(tiếp theo)
Mị Cơ và Trần Lai vừa lặn vừa bơi xuôi theo dòng nước chảy. Cả hai vất vả vật lộn với nhiều chỗ nước xoáy gần một giờ đồng hồ mới vào được phía bờ hữu. Họ vừa bò vừa leo lên bãi cát thoai thoải. Vừa khỏi mép nước cả hai đã nằm sóng soài, thở dốc.
Trời hừng sáng. Phương đông những dải mây hồng như máu tươi loang ra, mỗi lúc càng rộng, dần dần chiếm lĩnh cả một góc trời. Trần Lai đang nhủ chập chờn, mơ hồ mình đang tắm sông cùng bạn. Bên tai chàng văng vẳng có tiếng khóc rấm rứt. Chàng giật mình tỉnh ngủ, xoay người qua nhìn. Mị Cơ quay lưng về phía chàng, hai tay bưng mặt, đầu cúi thấp, đôi vai rung rung liên hồi. Trông dáng vẻ của nàng lúc này thật tội nghiệp. Không còn cái oai quyền tiểu thư nhà thế phiệt nàng chỉ như là một cô gái bé bỏng yếu đuối, cần người quan tâm. Trần Lai muốn ngỏ lời an ủi, nhưng vốn là người không giỏi ăn nói nên chàng chẳng biết mở miệng làm sao. Trước giờ chàng chưa hề gặp tình cảnh như thế này. Chàng là người rất sợ nước mắt, nhất là nước mắt của các cô gái và của những người già nua. Chàng nhỏm người dậy, đến ngồi bên cạnh nàng, nhìn về hướng đảo Hòn Ngọc. Xa xa một cột khói đen hình cái nấm từ từ bốc lên cao. Chàng khẽ nói vu vơ, như nói cho chính mình nghe.
- Trời sáng rồi!
Mị Cơ đưa tay quệt nước mắt, xuất kỳ bất ý, nàng tát luôn vào mặt Trần Lai một cái nẩy lửa.
- Ngươi tránh xa ta ra!
Trần Lai vừa xoa xoa cái má bỏng rát vừa nói:
- Tôi… Tôi…
Mị Cơ trừng đôi mắt đen láy còn đầy ngấn lệ.
- Có phải ngươi là đồng bọn với bọn cướp?
Trần Lai vừa bị đánh đau, vừa bị đổ oan nên nổi cáu.
- Cô bị khùng à? Nếu tôi là đồng bọn với chúng thì tôi vất vả cứu cô làm gì?
- Ai mượn ngươi cứu?... Biết đâu bọn ngươi còn có âm mưu gì nữa thì sao? Phải không? Nói đi!
Tức khí dâng lên tận cổ, Trần Lai cũng trợn mắt, gằn giọng:
- Phải! Tôi âm mưu… - Chàng ngừng lại vì chưa nghĩ ra được mình có âm mưu gì!
- À… thú thật rồi phải không? Âm mưu gì? Nói mau!
Bị Mị Cơ truy vấn ráo riết, Trần Lai đáp bừa.
- Bắt cô về làm sơn trại phu nhân của bọn ta!
Mị Cơ bỗng phá lên cười ngặt nghẽo.
- Ngươi dám?
Tiếng cười trong veo như pha lê của nàng làm cho bầu không khí giữa hai người bớt căng thẳng. Như sực nhớ ra điều gì, nàng quay sang Trần Lai, hỏi:
- Làm sao ngươi thoát ra được?
- Tôi có cách của tôi! Không nói cho cô biết.
Nàng nguýt chàng.
- Xí… ta cũng chỉ hỏi chơi vì thấy ngươi cũng có chút bản lãnh. Nói thật đi, Ngươi từ nơi nào đến đây? Trông bộ dạng dị hợm của ngươi chẳng giống người Đại Việt sinh sống ở đây chút nào!
