Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Vắt Đeo Chân Hậu

Tác giả: Trần Bảo Kim Thư
 
người đẹp xắn quần lội suối sâu
ơ hơ, gặp phải vắt mày râu
yêu hoa thích ngọc nên đeo bám
Vắt hỡi chú mày đeo chỗ nao? 
 
 

 

Mộng Tào Lao

Tác giả: Trần Đức Phổ

Thời trẻ hay mơ mộng hão huyền
Được làm lãng tử, ngoạn non tiên
Thong dong ngày tháng cùng thơ phú
Sống cảnh vô ưu, chẳng nhọc, phiền

Đêm ngủ thường nằm thấy chiêm bao
Lạc loài đến tận xứ tiên nào
Chẳng cần lo nghĩ tiền, cơm, áo...
Bữa ăn toàn hải vị sơn hào

Ngày ngắm con thuyền giữa biển khơi
Ước gì được thong thả rong chơi
Trên con thuyền mộng, cùng trời đất
Xem thử mỹ nhân được mấy người?

Bốn bức tường vôi khó nhốt lòng
Ngồi trong lớp học nghĩ mông lung
Muốn làm cánh nhạn bay ngoài cửa
Quả đất nơi đâu chỗ tận cùng?

Nếu biết ngày nay mộng lại thành
Tha phương biệt xứ - kiếp thuyền nhân
Thì xưa còn bé – đừng mơ mộng
Đâu có bây giờ nhớ cố hương! 
 
 

 

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

CHẠY CÒNG

 

Ký ức tuổi thơ



 

CHẠY CÒNG

 

Quê tôi nằm sát bờ Biển Đông. Từ nhà ra đến bãi biển khoảng chừng 500 mét. Có những hôm biển động mạnh, nằm ở nhà vẫn nghe tiếng sóng vỗ. Trong không khí, hít thở luôn cảm giác được vị mặn của muối.

Những ngày hè nóng bức, chiều chiều cả xóm thường kéo nhau ra tắm biển. Thuở ấy, dân cư còn ít, không có hồ tôm, ao cá nên bãi sạch trơn. Nước trong xanh, lội tới ngực vẫn nhìn thấy đáy cát. Đôi khi còn nhìn thấy cả con ngao, con cúm núm nằm sát mặt đất. Ngoài xa, những chiếc ghe buồm, ghe chèo ngang dọc trên mặt biển xanh. Mấy chú chim hải âu chao đôi cánh trắng lượn lờ, thỉnh thoảng lại kêu lên inh ỏi. Trong bờ, những con sóng nhỏ lăn tăn, sủi bọt trườn mình lên bãi cát, nơi có những con còng đang mải miết đào hang.

Thú vị nhất là vào những đêm mùa hè. Ở miền Trung, đêm mùa hạ, trời rất nóng nực, khó ngủ. Bọn trẻ chúng tôi thường chờ trời sụp tối là rủ nhau cuộn chiếc chiếu cũ đem ra trải trên bãi cát để nằm ngắm trăng, sao. Những đêm rằm, mười sáu mà nhìn trăng đúng lúc vừa nhô lên khỏi đường chân trời thì thật là tuyệt. Mặt trăng to, tròn vành vạnh vàng ối như một quả hồng khổng lồ từ từ trồi lên khỏi mặt nước đen ngòm mênh mông. Những tia sáng đầu tiên trải một vệt dài trên mặt biển lấp lánh, lung linh như những chuỗi đồng tiền vàng. Khi trăng lên cao bọn trẻ chúng tôi xúm lại tổ chức những trò chơi như kéo co, rượt bắt, bỏ khăn... Cuộc vui kéo dài mãi đến khuya, khi đã thấm mệt mới giải tán đi ngủ.

