Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Thơ & Tiếng Lòng Chúng Ta

 

Tác giả: Trần Đức Phổ

Có những bài thơ chẳng quên đâu
Dường như ghi khắc mãi trong đầu
Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà đó
Chẳng dễ gì quên dẫu bạc đầu

Có những bài thơ thật hào hùng
Vì tình đất nước, nghĩa non sông
Bao chàng trai trẻ liều sinh tử
Đổ máu sa trường lập chiến công

Có những bài thơ chạm đến tim
Lời ru của mẹ những đêm đêm
Cho con giấc ngủ tròn mơ mộng
Lứa tuổi vô tư chẳng muộn phiền

Có những bài thơ giục lòng ta
Như trăng xế bóng giục canh gà
Bình minh tươi sáng theo ngày mới
Tung cánh chim trời lướt dặm xa

Có những bài thơ thấm tận hồn,
Lần đầu ai tặng nụ môi hôn
Bướm ong say đắm mùi hương lạ
Ngọt tiếng thơ reo nước suối nguồn

Có những bài thơ thật vô duyên
Dựa hơi những kẻ có uy quyền
Bán xôn danh giá dăm đồng lẻ
Với những âm vần quá đảo điên

Ôi, những nhà thơ! Những nhà thơ
Tạc vào bia đá có ai ngờ
Tương lai đời hẳn còn lưu dấu
Chân tướng mỗi người sau áng thơ. 

 



 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Chút Kỷ Niệm Với Người Cha Kính yêu Đã Khuất

 

CHÚT KỸ NIỆM
VỚI NGƯỜI CHA KÍNH YÊU ĐÃ KHUẤT
 
Ngày mai là lễ Father’s Day.
Thắp nén hương thơm
Tỏ bày tâm sự
 
Tôi chưa viết được một bài nào cho ra hồn về Cha tôi. Có lẽ là vì ông mất đã khá lâu, ngày mai là còn đúng một tuần ngày kỵ (giỗ) 51 năm ngày mất của Người. Lúc đó tôi khoảng chừng bảy, tám tuổi, cái lứa tuổi ham chơi lêu lổng chẳng biết quan tâm đến ai. Vả lại, Cha tôi là một người ngư dân chí thú làm ăn nên quanh năm suốt tháng sống trên tàu thuyền. Anh em chúng tôi được mẹ và các chị chăm lo chu đáo mọi việc.
 
Tôi chỉ còn nhớ mang máng, Cha tôi là một người tầm thước, thân hình vạm vỡ, cơ bắp săn chắc như dây thừng. Nước da ông màu đồng hun, dãi dầu nắng gió. Từ thuở còn rất trẻ Cha tôi đã bắt đầu làm nghề đánh cá, theo nghề nghiệp của gia đình. Ông bà nội tôi sinh được bảy người con. Bác Hai lớn nhất mất sớm khi còn bé. Rồi đến cô Ba. Ba tôi xếp thứ Tư (theo cách gọi của người miền tôi), nhưng là con trai trưởng trong nhà nên bỏ học sớm để phụ giúp gia đình nuôi đàn em dại. 
 
Khi lớn lên, lập gia đình ra ở riêng Cha tôi cũng không được chia của cải gì nhiều, chỉ là một mảnh vườn nhỏ, và một chiếc ghe con con. Với nghị lực và sự cần cù, chịu khó nên đếm năm Cha tôi mất sản nghiệp của gia đình tôi đã khá hơn. Cha tôi lúc đó đã làm chủ một chiếc tàu đánh cá khá lớn, chạy bằng máy dầu hẳn hoi chứ không phải là ghe bầu chạy buồm như thời của ông tôi. Cùng với chiếc tàu là ba đầu lưới đánh cá. Mỗi đầu lưới cỡ hai mươi tấm lưới. Trong đó gồm có lưới chuồn để đánh bắt cá chuồn vào mùa hè; lưới ba để đánh bắt cá nháy, cá rựa... vào mùa đông; lưới cảng để đánh bắt cá thu, cá ngừ, cá sòng... lúc xuân-hè. Nói chung, Cha tôi là một thủy thủ và là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm.
 
Kỷ niệm sâu sắc nhất mà tôi còn nhớ về Cha là Người đã tập bơi cho anh em chúng tôi. Ngày ấy, gia đình tôi đang sinh sống ở Sa Huỳnh vì nơi đây có cửa biển tốt hơn, vả lại được quân đội Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ nghiêm ngặt hơn, nên ít bị du kích cộng sản quấy phá.
 
Một buổi chiều mùa hè, Cha tôi dẫn anh em tôi ra biển. Chúng tôi được cho ngồi vào một chiếc thúng (mủng) chai lớn, do Cha tôi bơi chèo ra chiếc tàu nhà tôi đang thả neo ngoài xa. Mặt biển rộng mênh mông, nước trong xanh, nhìn thấy cả những con cá chai, con cúm núm bò nơi đáy cát. Gió nhẹ nhưng mặt biển cũng gợn lên những con sóng nhấp nhô. Ánh nắng buổi chiều màu mật ong rót xuống chiếc dầm bơi loang loáng nước cứ lấp la lấp lánh như những đồng tiền vàng đang rơi xuống mặt biển xanh. Trong bờ một bầy trẻ con đang tắm, cạnh chúng một số người lớn vừa trông chừng vừa cào nghêu, cào ốc.
 
