Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Đào Ngũ

 

ĐÀO NGŨ

Đoàn xe chở toán tân binh rời khỏi doanh trại Quy Nhơn vừa lên đến đỉnh đèo An Khê thì dừng lại, nép vào một bên lề, nhường đường cho một đoàn xe nhà binh khác đang chạy ngược chiều, về hướng Quy Nhơn. Chúng tôi thấy trên mỗi chiếc xe ấy là những anh bộ đội mặc mày hốc hác, phờ phạc. Người nào cũng quấn bông băng trên đầu hoặc ở tay chân. Họ nằm ngồi la liệt trên sàn xe. Đây chính là những thương binh được chuyển về từ chiến trường K., tuy mình mẩy đầy thương tích nhưng may mắn còn sống sót để quay trở về quê hương. Lúc xe chạy ngang qua chúng tôi đưa tay vẫy chào và họ cũng vẫy chào lại. Nhưng gương mặt trẻ măng buồn xo.
Lúc xe dừng bánh là mới nửa buổi trưa nhưng bầu trời âm u, gió lạnh. Đèo An Khê đồi núi chập chùng, cây cối xanh rậm rì. Khi chiếc xe ngược chiêu đầu tiên vừa đi qua thằng Minh nháy mắt ra hiệu như hỏi tôi có muốn đi tiểu tiện không. Tôi hiểu ý nó đang rủ tôi bỏ trốn vào rừng. Tôi nhìn rừng núi điệp trùng, lòng hơi e ngại. Hơn nữa không biết đoàn xe dừng lại trong bao lâu? Chúng tôi có kịp thoát thân không? Nghĩ ngợi một chốc tôi lắc đầu. Thằng Minh tiu nghỉu.
Mười phút sau, đoàn xe thương binh qua hết, tôi nghe có tiếng người tri hô ở phía sau, hình như có người đã bỏ trốn, và đã bị bắt lại. Sau một hồi lộn xộn, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Từ đó đoàn xe không dừng lại ở đâu nữa. Đến xế chiều thì chúng tôi về đến căn cứ của Trung đoàn Ba Gia (E1), thuộc Sư đoàn 2 Bộ binh, một Trung đoàn khá thiện chiến của Quân khu 5, đang đóng doanh trại chờ bổ sung quân số dưới chân đèo Mang Giang, tỉnh Gia Lai-Kontum.
 
Khi tôi và thằng Minh được biên chế về một Trung đội pháo cối 82 ly thì trời đã chạng vạng. Đúng lúc đó một cơn mưa đổ xuống. Tiết trời cao nguyên trung tuần tháng Chạp se se lạnh.
 
Ngày hôm sau, chúng tôi được tham gia học tập cùng một tổ súng cối. Biên chế vận hành của một tổ súng cối 82 ly chỉ cần ba người, nhưng để tăng quân số, ở đơn vị tôi, mỗi tổ lại có bốn người. Một đồng chí chỉ huy, một đồng chí khác nạp đạn vào khẩu pháo, và thằng Minh phụ trách chuyển đạn. Tôi làm nhiện vụ quan sát mục tiêu và theo dõi tọa độ nơi đầu đạn nổ. Tiếng là làm “con mắt” cho tổ súng nhưng thật ra tôi chẳng làm gì cả. Mỗi lần tập, tôi chỉ việc tìm một gò đất cao, hoặc trèo lên một cái cây nào đó, đưa ống nhòm lên tìm một mục tiêu, rồi báo cho chỉ huy tổ súng biết, để anh này day nòng khẩu pháo theo hướng đó hoặc nâng lên hạ xuống theo tầm xa. Chỉ thế thôi là đã xong việc! Bởi có bắn đạn thật đâu mà biết đạn có trúng mục tiêu hay không để điều chỉnh!. Phần thằng Minh cứ vác mấy cái đầu đạn hết chạy xuôi lại chạy ngược. Khổ nhất là lúc thực tập hành quân. Mỗi lần diễn tập nó vừa mang ba lô, vừa phải mang chân pháo ba càng, mệt bở cả hơi tai. Tôi ngoài ba lô chỉ khoác khẩu AK trên vai, và đeo cái ống nhòm toòng teng trước ngực. Những lần báo động hành quân ban đêm, thằng Minh càng vất vả. Trời tối lờ mờ, đường đi ghập ghềnh mang nặng mà phải lội suối, băng rừng, leo dốc vài tiếng đồng hồ khiến nó mệt ná thở. Mỗi lần như thế, trên đường về nó luôn nhờ tôi vác phụ càng chân súng cối.
 
Tuy là ở nơi “đèo heo gió hút” nhưng cuối tuần bọn tôi cũng có được thú vui. Đó là đi ra thị tứ Hà Tam dạo “phố”. Chiều chủ nhật đầu tiên, lúc mới đến chúng tôi theo các đồng chí ‘lính cũ’ đi ‘khám phá’ “phố núi”. Thị tứ Hà Tam (ngày nay là thị xã) nằm ngay trên trục đường Quốc lộ 19, dưới chân đèo Mang Giang là một khu thị tứ nhỏ, nghèo nàn như mọi thị tứ khác thời bấy giờ. Chúng tôi ra đây để uống rượu đế, uống cà phê đen và ghẹo các cô gái ‘miền sơn cước’. Nhưng rồi cái thú vui ấy cũng không còn. Trung tuần tháng Chạp, toàn Trung đoàn có lệnh cấm trại. Trong các đơn vị đã có lời đồn râm ran rằng sau Tết, Sư 2 sẽ mở chiến dịch mùa khô tiêu diệt tàn quân Pol Pot ở biên giới Campuchia – Thái. Một vài đại đội đã có người đào ngũ. Tôi nghe loáng thoáng có A trưởng đã dẫn cả một tiểu đội đào thoát. Hoang mang vô cùng!
 
Một buổi chiều thứ bảy, tôi và thằng Minh vừa rắm xong, từ con suối gần lán trại trở về. Lúc ngang qua nơi làm việc của Trung đội trưởng, thấy có mấy đồng chí đang đứng thập thò trước cửa lán đóng kín mít. Tò mò chúng tôi đứng lại xem cho biết có chuyện gì xảy ra. Chợt nghe tiếng huỳnh huỵch... huỳnh huỵch... như có người đang đấm đá vào bao cát. Rồi có tiếng rống to lên, sau đó là tiếng khóc hụ hụ... Tôi hỏi khẽ một đồng chí đứng gần chuyện gì. Anh ta cho biết, thằng Phong sáng nay đào ngũ. Chiều này trung đội bắt về được nên bây giờ bị ‘mần thịt’. Ai chứ thằng Phong thì tôi biết. Nó người Phú-Khánh, đến đơn vị cùng lúc với tôi và Minh. Dáng người béo núc, lầm lì và ít nói. Không ngờ nó gan thế, một mình dám trốn trại băng rừng từ đây về Nha Trang. Tôi và thằng Minh không hỏi gì thêm, lẳng lặng đi về lán của mình.
 
