Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Chămpa (Kỳ 5)

 (tiếp theo)


 

Nửa trưa hôm đó, họ đi đến làng Bình Sơn cách Châu thành chừng năm dặm thì bị chận lại. Phía trước, một toán quan binh cầm giáo mác chận đường. Hỏi ra mới biết trong thôn đang có nạn dịch hoành hành. Nghe nói đã có nhiều người chết. Các lang y ở địa phương bó tay. Đây là một chứng bệnh lạ lần đầu tiên xuất hiện nơi địa phương này. Họ chẳng biết là bệnh gì. Triệu chứng của người mắc phải như bệnh cảm mạo, nhưng ho nhiều, khó thở, và co giật khi lên cơn sốt. Vốn đã từng đọc qua nhiều sách y học Trần Lai cũng am hiểu đôi chút về phép chữa bệnh. Từ nhỏ chàng đã có tâm nguyện giúp đỡ những người khốn khổ, bệnh tật. Nghe nói nơi đây đang bị dịch bệnh, chàng rất muốn góp chút ít sức lực cho dân làng. Chàng biêt mình được chích ngừa cẩn thận từ hồi đi học đủ các thứ bệnh rồi. Vả lại chàng tin tưởng rằng chàng là người của thế kỷ hai mươi trong người chắc đã có sẵn hệ miễn dịch di truyền. Nghĩa là chàng đã được miễn nhiễm với vi trùng thời xa xưa. Nghĩ thế chàng nói ý mình muốn được vào giúp đỡ cho nạn nhân, nhờ Mị Cơ phiên dịch lại. Không ngờ đề nghị của chàng nhanh chóng được quan binh chấp nhận. Thật ra mấy tên quan binh này đang tìm người vào thu gom xác chết cũng như phục vụ thuốc men cho bệnh nhân mà tìm chưa được vì ai ai cũng sợ hãi bỏ trốn. Nay có người tình nguyện thì chúng mừng lắm. Trần Lai bảo Mị Cơ trở về thị trấn Thu Xà đợi chàng, nhưng nàng nhất quyết không chịu.
Làng Bình Sơn có chừng hai chục mái nhà tranh, nằm án ngữ trên con đường từ Thu Xa đến Bến Tam Thương. Trần Lai bảo Mị Cơ lấy khăn trùm kín mặt chỉ chừa ra đôi mắt. Chàng cũng làm y như thế, rồi cả hai tiến vào trong làng. Cảnh tượng nơi đây thật là thê lương. Tiếng người gào khóc, rên la vọng ra từ những căn nhà mái rạ. Tiếng ho khan nhói cả lồng ngực. Không có tiếng chó sủa gà gáy như những thôn xóm bình thường. Nhà nào cũng có người bệnh. Chỉ năm bảy thanh niên thiếu nữ là vẫn còn khỏe mạnh.
Trần Lai nhờ Mị Cơ hỏi thăm qua tình hình. Trận dịch lướt qua đây đã được mấy hôm. Quan chức địa phương chỉ biết cách ly phong tỏa cả làng vì các thầy lang đã vô phương cứu chữa. Khi Trần Lai đến họ đã bỏ trốn hết. Xem qua triệu chứng của những người bệnh Trần Lai đoán là họ đã mắc bệnh cúm. Dân chúng trong làng thì cho rằng đây là sự trừng phạt của thần linh nên chỉ biết thắp nhang cúng bái.
Trần Lai đã có phương án trị bệnh. Chàng nhớ có lần đọc được đâu đó rằng hương thơm cũng có thể khử trùng trong không khí.
Lợi dụng sự tin tưởng vào thần thánh của người địa phương, chàng lập ra một kế hoạch chữa trị cụ thể. Chàng nhờ Mị Cơ cho tập hợp những người còn khỏe mạnh, bảo họ thắp nhang và bày biện hoa thơm khắp nơi để cầu nguyện thầnh linh phù hộ. Chàng cũng nhờ Mị Cơ cùng các cô gái hằng ngày đi tìm các loại hoa dại có mùi thơm mang về trồng quanh vườn nhà. Đặc biệt là loại cây hoa sứ hương thơm nồng nàn. Chàng lại cho những chàng trai vào rừng vạt những cây quế lấy vỏ, phơi khô để làm thuốc. Mỗi ngày ba lần người bệnh đều xông nước lá sả, lá chanh. Chàng bắt chước người Nga dùng tỏi thay trụ sinh để chữa bệnh cúm. Rất may là vùng này nông dân trồng nhiều hành tỏi. Trần Lai biết để trị cho dứt loại cúm này ít nhất cũng mất vài tuần lễ. Chàng đem ý định muốn ở lại đây chữa dứt bệnh cho mọi người rồi mới lên đường với Mị Cơ. Nàng vui vẻ đồng tình với chàng. Họ tìm một căn nhà lá ở cuối thôn chĩ có mỗi một bà cụ gia sinh sống để ở tạm trú. Bà cụ cũng mắc bệnh nhưng không nặng lắm. Có lẽ do nhà bà lẻ loi cách xa xóm giềng. Họ ở đấy vừa tiện sắn sóc cho bà vừa yên tĩnh.
Hằng ngày Trần Lai dành ra hai buổi sáng và chiều để đi thăm bệnh nhân và phục vụ thuốc men. Thời gian còn lại chàng nhờ Mị Cơ dạy cho chàng học tiếng Chăm. Một tuần lễ sau nhiều người bệnh đã khỏe lên dần, không còn cảnh chết chóc nữa. Xóm làng đang từ từ hồi sinh.
Mị Cơ gầy hẳn vì ngày nào cũng chỉ ăn khoai và cháo, Trần Lai trông thấy vậy rất thương cảm. Thế là một hôm chàng chặt tre, làm một cái nôm để ra đồng bắt cá cải thiện bữa ăn. Mị Cơ thấy chàng lúi húi đan vót, đến ngồi gần bên khẽ hỏi:
- Anh làm cái gì thế?
Trần Lai muốn chọc cho nàng vui bên nói đùa.
- Tôi làm cái lồng càn khôn.
- Lại ba hoa rồi! … Nhưng dùng nó để làm gì?
- Chừng nào xong cô sẽ biết.
Chiều hôm đó, cái nôm đã được làm xong. Trần Lai đưa cho Mị Cơ xem. Từ bé đến giờ quen sống cảnh cao sang nên nàng đâu biết cái lồng đầu nhỏ đít to tua tủa những thanh tre nhọn hoắc này dùng để làm gì. Trần Lai đeo cái giỏ tre vào hông, một tay cầm cái nôm tay kia nắm lấy tay Mị Cơ, bảo cô.
- Chúng ta đi bắt cá thôi.
Mị Cơ đôi má nóng bừng nhưng vẫn để yên cho chàng nắm lấy tay mình. Cả hai chạy nhanh ra ngoài đồng ruộng. Nàng đứng ở trên bờ, còn chàng thì lội ngay xuống ruộng bì bõm, hì hục vung nôm lên chụp những con cá rô, cá sặc chạy lạc ven bờ. Chốc chốc chàng lại giơ lên một chiến lợi phẩm bắt được trong tay. Mỗi lần như thế MỊ Cơ vỗ tay ngợi khen không ngớt lời. Cả hai nói cười vui vẻ suốt cả buổi chiều ngoài đồng.
Một tháng sau tất cả người bệnh trong làng đã bình phục. Lệnh phong tỏa được giở bỏ. Lúc này, Mị Cơ lại ngã bệnh nên cả hai không thể lên đường. Hằng ngày Trần Lai lo chăm sóc thuốc thang cho Mị Cơ. Nhìn nàng ngày càng hốc hác lòng chàng thêm quặn đau. Bà cụ già cho hai người tá túc thấy họ tận tình thương yêu nhau như thế cứ tưởng là môi đôi vợ chồng dị chủng bỏ nhà đi xây tổ uyên ương nên cũng để mặc kệ họ.
Ngoài việc ra đồng bắt tôm cá, Trần Lai còn làm một bộ nỏ bằng gỗ cây dầu rái để vào rừng săn bắt. Hôm nào chàng cũng mang về một chú gà rừng hoặc con chồn, con cáo để cải thiện bữa ăn. Thấy chàng tận tụy lo cho mình Mị Cơ rất cảm kích. Nàng cũng đã dần dần bình phục.
Hơn một tuần lễ sau, một buổi tối lúc chàng và nàng ngồi ngắm sao trời nàng bảo:
- Mai chúng ta về Thành Châu Sa thôi!
- Em đã khỏe hẳn chưa?
- Em đã bình phục rồi. Cảm ơn anh đã vì em mà vất vả bao nhiêu ngày qua.
Nàng tựa đầu vào vai chàng. Trần Lai cảm thấy cả người như run lên vì cái cảm giác mới lạ và tuyệt vời ấm áp mà người con gái bên cạnh đã đem đến cho chàng. Chàng quàng tay ôm chặt lấy bờ vai nhỏ bé của nàng. Những ngôi sao trên trời sáng lấp lánh như những đôi mắt của họ.
 