Khi đến cạnh chiếc tàu, Cha tôi lấy chiếc dây thừng trong mủng cột vào thành tàu. Xong, ông lần lượt ôm hai anh em tôi thả xuống biển. Tôi hoảng hồn thất kinh. Một ngọn sóng nâng tôi lên, rồi hạ tôi xuống làm tôi uống một ngụm nước mặn chát. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết nếm mùi vị của nước biển. Tôi thất thanh kêu lên “cha... cha...” Cha tôi vẫn bơi gần đấy nhưng không đưa tay cho tôi vịn. Ông chỉ ôn tồn bảo tôi nằm soãi người ra và đập tay đạp chân cho mạnh. Tôi cố gắng nằm ngang người trên mặt nước nhưng không được nên quẫy đập tứ tung. Càng đập đôi chân tôi càng nặng nề và càng chìm dần. Lúc tôi sắp chìm hẳn thì đột nhiên người tôi được nâng lên. Tôi ngước mặt lên hớp lấy không khí, có cảm giác như vừa được thần tiên cứu giúp. Sau khi bình tĩnh lại tôi mới biết bàn tay của cha tôi đang đặt dưới bụng tôi, nâng lên, nên tôi mới thoát chết. Nhìn kỹ lại thì thấy em tôi đang điu vai bên kia của Cha tôi, và nó nằm dài trên mặt nước đôi chân đạp loạn xa. Cha tôi vẫn với tư thế bơi đứng như vậy tập cho anh em tôi bơi đi một đoạn xa. Sau đó chúng tôi mới lên tàu ngồi phơi nắng.
Một lần khác, Cha tôi đã dẫn chúng tôi đi hớt tóc ở một tiệm cắt tóc gần nhà. Cha tôi là người ít nói và rất hiền lành, chưa bao giờ Người đánh đập anh em tôi roi nào. Tính hiền lành, thật thà của Cha tôi nổi tiếng cả một vùng. Có lẽ cũng vì thế mà các chị gái tôi đều dễ lấy chồng và đều sống hạnh phúc dù không giàu có gì. Con gái nhờ đức cha mà.
 
Năm 1971 Cha tôi mất vì một loạt đạn ngớ ngẩn của một anh lính miền Nam hay dân vệ gì đó bắn lúc còn ngáy ngủ sau khi đổi ca gác. Tôi nghe bạn của Cha tôi kể lại với mẹ tôi như vầy:
Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, Cha tôi xách chiếc đèn măng xông cùng năm người bạn chài khác lên cảng cá Sa Huỳnh để đi biển, vì tàu của Cha tôi đậu ở bến cảng bán cá hôm trước. Năm ấy ở Sa Huỳnh chiến sự rất căng thẳng, cộng quân thường đánh phá. Người dân đi đêm phả mang đèn thật sáng để dễ dàng nhận biết. Đoàn người của Cha tôi làm đúng theo quy định. Thế nhưng tên lính gác vừa mới thay ca trên chòi canh bến cảng nhìn thấy ánh đèn và bóng người di chuyển lại tưởng là cộng quân nên bắn một loạt súng liên thanh vào nhóm người vô tội. Cha tôi bị đạn xuyên qua yết hầu, mất ngay tại chỗ. Một người bạn khác của ông bị bắn gãy chân trái. Đến nhà thương bác sĩ phải cưa chân bỏ thì mới bảo toàn được tính mạng. Sau loạt đạn những người còn lại tháo chạy ra biển, trầm mình dưới nước mới được thoát nạn.
 
Lúc nghe tin dữ cả nhà tôi bàng hoàng, chết điếng. Mẹ tôi bỏ cả ăn uống ngủ nghỉ, thức trắng bên quan tài Cha tôi suốt mấy ngày đêm. Sau đó dù một thân một mình đường sá khó đi, bà vẫn nhất quyết đem thi thể cha tôi về chôn cất ở quê nhà. Các chị lớn của tôi đều ở cả trong Sài Gòn mãi đến vài tháng sau mới hay tin mà về.
 
Năm mươi mốt năm đã trôi qua sự ra đi vĩnh viễn của Cha tôi là một mất mát khủng khiếp đối với gia đình chúng tôi. Tôi luôn nghĩ với tính khí hiền lành của ông chắc chắn là ông đã về cõi bồng lai nhược cảnh. Hôm nay nhân ngày lễ Father’s Dây và ngày Kỵ cơm sắp tới của Người, đứa con bất hiếu thành kính dâng lên Từ phụ nén tâm hương từ nơi viễn xứ.
 
June 18, 2022
Trần Đức Phổ
 
 

 

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Cảm Tác Ca Khúc “Hận Đồ Bàn”

Tác giả: Trần Đức Phổ

Tôi không phải mang dòng họ Chế
Vẫn tâm tư vận nước Chiêm Thành
Đồng điệu với dân Hời có lẽ
Cùng lưu vong trên chính quê mình?

Cô gái Việt làm dâu Chiêm quốc
Bảy trăm năm hồn vẫn đi về
Cháu con bà ai còn ai mất?
Thành quách xưa chẳng dấu tích gì!

Ô, có phải Chiêm nương quá đẹp
Lả lơi dâng điệu múa nghê thường
Đôi tay ngà rót chung rượu ngọt
Làm nhụt lòng, giảm chí quân vương?

Từ lúc Chế Bồng Nga tử trận
Những trai hùng tướng giỏi nơi đâu?
Biển réo gọi chiến thuyền vượt sóng
Rừng xanh mơ tiếng rống voi chầu

Những ngọn tháp của thời hưng thịnh
Nay tan hoang đổ nát rêu phong;
Những vị thần linh thiêng dũng mãnh
Bị thu hồi bí tích thần thông?

Những đóm lửa ma Hời thấp thoáng
Đang tìm về với núi sông xưa,
Ca khúc “Hận Đồ Bàn” bi tráng
Cũng chỉ buồn, nuối tiếc vu vơ!

17/06/2022 
 
 

 
 
 
 

Cây Đa Đầu Làng

Tác giả: Trần Đức Phổ

Làng tôi có cây đa cổ thụ
Cả xóm thường khấn vái cầu xin
Bọn trẻ con hầu như khiếp sợ
Chẳng bao giờ trèo bắt tổ chim

Dưới gốc cây khói nhang nghi ngút
Người ngang qua lặng lẽ, kiêng vì...
Chiếc lá rơi giật mình hoảng hốt
Vội cúi đầu lủi thủi bước đi

Những ông táo, bình vôi dưới gốc
Vun thành gò. thành đống từ lâu
Tàn lá rậm lũ chim sâu hót
Như vọng về từ cõi âm u

Bọn quỷ ma không ai thờ tự
Cũng kéo về trú ngụ, ăn theo
Lễ Cô Hồn mỗi năm đều có
Khói hương thơm, vàng mã thật nhiều

Rồi một hôm đùng đùng giông tố
Thân cây già bị đánh gãy đôi
Cả làng nước đến xem chợt ngộ
Mối mọt ăn rệu rã lâu rồi!

