Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Chămpa (Kỳ 5)

 (tiếp theo)


 5

Nửa trưa hôm đó, họ đi đến làng Bình Sơn cách Châu thành chừng năm dặm thì bị chận lại. Phía trước, một toán quan binh cầm giáo mác chận đường. Hỏi ra mới biết trong thôn đang có nạn dịch hoành hành. Nghe nói đã có nhiều người chết. Các lang y ở địa phương bó tay. Đây là một chứng bệnh lạ lần đầu tiên xuất hiện nơi địa phương này. Họ chẳng biết là bệnh gì. Triệu chứng của người mắc phải như bệnh cảm mạo, nhưng ho nhiều, khó thở, và co giật khi lên cơn sốt. Vốn đã từng đọc qua nhiều sách y học Trần Lai cũng am hiểu đôi chút về phép chữa bệnh. Từ nhỏ chàng đã có tâm nguyện giúp đỡ những người khốn khổ, bệnh tật. Nghe nói nơi đây đang bị dịch bệnh, chàng rất muốn góp chút ít sức lực cho dân làng. Chàng biêt mình được chích ngừa cẩn thận từ hồi đi học đủ các thứ bệnh rồi. Vả lại chàng tin tưởng rằng chàng là người của thế kỷ hai mươi trong người chắc đã có sẵn hệ miễn dịch di truyền. Nghĩa là chàng đã được miễn nhiễm với vi trùng thời xa xưa. Nghĩ thế chàng nói ý mình muốn được vào giúp đỡ cho nạn nhân, nhờ Mị Cơ phiên dịch lại. Không ngờ đề nghị của chàng nhanh chóng được quan binh chấp nhận. Thật ra mấy tên quan binh này đang tìm người vào thu gom xác chết cũng như phục vụ thuốc men cho bệnh nhân mà tìm chưa được vì ai ai cũng sợ hãi bỏ trốn. Nay có người tình nguyện thì chúng mừng lắm. Trần Lai bảo Mị Cơ trở về thị trấn Thu Xà đợi chàng, nhưng nàng nhất quyết không chịu.
    Làng Bình Sơn có chừng hai chục mái nhà tranh, nằm án ngữ trên con đường từ Thu Xà đến Bến Tam Thương. Trần Lai bảo Mị Cơ lấy khăn trùm kín mặt chỉ chừa ra đôi mắt. Chàng cũng làm y như thế, rồi cả hai tiến vào trong làng. Cảnh tượng nơi đây thật là thê lương. Tiếng người gào khóc, rên la vọng ra từ những căn nhà mái rạ. Tiếng ho khan nhói cả lồng ngực. Không có tiếng chó sủa gà gáy như những thôn xóm bình thường. Nhà nào cũng có người bệnh. Chỉ năm bảy thanh niên thiếu nữ là vẫn còn khỏe mạnh.
    Trần Lai nhờ Mị Cơ hỏi thăm qua tình hình. Trận dịch lướt qua đây đã được mấy hôm. Quan chức địa phương chỉ biết cách ly phong tỏa cả làng vì các thầy lang đã vô phương cứu chữa. Khi Trần Lai đến họ đã bỏ trốn hết. Xem qua triệu chứng của những người bệnh Trần Lai đoán là họ đã mắc bệnh cúm. Dân chúng trong làng thì cho rằng đây là sự trừng phạt của thần linh nên chỉ biết thắp nhang cúng bái.
    Trần Lai đã có phương án trị bệnh. Chàng nhớ có lần đọc được đâu đó rằng hương thơm cũng có thể khử trùng trong không khí.
Lợi dụng sự tin tưởng vào thần thánh của người địa phương, chàng lập ra một kế hoạch chữa trị cụ thể. Chàng nhờ Mị Cơ cho tập hợp những người còn khỏe mạnh, bảo họ thắp nhang và bày biện hoa thơm khắp nơi để cầu nguyện thầnh linh phù hộ. Chàng cũng nhờ Mị Cơ cùng các cô gái hằng ngày đi tìm các loại hoa dại có mùi thơm mang về trồng quanh vườn nhà. Đặc biệt là loại cây hoa sứ hương thơm nồng nàn. Chàng lại cho những chàng trai vào rừng vạt những cây quế lấy vỏ, phơi khô để làm thuốc. Mỗi ngày ba lần người bệnh đều xông nước lá sả, lá chanh. Chàng bắt chước người Nga dùng tỏi thay trụ sinh để chữa bệnh cúm. Rất may là vùng này nông dân trồng nhiều hành tỏi. Trần Lai biết để trị cho dứt loại cúm này ít nhất cũng mất vài tuần lễ. Chàng đem ý định muốn ở lại đây chữa dứt bệnh cho mọi người rồi mới lên đường với Mị Cơ. Nàng vui vẻ đồng tình với chàng. Họ tìm một căn nhà lá ở cuối thôn chĩ có mỗi một bà cụ già sinh sống để tạm trú. Bà cụ cũng mắc bệnh nhưng không nặng lắm. Có lẽ do nhà bà lẻ loi cách xa xóm giềng. Họ ở đấy vừa tiện săn sóc cho bà, vừa yên tĩnh.
Hằng ngày Trần Lai dành ra hai buổi sáng và chiều để đi thăm bệnh nhân và phục vụ thuốc men. Thời gian còn lại chàng nhờ Mị Cơ dạy cho chàng học tiếng Chăm. Một tuần lễ sau nhiều người bệnh đã khỏe lên dần, không còn cảnh chết chóc nữa. Xóm làng đang từ từ hồi sinh.
Mị Cơ gầy hẳn vì ngày nào cũng chỉ ăn khoai và cháo, Trần Lai trông thấy vậy rất thương cảm. Thế là một hôm chàng chặt tre, làm một cái nôm để ra đồng bắt cá cải thiện bữa ăn. Mị Cơ thấy chàng lúi húi đan vót, đến ngồi gần bên khẽ hỏi:
    - Anh làm cái gì thế?
Trần Lai muốn chọc cho nàng vui, bèn nói đùa.
    - Tôi làm cái lồng càn khôn.
    - Lại ba hoa rồi! … Nhưng dùng nó để làm gì?
    - Chừng nào xong cô sẽ biết.
Chiều hôm đó, cái nôm đã được làm xong. Trần Lai đưa cho Mị Cơ xem. Từ bé đến giờ quen sống cảnh cao sang nên nàng đâu biết cái lồng đầu nhỏ đít to tua tủa những thanh tre nhọn hoắc này dùng để làm gì. Trần Lai đeo cái giỏ tre vào hông, một tay cầm cái nôm tay kia nắm lấy tay Mị Cơ, bảo cô.
    - Chúng ta đi bắt cá thôi.
Mị Cơ đôi má nóng bừng nhưng vẫn để yên cho chàng nắm lấy tay mình. Cả hai chạy nhanh ra ngoài đồng ruộng. Nàng đứng ở trên bờ, còn chàng thì lội ngay xuống ruộng bì bõm, hì hục vung nôm lên chụp những con cá rô, cá sặc chạy lạc ven bờ. Chốc chốc chàng lại giơ lên một chiến lợi phẩm bắt được trong tay. Mỗi lần như thế MỊ Cơ vỗ tay ngợi khen không ngớt lời. Cả hai nói cười vui vẻ suốt cả buổi chiều ngoài đồng.
    Một tháng sau tất cả người bệnh trong làng đã bình phục. Lệnh phong tỏa được giở bỏ. Lúc này, Mị Cơ lại ngã bệnh nên cả hai không thể lên đường. Hằng ngày Trần Lai lo chăm sóc thuốc thang cho Mị Cơ. Nhìn nàng ngày càng hốc hác lòng chàng thêm quặn đau. Bà cụ già cho hai người tá túc thấy họ tận tình thương yêu nhau như thế cứ tưởng là một đôi vợ chồng dị chủng bỏ nhà đi xây tổ uyên ương nên cũng để mặc kệ họ.
    Ngoài việc ra đồng bắt tôm cá, Trần Lai còn làm một bộ nỏ bằng gỗ cây dầu rái để vào rừng săn bắt. Hôm nào chàng cũng mang về một chú gà rừng hoặc con chồn, con cáo để cải thiện bữa ăn. Thấy chàng tận tụy lo cho mình Mị Cơ rất cảm kích. Nàng cũng đã dần dần bình phục.
Hơn một tuần lễ sau, một buổi tối lúc chàng và nàng ngồi ngắm sao trời nàng bảo:
    - Mai chúng ta về Thành Châu Sa thôi!
    - Em đã khỏe hẳn chưa?
    - Em đã bình phục rồi. Cảm ơn anh đã vì em mà vất vả bao nhiêu ngày qua.
Nàng tựa đầu vào vai chàng. Trần Lai cảm thấy cả người như run lên vì cái cảm giác mới lạ và tuyệt vời ấm áp mà người con gái bên cạnh đã đem đến cho chàng. Chàng quàng tay ôm chặt lấy bờ vai nhỏ bé của nàng. Những ngôi sao trên trời sáng lấp lánh như những đôi mắt của họ.
 
