Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Những Mẩu Chuyện Về Sách

 


 

 

Không biết từ lúc nào trong bọn nhóc chúng tôi lan truyền cái câu châm ngôn bá đạo ‘lấy sách sách không phải là ăn cắp’ ấy. Từ năm học lớp sáu tôi đã bắt đầu ham mê đọc sách.

 

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên tôi biết xem sách. Ngày tôi học xong lớp một, chị tôi từ Sài Gòn đem về nơi tạm cư của gia đình tôi, lúc bấy giờ ở Sa Huỳnh, cuốn Bên Dòng Dông Trẹm của nhà văn Dương Hà. Hằng ngày, tôi cứ thấy chị tôi lén lút chờ mẹ đi đâu vắng là lấy ra đọc. Hễ thấy mẹ tôi về là giấu nhẹm đi. Tôi nghe chị tôi nói với đám bạn bè rằng chuyện tình trong cuốn sách này hay lắm. Chị nhắc loáng thoáng mấy cái tên Triệu Vĩ, Mỹ Lan... gì gì đó.

 

Tính tôi hay tò mò nên chờ chị tôi đi làm việc nhà thì lấy trộm xem. Năm ấy tôi chỉ mới học lớp một nhưng đọc sách báo khá trơn tru. Đọc thì đọc mặt chữ, chẳng hiểu ất giáp chi ráo. Một hôm, chị tôi bắt gặp, thế là tôi bị chị phết vào đít mấy phát, và cấm không cho tôi xem cuốn đó nữa. Tôi khóc tru tréo, nước mắt nước mũi dàn giụa làm chị tôi mủi lòng, an ủi tôi, nín đi rồi chị mua cho cuốn khác mà xem.

 

Thế là mấy hôm sau, từ đâu chị tôi mang về một cuốn sách của Tô Hoài, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Mấy ngày hè năm đó, tôi nằm vắt chân chữ ngũ trên tấm phản gỗ mun đén bóng mát rượi nhẩn nha đọc. Chỉ đọc mà chơi, giết thì giờ trong buổi trưa oi nồng, chứ thật tình cũng không hiểu gì mấy.

 

Cuốn truyện đầu tiên tôi có hứng thú để đọc là cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tuy rằng sau năm 1975, sách cũ ở các thành phố, thị xã bị tịch thu và đem đi đố; nhưng trái lại ở thôn quê một số sách cũ được đem về cất giấu nơi các gia đình giáo viên, học sinh, hiệu trưởng và những người mê sách.

Phía sau nhà tôi ở có một anh lớn tuổi rất mê đọc truyện của Kim Dung và Người Thứ Tám. Tôi biết được, nài nỉ mãi anh ta mới cho tôi mượn bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Nhưng chỉ cho mượn mỗi lần một cuốn, đọc xong trả lại mới cho mượn cuốn khác. Và dặn kỹ tôi là nhất định không được cho ai thấy cuốn sách. Thế là lúc nào rảnh tôi liền phóc lên cây đào lộn hột to tướng trong vườn, vắt vẻo ngồi đọc. Nhờ biết giữ lời hứa trả sách đúng hẹn mà tôi đã được đọc hết “kho” sách của anh.

 

Tuy rằng lớn lên trong thời kỳ bao cấp, nhưng vì có một số bạn bè là con của các vị thầy cô hoặc hiệu trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa nên tôi cũng có dịp tiếp cận được những cuốn sách hiếm như Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân hoặc Việt Nam Văn Học Sử Yếu của giáo sư Dương Quảng Hàm. Còn sách ‘cách mạng’ thì tôi ngốn ngấu đủ thứ hầm bà lằng. Tất cả đều toàn là sách mượn của bạn bè hoặc người quen.

Tuy biết lúc đó đang thịnh hành câu “lấy sách không phải là ăn cắp” nhưng tôi tuyệt đối không làm như thế, và trả sách rất đúng hẹn nên rất được mọi người tin cẩn cho mượn. Chỉ có một lần vì tính tào lao mà tôi đã làm mất một cuốn sách của bạn, và mất luôn uy tín của mình.

 

Số là gần nhà tôi có một nhóm Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tá túc ở nhà ông xóm trưởng làm nhiệm vụ tuần tra bờ biển. Không biết nghe ai nói tôi có nhiều sách truyệnTàu, nên có một anh công an đến nhà tôi hỏi mượn.

 

Lúc đó đang là thời kỳ chống đối Trung quốc kịch liệt. Tôi sợ bị vạ nên chối đay đảy nói rằng mình chẳng có cuốn nào. Anh ấy hình như đoán được suy nghĩ của tôi nên tỉ tê bảo rằng anh chỉ mượn đọc thôi, rồi trả lại, không làm khó dễ gì đâu. Chỉ vì anh nghiện truyện Tàu mà nghe nói tôi là người thích đọc sách nên hỏi thử nếu có thì mượn xem vậy thôi. Anh ta hứa đọc xong sẽ trả lại đàng hoàng. Tôi thấy gương mặt anh cũng thật thà, còn trẻ măng, hình như chỉ lớn hơn tôi năm ba tuổi. Tôi là người miệng cứng lòng mềm nên nghe anh kể lể cũng thấy thương tình, liền đem cuốn Tiết Nhơn Quý Chinh Đông mới mượn của bạn, vừa đọc xong, cho anh ta mượn. Thế là cuốn sách từ đó mất tích luôn. Tôi cũng không còn gặp anh ta nữa và cũng không dám tìm anh để đòi.