16/6/2022 
 
 

 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Tướng Thành Củi

 

Nước nhà yên ổn chẳng đao binh
Tướng tá đua nhau đáo tụng đình
Tam lược bạc vàng lo kiếm chác
Lục thao của cải vội tìm rinh
Gặp thời mép dãi khoe công trạng
Thất thế mồm loa kể bệnh tình
Những tưởng suốt đòi vì tổ quốc
Ai dè tham chút bả hư vinh!
 
14/06/2022
Trần Bảo Kim Thư
 
 

 

Vẫn Bay Tà Áo Lụa

Tác giả: Trần Đức Phổ

Gót ngọc năm nào ai qua đó
Để lạc mùi hương lối cỏ hoa
Lâu lắm dưng mà luôn luyến nhớ
Đôi nét u huyền bóng dáng xưa

Lật trang thơ cũ tìm hình bóng
Hoa rơi giữa lớp bụi phai mờ
Chợ tình Khau Vai về trong mộng
Cố nhân còn khuất nẻo sông hồ

Chẳng có tàn y làm kỷ vật
Vẫn còn áo lụa của ai bay
Tà huy rực rỡ chưa lịm tắt
Rọi áng mây hồng như áo ai

14/06/2022 
 
 

 

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Tản Mạn Về Việc Tặng Thơ

 

Sáng nay, đọc trên Facebook của thi sĩ Nguyễn Hàn Chung về chuyện ông đã tặng thơ cho bạn bè, nhưng có người vì không biết trân quý tình cảm cũng như tác phẩm của ông mà đem sách ra bán ngoài chợ trời. Nhưng đây không phải là tình trạng hiếm hoi. Còn nhớ có lần tôi đọc được trên trang Facebook của thi sĩ Luân Hoán, cũng thấy ông tâm sự rằng đã tặng sách cho một người bạn và họ đã đem sách kê chân giường. Nhưng hai nhà thơ đều không giận bạn mình. Ôi, thật buồn cho những tác phẩm bị hất hủi của người làm thơ. Thật ngậm ngùi! 
 
Luân Hoán và Nguyễn Hàn Chung đều là những nhà thơ lão làng, thành danh từ lâu lắm rồi, nhưng số phận tác phẩm của họ còn ‘chìm nổi’ như thế thì kẻ làm thơ trẻ trâu tập tễnh như tôi có là gì. Thế nên tôi cũng đã in được ba bốn tác phẩm nhưng không hề dám đem tặng bất cứ ai ngoài nột số thân quyến và bạn bè thân thiết. Tuy thế mà cũng gặp tình cảnh dở khóc dở cười.
Số là tôi đem cuốn “Áo Lụa Tình Quê” mới vừa in xong còn nóng hổi đến tặng cho một anh bạn thân mà tôi quen biết từ ngày mới đặt chân đến Canada. Người bạn rất vui vẻ, chúc mừng tôi, nhắc lại rằng anh vẫn còn nhớ bút hiệu Vũ Thế Sương của tôi trong đặc san Liên Hội Người Việt Canada mấy chục năm trước. Một tháng sau, tôi ghé lại nhà anh uống rượu. Lúc đi toilet tôi bất ngờ phát hiện ra cuốn sách của mình tặng nằm chung cùng số báo chợ, tờ rơi... ở góc phòng.
Thấy tôi đi toilet ra chị vợ anh bạn dường như đoán được những điều tôi thấy nên nhanh mồm nói:
 
- Tập thơ của anh, anh D để ở trong đó để lấy dọc cho tiện.
Tôi chỉ biết mỉm cười, nói cho qua chuyện:
- Đọc ở đâu cũng vậy thôi, miễn có đọc là tốt rồi.
Bạn tôi nói vuốt theo:
- Tui đọc gần xong rồi. Thơ hay lắm! Dzô... nào!
Tôi nghĩ trong bụng: “Xạo! Thơ hay mà để ở toilet!”
Làm thơ là để tâm tình, là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình. Còn in sách là để thỏa mãn niềm vui khi thấy tác phẩm của mình có hình có dạng. Nhiều người cho rằng có thơ in thành sách mới là nhà thơ thành danh. Tôi thì nghĩ khác, đôi khi in thật nhiều sách nhưng chưa chắc đã nên danh. Ngược lại đăng vài bài lên mạng, nếu thực sự làm cảm động được lòng người như bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh" của cô giáo Trần Thị Lam thì tiếng tăm cũng nổi như cồn. Cảm khái về điều này năm ngoái tôi có viết một bài bốn câu:
 
NHÀ THƠ
(tặng thi sĩ facebook)
 
đêm ngày vắt óc mần thơ
bỏ tiền in sách tặng cho bạn bè
mua danh vất vả ê chề
chết đi có hóa cây đề, cây đa
 
Bài đăng Facebook, một số bạn còm dường như không đồng tình. Tôi nghĩ họ đã hiểu lầm từ “Mua danh” trong câu 3. Tôi cũng không thanh minh, Thật ra chữ ‘mua danh’ ở đây không giống như mua quan mua chức. Chữ ‘mua’ là một từ tôi đã lựa chọn kỹ, chữ dùng hoàn toàn với ý nghĩa tích cực. Mua danh bằng cách làm thơ, in sách là một việc làm vô cùng chính đáng. Vì cái danh thi sĩ “mua” hoàn toàn bằng tim óc của họ. Trong bài Vịnh Bức Dư Đồ Rách của cụ Tản Đà có câu: “Ấy trước ông cha mua để lại, mà sau con cháu lấy làm chơi.” Vâng. Ông cha ta đã mua sơn hà bằng xương máu, thật đáng kính phục thật đáng tự hào, trân trọng biết bao nhiêu. Chữ “mua” mà tôi dùng cũng mượn từ ý nghĩa đó nhưng với tầm mức thấp hơn, là tâm huyết của những người sáng tác thơ.
 
Thật ra chuyện thơ tặng bị vất bỏ vào thùng rác cũng là đều bình thường ở đời. Bởi lẽ với mình nó là đứa con tinh thần thai nghén vài ba năm nhưng với người khác chỉ là một tập giấy có chữ chi chít được cho không!
 
