Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Người Bạn Mới

 

NGƯỜI BẠN MỚI 


Năm 1983, tôi ‘trúng tuyển nghĩa vụ quân sự’ nói theo cách bấy giờ. Đi bộ đội là niềm mơ ước và cũng là tâm nguyện của tôi, mặc dù lúc bấy giờ cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam (Cambodia) vẫn còn rất cam go. Nhiều đơn vị bộ đội của Quân khu 9 và Quân khu 7 bị tổn thất nặng nề vì mìn và phục binh của tàn quân Pol Pot. Từ nhỏ tôi đã thích đi bộ đội, lý do không phải vì qúa yêu nước hay có tinh thần cách mạng gì ráo.  Chẳng qua đó là niềm mơ mộng viễn vông, ngây thơ được làm lãng tử phiêu lưu giang hồ mà không tốn tiền cơm nhà! Được đi đến những nơi xa lạ, được sống và trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị mà đầu óc tôi vẫn thường hay tưởng tượng ra từ những cuốn tiểu thuyết như Nắng Đồng Bằng, Gia Đình Má Bảy, Mẫn Và Tôi… một thời yêu thích.

Nhận được giấy báo, tôi hớn hở chào tạm biệt gia đình, bạn bè làng xóm để lên đường nhập ngũ. Đó là một buổi sáng đầu tháng tám âm lịch. Hôm ấy, trời nắng thật đẹp. Lót dạ bằng mấy cái củ khoai lang xong, mẹ con tôi xuống xã. Chúng tôi đi tay không, trước khi bước ra khỏi nhà mẹ dúi vào tay tôi mấy đồng tiền lẻ, dặn dò cất giữ để phòng thân. Đến Ủy ban xã cũng vừa đúng vào lúc chiếc loa phóng thanh bên vệ đường réo gọi thanh niên trúng tuyển vào hội trường làm lễ xuất phát. Lễ xong đoàn người sụt sùi rồng rắn cuốc bộ lên Gò Hội nơi Bộ chỉ huy quân sự huyện đang chiêu binh. Lại tập trung, lại xếp hàng nghe đọc diễn văn dài dòng và cuối cùng là leo lên những chiếc xe nhà binh.

Lần đầu tiên trong đời được ngồi trên một chiếc xe lớn, loại xe tải quân sự GMC của Mỹ rời khỏi huyện nhà, tôi không buồn mà còn phấn khich, hồi hộp nữa. Khi xe lăn bánh, tôi quay người, đảo mắt tìm mẹ tôi trong đám đông, bà đưa tay áo quyệt nước mắt. Tôi cúi đầu chào tạm biệt mẹ lần cuối trước khi gương mặt và dáng người bà nhòa vào đám đông tiễn đưa. Dọc đường xe chạy, tôi căng mắt ra cố nhìn quang cảnh quê nhà đang giật lùi về phía sau. Lúc qua Sa Huỳnh nhìn về phía biển trời nước một màu xanh biếc, thấp thoáng có những chiếc thuyền buồm của ngư dân. Cảnh vật trông tuyệt đẹp. Bất chợt tôi có cảm nhận “Đường vô Bình Định quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ.”

Xe chạy từ Đức Phổ đến quân trường Phù Cát thì dừng lại. Tân binh chúng tôi được đưa vào các barrack và sẽ được huấn luyện ở đây. Lúc ấy Quảng Ngãi và Bình Định nhập chung gọi là tỉnh Nghĩa Bình, quân trường Phù Cát có quy mô khá rộng, doanh trại đầy đủ nên Quân khu ủy chọn làm nơi huấn luyện tân binh cho cả tỉnh.


Cùng đợt đi lính với tôi là một số bạn ở chung xã và thằng T. bạn học từ năm lơp 6 đến năm lớp 10 nên có đồng hương để nói chuyện phiếm lúc rỗi. Sau ba tháng được huấn luyện về quân sự và học tập chính trị chúng tôi sẽ được phân bổ về các đơn vị của quân khu hoặc gửi sang tác chiến ở Cambodia. Trong thời gian thụ huấn nghe có thông báo ai muốn tham gia học khóa đào tạo sĩ quan Lục quân với thời hạn là ba năm thì nộp hồ sơ lý lịch. Tôi và thằng T. cũng đi ghi danh. Nhưng sau đó được biết, tốt nghiệp phải ở lại phục vụ quân đội suốt đời, chúng tôi đã rút lui.

Ba tháng quân trường vất vả với những buổi học lăn lê bò toài, những bài chính trị thê lê, khó hiểu rồi cũng qua. Tôi ghét nhứt là ngồi nghe giảng về chính trị, thế nên đến bây giờ chẳng còn nhớ mình đã học những gì. Có điều nhờ những buổi học chính trị như thế mà tôi làm quen được với một người bạn mới. Một bữa, cả tiểu đoàn tập trung về hội trường để nghe Chính ủy tiểu đoàn giảng về nhiệm vụ của quân đội nhân dân trong các nước xã hội chủ nghĩa, tôi tình cờ ngồi cạnh hắn. Lúc đó đồng chí cán bộ đang giảng thao thao trên bục, tôi nghe vừa buồn ngủ vừa chán. Đang quay ngang quay dọc xem có anh vệ binh nào đứng cạnh không để tranh thủ nhắm mắt ngủ một lát, tôi chợt thấy nó đang hí hoáy viết gì đấy vào cuốn sổ tay. Trông nó có vẻ thấp bé không biết sao lại đủ tiểu chuẩn đi bộ đội nhỉ? Tò mò nên tôi mở miệng làm quen.

- Này, ông quê ở đâu vậy?

- Phổ Thuận, Đức Phổ

- Ô! Đồng hường rồi, tôi Phổ Quang.

Nó ngưng viết, ngẩng mặt nhìn tôi.  Khuôn mặt rám nắng nhưng vuông vức, chữ điền ngon lành.

- Ông viết gì đấy? – Tôi hỏi.

Nó đưa cuốn sổ cho tôi coi.  Một bài thơ đang viết dở dang. Tôi lật ngược mấy trang, trang nào cũng chép thơ. Dưới mỗi bài ghi tên tác giả là Thái Đức.

- Tên ông là Thái Đức à?

- Không! Bút hiệu thôi!

- Sao lại Thái Đức? Bộ muốn làm vua như Nguyễn Nhạc à?

Nó cười, bảo tôi:

- Ông nói lái lại thử coi!

Hiểu ra, tôi cũng cười. Và thế là chúng tôi làm bạn với  nhau.

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.