Buồn cười nhất là chuyện về cuốn sách có cái nhan đề dài thoòng Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch. Ngày ấy vì nghiện sách nên hàng tuần tôi đi bộ bảy cây số từ nhà lên thư viện để mượn sách về đọc. Vì thư viện nhỏ, số sách có giới hạn nên mỗi người mỗi lần chỉ mượn được ba cuốn. Sách đa phần là về chính trị. Tiểu thuyết, truyện thiếu nhi đã hiếm, thơ lại càng hiếm.

Ở trường lúc học văn tôi đã biết cuốn sách trên là của tác giả Trần Dân Tiên rồi. Nhưng Trần Dân Tiên là ai, tôi chưa hề nghe cô giáo nói đến. Tôi rất tò mò liền vào thư viện tìm xem thử ông ta còn viết cuốn nào nữa không. Vì đọc truyện ông kể cũng thấy khá hấp dẫn. Thư viện vắng hoe. Tôi tìm mãi kệ sách có dòng chữ họ Trần nhưng chỉ thấy mỗi cuốn đã nói là của ông. Tôi đến quầy nhờ chị quản lý thư viện chỉ giúp. Lúc đầu chị ta chỉ tay lại tủ sách tôi đã lục tìm.

Tôi nói với chị:

- Em tìm rồi, chỉ có mỗi cuốn Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch!

Im lặng. Tôi nói tiếp:

- Thế chị biết Trần Dân Tiên còn cuốn nào nữa không? Cho em mượn đi!

Đột nhiên chị ta nổi cáu:

- Mày muốn gì? Sao hỏi lắm thế? Muốn gây sự à?... Tao gọi công an bắt bây giờ!

Tôi hoảng hồn, chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên chị ta giận dữ thế. Tôi vội vàng lủi thủi chuồn khỏi thư viện ngay lập tức. Kể từ đó không bao giờ dám bén mảng đến thư viện Đức Phổ nữa.

Sau này sống ở hải ngoại tôi mới biết Trần Dân Tiên cũng chính là Hồ Chí Minh, người dùng nhiều bút danh khác nhau để viết sách ca tụng cuộc đời mình.

Năm 1985, lúc tị nạn ở đảo Pulau Galang (Indonesia) lại thêm một chuyện làm tôi một phen nữa hoảng sợ cũng dính líu đến sách. Câu chuyện này xảy ra như sau:

Lúc mới lên đảo, ngoài việc đi học Anh Văn, tôi còn tham gia thiện nguyện dạy các lớp Việt Ngữ cấp Tiểu học cho các em nhỏ. Tôi có quen một người bạn cùng dạy chung lớp nên đến barrack anh ấy chơi. Tình cò toi thấy anh có cuốn Đứng Trước Biển của Nguyễn MạnhTuấn nên mượn đọc. Tôi vừa đọc được chừng ba mười phút thì có một người đàn ông cỡ trung niên đến bên tôi hỏi:

- Anh đang đọc sách gỉ vậy?

Bị hỏi đột ngột, tôi không nhớ được tựa đề nên gập cuốn sách lại, chìa cái bìa cho anh ta xem.

Liếc mắt qua cái tựa, anh nghiêm giọng:

- Anh không được đọc cuốn này. Tôi phải tịch thu!

- Vì Sao?

- Đây là cuốn sách của người cộng sản, anh không được đọc.

- Chúng ta đang ở xứ tự do mà? Tôi thấy có nhiều bác cựu sĩ quan vẫn đọc sách sau 1975 đó thôi!

- Anh không được cãi bướng! Những người lớn tuổi từng tham gia chống cộng như chúng tôi đọc để biết rõ kẻ thù. Còn trẻ như anh thì không được. Một là anh để tôi tịch thu, hai là anh theo tôi lên Phòng Trật Tự làm việc.

 

Nghe nói đến ba tiếng Phòng Trật Tự thì tôi rét thật sự. Ai cũng biết đó là nơi điều tra hỏi cung, có cả thi triển võ thuật nữa!

Tôi nói gượng:

- Sách này không phải của tôi. Anh muốn tịch thu cũng được nhưng phải hỏi chủ nhân của nó.

Tôi chỉ về cuối dãy barrak nơi bạn tôi đang lấm lét theo dõi câu chuyện, trên gương mặt cũng đầy vẻ lo sợ. Anh ta chỉ mới nghe tôi nói thế đã vội vả nhìn người đàn ông trung niên gật đầu đồng ý.

Tôi đưa sách cho người đàn ông lạ, không hiểu sao trong lòng cảm thấy buồn rười rượi.

 7/7/2022

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.