Chiều hôm sau, thằng Minh rủ tôi lên căng tin mua quà ăn vặt. Mỗi đứa mua một miếng kẹo đậu phộng sênh đường đen, đổ trên một miếng bánh tráng hình tam giác. Lúc về nửa đường, Minh bảo tôi dừng lại ngồi nghỉ trên một phiến đá bên vệ đường. Ngó trước, ngó sau không thấy ai, nó nói nhỏ với tôi:
 
- Tối nay tao bỏ trốn, mày có đi không?
Tôi suy nghĩ một chút rồi đáp:
- Tao hết tiền rồi!
Quả thật, túi tôi không còn một đồng teng. Lúc tôi đi tòng quân mẹ có cho tôi một ít tiền. Số tiền đó ngày ở quân trường Phù Cát tôi dùng để chỉnh sửa lại hai bộ quân phục mà mỗi tân binh được lãnh, để mặc cho vừa vặn. Còn lại tôi tiêu từ đó đến nay đã hết sạch. Thằng Minh vỗ vỗ vào túi áo bên ngực nói chắc nịch:
- Tao còn!
- Bao nhiêu?
- 75 đồng!
- Đủ để về tới Đức Phổ không?
- Mình về Đập Đá. Nhà chị Hai tao ở đó.
Tôi gật đầu đồng ý. Thằng Minh nói tiếp:
- Tối nay tới phiên tao gác từ 10 đến 12 giờ. Mày chuẩn bị mọi thứ, ngủ sớm, chừng nào tao kêu thì dậy đi!
 
Đêm đó, sau khi họp tiểu đội xong, tôi mắc mùng đi ngủ sớm. Tôi cởi đôi giày để bên mép phản thay vì để ở cuối đuôi phản như mọi hôm để dậy khỏi mang nhầm giày đồng chí ngủ cạnh bên. Tôi nằm vắt tay lên trán suy nghĩ. Thật ra, trong lòng tôi nửa muốn đào ngũ, nửa muốn ở lại. Ba tiếng ‘lính đào ngũ’ mới nghĩ đến thôi đã cảm thấy ê cả mặt. Nhưng ở lại bị đưa sang Campuchia đánh giặc thì cũng lo lo. Hình ảnh mấy anh thương binh tay chân mặt mũi băng bó trắng toát trên đoàn xe ngược chiêu ở đèo An Khê lại hiện ra trong đầu tôi. Tôi nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi.

 


Mở ngoặc. Bây giờ sau một khoảng thời gian khá dài quay nhìn lại việc mình đã làm cách đây ba mươi chín năm, tôi không còn cảm thấy xấu hổ nữa. Không phải là tôi thanh minh đẻ chữa thẹn cho mình, nhưng nhìn vào thực tế những gì bây giờ chúng ta thấy, hiển nhiên nó là vậy. Chính quyền Campuchia do cộng sản Việt Nam dựng lên là một chính quyền ăn cháo đá bát. Hàng vạn xương máu của trai tráng Việt Nam đã đổ xuống oan uổng trên một đất nước xa lạ cũng bởi cái “tinh thần quốc tế vô sản” chết tiệt. Nếu như ngày đó biên giới nước ta bị giặc ngoại xâm tấn công mà chúng tôi lại bỏ chạy mới là việc làm xấu hổ. Còn như vì cái ảo tưởng ‘bách chiến bách thắng’ của một đảng cai trị mà không tiếc sinh mạng của thanh niên thì đó lại là chuyện khác. Chỉ nói riêng trong chiến dịch mùa khô 1983-1984, Sư đoàn 2 đã bị hao tổn nguyên khí nghiêm trọng. Đại ta Tư lệnh sư đoàn Trương Hồng Anh (người Bình Sơn, Quảng Ngãi) tử trận trong một lần thị sát cao điểm 579. Trung đoàn Ba Gia thương vong nặng nề, sau chiến dịch phải rút về Việt Nam để bổ sung quân số. Đóng ngoặc.
 
Tôi đang mơ mơ màng màng thì nghe có tiếng người gọi khe khẽ:
- Thư! ... Thư! ...
Tôi mở bừng mắt. Gương mặt thằng Minh ghé sát mặt tôi. Tay nó lay lay vai tôi.
- Dậy! ... Dậy! ...
 
Tôi ngồi bật dậy. Tỉnh hẳn người và nhớ ngay ra là đêm nay hai đứa định bỏ trốn. Tôi nhoài người về phía cuối chỗ nằm, nơi vẫn thường để sẵn đôi giày. Không thấy giày đâu! Tôi quên khuấy trước khi đi ngủ đã di chuyền chúng sang phía bên tấm phảng! Thằng Minh đang bước ra cửa lán. Tôi lật đật nhảy xuống đất bước theo nó. Đi qua cửa lán, dưới ánh trăng lờ mờ, tôi thấy thằng Minh khoác trên vai khẩu AK. Hơi lạnh ngoài trời làm tôi tỉnh táo hẳn. Tôi liền bảo nó:
 
- Để súng lại!
Nó lưỡng lự. Tôi gắt khẽ:
- Mang theo súng sẽ bị truy đuổi vì tội ăn cắp vũ khí!
Thằng Minh nghe nói thế lập tức đem súng để ngay vào giá. Chúng tôi đí qua lán của Trung đội trưởng về hướng bờ suối. Một ánh đèn pin từ dãy lán đầu kia quét ngược lên. Hai đứa đứng lại. Có tiếng của Đại đội phó:
- Các đồng chí đang gác đấy à? Tỉnh táo nhé!
Chúng tôi đồng thanh đáp lại:
- Dạ vâng!... Thưa thủ trưởng!
 
Chờ cho C phó đi khuất lán trại, chúng tôi tiếp tục tiến ra bờ suối. Con suối này rộng khoảng mười mét. Chỗ lội, nước chỉ chừng nửa ống quyển, dưới đáy đầy đá cuội, hai đầu trên và dưới con suối nước sâu hơn, trong veo. Chiều chiều khi đi tập về chúng tôi thường ra đây để tắm. Qua khỏi suối là một khoảng đất có những bụi lùm thấp, rồi đến một khu rừng. Chúng tôi chưa bao giờ đi qua khỏi khu rừng đó nên khong biết con đường mòn băng qua suối dẫn đến đau.
 