Hai người đều còn trẻ tuổi lại trải qua hoạn nạn cùng nhau nên dễ dàng thân thiết hơn bình thường. Trần Lai không còn cảm thấy tức giận nữa trước giọng nói dịu dàng, đầy ma lực của Mị Cơ. Chàng thật thà kể hết những chuyện mình đã trải qua. Nhìn vẻ mặt chàng, Mị Cơ tin tưởng đến tám chín phần những điều chàng nói. Nhưng nàng không hề tin con người có thể dịch chuyển thời gian và không gian. Nàng biết chỉ có thần Siva mới có phép thần thông làm được điều ấy. Đấy là một vị thần toàn năng của người Chăm có thể hủy diệt vạn vật rồi tái tạo lại. Nàng nhìn chàng lơ mơ suy nghĩ. Chẳng lẽ chàng trai trước mặt mình là người đã được thần Siva tái tạo lại và đưa đến bên cạnh nàng? Trầm ngâm giây lát, Mị Cơ hỏi:
- Bây giờ ngươi định đi đâu?
- Tôi cũng không biết nữa! Hy vọng rằng tôi sẽ tìm ra được cách trở lại quê hương tôi. Nghĩa là trở về tương lai.
- Hay là ngươi đến thành Châu Sa với ta?
Được lời như cởi tấm lòng, vì Trần Lai còn biết đi đâu nữa. Xứ lạ quê người trong tay chàng chẳng có một xu. Trong bụng mừng thầm, muốn nhận lời ngay, nhưng ngoài miệng trả lời nửa đùa nửa thật.
- Nếu như cô nương không bắt giam tôi vào ngục.
Họ cùnng nhìn nhau cười giòn. Cả hai vui vẻ rời bờ sông. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ấm áp bắt đầu làm áo quần của hai người dần dần khô ráo. Họ thong thả bước đi cạnh nhau như đôi tình nhân dạo chơi trên đồng cỏ buổi sớm mai đầy nắng. Bây giờ Trần Lai mới có dịp nhìn kỹ nàng Mị Cơ. Tuy nước da có hơi ngăm đen, nhưng những đường cong trên thân thể nàng thì tuyệt mỹ. Vóc dáng nàng như một vũ nữ Apsana trong trang phục còn ẩm ướt áp sát vào người tạo nên vẻ đẹp rất phồn thực. Thấy Trần Lai nhìn mình với ánh mắt kỳ dị, Mị Cơ đỏ mặt gắt.
-Ngươi nhìn gì dữ thế!
Không bỏ lỡ một câu nịnh đầm đúng lúc như mọi thanh niên khác, Trần Lai ghé sát vào tai nàng thì thầm:
- Cô đẹp lắm! Cứ như là tiên nữ.
Mị Cơ vừa thẹn vừa thích, nàng nhoẻn một nụ cười tươi.
- Chỉ giỏi ba hoa lẻo mép. Mà này… ngươi tên gì nhỉ?
- Lai, Trần Lai. Còn cô?
- Trà Mị Cơ. Anh cứ gọi tôi là MỊ Cơ.
Bỗng nhiên được một cô gái đẹp đi bên cạnh gọi bằng anh, cả người Trần Lai bay bổng lên chín tầng mây xanh. Tâm hồn phơi phới phiêu diêu trong nỗi hân hoan tột độ. Chưa bao giờ chàng có cái cảm giác đặc biệt như lúc này, cho dù là khi còn ở quê nhà được các cô gái cùng thôn luôn luôn gọi bằng anh và xưng em ngọt xớt.
Hai người đi qua hết bãi cỏ lớn, tiếp đến là cánh đồng lúa. Vào tháng này lúa đang trong thời kỳ trổ đòng đòng. Ruộng được những con mương ăm ắp nước từ ngoài sông dẫn vào tưới tiêu nên chẳng thấy ai làm cỏ hay tát nước. Thấp thoáng một đàn bò đang gặm cỏ ở quả đồi thấp phía xa. Cả hai đi vòng vèo theo đường bờ ruộng để tiến về phía con đường đất đỏ vừa trông thấy xa xa.
Nửa buổi trưa hôm đó Mị Cơ và Trần Lai đến một xóm nhà lá nghèo nàng. Họ hỏi thăm đường đi thị trấn Thu Xà. Theo lời Mị Cơ đó là một khu phố sầm uất có nhiều hiệu ăn và cửa tiệm tạp hóa. Họ dự tính đến đấy mua hai con ngựa để về Châu thành.
