(tiếp theo)
3
Trần Lai hai tay bị trói giật ra sau, im lặng bước giữa hai tên lính Chiêm. Cả ba sắp hàng một đi lên chiếc du thuyền đầu tiên. Tên đội trưởng đi trước, hông đeo thanh kiếm dài, nét mặt gân guốc, bậm trợn. Tên đi sau, chốc chốc lại dùng cán cây giáo thúc vào lưng chàng, giục đi nhanh hơn. Trên boong, đèn đuốc sáng choang. Bốn tên lính người Chăm sắc phục xanh đỏ tay cầm giáo nhọn đứng thành hàng dọc bên mỗi be thuyền như đang mở công đường xử án. Mị Cơ mặc áo lụa đỏ, thắt lưng vàng, ngoài khoác áo choàng nỉ màu đen viền lông thú xám. Trên đầu đội phượng quan bằng bạc đính kim cương lấp lánh. Trông dáng vẻ trầm trọng như một nữ quan tòa. Nàng ngồi trên cái kỷ gỗ rộng nơi lầu thuyền. Hai bên là hai ả thị nữ thân cận.
Tên cai đội đi đến cách lầu thuyền chừng năm thước thì dừng lại. hắn thi lễ và báo cáo điều gì đó với Mị Cơ bằng thứ ngôn ngữ của người Chăm. Trần Lai đứng nghe họ nói chuyện một cách lơ đãng vì có chú ý cũng chẳng hiểu mô tê gì. Đột nhiên, gã đội trưởng quay lại nhìn chàng, quát lớn. Trần Lai tuy có tai nghe mà cũng như điếc, không hiểu hắn nói chi nên cứ đứng trơ trơ như trời trồng tại chỗ. Thấy thế, tên cai đội giận tím mặt, lại quát lên một tràng ba lý ba tú. Lần này, Trần Lai cũng không hề nhúc nhích. Sự bất đồng ngôn ngữ đôi khi cũng có cái hay. Tên cai đội vì muốn nịnh chủ nhân và ra oai với chàng nên ra lệnh cho Trần Lai phải quỳ mọp xuống tham kiến Mị Cơ. Nhưng do không hiểu được tiếng Chăm nên chàng cứ đứng yên bất động. Việc này vô tình đã khiến cho Mị Cơ có ấn tượng tốt với chàng. Nàng ngỡ rằng chàng là người can đảm, uy vũ bất năng khuất, đáng mặt nam nhi. Vốn là người tập võ nghệ nên Mị Cơ rất ghét kẻ mềm yếu, nhu nhược. Chính nàng cũng là một nữ lưu cương cường. Giữa lúc Trần Lai còn đang lơ ngơ láo ngáo thì tên lính phía sau đá mạnh vào khủy chân chàng. Trần Lai khuỵu người xuống, nhưng rồi bật đứng dậy ngay. Đến lúc này, Mị Cơ mới thong thả lên tiếng. Nàng nói câu gì đó với tên cai đội, rồi khoát tay làm hiệu cho tên lính áp giải lui ra sau lái thuyền.
Mị Cơ nhìn thẳng vào mắt của Trần Lai hỏi chàng bằng tiếng Việt, giọng thổ âm Thuận Hóa:
- Ngươi là ai? Làm gì ở nơi đây?
Trần Lai há hốc mồm kinh ngạc. Chàng không ngờ cô nương trẻ tuổi, xinh đẹp, ăn mặc kỳ dị như trong phim ảnh này lại biết nói tiếng Việt. Chàng hiểu rằng mình đang lạc loài đến một đất nước xa lạ nào đó. Chỉ tiếc rằng chàng chưa đủ kiến văn để hiểu ra mình đã trôi dạt đến nơi nào. Với trí óc nhạy bén của mình chàng biết nhóm người trên thuyền này không cùng chủng tộc với mình. Điều làm chàng bất ngờ là họ thông thạo tiếng Việt.
Quả thật cả ngày hôm nay Trần lai đã chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện lạ lẫm. Từ cái vầng hào quang huyền bí phát ra nơi lá bùa hộ mạng của chàng, cho đến việc chàng đằng vân giá vũ đến được nơi đây. Đã mấy lần chàng tự hỏi: Không biết mình đang ở nơi đâu? Những người này là ai? Có phải họ là một nhóm dân tộc thiểu số? Nhưng sao họ lại đi trên những con thuyền trông có vẻ kỳ bí, chẳng giống loại tàu thuyền của thế kỷ hai mươi như thế kia? Thật may cho chàng cuối cùng cũng có người biết nói tiếng Việt.