(còn tiếp)

Mộng Hồi Chămpa (Kỳ 4)

 (tiếp theo)

4
Mị Cơ và Trần Lai vừa lặn vừa bơi xuôi theo dòng nước chảy. Cả hai vất vả vật lộn với nhiều chỗ nước xoáy gần một giờ đồng hồ mới vào được phía bờ hữu. Họ vừa bò vừa leo lên bãi cát thoai thoải. Vừa khỏi mép nước cả hai đã nằm sóng soài, thở dốc.
Trời hừng sáng. Phương đông những dải mây hồng như máu tươi loang ra, mỗi lúc càng rộng, dần dần chiếm lĩnh cả một góc trời. Trần Lai đang nhủ chập chờn, mơ hồ mình đang tắm sông cùng bạn. Bên tai chàng văng vẳng có tiếng khóc rấm rứt. Chàng giật mình tỉnh ngủ, xoay người qua nhìn. Mị Cơ quay lưng về phía chàng, hai tay bưng mặt, đầu cúi thấp, đôi vai rung rung liên hồi. Trông dáng vẻ của nàng lúc này thật tội nghiệp. Không còn cái oai quyền tiểu thư nhà thế phiệt nhàng chỉ như là một cô gái bé bỏng yếu đuối, cần người quan tâm. Trần Lai muốn ngỏ lời an ủi, nhưng vốn là người không giỏi ăn nói nên chàng chẳng biết mở miệng làm sao. Trước giờ chàng chưa hề gặp tình cảnh như thế này. Chàng là người rất sợ nước mắt, nhất là nước mắt của các cô gái và của những người già nua. Chàng nhỏm người dậy, đến ngồi bên cạnh nàng, nhìn về hướng đảo Hòn Ngọc. Xa xa một cột khói đen hình cái nấm từ từ bốc lên cao. Chàng khẽ nói vu vơ, như nói cho chính mình nghe.
- Trời sáng rồi!
Mị Cơ đưa tay quệt nước mắt, xuất kỳ bất ý, nàng tát luôn vào mặt Trần Lai một cái nẩy lửa.
- Ngươi tránh xa ta ra!
Trần Lai vừa xoa xoa cái má bỏng rát vừa nói:
- Tôi… Tôi…
Mị Cơ trừng đôi mắt đen láy còn đầy ngấn lệ.
- Có phải ngươi là đồng bọn với bọn cướp?
Trần Lai vừa bị đánh đau, vừa bị đổ oan nên nổi cáu.
- Cô bị khùng à? Nếu tôi là đồng bọn với chúng thì tôi vất vả cứu cô làm gì?
- Ai mượn ngươi cứu?... Biết đâu bọn ngươi còn có âm mưu gì nữa thì sao? Phải không? Nói đi!
Tức khí dâng lên tận cổ, Trần Lai cũng trợn mắt, gằn giọng:
- Phải! Tôi âm mưu… - Chàng ngừng lại vì chưa nghĩ ra được mình có âm mưu gì!
- À… thú thật rồi phải không? Âm mưu gì? Nói mau!
Bị Mị Cơ truy vấn ráo riết, Trần Lai đáp bừa.
- Bắt cô về làm sơn trại phu nhân của bọn ta!
Mị Cơ bỗng phá lên cười ngặt nghẽo.
- Ngươi dám?
Tiếng cười trong veo như pha lê của nàng làm cho bầu không khí giứa hai người bớt căng thẳng. Như sực nhớ ra điều gì, nàng quay sang Trần Lai, hỏi:
- Làm sao ngươi thoát ra được?
- Tôi có cách của tôi! Không nói cho cô biết.
Nàng nguýt chàng.
- Xí… ta cũng chỉ hỏi chơi vì thấy ngươi cũng có chút bản lãnh. Nói thật đi, Ngươi từ nơi nào đến đây? Trông bộ dạng dị hơm của ngươi chẳng giống người Đại Việt sinh sống ở đây chút nào!
Hai người đều còn trẻ tuổi lại trải qua hoạn nạn cùng nhau nên dễ dàng thân thiết hơn bình thường. Trần Lai không còn cảm thấy tức giận nữa trước giọng nói dịu dàng, đầy ma lực của Mị Cơ. Chàng thật thà kể hết những chuyện mình đã trải qua. Nhìn vẻ mặt chàng, Mị Cơ tin tưởng đến tám chín phần những điều chàng nói. Nhưng nàng không hề tin con người có thể dịch chuyển thời gian và không gian. Nàng biết chỉ có thần Siva mới có phép thần thông làm được điều ấy. Đấy là một vì thần toàn năng của người Chăm có thể hủy diệt vạn vật rồi tái tạo lại. Nàng nhìn chàng lơ mơ suy nghĩ. Chẳng lẽ chàng trai trước mặt mình là người đã được thần Siva tái tạo lại và đưa đến bên cạnh nàng? Trầm ngâm giây lát, Mị Cơ hỏi:
- Bây giờ ngươi định đi đâu?
- Tôi cũng không biết nữa! Hy vọng rằng tôi sẽ tìm ra được cách trở lại quê hương tôi. Nghĩa là trở về tương lai.
- Hay là ngươi đến thành Châu Sa với ta?
Được lời như cởi tấm lòng, vì Trần Lai còn biết đi đâu nữa. Xứ lạ quê người trong tay chàng chẳng có một xu. Trong bụng mừng thầm, muốn nhận lời ngay, nhưng ngoài miệng trả lời nửa đùa nửa thật.
- Nếu như cô nương không bắt giam tôi vào ngục.
Họ cùnng nhìn nhau cười giòn. Cả hai vui vẻ rời bờ sông. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ấm áp bắt đầu làm áo quần của hai người dần dần khô ráo. Họ thong thả bước đi cạnh nhau như đôi tình nhân dạo chơi trên đồng cỏ buổi sớm mai đầy nắng. Bây giờ Trần Lai mới có dịp nhìn kỹ nàng Mị Cơ. Tuy nước da có hơi ngăm đen, nhưng những đường cong trên thân thể nàng thì tuyệt mỹ. Vóc dáng nàng như một vũ nữ Apsana trong trang phục còn ẩm ướt áp sát vào người tạo nên vẻ đẹp rất phồn thực. Thấy Trần Lai nhìn mình với ánh mắt kỳ dị, Mị Cơ đỏ mặt gắt.
-Ngươi nhìn gì dữ thế!
Không bỏ lỡ một câu nịnh đầm đúng lúc như mọi thanh niên khác, Trần Lai ghé sát vào tai nàng thì thầm:
- Cô đẹp lắm! Cứ như là tiên nữ.
Mị Cơ vừa thẹn vừa thích, nàng nhoẻn một nụ cười tươi.
- Chỉ giỏi ba hoa lẻo mép. Mà này… ngươi tên gì nhỉ?
- Lai, Trần Lai. Còn cô?
- Trà Mị Cơ. Anh cứ gọi tôi là MỊ Cơ.
Bỗng nhiên được một cô gái đẹp đi bên cạnh gọi bằng anh, cả người Trần Lai bay bổng lên chín tầng mây xanh. Tâm hồn phơi phới phiêu diêu trong nỗi hân hoan tột độ. Chưa bao giờ chàng có cái cảm giác đặc biệt như lúc này, cho dù là khi còn ở quê nhà được các cô gái cùng thôn luôn luôn gọi bằng anh và xưng em ngọt xớt.
Hai người đi qua hết bãi cỏ lớn, tiếp đến là cánh đồng lúa. Vào tháng này lúa đang trong thời kỳ trổ đòng đòng. Ruộng được những con mương ăm ắp nước từ ngoài sông dẫn vào tươi tiêu nên chẳng thấy ai làm cỏ hay tát nước. Thấp thoáng một đàn bò đang gặm cỏ ở quả đồi thấp phía xa. Cả hai đi vòng vèo theo đường bờ ruộng để tiến về phía con đường đất đỏ vừa trông thấy xa xa.
 