12/06/2022
Trần Đức Phổ 
 
 

 

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Đeo Khẩu Trang Mùa Dịch



Anh bảo em: Vẫn còn Covid
Khi ra đường nhớ đeo khẩu trang
Là một thứ tùy thân cần thiết
Tránh cho mình khỏi bị lây lan

Dẫu hai đứa phương trời xa cách
Anh vẫn thường nhắc nhở, động viên
Chỗ đông người đừng quên giãn cách
Đừng bắt tay dù lạ hay quen

Đi tắm biển lựa nơi người ít
Và cũng đừng tháo bỏ khẩu trang
Nơi công cộng đố ai mà biết
Có bao nhiêu người nhiễm vi trùng?

Lời anh dặn em tuân thủ hết
Chỉ không đeo khi một mình ên
Để soi gương biết mình còn đẹp
Và mơ hồ cảm thấy anh ghen!

12/06/2022 
 
 

 

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Nhờ Cái Trai


Một Bộ Y mà lắm tiếng tai
Ông nguyên bà cựu rõ vô tài
Pharma thuốc giả lừa con bệnh
Việt Á que tàu ngoáy lỗ ai
Chị đã an toàn về hưởng phúc
Anh còn tội nghiệt phải đi đày
Ơ hơ đồng chức không đồng phận
Thoát nạn là nhờ có cái trai!
 
11/06/2022
Trần Bảo Kim Thư
 
 

 

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Nông Sản Bay Nhanh, Bay Xa

 

ai ơi nhớ lấy câu này
các ông bộ trưởng rất hay vẽ vời
rau quả cho bay trên trời
dân nghèo chẳng dám mua xơi bao giờ
 
 

 

Khúc Ca Bỏ Rượu

Tác giả: Trần Đức Phổ

Xin giã biệt những chung mỹ tửu
Rượu bồ đào, rượu đế, rượu sâm banh...
Bốn mươi năm đã kết giao bằng hữu
Nay chia ly day dứt mãi, không đành!

Chẳng dám lên Lương Sơn thế thiên hành đạo
Chỉ mượn chút hào khí rượu vào lời ra
Chẳng như Kiều Phong Tụ hiền trang đoạn nghĩa
Đập bỏ chung là lời bác sĩ dặn thôi à!

Đời như con sông, nông sâu có khúc
Thời trẻ trâu ai chê rượu chê trà?
Khi có tuổi rượu ngon thành chất độc
Lá gan mình không chung thủy cùng ta!

Từ cái thuở biết cầm chung uống rượu
Đời thăng hoa luôn say xỉn sớm trưa
Cũng lắm phen đập chai cười thế sự
Dốc hồ trường ca khúc hận tình xưa

Hãy uống cạn bầu Nước mắt quê hương
Thấm tình lúa gạo
Hãy dốc ngược chai Cognac
Thơm lừng da thịt gái Tây phương

Hồ trường! Hồ trường!
Mời cụ Tản Đà
Mời ông Nguyễn Bá Trác
Mời các ngài Lưu Linh. Lý Bạch...
Mời các chú, các bác...
Cạn chung tống biệt!

09/06/2022 
 
 

 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Ma Phong Lưu


Nghe nói từ lầu mười một
Anh đu dây xuống tầng mười
Không ngờ chẳng may bị tuột
Anh rơi xuống đất chết tươi
 
Báo vừa đưa tin buổi sáng
Mới biết anh là công an
Đến thăm một chị chồng vắng,
Người chồng làm chung cơ quan
 
Giữa trưa cả hai đang luyện
Công phu Ngọc Nữ Tâm Kinh
Đến hồi mười phần cao hứng
Bỗng đâu chồng về thình lình
 
Vội vàng chẳng kịp mặc áo
Anh trèo cửa sổ trốn luôn
Đu dây nào ngờ xấu số
Rớt làm thủng cả mái tôn
 
Mong anh linh hồn siêu thoát,
Làm một con ma phong lưu
Anh đã hy sinh thật oách
Đảng ta ngậm ngùi phân ưu!
 
7/6/2022




Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Những Đóa Hồng Đất Mẹ

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Tôi đã gặp trên quê hương Quảng Ngãi
Những mẹ già, những người chị, người em
Trong dáng dấp, nụ cười tôi như thấy
Nết đảm đang, và vẻ đẹp dịu hiền

Ngọn Thiên Bút kẽ tô màu mắt biếc
Dòng Trà Giang tắm gội tóc nhung huyền
Điệu Ba Lý ngọt ngào mà tha thiết
Câu Bài Chòi sao quá đỗi hồn nhiên

Tiếng cười thơm mùi đường phèn, đường phổi
Làn da nâu đậm hương sắc mạch nha
Không chảnh chọe, không kiêu kỳ, phách lối
Mà đơn sơ, đằm thắm sống chan hòa

Tuy nhỏ nhắn như cây cau, cành liễu
Nhưng kiên cường trước mưa nắng gió sương
Với cha mẹ là người con chí hiếu
Với cháu con lo chu đáo trăm đường

Xin cảm ơn những đóa hồng đất mẹ
Cho tôi yêu thêm Quảng Ngãi nhiều lần
Nơi từng đã sản sinh bao thế hệ
Đổ máu đào để tô thắm giang san. 
 
 

 

Ước Gì Có Em Làm Hàng Xóm

Tác giả: Trần Đức Phổ

Ta đương thức mà ngỡ mình nằm mộng
Mơ thấy em tuổi đôi tám trăng tròn
Mắt long lanh, ngực căng tràn sức sống
Dường như vừa gặp gỡ đỉnh Vu Sơn

Nếu có được giai nhân làm hàng xóm
Sá gì đâu những cái giậu mồng tơi
Cũng mặc kệ ông trời mưa hay nắng
Không nhớ tơ, ta chỉ nhớ em cười

Đừng chê ta gã đàn ông thô lỗ
Đời không còn Liễu Hạ Huệ đâu em
Ôm gái đẹp mà lòng trơ như gỗ
Ngồi chung xe đưa mắt ngó, chẳng thèm!

