Truyện ngắn
1
Trần Lai là công tử duy nhất của đại điền chủ Trần Hách, người làng Tân Phong, tổng Mộ Đức, phủ Tư Nghĩa. Chàng là đứa con cầu tự của gia đình. Nghe đâu hồi đó ông bà Hách đã đi khắp tất cả chùa chiền trong phủ để khấn vái, cầu xin, và bố thí không biết bao nhiêu là của cải mới sinh hạ được chàng. Năm Trần Lai lên bốn tuổi, một hôm đang chơi với lũ trẻ ở đầu xóm thì tình cờ có một vị đạo sĩ đi ngang qua làng. Trong lúc dừng chân nghỉ mệt dưới gốc cây đa, vị đạo sĩ để ý đến một thằng bé đang chơi đùa với bạn. Thân hình nó bụ bẫm, trắng trẻo, khác xa với mấy đứa kia. Cái đầu to, sau ót có “hòn đá” gồ lên. Đôi mắt phượng long lanh. Hai dái tai hình giọt nước nhuận hồng, tươi sáng. Vị đạo sĩ nọ gật gù, vuốt chòm râu bạc như cước, tiến lại gằn đứa bé, cất tiếng hỏi:
- Cháu tên là gì?
Cậu nhỏ đang nhảy lò cò cùng mấy đứa bạn, đột nhiên thấy có người lạ đến gần hỏi danh tánh mình, liền ngừng chơi, trố mắt nhìn. Lúc đó, một cô gái khoảng mười ba, mười bốn tuổi nãy giờ ngồi dựa lưng vào gốc đa, liền bước ra thưa.
- Dạ thưa, cậu chủ của cháu tên là Lai ạ! – Thì ra cô gái là đầy tớ ở giữ em nhà địa chủ Hách.
- Nhà cậu ấy có ở gần đây không?
- Dạ, ông đi tới ngã ba trước mặt, rẽ trái, tòa nhà thứ hai bên phải đó ạ!
Vị đạo sĩ theo lời cô gái trẻ tìm đến nhà Trần Lai. Trước mặt ông là hai cánh cổng gỗ gụ, to và nặng nhưng coi bộ đã cũ kỹ. Ông đẩy cổng bước vào. Một gia nhân từ gian nhà bên hông chạy băng qua chiếc sân lát gạch chận vị đạo sĩ lại.
- Xin hỏi ông tìm ai?
Vị đạo sĩ dừng bước, hất ngọn phất trần ra sau vai, cười nói:
- Bần đạo ngao du qua vùng này, nhìn thấy tòa trang viện có nhiều vượng khí bốc lên nên muốn ghé vào đàm đạo cùng với chủ nhân đôi điều về phong thủy.
Bấy giờ tên gia nhân mới nhìn kỹ người lạ. Ông ta mình cao bảy thước, bận bộ áo dài màu thiên thanh. Râu tóc trắng xóa, vẻ mặt uy nghi. Tay cầm phất trần cán màu lục. Dáng vẻ rất tiên phong đạo cốt. Tên gia nhân lễ phép thưa:
- Dạ, phiền ngài đứng chờ nơi cổng mái hiên này một lát, để tôi đi bẩm với ông chủ. – Nói xong không đợi cho vị khách đáp lời, hắn tất tả đi vào ngôi nhà phía bên trái. Chừng mười phút sau, tên gia đinh trở ra, hắn chấp hai tay, cúi khom người thưa:
- Bẩm ngài, ông chủ tôi có lời mời quý khách quá bộ vào tệ xá! – Nói rồi hắn quay lưng đi trước dẫn đường. Đạo sĩ thong thả bước theo sau. Đến trước cửa một gian nhà rộng, tên gia nhân bước sang bên, khoanh tay trước bụng, cúi đầu, hướng vào phòng thông báo:
- Bẩm ông, có khách đến thăm ạ!
