Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Champa (Kỳ cuối)

 

 
7
Trần Lai từ từ mở mắt ra. Trời vẫn còn tối. Bốn bề vắng lặng khác thường. Không nghe tiếng người kêu, cũng không nhìn thấy lửa cháy. Cả khu phố biến đâu mất. Chàng dụi mắt, đứng dậy, ngó dáo dác. Chỗ chàng đứng gần một cây đa cổ thụ, cạnh ngã ba đường. Nhìn kỹ chàng thấy nơi này dường như quen quen nhưng nhất thời chàng cũng không biết là nơi nào. Trần Lai đến ngồi dựa vào gốc đa hồi tưởng lại sự việc. Chàng nhớ là lúc mình đang ngủ thì cả quán trọ bị bốc cháy, chàng chạy ra lan can và trúng tên. Chàng hoảng hốt tưởng mình đã chết, chỗ này là âm ty. Chàng vội đưa tay sờ lên ngực, đụng phải lá bùa hộ thân. Ngực chàng không hề bị thương tích, cũng không có mũi tên nào ghim vào. Chàng chợt nghĩ thầm hay là mình lại xuyên không về thời đại khác? À, có thể lắm chứ? Lúc bị trúng tên mình cũng đã thấy vầng hào quang giống hệt trước khi mình xuất hiện ở Chăm-pa thời kỳ Quốc vương Trà Hòa. Chàng sờ vào thắt lưng túi gấm nàng Mị Cơ tặng cho vẫn còn đấy. Bỗng dưng chàng muốn òa khóc như một đứa bé lạc mẹ.
 
    Trời sáng dần. Trần Lai nhìn rõ hơn mọi vật. Chàng giật mình kinh ngạc khi nhận ra nơi đây chính là chỗ ngã ba cây đa gần nhà, lúc bé chàng vẫn thường ra chơi đùa cùng mấy đứa bạn hàng xóm. Tự nhiên chàng phấn chấn hẳn lên, đôi chân bước nhanh theo con đường cũ về chỗ có mái nhà xưa. Trần Lai đứng khựng lại trước cái cổng được làm bằng mấy thân cây dương đỡ tấm bảng hiệu có đề hàng chữ lạ hoắc: Nhà kho hợp tác xã nông nghiệp xã Tân Phong. Tòa trang viện năm nào không còn nữa, chỉ thấy những căn nhà mái tranh dài như trường học cất theo hình chữ U ôm lấy cái sân đất rộng thênh thang. Chàng bồi hồi xúc động đứng nhìn nơi chốn mình đã được sinh ra và lớn lên nay hóa thành nơi xa lạ. Những tháng ngày êm ấm xưa kia sống bên cạnh cha mẹ ùa về khiến chàng nghèn nghẹn trong tim. Biển dâu cuộc đời mấy ai có thể lường trước. Tất cả như một cơn mơ hãi hùng. Đôi dòng lệ lăn dài trên gò má chàng.
 
    Trên đường đã có người qua lại. Những đôi mắt tò mò liếc xéo khi đi ngang qua chàng. Không thể đứng tần ngần ở đây mãi chàng lầm lũi bỏ đi. Trần Lai lần mò tìm ra bờ sông, nơi mà chàng đã bơi lặn mỗi ngày. Dòng sông Thoa vẫn xanh trong như xưa. Chàng vốc nước rửa mặt. Và uống lấy uống để một hơi ngon lành. Dòng nước mát quê nhà thấm vào tận tâm can, làm tươi tỉnh từng nơ-ron thần kinh và từng thớ thịt trên cơ thể chàng. Đột nhiên chàng bỗng thấy mình trở nên minh mẫn lạ thường. Chàng nghĩ cả hai lần mình xuyên thời gian đều là do bản thân bị nguy hiểm nên bùa hộ mệnh hiển thị phép mầu dịch chuyển chàng xuyên không sang thời đại khác. Nay nếu chàng muốn trở lại Chăm-pa để gặp Mị Cơ thì phải làm cách y như vậy. Để cho mộng hồi Chăm-pa của mình không bị trở ngại chàng quyết định ngược lên phía bắc về nơi có dấu tích thành Châu Sa để thực hiện ý định. Lòng đã quyết Trần Lai vui vẻ ngắm bóng mình trong dòng nước sông Thoa. Chàng bật kêu ồ lên bởi nhận ra cách ăn mặc của mình thật là khôi hài. Mình mặc áo bà ba màu trắng, cổ tròn, tay áo rộng và dài. Nút áo bằng vải cài chéo từ cổ xuống hông bên phải. Phần dưới quấn xà rông thổ cẩm màu sắc xanh đỏ từng mảng. Đúng là một anh chàng thời trung cổ. Hèn chi những người gặp chàng đều trố mắt nhìn chàng như nhìn một anh ngợm.
 