Nửa buổi trưa hôm đó Mị Cơ và Trần Lai đến một xóm nhà lá nghèo nàng. Họ hỏi thăm đường đi thị trấn Thu Xà. Theo lời Mị Cơ đó là một khu phố sầm uất có nhiều hiệu ăn và cửa tiệm tạp hóa. Họ dự tính đến đấy mua hai con ngựa để về Châu thành.
Buổi trưa, hai người vào một cái quán bên đường để ăn uống và nghỉ ngơi. Ttrong túi họ lúc này không có lấy một cắc bạc. Ăn xong, Mị Cơ tháo vòng đeo tay trả tiền cơm nước. Chủ quán nhìn hai người với ánh mắt dò xét, nhưng không nói gì. Có lẽ ông ta tưởng đây là một cặp tình nhân trẻ bỏ nhà trốn đi. Tình trạng như vậy ông cũng thường thấy xảy ra. Mị Cơ hỏi thuê một chiếc xe ngựa nhưng nơi đây không có dịch vụ đó. Hai người đành tiếp tục hành trình bằng cước lực. Trần Lai hỏi:
- Chừng nào thì mình đến Thu Xà?
- Chắc độ chừng hai canh giờ nữa. – Ngừng một lát nàng chép miệng. – Nếu có ngựa để cỡi thì tốt quá! Mà này… anh có biết cỡi ngựa không?
Trần Lai làm gì biết cỡi ngựa. Chàng là người của thế kỷ hai mươi, ngựa sắt may ra còn biết cỡi chứ ngựa thật thì chàng chưa từng được vuốt thử bộ lông bờm chứ nói chi đến cỡi. Nhưng chàng nghĩ thầm, cỡi ngựa chắc cũng giống như cỡi trâu hay cỡi bò thế thôi chứ gì! Trước kia, nhà chàng có nhiều trâu bò phải mướn người chăn giữ. Có lần chàng lén cha theo bọn họ ra đồng chơi. Lúc thấy mấy đứa mục đồng cỡi trên lưng trâu chàng thích quá đòi cỡi thử. Nài nỉ mãi họ mới để chàng leo lên một con trâu to nhất đàn. Một gã mục tử dắt con trâu đi đủng đỉnh. Trần Lai ngồi vắt vẻo trên lưng trâu miệng huýt sáo, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng trâu rất ư là lý thú. Bỗng một thằng chăn bò trạc tuổi Trần Lai đi đến gần, nó giơ roi quất mạnh vào đít con trâu một phát. Đau quá con vật rống lên ra sức phi nước đại. Người dắt trâu bị lôi đi. Anh ta chạy theo không kịp đành buông dây mũi. Chàng sợ muốn vãi đái ra quần vội nằm rạp xuống mình trâu. Hai tay ôm chặt cái bứu trên lưng, chân ghì vào hông nó như con nhái bén điu trên tàu lá sen. May mà lưng trâu to bè nên chàng không bị văng xuống đất. Hú hồn! Nhớ lại chuyện đó chàng cười cười nói.
- Cũng như cỡi trâu chớ gì?
Mị Cơ phá lên cười khanh khách.
- Anh ngốc thật hay giả đò? Ngựa nó phi như bay chứ có chậm chạp như trâu đâu! Không biết điều khiển là té gãy cổ. Anh có dám cỡi thử không?
- Tôi chưa cỡi ngựa bao giờ. Ở quê tôi, có nhiều thứ để cỡi thú vị hơn cỡi ngựa nhiiều. – Trần Lại bị chạm tự ái nên né tránh câu hỏi của nàng. Rồi chàng dùng chiêu gậy ông đập lưng ông – Còn cô? Có biết cỡi không?
- Sao lại không? Về tới thành Châu Sa tôi sẽ dạy anh…. À, quê anh không cỡi ngựa thì đi lại bằng gì?
- Gần thì đi xe đạp, xa thì đi xe lửa. À… mà cô đâu biết tàu lửa và xe đạp là gì đâu nhở.
Mị Cơ tròn xoe mắt, lắc đầu. Những thứ ấy nàng làm sao mà biết được. Nhân loại lúc ấy có lẽ chỉ mỗi Trần Lai là biết được. Tuy thế nàng cũng không hỏi gì thêm. Nếu không thì cho dù Trần Lai có thông minh cũng không làm sao giải thích cho một cô gái ở thế kỷ 14 hiểu được sự kỳ diệu tối tân của những phương tiện chuyên chở của thời đại chúng ta.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Họ đến một khu rừng thưa. Những cây dầu rái cao và suôn đuột ngả bóng mát trên đường. Gió nồm thổi dìu dịu khiến cả hai cảm thấy rất dễ chịu. Bỗng phía sau lưng họ có tiếng ngựa hí vang. Họ vội vàng đứng nép vào một bên vệ đường. Hai kỵ mã phi vút qua trước. Bụi vàng cuốn lên mù trời.
- Bọn nào mà nghênh ngang thế! – Mị Cơ lầu bầu. Cả hai dừng lại phủi bụi vàng bám đầy áo quần, rồi tiếp tục cất bước. Nửa canh giờ sau, họ đã đến một ngã ba. Cả hai trông thấy hai người kỵ mã lúc nãy đang ngồi trên một phiến đá to. Hai con ngựa được thả cho gặm cỏ cạnh đấy. Thấy hai người đi tới một đại hán tuổi trạc ngũ tuần đứng dậy tiến ra chận đường. Ông ta chắp tay thi lế, nói bằng tiếng Chăm. Trần Lai chẳng hiểu gì, còn Mị Cơ lơ đãng ngoảnh mặt đi nơi khác. Đại hán kia tưởng hai người chưa nghe rõ nên lặp lai một lần nữa. Mị Cơ vẫn không trả lời. Trần Lai nắm tay áo nàng giật giật. Nàng thấy vậy chỉ trả lời một câu ngắn ngọn, cụt ngủn. Nói xong nàng lách người sang bên, rẽ vào con đường hẹp về phía phải. Trần Lại bước vội theo. Chàng tò mò.
- Họ hỏi gì thế?
- Hỏi đường đi Bến Tam Thương?
-Bến Tam Thương? – Chàng lập lại, và liếc xéo Mị Cơ – Ôi, cái tên nghe thật hay!
Không nghe Mị Cơ nói gì, Trần Lai im lặng một lúc, rồi nói tiếp.
- Mà này, tôi thấy cái người thanh niên đi với ông lão kia hơi quen quen đấy!
- Sao? Anh quen với họ à? Sao lại như thế được?
- À, tôi chỉ ngờ ngợ trông anh ta rất giống với một nhân vật trong truyện tranh tôi đọc hồi nhỏ thôi!
Mị Cơ nghe nàng nói thế bật cười ngặt nghẽo. Dứt tràng cười nàng mới hỏi:
- Thế, nhân vật ấy tên là gi?
- Chế Bồng Nga! Vị vua tương lai của vương quốc Chăm-pa.
- Ui! Đừng có ngoa ngôn, coi chừng mất đầu bây giờ. Quốc vương Chăm-pa họ Trà. Anh nhớ chưa?
Trần Lai biết mình đã lỡ miệng nên im bặt. Chàng bốc đồng tán phét vì nhìn thấy dáng vẻ oai dũng của người kỵ mã trẻ tuổi cùng đi với ông già lúc nãy. Anh ta trạc chừng hai lăm, hai sáu. Người cao lớn khỏe mạnh. Mặt vuông, quai hàm rộng, mắt to, dáng dấp đường đường là một trang tuấn kiệt. Trần Lai vốn là người mê đọc truyện tranh lịch sử, đã đọc qua cuộc chiến giứa Chế Bồng Nga và Đại Việt. Huyền diệu thay chàng xuyên thời gian đến nước Chiêm Thành vào đúng giai đoạn lịch sử sau cuộc nội chiến giữa Chế Mỗ và vua Trà Hòa. Theo như sử sách thì lúc này Chế Bồng Nga đang còn lẫn trốn, phải năm, sáu năm sau hắn mới lên làm vua. Bởi vậy vừa trông thấy dáng điệu anh tuấn và việc phi ngựa như đào tẩu của hai người kia, chàng đã liên tưởng đến cuộc trốn chạy của Chế Bồng Nga ngay. Chàng khẽ cười thầm vì tính hay tưởng tượng viễn vông của mình.
Xế chiều hôm đó Trần Lai và Mị Cơ đến thị Trấn Thu Xà. Nàng bán hết tất cả nữ trang để mua cho mỗi người một bộ quần áo mới, và hai con ngựa. Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách điếm, sáng hôm sau, cả hai cùng ra roi giục ngựa nhắm Bến tam Thương mà phóng đi.
 
(còn tiếp)

Mộng Hồi Champa (Kỳ 3)

 


(tiếp theo)
 