Hãy tưởng tượng nếu đời không mỹ nữ
Làm đàn ông khổ sở biết bao nhiêu
Sẽ chẳng có anh hùng hay thi sĩ
Và trần gian là cảnh vãn chợ chiều!

7/06/2022 
 
 

 

Những Lá Thư rình

 

Có lẽ hầu như những người hiện nay tuổi từ sáu mươi trở lên ai ai cũng đã từng một thời gửi và nhận những lá thư tình. Cho dù những lá thư ấy được cất giữ cản thận hàng ba bốn chục năm hay bị xé bỏ đi ngay tức khắc cũng đều là những kỷ niệm của một thời khó quên. Riêng tôi, lúc nhỏ đã được tiếp cận với những bức thư tình từ rất sớm, mặc dù chỉ là làm nhiệm vụ bồ câu đưa thư.

Mẹ tôi có nhiều cô con gái. Nhưng khi tôi bảy, tám tuổi thì chị Hai, chị Ba tôi đã đi lấy chồng. Chị Tư mất từ hồi còn bé. Lúc đó chị Năm là lớn nhất trong nhà. Chị có mái tóc dài ngang lưng đen mượt hơi dợn sóng, sống mũi dọc dừa, và đôi mắt to sáng long lanh. Vóc người thon gọn; nước da trắng mịn. Ở lứa tuổi mười bảy, đang sống ngay tại một làng đánh cá, với nhan sắc như thế có thể nói chị tôi là một mỹ nhân trong vùng. Nhiều chàng trai ngấp nghé tán tỉnh, si mê đến điên rồ.

Có một hôm chị đi gánh nước ở lối xóm, bất thình lình bị một gã si tình đứng ngay giữa đường chận lối về, hăm dọa bắt cóc nếu chị không chấp nhận tình yêu của hắn. Sợ quá, chị bỏ cả gánh nước chạy vào nhà người quen để trốn.

Thời buổi đó cũng có mấy anh lính quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang đóng quân trong xã cũng theo cua chị tôi. Chị không thích quân nhân nên từ chối. Một đêm, có một anh đến nhà, chị tôi không chịu tiếp chuyện, liền móc quả lựu đạn thả lên bàn dọa chơi, làm cả nhà sợ hết vía.

Người chị tôi thích chỉ có mỗi anh rể tôi bây giờ. Anh cũng khá đẹp trai, là con độc nhất của một gia đình tương đối khá giả. Tính tình anh hiền lành, thật thà và có phần nhút nhát nên hễ gặp chị tôi là lúng túng mắc cỡ, đỏ cả mặt mũi, chẳng nói được câu gì. Anh thường viết thư rồi nhờ tôi chuyển hộ. Lần nào cũng vậy, dặn dò y chang: “Nhớ đưa tận tay cho chị Năm em!” Đó là lần đầu tôi chuyển thư tình.

Năm 1972, chiến trận ở Sa Huỳnh trở nên khốc liệt. Biết hai anh chị thương nhau, hai bên gia đình liền tổ chức một buổi lễ kết hôn đơn sơ rồi cho cả hai lên tàu vào Nha Trang sinh sống.

Lần thứ hai làm nhiệm vụ postman thì oái ăm hơn. Cuối năm lớp 9, một hôm ông thầy dạy toán đưa cho tôi một lá thư ‘nhờ chuyển’ đến một cô bạn cùng lớp có bà con họ hàng xa với tôi. Trước khi đưa thư cho tôi cầm, thầy nghiêm giọng căn dặn: “Không được mở ra xem trộm, nếu không chấm dứt tình thầy trò!” Tôi sợ hãi chẳng dám hỏi gì. Tuy mới học lớp 9 nhưng bọn tôi đều mười sáu, mười bảy tuổi cả. Bởi vì ngày đó tuyển sinh không dựa vào tuổi tác để sắp xếp lớp, mà chỉ cần xin vào lớp nào thì được cho học lớp nấy. Cho nên mới hết cấp hai mà đứa nào đứa nất đã lớn tồng ngồng. Ở vào cái tuổi bắt đầu trưởng thành nên tự tôi cũng đoán được nội dung lá thư là gì. Khi tôi đưa thư cho cô gái, nàng mở ra, đọc chưa hết lá thư đã tá hỏa tam tinh, mặt mày tái mét, lắp bắp hỏi tôi:

- Của... của ai vậy?

- Của thầy T.- Tôi đáp

Cô nàng dúi bức thư vào tay tôi.

- Cầm về trả cho thầy giúp tao!

Tôi chưng hửng. Lúc đầu không đồng ý, nhưng cô gái năn nỉ quá nên tôi đành mang thư về. Hôm sau, tôi trả lại thư cho thầy. Thầy hỏi:

- Cô ấy đọc chưa?

- Dạ, có!

Thầy ngồi trầm ngâm hồi lâu.

Chiều hôm đó, thầy đến nhà tôi. Lại đưa cho tôi một lá thư khác nhờ chuyển, và kèm theo một quyển sách. Thầy bảo: “Cho em mượn luyện thi!”

Tôi cầm cuốn sách thấy ghi: Giả toán hình học lớp 9. Phía dưới thêm dòng chữ: Sách dành riêng cho giáo viên. Thầy biết tôi kém về môn toán hình. Hihi... thầy đang hối lộ tôi. Nghĩ thế nhưng tôi cũng nói:

- Em cảm ơn thầy!

Lần này, tôi đến nhà đưa thư, cô gái nhất định từ chối không nhận và cũng không đọc, còn buộc tôi sau này đừng nhận thư của thầy chuyển đến cho cô nữa. Tôi cảm thấy thất vọng vì không hoàn thành ‘sứ mệnh’ được giao và buồn cho thầy.

Ba tháng sau, tôi thi đỗ vào lớp 10, với số điểm văn 8, toán 8, đứng nhì bảng. Cô gái kia thi trượt, nghỉ học luôn.

Sau ngày có kết quả thi, thầy đến lấy lại cuốn sách giải toán. Từ đó, tôi cũng không còn gặp lại thầy nữa.

Nói chuyện về những lá thư tình mà không kể chuyện “nối nhịp cầu duyên” qua thư từ của mình là một điều thiếu sót lớn. Bời vậy mời các bạn nghe qua những mẩu chuyện vụng về, lố bịch của tôi thời niên thiếu.