Những đêm có trăng đã vui, những đêm không trăng lại càng lý thú hơn. Chờ lúc trời vừa tối, các anh chị lớn tuổi thường tổ chức “chạy còng”. Đó là cách gọi trò rượt đuổi để bắt những chú dã tràng bên mép sóng. Chạy còng thường có hai cách. 

Cách thứ nhất là dùng một cái đèn măng-xông thắp sáng rực. Một người lớn cầm đèn đi trước, bọn nhóc chúng tôi đi phía sau, chia ra hai bên tả, hữu như dàn quân đánh lộn. Những chú còng gió to đùng chẳng quản ngày đêm se cát lấp biển, đột nhiên nhìn thấy đất trời sáng lóa, liền ngừng chân đứng lại giương đôi mắt ngờ nghệch lên nhìn. Chỉ đợi có thế bọn trẻ theo sau chạy ào lên, dùng những bàn tay thô kệch vồ lấy chúng. Nhiều con thoát được cố tìm đường tháo chạy về phía biển. Ngay lập tức vài đứa nhanh nhẹn lao theo túm lấy. Nhiều đứa vì quá hăng say bị vấp té, hoặc sóng đánh ướt mèm. Tuy vậy hẽ bắt được chú còng là coi như lập được công trạng rồi, nên khoái trá ra mặt. Còng bắt được vội vàng bỏ vào thùng thiếc có nắp đậy do một bạn xách theo sau. Đội hình không ngừng di chuyển theo bề dài của bờ biển.

Cách thứ hai là dùng một mảnh lưới cước mềm, mắt lưới nhỏ, quê tôi gọi là lưới bén, người miền Tây dùng để đánh bắt cá sông, làm dụng cụ vây bắt. Tấm lưới giăng ngang, kéo dài từ mép sóng lên phía trên bãi khoảng 2 đến 3 mét. Mỗi đầu do một người cầm mí lưới (đầu phao), còn đáy lưới (đầu chì) thì thả sát mặt đất. Hai người một trên một dưới cùng kéo tấm lưới chạy về phía trước, chạy hơi chênh chếch nhau. Phía mép nước chạy trước vài bước để đón lỏng khi bị kinh động những con còng tháo chay về phía biển là sa ngay vào lưới. Hễ chạy được một đoạn thì ụp chiếc lưới lại, bật đèn pin lên để soi bắt những con còng đã dính vào lưới, gỡ chúng ra bỏ vào cái thùng thiếc. Và cứ thế quy trình lại tiếp tục bắt đầu lại từ đầu. Có hôm ‘trúng mánh’ có thể bắt được cả một thùng thiếc to.

Cuối buổi chạy còng xong, mọi người quây quần lại đốt một đống lửa thật lớn để nướng hoặc rang số còng chiến lợi phẩm. Những con còng mập mạp vừa béo vừa thơm, ăn nóng bên bếp lửa giữa khung cảnh vắng lặng mênh mông chỉ có ánh sáng sao mờ mờ như thời tiền sử, cảm giác cũng thật là lạ.

Cuộc sống của những đứa trẻ miền bãi ngang thuở trước thật vô cùng gần gũi với mẹ thiên nhiên. Đứa trẻ nào cũng đen nhẻm. Da thịt, tóc tai thấm mùi biển mặn. Tuy thế, đứa nào trông cũng khỏe mạnh, rắn rỏi. Tuổi thơ của tôi là như vậy, ngập tràn những kỷ niệm về miền thùy dương sóng xanh cát trắng.