    Sáng sớm ngày hôm sau Mị Cơ và Trần Lai về đến thành Châu Sa. Cảnh tượng nơi đây nhộn nhịp như một thành thị nhỏ thời hiện đại. Nhà cửa san sát nhau. Cửa hiệu buôn bán người ra kẻ vào tấp nập. Vài quán xá thực khách ăn uống, nói cười ồn ào. Đường phố hẹp nhưng sạch sẽ. Mấy chiếc xe ngựa chạy xuôi ngược, móng sắt gõ lộc cộc nhịp điệu đều đều, buồn buồn. Trần Lai không nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng đồ sộ. Nhưng chàng đặc biệt chú ý đến cách xây dựng không cần lớp vôi vữa hay mạch hồ như ở quê chàng. Không biết họ nung gạch bằng cách nào mà nhiều ngôi nhà trông rất cổ kính cũng không thấy gạch đổi màu hay bị rêu mốc bám vào. Chàng thật sự khâm phục biệt tài đúc gạch của những người nơi đây.
Có một đám đông tụ tập tại khu đất rộng bên cạnh tấm bảng lớn dựng dưới mái che. Chàng và Mị Cơ tò mò dừng ngựa lại xem. Bên cạnh bản cáo thị là bức hình của hai hán tử họ đã gặp trên đoạn đường gần Thu Xà, lúc đi ngang qua khu rừng cây dầu rái. Mị Cơ đọc xong tái mặt bảo chàng.
    - Anh nói đúng rồi!
    - Sao? Trên bảng viết gì thế?
    - Chế Bồng Nga và thái phó Bố Đề Ni của hắn đã làm phản. Đấy là bố cáo của triều đình.
    - A! Thì ra là vậy!
 