Một người đàn ông trạc chừng măm mươi tuổi, dáng vẻ quắc thước, đầu chít khăn đen, mình bận áo the in hình chữ phúc, chân mang guốc mộc, bước ra chào khách. Sau những lời khách sáo làm quen, chủ khách dắt nhau đến ngồi trên bộ trường kỷ bằng gỗ mun, khảm xà cừ, chạm trổ lá và hoa cúc. Bấy giờ, một tên gia đinh khác bưng trà nước lên mời khách. Sau một hồi chủ khách đàm đạo có vẻ rất tâm đầu ý hợp, uống cạn thêm tuần trà, vị đạo sĩ thấy rằng cần đi thẳng vào vấn đề, nói rõ ý định của mình cho gia chủ biết.
- Thưa ông, bần đạo tệ danh là Linh Cơ Tử, hiện nay đang tu học pháp môn tại núi Xương Rồng, phía tây phủ Tư Nghĩa. Bữa nay, tình cờ có việc đi ngang qua làng Tân Phong này. Thật may mắn lại được gặp quý công tử ngoài đầu làng. Theo sự hiểu biết của bần đạo công tử là người khí biểu phương phi, cốt cách hơn người. Mới gặp bần đạo đã đem lòng yêu mến. Nếu như ông bà nhà không ngại có thể cho bần đạo biết ngày sinh tháng đẻ của công tử để xủ một quẻ xem đường tương lai, vận số hanh thông của công tử.
Chủ nhà trầm ngâm một lát suy nghĩ. Ông nhớ lại, ngày Trần Lai tròn thôi nôi, ông có nhờ một người thông thạo dịch học, lấy cho con ông một lá số tử vi. Theo đó thì con ông sẽ mắc đại nạn năm mười chín tuổi. Nghe xong ông bán tín bán nghi. Lần này được gặp vị đạo sĩ xem chừng thông thạo dịch số, thấu đáo huyền cơ ông cũng muốn thử xem một quẻ cho thằng con trứng mỏng của mình. Ông kêu gia đinh đem đến một tờ giấy đỏ và bút nghiên, rồi tự tay viết tám chữ đưa cho vị đạo sĩ.
Vị đạo sĩ căn cứ theo sinh thần bát tự tính toán hồi lâu rồi trầm ngâm nói với gia chủ.
- Căn cứ theo những gì bần đạo đã học được thì mạng của cậu bé này có thể sẽ gặp hung hiểm sau lúc mười tám tuổi. Tuy vậy, gặp dữ hóa lành. Và cậu ta rồi sẽ được trải nghiệm qua một cuộc sống mới lạ khác. Nhưng nếu như muốn tránh khổ nạn kia thì cũng có cách. Đó là bước vào con đường tu hành ngay từ hồi thơ dại. Bần đạo tuy bất tài nhưng cũng xin mạn phép nhận cậu ấy làm đồ đệ, dùng hết sở học bình sinh để truyền đạt cho công tử.
Nghe đến đây, chủ nhà giật mình kinh hãi. Con trai ông, đứa con duy nhất của dòng họ ông chẳng lẽ phải xuất gia để tránh tai kiếp? Nếu thế thì dòng họ Trần của ông sẽ tuyệt tự? Nhưng nếu không cho nó đi tu nó sẽ phải gặp tai kiếp? Ông phân vân. Nhưng nghĩ lại dù sao đấy cũng là lời của những thuật sĩ giang hồ, không thể hpàn toàn tin tưởng được. Nghĩ thế cuối cùng ông đứng dậy, xá dài vị đạo sĩ.
- Dạ, chúng tôi rất hân hạnh được quý ngài thương yêu cháu nó. Nhưng gia đình chúng tôi đơn chiếc nhiều đời, nay có được mỗi mụn con hy vọng mai sau được nhờ cậy lúc xế chiều, và giao phó cho nó việc thừa tự hương hỏa nên thứ tội chúng tôi không thể giúp gì được cho ngài.