 

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Thơ Mừng Sinh Nhật Con Gái

Tác giả: Trần Đức Phổ

Con gái người xưa ví với hoa
Nhưng riêng cha mẹ vẫn xem là
Món quà lớn nhất trời ban tặng
Lúc con chào đời khóc oa oa

Bé nhất cho nên nội ngoại yêu
Thường ngày nhõng nhẽo bị anh trêu
Cứ hay méc mẹ... đòi quà vặt
Dỗi chuyện không đâu để được chìu

Năm nay mười bảy tuổi đời xanh
Không cần son phấn cũng tươi xinh
Nhưng còn khờ khạo, ngây thơ lắm
Chỉ biết siêng năng chuyện học hành

Sinh nhật mõi năm được mở qùa
Bạn bè sum họp đủ gần xa
Năm nay Covid không người tới
Chỉ có vần thơ của chính ba

Chúc con sinh nhật vạn điều may
Luôn luôn hạnh phúc cả đời này
Khiêm tốn, tự tin và mạnh mẽ
Sẵn sàng chào đón một tương lai 
 
 

 

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Hoa Tulip

Tác giả: Trần Đức Phổ

 
Tháng Tư mùa xuân đã trở lại với vùng đất lạnh Canada. Cỏ cây bắt đầu hồi sinh. Chồi xanh của những cây hoa tulip đã vươn mình khỏi mặt đất, để kịp nở rộ vào mùa Lễ hội hoa Tulip (tháng Năm).
.
 
 
Nằm sâu dưới lớp đất đen
Suốt mùa đông lạnh, phủ trên tuyết dày
Vậy mà xuân đến lạ thay
Chồi non xanh mướt đâm ngay lên rồi

Lá như lưỡi kiếm chọc trời
Nụ hoa là trái tim người thanh xuân
Chẳng trang quốc sắc giai nhân
Cũng là mỹ mạo trần gian khác thường

Tên em gọi Uất-kim-hương
Loài hoa của yêu thương ngọt ngào
Xuân về tình ngỏ ý trao
Thủy chung son sắt thắm màu hoa tươi

14.4.2021 
 
 

 

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Bài Thơ "Mẹ Tôi Chửi Kẻ Trộm" Có Tính Nhân Văn Không?

 

Ông NHT cựu Chủ tịch Hội nhà văn VN nhận xét về bài thơ "Mẹ Tôi Chửi Kẻ Trộm" như thế này:
"Lý thường, khi chửi kẻ trộm người ta sẽ nguyền rủa kẻ trộm gặp những tai ương, đây "mẹ tôi chửi kẻ trộm" lại mong cho kẻ trộm đủ ăn, giàu có, tử tế lên để không phải đi ăn trộm nữa. Tư tưởng đó nhân văn vô cùng, tâm hồn rất cao thượng, độ lượng. Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình", ông Hữu Thỉnh lý giải về cái tứ thơ khiến ông rất thích và xúc động.
 
Xin có mấy điều để thưa như sau:
 
1. thứ nhất,
Viết về lòng nhân văn của người mẹ, nhất là người mẹ Việt Nam thì có rất nhiều điều để viết. Ví như hy sinh cả cuộc đời cho con cái, tần tảo sớm hôm, rộng lòng hương cảmi với người gặp cảnh khốn khó...
 
2. thứ hai
Khi bị mất của, nếu đã chửi thì phải chửi cho ra nhẽ, cho thằng ăn trộm nó biết nhục để nó bỏ xứ mà đi thì mới là nhân văn. Vì sao? Nếu bà mẹ mà cứ mỗi lần mất gà lại cầu trời cho thằng ăn trộm giàu có thì nó sẽ đi ăn trộm khắp làng. Ai cũng như bà mẹ nọ thì nó (thằng ăn trộm) sẽ hưởng được rất nhiều phúc từ việc ăn trộm do có nhiều người cầu mong cho nó giàu sang.
 
3. thứ ba
Kẻ ăn trộm bản tính vốn tham lam, lười biếng không bao giờ chịu khó làm lụng nên chúng mới đi ăn trộm. Vả lại một năm ăn trộm bằng ba năm làm, mà ăn trộm được người bao che thì ngu sao không tiếp tục ăn trộm? Ở cạnh nhà tôi lúc xưa có nguyên cả một nhà từ vợ chồng đến con cái đều sống bằng nghề ăn trộm và ăn cắp. Họ dạy nghề cho nhau.
 
