Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Câu Chim Và Gác Cu

 

Câu chim.
Bạn ta, xin đừng nghĩ là tôi viết nhảm. Vâng, đúng là câu chim bay trên trời 100%, chứ không phải là ‘chim chuột.’
Trong một video clip lưu truyền trên mạng xã hội cuối năm 2021, quay cảnh một người đàn ông đang ngồi câu chim trên đầu một cây cột cao trông giống như cột điện. Tay anh ta cầm chiếc cần có sợi dây nhợ như cần cầu cá. Móc mồi xong, chàng quăng câu ra khoảng không. Chừng vài tích tắc sau đã thấy có một chú chim bay tới đớp mồi. Thoáng chốc, chàng đã câu được ba bốn con chim.
Dân mạng đồn đoán rằng cảnh video là dàn dựng. Vì lẽ chỉ có chim diều hâu, chim ó... mới nghe mùi máu tươi mà bay tới đớp, chứ còn những loài chim khác không có khả năng đớp con mồi trong lúc lơ lửng trên không. Nghe cũng có lý.
 
Không cần bàn video câu chim kia là thật hay giả, vì đó không phải là mục đích của bài này. Ở đây, tôi muốn nói chuyện ‘câu chim’ là có thật. Và chính tôi lúc bé đã từng theo bọn trẻ choai choai ở xóm đi câu. Nhưng hẳn nhiên không phải như cách câu của anh chàng nọ. 
 
Rất nhiều người biết câu ca dao:
“Trên đời có bốn cái ngu
Làmmai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” 
 
Thật ra. muốn làm chuyện ‘gác cu’ cũng không phải dễ dàng gì. Thứ nhất, bạn phải có tiền và sành chơi chim cu. Thứ hai, bạn phải có nhiều thời gian rảnh rỗi, thì mới chơi được.
Đầu tiên phải biết chọn mua một con cu vừa có bộ lông đẹp, vừa oai phong. Cần nhất là nó phải có giọng “gù” hay, độc đáo, vừa đủ mạnh mẽ, kiêu hùng để khiêu khích các con cu trống, lại phải vừa ngọt ngào, tình tứ để dụ khị những nàng chim mái. Mua xong, đem về nhà bạn phải nuôi nấng, chăm sóc cẩn trọng, tập cho nó dạn dĩ, huấn luyện và đào tạo nó trở thành một chiến binh chim mồi thực thụ. Thêm nữa, cái lồng cho nó ở cũng phải là loại đặc biệt, vừa là lồng vừa là bẫy để bắt được những con cu khác lúc chúng đậu vào. Khi con cu mồi đã thuần thục chỉn chu thì mới đi gác cu. Đó là công việc vừa nhàn vừa cực. Nhàn là bạn chỉ bỏ công tìm một cái cây cao to, nhiều cành lá, treo lồng chim mồi lên, rồi tìm chỗ kín đáo ngồi đợi. Cực là bạn phải núp trong lùm bụi nào ở gần đó suốt buổi, chờ nghe có con cu trống hoặc cu mái nào bay tới và sập bẫy thì phải nhanh chân chạy đến bắt lấy. Nếu không, con chim xấu số kia gào thét, giãy giụa lung tung khiến con chim mồi hoảng loạn cũng vỗ cánh loạn xạ là hỏng việc. Ngồi mà đợi như đợi sung rụng như thế rõ khổ nào bằng? Đó là chưa kể bị muỗi đốt, khát nước hoặc gặp chỗ có tổ ong vò vẽ thì càng khốn khổ hơn. Chưa kể nếu con cu mồi của bạn lười gáy, lúc đó bạn phải giả tiếng gáy của cu để kích thích chàng ta. Vất vả như thế nên người xưa mới nói ‘gác cu’ là một trong bốn việc làm dại nhất của con người. 
 
