Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Cầm Chầu

 

Cầm chầu là một trong bốn cái ngu người xưa nói trong ca dao sau làm mai, lãnh nợ, và gác cu. Thật ra gác cu và cầm chầu là hobby, là sở thích của một ai đó cho nên không thể nói rằng khôn hay ngu. Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng nói “nghề chơi cũng lắm công phu.” Tất nhiên rồi! Muốn thỏa mãn sự yêu thích mà không bỏ công sức và tiền bạc thì làm sao đạt được ý nguyện. Cho nên bỏ tiền bạc và thời gian để thỏa mãn một thú vui nào đó thì đâu có phải là ngu. Còn như trình độ chơi hay, chơi dở, hoặc chê khen là tùy thuộc vào tài năng của mình, và cách nhìn nhận đánh giá của người khác.
 
Hôm trước, tôi đã thuật chuyện gác cu câu chim, nay xin kể hầu quý vị nghe chuyện cầm chầu. Một câu chuyện hoàn toàn có thật đã xảy ra ở quê tôi. Chuyện kể không nhằm mục đích chứng minh rằng cầm chầu là một việc làm ngu ngốc mà chỉ để mua vui cùng bạn đọc.
 
Cũng như những nơi khác trến đât nước Việt Nam, tháng Giêng ở quê tôi có rất nhiều lễ hội và trò vui chơi. Ví như mùng Hai Tết có Lễ xuống nghề, mùng Bốn Tết Lễ đua ghe, mùng Mười Tết Lễ cúng Lăng Ông. Rằm tháng Giêng hát bội, hát bài chòi...
Người đan quê tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, mưu sinh trên đầu sóng, nhiều hiểm nguy mà thu nhập không ổn định nên rất mê tín. Dọc theo bờ biển dài chừng chục cây số nhưng có đến ba bốn lăng thờ Cá Ông. Mỗi năm, sau khi cúng Lăng Ông cầu xin sóng êm biển lặng, tôm cá được mùa, các chủ thuyền họp nhau góp tiền thuê đoàn hát tuồng Bình Định về hát cho vui vẻ xóm làng. Mỗi lần như thế thường hát từ ba đến năm đêm. Người từ các xã lân cận đổ về nườm nượp, làng quê náo nhiệt hẳn lên.
 
Sân khấu dược dựng trên một bãi cát trắng rộng, ngay tại cửa biển Mỹ Á. Thuở ấy, quê tôi chưa có điện. Các ngọn đèn măng-xông được thắp lên, sáng rực cả một vùng trời.
Thời đó, tôi còn nhỏ, không hiểu họ hát tuồng gì, chỉ thường nghe tiếng ứ ự ừ ư... chán ngấy. Đào kép bôi mặt xanh đỏ lòe loẹt trông gớm chết. Nhưng lại khoái những bộ áo quần họ mặc, và những màn múa võ đánh nhau.
Tôi còn nhớ, đêm hát đầu tiên sau khi màn ba được kéo lên có hai anh hề bước ra sân khấu đấu khẩu chọc cho khán giả cười. Một anh nói với bạn đồng diễn.
- Tao đố mày nhé! Một mắt mà mặt ba ão, nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng. Là thứ gì?
Tất nhiên anh chàng được hỏi đã biết đáp án từ trước, nhưng giả vờ im lặng. Dưới sân khâu, khán giả cũng lặng im phăng phắc chờ nghe câu trả lời. Đột nhiên bác cầm chầu gõ vào tang trống “cách cách”. Không biết là thúc giục anh kia trả lời hay bất mãn phản đối. Chẳng thèm để ý đến tiếng trống, chàng hề vò đầu bức tóc một lúc nữa. Lại “cách cách”. Đến lúc này, anh kia mới cười khành khạch, đáp.
- Dễ ợt thế mà cũng đố. Nó là hột mít.
- Giải thích nghe thử?
- Này nhé! Một mắt là hột mít chỉ có một chỗ nẩy mầm trông giống như con mắt của nó. Còn ba áo là lớp cơm mít, lớp vỏ hột, và lớp vải lụa. Đúng không?
- Thế còn nhấp nháng nhấp nháng mà xáng cái đùng là sao?
- Là người ta đem nướng hột mít trong bếp lửa bập bùng, nó sẽ nổ đùng đoàng, chứ gì!
- Hề hề...
 
Khán giả cười ồ, vỗ tay hoan hô đôm đốp, nhưng bác cầm chầu không hề đánh trống khen ngợi.
Sau đêm đó, tôi không còn thấy bác ấy cầm chầu nữa.
Sau này, nghe người lớn nói tôi mới biết, phường hát không ưa bác vì bác cầm chầu khen chê không thật sự thuyết phục, đồng thời lại quá hà tiện ném thẻ khen thưởng. Thường thì hễ ai cầm chầu đều phải bỏ tiền ra thưởng cho đào kép. Tiền thưởng được tượng trưng bằng những chiếc thẻ tre, có kích thước ngắn dài khác nhau, giá trị chuyển đổi sang tiền mặt cũng khác nhau. Hễ đào kép hát ngọt, diễn tốt, nói những câu có ý nghĩa hay ho thì ngoài việc đánh trống khen ngợi người cầm chầu còn phải quăng thẻ tre lên sân khấu để thưởng. Gánh hát có người phụ trách đi nhặt những cái thẻ đó để cuối buổi chuyển đổi thành tiền. Hai anh hề dùng ‘hột mít’ để chọc ngoáy về ngoại hình và cách đánh trống của bác cầm chầu cũng vì ít được thưởng. Đúng là bác ấy bị chột một mắt, không rành tuồng tích lắm nhưng vì là người tập kết về hưu nên rất có uy tín, thêm nhà bác giàu có nên được đề cử cầm chầu năm ấy.
 
Quả thật cầm chầu hát bội không phải là chuyện chơi mà ai cũng có thể chơi tốt được. Nhưng suy cho cùng nó cũng chỉ là một thú vui nên cũng chớ luận ngu hoặc khôn làm gì.
June 2, 2022
 
Trần Đức Phổ
Ảnh: Copy trên mạng
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.