Tiếng bước chân lội bì bõm của hai đứa khiến bọn tôi bắt đầu lo lắng, càng bước nhanh tiếng lội nước càng to. Chỉ có quãng đường mười mét mà như dài cả cây số. Lội vừa hết con suối hai đứa liền cắm cổ chạy thục mạng về phía khu rừng. Lúc này tôi mới biết không mang giày là một điều tai hại. Đôi vớ tôi mang lúc ngủ ướt sũng nước, chảy xệ khiến bước đi khó khăn vô cùng. Tôi cởi ra, quăng vào bụi cây bên đường. Đi dọc theo lối mòn một đoạn, tôi bảo thằng Minh rẽ phải vào khu rừng. Vì lo sợ cứ đi trên đường, có người đuổi theo sau ắt sẽ bắt gặp. Dường như nó cũng toan tính như tôi, nên vừa nghe nói đã làm ngay. Hai đứa tôi mệt thì đi, khỏe thì chạy trong khu rừng đêm suốt mấy tiếng đồng hồ. Lá khô củi mục kêu lạo xạo dưới chân. Vầng trăng hạ tuần bị những đám mây che lúc tỏ lúc mờ. Cây cối lùm bụi đen ngòm chập chờn, đầy vẻ ma quái, âm u. Bọn tôi lo đào tẩu nên không còn tâm trí đâu để mà lo sợ yêu ma hay thú dữ rình rập. Ra khỏi khu rừng một quãng chúng tôi phát hiện một con đường nhỏ bên bờ vực sâu. Đi theo lối này hai đứa lần mò đến cái bản nhỏ của người Thượng. Bản này chỉ có năm bảy căn nhà sàn cất cách xa nhau, dọc theo bờ vực. Nhà nào cũng cắm một hàng chông tre nhọn hoắc ngăn cách con đường mòn với vườn rau trước nhà. Chúng tôi cố gắng bước đi thật nhanh và không gây tiếng động để tránh làm thức giấc đồng bào trong bản. Rất may là cả bản không nuôi chó.
 
Đi khỏi bản thượng lại đến một khu rừng cây lá thưa thớt. Cuối khoảng rừng là một vùng đất trống mênh mông không nhìn thấy đường xá, cũng chẳng có lối mòn. Tôi hỏi thằng Minh:
 
- Đi hướng nào bây giờ?
 
Nó cũng chẳng biết trả lời sao. Bất chợt tôi cảm thấy đôi bàn chân đau nhói. Thì ra lúc chạy qua cánh rừng, đôi chân tôi đã dẫm đạp lên nhiều cành cây khô nên bị trầy xước chảy máu. Tôi cố nhịn đau bước cho kịp thằng Mình. Dưới ánh trăng thấy bóng mình ngả về phía trước. Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu tôi, tôi nói với thằng Minh. 
 
- Cứ đi theo hướng cái bóng của mình là sẽ về tới đồng bằng! Thằng Minh dường như cũng vừa ngộ ra, nó gật đàu tán thành. Tôi chỉ nói đại thôi chứ cũng không dám chắc, vì chẳng biết chị Hằng có lặn đúng về hướng chánh tây hay không. Nhưng đó là hướng đi duy nhất để chọn lựa trong lúc này.
 
Đi gần hết quãng đồng không mông quạnh thì trời cũng đã gần sáng. Nhìn xa xa, dường như có một xóm nhà. Đi một lát nữa, chúng tôi nhìn thấy có một ánh đèn hay bếp lửa gì đó lập lòe ở một ngôi nhà đầu xóm. Lúc này, cả hai đứa đều mặc quân phục, nếu vào xóm chẳng khác gì để cho người ta biết mình là lính đào ngũ. Chúng tôi bàn nhau tìm đến cái nhà có ánh đèn kia để đổi quần áo.
Vừa bước đến cái cổng làm bằng tre của ngôi nhà, thì người đàn ông đang đứng trong sân tập thể dục bước ra mở cửa cho chúng tôi vào. Hình như ông ta đã quá quen thuộc với cảnh ‘bộ đội cụ Hồ’ xuất hiện đột ngột như thế này. Không đợi chúng tôi mở miệng ông ta đã cất lời hỏi:
 
- Các anh muốn đổi quần áo?
 
Chúng tôi gật đầu. Ông trở vào nhà. Lát sau mang ra hai bộ quần áo cũ đưa cho Minh và tôi. Hai đứa đi lại cái đống rơm cạnh chuồng bò để thay đồ. Thằng Minh được một bộ đồ còn khá tốt. Chiếc áo ca-rô màu đỏ sẫm dài tay. Cái quần tây màu xanh đen. Chiếc áo của tôi thì cộc tay màu trắng nhưng đã ố vàng. Cái quần màu tiết đông cũ rích. Khi chúng tôi đưa hai bộ đồ ka-ki gần như còn mới toanh, ông chủ nhà cầm lấy nhìn thằng Minh và hỏi nó có muốn đổi đôi giày không. Thằng Minh đồng ý. Ông ta lại đi vào nhà đem ra một đôi dép râu. Thằng Minh cởi giày đưa cho ông ấy, còn đôi vớ thì đưa cho tôi mang. Tôi hỏi ông kia xin một đôi dép cũ, nhưng ông ta lắc đầu. Tôi chỉ cái nón cối màu xanh có ngôi sao đỏ trên đầu thằng Minh. Nó hiểu ý cởi nón đưa cho ông ta. Ông cầm lấy đem vào nhà, rồi đem ra một cái nón cời đưa cho thằng Minh. Chúng tôi cảm thấy khát nước nên xin một ca nước lạnh để uống. Thằng Minh đội cái nón cời lên đầu. Chúng tôi bước ra khỏi sân nhà. Lúc đi qua cánh cổng, không biết nghĩ sao thằng Minh cởi cái nón quăng lên hàng rào.
 
Đã đổi hình thay dạng, chúng tôi thản nhiên theo con đường chính đi ra khỏi xóm nhà. Lúc đi đến giữa xóm thì trời đã sáng rõ. Bên đường đi bắt gặp một nhà đang có hỉ sự. Cái cổng được uốn cong bằng một tàu lá dừa chẻ đôi. Trên cổng có hàng chữ “Vu quy” được cắt bằng giấy màu đỏ. Tôi nói với Minh:
 
- Mày làm bài thơ chúc phúc, rồi tao với mày vào đâychúc mừng cô dâu để xin ăn chực một bữa đi!
Thằng Minh bật cười khà khà.




Chúng tôi theo trục đường chính đi hết cái xóm nhỏ, lại băng qua một vùng đất trống nữa thì gặp ngay con đường trải nhựa. Chẳng biết có phải là đường Quốc lộ 19 hay không, nhưng thấy nó chạy theo chiều mặt trời mọc và mặt trời lặn nên nhằm theo hướng mặt trời đang lên mà đi. Đi một đoạn cũng chẳng gặp chiếc xe nào để về xuôi. Trong lòng bọn tôi bỗng dưng có  dự cảm không ổn. Nếu lỡ đơn vị phát hiện có người đào ngũ cho xe đuổi theo thì nguy to. Nghĩ thế, hai đứa vội đi băng qua đường, rồi đi xa một đoạn nữa về hướng Nam.  Cũng may là đi thêm chừng vài kilomet thì bắt gặp con đường mòn chạy song song với con lộ. Lúc bấy giờ mặt trời đã lên cao. Suốt nửa đêm và nửa ngày chạy trốn bụng dạ tôi lên cơn cồn cào dữ dội. Tôi có tật xấu chứng đói, nhịn ăn lâu là tay chân run rẩy. Đúng lúc đó nhìn thấy một trái bắp khô bị bánh xe bò cán bẹp dí trên nền đường đất đỏ, tôi cúi xuống nhặt lên, phủi bụi đất,  và lảy vài hột cho vào miệng nhai ngon lành. Đưa phần còn lại cho thằng Minh, nhưng nó không lấy. Tôi từ từ ăn hết cả trái bắp.