Biết là không thể thuyết phục được chủ nhà, vị đạo sĩ lấy từ trong cái túi mang theo bên người ra một lá bùa bằng vải màu vàng, có bện sợi dây đeo tơ tằm nhuộm đỏ thắm đưa cho chủ nhà. Ông ta thở dài, nói:
- Thật đáng tiếc. Bần đạo rất có duyên với công tử. Nhưng chưa đủ công đức để thành thầy trò. Vậy bần đạo có vật này tặng cho công tử. Nhớ bảo công tử luôn luôn mang theo trong người, gặp tai họa sẽ hóa lành.
Nói xong, đạo sĩ từ biệt đi ra cửa nhanh như một làn khói. Thoáng chốc chẳng ai còn nhìn thấy ông đâu. Chủ nhà bâng khuâng đưa lá bùa mà đạo sĩ vừa tặng lên xem thì thấy đó là một túi vải hình chữ nhật, bề rộng chừng hai phân rưỡi, bề dài gấp đôi. Hai mặt lá bùa đều có thêu hình bát quái bằng chỉ màu đỏ. Từ trong lá bùa một mùi hương như hoa lan thoang thoảng bay ra, khiến tâm thần ông Hách dần dần thư thái trở lại.
Ông Hách chậm rãi bước sang gian nhà giữa, nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Ông sửa lại áo xống. Lấy ba cây nhang đốt lên, rồi quỳ xuống khấn lầm thầm trong miệng. Sau khi vái đủ ba vái, mới đứng dậy cắm nhang lên cái lư hương bằng đồng. Trên cái tủ cao chạm trổ thật tinh vi có hai hàng bài vị. Ông Hách không những phụng thờ phía cha ông, mà cả bên mẹ nữa. Trang viên ông ở hiện nay, xưa kia chính là của ông bà ngoại ông.
Cha Trần Hách tên Trần Tiến, người Quảng Nam. Ngày còn trẻ là một thanh niên thích phiêu bạt giang hồ. Tuy thông thạo Nho học, văn hay chữ tốt nhưng gặp thời buổi nhiễu nhương nên Trần Tiến không ham hố theo đường công danh. Nghe vua Hàm Nghi xuống Chiếu cần vương ông liền gia nhập vào một nhóm nghĩa quân địa phương vùng rừng núi Tiên Phước. Sau khi phong trào bị đánh dẹp, Tiến bỏ quê lẫn trốn vào nam. Sau đó một thời gian nhận thấy tình hình yên ổn ông quay về phủ Tư Nghĩa mở trường dạy học. Chẳng bao lâu tiếng tăm thầy đồ Tiến trẻ măng, đẹp trai, hay chữ nổi danh khắp vùng. Nhiều nhà phú hào có con gái đến tuổi cập kê muốn kết thân với thầy. Nhưng rốt ráo chỉ có mỗi cô con gái rượu Phan viên ngoại là lọt vào mắt xanh của chàng. Sau lễ thành hôn, ông bà Phan bèn giao sản nghiệp gia đình cho con gái và chàng rể cai quản để về vui thú điền viên. Nhờ chí thú làm ăn nên càng ngày đôi vợ chồng trẻ càng thêm giàu có. Đến đời Trần Hách, vì có tính ham mê các thú ăn chơi, cờ bạc nên sản nghiệp của gia tộc đã vơi đi phần lớn. Tuy vậy, họ Trần vẫn còn là một phú hộ giàu nức đố, đổ vách trong làng.
Ngay tối hôm đó ông Hách bảo bà vợ lấy lá bùa đạo sĩ đã cho đeo vào cổ con trai. Bà vâng lời chồng làm ngay, lúc đeo không quên dặn con:
- Đây là bùa hộ mạng. Con nhớ đừng bao giờ cởi ra.
Thằng bé tròn xoe mắt hỏi:
- Hộ mạng là sao hở mẹ?