    Nửa buổi trưa, Trần Lai đến thị trấn Mộ Đức. Chàng vào tiệm vàng bán một thỏi. Ông chủ tiệm không ngớt ngó ngang nhìn dọc chàng từ đầu đến chân. Ông ta cầm thỏi vàng săm soi một hồi lâu, sau cùng mới nói nhỏ với chàng.
    - Đây là thứ vàng tốt đó nghen! Anh có bao nhiêu bán tôi cũng mua hết.
Trần Lai lắc đầu:
    - Tôi chỉ bán mỗi thỏi này thôi!
    - Anh mới từ bên Miên về à?
    - Vâng! Trần Lai đáp bừa cho qua chuyện.
 
    Ông ta cất thỏi vàng vào ngăn tủ, khóa trái cẩn thận, xong lấy một xấp bạc đếm và đưa cho chàng.
Trần Lai đến chợ mua hai bộ quần áo, một con dao và một cái ba lô. Chàng tìm nơi vắng vẻ trút bỏ bộ đồ công tử Chăm-pa thế kỷ 14, mặc vào bộ đồ mới mua để trở về làm người Việt hiện đại. Chàng tìm một quán cơm, ăn uống qua loa rồi thuê xe đạp thồ đi thị xã Quảng Ngãi. Dọc đường chàng hỏi dò anh phu xe mới biết hiện tại là năm 1984. Có nghĩa là chàng đã quay lại sau ba mươi năm. Trong khoảng thời gian chàng biệt xứ ấy trên quê hương chàng biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra. Có điều lạ là thời gian thì tiến nhanh về phía trước nhưng mọi sinh hoạt hầu như đang đi thụt lùi. Đường xá vẫn như cũ, nhưng người đi lại thưa thớt. Nhìn ai cũng thấy họ lam lũ, vất vả hơn xưa. Cuộc sống căng thẳng hơn trước nhiều. Nhà cửa toàn bằng mái tranh vách đất, ít có nhà ngói tường gạch. Ruộng đồng cằn cỗi, cây lúa tong teo vàng vọt.
 
    Đến Quãng Ngãi Trần Lai trèo lên núi Thiên Ấn, vào chùa thắp nhang lễ phật. Khi chàng đi ra ngoài nhìn ngắm phong cảnh thì trời cũng đã xế bóng. Dưới ánh nắng chiều, dòng sông Trà Khúc xanh trong như một con đại mãng xà trườn mình về phía đông. Làn da của nó ngời lên sắc vàng óng ánh. Nơi chỗ bụng phình to, rẽ làm hai nhánh, ôm lấy hòn Đảo Ngọc. Nơi đó chàng và Mị Cơ đã tình cờ gặp nhau lần đầu tiên. Trong ý niệm thời gian của chàng nó chỉ vừa xảy ra cách nay chừng hai tháng. Hôm chàng và nàng gặp nhau là một đêm trăng tròn, hôm nay cũng là ngày tròn trăng. Hòn đảo ấy bây giờ giờ cây cỏ mọc xanh rì. Chàng nhìn về phương đông bắc, nơi trước kia là lũy thành Châu Sa. Chỉ thấy những ngôi nhà và ngọn cây nhấp nhô. Chỗ những bức tường thành xưa, nay chỉ còn là những gò đất chạy dài như sống trâu trên một bình nguyên rộng lớn. 
 
    Trần Lai xuống núi, chàng đã xác định được vị trí cửa thành Tây, nơi mà Mị Cơ hẹn gặp chàng. Chàng cứ men theo con đường đất đi đến nơi đó. Cổng thành ngày xưa bây giờ hóa ra cái truông nhỏ nàm giữa hai gò đất cao chạy dài về hai hướng nam và bắc. Bên chân gò đất còn vết tích của một khúc hào cạn. Trần Lai leo lên bờ thành phía nam. Chàng ngồi xếp bằng trên một tảng đá to, đen sì. Phương đông mặt trăng tròn vành vạnh vừa mới nhô lên, đỏ ối như một quả cà chua chín. Trước mắt chàng bóng đen của những lùm bụi cây cối rung rinh chuyển động theo làn gió đêm như những bóng ma chờn vờn, kỳ dị. Tiếng côn trùng tỉ tê, như giọng ngậm ngùi, oán than. Trần Lai lòng đầy thương cảm. Chàng hồi tưởng những ngày đã sống bên cạnh Mị Cơ. Tâm tư ngập tràn cảm xúc, chàng cất tiếng ngâm:
 
Anh về thăm lại đất Châu Sa
Tưởng nhớ người xưa mắt lệ nhòa
Vong quốc điêu tàn trơ lãnh địa
Phế thành đổ nát lạnh hồn ma
Vắng nàng mỹ nữ không thuyền mộng
Thiếu bóng lầu đài chẳng bướm hoa
Bao nỗi đau lòng khôn xiết kể
Mơ ngày trở lại xứ Chăm-pa.
 
