Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Là Tri Kỷ

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Là tri kỷ đừng nên câu nệ
Chuyện ta mình nghịch ý sai lòng
Ai cũng có vui buồn khôn kể
Đừng cạn tàu ráo máng đếm đong

Là tri kỷ đừng nên bỡn cợt
Xem giao tình như tiếng cười khan
Lời hứa hẹn như lươn trơn tuột
Nay chân thành mai hóa dối gian

Là tri kỷ xin đừng buông thả
Sớm bên Đông tối ở bên Đoài
Xem cảm tình mỏng manh như lá
Trái tim người không thể chia hai

Là tri kỷ phải chăng thấu hiểu
Dù bọt bèo cũng nghĩa tâm linh
Gốc và ngọn không cần đối chiếu
Vì cả hai chung bóng, chung hình!

January 31, 2019

Chồng

 
Nghe nói rằng em muốn gả chồng
Tìm người dạm hỏi dẫu tay không
Nhà cao cửa rộng chưa từng có
Bạc nén vàng ròng lại cũng không
Được tiếng rượu bia hay đáo để
Nổi danh cờ bạc thích chơi ngông
May mà đôi đứa nên duyên nợ
Sướng khổ buồn vui phụ giúp chồng

January 31, 2019

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Em Là Con Gái

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Em là con gái
Thích bọn đàn ông
Biết chơi, biết nhậu
Biết nói bao đồng!

Em là con gái
Thích thơ Bút Tre
Ai mà nói tục
Là em khoái nghe!

Em là con gái
Mê truyện Thúy Kiều
Có chàng Kim Trọng
Và Thúc Sinh yêu

Em là con gái
Như Phan Kim Liên
Yêu Tây Môn Khánh
Đẹp trai, nhiều tiền

Em là con gái
Nhất định làm gương
Không chồng mà chửa
Mới là phi thường!!

January 30, 2019

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Lý Sơn Quê Nhà

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Vừa mới biết Lý Sơn quê Mẹ
Dân làm đơn kiến nghị chính quyền
Hãy thức tỉnh đừng vô tâm bán rẻ
Hòn đảo nghèo nhưng rất thiêng liêng

Họ dự định làm khu du lịch
Muốn san bằng mộ gió người xưa
Đuổi vong linh những người hiển hách
Từng một thời giữ nước, vì vua

Những đình làng, cây đa, giếng nước…
Những mộ lăng các bậc tiền hiền
Bị phá bỏ như chẳng hề thân thuộc
Di tích xưa giờ cũng gông xiềng

Bốn trăm năm bao nhiêu thế hệ
Đổ máu xương ra sức dựng xây
Rồi bỗng dưng một hôm có kẻ
Đem bạc tiền mua lấy đất này!

Đừng bán rẻ tâm linh tiên tổ
Người Lý Sơn bất khuất, kiên cường
Hải đội Hoàng Sa có bao giờ sợ
Bạn hay thù hãy ngắm vào gương!

January 29, 2019

Đồng Tâm

 
Đàn cầm ai nỡ dứt đường tơ
Để kẻ đơn phương cứ đợi chờ
Một chữ lương duyên muôn khách ước
Đôi lời thề hẹn vạn người mơ
Dẫu thuyền viễn xứ chưa về bến
Mà sợi dây yêu đã cột bờ
Mình ở khác trời nhưng giống mộng
Nên đời còn mãi bản tình thơ

January 28, 2019

Tấu Sớ 2

 
Năm hết lên tâu với Ngọc hoàng
Trần ai lắm kẻ cứ huênh hoang
Kéo vầng mây ảo về vương thổ
Đem quả bóng tròn đấm ngoại bang
Đất Bắc vua giành ngôi nhất thể
Trời Nam dân đói lệ hai hàng
Biển Đông Trung-Mỹ đang kèn cựa
Hiểm họa đao binh đã ẩn tàng!

Đêm 23 tháng Chạp, năm Mậu Tuất
2019

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Chuyện Tình Tôi

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Chuyện tình tôi bé nhỏ
Mong manh như sợi tơ
Đã bao lần kết mối
Vẫn không liền đôi bờ

Chuyện tình tôi vụng dại
Những tháng ngày vô tri
Tưởng sẽ là mãi mãi
Không bao giờ phân ly

Chuyện tình tôi dễ vỡ
Giòn tan như pha lê
Đừng trách không duyên nợ
Bởi cạn nguồn đam mê

Chuyện tình tôi là mộng
Trong thế giới hoang đường
Đuổi hình và bắt bóng
Để chắt chiu buồn thương!