Con đường mòn hướng về phía đông, nhưng lại chạy lên khu đồi tranh.  Lúc đến chân đồi chúng tôi gặp được chị người Thượng đang gánh một gánh tranh nặng trĩu đi ngược chiều. Chúng tôi dừng lại hỏi thăm đường về xuôi. Nhưng chị lắc đầu tỏ vẻ không biết. Không ngờ chị lại ngó thấy đôi chân tôi rướm máu, bước đi khập khừng, liền cởi đôi dép cao su đang mang, đưa cho tôi. Tôi không nhân, nhưng chị quyết cho nên không lấy lại mà gánh gánh tranh đi nhanh xuống đồi. Chị ấy đội nón lá, chiếc khăn màu trắng che kín cả mặt chỉ chừa lại đôi mắt nên tôi cũng không  biết ân nhân của mình mặt mũi ra sao. Tôi chỉ còn biết rối rít nói tiếng cảm ơn phía sau lưng chị.

Minh và tôi đi lên đồi tranh. Trời đang giữa trưa, hôm nay lại nắng chang chang. Khắp chung quanh, rừng tranh ngút ngàn. Một màu vàng úa của lá tranh lan xa tưởng chừng vô tận. Cỏ tranh có chỗ cao lên tới ngực. Con đường đến đây cũng hết.  Mặt trời đang đứng bóng, không một chút gió. Nóng hầm hập.  Chúng tôi mất phương hướng trong  rừng tranh bạt ngàn.

Sau một hồi đi lung tung cũng không cách nào thoát ra khỏi ma trận của rừng tranh, tôi tuyệt vọng, tìm một khoảng đất trống ngồi nghỉ mệt. Đói và khát. Hai đứa im lặng, chẳng ai nói với ai điều gì. Ngồi nghỉ một lát, người đã dễ chịu tôi bảo thằng Mình:

- Mày nhìn xung quanh xem có cái cây cao nào không.

Nó đảo mắt nhìn quanh, rồi chỉ cho tôi thấy, không xa lắm có một cái cây dường như đã chết khô, có hai nhánh chọc thẳng lên trời. Tôi bảo nó tiến về phía đó. Đến nơi thì ra cái cây rụng lá chứ không phải chết. Tôi trèo lên cây và nhìn khắp nơi. Phía xa, gần một khu rừng, dường như có một con đường đất đỏ. Một chiếc xe ben chở gỗ từ trong rừng chạy ra. Tôi mừng quá reo to lên, kêu thằng Minh trèo lên chỉ cho nó thấy. Hai đứa tôi rẽ tranh, lao về hướng đó. May mà tôi có đôi dép của chị người Thượng cho. Nếu không, băng qua đồi tranh ấy cũng là một điều gian nan.

Con đường đất đỏ rất rộng, dấu vết xe chằng chịt. Có lẽ là lối chuyển gỗ về xuôi của một lâm trường nào đó. Nghĩ vậy, hai đứa cứ lặng lẽ đi bước đi. Trời phật phù hộ làm sao, cuối cùng con đường ấy lại dẫn ra Quốc lộ 19. Lần này thì chúng tôi quyết bám sát con lộ, không đi quá xa nữa.

Trời đã xế chiều, chúng tôi đi ngang qua một khu ruộng trồng khoai lang, hai đứa liền đào trộm mấy cũ, đem xuống bờ mương tửa sạch và ăn ngấu nghiến. Ăn xong lấy hai bàn tay làm gáo bụm nước mà uống.

Tiếp tục đi. Đến chạng vạng, chúng tôi lại gặp một thôn trang. Hai đứa đi vào làng đó đẻ tìm cái gì ăn cho đỡ đói. Chẳng bao lâu đã trông thấy trước sân một căn nhà có mấy cái vĩ tre thường dùng để phơi bánh tráng. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, hai đứa xô cổng bước vào. Chó sủa. Một chị phụ nữ xuất hiện bên cánh cửa chái bếp. Thằng Minh hỏi có bán bánh tráng không. Người đàn bà gật đầu. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua ăn tại chỗ. Chị cho chúng tôi vào nhà. Thằng Minh kêu bốn cái bánh tráng và xin một chén nước mắm. Tuy bữa ăn quá đơn giản nhưng hôm ấy chúng tôi cảm thấy sao mà ngon lạ lùng.

Uống xong bát nước chè, Minh hỏi đường đến đèo An Khê, Chị chủ nhà cho biết nơi đây cách không xa trạm gác Song An là mấy. Nghe nói thế bọn tôi mừng muốn reo lên, nhưng cố kìm lại. Thời đó để áp dụng chính sách ‘tự cung tự cấp’ mỗi cửa ngõ giao thông của các tỉnh đều có trạm gác của công an kinh tế, chuyên bắt những người vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.  Trạm Song An thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum  ngay sát chân đốc đèo An Khê. Qua khỏi đèo thuộc tỉnh Nghĩa-Bình có trạm Phú Phong.

Chúng tôi rời lò bán bánh tráng thì trời đã tối. Một cơn mưa nhỏ khiến hai đứa lạnh run. Men theo rìa phía Nam đường Quốc lộ 19, chúng tôi đến trước trạm Song An vào lúc khoảng mười giờ đêm. Còn sơm, qua trạm rất dễ bị phát hiện. Hai đứa vào một khu rừng thông để trú mưa và cũng để chợp mắt một lát, chờ nửa đêm mới vượt trạm. Chúng tôi chui vào một gốc cây thông rậm, ngồi cúi đầu bó gối chờ thời gian trôi qua chớ không sao ngủ được. Nhìn xéo qua bên kia mé lộ thấy ngọn đèn của trạm gác vẫn còn chong sáng trưng. Lâu lâu lại có một chiếc xe bị dừng lại để kiểm tra hàng hóa.

Không biết phải chờ đợi bao lâu, thằng Minh nóng ruột bảo tôi:

- Mình đi thôi! Trời mưa thế này họ không nhìn thấy mình đâu.

Tôi nghe nó nói cũng có lý. Hai đứa lò dò, khom lưng, cúi đầu thật thấp men theo các lùm bụi tiến về chân đèo An Khê. Lên đến nửa dốc thì cả hai đuối sức, Hai thằng tìm một gốc thông rậm rạp để núp vào bàn tính.  Vượt đèo nửa đêm thì không dám. Đợi đến sáng mới qua đèo dễ gặp cảnh binh đón lỏng bắt về. Cách nào cũng không được! Suy đi tính lại chỉ còn chờ trời sáng đón xe đò từ Kon Tum về Quy Nhơn là khả thi.