Buổi trưa, hai người vào một cái quán bên đường để ăn uống và nghỉ ngơi. Ttrong túi họ lúc này không có lấy một cắc bạc. Ăn xong, Mị Cơ tháo vòng đeo tay trả tiền cơm nước. Chủ quán nhìn hai người với ánh mắt dò xét, nhưng không nói gì. Có lẽ ông ta tưởng đây là một cặp tình nhân trẻ bỏ nhà trốn đi. Tình trạng như vậy ông cũng thường thấy xảy ra. Mị Cơ hỏi thuê một chiếc xe ngựa nhưng nơi đây không có dịch vụ đó. Hai người đành tiếp tục hành trình bằng cước lực. Trần Lai hỏi:
- Chừng nào thì mình đến Thu Xà?
- Chắc độ chừng hai canh giờ nữa. – Ngừng một lát nàng chép miệng. – Nếu có ngựa để cỡi thì tốt quá! Mà này… anh có biết cỡi ngựa không?
Trần Lai làm gì biết cỡi ngựa. Chàng là người của thế kỷ hai mươi, ngựa sắt may ra còn biết cỡi chứ ngựa thật thì chàng chưa từng được vuốt thử bộ lông bờm chứ nói chi đến cỡi. Nhưng chàng nghĩ thầm, cỡi ngựa chắc cũng giống như cỡi trâu hay cỡi bò thế thôi chứ gì! Trước kia, nhà chàng có nhiều trâu bò phải mướn người chăn giữ. Có lần chàng lén cha theo bọn họ ra đồng chơi. Lúc thấy mấy đứa mục đồng cỡi trên lưng trâu chàng thích quá đòi cỡi thử. Nài nỉ mãi họ mới để chàng leo lên một con trâu to nhất đàn. Một gã mục tử dắt con trâu đi đủng đỉnh. Trần Lai ngồi vắt vẻo trên lưng trâu miệng huýt sáo, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng trâu rất ư là lý thú. Bỗng một thằng chăn bò trạc tuổi Trần Lai đi đến gần, nó giơ roi quất mạnh vào đít con trâu một phát. Đau quá con vật rống lên ra sức phi nước đại. Người dắt trâu bị lôi đi. Anh ta chạy theo không kịp đành buông dây mũi. Trần Lai sợ muốn vãi đái ra quần vội nằm rạp xuống mình trâu. Hai tay ôm chặt cái u vai trên lưng, chân ghì vào hông nó như con nhái bén điu trên tàu lá sen. May mà lưng trâu to bè nên chàng không bị văng xuống đất. Hú hồn! Nhớ lại chuyện đó chàng cười cười nói.
- Cũng như cỡi trâu chớ gì?
Mị Cơ phá lên cười khanh khách.
- Anh ngốc thật hay giả đò? Ngựa nó phi như bay chứ có chậm chạp như trâu đâu! Không biết điều khiển là té gãy cổ. Anh có dám cỡi thử không?
- Tôi chưa cỡi ngựa bao giờ. Ở quê tôi, có nhiều thứ để cỡi thú vị hơn cỡi ngựa nhiiều. – Trần Lai bị chạm tự ái nên né tránh câu hỏi của nàng. Rồi chàng dùng chiêu gậy ông đập lưng ông – Còn cô? Có biết cỡi không?
- Sao lại không? Về tới thành Châu Sa tôi sẽ dạy anh…. À, quê anh không cỡi ngựa thì đi lại bằng gì?
- Gần thì đi xe đạp, xa thì đi xe lửa. À… mà cô đâu biết tàu lửa và xe đạp là gì đâu nhở.
Mị Cơ tròn xoe mắt, lắc đầu. Những thứ ấy nàng làm sao mà biết được. Nhân loại lúc bấy giờ có lẽ chỉ mỗi Trần Lai là biết. Tuy thế nàng cũng không hỏi gì thêm. Nếu không thì cho dù Trần Lai có thông minh cũng không làm sao giải thích cho một cô gái ở thế kỷ 14 hiểu được sự kỳ diệu tối tân của những phương tiện chuyên chở của thời đại chúng ta.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Họ đến một khu rừng thưa. Những cây dầu rái cao và suôn đuột ngả bóng mát trên đường. Gió nồm thổi dìu dịu khiến cả hai cảm thấy rất dễ chịu. Bỗng phía sau lưng có tiếng ngựa hí vang. Họ vội vàng đứng nép vào một bên vệ đường. Hai kỵ mã phi vút qua trước mặt họ. Bụi vàng cuốn lên mù trời.