Bà Hách ôn tồn giải thích:
- Hộ mạng có nghĩa là che chở cho con được vui chơi mỗi ngày.
- Vậy thì con không cần đâu. Con có cha mẹ hộ mạng rồi còn gì.
Bà Hách cốc khẽ vào đầu con, mắng yêu:
- Rõ khờ!
Hai năm sau bà Hách bị bệnh nặng qua đời. Ông Hách không tục huyền mà ở vậy nuôi con. Để bù đắp lại sự thiếu thốn tình thương mẫu tử, ông Hách không nuông chìu thằng bé mà trái lại tìm nhiều danh sư cả văn lẫn võ về dạy cho con.
Tháng ngày thấm thoát trôi, mười hai năm sau Trần Lai đã trở thành một thanh niên cao lớn văn võ song toàn. Một buổi chiều mùa hạ, chàng đang tắm ngoài sông cùng mấy đứa bạn thân thì một anh gia đinh hớt hải chạy ra gọi:
- Cậu chủ! Cậu chủ! Về mau, ông chủ bị bắt rồi!
Đang lúc đùa giỡn hăng say, Trần Lai không nghe được tên gia đinh nói gì. Tên đầy tớ thấy vậy phải đưa hai bàn tay lên miệng làm loa gọi to lần thứ ba, chàng mới hối hả bơi vào bờ. Chàng vừa hỏi rối rít vừa vơ vội cái áo đang treo trên cành cây.
- Bây giờ ông ở đâu?... Mà ai bắt?... Tại sao bắt?...
Tên gia đinh vừa thở, vừa trả lời từng câu hỏi của chàng.
- Dạ… đang ở ngoài đình… nghe nói đội cải cách ruộng đất bắt… Họ bảo ông là địa chủ ác lắm!
Cả hai người lật đật chạy đi không nói gì với nhau nữa. Khi đến bãi đất trống gần đình họ nhìn thấy đám đông lố nhố ở đấy. Dân chúng đứng vòng trong vòng ngoài. Trần Lai nghe có tiếng nhiều người hò hét:
- Đánh chết chúng đi, đồ địa chủ ác ôn.
- Đánh chết bọn bóc lột, hút máu nông dân.
- Đồ địa chủ gian manh, phản động!
Trần Lai chen đám đông vào sát vòng trong cùng. Ông Hách và vài người nữa bị trói gô cánh khuỷu nằm sóng soài trên đất. Mấy tên thanh niên đầu đội nón cối, tay cột băng đỏ cầm gậy tầm vông vụt liên tiếp vào những người nằm đó. Nhìn thấy cả người ông Hách bê bết máu, đầu ngoẹo sang một bên, Trần Lai liền xông vào, ôm chầm lấy cha. Ngay lúc đó, một báng súng giơ lên phang vào đầu ông Hách liền bị chàng đưa tay gạt phắc qua một bên. Tên kia tức tối quát lên:
- A, mày muốn chết! – Hắn trở đầu súng có gắn lưỡi lê xông tới đâm vào ngực chàng.
Đám đông nín thở, theo dõi diễn biến, ai cũng đinh ninh phen này Trần Lai vong mạng. Có kẻ không muốn nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng đó nên nhắm nghiền mắt lại. Khi mũi lê nhọn hoắc sắp chạm vào người Trần Lai thì đột nhiên nó dừng ngay lại. Từ chỗ lá bùa chàng đeo, một vùng sáng lòa hình bát quái bỗng nhiên xuất hiện. Trong tích tắc, mọi vật trên đời như bị đông cứng như băng tảng. Không một ai nhúc nhích được. Vùng sáng kia xẹt một đường như sao băng lên bầu trời, và sau đó tan biến đâu mất. Khi mọi người định thần lại, nhìn kỹ xung quanh thì không còn thấy cha con Trần Lai đâu nữa.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.