3
Trần Lai hai tay bị trói giật ra sau, im lặng bước gữa hai tên lính Chiêm. Cả ba sắp hàng một đi lên chiếc du thuyền đầu tiên. Tên đội trưởng đi trước, hông đeo thanh kiếm dài, nét mặt gân guốc, bậm trợn. Tên đi sau, chốc chốc lại dùng cán cây giáo thúc vào lưng chàng, giục đi nhanh hơn. Trên boong, đèn đuốc sáng choang. Bốn tên lính người Chăm sắc phục xanh đỏ tay cầm giáo nhọn đứng thành hàng dọc bên mỗi be thuyền như đang mở công đường xử án. Mị Cơ mặc áo lụa đỏ, thắt lưng vàng, ngoài khoác áo choàng nỉ màu đen viền lông thú xám. Trên đầu đội phượng quan bằng bạc đính kim cương lấp lánh. Trông dáng vẻ trầm trọng như một nữ quan tòa. Nàng ngồi trên cái kỷ gỗ rộng nơi lầu thuyền. Hai bên là hai ả thị nữ thân cận.
Tên cai đội đi đến cách lầu thuyền chừng năm thước thì dừng lại. hắn thi lễ và báo cáo điều gì đó với Mị Cơ bằng thứ ngôn ngữ của người Chăm. Trần Lai đứng nghe họ nói chuyện một cách lơ đãng vì có chú ý cũng chẳng hiểu mô tê gì. Đột nhiên, gã đội trưởng quay lại nhìn chàng, quát lớn. Trần Lai tuy có tai nghe mà cũng như điếc, không hiểu hắn nói chi nên cứ đứng trơ trơ như trời trồng tại chỗ. Thấy thế, tên cai đội giận tím mặt, lại quát lên một tràng ba lý ba tú. Lần này, Trần Lai cũng không hề nhúc nhích. Sự bất đồng ngôn ngữ đôi khi cũng có cái hay. Tên cai đội vì muốn nịnh chủ nhân và ra oai với chàng nên ra lệnh cho Trần Lai phải quỳ mọp xuống tham kiến Mị Cơ. Nhưng do không hiểu được tiếng Chăm nên chàng cứ đứng yên bất động. Việc này vô tình đã khiến cho Mị Cơ có ấn tượng tốt với chàng. Nàng ngỡ rằng chàng là người can đảm, uy vũ bất năng khuất, đáng mặt nam nhi. Vốn là người tập võ nghệ nên Mị Cơ rất ghét kẻ mềm yếu, nhu nhược. Chính nàng cũng là một nữ lưu cương cường. Giữa lúc Trần Lai còn đang lơ ngơ láo ngáo thì tên lính phía sau đá mạnh vào khủy chân chàng. Trần Lai khuỵu người xuống, nhưng rồi bật đứng dậy ngay. Đến lúc này, Mị Cơ mới thong thả lên tiếng. Nàng nói câu gì đó với tên cai đội, rồi khoát tay làm hiệu cho tên lính áp giải lui ra sau lái thuyền.
Mị Cơ nhìn thẳng vào nắt của Trần Lai hỏi chàng bằng tiếng Việt, giọng thổ âm Thuận Hóa:
- Ngươi là ai? Làm gì ở nơi đây?
Trần Lai há hốc mồm kinh ngạc. Chàng không ngờ cô nương trẻ tuổi, xinh đẹp, ăn mặc kỳ dị như trong phim ảnh này lại biết nói tiếng Việt. Chàng hiểu rằng mình đang lạc loài đến một đất nước xa lạ nào đó. Chỉ tiếc rằng chàng chưa đủ kiến văn để hiểu ra mình đã trôi dạt đến nơi nào. Với trí óc nhạy bén của mình chàng biết nhóm người trên thuyền này không cùng chủng tộc với mình. Điều làm chàng bất ngờ là họ thông thạo tiếng Việt.
Quả thật cả ngày hôm nay Trần lai đã chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện lạ lẫm. Từ cái vầng hào quang huyền bí phát ra nơi lá bùa hộ mạng của chàng, cho đến việc chàng đằng vân giá vũ đến được nơi đây. Đã mấy lần chàng tự hỏi: Không biết mình đang ở nơi đâu? Những người này là ai? Có phải họ là một nhóm dân tộc thiểu số? Nhưng sao họ lại đi trên những con thuyền trông có vẻ kỳ bí, chẳng giống loại tàu thuyền của thế kỷ hai mươi như thế kia? Thật may cho chàng cuối cùng cũng có người biết nói tiếng Việt.
Quá bất ngờ, quá vui sướng Trần Lai líu cả lưỡi, cứng cả họng; mặt mũi chàng hiện rõ nỗi hân hoan. Trần Lai có biết đâu gần năm chục năm về trước, kể từ khi Quốc vương Chế Mân lập Huyền Trân công chúa làm Hoàng hậu, con cháu các vương tôn quý tộc Chiêm Thành đều đua nhau học tiếng nước Đại Việt. Thứ nhất là để thắt chặt tình giao hảo. Thứ hai là để dễ dàng thấu hiểu phong tục tập quán của nhau. Tuy rằng sau khi vua Chế Mân qua đời, Đại Việt dùng mưu đưa công chúa Huyền Trân quay về cố quốc, gây bất hòa cho hai dân tộc, nhưng nước Chăm-pa vẫn có nhiều người học tiếng Việt với mục đích ‘biết người biết ta trăm trận trăm thắng’ để tìm cách rửa mối hờn kia.
Mị Cơ không bỏ qua bất kỳ biến đổi nào trên sắc mặt hay cử chỉ của Trần Lai. Nàng cất tiếng cười khanh khách. Dứt tràng cười dài như tiếng ngọc trai rơi, nàng nói:
- Ta biết tỏng, ngươi chính là một tên do thám của Đại Việt. Đúng không?
Trần Lai cảm thấy bên tai lùng bùng như có ai đang đánh trống ngũ liên. Bụng dạ chàng hoang mang, lo lắng. Chàng tự nhủ thầm không biết nàng kia đùa giỡn kiểu gì, hay là nàng ta bị khùng? Sao lại bảo chàng là người Đại Việt mà không nói là người Việt Nam? Chẳng lẽ ta đã xuyên không vượt thời gian về những thế kỷ trước, khi Việt nam còn gọi là Đại Việt? Tuy nghĩ thế nhưng chàng cũng trả lời rành rọt.
- Cô nói đúng một nửa. Tôi là người Việt Nam. Nhưng tôi đến đây vì tình cờ ngẫu nhiên chứ không phải để do thám!
Mị Cơ lại cười vang.
- Ngươi cũng khá thú vị đấy! Ăn nói rất khôi hài! Từ trước đến nay ta chỉ nghe người ta nhắc đến nước Đại Việt hay còn gọi là An Nam chứ chưa từng nghe quốc hiệu Việt Nam bao giờ. Ngươi cũng khéo bịa chuyện lắm! Ta cho thêm ngươi một cơ hội nữa. Hãy khai rõ họ tên và lý do xâm nhập vương quốc Chăm-pa.
Trần Lai thoáng nghe qua bỗng giật mình, thầm nghĩ: “Đúng là ta đã xuyên thời gian về qua khứ rồi! Nhưng bây giờ là triều đại nào của Chiêm Thành nhỉ?
- Tôi tên Trần Lai, người phủ Tư Nghĩa. Bởi quê nhà tôi chiến tranh tàn phá thê lương nên mới lưu lạc đến đây chứ tôi chẳng phải đến để làm mật thám. – Ngừng lại một lát, Trần Lai đánh bạo hỏi:
- Thưa cô nương, mong cô cho biết Chăm-pa hiện nay là triều đại nào?
- Lại giả đò ngốc! Nhưng thôi, để ta nói cho ngươi nghe. Ngươi đang ở trên vùng đất Cổ Lũy Động thuộc lãnh thổ của Vương quốc Chăm-pa. Người đang trị vì đất nước hùng mạnh này là minh chúa Trà Hòa Quốc vương . Nghe rõ chưa?
Trần Lai nghe Mị Cơ nói một hồi, đầu óc chàng choáng váng, chân đứng không vững, cơ hồ muốn té xỉu. Lúc này, chàng chắc chắn trăm phần trăm là mình đã xuyên không về đất nước Chiêm Thành thời hậu bán thế kỷ 14 rồi. Trước kia học quốc sử chàng được biết giai đoạn này người Chăm-pa oán thù nước Đại Việt ngút trời. Dù trên đất Chăm-pa lúc ấy cũng có nhiều người Đại Việt sinh sống. Vì trước kia hai nước qua lại thân thiết nên nhiều người Việt đã lập gia đình với người Chăm. Đa phần họ nói được cả hai thứ tiếng. Còn chàng ở đây không ai thân thích, một chữ Chăm bẻ đôi cũng không biết thì làm sao tránh được sự nghi kỵ.
Trong lúc đầu óc Trần Lai suy nghĩ miên man thì Mị Cơ ngẩng mặt nhìn vầng trăng đang sáng vằng vặc trên trời không, trầm ngâm một lát rồi nàng quay lại ngó thẳng vào mặt chàng, nghiêm giọng phán:
- Tạm thời ta tha tội chết cho ngươi!
Nói xong nàng gọi bọn lính hầu:
- Người đâu, đem hắn nhốt dưới hầm tàu. Ngày mai về đến thành Châu Sa sẽ tiếp tục thẩm vấn.
Ra lệnh xong nàng đứng dậy rời lầu thuyền.
 
Tên lính đẩy Trần Lai vào khung cửa cầu thang bước xuống tầng hầm. Họ đi vào một hành lang hẹp. Ánh sang leo lắt từ mấy ngọn bạch lạp treo trên trần chỉ đủ soi lờ mờ lối đi. Trần Lai bước thong thả. Trong đầu chàng, ý định chạy trốn bỗng nảy sinh. Nếu như lúc này chàng xoay người lại tung một đòn Kim kê cước thì chắc hạ gục được tên lính áp giải này. Nhưng chàng lại nghĩ không biết những căn phòng cửa đóng im ỉm kia có người không? Ngộ nhỡ có bọn lính ở trong ấy, nghe tiếng động, chúng ùa ra bắt lại thì mắc công toi. Hơn nữa bứt dây động rừng, e sẽ khó có cơ hội tẩu thoát về sau. Tính toán thiệt hơn chàng quyết định chờ dịp thuận tiện mới ra tay. Nghĩ vậy chàng cứ im lặng, lầm lũi bước. Đến trước một căn phòng ở mé cuối hành lang, tên lính xô Trần Lai sang một bên. Hắn bước tới trước, móc xâu chìa khóa dắt chỗ thắt lưng, loay hoay lựa một chiếc mở cửa. Đúng lúc hắn đang sơ ý, chẳng đề phòng; Trần Lai khẽ nhấc chân phải tiến lên một bước. Ngay lập tức chàng sử dụng sức sức lực nửa thân trên, lấy đà đập mạnh đầu mình vào gáy đối phương. Tên lính chẳng kêu lên được tiếng nào, gục ngay xuống dưới chân chàng. Trần Lai đưa chân hất hắn sang bên. Một thanh mã tấu, ánh thép lên nước sáng trưng lòi ra bên hông . Dưới ánh sáng chập chờn của đèn nến, chàng cẩn thận hất thanh mã tấu ra chỗ trống. Giờ đây chỉ có nó là có thể giúp được chàng trốn thoát ra khỏi chỗ này. Trần Lai ngồi quỳ xuống, xoay người lại, hai bàn tay chậm chạp, sờ soạng nắm lấy cái cán mã tấu. Chàng kẹp nó vào giữa hai cẳng chân. Đưa hai tay đang bị trói từ từ chậm rãi khứa sợi dây thừng lên bề lưỡi sắc ngọt. Chỉ một lát sau, sợi dây trói đã đứt. Chàng được tự do hoàn toàn. Trần lai vội cởi chiếc áo của tên lính Chăm mặc vào người mình. Xong chàng mở cửa căn phòng tống cái xác vào và khóa trái lại.
Trần lai xách mã tấu, quay người đi về phía cầu thang lên boong. Vừa đến chân cầu thang, chàng đã nghe tiếng gươm giáo va vào nhau chát chúa. Tiếng la hét ì xèo. Chàng hít một hơi thở thật sâu tự trấn tĩnh tinh thần. Trần Lai cẩn thận ló đầu lên trên boong quan sát tình hình. Đèn đuốc trên những chiếc thuyền đã tắt ngấm. Dưới ánh sáng trăng bàng bạc chàng nhìn thấy bọn lính trên thuyền đang chiến đấu kịch liệt với một đám người mặc toàn đồ đen. Bọn này trông rất hung hãn cứ lăn xả vào những người trên thuyền gặp ai cũng đâm chém. Đao quang lấp loáng. Tiếng người rú lên thảm thiết. Tiếng kêu khóc rên la vang động cả một khúc sông. Bọn người áo đen quân số rất đông. Chúng đã chiếm được thế thượng phong. Tuy chiến đấu dũng mãnh nhưng số binh trên thuyên quá ít nên dần dần bị cô lập thành từng nhóm nhỏ. Nhiều kẻ đã bỏ mạng. Máu chảy thây rơi nhầy nhụa khắp sàn thuyền. Đột nhiên, chàng nghe có tiếng kêu cầu cứu thất thanh của một cô gái trên con thuyền kế bên. Không suy nghĩ gì, Trần Lai vội vàng nhảy vọt lên trên boong. Thoáng thấy một bóng áo đen cầm đao nhào tới nhằm đầu chàng mà chém; Trần Lai vội nghiêng người né tránh. Thuận đà chàng đưa ngay lưỡi mã tấu vào cổ tên kia. Hắn rú lên một tiếng thê lương. Một vòi máu từ cổ vọt ra suýt chút nữa thì bắn ngay vào mặt chàng. Trần Lai chạy băng băng qua sàn thuyền. Chàng lấy đà nhảy vọt sang chiếc thuyền đậu giữa. Nơi cửa lầu thuyền chàng nhìn thấy hai cô gái đang múa kiếm chống trả lại với bốn tên đại hán áo đen. Chàng nhận ra đó là Mị Cơ và một cô tỳ nữ. Bên be thuyền xác cô nữ tỳ thứ hai đang nằm trong vũng máu. Trần Lai còn chưa kịp đến gần họ thì Mị Cơ đã bị một tên đại hán sử dụng đại đao đánh văng lưỡi kiếm trong tay. Lúc này nàng chỉ còn dùng những chiêu quyền cước để chống cự. Trần Lai hú lên một tiếng, vọt người lăng không chém vào đầu tên đại hán nọ. Nghe tiếng gió rít, đang tấn công Mị Cơ, đại hán vội xoay người một vòng xuống tấn, hai tay nâng thanh đại đao đưa lên đỡ. Một tiếng “Choang” vang lên nhức óc khi hai món vũ khí va vao nhau. Cánh tay Trần Lai tê rần. Thanh mã tấu rung lên bần bật. Cô tỳ nữ thứ hai vừa lúc đó cũng bị gục ngã bởi một mũi trường thương. Mị cơ mấy lần bị đâm sướt qua da thịt, nhưng nàng quyết tử chiến. Trần Lai thấy thế liền bỏ tên đại hán nọ, lao tới chém bừa vào ba tên kia. Thấy chàng quá dũng mãnh cả ba tên này lùi về một bước. Chớp lấy thời cơ vòng vây quanh nới rộng, Trần lai múa tít cây mã tấu như gió táp mưa sa, tạo nên một vòng ngân quang bao bọc lấy thân hình, rồi bất thình lình chàng hét lên một tiếng, nhảy vọt lại bên cạnh Mị Cơ. Chàng tức tốc quàng tay ôm ngang eo nàng, tiến ra be thuyền nhanh như tia chớp, và nhảy ngay xuống nước. Bốn tên áo đen cùng lúc nhào tới nhưng đã muộn. Họ chỉ nhìn thấy một cột nước vọt lên cao.
Lúc này trận chiến đấu trên những con thuyền khác cũng đã kết thúc. Bọn người áo đen chừng hai ba chục tên chia nhau cướp lấy của cải, quần áo, nữ trang… trên ba chiếc du thuyền. Chúng la hét, nói cười, và rượt bắt những cô gái còn sống sót đưa lên những chiếc thuyền nhỏ của chúng. Cả bọn hối hả chèo về hướng tây. Trước khi bỏ đi bọn cướp cũng không quên phóng hỏa đốt ba chiếc du thuyền. Chẳng mấy chốc ngọn lửa bốc cao rừng rực, đỏ ối cả một khúc sông.
 