- Bọn nào mà nghênh ngang thế! – Mị Cơ lầu bầu. Cả hai dừng lại phủi bụi vàng bám đầy áo quần, rồi tiếp tục cất bước. Nửa canh giờ sau, họ đã đến một ngã ba. Cả hai trông thấy hai người kỵ mã lúc nãy đang ngồi trên một phiến đá to. Hai con ngựa được thả cho gặm cỏ cạnh đấy. Thấy họ đi tới một đại hán tuổi trạc ngũ tuần đứng dậy tiến ra chận đường. Ông ta chắp tay thi lễ, nói bằng tiếng Chăm. Trần Lai chẳng hiểu gì, còn Mị Cơ lơ đãng ngoảnh mặt đi nơi khác. Đại hán kia tưởng hai người chưa nghe rõ nên lặp lại một lần nữa. Mị Cơ vẫn không trả lời. Trần Lai nắm tay áo nàng giật giật. Nàng thấy vậy chỉ trả lời một câu ngắn gọn, cụt ngủn. Nói xong nàng lách người sang bên, rẽ vào con đường hẹp về phía phải. Trần Lai bước vội theo. Chàng tò mò.
- Họ hỏi gì thế?
- Hỏi đường đi Bến Tam Thương?
- Bến Tam Thương? – Chàng lập lại, và liếc xéo Mị Cơ – Ôi, cái tên nghe thật hay!
Không nghe Mị Cơ nói gì, Trần Lai im lặng một lúc, rồi nói tiếp.
- Mà này, tôi thấy cái người thanh niên đi với ông lão kia hơi quen quen đấy!
- Sao? Anh quen với họ à? Sao lại như thế được?
- À, tôi chỉ ngờ ngợ trông anh ta rất giống với một nhân vật trong truyện tranh tôi đọc hồi nhỏ thôi!
Mị Cơ nghe nàng nói thế bật cười ngặt nghẽo. Dứt tràng cười nàng mới hỏi:
- Thế, nhân vật ấy tên là gì?
- Chế Bồng Nga! Vị vua tương lai của vương quốc Chăm-pa.
- Ui! Đừng có ngoa ngôn, coi chừng mất đầu bây giờ. Quốc vương Chăm-pa họ Trà. Anh nhớ chưa?
Trần Lai biết mình đã lỡ miệng nên im bặt. Chàng bốc đồng tán phét vì nhìn thấy dáng vẻ oai dũng của người kỵ mã trẻ tuổi cùng đi với ông già lúc nãy. Anh ta trạc chừng hai lăm, hai sáu. Người cao lớn khỏe mạnh. Mặt vuông, quai hàm rộng, mắt to, dáng dấp đường đường là một trang tuấn kiệt. Trần Lai vốn là người mê đọc truyện tranh lịch sử, đã đọc qua cuộc chiến giữa Chế Bồng Nga và Đại Việt. Huyền diệu thay chàng xuyên thời gian đến nước Chiêm Thành vào đúng giai đoạn lịch sử sau cuộc nội chiến giữa Chế Mỗ và vua Trà Hòa. Theo như sử sách thì lúc này Chế Bồng Nga đang còn lẫn trốn, phải năm, sáu năm sau hắn mới lên làm vua. Bởi vậy vừa trông thấy dáng điệu anh tuấn và việc phi ngựa như đào tẩu của hai người kia, chàng đã liên tưởng đến cuộc trốn chạy của Chế Bồng Nga ngay. Chàng khẽ cười thầm vì tính hay tưởng tượng viễn vông của mình.
Xế chiều hôm đó Trần Lai và Mị Cơ đến thị Trấn Thu Xà. Nàng bán hết tất cả nữ trang để mua cho mỗi người một bộ quần áo mới, và hai con ngựa. Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách điếm, sáng hôm sau, cả hai cùng ra roi giục ngựa nhắm Bến tam Thương mà phóng đi.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.