January 27, 2019

Lan Man Về Bài Thơ Đôi Dép

Tác giả: Le Tran

Hôm chủ nhật vừa rồi lang thang trên mạng để tìm đọc thơ, tình cờ tôi bắt gặp bài “Đôi dép” của tác giả Thuận Hóa. Rất thích thú với bài thơ này tôi quyết định tìm hiểu them về bài thơ và quá ngạc nhiên khi phát hiện ra nó có hai dị bản của hai tác giả khác nhau. Hầu như hai bài thơ giống nhau đến 80-90%, chỉ có một số ít câu và từ khác biệt. Bài thơ đó đã làm cho tôi rất xúc động nên viết bài cảm nhận này. Trước hết mời các bạn đọc qua bài thơ.

Đôi Dép
Tác giả: Thuận Hóa

Thân gởi Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi
(Hy sinh mùa xuân năm 1968, vừa tròn 21 tuổi. Biệt động thành Huế để lại một đôi dép. Ý Nhi ra đi không bao giờ trở lại. Để lại đôi dép này là nỗi nhớ nỗi thương).

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
Là vần thơ anh viết về đôi dép
Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
Khi vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

Hai chúng mình thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

Lời cảm nhận

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ ca, khi ta yêu thì những vật dụng thường nhật của người minh yêu cũng trở nên thân thương gần gũi .Mở đầu bài thơ Thuận Hóa viết:

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
Là vần thơ anh viết về đôi dép
Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

Trong khổ thơ này tác giả nói rõ lý do vì sao mình sáng tác bài thơ. Người yêu đã hy sinh (như trong lời đề tặng phía trên ) vì quá nhớ nhung đau khổ trước sự ra đi của người mình yêu nên nhìn thấy đôi dép còn để lại của nàng mà xúc cảm tuôn trào thành thơ.

Đoạn thứ 2

Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau

Đoạn này tác giả kể về cuộc đời của hai người,hình ảnh ‘hai chiếc dép’ chỉ là hình tượng hóa mà thôi. Họ sống bên nhau, cùng đi làm cách mạng, cùng nhau xuôi ngược trên con đường bắc nam tự bao giờ, không ai để ý. Và tự bao giờ họ yêu nhau họ cũng không xác điịnh được. Ở đây, nhà thơ kể chuyện của hai người thông qua hình ảnh đôi dép chứ không phải nhân cách hóa đôi dép để nói lên tình yêu lứa đôi chung chung.
Nếu thay thế những từ ‘đi làm cách mạng/Từ bắc vào nam’ bằng ‘cùng gánh vác/Lên thảm nhumg’ như một dị bản thì lại khác. Sửa như thế câu thơ trở thành quá khoa trương, không phải là phong cách của Đôi Dép vốn dĩ lời lẽ bình dân, thuần hậu. Vả lại nói đôi dép đi “lên thảm nhung” là một hình ảnh không mấy đẹp đẽ, hơn nữa trông có vẻ hơi kệch cỡm dù là với hình tượng ẩn dụ.