Nói tóm lại, lũ trẻ nhà quê đói rét chúng tôi không có khả năng làm chuyện gác cu phức tạp, nhiêu khê đó. Chúng tôi chỉ có mỗi khả năng là ‘câu chim’.
Mùa hè, bọn tôi đi lượm cùi, vỏ, và xơ mít về nạo lấy mủ quệt lên bề mặt một tấm ván nhỏ, rồi bỏ vào đây mấy hạt lúa, mẩu khoai. Sau đó, tìm một góc vườn ít người qua lạ iđặt “bẫy” lên trên nền đất. Mấy chú chim sâu, chóc quạch (quành quạch), đội mũ (chào mào)... trông thấy thóc sà xuống ăn. Thế là chân chúng dính ngay vào mủ mít như bị dán keo Krazy Glue, không thể nào cất cánh bay lên được. Bọn tôi chỉ việc chạy tới túm lấy, bỏ vào lồng là xong. 
 
Mùa đông, chuyện câu chim càng đơn giản hơn. Mỗi lần nước sông Thoa dâng cao, cả cánh đồng làng ngập trong nước. Những gò đất cao giờ chỉ còn trơ lại cái chóp chỏm đầu, trông cứ như những hòn đảo nhỏ giữa biển nước mênh mông. Lũ chim chóc lông cánh ướt mẹp, lại thêm bị đói nhiều ngày nên chúng sà xuống các nơi còn có thể đậu được để tìm thức ăn. 
 
Bọn trẻ chúng tôi làm một nắm cọc tre, mỗi cọc có cột sợi nhợ và lưỡi câu, giống như cái cần câu cá mini vậy. Chúng tôi lấy tấm nilon che mưa bọc quanh một chiếc rổ cá có vành to cỡ cái nón lá làm phao, rồi ôm phao thả xuôi theo dòng nước chảy bơi ra các mỏm gò còn chưa ngập hết. Móc chiếc lưỡi câu vào con trùn đựng trong cái lon sữa bò, đã được đào lên từ chiều hôm trước. Xong xuôi, đem cắm những chiếc cần câu dọc theo mép nước. Đâu vào đấy, chúng tôi ngồi trùm tấm tăng che mưa chờ đợi. Chỉ lát sau là một bầy chim sà xuống kiếm mồi. Lúc đầu, chúng còn e ngại, dáo dác nhìn chung quanh. Bọn tôi ngồi im, không dám cựa quậy. Khi đã yên chí rằng không có gì nguy hiểm, mấy chú chim đi dạo quanh mép nước tha thẩn tìm mồi. Thấy con trùn ngo ngoe, chúng mổ nuốt. Thế là lưỡi câu mắc vào cổ họng. Chúng hoảng sợ, khựng lại, đập cánh bay lên. Nhưng đã muộn. Cái cọc cắm sâu vào đât trì chúng lại. Khi đã có nhiều con chim mắc câu, bọn tôi mới xông ra tóm lấy chúng, bỏ vào chiếc rổ vốn dĩ làm phao để bơi ra gò. 
 
Trong cái video clip câu chim có một chi tiết rất khó tin. Đó là khi con chim bị mắc câu anh ta gỡ nó ra như gỡ cá! Ai cũng biết, chim dính câu khác cá. Cổ và mỏ chim khá dài chứ không như cá, khi nuốt lưỡi câu cũng sẽ trôi vào tận diều (bao tử) chứ không dính ở họng hoặc mép như cá, nên không thể nào gỡ ra được. Cách duy nhất là cắn đứt sợi cước, chỗ gần mỏ chim, và tóm (cột) vào đấy một lưỡi câu khác để tiếp tục câu. Bởi thế, lúc bé chúng tôi thường cột sợi nhợ tương đối dài, trừ hao nếu có chim mắc câu, còn cây cọc thì ngắn, để chim khôngthể bay cao. 
 
Bây giờ nghĩ lại ngày xưa vì nghèo đói mà làm chuyện sát sanh thật tội lỗi. Còn ngày nay đời sống đã no đủ, sản vật thịt cá nhiều vô kể thì còn câu chim để làm gì? Thịt chim cũng không ngon lắm đâu. Các loài chim nhỏ, sống trong vườn ăn sâu bọ, cào cào, châu chấu... lợi ích cho người nông dân như thế nào thì ai cũng biết. Ngoài ra tiếng hót của chúng là những điệu đàn thiên nhiên tuyệt mỹ, được nghe làm cho tinh thần con người sảng khoái biết là bao nhiêu.
 
Trần Đức Phổ
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.