Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Tựa


(Tuyển Tập Thơ Trần Đức Phổ - Tập 2)



Tuyển Tập Trần Đức Phổ - Tập 2 là bộ sưu tập gồm hầu hết những bài thơ của tác giả đã xướng họa với bạn bè trên Facebook, cùng những bài thơ dịch của cổ nhân.. Đây là những cảm xúc, nỗi niềm được viết ra dưới dạng thất ngôn bát củ, hoặc tứ tuyệt. Bút danh Trần Bảo Kim Thư là của Trần Đức phổ ký tên dưới những bài thơ Cổ điển. Với tác giả, những bài tứ tuyệt, bát cú (ngũ ngôn, thất ngôn, trường thiên) đều gọp lại gọi chung là thơ cổ điển. Và thích cách gọi này hơn. Bởi vì chúng ta gọi ‘thơ mới’thì cũng nên gọi là ‘thơ cổ điển’ cho nó cân xứng, thích hợp.

Thơ cổ điển là một thể loại ngâm vịnh tiện lợi, rất thích hợp dùng để để xướng họa. Vì cách diễn đạt ngắn gọn, hàm súc, ít từ nên ý tứ cô đọng.Với quam niệm sáng tác thơ dùng bình cũ để đựng rượu mới nên thơ của tôi không hề đặt nặng trọng tâm ở  chuyển tải tư tưởng, dụng công tìm tứ, hình ảnh mà chỉ cốt biểu lộ cảm xúc, đi thẳng vào vấn đề là chính.Nói chung là nôm na hóa, bình dân hóa đi thơ Đường luật. Tuy thế, tôi vẫn luôn tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi của thể thơ này là: Bố cục, Vần, Niêm, Luật và Đối.

Có người cho rằng thơ Đường Luật là một thể thơ bác học, vì vậy người làm thơ phải sử dụng thứ ngôn từ Hán-Việt dùng điển tích Trung Hoa để cho lời thơ được hàm súc sâu xa, bóng bẩy; ý tứ phải siêu phàm. trời cao bể rộng, thể hiện kiến văn quảng bác mới chứng tỏ được đặc tính của loại thơ Đường.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với cách nói trên. Thơ thì chỉ có hay hoặc dở, dễ hiểu hoặc khó hiểu. Cao siêu hay tầm thường là ở nội dung. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng có những điểm hạn chế của nó. Người tài hoa là biết làm cho một thứ ngôn ngữ bình thường trở thành thứ ngôn ngữ tuyệt vời trong thơ văn, ví như ngôn ngữ Truyện Kiều của Nuyễn Du.
Hơn nữa ông cha ta đã dày công Nôm hóa thể thơ này gần cả ngàn năm. Trong văn học Việt Nam không thiếu những bài thơ Nôm cổ điển tuyệt hay của các tác giả như Lê Thánh Tông, bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú xương…. Thơ của họ nhiều bài không hề có dấu ấn của Hán tự hoặc điển tích văn hóa Trung Hoa.
Cha ông xưa có tinh thần tự chủ đáng ca ngợi như thế cớ sao ngày nay con cháu cứ muốn làm nô lệ cho văn hóa phương Bắc? Chúng ta cần học hỏi nhưng cũng cần biết sáng tạo và bảo tồn cái đẹp, cái hay cốt lõi của nước nhà.

Lại nữa, có nhiều người còn viện luật thơ của Thẩm Ước  (441-513) để chê bai thơ của các cụ đầy rẫy lỗi thi bệnh. Họ đã vô tình bê một cái khuôn có sẵn cách đây 1500 năm và cố nhồi nhét những đứa con tinh thần của các cụ vào cái khuôn lỗi thời ấy. Họ cố tình phớt lờ đi rằng người đời trước làm ra luật thì người đời sau cũng có thể phá bỏ hay sửa đổi luật. Mọi vật trên thế gian đều vận động và biến đổi, thơ Đường Luật cũng nằm trong quy luật đó.  Thực ra. thơ từ thời Kinh Thi (do Khổng tử san định) đã không có luật lệ gì, và ngày nay thường  được gọi là thơ Cổ phong. Vì vậy việc tuân thủ các phép tắc về lỗi bệnh của thơ Đường luật là tùy ở mỗi tác giả, nó không nhất thiết phải đem áp chung như khuôn vàng thước ngọc cho tất cả mọi bài thơ Đường.

Với cách nghĩ như vậy nên tôi thích gọi là thơ cổ điển hoặc cụ thể hơn là thơ thất ngôn bát cú hay thơ tứ tuyệt chứ không thường gọi là thơ Đường luật. Hẳn nhiên, trong tập thơ này của tôi nếu áp dụng cái khuôn của Thẩm Ước thì lỗi bệnh nhiều vô kể. Vì trên thực tế, tôi chỉ làm thơ theo cảm hứng, theo tâm trạng mà ít gọt giũa về ngôn từ. Nó thật sự là lời ăn, tiếng nói, tâm tình hằng ngày, không điển cố, không từ chương. Nếu có bài nào có sử dụng điển tích là do ngẫu nhiên chứ không phải tác giả cố tình đưa vào cho có vẻ “bác học”.

Đôi lời “trần tình’ cùng bạn đọc xa gần nhân vừa làm xong cuốn tuyển tập thơ Trần Đức Phổ phần Hai này, rất mong được rộng lòng bỏ qua mọi sự vụng về, ấu trĩ. Đa tạ!

Canada, January 1, 2019
Trần Đức Phổ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.