Quá bất ngờ, quá vui sướng Trần Lai líu cả lưỡi, cứng cả họng; mặt mũi chàng hiện rõ nỗi hân hoan. Trần Lai có biết đâu gần năm chục năm về trước, kể từ khi Quốc vương Chế Mân lập Huyền Trân công chúa làm Hoàng hậu, con cháu các vương tôn quý tộc Chiêm Thành đều đua nhau học tiếng nước Đại Việt. Thứ nhất là để thắt chặt tình giao hảo. Thứ hai là để dễ dàng thấu hiểu phong tục tập quán của nhau. Tuy rằng sau khi vua Chế Mân qua đời, Đại Việt dùng mưu đưa công chúa Huyền Trân quay về cố quốc, gây bất hòa cho hai dân tộc, nhưng nước Chăm-pa vẫn có nhiều người học tiếng Việt với mục đích ‘biết người biết ta trăm trận trăm thắng’ để tìm cách rửa mối hờn kia.
Mị Cơ không bỏ qua bất kỳ biến đổi nào trên sắc mặt hay cử chỉ của Trần Lai. Nàng cất tiếng cười khanh khách. Dứt tràng cười dài như tiếng ngọc trai rơi, nàng nói:
- Ta biết tỏng, ngươi chính là một tên do thám của Đại Việt. Đúng không?
Trần Lai cảm thấy bên tai lùng bùng như có ai đang đánh trống ngũ liên. Bụng dạ chàng hoang mang, lo lắng. Chàng tự nhủ thầm không biết nàng kia đùa giỡn kiểu gì, hay là nàng ta bị khùng? Sao lại bảo chàng là người Đại Việt mà không nói là người Việt Nam? Chẳng lẽ ta đã xuyên không vượt thời gian về những thế kỷ trước, khi Việt nam còn gọi là Đại Việt? Tuy nghĩ thế nhưng chàng cũng trả lời rành rọt.
- Cô nói đúng một nửa. Tôi là người Việt Nam. Nhưng tôi đến đây vì tình cờ ngẫu nhiên chứ không phải để do thám!
Mị Cơ lại cười vang.
- Ngươi cũng khá thú vị đấy! Ăn nói rất khôi hài! Từ trước đến nay ta chỉ nghe người ta nhắc đến nước Đại Việt hay còn gọi là An Nam chứ chưa từng nghe quốc hiệu Việt Nam bao giờ. Ngươi cũng khéo bịa chuyện lắm! Ta cho thêm ngươi một cơ hội nữa. Hãy khai rõ họ tên và lý do xâm nhập vương quốc Chăm-pa.
Trần Lai thoáng nghe qua bỗng giật mình, thầm nghĩ: “Đúng là ta đã xuyên thời gian về quá khứ rồi! Nhưng bây giờ là triều đại nào của Chiêm Thành nhỉ?
- Tôi tên Trần Lai, người phủ Tư Nghĩa. Bởi quê nhà tôi chiến tranh tàn phá thê lương nên mới lưu lạc đến đây chứ tôi chẳng phải đến để làm mật thám. – Ngừng lại một lát, Trần Lai đánh bạo hỏi:
- Thưa cô nương, mong cô cho biết Chăm-pa hiện nay là triều đại nào?
- Lại giả đò ngốc! Nhưng thôi, để ta nói cho ngươi nghe. Ngươi đang ở trên vùng đất Cổ Lũy Động thuộc lãnh thổ của Vương quốc Chăm-pa. Người đang trị vì đất nước hùng mạnh này là minh chúa Trà Hòa Quốc vương . Nghe rõ chưa?
