Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Tôi Tập Làm Văn

 TÔI TẬP LÀM VĂN

  •  
    Suốt đêm hôm qua tôi không thể nào chợp mắt được. Đầu óc vẩn vơ những ý nghĩ lung tung. Không phải tôi sợ bị đưa ra chiến trường mà là thắc mắc về cách hành xử của cán bộ khung khu huấn luyện bộ đội biên phòng Gành Ráng. Quả thật, tôi cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng khi tư trang của mình bị lục tung mà mình không có mặt ở đó. Tôi xâu chuỗi mọi chuyện lại với nhau và đinh ninh rằng mình bị đưa sang chiến trường K là do bài thơ gửi đăng báo tường kia. Thằng T. có lý lịch giống tôi, trình độ học vấn cũng như tôi nhưng không hề bị tống đi. Chỉ có tôi và nhà thơ Thái Đức, hai kẻ học đòi văn chương ba trợn mới bị cho “đi đày” không thương tiếc. Tôi nghĩ chắc có lẽ mười mấy đồng đội kia cũng đã vi phạm vào tội gì đấy. Tôi chợt nhớ lời cô giáo dạy văn năm lớp mười của tôi thường nói, văn chương là một thứ hung khí nguy hiểm, nó có thể sát hại kẻ thù, nhưng cũng có khi làm thương tổn mình. Nhưng biết làm sao mà vứt bỏ khi lòng đã trót đam mê? Vả lại đối với tôi việc học văn làm thơ là một nỗ lực của bản thân mà có lúc tôi đã từng tự hào.
     
    Tỉnh Quảng Ngãi được “giải phóng” tháng ba năm 1975. Đến tháng chín bắt đầu khai giảng các lớp học phổ thông. Trước đó một tháng, nhà trường đã thông báo ghi danh cho năm học mới. Xóm tôi lũ trẻ vui mừng nô nức ghi tên nhập học. Tôi cũng hăng hái điền tên mình vao danh sách học sinh lớp bốn. Tôi đã mười hai tuổi, tự mình biết đi làm lấy, không còn phải nhờ đến mẹ hay các chị.
     
    Tên tôi trong giấy khai sinh cũ là Trần Đình Thư. Khi tôi mới về quê có một bác nói với tôi:
    - Cái họ Trần Đình của mầy nghe sao nó giống Bắc Kỳ quá!
    Tôi hỏi lại:
    - Chớ bác bảo người Trung mình thì lót chữ gì?
    - Văn. Trần Văn!
    Thế là khi ghi danh đi học người ta hỏi tôi tên gì, tôi không suy nghĩ mà đáp:
    - Trần Văn Thư.
     
    Vậy là chữ lót Văn từ đó dính liền với tôi. Có phải vì vậy mà lớn lên chút nữa tôi luôn mê thích văn chương và mộng làm “nhà thơ, nhà văn” chăng? Tuy nhiên, tôi cũng tự biết làm thi sĩ, văn sĩ đâu có dễ! Lập thân bằng con đường văn chương chông gai trùng trùng nên khi trưởng thành tôi đã chọn học ngành điện tử để cho dễ kiếm cơm. Dù vậy cái máu mê thơ văn cũng khó mà bỏ được.
     
    Năm đầu tiên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tôi vào học lớp bốn. Lúc đó môn văn của tôi dở tệ. Bài văn nào tôi cũng chỉ được điểm ba, điểm bốn. Các chị tôi đã đi lấy chồng cả rồi. Mẹ tôi bận bịu với công việc đồng áng, nương rẫy nên để mặc tôi tự học hành. Môn văn của tôi kém là vì cơ bản thiếu vốn từ vựng, và không biết kỹ thuật làm một bài văn. Trước năm 1975, tôi chỉ mới học xong lớp hai, rồi nghỉ vì nhà không đủ tiền đóng học phí cho cả hai anh em cùng học. Lúc ghi danh thấy mấy đứa bạn cùng trang lứa xin vào lớp bốn, tôi cũng nhảy cóc theo, bỏ qua lớp ba. Về môn toán chỉ là cộng trừ nhân chia nên không có vấn đề. Còn môn văn, tôi là đứa trẻ không giàu trí tưởng tượng, lại thiếu nguồn sách báo để đọc nên dốt đặc cán mai. Thầy giáo năm lớp bốn vốn là một thương binh bị cụt mất một cánh tay, vì thiếu thầy cô nên được nhà trường cho vào biên chế nhà giáo. Nghe nói thầy chỉ mới học xong lớp năm bổ túc văn hóa, không có kiến thức sư phạm. Bời vậy môn văn của tôi không thể nào mà khá lên được. Mỗi lần thầy phát bài tập làm văn tôi luôn giấu nhẹm, không dám cho bạn bè coi, sợ bị chê cười.
     
