Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Những Ngày Ở Gành Ráng

 

NHỮNG NGÀY Ở GÀNH RÁNG 

Hai tháng sau khi tôi vào trại huấn luyện, một hôm B trưởng gọi tôi lên bảo ra hội trường có người đến thăm. Tôi mừng quýnh chạy như bay ra căn nhà dài gần cổng ra vào. Mẹ và em trai tôi đang đứng chờ. Tôi vui quá lao đến ôm chầm cả hai người. Ngày tôi nhập ngũ, em tôi đang đi biển ở Nha Trang nên không về được để tiễn đưa. Tôi đi rồi các chị tôi khuyên mẹ gọi em về để khi tối lửa tắt đèn có mẹ có con. Em trai tôi cao lớn, khỏe mạnh chứ khống mảnh khảnh như tôi. Vì có sức vóc nên sau khi học xong lớp tám chú ấy đã quyết định nghỉ học đi biển để phụ giúp gia đình kiêm tiền, cho tôi được tiếp tục theo học cấp ba. Mẹ đem vào một lon cá kho mặn, một gô thịt chà bông cùng một tin tốt đẹp. Mẹ bảo, lúc tôi đi rồi bà có xuống gặp đồn trưởng đồn Biên phòng Mỹ Á để xin cho tôi được chuyển sang lính biên phòng. Họ đã đồng ý và hứa sẽ chuyển lý lịch của tôi lên cấp trên. Em trai tôi thì đưa cuốn sổ ghi thơ Tiếng Lòng cho tôi vì lúc đi tôi đã vội không mang theo. Chú ấy nói:
 
- Anh cứ yên chí làm ba năm nghĩa vụ rồi về. Ở nhà mọi việc đã có em lo.
Tôi chỉ còn biết nghẹn ngào xúc động nắm chặt tay em thay cho lời cảm ơn. Chiều hôm đó, mẹ và em tôi đón xe về luôn trong ngày.
 
Ba tháng quân trường qua nhanh. Rồi ngày bế mạc khóa huấn luyện cũng đến. Trong khi những đứa khác bị di chuyển đi xa thì tôi, thằng T. và thằng Minh (nhà thơ Thái Đức) được đưa về Gành Ráng, tiếp tục thụ huấn khóa học Bộ đội biên phòng. 
 
Chiếc xe nhà bình chở chúng từ Phù Cát về thị xã Quy Nhơn, rồi chạy dọc theo con đường ven biển xuống xóm Gành Ráng. Sau cùng chiếc xe đỗ xịch ở cuối làng chài, trước một khoảng sân rộng, hai bên là hai dãy nhà gạch dài. Chúng tôi được đưa vào dãy bên trái.
Lính biên phòng là một đơn vị khá đặc biệt của tỉnh, chỉ đóng quân ở các đồn ven biển nên được coi là lính kiểng; bởi vậy không bị quản chế nghiêm ngạt như bộ đội chính quy.Cuối tuần tân binh được tự do ra vào doanh trại, muốn đi đâu thì đi. Tuy thế dễ dãi là thế nhưng cũng không mấy ai bỏ trốn.
Những ngày ở Gành Ráng chúng tôi có một mớ kỹ niệm thú vị. Chuyện đầu tiên là thằng T. và tôi gặp lại cô giáo cũ. Chiều thứ bảy hôm đó, hai đứa tôi đi dạo biển Quy Nhơn để thư giản, ngắm cảnh đẹp Quy Nhơn. Trời mùa đông mặt biển xám ngắt, gió nhẹ nhưng không mưa. Lúc chúng tôi đi ngang qua một băng ghế chợt nhìn thấy môt cô gái trẻ có mái tóc cắt ngắn. Trên người mặc chiếc áo len màu dên và cái quần bò xanh đậm. Đi qua cô gái vài bước thằng T. khều tôi bảo:
 
- Trông cô ấy giống cô Dung quá!
- Cô Dung nào?
- Cô Dung dạy môn địa lý năm lớp 9.
- Mày chắc không?
- Sao lại Không!
Tôi còn nghi ngờ vì không nhìn rõ mặt cô gái, nhưng cũng nói:
- Mình quay lại hỏi thăm thử.
 
Chúng tôi quay lại. Cô gái còn ngồi đó, mặt nhìn ra biển. Hai đứa tôi đi đến bên cạnh cúi đầu chao. Cô ấy nghe có tiếng người nói chuyện thì quay lại. Tôi nhìn kỹ, cũng giống cô Dung thật. Thấy hai “chú” bộ muốn làm quen với mình cô gái nhoẻn người và hỏi rất lịch sự.
 
- Các chú cần giúp đỡ gì?
- Dạ... Cô có phải là cô Dung từng dạy môn địa lý ở trường Phổ Quang, Đức Phổ không ạ? – Thằng T. nói lí nhí.
Cô gái trố mắt nhìn chúng tôi ngạc nhiên.
- Đúng rồi! ... Sao các em biết?
- Dạ, tụi em học lớp 9A. Huỳnh Tiến T. và Trần Văn Thư đây ạ!
 