Nửa đêm canh khuya hai thằng con trai ngồi dựa vai nhau ở một dốc đèo hoang vắng, âm u, không một ánh đèn, không một tiếng dế kêu. Trời lại mưa lâm râm khiến đứa nào cũng cảm thấy buồn đến não ruột. Chốc chốc bọn tôi lại đứng lên nhìn về phía cuối đèo mong chờ một ánh đèn xe.

Khoảng ba bốn giờ sáng, đột nhiên phía dưới chân đèo có hai đốm đèn pha quét sáng rực. Thằng Minh reo lên:

- Có xe rồi! Ra đón mau!

Tôi đi trước ra bìa lộ, lòng mừng khấp khởi, nó đi sau. Tôi giơ tây vẫy vẫy ra hiệu dừng xe. Chiếc xe thắng lại, ngọn đèn pha chiếu vào mặt tôi sáng lòa khiến tôi không nhìn thấy gì. Tôi bước né sang một chút. Chiếc xe đen sì, dừng cách tôi khoảng  mười mét. Một người mở cánh cưả xe bên phía tài xế đi vòng ra sau xe rồi giơ khẩu súng trường về phía chúng tôi, cất tiếng quát:

- Tại sao lại chận xe?

Tôi nói lớn:

- Bọn em đón xe về Quy Nhơn.

Người kia hỏi tiếp:

- Ở đơn vị nào?

Đầu óc tôi lúc đó tự dưng nhạy bén hẳn lên, những suy nghĩ thoáng qua nhanh như chớp. Không thể nói là lính Sư 2. Tôi vụt nhớ mỗi lần đi tắm ở con suối cạnh doanh trại, nghe loáng thoáng cái tên Nông trường Hà Tam. Tôi vội trả lời:

- Công nhân nông trường Hà Tam.

Chợt tôi nghe trong xe có giọng nói nhỏ nhưng già dặn, rắn rỏi, rõ ràng:

- Lính Sư 2 đào ngũ chứ công nhân gì! - Nói rồi ông ta bảo người kia lên xe.

Chiếc xe chồm lên, rồi lao vào màn đêm. Đến lúc này thì tôi mới nhận ra đó là một chiếc xe jeep quân đội! Tôi và thằng Minh sợ điếng hồn. Hai đứa vội chạy lại gốc cây thông núp vào đấy. Chừng mười lăm phút sau, mọi chuyện tưởng đâu êm xuôi, bỗng dưng tôi nghe tiếng quát:

- Giơ tay lên!

Tôi đảo mắt nhìn quanh, trời lúc này đã tạnh mưa, nhưng vẫn còn tối đen. Người kia lại quát lên, lần này to và gần hơn:

- Giơ tay lên! Không tao bắn!

Tôi vội vàng giơ hai tây lên trời. Người kia lại ra lệnh:

- Đứng dậy bước ra ngoài!

Tôi ngoan ngoãn làm theo.

- Còn thằng nữa đâu?

- Không ngoái đầu lại, tôi nói:

- Nó mới ở đây mà!

Giọng người kia đanh thép:

- Không bước ra là tao bắn!

Đến bây giờ thằng Minh mới từ trong gốc thông bước ra, hai tay giơ cao.

Thấy hai đứa tôi răm rắp làm theo, và trong tay không có vũ khí nên người kia cũng dịu giọng:

 

- Đi ra đứng cạnh lề đường!

Chúng tôi ngoan ngoãn vâng lời. Người kia hỏi:

- Bọn mày làm gì ở đây?

Thấy thằng Minh im re không nói lời nào, tôi vội lên tiếng:

- Bọn em là công nhân Nông trường Hà Tam. Bọn em về quê ăn Tết ít hôm rồi lên.

Không biết người kia có tin hay không, nhưng tôi chẳng nghe anh ta hỏi gì thêm, Cũng may là chúng rôi đã mặc bồ đồ thường dân. Chỉ có cái đầu hớt ba phân chẳng biết có làm lộ tẩy không. Bây giờ trời đã tờ mờ sáng. Tôi đưa mắt quan sát. Thì ra có hai người chứ không phải một. Một người bên tả, một người bên hữu. Họ từ dốc đèo đi xuống. Hai khẩu súng trường chỉa nòng về phía chúng tôi. Trên bắp tay trái mỗi người có cột một miếng vải đỏ. Đúng là cảnh binh của sư đoàn! Không hiểu sao hôm ấy tôi rất nhanh nhảu mồm miệng. Thấy họ im lặng tôi van vỉ:

- Các anh tha cho bọn em đi!

Tưởng đâu anh cảnh binh phớt lờ câu van nài của tôi, không ngờ anh ta lại hỏi:

- Quê ở đâu?

- Bọn em quê Quảng Ngãi.

Im lặng một lát anh ta cho biết:

- Bọn bây không thoát được đâu. Bên kia đèo cảnh binh đang tuần tra. – Anh ta chỉ một phiến đá bên cạnh, bảo chúng tôi tới ngồi yên chỗ đấy.

Lúc này, tôi mới bắt đầu hoảng loạn. Nghĩ tới bị đưa về cho Tring đội trưởng làm ‘bao cát’ tập võ tự do lòng tôi ngán ngẩm. Thằng Minh thì từ lúc nào nó đã câm như hến. Tôi chỉ còn biết im lặng, kê tay gục mặt trên phiến đá.

 31/7/2022

 

 


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Tôi Tập Làm Văn

 TÔI TẬP LÀM VĂN

  •  
    Suốt đêm hôm qua tôi không thể nào chợp mắt được. Đầu óc vẩn vơ những ý nghĩ lung tung. Không phải tôi sợ bị đưa ra chiến trường mà là thắc mắc về cách hành xử của cán bộ khung khu huấn luyện bộ đội biên phòng Gành Ráng. Quả thật, tôi cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng khi tư trang của mình bị lục tung mà mình không có mặt ở đó. Tôi xâu chuỗi mọi chuyện lại với nhau và đinh ninh rằng mình bị đưa sang chiến trường K là do bài thơ gửi đăng báo tường kia. Thằng T. có lý lịch giống tôi, trình độ học vấn cũng như tôi nhưng không hề bị tống đi. Chỉ có tôi và nhà thơ Thái Đức, hai kẻ học đòi văn chương ba trợn mới bị cho “đi đày” không thương tiếc. Tôi nghĩ chắc có lẽ mười mấy đồng đội kia cũng đã vi phạm vào tội gì đấy. Tôi chợt nhớ lời cô giáo dạy văn năm lớp mười của tôi thường nói, văn chương là một thứ hung khí nguy hiểm, nó có thể sát hại kẻ thù, nhưng cũng có khi làm thương tổn mình. Nhưng biết làm sao mà vứt bỏ khi lòng đã trót đam mê? Vả lại đối với tôi việc học văn làm thơ là một nỗ lực của bản thân mà có lúc tôi đã từng tự hào.
     