4. thứ tư
Chắc gì thằng ăn trộm lúc giàu sang lại sống tử tế? Biết đâu lúc ấy nó có quyền có thế đi bắt vợ, hoặc con gái nhà người khác về làm tì thiếp thì sao?
 
Tóm lại, thơ không vần vẫn có rất nhiều bài hay. Còn riêng bài này chủ khảo bảo chấm giải vì cái "nhân văn" của nó thì tôi thấy khó thuyết phục. Có thể bài thơ có chút nhân văn họa may khi đổi tựa đề thành: "Mẹ Tôi Chửi THẰNG BÉ Bắt Trộm Gà". Tôi nghĩ vậy.
 
Trần Đức Phổ

Chim Sơn Ca

Tác giả: Trần Đức Phổ

Em là con chim sơn ca
Bay vào khoảng lặng vườn ta một chiều
Hát vang điệp khúc thương yêu
Và mùa xuân nở thật nhiều hoa thơm

Mùa hạ trái chín căng tròn
Thu sang là những chồi non nẩy mầm
Mùa đông đã hết lạnh căm
Rất nhiều thay đổi âm thầm diễn ra

Riêng ta một gã bê tha
Quanh năm bài bạc rượu trà gió trăng
Bỗng dưng bó thói lăng nhăng
Thành người chịu khó siêng năng kiếm tiền

Thật ra cũng hơi phiền phiền
Nhưng vì để được nàng tiên vừa lòng
Nên ta ngoan ngoãn cho xong
Chịu làm chim ở trong lồng ngon ơ

Em là con chim sơn ca
Kể từ ngày đó thành ra mặt trời!
Bao năm vật đổi sao dời
Sơn ca Vẫn hót những lời tình thơ! 
 
 

 

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Cha Tôi Chửi Quân Cướp Nước

 Thơ nhại

Bài ăn theo bài thơ đoạt giải của Tòng Văn Hân

Mỗi lần nghe tin Tàu cộng
Phá quấy ở Biển Đông
Giở sách Quốc sử
Cha tôi lại chửi
Toáng lên
 
Nào
Mã Viện, Hoằng Thao, Quách Quỳ
Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi
Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống...
Cầu mong các ông sống khôn
Thác thiêng
Thăng quan, tiến chức
Hưởng phước cõi thần tiên
 
Nào
Thực dân Phú lang Sa
Phát xít Nhật Bản
Trung Hoa cộng sản
Cầu mong quý quốc thái hòa
Binh cường mã tráng
Nước giàu, dân no
Hoàng Sa, Trường Sa cứ lấy
Biển Đông cứ chiếm
Xây dựng Trung Hoa phú cường
Để không đem quân xâm lược đât nước nhược tiểu của chúng tôi
Tình anh em, đồng chí tuyệt vời
 
Bởi vậy,
Tuy đất Việt dân nghèo, đất hẹp
Nhưng lắm đại cường giao kết thông thương
Cũng là do chữ nghĩa nhơn
Sẵn lòng nhương nhịn
 
10.4.2021
 

 
 
 

Làm Rể

Tác giả: Trần Đức Phổ

Thuở ấy qua còn khờ khạo lắm
Tuổi mới đôi mươi chửa biết gì
Mẹ bảo sang nhà em ở rể
Dùng dằng rồi cũng phải ra đi

Gặp ông bà nhạc, chao ôi! ngượng!
Lúng búng trong mồm những dạ, thưa
Em bưng khay nước ra mời khách
Cúi mặt nhưng mà mắt liếc qua

Trông em nhỏ nhắn như con nít
Tuổi chừng mười sáu hoặc mười lăm?
Tóc hoe màu nắng, hai con rít
Khẽ đong đưa đều theo bước chân

Ngày đầu làm rể đi tát nước
Gàu sòng hai đưa tát ven sông
Bầy chim chiền chiện đua nhau hót
Lúa thì con gái ngút xanh đồng

Nghỉ mệt em mời qua giải khát
Khúc mía to đùng màu tím than
Tinh nghịch nhìn qua cười trong mắt:
“Anh xiết giùm cho, cứng khó ăn!”