Đoạn thứ 3, 4, 5 & 6

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
Khi vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Đây là 4 khổ thơ trọng tâm của bài và cũng là những khổ thơ hay nhất. Cuộc sống lứa đôi của đôi dép, cũng là cuộc sống lứa đôi của tác giả. Họ san sẻ, gắn bó chung thủy với nhau chia bùi sẻ ngọt.
Đôi Dép là một vật dụng cá nhân hằng ngày thông thường của mỗi người. Chúng bao giờ cũng có đôi và nhất định phải đủ đôi thì mới hữu dụng. cũng như hai vợ chồng phải bên nhau bù đắp, bổ khuyết cho nhau thì cuộc sống mới mỹ mãn.
Hình ảnh khắng khít đó đã được tác giả Thuận Hóa xây dựng nên từ một chuyện tình có thật để nói về lòng chung thủy, sự gắn bó keo sơn của đôi lứa yêu nhau.Thông qua “Đôi Dép” tác giả gửi gấm tấm lòng của mình với người mình yêu, bởi vậy bài thơ có sức truyền cảm thật là kỳ diệu. Rồi từ bài thơ một triết lý đời sống vợ chồng được khẳng định. Đo là tình yêu sâu sắc giữa hai người thì không ai có thể thay thế được.
Lời thơ rất bình thường, giản dị, không màu mè mà thống thiết thân thương. Nó được viết ra từ một cảm xúc chân thành tha thiết. Lời thơ tự động trào theo đầu ngọn bút phát xuất từ tâm tư của tác giả mà không cân phải lên gân, cường điệu hoặc sắp xếp câu chữ. Toàn bài là một giọng thơ nhất quán, không phô trương, đẽo gọt.
Ở đoạn 4 có một từ mà dị bản đã sửa mà chúng tôi cho là đã làm giảm mất cái hay của tác phẩm. Đó là từ ĐI đổi thành từ ĐỜI trong 2 câu thơ sau:
Giống nhau lắm nhưng người ĐI sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Dị bản:
Giống nhau lắm nhưng người ĐỜI sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Theo mạch thơ, đó là tâm tư, cảm xúc của “người trong cuộc” họ sẽ biết, sẽ hụt hẫng như thế nào khi thiếu vắng người kia. Đó là cái thụ cảm của “đương sự”. nếu thay ĐI bằng ĐỜI, thì là ngoại nhân đánh giá về họ (đôi dép), điều này làm giảm đi ý nghĩa của 2 câu thơ . Vì họ có phải một đôi hay không dưới con mắt của người đời không quan trọng, cái họ quan tâm là cảm giác của họ với nhau có là một đoi hay không ! cái cảm nhận ấy được truyền đạt qua người mang Đôi Dép !

Hai câu kết:

Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

Đọc hai câu cuối này thật là cảm động đến rơi lê ! Một mất mác, một sự vỡ đôi, một tiếng nấc bi ai, nghẹn ngào, không gì bù đắp, không gì đau khổ hơn !
Thương lắm ! Xót xa lắm !
Người ơi !

KẾT LUẬN

Đôi Dép quả là một bài thơ hay. Nó hay bởi vì chính bài thơ là một chuyện tình có thật rất cảm động. Từ cái thật đó được nhà thơ mượn hình ảnh đôi dép (là di vật của người yêu) để thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình. Rồi từ cái tâm tư tình cảm của một chuyện tình đôi dép nó quay trở lại với đời sống và trở thành một chuẩn mực cho tình yêu lứa đôi mà ai cũng công nhận là thủy chung, son sắt, có trước có sau, một mơ ước của nhiều cặp tình nhân.
Với cái ý tưởng đôi dép có đôi, không thể thiếu một trong hai thì cũng không có gì mới lạ, cao siêu để làm nao lòng người đọc nếu như không có cái tâm và cái tình gửi gấm vào đo. Nhưng bài thơ trên được viết ra từ cảm xúc thật, hình ảnh thật nên không có chút gì là gượng gạo là giả tạo cả. Nó bình dị như cuộc sống đời thường không dùng từ văn hoa bóng bẩy, không ly kỳ, lãng mạn nhưng đi sâu vào lòng người đọc nhờ cái tâm, cái tình của nhà thơ.

Tóm lại với lời thơ mộc mạc, dễ hiểu kết hợp sự lồng ghép tài tình tâm sự cua chính mình vào chuyện tình đôi dép tác giả Thuận Hóa đã cho chúng ta một bài thơ thật tuyệt vời và sâu sắc về tình lẫn ý .

Bài viết này chỉ là cảm nhận riêng hoàn toàn chủ quan của
Le Tran, tất nhiên với kiến văn và khả năng cảm thụ hạn hẹp của mình thì sai sót hay phiến diện không thể nào tránh khỏi. Rất mong các bác chỉ điểm và lượng thứ cho. Đa tạ !

June 07, 2017
_______


Thương Ca

 
Phù sinh ân ái hận mang mang
Đòi đoạn năm canh phụng nhớ hoàng
Chẳng trách chinh phu nơi góc bể
Mà thương cô phụ chốn thôn làng
Ông tơ bà nguyệt xe duyên thắm
Bèo dạt mây trôi uổng đá vàng
Ngẫm chuyện nhân tình thiên cổ sử
U buồn giá lạnh chuyển mùa sang.