    Tỉnh Quảng Ngãi được “giải phóng” tháng ba năm 1975. Đến tháng chín bắt đầu khai giảng các lớp học phổ thông. Trước đó một tháng, nhà trường đã thông báo ghi danh cho năm học mới. Xóm tôi lũ trẻ vui mừng nô nức ghi tên nhập học. Tôi cũng hăng hái điền tên mình vao danh sách học sinh lớp bốn. Tôi đã mười hai tuổi, tự mình biết đi làm lấy, không còn phải nhờ đến mẹ hay các chị.
     
    Tên tôi trong giấy khai sinh cũ là Trần Đình Thư. Khi tôi mới về quê có một bác nói với tôi:
    - Cái họ Trần Đình của mầy nghe sao nó giống Bắc Kỳ quá!
    Tôi hỏi lại:
    - Chớ bác bảo người Trung mình thì lót chữ gì?
    - Văn. Trần Văn!
    Thế là khi ghi danh đi học người ta hỏi tôi tên gì, tôi không suy nghĩ mà đáp:
    - Trần Văn Thư.
     
    Vậy là chữ lót Văn từ đó dính liền với tôi. Có phải vì vậy mà lớn lên chút nữa tôi luôn mê thích văn chương và mộng làm “nhà thơ, nhà văn” chăng? Tuy nhiên, tôi cũng tự biết làm thi sĩ, văn sĩ đâu có dễ! Lập thân bằng con đường văn chương chông gai trùng trùng nên khi trưởng thành tôi đã chọn học ngành điện tử để cho dễ kiếm cơm. Dù vậy cái máu mê thơ văn cũng khó mà bỏ được.
     
    Năm đầu tiên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tôi vào học lớp bốn. Lúc đó môn văn của tôi dở tệ. Bài văn nào tôi cũng chỉ được điểm ba, điểm bốn. Các chị tôi đã đi lấy chồng cả rồi. Mẹ tôi bận bịu với công việc đồng áng, nương rẫy nên để mặc tôi tự học hành. Môn văn của tôi kém là vì cơ bản thiếu vốn từ vựng, và không biết kỹ thuật làm một bài văn. Trước năm 1975, tôi chỉ mới học xong lớp hai, rồi nghỉ vì nhà không đủ tiền đóng học phí cho cả hai anh em cùng học. Lúc ghi danh thấy mấy đứa bạn cùng trang lứa xin vào lớp bốn, tôi cũng nhảy cóc theo, bỏ qua lớp ba. Về môn toán chỉ là cộng trừ nhân chia nên không có vấn đề. Còn môn văn, tôi là đứa trẻ không giàu trí tưởng tượng, lại thiếu nguồn sách báo để đọc nên dốt đặc cán mai. Thầy giáo năm lớp bốn vốn là một thương binh bị cụt mất một cánh tay, vì thiếu thầy cô nên được nhà trường cho vào biên chế nhà giáo. Nghe nói thầy chỉ mới học xong lớp năm bổ túc văn hóa, không có kiến thức sư phạm. Bời vậy môn văn của tôi không thể nào mà khá lên được. Mỗi lần thầy phát bài tập làm văn tôi luôn giấu nhẹm, không dám cho bạn bè coi, sợ bị chê cười.
     
    Một ngày nọ tôi đến nhà thằng bạn Lê Thanh Hưng chơi, cái thằng ngày đầu tiên đi học đã cùng tôi bị ông giáo già nhốt lại lớp lúc ở Sa Huỳnh. Thấy nó đang cầm một cuốn sách đọc chăm chú. Thấy tôi, nó đưa cho xem. Bìa sách màu cam đã bạc thếch, nhiều chỗ trầy tróc nhưng hàng chữ nhan đề vẫn còn nhìn rõ. Tôi đọc lẩm nhẩm: “150 bài văn mẫu.” Ôi! Tôi mừng quá vội vàng hỏi nó mượn luôn! Đem về nhà tôi say sưa ngốn ngấu. Gặp được “bí kíp” phen này tôi quyết chí luyện cho được công phu tập làm văn. Vốn có trí nhớ khá tốt nên tôi ghi nhớ được dễ dàng nhiều câu văn hay trong sách. Đồng thời tôi học theo cách lập dàn bài, lập ý cũng như trình tự làm một bài văn miêu tả hay tường thuật, vv... và vv...
     
    Nhờ đọc cuốn sách đó mà sau này các bài tập làm văn của tôi đã đạt từ sáu đến bảy điểm, đôi lần còn được tam điểm. Cuối lớp năm tôi được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi văn của huyện nhà. Nhưng kết quả cuộc thi tôi đã bị trượt dài. Dù sao thì cái đà học văn của tôi vẫn tiến bộ kể từ đó. Năm thi lên lớp mười, làm bài luận về tác phẩm Cây Tre của nhà văn Thép Mới, tôi đã hoàn thành khá xuất sắc. Cũng nhờ bài luận này mà suốt cả năm học lớp mười được cô giáo dạy môn văn tỏ ra ưu ái nhiều hơn. Cô là giáo viên dạy văn và cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp. Tuổi cô còn rất trẻ. Theo lời cô thì vừa tốt nghiêp Đại học Sư Phạm Quy Nhơn là cô được phân công về trường Phổ thông Cấp ba Đức Phổ. Cô là người Quảng Trị. Giọng nói trọ trẹ nhưng cũng dẽ nghe. Tuy không xinh đẹp nhưng giảng bài rất hay nên được đông đảo học trò yêu mến. Nhiều đứa bạn tôi bây giờ mỗi lần họp mặt bạn cũ vẫn thường hỏi thăm và nhắc nhiều kỹ niệm về cô.
    Tôi nhớ có một hôm cô giáo đang giảng bài về ‘câu văn có hình ảnh,’ cả lớp tập trung, chú ý lắng nghe. Tôi vừa nghe, vừa cúi mặt xuống gầm bàn. Trong hộc bàn cuốn Sông Thami Trong Xanh, một quyển tiểu thuyết hiếm hoi của văn học cách mạng Mông Cổ mở ra đang đọc dở dang. Đột nhiên tôi nghe gọi: 
     
    - Thư!
    Tôi giật nẩy mình ngẩng lên nhìn cô, và thưa:
    - Dạ...
    - Em hãy cho ví dụ về một câu văn có hình ảnh!
     
    Tôi đứng dậy, lúng túng, dáo dát nhìn xung quanh nhờ đám bạn trợ giúp. Im lặng, Tôi quay nhìn ra cửa sổ. Một làn gió thổi qua làm rung động nhánh phượng vĩ, một chiếc lá khô nhẹ nhàng lìa cành. Câu văn thoáng qua trong đầu tôi.
    Tôi đáp:
     
    - Thưa cô... Mùa thu, lá vàng rơi lả tả.
     