    Trần Lai gật gù. Theo sự hiểu biết về lịch sử Chiêm Thành của chàng thì trước khi chết vua Trà Hòa đã trao quyền lại cho Chế Bồng Nga. Ông ta lên ngôi quốc vương Chăm-pa năm 1360. Nhưng ở thời điểm hiện tại tính theo dương lịch mới là năm 1354, nên Chế Bồng Nga có làm phản thì cũng phải. Vì năm ấy Trà Hòa còn khỏe mạnh mà ngôi vương có được là do ông ta đã đoạt lấy từ dòng họ Chế. Hoàng tử Chế Bồng Nga cùng gã thái phó đã kêu gọi quần chúng ở Chiêm động đứng lên lật đổ Trà Hòa, giành lại vương vị. Bá tánh tại đây hết lòng ủng hộ vì hắn ta mới thuộc dòng dõi chính thống. Trong một thời gian ngắn phản quân đã nhanh chóng tăng lên vài ngàn người. Thanh thế của họ Chế  nổi lên rất lớn. Nhiều đám giặc cướp quanh vùng về quy hàng. Bọn tàn binh của Chế Mỗ cũng hùa theo dưới trướng. Chế Bồng Nga đánh chiếm cổ thành Trà Kiệu chỉ trong mười ngày. Triều đình thất kinh, Trà Hòa điều quân tái chiếm nhưng thất bại. Bất lực trước sức mạnh của quân nổi loạn, quốc vương Chiêm Thành treo giải thưởng ai bắt sống hoặc chém được đầu Chế Bồng Nga sẽ phong cho tước hầu và trọng thưởng một vạn lượng bạc.
Mị Cơ nghe người dân bàn tán, mặt buồn rười rượi, nói với Trần Lai.
    - Bây giờ chúng ta nên bán hai con ngựa này. Anh lấy tiền thuê quán trọ ở tạm ít hôm. Còn em về nhà xem sao.
 
