Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Đôi Lời Muốn Ngỏ


(Tựa tập thơ Cát Bụi)

Có nhiều người chơi thơ trên Facebook thường cho rằng thơ Lục bát là loại thơ của người bình dân ít học và không thích làm thơ thể loại này. Việc thích làm thơ thể loại nào là tùy theo sở trường hoặc sở thích của mỗi người, nhưng bảo thơ Lục bát chỉ có người ít học mới viết thì không đúng. 
Đành rằng thơ Lục bát có thể xuất phát và thịnh hành trong giới bình dân, nhưng cũng được nhiều danh sĩ sử dụng. Bằng chứng là rất nhiều thi sĩ tên tuổi xưa kia đã viết truyện bằng thể thơ này . Ví dụ Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự,, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Lục  Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…Hoặc như Tản Đà dùng thơ Lục bát để dịch thơ Đường mà có nhiều người cho rằng lắm bài bản dịch còn hay hơn cả bản gốc.

Thơ Lục bát dễ làm, vì thế không cần học rộng, biết nhiều chữ cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để làm được một bài Lục bát hay, có thể gây xúc động đến người đọc thì không dễ chút nào. Lục bát cốt ở cái tình, bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ hay không tùy thuộc vào tâm tư, cảm xúc của người viết đặt vào tứ thơ, chứ không phải ở chỗ vận dụng ma thuật của con chữ. Nói thế không hẳn Lục bát kém cạnh các thể thơ khác về mặc nghệ thuật mà chỉ nhằm nhấn mạnh hồn thơ của thể Lục bát. Bởi vì, thơ Lục bát mà không có hồn sẽ thành một bài vè. Để làm được thơ Lục bát hay thì cần phải tôi luyện rất nhiều năm, còn không thì phải có thiên bẩm chứ không phải dễ dàng như nhiều người thường nghĩ.

Nói đến thơ Lục bát tôi chợt nhớ lại một câu chuyện đã đọc được cách nay khá lâu.
Chuyện kể, ở một vùng nông thôn nọ, có một đôi vợ chồng trẻ thường hay gây gỗ với nhau. Mỗi lần gây gỗ anh chồng đánh cho chị vợ nhừ đòn. Chị vợ không dám đánh trả chỉ tru tré,o cằn nhằn không để anh chồng yên thân, nên mỗi lần đánh vợ xong anh ta lại bỏ đi đâu đó vài hôm sau mới về. Nhiều lần như vây, chị vợ cũng uất ức và chán nản nhưng không biết cách nào làm lành với chồng và giải quyết mâu thuẩn gia đình.

Một hôm, sau khi anh chồng bỏ đi chị vợ liền nghĩ cách làm sao để khuyên anh chồng  bớt vũ phu với mình. Suy đi nghĩ lại chị tính bề viết cho chồng một bài thơ. Vốn là người có học hành chút đỉnh chỉị liền lấy giấy mực viết một bài Lục bát bày tỏ nỗi lòng. Viết xong, chị đặt lên bàn cho chồng về xem, rồi bỏ về nhà mẹ. 
Anh chồng sau khi nguôi giận trở về nhà, nhìn thấy lá thơ vội cầm lên đọc. Đọc xong anh bỗng bật khóc và vội vã đi tim vợ.

Khi gặp vợ anh rối rít xin lỗi và hứa với vợ từ nay không đánh đập chị nữa. Chị vợ vô cùng sung sướng và ngạc nhien vì thái độ biết phục thiện của chồng. Chị liền hỏi anh sao lại tốt với chị như vậy. Anh xuýt xoa cười đáp:“Thì từ trước đến giờ em đâu có bao giờ nói với anh những lời êm ái như thế. Những lời em viết trong thơ làm anh cảm động vô cùng và tự thấy mình thật bạc bẽo.”

Từ đấy, đôi vợ chồng nọ sống với nhau rất hạnh phúc. Mỗi ngày chị vợ đều làm thơ kể lể nỗi niềm cho anh chồng đọc.

Qua câu chuyện trên chúng ta đã thấy sức truyền cảm của một bài thơ Lục bát nó mãnh liệt biết dường nào, khó có một thể thơ nào khác dễ ngấm sâu vào lòng người đến thế.

Với tập thơ Cát Bụi này tác giả cũng hy vọng rằng mình cũng truyền tải được những điều muốn nói đến bạn đọc như chị vợ kia đã từng làm với anh chồng. Và đó cũng là niềm vui lớn lao của tác giả.

Canada, January 7, 2019
Trần Đức Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.