Gặp lại trò cũ trông cô có vẻ rất vui mừng. Năm ấy một số sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm về Trường cấp hai quê tôi dạy thực tập. Cô Dung phụ trách dạy địa lý cho khối lớp chín. Nói chuyện hồi lâu, cô cho chúng tôi biết cô không làm giáo viên nữa. Thầy Á, dạy môn vật lý đã đi vượt biển. Cô bây giờ cắt tóc ngắn nên trông hơi khác. Ngày trước cô để tóc dài nửa lưng nhìn có vẻ nhu mì hơn. Nhà cô ở Quy Nhơn. Hôm nay cô ra biển vì có hẹn với bạn. Lát sau, một chàng trai cao lớn đi đến chỗ chúng tôi. Có lẽ là bạn trai cô. Chúng tôi tế nhị chào hai người rồi tiếp tục dạo biển. Lúc đi đã khá xa thằng T. đắc ý nhếch mép cười, bảo tôi:
 
- Mày thấy cặp mắt tao có tinh không?
Tôi chọc nó:
- Chó táp nhằm ruồi, chứ tinh anh gì!
Tuy ngoài miệng nói thế nhưng trọng bụng tôi cũng thầm khen thằng này tinh mắt. Quả thật, nhờ tinh mắt mà nó đã thằng chức khá nhanh. Mười năm sau gặp lại nó đã đeo quân hàm đại tá dù chưa đánh trận nào. Hôm uống rượu tái ngộ nó hỏi tôi:
- Thư, mày còn nhớ Lê Thưa không?
- Lê Thưa nào?
- Trung tá tiểu đoàn trưởng khu huấn luyện Phù Cát.
- À, nhớ...
- Bây giờ cấp bậc của tao lớn hơn ông ấy rồi!
- Thượng tá?
- Không. Đại tá! - Nó khoe với tôi, vẻ mặt chẳng khác gì mười năm về trước khi nhận diện đúng cô giáo Dung.
-  Chúc mừng mày! - Tôi giơ lên một ngón cai và cụng ly cùng nó.
 
Cuộc gặp gỡ với cô bạn gái cùng học lớp mười vài hôm sau cũng không kém phần thi vị. Lần đó cả hai chúng tôi rủ nhà thơ Thái Đức cùng đi vào Trại phong Quy Hòa để tìm cô bạn gái tên M. A. đang sinh sống với mẹ ở trong ấy. Từ chỗ doanh trại chúng tôi chỉ cần vượt qua hai con dốc, một ngắn một dài là đến làng Quy Hòa. Đó là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Ba bề đều là núi rừng. Phía đông bờ biển cát trắng hẹp và cong hình chữ C theo lối vuết ẩu phía đuôi quyệt một vệt dài. Nơi đây như tách biệt với cuộc sống bên trầm mặc, yên tĩnh dị thường, chỉ nghe tiếng thông reo vi vu trong gió. Những con đường nhỏ thẳng tắp có trông cây hai bên vệ đường. Đang là mùa đông lá vàng rơi rụng khắp nơi. Những ngôi nhà be bé, mái ngói màu đỏ sậm, tường quét vôi vàng nhạt xinh xắn như trong chuyện cổ tích. Qua một hồi thả bộ dạo quanh làng, chúng tôi cuối cùng cũng tìm được căn nhà của M. A. Nghe tiếng gõ cửa cô nàng ra mở cửa và mở to cặp mắt tròn xoay nhìn chúng tôi. Thấy cô quá ngạc nhiên chúng tôi cười cho đỡ lúng túng. Tôi cất tiếng trêu:
 
- Thấy đồng môn đến nhà không mời vào chơi à?
 
Sau phút ngỡ ngàng, M.A. vội vàng mở rộng hai cánh cửa mời bọn tôi vào, và kéo ghế mời ngồi. Gian phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, nền lát gạch bát tràng đã cũ. Trên tường treo mấy bức hình Đức chúa Giê Su và Mẹ Maria. Cô bạn vui vẻ lấy ấm tách trên một cái tủ bên cạnh chiếc bàn ra pha trà. Chúng tôi nói đủ chuyện huyên thuyên. Nàng không ngờ bọn tôi đi bộ đội, bọn tôi cũng không ngờ nàng định sống hẳn nơi đây. Lúc còn đi học M.A. nổi tiếng là cô gái đẹp của lớp tôi. Đám học sinh con trai tụi tôi khi học trường huyện cũng tự hào về cô vì Phổ Quang có một tiểu mỹ nhân. Da cô ấy trắng hồng, cặp mắt to đen, mi dài và cong tự nhiên không cần chuốc. Thêm đôi môi mọng và dáng người cao ráo nàng đã làm khổ sở lắm anh học lớp trên. Nhưng đùng một cái nàng bỏ học dở dang năm lớp mười. Một số bạn đồn rằng máu phong cùi trong người cô ấy đã phát tác nên cô thôi học về sống với mẹ ở Quy Hòa. Tôi kín đáo quan sát khi cô rót nước ra tách. Đôi tay vẫn trắng ngần, ngón dài và mềm mại. Đâu có dấu hiệu hiện phong lở loét ở bàn tay như lời đồn?
 
M.A. mời bọn tôi uống nước. Hồi lâu vẫn không thấy ai uống ngụm nào, nàng có vẻ không vui. Thấy vậy, tôi cầm cái tách bằng sành nhỏ như hột mít uống một ngụm đã hết sạch. Hai thằng bạn thấy tôi không e ngại gì cũng cầm chung uống cạn.
 
Chúng tôi chào từ biệt M.A. ra về. Cô tiễn ra khỏi ngõ, rồi quay vào. Tôi ngoái lại nhìn dáng người bạn gái nhỏ nhoi bất hạnh lần chót, lòng chợt thấy thương thương.
 
27/7/2022
Trần Đức Phổ
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.