Trước khi lấy vợ, tôi cũng có dăm ba cuộc tình vắt vai, nhưng thú thật là tôi không biết viết thư tán gái mà chỉ biết viết thư cho vợ. Nếu nói cho cạn tàu táo máng, mặc dù không thật tâm tán tỉnh mà chỉ giỡn chơi cho vui thì tôi cũng đã gửi thư cho vài cô. Quả thật lúc đó vì trẻ người non dạ, háo thắng nên làm càn, chứ thật lòng không trồng cây si với kiều nương nào.

Hồi năm mười ba, mười bốn tuổi tôi tình cờ được đọc cuốn “Những bức thư tình hay nhất thế giới.” Cuốn sách tập hợp những lá thư tình của nhiều người nổi tiếng viết gửi cho người yêu hoặc vợ hoặc chồng của họ; trong đó có cả những lá thư của đại đế Napoleon gửi cho hoàng hậu Josephine. Đây là loại sách cấm, in trước năm 1975, rách bìa, sờn gáy, không rõ dịch giả.

Lần đầu tiên được đọc một cuốn sách viết về tình yêu nam nữ ngọt ngào, mùi mẫn như thế nên tôi rất cao hứng. Ở vào lứa tuổi dậy thì, với trái tim non đang khao khát tình cảm, tôi rất muốn  viết ra những tâm tình của mình.Thế là tôi lấy cuốn vở học trò, xén bỏ bớt chiều ngang 2cm, làm thành một cuốn sổ ghi chép thơ văn. Trang đầu tiên tôi viết in hoa hai chữ TIẾNG LÒNG thật to. Từ  đó mỗi lần có cảm xúc gì tôi đều ghi vào đấy. Có khi là một bài thơ ngắn, có khi là một cảm nhận sau khi đọc một tác phẩm hay.

Quay trở lại chuyện thư tình. Ở lối xóm tôi có một cô bé cỡ chừng mười ba, khá xinh đẹp, nhưng tính tình kiêu ngạo. Bố nàng là một y sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975 được tuyển dụng lại làm trưởng trạm y tế xã. Thuộc ‘dòng dõi trí thức’ nên nàng coi khinh bọn học trò nông dân sáng đi học, chiều chăn bò như chúng tôi ra mặt. Bởi thế nhiều bạn bè trêu đùa cặp đôi cô bé với bất cứ đứa nào trong lũ chúng tôi cũng bị cô bĩu môi, nhổ nước bọt. Một thằng bạn khích tôi có dám cua cô nàng. Ngựa non háu đá, máu ‘anh hùng’ nổi lên tôi liền viết một bức thư tình ngăn ngắn cỡ non một trang giấy học trò đưa cho hắn đem trao cho nàng. Gửi xong tôi hồi hộp đợi hồi âm. Một ngày, hai ngày... biệt vô âm tín. Đến ngày thứ ba, tôi vừa đi học về chưa kịp cất sách vở, bà chị của tôi đã ngoắc tôi lại nói:

- Em gửi thư cho con M.H làm chi cho nó đem rêu rao khắp cả xóm thế?

Tôi xấu hổ chết điếng cả người, đứng im như trời trồng. Sau đó tìm hiểu sự việc, tôi mới biết được cô em đã đưa thư của tôi cho tất cả bạn bè của cô đọc mới ra nông nỗi thế. Thẹn quá tôi chỉ ao ước có chỗ đất nẻ nào chui xuống hoặc bỏ xứ mà đi.

Nhưng quả thật thời gian là liều thuốc tiên, chỉ vài năm sau tôi đã quên hẳn ‘mối hận lòng khôn tả’ này.  Vậy nên, cái lỗi lầm ngu ngốc lại được lập lại. Đó là viết thư tán gái, cho dù tôi đã rất thận trọng.

Có một hôm thằng bạn rất thân thầm thì với tôi:

- Ở xóm tao có con L. rất thích mày. Có muốn làm quen với nó không?

- À, cô này tao biết. Hình như đang học cùng lớp với em trai tao.

- Đúng rồi!

- Làm sao làm quen?

- Mầy viết thư đi! Tao chuyển cho.

- Ừ, viết thì viết!

Ngày đó không hiểu sao tôi rất ngờ nghệch; bạn bè nói gì tôi cũng tin và nghe theo, chưa bao giờ biết đặt nghi vấn hay dò xét bất cứ việc gì trước khi làm.

Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này tôi ma mãnh, khôn vặt hơn. Thay vì tôi bịa ta những dòng chữ tâm tình để gửi cho nàng, tôi lại đi chép bài thơ của bạn tôi. Tôi cũng không ký tên mà để trống phần tác giả và người gửi vì sợ bị bêu rếu như lần trước. Bây giờ đây tôi không còn nhớ nội dung hoặc câu chữ nào, nhưng nhớ rõ đó là một bài thất ngôn trường thiên dai năm khổ. Phải nói rằng bài thơ tình của bạn tôi rất hay theo như cảm nhận khi ấy của tôi. Còn vì sao tôi có nó thi như đã nói ở trên, tôi có làm tập Tiếng Lòng’. Bạn tôi khi ấy cũng là người thích thơ văn nhưng tính cách bay bướm hơn nên làm tập Mộng Lòng, Chúng tôi thường trao đổi cho nhau để đọc, và thỉnh thoảng chép thơ vào tập của nhau.

Báo hại cái tội “đạo thơ” làm tôi một phen nữa bị xấu hổ. Mục đích của tôi chỉ là bông đùa, không phải để tán tỉnh, yêu đương gì nàng kia. Không ngờ nhận được thư nàng đòi gặp người gửi. Tôi cũng hí hửng tưởng cá đã mắc câu, hăng hái đến gặp nàng vì cứ tưởng đâu được lọt vào mắt xanh của người đẹp. Ai dè gặp nhau nàng chỉ một mực muốn tôi khai ra tác giả bài thơ là ai. Thì ra trước khi chép bài thơ vào cuốn tập của tôi anh bạn vàng cũng đã chép tặng nàng với đầy đủ họ tên.Tôi há miệng mắc quai đành nín lặng bỏ về. Thế là cả hai lần gửi thư tán gái của tôi thất bại một cách ê chề. Buồn cười thay những lỗi lầm của thời mới lớn.