Trần Lai nghe Mị Cơ nói một hồi, đầu óc chàng choáng váng, chân đứng không vững, cơ hồ muốn té xỉu. Lúc này, chàng chắc chắn trăm phần trăm là mình đã xuyên không về đất nước Chiêm Thành thời hậu bán thế kỷ 14 rồi. Trước kia học quốc sử chàng được biết giai đoạn này người Chăm-pa oán thù nước Đại Việt ngút trời. Dù trên đất Chăm-pa lúc ấy cũng có nhiều người Đại Việt sinh sống. Vì trước kia hai nước qua lại thân thiết nên nhiều người Việt đã lập gia đình với người Chăm. Đa phần họ nói được cả hai thứ tiếng. Còn chàng ở đây không ai thân thích, một chữ Chăm bẻ đôi cũng không biết thì làm sao tránh được sự nghi kỵ.
Trong lúc đầu óc Trần Lai suy nghĩ miên man thì Mị Cơ ngẩng mặt nhìn vầng trăng đang sáng vằng vặc trên không trung, trầm ngâm một lát rồi nàng quay lại ngó thẳng vào mặt chàng, nghiêm giọng phán:
- Tạm thời ta tha tội chết cho ngươi!
Nói xong nàng gọi bọn lính hầu:
- Người đâu, đem hắn nhốt dưới hầm tàu. Ngày mai về đến thành Châu Sa sẽ tiếp tục thẩm vấn.
Ra lệnh xong nàng đứng dậy rời lầu thuyền.
Tên lính đẩy Trần Lai vào khung cửa cầu thang bước xuống tầng hầm. Họ đi vào một hành lang hẹp. Ánh sáng leo lắt từ mấy ngọn bạch lạp treo trên trần chỉ đủ soi lờ mờ lối đi. Trần Lai bước thong thả. Trong đầu chàng, ý định chạy trốn bỗng nảy sinh. Nếu như lúc này chàng xoay người lại tung một đòn Kim kê cước thì chắc hạ gục được tên lính áp giải này. Nhưng chàng lại nghĩ không biết những căn phòng cửa đóng im ỉm kia có người không? Ngộ nhỡ có bọn lính ở trong ấy, nghe tiếng động, chúng ùa ra bắt lại thì mắc công toi. Hơn nữa bứt dây động rừng, e sẽ khó có cơ hội tẩu thoát về sau. Tính toán thiệt hơn chàng quyết định chờ dịp thuận tiện mới ra tay. Nghĩ vậy chàng cứ im lặng, lầm lũi bước. Đến trước một căn phòng ở mé cuối hành lang, tên lính xô Trần Lai sang một bên. Hắn bước tới trước, móc xâu chìa khóa dắt chỗ thắt lưng, loay hoay lựa một chiếc mở cửa. Đúng lúc hắn đang sơ ý, chẳng đề phòng; Trần Lai khẽ nhấc chân phải tiến lên một bước. Ngay lập tức chàng sử dụng sức lực nửa thân trên, lấy đà đập mạnh đầu mình vào gáy đối phương. Tên lính chẳng kêu lên được tiếng nào, gục ngay xuống dưới chân chàng. Trần Lai đưa chân hất hắn sang bên. Một thanh mã tấu, ánh thép lên nước sáng trưng lòi ra bên hông . Dưới ánh sáng chập chờn của đèn nến, chàng cẩn thận hất thanh mã tấu ra chỗ trống. Giờ đây chỉ có nó là có thể giúp được chàng trốn thoát ra khỏi chỗ này. Trần Lai ngồi quỳ xuống, xoay người lại, hai bàn tay chậm chạp, sờ soạng nắm lấy cái cán mã tấu. Chàng kẹp nó vào giữa hai cẳng chân. Đưa hai tay đang bị trói từ từ chậm rãi khứa sợi dây thừng lên bề lưỡi sắc ngọt. Chỉ một lát sau, sợi dây trói đã đứt. Chàng được tự do hoàn toàn. Trần lai vội cởi chiếc áo của tên lính Chăm mặc vào người mình. Xong chàng mở cửa căn phòng tống cái xác vào và khóa trái lại.
