Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Lan Man Về Bài Thơ Đôi Dép

Tác giả: Le Tran

Hôm chủ nhật vừa rồi lang thang trên mạng để tìm đọc thơ, tình cờ tôi bắt gặp bài “Đôi dép” của tác giả Thuận Hóa. Rất thích thú với bài thơ này tôi quyết định tìm hiểu them về bài thơ và quá ngạc nhiên khi phát hiện ra nó có hai dị bản của hai tác giả khác nhau. Hầu như hai bài thơ giống nhau đến 80-90%, chỉ có một số ít câu và từ khác biệt. Bài thơ đó đã làm cho tôi rất xúc động nên viết bài cảm nhận này. Trước hết mời các bạn đọc qua bài thơ.

Đôi Dép
Tác giả: Thuận Hóa

Thân gởi Công Tằng Tôn Nữ Ý Nhi
(Hy sinh mùa xuân năm 1968, vừa tròn 21 tuổi. Biệt động thành Huế để lại một đôi dép. Ý Nhi ra đi không bao giờ trở lại. Để lại đôi dép này là nỗi nhớ nỗi thương).

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
Là vần thơ anh viết về đôi dép
Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
Khi vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu một chiếc ở mỗi bên phải trái
Như tôi yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung

Hai chúng mình thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

Lời cảm nhận

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ ca, khi ta yêu thì những vật dụng thường nhật của người minh yêu cũng trở nên thân thương gần gũi .Mở đầu bài thơ Thuận Hóa viết:

Vần thơ đầu anh viết tặng cho em
Là vần thơ anh viết về đôi dép
Khi anh nhớ ở trong lòng da diết
Đôi dép tầm thường cũng viết thành thơ

Trong khổ thơ này tác giả nói rõ lý do vì sao mình sáng tác bài thơ. Người yêu đã hy sinh (như trong lời đề tặng phía trên ) vì quá nhớ nhung đau khổ trước sự ra đi của người mình yêu nên nhìn thấy đôi dép còn để lại của nàng mà xúc cảm tuôn trào thành thơ.

Đoạn thứ 2

Hai chiếc dép gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nhau nửa bước
Đi làm Cách mạng những nẻo đường xuôi ngược
Từ bắc vào nam cát bụi cùng nhau

Đoạn này tác giả kể về cuộc đời của hai người,hình ảnh ‘hai chiếc dép’ chỉ là hình tượng hóa mà thôi. Họ sống bên nhau, cùng đi làm cách mạng, cùng nhau xuôi ngược trên con đường bắc nam tự bao giờ, không ai để ý. Và tự bao giờ họ yêu nhau họ cũng không xác điịnh được. Ở đây, nhà thơ kể chuyện của hai người thông qua hình ảnh đôi dép chứ không phải nhân cách hóa đôi dép để nói lên tình yêu lứa đôi chung chung.
Nếu thay thế những từ ‘đi làm cách mạng/Từ bắc vào nam’ bằng ‘cùng gánh vác/Lên thảm nhumg’ như một dị bản thì lại khác. Sửa như thế câu thơ trở thành quá khoa trương, không phải là phong cách của Đôi Dép vốn dĩ lời lẽ bình dân, thuần hậu. Vả lại nói đôi dép đi “lên thảm nhung” là một hình ảnh không mấy đẹp đẽ, hơn nữa trông có vẻ hơi kệch cỡm dù là với hình tượng ẩn dụ.

Đoạn thứ 3, 4, 5 & 6

Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chung chia sẻ sức người đời chà đạp
Khi vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

Nếu một ngày một chiếc mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng... nỗi nhớ Ý Nhi ơi!