Kể từ đó tôi quyết định không dùng thư tín để cua đào nữa mà chỉ ‘đánh võ mồm’ thắng bại không quan trọng, cốt yếu không để lại chứng cứ gây hậu quả bất lợi về sau.

 6/6/2022

Trần Đức Phổ  



 

 

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2022

Mùa Khoai Lang Đất Mẹ

 

Sinh sống ở đất nước Canada cách xa quê hương cả ngàn dặm, thỉnh thoảng tôi lại dặn bà xã hễ đi chợ nhớ nua khoai lang về nấu ăn cho đỡ thèm. Mà lạ, cái đất nước tư bản ‘giẫy chết’ này không thiếu bất cứ món ăn gì. Khoai lang, khoai mì, khoai sọ... nhiều vô kể. Từ chợ Tàu đến chợ Tây đều có bán cả. Đủ các loại khoai lang, đủ các loại màu sắc: vàng, cam, tím, đỏ.... Giá cả cũng tùy loại, loại ngon thì mắc tiền, loại dở thì rẻ, tùy nghi chọn lựa.
 
Bữa sáng thay vì ăn một gói mì tôm có nhiều hóa chất bảo quản và muối, tôi thích luộc dăm cái củ lang, và chế (pha) một tách trà xanh cho nó lành mạnh, bổ dưỡng. Người ta ăn khoai mì nói chuyện thế giới còn tôi ăn khoai lang kể chuyện xưa.
Nhớ lại, hơn nửa thế kỷ trước, ông ngoại tôi sáng sáng thường ngồi bên nồi khoai luộc bốc khói nghi ngút hay ngâm nga cái câu tôi đã nghe đi nghe lại đến thuộc lòng: “Võng giá nghênh ngang, không bằng khoai làng với nước chè (trà)
Tôi thắc mắc hỏi ông:
- Võng giá là gì hở ông?
Ông tôi không trả lời chỉ vuốt râu cười.
 
Là một miền đất pha cát, có màu sắc gần giống với đất đỏ bazan nên đất đai quê tôi rất thích hợp cho việc trồng khoai mì, khoai lang...
Không phải nói phét chứ không có khoai lang xứ nào ngon bằng khoai lang quê tôi. Đúng như câu ca dao:
"Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất động đã ngon lại bùi” 
 
Chỉ cần ngắm nhìn hình dạng những củ khoai lang mới đào lên đã thấy ngon rồi. Khoai không to lắm, thường chỉ dài chừng một gang tay và tròn trĩnh mập mạp như những chú chuột chù. Màu da hơi hồng sẫm, vỏ mỏng, trơn láng, không bám nhiều bùn đất, ít sùng hà; ruột khoai trắng ngần. Khi nấu chín mùi thơm tỏa ra dìu dịu, thoang thoảng. Lớp vỏ mỏng dễ bóc, cắn vào có cảm giác bùi và bở, hơi có vị ngọt, ăn không ngán. Lúc nấu cần bỏ thêm chút muối vào cho vị càng đậm đà.
 
Mùa trồng khoai ở quê tôi bắt đầu từ cuối tháng bảy âm lịch, khi chiều chiều thường có những cơn mưa giông. Nhưng trước đó cả mấy tháng trời, mọi người đã lo chuẩn bị phân, giống. Khoảng thánh hai, tháng ba người ta đã mua dây lang về giâm (ươm mầm) trong vườn cho tiện tưới nước. Phân bón thì cắt các loại lá cây xanh hoặc lấy rơm rạ trộn với phân bò, phân heo ủ thành đống để sẵn.
Cuối mùa hạ, khi vừa có những trận mưa đầu mùa cũng là lúc mọi người đổ xô ra rẫy để trồng khoai. Trồng khoai trên rẫy phải đánh vồng. Dùng phân xanh đã ủ bón lót. Đàn ông con trai vun vồng; đàn bà con gái chỉ việc cắm những khúc dây lang đã cắt ra từ vườn giâm xuống vồng đất.
 
Sau khi trồng khoảng chừng bốn đến năm tháng là có thể bắt đầu đào khoai về nấu. QuaTết Nguyên Đán cũng là thời kỳ lá khoai tàn úa, cần phải thu hoạch gấp. Chiều chiều, nhà nhà đều kéo nhau ra rẫy, vỡ vồng đào khoai. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói í ới. Những gánh khoai nặng trĩu, làm oằn vai các cô thiếu nữ nối nhau trên đường làng. Nhà nào khoai cũng chất thành đụn thành đống to.
Đêm đến mọi nhà chong đèn xắt khoai thành từng lát, để rồi sáng hôm sau lại gánh ra dzông biển (dải cát dài dọc theo bờ biển) mà phơi phóng. Có nhiều người muốn cho thuận tiện, đỡ tốn công sức họ làm chòi ngay tại rẫy để chứa và xắt khoai tại chỗ.
 
Khoai lát phơi khô, cất trong lẫm trong vại hoặc bồ đựng lúa để dành ăn cả năm. Thỉnh thoảng nếu cần tiền mặt có thể đem vài thúng ra chợ bán. Món khoai lang khô nấu với đường, đậu phộng và dừa nạo cũng là một món ăn khoái khẩu. Ngoài ra, khoai lang tươi còn được dùng làm mứt, nấu chè, tráng bánh, và chà bông trộn đường cũng rất ngon và bổ.
Quê tôi không trù phú như những nơi khác, nhưng người dân chưa bao giờ phải chết đói cho dù là những năm tháng khắc nghiệt trong thời kỳ bao cấp hay năm Dậu 1945. Được như vậy cũng là nhờ những vồng khoai lang xanh mướt kia.
 
Trần Đức Phổ
04.06.2022
 
 

 

Bài Ăn Theo VnExpress

 

thương thay nước Mỹ đói nghèo
gặp cơn lạm phát hột tiêu không dám dùng
dân ta giàu có vô cùng
tiêu mọc thành rừng đéch hái làm chi.
 