Trần lai xách mã tấu, quay người đi về phía cầu thang lên boong. Vừa đến chân cầu thang, chàng đã nghe tiếng gươm giáo va vào nhau chát chúa. Tiếng la hét ì xèo. Chàng hít một hơi thở thật sâu tự trấn tĩnh tinh thần. Trần Lai cẩn thận ló đầu lên trên boong quan sát tình hình. Đèn đuốc trên những chiếc thuyền đã tắt ngấm. Dưới ánh sáng trăng bàng bạc chàng nhìn thấy bọn lính trên thuyền đang chiến đấu kịch liệt với một đám người mặc toàn đồ đen. Bọn này trông rất hung hãn cứ lăn xả vào những người trên thuyền, gặp ai cũng đâm chém. Đao quang lấp loáng. Tiếng người rú lên thảm thiết. Tiếng kêu khóc rên la vang động cả một khúc sông. Bọn người áo đen quân số rất đông. Chúng đã chiếm được thế thượng phong. Tuy chiến đấu dũng mãnh nhưng số binh lính trên thuyền quá ít nên dần dần bị cô lập thành từng nhóm nhỏ. Nhiều kẻ đã bỏ mạng. Máu chảy thây rơi nhầy nhụa khắp sàn thuyền. Đột nhiên, chàng nghe có tiếng kêu cầu cứu thất thanh của một cô gái trên con thuyền kế bên. Không suy nghĩ gì, Trần Lai vội vàng nhảy vọt lên trên boong. Thoáng thấy một bóng áo đen cầm đao nhào tới nhắm đầu chàng mà chém; Trần Lai vội nghiêng người né tránh. Thuận đà chàng đưa ngay lưỡi mã tấu vào cổ tên kia. Hắn rú lên một tiếng thê lương. Một vòi máu từ cổ hắn vọt ra suýt chút nữa thì bắn ngay vào mặt chàng. Trần Lai chạy băng băng qua sàn thuyền. Chàng lấy đà nhảy vọt sang chiếc thuyền đậu giữa. Nơi cửa lầu thuyền chàng nhìn thấy hai cô gái đang múa kiếm chống trả lại với bốn tên đại hán áo đen. Chàng nhận ra đó là Mị Cơ và một cô tỳ nữ. Bên be thuyền xác cô nữ tỳ thứ hai đang nằm trong vũng máu. Trần Lai còn chưa kịp đến gần họ thì Mị Cơ đã bị một tên đại hán sử dụng đại đao đánh văng lưỡi kiếm trong tay. Lúc này nàng chỉ còn dùng những chiêu quyền cước để chống cự. Trần Lai hú lên một tiếng, vọt người lăng không chém vào đầu tên đại hán nọ. Nghe tiếng gió rít, đang tấn công Mị Cơ, đại hán vội xoay người một vòng xuống tấn, hai tay nâng thanh đại đao đưa lên đỡ. Một tiếng “choang” vang lên nhức óc khi hai món vũ khí va vào nhau. Cánh tay Trần Lai tê rần. Thanh mã tấu rung lên bần bật. Cô tỳ nữ thứ hai vừa lúc đó cũng bị gục ngã bởi một mũi trường thương. Mị cơ mấy lần bị đâm sướt qua da thịt, nhưng nàng quyết tử chiến. Trần Lai thấy thế liền bỏ tên đại hán nọ, lao tới chém bừa vào ba tên kia. Thấy chàng quá dũng mãnh cả ba tên này lùi về một bước. Chớp lấy thời cơ vòng vây nới rộng, Trần lai múa tít cây mã tấu như gió táp mưa sa, tạo nên một vòng ngân quang bao bọc lấy thân, rồi bất thình lình hét lên một tiếng, nhảy vọt lại bên cạnh Mị Cơ. Chàng tức tốc quàng tay ôm ngang eo nàng, tiến ra be thuyền nhanh như tia chớp, và nhảy ngay xuống nước. Bốn tên áo đen cùng lúc nhào tới nhưng đã muộn. Họ chỉ nhìn thấy một cột nước vọt lên cao.
Lúc này trận chiến đấu trên những con thuyền khác cũng đã kết thúc. Bọn người áo đen chừng hai ba chục tên chia nhau cướp lấy của cải, quần áo, nữ trang… trên ba chiếc du thuyền. Chúng la hét, nói cười, và rượt bắt những cô gái còn sống sót đưa lên những chiếc thuyền nhỏ của chúng. Cả bọn hối hả chèo về hướng tây. Trước khi bỏ đi bọn cướp cũng không quên phóng hỏa đốt ba chiếc du thuyền. Chẳng mấy chốc ngọn lửa bốc cao rừng rực, đỏ ối cả một khúc sông.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.