làm các bà vui sống bên chồng. Thực tế thì nếu xem phim 18+ có bị phản ứng phụ mà hói đầu cũng rất đáng cho các ông xem. Biết đâu như thế các bà chẳng hạnh phúc hơn?
Trong các lần tranh World Cup trước kia, tôi để ý các bà cùng xem, hễ thấy trận nào có cầu thủ Ronaldo của Brazil đá mà giành được bóng thì y như rằng họ reo lên:
- Tui khoái thằng trọc này! Hễ nó lên là vào ngay!
 
Đấy! Hói là rất dũng mãnh! Thế thì em ấy có nói bác chủ tịch vì xem phim 18+ nhiều mà bị hói cũng là một cách khen bác ấy khỏe như vâm đấy ạ!
 
Ngày đầu tháng 9, 2022
Tú Điếc
 

 

Am Đồ Tỉnh, Anh Đồ Say

 

ANH ĐỒ TỈNH ANH ĐỒ SAY 
 
Lúc nãy lướt Facebook bắt gặp 2 câu thơ sau của thi sĩ Thanh Đang:
“Chưa say đã thấy hồ đồ
Chưa yêu đã thấy em là của tôi.”
 
Bất giác chợt nhớ đến ngài Chiêu Hổ. Không biết là ông đã say chưa, nhưng theo lời bà Hồ Xuân Hương thì quả thật ông đã hồ đồ lắm lắm. Hồ đồ đến nỗi bà Xuân Hương phải mắng yêu:
 
Anh đồ tỉnh anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!
 
Cái nghệ thuật chơi chữ của bà chúa thơ Nôm thì khỏi phải bàn rồi. Ở đây chỉ nói đến cái gan lỳ tướng quân của ngài thi sĩ. Giữa thanh thiên bạch nhật mà ông dám mó vào hang hùm thì quả thật đúng là gan to bằng... Chiêu Hổ! 
 
Các đấng trượng phu đi cua gái thường hay mượn chút cồn để dễ làm càn thì phải? Nếu lỡ có bị các nường phang cho một tát tay cũng còn có cớ đổ lỗi cho con ma men, chứ không phải do tính háo sắc của mình. Lý do này thường được các mỹ nhơn thông cảm. Phải chăng chính vì thế mà đàn ông rất khoái uống rượu có người đẹp hầu? Và thành ngữ “nam vô tửu như kỳ vô phong” được phát xuất từ thanh lâu?
 
Quay lại chuyện Hồ Xuân Hương với Chiêu Hổ. Bị người đẹp lỡm nhà thơ vẫn đối đáp một cách rất hào tifnh:
 
Này anh tỉnh này anh say
Này anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con ẵm chốc tay.
 
Sống ở đời, được cùng nhau đối thơ như thế này mỗi ngày thì xuân xanh còn mãi mãi.

2/9/2022
Tú Điếc