Đêm đó lạ nhà không ngủ được
Ra hè đốt thuốc nghĩ vu vơ
Con trai làm rể đủ ba bữa
Được vợ xem ra cũng mệt phờ!

11.04.2021 
 
 

 

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Khoảng Trống Trái Tim

Tác giả: Trần Đức Phổ

Muốn hẹn hò em nhưng ngượng quá
Ba năm chẳng nói được câu nào
Mỗi ngày đều gặp mà xa lạ
Thân tình chỉ có ở chiêm bao

Không tặng thơ tình do ngại sến
Vần vè đặc sệt vở cải lương
Em tân thời vậy nào yêu mến
Người hay mơ mộng chuyện hoang đường

Muốn gửi tâm tình vào inbox
Lo em chẳng thích, chặn là xong!
Đêm về nghĩ kế hơi tàn ác
Bắt cóc em về có được không?

Ba năm tình ấy nhiều tha thiết
Anh vẫn trông chờ mỗi phút giây
Nếu có hôm nào em chợt biết
Hãy điền khoảng trống trái tim đây!

9.4.2021 
 

 

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Cổ Tháp

Tác giả: Trần Đức Phổ

Cổ Tháp u trầm dưới bóng trăng
Đâu rồi ngày tháng hội hoa đăng
Chiêm nương lộng lẫy dâng quỳnh tửu
Tấu khải hoàn ca, tiệc tẩy trần?

Rừng vẫn xanh màu xanh rất xưa
Mơ đàn voi trận Chế Bồng Nga
Rống lên tiếng uất rung trời đất
Vạn ánh đao quang lóe sáng lòa

Cổ Lũy, Đồ Bàn ngập máu xương
Những chàng trai dũng tử sa trường
Hồn không nơi ngụ về nương náu
Cổ Tháp điêu tàn lạnh khói hương

Chiêm quốc hỡi! Hôm nay non nước Việt
Cũng ngậm hờn trước hiểm họa bắc phương!

8.4.2021 
 
 

 

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Trăng Sa Huỳnh

Tác giả: Trần Đức Phổ

Đêm lặng lẽ chìm vào cô tịch
Vầng trăng non chênh chếch trời cao
Nằm nghe sóng vỗ lao xao
Sa Huỳnh hỡi, trăng đêm nào khó quên?

Hai trái tim thề nguyền ân ái
Giọt sương đêm nặng mái đầu xanh
Lời yêu thương đó nồng nàn
Mặn như ngọn gió từ ngàn khơi xa

Đêm huyền diệu như là cổ tích
Ánh trăng cùng sóng bích hòa đàn
Lăng xăng mấy chú dã tràng
Hình như từ thuở hồng hoang vẫn đào

Đôi môi em ngọt ngào tình tứ
Đưa anh vào huyền sử tình thơ
Phải chăng từ đó đến giờ
Vẫn còn dấu vết trên bờ môi ai?

Triền cát trắng chạy dài thoai thoải
Êm như nhung vây lấy đôi ta
Lan man cứ tưởng đâu là
Anh Chử Đồng Tử, em là Tiên Dung

Một khung cảnh vô cùng thơ mộng
Chị Hằng Nga cũng động lòng phàm
Trốn vào sau ngọn núi lam
Trả đêm cho những tình nhân mặn nồng

1.4.2021 
 

 

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Thơ Tình Ngẫu Hứng

 

tự nhiên lười làm thơ tình
hay là do bởi vì mình lỡ yêu?
bao nhiêu nhan sắc mỹ miều
ngày ngày nhìn thấy không yêu cũng khờ