    Một ngày nọ tôi đến nhà thằng bạn Lê Thanh Hưng chơi, cái thằng ngày đầu tiên đi học đã cùng tôi bị ông giáo già nhốt lại lớp lúc ở Sa Huỳnh. Thấy nó đang cầm một cuốn sách đọc chăm chú. Thấy tôi, nó đưa cho xem. Bìa sách màu cam đã bạc thếch, nhiều chỗ trầy tróc nhưng hàng chữ nhan đề vẫn còn nhìn rõ. Tôi đọc lẩm nhẩm: “150 bài văn mẫu.” Ôi! Tôi mừng quá vội vàng hỏi nó mượn luôn! Đem về nhà tôi say sưa ngốn ngấu. Gặp được “bí kíp” phen này tôi quyết chí luyện cho được công phu tập làm văn. Vốn có trí nhớ khá tốt nên tôi ghi nhớ được dễ dàng nhiều câu văn hay trong sách. Đồng thời tôi học theo cách lập dàn bài, lập ý cũng như trình tự làm một bài văn miêu tả hay tường thuật, vv... và vv...
     
    Nhờ đọc cuốn sách đó mà sau này các bài tập làm văn của tôi đã đạt từ sáu đến bảy điểm, đôi lần còn được tam điểm. Cuối lớp năm tôi được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi văn của huyện nhà. Nhưng kết quả cuộc thi tôi đã bị trượt dài. Dù sao thì cái đà học văn của tôi vẫn tiến bộ kể từ đó. Năm thi lên lớp mười, làm bài luận về tác phẩm Cây Tre của nhà văn Thép Mới, tôi đã hoàn thành khá xuất sắc. Cũng nhờ bài luận này mà suốt cả năm học lớp mười được cô giáo dạy môn văn tỏ ra ưu ái nhiều hơn. Cô là giáo viên dạy văn và cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp. Tuổi cô còn rất trẻ. Theo lời cô thì vừa tốt nghiêp Đại học Sư Phạm Quy Nhơn là cô được phân công về trường Phổ thông Cấp ba Đức Phổ. Cô là người Quảng Trị. Giọng nói trọ trẹ nhưng cũng dẽ nghe. Tuy không xinh đẹp nhưng giảng bài rất hay nên được đông đảo học trò yêu mến. Nhiều đứa bạn tôi bây giờ mỗi lần họp mặt bạn cũ vẫn thường hỏi thăm và nhắc nhiều kỹ niệm về cô.
    Tôi nhớ có một hôm cô giáo đang giảng bài về ‘câu văn có hình ảnh,’ cả lớp tập trung, chú ý lắng nghe. Tôi vừa nghe, vừa cúi mặt xuống gầm bàn. Trong hộc bàn cuốn Sông Thami Trong Xanh, một quyển tiểu thuyết hiếm hoi của văn học cách mạng Mông Cổ mở ra đang đọc dở dang. Đột nhiên tôi nghe gọi: 
     
    - Thư!
    Tôi giật nẩy mình ngẩng lên nhìn cô, và thưa:
    - Dạ...
    - Em hãy cho ví dụ về một câu văn có hình ảnh!
     
    Tôi đứng dậy, lúng túng, dáo dát nhìn xung quanh nhờ đám bạn trợ giúp. Im lặng, Tôi quay nhìn ra cửa sổ. Một làn gió thổi qua làm rung động nhánh phượng vĩ, một chiếc lá khô nhẹ nhàng lìa cành. Câu văn thoáng qua trong đầu tôi.
    Tôi đáp:
     
    - Thưa cô... Mùa thu, lá vàng rơi lả tả.
     
    Cô giáo nghe xong mỉm cười, ra hiệu cho tôi ngồi xuống, rồi nói với cả lớp:
    - Đấy là một câu văn có hình ảnh và màu sắc. Các em hiểu chưa?
    Lúc chia tay mùa hè, tôi đến thăm để từ biệt cô ở khu tập thể giáo viên. Cô đã khiến tôi rất cảm động. Cô dẫn tôi về phòng, lấy bài thi văn cuối học kỳ hai đưa cho tôi xem. Bài văn có hai khoanh tròn ghi chữ số màu đỏ. Một khoanh ghi số năm, khoanh kia ghi số bảy. Không chờ tôi hỏi, cô đã giải thích:
     
    - Bài văn của em lúc đầu cô H. chấm năm điểm. Nhưng khi cô đọc lại đã cho bảy điểm.
    Tôi ngước mắt nhìn cô thay cho câu hỏi tại sao.
     
    Cô nói:
    - Đọc thơ văn mỗi người đều có cảm nhận khác nhau. Giọng văn của em cô thích nên cho thêm điểm, còn người khác không hẳn vừa ý cho nên chấm điểm thấp là chuyện bình thường... Cô vừa là giáo viên dạy bộ môn văn, vừa là chủ nhiệm lớp nên có quyền quyết định số điểm cuối cùng.
     
    Lời dạy bảo của cô hôm nào quả thật không sai. Bài thơ “Những Ngọn Đèn Ve” có bị cấp chỉ huy hiểu lầm cũng là điều dễ hiểu. Lý do: họ có một background và một tư duy hoàn toàn khác.
     
    29/7/2022
    Trần Đức Phổ
     

     
     
     
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.