(còn tiếp)

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

Vè P.R Thơ

Tú Điếc


 
Tôi van tôi chớ in thơ
Để rồi đứng ngóng ngồi chờ người mua
Nài người như cá chợ trưa
Như hoa sau Tết như dưa quá già
Van ông rồi lại van bà
Mua thơ tôi nhé về nhà đọc chơi
Có bướm trắng, có hoa tươi
Có bi có hận có cười có rên
Nhưng mà... chẳng có, tất nhiên
Là thứ chính trị, chính em vô hồn
Thơ tôi có đủ vần ôn
Vần a vần á lại còn vần o
Bà con cô bác mại dzô
Không mua bị chửi chỉ lo làm giàu
Chẳng mua sách, chẳng mua thơ
Thiếu văn hoá đọc thì hay ho gì
Mại dzô hãy mại dzô đi
Đọc thơ toi ắt tức thì thành tiên.
 
10/5/2024

Gửi Nàng Bán Thơ

 Trần Đức Phổ


 
Nàng bảo rằng: Em sẽ gánh thơ
Của chàng đi bán cõi trời mơ
Ôi chao! Nếu được làm thi sĩ
Tôi viết ngàn câu để hẹn hò
 
Nàng sẽ không là cô hái mơ
Của chàng Nguyễn Bính rất thờ ơ
Bỏ đi không đáp lời thi sĩ
Để lá mơ rơi mãi đến giờ
 
Tôi ước thi tài như như Nguyễn Du
Viết nên giai phẩm thật là thơ
Cho nàng gánh bán ngàn sau nữa
Câu chuyện hoang đường của mộng mơ.
 
10/5/2024

Ta Về Nhặt Lá Vương Trên Tóc

Trần Đức Phổ


 
Ta làm thơ, chẳng là thi sĩ,
Thiếu những dòng lãng mạn, tài hoa
Em chưa phải là người tri kỷ
Đã dành lòng đọc áng thơ ta
 
Trăng kia sáng dế mèn rỉ rả
Hoa nọ thơm xuân nắng ngọt ngào
Gió rung cây say màu sắc lá
Ta sầu tư bởi mắt hoa đào 
 
Những Hoàng thị, Mộng Cầm một thuở
Rất xa xăm cứ tưởng thật gần
Bâng khuâng đọc từng dòng thơ cũ
Bên nhà thơ có bóng giai nhân
 
Em sẽ chờ ta nơi gốc liễu
Khi mùa thu tới lá vàng bay?
Ta về nhặt lá vương trên tóc,
Và ngắm nụ cười đá cũng say.
 
11/5/2024

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Xin Lỗi Là Xong?

Tú Điếc

Ông chánh họ Mai quê xứ Nam
Nởi danh nhờ khéo phát ngôn xàm
Quan quyền phạm pháp thì xin lỗi
Dân chúng làm sai cứ bắt giam
Vừa mới chân lê vào ngục đá
Bởi xưa tay trót nhúng lu chàm
Khen ông đã giỏi tài tiên liệu,
Xin lỗi được không với bác Lâm?

4/5/2024





Vịnh Cái Ấy

Tú Điếc



Người bảo rằng ngao, kẻ bảo trai
Truyền tông lưu giống nhiệm mầu thay
Lá tre lá mít đều kỳ diệu
Môi kép môi đơn cũng tuyệt hay
Chữ nghĩa bề bề quan hóa ngốc
Súng gươm lẫm lẫm tướng thành ngây
Càn khôn dưới rốn chừng gang thẳng
Sướng khổ vui buồn khởi tự đây!

Sướng khổ vui buồn khởi tự đây!
Khiến cho điên đảo đám râu mày
Lơ thơ mép cỏ nhìn vui mắt
Nhẵn nhụi đường băng chạm mát tay
Kim cổ ngợi ca điều đức hạnh
Đông tây thờ phụng chốn đền đài
Dương gian đệ nhất thần vưu vật
Người bảo rằng ngao, kẻ bảo trai.

6/5/22024

Ngoáy Tai

 Ngoáy tai chẳng ngoáy lỗ... ghèn
Làm sao rõ mặt trắng đen... sự đời!


 

Ngẫu Hứng

 Mỹ nhân tự kỷ bên mành trúc
Ta kẻ giang hồ chợt xót thân!


 

Làm Giàu Sư Sãi

 Điếc

Phật tử con nhang thích cúng dường
Để cho sư sãi sống giàu sang
Tâm còn chẳng ngộ đời mê muội
Vọng tưởng làm chi chốn Niết bàn?
 

 

Vịnh Con Cún

 Trần Bảo Kim Thư



 

Thú cưng thân thiết cuộc đời ta
Trọng nghĩa chung tình đệ nhất đa
Tai thính canh chừng quân trộm cắp
Mắt tinh nhận biết đứa gian tà
Nắng mưa chẳng ngại theo chân chủ
Sớm tối nào quên giữ cửa nhà
Son sắt trung thành càng tỏ rõ
Khi người chìu chuộng chẳng lìa xa.
 
9/5/2024

Vịnh Con Mèo

 Trần Đức Phổ



 Sư tử đồng bằng há phải chơi
Giống nòi nhà chuột gặp tiêu đời
Dáng trèo uyển chuyển như rồng lượn
Cách toạ uy nghi tựa hổ ngồi
Lắm lúc hiền lành nai lạc chợ
Nhiều khi kiên nhẫn cáo săn mồi
Điệu đà y thể hồ ly nữ
Ngọc thố mỹ miều cỡ vậy thôi!

Bát thú

8/5/2024

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Champa (Kỳ 2)

(tiếp theo kỳ 1)

 