 

 
 
 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Tra Tấn

 khen cô hàng xóm nõn nà
khác gì tra tấn vợ nhà biết không?
cho dù có muốn đèo bòng
cũng nên chờ lúc vợ không có nhà!





Cầm Chầu

 

Cầm chầu là một trong bốn cái ngu người xưa nói trong ca dao sau làm mai, lãnh nợ, và gác cu. Thật ra gác cu và cầm chầu là hobby, là sở thích của một ai đó cho nên không thể nói rằng khôn hay ngu. Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng nói “nghề chơi cũng lắm công phu.” Tất nhiên rồi! Muốn thỏa mãn sự yêu thích mà không bỏ công sức và tiền bạc thì làm sao đạt được ý nguyện. Cho nên bỏ tiền bạc và thời gian để thỏa mãn một thú vui nào đó thì đâu có phải là ngu. Còn như trình độ chơi hay, chơi dở, hoặc chê khen là tùy thuộc vào tài năng của mình, và cách nhìn nhận đánh giá của người khác.
 
Hôm trước, tôi đã thuật chuyện gác cu câu chim, nay xin kể hầu quý vị nghe chuyện cầm chầu. Một câu chuyện hoàn toàn có thật đã xảy ra ở quê tôi. Chuyện kể không nhằm mục đích chứng minh rằng cầm chầu là một việc làm ngu ngốc mà chỉ để mua vui cùng bạn đọc.
 
Cũng như những nơi khác trến đât nước Việt Nam, tháng Giêng ở quê tôi có rất nhiều lễ hội và trò vui chơi. Ví như mùng Hai Tết có Lễ xuống nghề, mùng Bốn Tết Lễ đua ghe, mùng Mười Tết Lễ cúng Lăng Ông. Rằm tháng Giêng hát bội, hát bài chòi...
Người đan quê tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, mưu sinh trên đầu sóng, nhiều hiểm nguy mà thu nhập không ổn định nên rất mê tín. Dọc theo bờ biển dài chừng chục cây số nhưng có đến ba bốn lăng thờ Cá Ông. Mỗi năm, sau khi cúng Lăng Ông cầu xin sóng êm biển lặng, tôm cá được mùa, các chủ thuyền họp nhau góp tiền thuê đoàn hát tuồng Bình Định về hát cho vui vẻ xóm làng. Mỗi lần như thế thường hát từ ba đến năm đêm. Người từ các xã lân cận đổ về nườm nượp, làng quê náo nhiệt hẳn lên.
 
Sân khấu dược dựng trên một bãi cát trắng rộng, ngay tại cửa biển Mỹ Á. Thuở ấy, quê tôi chưa có điện. Các ngọn đèn măng-xông được thắp lên, sáng rực cả một vùng trời.
Thời đó, tôi còn nhỏ, không hiểu họ hát tuồng gì, chỉ thường nghe tiếng ứ ự ừ ư... chán ngấy. Đào kép bôi mặt xanh đỏ lòe loẹt trông gớm chết. Nhưng lại khoái những bộ áo quần họ mặc, và những màn múa võ đánh nhau.
Tôi còn nhớ, đêm hát đầu tiên sau khi màn ba được kéo lên có hai anh hề bước ra sân khấu đấu khẩu chọc cho khán giả cười. Một anh nói với bạn đồng diễn.
- Tao đố mày nhé! Một mắt mà mặt ba ão, nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng. Là thứ gì?
Tất nhiên anh chàng được hỏi đã biết đáp án từ trước, nhưng giả vờ im lặng. Dưới sân khâu, khán giả cũng lặng im phăng phắc chờ nghe câu trả lời. Đột nhiên bác cầm chầu gõ vào tang trống “cách cách”. Không biết là thúc giục anh kia trả lời hay bất mãn phản đối. Chẳng thèm để ý đến tiếng trống, chàng hề vò đầu bức tóc một lúc nữa. Lại “cách cách”. Đến lúc này, anh kia mới cười khành khạch, đáp.
- Dễ ợt thế mà cũng đố. Nó là hột mít.
- Giải thích nghe thử?
- Này nhé! Một mắt là hột mít chỉ có một chỗ nẩy mầm trông giống như con mắt của nó. Còn ba áo là lớp cơm mít, lớp vỏ hột, và lớp vải lụa. Đúng không?
- Thế còn nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng là sao?
- Là người ta đem nướng hột mít trong bếp lửa bập bùng, nó sẽ nổ đùng đoàng, chứ gì!
- Hề hề...
 
Khán giả cười ồ, vỗ tay hoan hô đôm đốp, nhưng bác cầm chầu không hề đánh trống khen ngợi.
Sau đêm đó, tôi không còn thấy bác ấy cầm chầu nữa.
Sau này, nghe người lớn nói tôi mới biết, phường hát không ưa bác vì bác cầm chầu khen chê không thật sự thuyết phục, đồng thời lại quá hà tiện ném thẻ khen thưởng. Thường thì hễ ai cầm chầu đều phải bỏ tiền ra thưởng cho đào kép. Tiền thưởng được tượng trưng bằng những chiếc thẻ tre, có kích thước ngắn dài khác nhau, giá trị chuyển đổi sang tiền mặt cũng khác nhau. Hễ đào kép hát ngọt, diễn tốt, nói những câu có ý nghĩa hay ho thì ngoài việc đánh trống khen ngợi người cầm chầu còn phải quăng thẻ tre lên sân khấu để thưởng. Gánh hát có người phụ trách đi nhặt những cái thẻ đó để cuối buổi chuyển đổi thành tiền. Hai anh hề dùng ‘hột mít’ để chọc ngoáy về ngoại hình và cách đánh trống của bác cầm chầu cũng vì ít được thưởng. Đúng là bác ấy bị chột một mắt, không rành tuồng tích lắm nhưng vì là người tập kết về hưu nên rất có uy tín, thêm nhà bác giàu có nên được đề cử cầm chầu năm ấy.
 
Quả thật cầm chầu hát bội không phải là chuyện chơi mà ai cũng có thể chơi tốt được. Nhưng suy cho cùng nó cũng chỉ là một thú vui nên cũng chớ luận ngu hoặc khôn làm gì.
June 2, 2022
 
Trần Đức Phổ
Ảnh: Copy trên mạng