    Cô giáo nghe xong mỉm cười, ra hiệu cho tôi ngồi xuống, rồi nói với cả lớp:
    - Đấy là một câu văn có hình ảnh và màu sắc. Các em hiểu chưa?
    Lúc chia tay mùa hè, tôi đến thăm để từ biệt cô ở khu tập thể giáo viên. Cô đã khiến tôi rất cảm động. Cô dẫn tôi về phòng, lấy bài thi văn cuối học kỳ hai đưa cho tôi xem. Bài văn có hai khoanh tròn ghi chữ số màu đỏ. Một khoanh ghi số năm, khoanh kia ghi số bảy. Không chờ tôi hỏi, cô đã giải thích:
     
    - Bài văn của em lúc đầu cô H. chấm năm điểm. Nhưng khi cô đọc lại đã cho bảy điểm.
    Tôi ngước mắt nhìn cô thay cho câu hỏi tại sao.
     
    Cô nói:
    - Đọc thơ văn mỗi người đều có cảm nhận khác nhau. Giọng văn của em cô thích nên cho thêm điểm, còn người khác không hẳn vừa ý cho nên chấm điểm thấp là chuyện bình thường... Cô vừa là giáo viên dạy bộ môn văn, vừa là chủ nhiệm lớp nên có quyền quyết định số điểm cuối cùng.
     
    Lời dạy bảo của cô hôm nào quả thật không sai. Bài thơ “Những Ngọn Đèn Ve” có bị cấp chỉ huy hiểu lầm cũng là điều dễ hiểu. Lý do: họ có một background và một tư duy hoàn toàn khác.
     
    29/7/2022
    Trần Đức Phổ
     

     
     
     
     

Bài Thơ Làm Đổi Thay Cuộc Đời

 

BÀI THƠ LÀM ĐỔI THAY CUỘC ĐỜI 

Nói đến Quy Nhơn không những người ta nghĩ ngay đến bãi biển Hoàng Hậu nổi tiếng, hoặc làng Quy Hòa thơ mộng mà còn nhắc đến Đồi Thi Nhân, nơi có ngôi mộ của cố thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Mộ ông ngày đó được xây bằng xi măng không “hoành tráng” như bây giờ. Con đường lên mộ thi sĩ khúc khủy, hai bên cây cối rậm rạp, um tùm. Ngày đó tôi có làm một bài thơ chép vào cuốn Tiếng Lòng, năm 2016, chỉnh sửa lại đôi chút và đăng lên mạng xã hội.
 
Viếng Mộ Hàn Mặc Tử 
 
Dốc cũ còn ghi nhớ Mộng Cầm
Nhưng người đã khuất biệt mù âm
Quy Hòa sóng vỗ trong buồn tủi
Đất Cảng hồn bay giữa lặng trầm
Ngửa mặt than trời ai yểu mệnh
Nghiêng mình tưởng niệm phút thành tâm
Ngàn sau vẫn tiếc Duyên Kỳ Ngộ
Mật Đắng cuồng điên mải miết tầm.
 
Có những bài thơ khiến người ta lên voi, cũng có những bài thơ đày ải người ta vào cảnh tù ngục, tối tăm hoặc mất cả sinh mạng. Không nói đâu xa, những thập niên 1950s của thế kỷ trước ở miền Bắc, Việt Nam những bài thơ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm là một dẫn chứng điển hình.
 
Tôi không dám so sánh mình với bất cứ ai nhưng vì làm một bài thơ mà sau đó một sự việc xảy ra đã làm cho cách suy nghĩ về cuộc sống, về người cộng sản của tôi đã khác đi hoàn toàn. Ngày còn bé đọc những truyện, ký của những người đi làm ‘cách mạng’ tôi khâm phục họ lắm. Tôi luôn luôn muốn học hỏi, noi gương theo họ tinh thần vì đất nước quê hương, sẵn sàng dám hy sinh, dấn thân vào con đường gian lao, nguy hiểm. Cũng chính vì làm bài thơ hôm ấy mà tôi mới thật sự học được bài học đầu tiên về bản chất của người cộng sản. Họ thật sự không tôn trọng những gì thuộc về tự do, riêng tư của người khác.
 
Lúc ấy là vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch, nhằm mừng đảng, mừng xuân mới, khóa học tân binh lính biên phòng có tổ chức cho các trung đội thi đua, mỗi đơn vị làm một tờ báo tường. Vốn tính hay thích viết lách, tôi cũng tham gia đóng góp một bài thơ với tựa đề “Những Ngọn Đèn Ve” để hồi tưởng lại miền quê dấu yêu đang xa cách. Cũng như nhằm bày tỏ niềm tin yêu vào cuộc sống se tươi đẹp nơi cố hương.
 
Bài viết được gửi đi vào buổi sáng thì khoảng 11 giờ trưa tôi có việc ra ngoài. Khi trở về, ba lô của tôi bị lục tung. Quần áo giấy bút và đồ dung cá nhân như chăn, màn... bị vứt bừa bãi dưới sàn barrack. Tôi quá bực mình và ngạc nhiên hỏi người đồng đội bên cạnh ai đã vứt lung tung đồ đạc của tôi, thì được cho biết cán bộ trung đội cho người lục soát. Nghe nói thế, tôi bắt đầu thấy lo lắng, không hiểu mình đã làm sai điều gì mà bị cấp trên đối xử như kẻ ăn cắp vặt vậy. Tôi lẳng lặng thu dọn lại đồ đạc và thấy mất đi cuốn Tiếng Lòng. Khi tôi dọn dẹp vừa xong cũng là lúc chính trị viên đại dội cho người gọi tôi lên. Tôi bước vào căn phòng làm việc của đại đội trưởng, trông thấy ở đó đã có mặt A trưởng và B trưởng, cùng chính trị viên đại đội. Tôi nghĩ bụng: “Sự việc rất nghiêm trọng đây!”Họ chỉ ghế cho tôi ngồi và bắt đầu hạch hỏi về nội dung bài thơ. Tôi cố gắng giải thích cho mọi người hiểu, bài thơ không có bất cứ một ám thị phản động nào. Nhưng họ cứ day đi day lại những câu mà tôi đã viết như sau:
 
“Những ngọn đèn ve không sáng chóa, sang lòa
Như ánh điện ở nơi đây em ạ!
Những ngọn đèn ve cháy âm thầm, êm ả
Như ngọn lửa cuộc đời sưởi ấm tuổi thanh xuân!”
 