2
Một đoàn thuyền buồm gồm ba chiếc thuận theo dòng nước triều lên lướt đi băng băng nơi vàm sông Trà Khúc. Trên mui chiếc du thuyền đi đầu có cắm lá cờ hiệu nền đỏ chính giữa có thêu chữ Hầu màu vàng kim. Hai bên mạn thuyền mười vệ sĩ thân hình lực lưỡng, đầu trần, mình quấn xà rông sắc chàm cầm giáo đứng nghiêm trang như những pho tượng. Chiếc thuyền thứ hai rèm buông kín mít. Từ trong khoang thuyền, tiếng đàn tiếng sáo du dương, trầm bổng vọng ra. Chiếc thứ ba nhỏ hơn hai chiếc chạy phía trước, trên boong thoáng thấy mấy cô gái quấn xà rông trắng từ đầu tới chân, chỉ chừa ra khuôn mặt, ngồi thơ thẩn hai bên mạn thuyền ngắm trời mây. Đoàn thuyền xuất phát từ thành Cổ Lũy ngược dòng sông Trà nhắm hướng tây trực chỉ.
Đấy là đoàn thuyền du ngoan của tiểu thơ Trà Mị Cơ, con gái Tín Nhân Hầu Trà Sơn, cháu gọi quốc vương Chiêm Thành bằng bác họ. Phụ thân nàng hiện đang trấn thủ thành Cổ Lũy. Ông là người tín cẩn của Chiêm vương Trà Hòa, giỏi dùng thủy chiến nên được giao trấn thủ khu vực bờ biển đông bắc nước Chăm-pa phòng ngừa thủy binh Đại Việt. Nàng Mị Cơ là cô con gái út của hầu gia. Tính nàng vốn ưa đi đây đó, nhìn ngắm phong cảnh non xanh nước biếc chứ không thích ru rú chốn phòng the. Từ nhỏ nàng đã ham luyện tập cỡi ngựa bắn cung chứ không tập tành thêu thùa, may vá. Lần này nhân sinh nhật mười sáu tuổi, nàng xin phép song thân về thành Châu Sa để viếng thăm người cô ruột. Đấy cũng là chỉ là cái cớ để có dịp đi ra ngoài. Vốn tính chìu con nên vợ chồng hầu gia cũng không cản ngăn, chỉ sai một đội thân binh mười người đi theo để bảo vệ. Đoàn du thuyền xuất phát từ sáng sơm, nếu không có gì trở ngại thì xế chiều hôm ấy sẽ đến thành Châu Sa. Lúc này, ba chiếc thuyền vừa ra khỏi Cổ Lũy đầm chừng vài dặm, Mị Cơ đã truyền lệnh cho chạy chậm lại. Nàng muốn nhân dịp này ngao du sơn thủy cho thỏa thích.
Ban lệnh xong, nàng đi lên lầu thuyền. Hai thiếu nữ hầu cận nhè nhàng rảo bước theo sau. Ánh nắng ban mai tràn ngập khắp nơi. Gió sớm thổi mát rượi. Từng bầy chim sơn ca từ những tấm thảm lúa xanh mướt như nhung dọc hai bên bờ sông chốc chốc vụt bay lên, cất tiếng hót líu lo, rộn ràng như vừa được tự do. Mị Cơ nhoẻn một nụ cười tươi như đóa hồng mới nở, đưa hai tay lên cao làm một động tác thể dục. Rồi buột miệng reo:
-Ôi, thật là thoải mái!
Một cô hầu gái nhanh nhảu phụ họa:
- Cảnh đẹp quá, tiểu thư nhỉ!
Mị Cơ nhún vai:
- Còn phải nói!
Cô hầu ngượng ngnịu như vừa nói sai điều gì, vội cúi mặt đứng im thin thít. Mị Cơ thấy vậy cất tiếng cười giòn tan như pha lê, phát nhẹ một chưởng lên vai cô thị nữ.
- Ngươi nói đúng mà!
Mị Cơ mình mặc chiếc áo dài bằng lụa Tô Châu màu xanh lục, điểm xuyết hoa văn phong lan trên thân áo, cổ tay áo viền kim tuyến. Tóc tết thành bím, quấn quanh đầu không trùm khăn mà chỉ cài chiếc trâm vàng chuôi có đính hồng bảo thạch và chuỗi ngọc trai ngắn. Hai tai đeo hai vòng vàng to như miệng chén. Gương mặt thanh tú. Thân hình cân đối. Ba vòng chuẩn mực. Nói chung trông nàng cũng khá xinh đẹp.
Mặt trời dần dần lên cao. Đoàn thuyền qua khỏi cánh đồng lúa. Đến đoạn này con sông bắt đầu thu hẹp bề ngang, chạy len lỏi quanh co giữa những quả đồi thấp mọc đầy cỏ tranh và những lùm bui. Một vài nơi lại thấy có khu rừng cây thưa thớt. Ba con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng trên dòng nước trong xanh. Tiếng đàn cầm lại vang lên, thánh thót, ngân nga nỗi niềm hoài cổ.
Đến trưa, họ dừng lại nghỉ ngơi ở một cù lao nhỏ có nhiều bóng cây cổ thụ. Ăn uống xong, Mị Cơ và hai cô tỳ nữ bước xuống thuyền đi vào rừng. Họ vừa đi được một lúc, anh đội trưởng vệ binh biết được, vội vã đuổi theo. Ba cô gái men theo con suối nhỏ, thích thú hái những bông hoa dại đủ màu sắc. Mấy chú bướm vàng, bướm xanh lượn lờ bên váy áo các nàng. Cả ba cởi giày, xắn váy lội ra giữa dòng suối cạn. Dòng nước trong rách chảy qua các mỏm đá. Một vài bầy cá nhỏ tung tăng lội trước chân họ. Họ buông váy dùng hai tay để vớt. Đã không bắt được cá mà váy áo ướt mèm. Họ tạt nước vào nhau và cười vui như tiếng suối reo. Cảnh tượng chẳng khác gì bồng lai tiên cảnh mà họ chính là những nàng tiên. Đang chơi đùa vui vẻ thì bỗng dưng cuồng phong nổi lên ào ào. Cây cành kêu răng rắc. Phút chốc mây đen kéo đến mù mịt, phủ kín bầu trời. Cả bọn hớt hải chạy nhanh về thuyền. Họ chui ngay vào khoang, đóng sập cửa lại. Phía trời tây một tia chớp lóe lên sáng lòa như xé toạc cả bầu trời. Rồi một tiếng nổ đinh tai nhức óc nổi lên. Dòng sông bị chấn động mạnh như động đất, khiến toàn thân mỗi người lắc lư theo con thuyền. Nhưng lạ thay, chỉ một thời thần sau trời quang mây tạnh, không có cả một giọt mưa rớt xuống đất.
Đoàn du thuyền kéo neo, tiếp tục hành trình.
 
Hoàng hôn hôm ấy, ba chiếc du thuyền cập vào một hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Trà Khúc. Đảo này có tên là Hòn Ngọc. Chiều dài của nó độ chừng non một dặm, chiều ngang chỗ rộng nhứt chừng vài trăm thước. Từ đây nhìn về hướng tây bắc là núi Thiên Ấn, hướng tây nam là ngọn Thiên Bút. Đấy là hai thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Cổ Lũy Động. Thời bấy giờ đất nước Chiêm Thành nhiều nơi còn bỏ hoang. Người ít nên hòn đảo nhỏ này không có cư dân sinh sống. Thỉnh thoảng mới có vài chiếc ghe thương hồ xuôi ngược từ thành Châu Sa về Cổ Lũy ghé vào nơi đây để nghỉ ngơi hoặc tránh cơn giông tố.
Từ trên chiếc thuyền đi đầu, tám người lính, tay cầm giáo mác bước lên bờ. Họ chia làm hai toán tả hữu riêng biệt tiến sâu vào trong đảo rồi vòng lại thành một cánh cung. Họ đứng cách quãng xa nhau tạo thành một hàng rào bảo vệ từ xa. Tiếp đến, tên đội trưởng và hai tên lính khác bước lên bờ. Một tên lính vai vác mớ cọc tròn, dài như cây sào một đầu vạt nhọn. Hắn vừa đi vừa cắm những cây cọc ấy thành ba hình tròn đồng tâm. Một tên lính khác theo sau dùng búa gỗ nện vào số cọc đó cho thêm phần vững chắc. Xong yên, tên đội trưởng ra hiệu cho một tốp thiếu nữ tay ôm những cuộn vải trắng tinh bươc lên bờ. Hết tốp này đến tốp khác họ thay phiên nhau quấn nhiều vòng vải quanh những cây cọc vừa được đóng. Họ làm việc một cách thuần thục và mau lẹ như đã quen làm từ lâu. Chỉ một loáng trên bãi cát đã hình thành một căn phòng bằng vải kín đáo, với ba lớp vách ngăn biệt lập. Phòng có thiết kế cửa ra vào hẳn hoi. Sau đó tốp thiếu nữ kia lại lên thuyền. Lúc xuống trên đầu mỗi người đều có đội một cái vò bằng sành. Họ múc nước dưới sông và đội lên đặt vào giữa căn phòng vải. Khi mọi thứ đã xong xuôi đâu đó, Mị Cơ và hai cô tỳ nữ cận thân mới bước xuống thuyền. Cả ba tiến về căn phòng tắm dã chiến mới vừa được hoàn thành. Một cô hầu bước lên trước vén bức màn cho Mị Cơ tiến vào. Còn hai cô đều đứng lại phía ngoài canh cửa. Đúng lúc đó tên đội trưởng vệ binh khệ nệ mang rương quần áo tiểu thư đến để bên chân hai cô hầu. Rồi hắn lùi xa vài bước đứng yên chờ lệnh gọi.
Mặt trời đã chui tọt xuống dãy núi đen sẫm ở phía tây từ lúc nào. Ngôi Sao Hôm như con mắt của kẻ tò mò nhấp nháy liên hồi trên cao. Từng con sóng nhẹ nhàng liếm vào bãi cát. Cả toán tùy tùng tập trung tinh thần cao độ, chú ý quan sát, lắng nghe từng động tĩnh xung quanh đề phòng mọi sự bất trắc có thể xảy ra. Suốt cuộc hành trình bây giờ là lúc căng thẳng nhứt. Chỉ sơ hở một chút lỡ có kẻ đột nhập làm càn thì cái đầu bọn chúng khó giữ. Chúng biết chủ nhân chúng muốn gì thì làm nấy. Không ai khuyên can nàng được. Nàng đã thích hưởng thụ lạc thú tắm tiên giữa đất trời thì bọn chúng đều phải răm rắp phục vụ dù biết rằng chuyện bất như ý có thể xảy ra.
Vầng trăng mươi sáu tròn vành vạnh từ từ nhô lên đằng đông. Vầng trăng đẫy đà no nê, căn phồng như một trái cấm đang độ chín vàng ươm. Nàng Mị Cơ trút bỏ xiêm y. Rõ ràng dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Nàng nàng đứng nghiêng người, thong thả múc từng gáo nước dội lên cơ thể tràn trề nhựa sống.
Đêm thanh vắng đến tịch mịch. Bỗng từ bên trong căn phòng dã chiến vang lên tiếng kêu hãi hùng của Mị Cơ:
- Ối trời! Cái gì đây!
Tất cả bọn tùy đều tùng sững sờ. Hai cô nữ tỳ nghe tiếng kêu của chủ nhân cùng giật mình kinh sợ. Một cô vén màn chạy ngay vào, cất giọng run run:
- Chuyện gì vậy tiểu thư?
Tên đội trưởng cũng vội vàng xông lại chỗ cánh cửa, dường như cũng muốn tiến vào trong, nhưng bị cô nữ tỳ đứng ngoài cản lại. Hắn cất tiếng hỏi to:
- Tiểu thư có sao không?
Chỉ nghe tiếng Mị Cơ khóc rấm rức nhưng không trả lời.
 