January 25, 2016

Venezuela

Tác giả: Trần Đức Phổ
 
Venezuela
Một đất nước ở rất xa
Tận Nam bán cầu Châu Mỹ
Đã từ lâu cùng Việt Nam là đồng chí
Đã từ lâu cùng Việt Nam căm thù Mỹ

Kể từ khi tổng thống
Hugo Chavez
Theo chủ thuyết Mác-Lê
Học đòi dựng xây Chủ nghĩa Xã hội
Quốc hữu hóa toàn dân
Kinh tế tập thể
Xã hội đình trệ
Đất nước dầu hỏa giàu nhất Nam Mỹ
Lụi tàn
Dân chúng kinh hoàng
Lạm phát như pháo thăng thiên
Nhiều kẻ ôm cả núi tiền
Chết đói
Hàng triệu thai nhi
Thiếu dinh dưỡng
Chết trong bụng mẹ
Người lớn
Bỏ nước mà đi


Venezuela
Thiên đường đỏ
Một minh chứng sờ sờ ra đó
Chủ nghĩa Xã hội
Là cái bánh vẽ
Tồi tệ
Giả dối
Hoang đường nhất trong các chuyện hoang đường
Của nhân loại!

Hôm nay
Venezuela
Vừa bừng tỉnh cơn ác mộng
Hàng triệu triệu người
Xuống đường tìm lẽ sống
Hàng triệu triệu người
Quyết tâm chống cộng
Sục sôi
Hào hùng

Cả thế giới đang chào đón
Cả thế giới đợi chờ
Hy vọng
Venezuela
Hồi sinh
Venezuela
Dân chủ, tự do!

January 26, 2019

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Quên Nhau

 
Xin người hãy quên tôi
Cho tôi được quên người

Tôi giờ là cái bóng
Im lặng thành vô vi

Người giờ là chiếc lá
Giữa dòng đời bay đi

Xin một lần từ tạ
Xin một lần quên nhau

Đường tình chia hai ngã
Đừng buồn và đừng đau!

January 25, 2019

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Cho Nhau Mùa Xuân

Tác giả: Trần Đức Phổ

Ta quen nhau mùa xuân
Khi muôn hoa đua nở
Lúc đất trời thanh tân
Bầy chim về làm tổ

Em cho anh mùa xuân
Nụ hôn đầu bỡ ngỡ
Tơ lòng mãi còn ngân
Lời nồng nàn ngày đó

Anh cho em mùa xuân
Tình yêu hồng đôi má
Niềm vui như sóng tràn
Dạt dào từ biển cả

Ta cho nhau mùa xuân
Trái đầu mùa mới chín
Hạnh phúc vừa dừng chân
Thuyền đời vừa ghé bến

January 24, 2019




Chu Văn An

Tấm Gương Đại Hiền Sĩ

Tác giả:  Trần Bảo Kim Thư


Triều dã từ lâu hủ bại rồi
Bất tài vô tướng cũng lên ngôi
Lòng lang dạ sói tha hồ cướp
Bàn độc ghế thiêng mặc sức ngồi
Bán chữ thánh hiền mua chức vị
Bày trò thảo khẩu đoạt nguyên khôi
Nước non chìm đắm trong tàn ngược
Đại Việt suy vong đợi kẻ bồi

Bồi đắp sơn hà chí sục sôi
Văn tài đức hạnh đã rèn tôi
Lục thao tam lược luôn tìm hiểu
Tế thế kinh bang vẫn luyện dồi
Dâng sớ khuyên vua mà chẳng được
Về nhà dạy trẻ ấy đành thôi
Ao tù khóa hãm rồng bay lượn
Hiền sĩ danh Ngài nhất đẳng khôi

Khôi phục cương thường chớ kéo lôi
Một phường dua nịnh chủ nhầm tôi
Quen nòi kênh kiệu ra oai thú
Giỏi thói xa hoa bạc đãi người
Thế sự nhìn xem lo lở núi
Nhân tâm ngẫm kỹ muốn than trời
Ngàn nămNúi Phượng còn ghi dấu
Hậu thế gương Thầy mãi sáng ngôi

January 22, 2019

Xuân Quê Nghèo

Tác giả: Trần Bảo Kim Thư

Xuân này đất Mẹ thiếu màu hoa
Lắm cảnh người dân mất cửa nhà
Phố núi hoang tàn im trống mõ
Thị thành đổ nát vắng đàn ca
Kìa thân gầy guộc bầy con trẻ
Nọ dáng liêu xiêu những cụ già
Cứ tưởng thanh bình là bụng ấm
Đâu ngờ đói khổ vẫn quanh ta

January 22, 2019

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Thì Thầm Mùa Xuân

 
Ngọn gió thì thầm cùng lá biếc
Chúa Xuân ngự giá xuống trần gian
Chồi xanh thức dậy trong giá rét
Đón ánh bình minh rực sắc vàng