    Ngâm xong, Trần Lai đưa tay áo lên lau nước mắt chảy giàn giụa trên đôi gò má thấm lạnh vì hơi sương đêm. Chàng mở ba lô lấy con dao nhỏ đào một cái hố sâu bên cạnh hòn đá chôn cái túi gấm. Xong yên, chàng cởi áo, ngồi thẳng lưng, hai tay cầm dao, nhắm mắt đâm mạnh vào chỗ lá bùa đeo trên ngực. Khi mũi dao sắp chạm vào người, bỗng đâu một luồng kình lực xô tới hất văng cái dao ra xa mấy trượng. Liền đó chàng nghe có tiếng nói khẽ bên tai, nhưng thanh âm sắc gọn và rõ ràng từng chữ một.
    -Công tử không nên làm thế!
Trần Lai mở bừng mắt ra xem là ai. Vầng trăng treo lơ lửng trên cành tre, đủ soi tỏ mọi vật. Chàng nhìn rõ trước mặt mình là một lão đạo sĩ, râu ba chòm trắng như cước tung bay trong gió. Một tay lão bắt ấn trước ngực, tay kia quơ phất trần nhè nhẹ. Con dao của Trần Lai văng đi chính là do cái vẫy phất trần của đạo sĩ. Trần Lai lạnh lùng hỏi:
    - Ông là ai?
Vị đạo sĩ vẫn không hề giận dữ trước câu hỏi thiếu lễ phép của chàng. Ông ôn tồn nói:
    - Bần đạo là người có duyên với công tử. Chắc công tử còn nhớ cách nay bốn mươi năm chúng ta đã từng gặp nhau một lần.
Nghe ông ta nói vậy Trần Lai cố lục tung ký ức của mình để tìm xem đã gặp lúc nào. Hồi lâu, chàng cũng nhớ mang máng là đã từng nhìn thấy ông hồi bốn năm tuổi gì đó. Chàng nhận ra được vì cách ăn mặc và phong thái rất khác người thường của ông. Phải nói là rất cá biệt nên đã tạo ấn tượng sâu sắc trong đầu óc chàng.
Không nghe Trần Lai nói gì, đạo sĩ nói tiếp:
    - Lá bùa là của bần đạo tặng cho công tử vì hữu duyên. Nó chỉ có công dụng che chở cho công tử mỗi khi gặp nguy hiểm, còn khi người đeo nó có ý định, mưu đồ riêng thì nó trở thành vô tác dụng. Nay phép mầu đã hết thiêng, bần đạo xin phép thu hồi lại.
 
    Nói xong ông ta vẫy nhẹ ngọn phất trần. Lá bùa rời khỏi cổ Trần Lai từ từ bay lên khỏi đầu chàng, và bay thẳng về phía đạo sĩ. Ông đưa bàn tay ra bắt lấy, và bóp nhẹ. Từ nơi bàn tay đạo sĩ một làn khói xanh bốc lên, tỏa mùi thơm phức như hương hoa quế. Trần Lai nhìn làn khói từ từ tan biến vào khoảng không mà lòng chàng tan nát theo. Thế là hoàn toàn tuyệt vọng. Thế là khong còn giấc mộng hồi Chăm-pa. Không còn mong gì gặp lại Mị Cơ. Trần Lai hét lên một tiếng và gục mặt xuống nền đất lạnh.
 
ĐOẠN KẾT
 
Reng… Reng… Reng…
Trần Lai choàng tỉnh, ngồi bật dậy, cầm lấy chiếc điện thoại.
    - A lô! … A lô! …
Giọng bà xã chàng ở bên kia đầu dây có vẻ hơi gắt gỏng.
    - Anh làm gì mà nghe máy chậm thế?
    - Đang ngủ trưa.
    - Thật không? Hay là đang chát chít với cô nào? Nghi quá!
    - Có đâu! Anh nằm trên sô pha nghe nhạc rồi ngủ quên luôn đấy chứ! Em khéo đa nghi!
    - Biết đâu được! Mà anh có mơ thấy gì không?
    - Có!
    - Gì?
    - Anh trở về Chiêm quốc!
    - Xuyên không à?
    - Ừ!
    - Gặp ai?
    - Thì em chứ còn ai! Trong mơ em là Công chúa Huyền Trân còn anh là vua Chế Mân.
Có tiếng cười khúc khích từ bên kia đầu dây. Trần Lai nghe thấy giọng vợ chàng bỗng nhiên ngọt ngào hơn.
    - Thôi, lại ba hoa nữa rồi! – Ngừng một lát nàng nói tiếp. – Chợ Loblaws đang sale tôm hùm đó, rẻ lắm! 11.99 đồng một pound. Anh ra mua hai pounds đi, chậm là hết. À… mà anh biết hôm nay là ngày gì không?
    - Ngày gì?
    - Hứ! Vậy mà kêu ngủ mơ thấy em!
    - À… nhớ rồi! Ngày em yêu anh chứ gì!
Lại cười khúch khích.
    - Thôi, em vào làm đây! Nghỉ trưa thấy tôm hùm sale nên gọi về nhắc anh mua. I love you. Bye!
    - I love you, too! Bye!
Trần Lai gác máy, lòng bồi hồi, bâng khuâng giữa mộng và thực. Ôi! Mộng hồi Chăm-pa, chứ không phải là giấc mơ kê vàng.
 
HẾT
Mạnh xuân 2024
Trần Đức Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.