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn nhưng không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Đây là 4 khổ thơ trọng tâm của bài và cũng là những khổ thơ hay nhất. Cuộc sống lứa đôi của đôi dép, cũng là cuộc sống lứa đôi của tác giả. Họ san sẻ, gắn bó chung thủy với nhau chia bùi sẻ ngọt.
Đôi Dép là một vật dụng cá nhân hằng ngày thông thường của mỗi người. Chúng bao giờ cũng có đôi và nhất định phải đủ đôi thì mới hữu dụng. cũng như hai vợ chồng phải bên nhau bù đắp, bổ khuyết cho nhau thì cuộc sống mới mỹ mãn.
Hình ảnh khắng khít đó đã được tác giả Thuận Hóa xây dựng nên từ một chuyện tình có thật để nói về lòng chung thủy, sự gắn bó keo sơn của đôi lứa yêu nhau.Thông qua “Đôi Dép” tác giả gửi gấm tấm lòng của mình với người mình yêu, bởi vậy bài thơ có sức truyền cảm thật là kỳ diệu. Rồi từ bài thơ một triết lý đời sống vợ chồng được khẳng định. Đo là tình yêu sâu sắc giữa hai người thì không ai có thể thay thế được.
Lời thơ rất bình thường, giản dị, không màu mè mà thống thiết thân thương. Nó được viết ra từ một cảm xúc chân thành tha thiết. Lời thơ tự động trào theo đầu ngọn bút phát xuất từ tâm tư của tác giả mà không cân phải lên gân, cường điệu hoặc sắp xếp câu chữ. Toàn bài là một giọng thơ nhất quán, không phô trương, đẽo gọt.
Ở đoạn 4 có một từ mà dị bản đã sửa mà chúng tôi cho là đã làm giảm mất cái hay của tác phẩm. Đó là từ ĐI đổi thành từ ĐỜI trong 2 câu thơ sau:
Giống nhau lắm nhưng người ĐI sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Dị bản:
Giống nhau lắm nhưng người ĐỜI sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Theo mạch thơ, đó là tâm tư, cảm xúc của “người trong cuộc” họ sẽ biết, sẽ hụt hẫng như thế nào khi thiếu vắng người kia. Đó là cái thụ cảm của “đương sự”. nếu thay ĐI bằng ĐỜI, thì là ngoại nhân đánh giá về họ (đôi dép), điều này làm giảm đi ý nghĩa của 2 câu thơ . Vì họ có phải một đôi hay không dưới con mắt của người đời không quan trọng, cái họ quan tâm là cảm giác của họ với nhau có là một đoi hay không ! cái cảm nhận ấy được truyền đạt qua người mang Đôi Dép !

Hai câu kết:

Chỉ còn một là không còn gì hết
Như anh và em... thương lắm Ý Nhi ơi!

Đọc hai câu cuối này thật là cảm động đến rơi lê ! Một mất mác, một sự vỡ đôi, một tiếng nấc bi ai, nghẹn ngào, không gì bù đắp, không gì đau khổ hơn !
Thương lắm ! Xót xa lắm !
Người ơi !

KẾT LUẬN

Đôi Dép quả là một bài thơ hay. Nó hay bởi vì chính bài thơ là một chuyện tình có thật rất cảm động. Từ cái thật đó được nhà thơ mượn hình ảnh đôi dép (là di vật của người yêu) để thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình. Rồi từ cái tâm tư tình cảm của một chuyện tình đôi dép nó quay trở lại với đời sống và trở thành một chuẩn mực cho tình yêu lứa đôi mà ai cũng công nhận là thủy chung, son sắt, có trước có sau, một mơ ước của nhiều cặp tình nhân.
Với cái ý tưởng đôi dép có đôi, không thể thiếu một trong hai thì cũng không có gì mới lạ, cao siêu để làm nao lòng người đọc nếu như không có cái tâm và cái tình gửi gấm vào đo. Nhưng bài thơ trên được viết ra từ cảm xúc thật, hình ảnh thật nên không có chút gì là gượng gạo là giả tạo cả. Nó bình dị như cuộc sống đời thường không dùng từ văn hoa bóng bẩy, không ly kỳ, lãng mạn nhưng đi sâu vào lòng người đọc nhờ cái tâm, cái tình của nhà thơ.

Tóm lại với lời thơ mộc mạc, dễ hiểu kết hợp sự lồng ghép tài tình tâm sự cua chính mình vào chuyện tình đôi dép tác giả Thuận Hóa đã cho chúng ta một bài thơ thật tuyệt vời và sâu sắc về tình lẫn ý .

Bài viết này chỉ là cảm nhận riêng hoàn toàn chủ quan của
Le Tran, tất nhiên với kiến văn và khả năng cảm thụ hạn hẹp của mình thì sai sót hay phiến diện không thể nào tránh khỏi. Rất mong các bác chỉ điểm và lượng thứ cho. Đa tạ !

June 07, 2017
_______


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.