Lũ bướm thì thầm cùng cây cỏ
Vườn Xuân thơm ngát phấn muôn hoa
Trăm hồng ngàn tía khoe rực rỡ
Trái đất vừa đổi thịt thay da

Chim chóc thì thầm cùng trời rộng
Trái chín trên cành ngọt biết bao
Hạt mầm ai trẩy vừa nhú mộng
Đã nghe tiếng lá hát rì rào

Đôi trẻ thì thầm trong ánh mắt
Năm nay mình sẽ cưới nhau thôi
Tháng Giêng có lẽ là đẹp nhất
Xuân ở bên ta suốt cuộc đời!

January 21, 2019

Thi Tập Bốn Mùa Hoa

Tác giả: Khánh Linh & Trần Bảo Kim Thư
Vui lòng gõ vào tên tác phẩm để đọc:



Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Dân Vi Quý

Tác giả: Trần Đức Phổ

Từng nghe:
“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”*
Đất nước ta xưa nay luôn trọng chữ nghĩa tình
Các bậc minh quân luôn lấy dân làm gốc
Lúc thanh bình nhân dân cày cuốc
Lúc nước mguy nan, kẻ thù xâm lược
Dân lại hiên ngang gìn giữ sơn hà
Hơn 4000 năm qua
Núi xương, sông máu
Khi thăng lúc trầm
Mất nước tan nhà
Chẳng thế lực nào có thể khuất phục nổi dân ta

Cho nên:
Mê Linh quật khởi
Quân Hai Bà đánh cho Tô Định thua tan tác
Nhà Lý  mở mang bờ cõi
Phạt Bắc bình Nam
Đều nhờ vào lòng khoan thứ cho dân

Nhớ xưa
Triều đại Nhà Trần
Mở Hội Nghị Diên Hồng
Tổng hợp sức mạnh toàn dân
Đánh cho bọn quân Nguyên-Mông
Tả tơi khong còn mảnh giáp đến ba lần!
Có dân dẫu  việc khó khăn to lớn đến mấy,
Cúng bé như sợi lông

Trước đây:
Lúc chưa cướp được chính quyền
Người Cộng sản xem dân là gốc
Hô hào chuyên chính
Vô sản công nông
Coi dân với đảng như là cá với nước
Giục dân xung phong
Tiến lên phía trước
Đánh Pháp, đuổi Mỹ
Đạp đổ Cộng Hòa Miền Nam
Gồm thâu quyền hành về một mối

Thế mà nay:
Nước nhà thống nhất
Lại xem dân là giặc
Đem công an, quân đội
Phá nhà , cướp đất
Này Thái Hà ấp
Nọ xã Đồng Tâm
Từ Dương Nội Cồn Dầu,
Đến Thủ Thiêm, Lộc Hưng
Nơi nào cũng đuổi dân, bứng gốc
Bất kể chùa chiền, tu viện
Không chừa mồ mả
Chẳng kể tổ tiên
Năm nào cũng nghe cưỡng chế, đập phá
Ngày nào cũng có kẻ chết, người tù
Vu hãm
Kẻ đấu tranh bảo vệ đất
Là kẻ chống người thi hành công vụ

Cũng bởi:
Tòa án bất công
Chính quyền bất nghĩa
Lũ côn đồ mặc sức hoành hành
Như bọn đầu trâu măt ngựa giữa phố thị văn minh
Tiếng oán than kêu gào thảm thiết của đám dân đen
Mịt mờ trời đất
Lất lay hồn oan
Đau lòng Chúa, Phật
Thương thay!
Xót thay!


Trong khi đó:
Giặc thù từ phương bắc
Ngày ngày dòm ngó biên cương
Xua quân chiếm biển, đảo
Giết hại  ngư dân
Đâm nát tàu thuyền
Giặc dữ  hung hăng
Tuyên bố ngông cuồng
Xem biển đảo ta có chủ quyền
Như của riêng trong túi
Dân chúng lầm than
Sợ hãi triền miên


Vậy mà:
Chính phủ làm ngơ
Cấm dân nhắc tới
Quân đội thờ ơ
Chẳng dám phản đối!

Hỡi ôi!
Cả một giống nòi
Đang lạc lối trầm luân!

January 20, 2019
_______
*Lời của Mạnh Tử có nghĩa là dân đáng quý, kế đến là nước nhà, ông vua cai trị không đáng kể.