oOo
 
Lại nói chuyện Trần Lai. Lúc chàng ôm cơ thể phụ thân vào lòng, người ông mềm nhũn, chỉ còn thoi thóp thở thì tâm thần chàng bấn loạn. Đâu óc tê điếng, hầu như mê man không còn ý thức được những chuyện đang xảy ra xung quanh. Bởi vậy khi tên đội viên đội cải cách ruộng đất xóc lưỡi lê đâm chàng, chàng chẳng có phản ứng gì. May mà lá bùa hộ mạng đã kịp thời hiển linh phép mầu cứu chàng thoát chết. Đến lúc tỉnh táo lại, chàng nhận ra mình đang ôm chặt lấy xác phụ thân giữa một vùng ánh sáng lạ chói mắt. Rồi bỗng nhiên cả người chàng và cái xác người cha bay vút lên như pháo thăng thiên. Khi ấy chàng chẳng biết làm gì hơn là nhắm nghiền đôi mắt lại và hai tay ghì chặt cha mình. Chàng nghe tiếng gió rít vù vù bên tai. Độ chừng một canh giờ sau, Trần Lai có cảm giác như bị rơi xuống một bãi cát. Lúc bọn người Mị Cơ nghe tiếng sấm động dữ dội và luồng bạch quang lóe lên trên bầu trời là lúc Trần Lai đang xuyên thời gian, quay ngược về sáu trăm năm trước, đến đất nước Chiêm Thành.
Chàng mở bừng mắt ra nhìn quanh khi tiếng gió rít đã ngừng hẳn. Nơi chàng rơi xuống là một bãi cát trắng bên bờ một dòng sông. Chàng ngạc nhiên vô cùng, chẳng biết làm sao mà mình có thể bay bổng lên như vậy để rồi rơi xuống nơi này. Trần lai đứng dậy đi vòng quanh xem xét khắp nơi. Chẳng có một ai để mà hỏi thăm đây là đâu, cũng không thấy một căn nhà nào. Chàng như một kẻ đang lạc vào cõi mộng du.
Quay trở lại bên xác người cha đang nằm đó. Lòng chàng đau đớn vô biên. Gạt những giọt lệ trên má, chàng đưa tay vuốt mắt người cha thân yêu lần cuối. Chẳng có gì để đào huyệt chàng dùng hai bàn tay không đào một hố nông chôn cất người khuất núi. Nước mắt chàng lại tuôn như mưa vì nghĩ đến cha cả đời sống trong nhung gấm mà nay chết đi không có được một bộ đồ sạch sẽ, lành lặn che thân.
Lúc chôn cất cha vừa xong, bất chợt Trần Lai nhìn thấy một đoàn thuyền từ dưới hạ lưu đang tiến về bãi cát chỗ chàng đang ngồi. Chàng nhìn lại thân mình bất giác kinh hoàng vì trên người chỉ có mặc độc một chiếc quần đùi. Chàng nhớ lại lúc đang tắm nghe gia nhân gọi chàng cầm lấy cái áo thun chạy đến bên cha. Nhưng khi ôm ông, cái áo duy nhất đó chàng đã vất lên bãi cỏ. Nay gặp người lạ với cơ thể trần như nhộng thế này làm sao được. Bãi cát trống hoang, chẳng có nơi nào để ẩn nấp. Trong lúc cấp bách, một tia sáng bỗng lóe lên trong óc chàng. Chàng nhớ lại chuyện công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Thế là chàng liền bắt chước người xưa vùi mình xuống cát, nằm im. Chẳng ngờ cũng giống như chuyện xưa, nàng MỊ Cơ lúc dội nước tắm cũng dội đúng lên người chàng. Bởi vậy nàng mới hét lên khủng khiếp như thế.
 
(còn tiếp)
 

Mộng Hồi Champa (Kỳ 1)

 Truyện ngắn


 

1
Trần Lai là công tử duy nhất của đại điền chủ Trần Hách, người làng Tân Phong, tổng Mộ Đức, phủ Tư Nghĩa. Chàng là đứa con cầu tự của gia đình. Nghe đâu hồi đó ông bà Hách đã đi khắp tất cả chùa chiền trong phủ để khấn vái, cầu xin, và bố thí không biết bao nhiêu là của cải mới sinh hạ được chàng. Năm Trần Lai lên bốn tuổi, một hôm đang chơi với lũ trẻ ở đầu xóm thì tình cờ có một vị đạo sĩ đi ngang qua làng. Trong lúc dừng chân nghỉ mệt dưới gốc cây đa, vị đạo sĩ để ý đến một thằng bé đang chơi đùa với bạn. Thân hình nó bụ bẫm, trắng trẻo, khác xa với mầy đứa kia. Cái đầu to, sau ót có “hòn đá” gồ lên. Đôi mắt phượng long lanh. Hai dái tai hình giọt nước nhuận hồng, tươi sáng. Vị đạo sĩ nọ gật gù, vuốt chòm râu bạc như cước, tiến lại gằn đứa bé, cất tiếng hỏi:
- Cháu tên là gì?
Cậu nhỏ đang nhảy lò cò cùng mấy đứa bạn, đột nhiên thấy có người lạ đến gần hỏi danh tánh mình, liền ngừng chơi, trố mắt nhìn. Lúc đó, một cô gái khoảng mười ba, mười bốn tuổi nãy giờ ngồi dựa lưng vào gốc đa, liền bước ra thưa.
- Dạ thưa, cậu chủ của cháu tên là Lai ạ! – Thì ra cô gái ấy là đầy tớ ở giữ em nhà địa chủ Hách.
- Nhà cậu ấy có ở gần đây không?
- Dạ, ông đi tới ngã ba trước mặt, rẽ trái, tòa nhà thứ hai bên phải đó ạ!
Vị đạo sĩ theo lời cô gái trẻ tìm đến nhà Trần Lai. Trước mặt ông là hai cánh cổng gỗ gụ, to và nặng nhưng coi bộ đã cũ kỹ. Ông đẩy cổng bước vào. Một gia nhân từ gian nhà bên hông chạy băng qua chiếc sân lát gạch chận vị đạo sĩ lại.
- Xin hỏi ông tìm ai?
Vị đạo sĩ dừng bước, hất ngọn phất trần ra sau vai, cười nói:
- Bần đạo ngao du qua vùng này, nhìn thấy tòa trang viện có nhiều vượng khí bốc lên nên muốn ghé vào đàm đạo cùng với chủ nhân đôi điều về phong thủy.
Bấy giờ tên gia nhân mới nhìn kỹ người lạ. Ông ta mình cao bảy thước, bận bộ áo dài màu thiên thanh. Râu tóc trắng xóa, vẻ mặt uy nghi. Tay cầm phất trần cán màu lục. Dáng vẻ rất tiên phong đạo cốt. Tên gia nhân lễ phép thưa:
- Dạ, phiềnngài đứng chờ nơi cổng mái hiên này một lát, để tôi đi bẩm với ông chủ. – Nói xong không đợi cho vị khách đáp lời, hắn tất tả đi vào ngôi nhà phía bên trái. Chừng mười phút sau, tên gia đinh trở ra, hắn chấp hai tay, cúi khom người thưa:
- Bẩm ngài, ông chủ tôi có lời mời quý khách quá bộ vào tệ xá! – Nói rồi hắn quay lưng đi trước dẫn đường. Đạo sĩ thong thả bước theo sau. Đến trước cửa một gian nhà rộng, tên gia nhân bước sang bên, khoanh tay trước bụng, cúi đầu, hướng vào phòng thông báo:
- Bẩm ông, có khách đến thăm ạ!
Một người đàn ông trạc chừng măm mươi tuổi, dáng vẻ quắc thước, đầu chít khăn đen, mình bận áo the in hình chữ phúc, chân mang guốc mộc, bước ra chào khách. Sau những lời khách sáo làm quen, chủ khách dắt nhau đến ngồi trên bộ trường kỷ bằng gỗ mun, khảm xà cừ, chạm trổ lá và hoa cúc. Bấy giờ, một tên gia đinh khác bưng trà nước lên mời khách. Sau một hồi chủ khách đàm đạo có vẻ rất tâm đầu ý hợp, uống cạn thêm tuần trà, vị đạo sĩ thấy rằng cần đi thẳng vào vấn đề, nói rõ ý định của mình cho gia chủ biết.
- Thưa ông, bần đạo tệ danh là Linh Cơ Tử, hiện nay đang tu học pháp môn tại núi Xương Rồng, phía tây phủ Tư Nghĩa. Bữa nay, tình cờ có việc đi ngang qua làng Tân Phong này. Thật may mắn lại được gặp quý công tử ngoài đầu làng. Theo sự hiểu biết của bần đạo công tử là người khí biểu phương phi, cốt cách hơn người. Mới gặp bần đạo đã đem lòng yêu mến. Nếu như ông bà nhà không ngại có thể cho bần đạo biết ngày sinh tháng đẻ của công tử để xủ một quẻ xem đường tương lai, vận số hanh thông của công tử.
Chủ nhà trầm ngâm một lát suy nghĩ. Ông nhớ lại, ngày Trần Lai tròn thôi nôi, ông có nhờ một người thông thạo dịch học, lấy cho con ông một lá số tử vi. Theo đó thì con ông sẽ mắc đại nạn năm mười chín tuổi. Nghe xong ông bán tín bán nghi. Lần này được gặp vị đạo sĩ xem chừng thông thạo dịch số, thấu đáo huyền cơ ông cũng muốn thử xem một quẻ cho thằng con trứng mỏng của mình. Ông kêu gia đinh đem đến một tờ giấy đỏ và bút nghiên, rồi tự tay viết tám chữ đưa cho vị đạo sĩ.
Vị đạo sĩ căn cứ theo sinh thần bát tự tính toán hồi lâu rồi trầm ngâm nói với gia chủ.
- Căn cứ theo những gì bần đạo đã học được thì mạng của cậy bé này có thể sẽ gặp hung hiểm sau lúc mười tám tuổi. Tuy vậy, gặp dữ hóa lành. Và cậu ta rồi sẽ được trải nghiệm qua một cuộc sống mới lạ khác. Nhưng nếu như muốn tránh khổ nạn kia thì cũng có cách. Đó là bước vào con đường tu hành ngay từ hồi thơ dại. Bần đạo tuy bất tài nhưng cũng xin mạn phép nhận cậu ấy làm đồ đệ, dùng hết sở học bình sinh để truyền đạt cho công tử.
Nghe đến đây, chủ nhà giật mình kinh hãi. Con trai ông, đứa con duy nhất của dòng họ ông chẳng lẽ phải xuất gia để tránh tai kiếp? Nếu thế thì dòng họ Trần của ông sẽ tuyệt tự? Nhưng nếu không cho nó đi tu nó sẽ phải gặp tai kiếp? Ông phân vân. Nhưng nghĩ lại dù sao đấy cũng là lời của những thuật sĩ giang hồ, không thể hpàn toàn tin tưởng được. Nghĩ thế cuối cùng ông đứng dậy, xá dài vị đạo sĩ.
- Dạ, chúng tôi rất hân hạnh được quý ngài thương yêu cháu nó. Nhưng gia đình chúng tôi đơn chiếc nhiều đời, nay có được mỗi mụn con hy vọng mai sau được nhờ cậy lúc xế chiều, và giao phó cho nó việc thừa tự hương hỏa nên thứ tội chúng tôi không thể giúp gì được cho ngài.
Biết là không thể thuyết phục được chủ nhà, vị đạo sĩ lấy từ trong cái túi mang theo bên người ra một lá bùa bằng vải màu vàng, có bện sợi dây đeo tơ tằm nhuộm đỏ thắm đưa cho chủ nhà. Ông ta thở dài, nói:
- Thật đáng tiếc. Bần đạo rất có duyên với công tử. Nhưng chưa đủ công đức để thành thầy trò. Vậy bần đạo có vật này tặng cho công tử. Nhớ bảo công tử luôn luôn mang theo trong người, gặp tai họa sẽ hóa lành.
Nói xong, đạo sĩ từ biệt đi ra cửa nhanh như một làn khói. Thoáng chốc chẳng ai còn nhìn thấy ông đâu. Chủ nhà bâng khuâng đưa lá bùa mà đạo sĩ vừa tặng lên xem thì thấy đó là một túi vải hình chữ nhật, bề rộng chừng hai phân rưỡi, bề dài gấp đôi. Hai mặt lá bùa đều có thêu hình bát quái bằng chỉ màu đỏ. Từ trong lá bùa một mùi hương như hoa lan thoang thoảng bay ra, khiến tâm thần ông Hách dần dần thư thái trở lại.
 