    Trần Lai đồng ý ngay vì chàng cũng không có cách gì tốt hơn. Họ đi đến một khu chợ sầm uất. Sau khi bán xong ngựa, Mị Cơ dẫn chàng dạo quanh chợ và mua các thứ lặt vặt cho chàng. Lúc sắp ra về bỗng trước mặt họ có một đám phụ nữ cãi vã ồn ào. Họ không có ý dừng chân nghe chuyện thị phi, nhưng đám cãi lộn này chắn mất lối đi. Cả hai đành đứng lại, Trần Lai nghe được lõm bõm hình như là chị bán cá bị ai đó lấy trộm mất một con. Tất cả mọi người đều nghi ngờ một cô bé quần áo rách rưới ăn xin đang ngồi gần đó đã lấy cắp. Nhiều người hăm dọa đòi đánh nếu cô bé không trả lại con cá cho chị kia. Cô bé khóc nức nở, cố gắng phân bua, nhưng chẳng ai chịu tin. Động lòng trắc ẩn Trần Lai ghé vào tai Mị Cơ thì thầm một hồi. Nàng mỉm cười gật gật đầu, rồi bước tới chỗ đám người cãi nhau. Mị Cơ nói với bọn họ rằng nàng có thể tìm ra thủ phạm nếu được phân xử vụ này. Mọi người trông thấy một cô gái trẻ, xinh đẹp, lại có vẻ sang trọng muốn đứng ra giải quyết vấn đề cho họ thì vui vẻ chấp nhận. Mị cơ theo cách của Trần Lai, bảo tất cả mọi người đứng xếp thành một hàng ngang, đưa hai tay ra trước mặt để cho cô khám xét. Vì ăn cắp cá thì thế nào cũng còn có dấu vết trên tay. Một bà sồn sồn đứng cạnh bên cô bé ăn mày, lén lút đưa hai bàn tay ra phía sau váy chùi vội. Mọi cử động của mụ ta đều không thoát khỏi cặp mắt sắc xảo của Mị Cơ. Nàng thong thả đi đến trước mặt từng người quan sát, và ghé mũi ngửi vào từng đôi tay của mỗi người. Cuối cùng nàng quay về đứng đối diện trước đám phụ nữ và nghiêm giọng tuyên bố:
    - Thủ phạm chính là y thị! – Nàng vừa nói vừa đưa ngón tay chỉ vào mặt bà sồn sồn nọ.
    - Sao lại là tôi? – Nét mặt mụ ta tái mét nhưng vẫn cố cãi.
    - Tôi biết là bà. Tuy bà đã chùi đi nhớt của con cá dính trên tay, nhưng mùi tanh của nó thì không sao chùi được. Ai không tin hãy đến ngửi thử xem!
 
    Bà kia nghe nói thế liền vùng bỏ chạy. Mị Cơ ngó thấy phía sau chỗ bà ta đứng có lớp đất khác lạ liền bước đến lấy chân hất sơ qua lớp đất mỏng. Tức thì một con cá ngừ bằng cổ tay trốc lên. Mội người “ồ” lên một tiếng kinh ngạc. Cô bé ăn mày thích quá mỉm cười, vỗ tay reo, và cảm ơn Mị Cơ rối rít.
    Trần Lai ở lại quán trọ được hai hôm thì Mị Cơ sai người mang thiệp mời của cha nàng đến. Trần Lai chẳng biết đọc chữ Chăm nên phải nhờ ông quản lý nhà trọ đọc giúp. Bức thiệp ghi rõ mời chàng giờ Tỵ sáng mai đến phủ hầu gia để đàm đạo. Chiều hôm đó chàng đi sắm một bộ đồ vía thật đẹp, thời trang của các công tử xứ Chiêm Thành lúc bấy giờ.
 
    Đúng giờ Tỵ đã có một cỗ xe ngựa chờ Trần Lai trước quán trọ. Chàng bước ra cửa. Tên xa phu tiến tới mời chàng lên xe. Chỉ nửa canh giờ sau là họ đã đến cổng một phủ đệ nguy nga. Nhìn vào bề thế thì phủ hầu tước cũng chỉ tầm cỡ trang viện của cha chàng ở quê mà thôi. Nhưng ở thế kỷ 14 như thế đã là hoành tráng lắm rồi. Trần Lai theo chân tên gia nhân tiến vào đại sảnh.
 
    Tín Nhân Hầu Trần Sơn giữ nhiệm vụ trấn thủ đồn Cổ Lũy, nhưng nửa tháng trước, ông đã được điều về giữ thành Châu Sa nhằm ngăn chặn đội quân của Chế Bồng Nga tiến về phía nam. Từ ngày con gái mất tích ông hết sức lo lắng, đã sai nhiều người đi thám thính khắp nơi, nhưng bặt vô âm tín. Mấy hôm trước con gái ông bỗng nhiên ở đâu trở về, mặt mũi gầy nhom, áo quần lôi thôi lếch thếch chẳng ra làm sao cả. Mị Cơ về đến nhà, mới nghỉ ngơi chưa được một ngày lại nằng nặc đòi đi ra phố. Ông gặn hỏi mãi mới được con gái thổ lộ sự tình. Sau khi kể hết những biến cố mà nàng đã trải qua, Mị Cơ ngỏ ý muốn dẫn Trần Lai đến gặp ông. Nàng còn cả gan dám xin ông cưới chàng trai không rõ xuất thân kia làm chồng. Ông giận dữ trách mắng. Nhất định không đồng ý thì đứa con gái cưng làm mình làm mẩy bỏ ăn bỏ uống suốt một ngày. Thương con nên ông đành nghe theo lời, cho gọi Trần Lai đến phủ để xem tướng mạo của chàng ra sao, rồi mới quyết định.
 
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.