Và họ hỏi tôi có âm mưu gì mà viết như thế?! Có phải “những ngọn đèn ve”là tín hiệu, là ngọn lửa âm ỉ chống đối lại chính quyền cách mạng không? Tôi đã khẳng định nhiều lần tuyệt đối là không. Nhưng họ vẫn không tin!
Tôi chẳng còn nhớ trọn vẹn bài thơ nên không chép hết ra đây được. Thế nhưng, theo như cảm nhận của tôi thì họ chỉ bắt bẻ mỗi khổ thơ trên. Đã trãi qua gần bốn mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in và chép lại được, vì bị hỏi cung suốt 2 giờ đồng hồ liền. Họ cứ nhắc đi nhắc lại đoạn thơ ấy. Cuối cùng chắc là họ tin tôi không tham gia vào nhóm phản động nào nên đã trả lại cuốn nhật ký Tiếng Lòng. Nhưng bài thơ thì bị tiêu hủy. Tôi phải viết bản kiểm điểm giải trình về tư tưởng rồi mới được ra về. Cũng may là trong tập Tiếng Lòng toàn là những bài ca ngợi cảnh đẹp quê hương, hoặc cuộc sống nông thôn mới hợp tác xã, hoặc những bài thơ tình rất ngô nghê thời mới lớn.
 
Ngày đó, tôi chưa biết sự kiểm soát tư tưởng con người của ché độ cộng sản là hết sức gắt gao, chặt chẽ. Tôi cũng chưa hề có được khái niệm tự do trong sáng tác là gì. Tôi chỉ biết mình nghĩ mình cảm thế nào thì viết ra như thế. Từ ngày hôm đó, trong lòng tôi cứ suy nghĩ rằng có một cái gì đó sai sai, không đúng ở những người chỉ huy của tôi. Tôi không nói ra điều đó với bất cứ ai, nhưng từ đấy tôi không còn hứng thú để viết gì nữa. Tập nhật ký cũng bị tôi xé bỏ. Tôi sợ sẽ gây họa vào thân.
Sau đó một tuần, nửa đêm bỗng có tiếng còi báo động. Mọi người nhanh chóng thức dậy, thu xếp mùng mền rồi ra sân tập hợp. Tôi cứ tưởng là báo động diễn tập hành quân nửa đêm như mọi lần. Nhưng không! Lần này khác!
 
Lúc mọi người đã có mặt đầy đủ, đại đội trưởng cầm bảng danh sách đọc một số cái tên. Hễ ai bị đọc tên thì bước ra ngoài hàng. Tôi nghe đọc cả hai cái tên Nguyễn Minh và Trần Văn Thư, không có tên thằng T. Chúng tôi bước ra khỏi hàng. Tất cả chừng đâu hai mươi người. Đại đội trưởng cho nhóm người không bị đọc tên về lại trại. Nhóm tân binh bị gọi tên bắt đầu lo lắng, có tiếng xì xầm bàn tán. Có người đoán sắp có chuyển quân. Tôi nghĩ bụng, khóa học chưa kết thúc sao lại chuyển quân lúc này. Không biết thằng Minh nge tin đồn ở đâu, ghé vào tai tôi thì thầm:
 
- Bọn mình bị điều chuyển sang bộ đội chính quy.
 
Tôi bình thản, lính gì cũng là lính thôi mà. Tuy nghĩ thế nhưng không nói ra. Lúc này,tôi trông thấy một chiếc xe nhà bình, không biết đã đậu ngoài cổng từ lúc nào, bắt đầu nổ máy. Hai cái đèn pha bật sáng choang.
 
Đại đội trưởng ra lệnh cho tất cả lên xe cùng với hai trung đội phó vai mang súng AK, và cả chính trị viên đại đội. Chiếc xe nhắm hướng thị xã Quy Nhơn lăn bánh. Hai vệt đèn pha sáng quắc soi rõ con đường trong màn đêm tối đen.
 
Xe chạy vào một cái cổng doanh trại. Trong sân, đèn điện bật sáng. Vài tốp bộ đội vai mang ba lô như chúng tôi đi qua đi lại. Đồng chí chính trị viên dẫn cả bọn đến bàn giao cho một cán bộ khác. Chúng tôi xếp hai hàng dọc. Anh thượng sĩ kia điểm danh từng người một rôi đưa cả bọn vào một căn phòng rộng như phòng học nhưng không có bàn ghế gì. Lúc anh thượng sĩ ra khỏi phòng, tôi hỏi thằng Minh, thằng này tuy thấp bé nhưng khôn ngoan và lọc lõi cuộc đời hơn tôi nhiều.
 
- Mày biết bọn họ sẽ đưa mình đi đâu không?
- Chắc là Cam-pu-chia!
- Tin từ đâu thế?
- Tao đóan vậy! 
 
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Chẳng lẽ mình làm bài thơ ấy, họ đọc và cho là mình có tư tưởng phản động chăng? Thế thì oan tôi ông địa! Từ trước đến nay tôi luôn luôn ghi nhớ điều Bác dạy thiếu niên và nhi đồng, yêu tổ quốc, yêu đồng bào mà. Chả thế mà có lần một chiếc tàu vượt biển tấp vào xã Phổ An, lũ trẻ chúng tôi đã kéo nhau đi xem. Hom đó, thằng Thanh, bạn thân nhất của tôi hỏi, nếu có dịp đi vượt biển tôi có đi không. Không cần suy nghĩ tôi cũng trả lời nó một cách nghiêm túc, đi làm gì. Tôi cứ ngây thơ tin tưởng như những lời tuyên truyền rằng hễ ai bỏ nước ra đi đều là người tham sang phụ khó cả. Tôi hỏi thằng Minh.
 
- Mầy có gửi thơ tham gia báo tường không?
- Có!
- Chủ đề gì?
- Tao đọc mầy nghe. – Nó nói rồi không cần giở cuốn sổ ra, đọc một đoạn cho tôi nghe:
 
“Đêm mùa đông rét mướt
Thao trường mưa lâm thâm
Mình ta bồng súng gát
Nhớ mẹ già xa xăm
 
Đứng canh trời xứ lạ
Không vì sao bạn cùng
Gió rung cành, rơi lá
Lòng chợt buồn mông lung”
 
...
 
Đọc xong bài thơ, nó ghé vào tai, hỏi tôi:
- Mày có muốn trốn không?
 
Tôi trầm ngâm không trả lời. Nó nói tiếp:
- Mày ở đây coi ba lô, tao ra ngoài xem thử!
 
Thằng Minh đi một lát rồi quay lại. Nó nói nhỏ:
- Không có cách nào ra ngoài được. Lính gác cổng chỉ cho bộ đội vào không cho ra.
 
Chúng tôi đêm ấy ngủ tại căn phòng đó. Tờ mờ sáng hôm sau, tất cả mọi người không được cho ăn sáng, đều tập trung tại hội trường nghe những lời huấn thị của cấp trên rồi lên xe. Đoàn xe tân binh gồm tám chiếc, đầy nhóc lính mới, chạy ra ngã ba Phú Tài rồi rẽ sang Quốc lộ 19 chạy về hướng An Khê.
 
28/7/2022
Trần Đức Phổ