Ông Hách chậm rãi bước sang gian nhà giữa, nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Ông sửa lại áo xống. Lấy ba cây nhang đốt lên, rồi quỳ xuống khấn lầm thầm trong miệng. Sau khi vái đủ ba vái, mới đứng dậy cắm nhang lên cái lư hương bằng đồng. Trên cái tủ cao chạm trổ thật tinh vi có hai hàng bài vị. Ông Hách không những phụng thờ phía cha ông, mà cả bên mẹ nữa. Trang viên ông ở hiện nay, xưa kia chính là của ông bà ngoại ông.
Cha Trần Hách tên Trần Tiến, người Quảng Nam. Ngày còn trẻ là một thanh niên thích phiêu bạt giang hồ. Tuy thông thạo Nho học, văn hay chữ tốt nhưng gặp thời buổi nhiễu nhương nên Trần Tiến không ham hố theo đường công danh. Nghe vua Hàm Nghi xuống Chiếu cần vương ông liền gia nhập vào một nhóm nghĩa quân địa phương vùng rừng núi Tiên Phước. Sau khi phong trào bị đánh dẹp, Tiến bỏ quê lẫn trốn vào nam. Sau đó một thời gian nhận thấy tình hình yên ổn ông quay về phủ Tư Nghĩa mở trường dạy học. Chẳng bao lâu tiếng tăm thầy đồ Tiến trẻ măng, đẹp trai, hay chữ nổi danh khắp vùng. Nhiều nhà phú hào có con gái đến tuổi cập kê muốn kết thân với thầy. Nhưng rốt ráo chỉ có mỗi cô con gái rượu Phan viên ngoại là lọt vào mắt xanh của chàng. Sau lễ thành hôn, ông bà Phan bèn giao sản nghiệp gia đình cho cho con gái và chàng rể cai quản để về vui thú điền viên. Nhờ chí thú làm ăn nên càng ngày đôi vợ chồng trẻ càng thêm giàu có. Đến đời Trần Hách, vì có tính ham mê các thú ăn chơi, cờ bạc nên sản nghiệp của gia tộc đã vơi đi phần lớn. Tuy vậy, họ Trần vẫn còn là một phú hộ giàu nức đố, đổ vách trong làng.
Ngay tối hôm đó ông Hách bảo bà vợ lấy lá bùa đạo sĩ đã cho đeo vào cổ con trai. Bà vâng lời chồng làm ngay, lúc đeo không quên dặn con:
- Đây là bùa hộ mạng. Con nhớ đừng bao giờ cởi ra.
Thằng bé tròn xoe mắt hỏi:
- Hộ mạng là sao hở mẹ?
Bà Hách ôn tồn giải thích:
- Hộ mạng có nghĩa là che chở cho con được vui chơi mỗi ngày.
- Vậy thì con không cần đâu. Con có cha mẹ hộ mạng rồi còn gì.
Bà Hách cốc khẽ vào đầu con, mắng yêu:
- Rõ khờ!
Hai năm sau bà Hách bị bệnh nặng qua đời. Ông Hách không tục huyền mà ở vậy nuôi con. Để bù đắp lại sự thiếu thốn tình thương mẫu tử, ông Hách không nuông chìu thằng bé mà trái lại tìm nhiều danh sư cả văn lẫn võ về dạy cho con.
Tháng ngày thấm thoát trôi, mười hai năm sau Trần Lai đã trở thành một thanh niên cao lớn văn võ song toàn. Một buổi chiều mùa hạ, chàng đang tắm ngoài sông cùng mấy đứa bạn thân thì một anh gia đinh hớt hải chạy ra gọi:
- Cậu chủ! Cậu chủ! Về mau, ông chủ bị bắt rồi!
Đang lúc đùa giỡn hăng say, Trần Lai không nghe được tên gia đinh nói gì. Tên đầy tớ thấy vậy phải đưa hai bàn tay lên miệng làm loa gọi to lần thứ ba, chàng mới hối hả bơi vào bờ. Chàng vừa hỏi rối rít vừa vơ vội cái áo đang treo trên cành cây.
- Bây giờ ông ở đâu?... Mà ai bắt?... Tại sao bắt?...
Tên gia đình vừa thở, vừa trả lời từng câu hỏi của chàng.
- Dạ… đang ở ngoài đình… nghe nói đội cải cách ruộng đất bắt… Họ bảo ông là địa chủ ác lắm!
Cả hai người lật đật chạy đi không nói gì với nhau nữa. Khi đến bãi đất trống gần đình họ nhìn thấy đám đông lố nhố ở đấy. Dân chúng đứng vòng trong vòng ngoài. Trần Lai nghe có tiếng nhiều người hò hét:
- Đánh chết chúng đi, đồ địa chủ ác ôn.
- Đánh chết bọn bóc lột, hút máu nông dân.
- Đồ địa chủ gian manh, phản động!
Trần Lai chen đám đông vào sát vòng trong cùng. Ông Hách và vài người nữa bị trói gô cánh khuỷu nằm sóng soài trên đất. Mấy tên thanh niên đầu đội nón cối, tay cột băng đỏ cầm gậy tầm vông vụt liên tiếp vào những người nằm đó. Nhìn thấy cả người ông Hách bê bết máu, đầu ngoẹo sang một bên, Trần Lai liền xông vào, ôm chầm lấy cha. Ngay lúc đó, một báng súng giơ lên phang vào đầu ông Hách liền bị chàng đưa tay gạt phắc qua một bên. Tên kia tức tối quát lên:
- A, mày muốn chết! – Hắn trở đầu súng có gắn lưỡi lê xông tới đâm vào ngực chàng. Đám đông nín thở, theo dõi diễn biến, ai cũng đinh ninh phen này Trần Lai vong mạng. Có kẻ không muốn nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng đó nên nhắm nghiền mắt lại. Khi mũi lê nhọn hoắc sắp chạm vào người Trần Lai thì đột nhiên nó dừng ngay lại. Từ chỗ lá bùa chàng đeo, một vùng sáng lòa hình bát quái bỗng nhiên xuất hiện. Trong tích tắc, mọi vật trên đời như bị đông cứng như băng tảng. Không một ai nhúc nhích được. Vùng sáng kia xẹt một đường như sao băng lên bầu trời, và sau đó tan biến đâu mất. Khi mọi người định thần lại, nhìn kỹ xung quanh thì không còn thấy cha con Trần Lai đâu nữa.
 
(còn tiếp)