QUÊ CHA
Chị em tôi tạm thời tá túc ở nhà chú thím Bảy. Nhà chú tôi ở ngoài rẫy, gần dông biển.
Hằng ngày, ăn sáng xong là chúng tôi kẻ xách liêm, người cầm rựa vào trong vườn nhà của ông nội để dọn dẹp. Lúc đó trong xóm vườn tược bị bỏ hoang rất nhiều. Đường đi chỉ là một cái truông nhỏ hẹp. Cỏ tranh, cỏ chỉ cao đến ngực. Cây cối rậm rạp, um tùm.
Đến vườn. Hai chị tôi mỗi người làm một việc. Người cắt cỏ kẻ chặt cây cành. Tôi thì nhặt nhạnh những que củi khô gom thành một đống để làm củi. Trong vườn có một cây đào lộn hột to cao, nhưng không có hoa hay trái gì. Chị Hai bảo do chính tay ông nội tôi trồng. Cạnh cây đào là một gốc khế cũng to không kém, nhưng thân cây đã bị gãy đổ, thân nằm dưới lớp đất và cỏ, bên cạnh có một ụ mối to tướng. Nửa thân cây đã mục nát nhưng lạ lùng thay một nửa còn lại mọc lên mấy tược khế to bằng bắp tay người lớn, suôn đuột và bụ bẫm, cao hơn đầu tôi, Tôi đếm cả thảy được năm cây. Chị Hai phát cỏ xung quanh nhưng không động gì đến ổ mối và mấy cái cây khế. Sát một góc hàng rào sau vườn có lùm duối to, cành lá xanh dày, rờ vào ram ráp cả tay. Tôi đi vòng quanh khu vườn và khám phá thêm một cây thị ở bên nờ rào phía tây. Dưới gốc, cạnh bên có một cái gò đất cao, cỏ cú (cỏ gấu) mọc xanh um. Chị Hai cho biết đó là dấu tích của cái hầm tránh pháo. Cửa miệng hầm bị lấp, cỏ tranh bi bít. Trong vườn có nhiều thứ cây ăn quả như xoài, ủ ma, chay, trâm núi... nhưng không thứ nào có trái. Chỉ có mỗi cây ổi Sẻ là có được mấy quả nhỏ cằn cỗi, nhăn nheo. Tre và cây lưỡi hùm mọc đầy theo chu vi khu vườn, làm thành một thứ hàng rào tự nhiên.
Mỗi ngày hai buổi chị em chúng tôi vào vườn để dọn dẹp. Sau nửa tháng, quang cảnh đã thoáng đãng hẳn lên. Chị Hai bắt đầu chặt những cây tre già chất đống để chuẩn bị làm nhà. Chặt tre đối với đàn ông con trai đã không phải là chuyện dễ, huống hồ chi đàn bà, Người ta có câu “nhất đốn tre nhì ve gái” để chỉ sự khó khăn này. Ve cho được gái đâu phải là chuyện đùa! Các đấng mày râu anh nào cũng biết rõ điều này. Nhưng ve gái vẫn đứng thứ nhì thôi! Đốn tre mới là khó. Muốn chặt được một cây tre để sử dụng, trước hết phải lựa xem cây tre cho già đủ tuổi. Tre già thường dễ nhận biết, thân cây không còn bóng loáng, có nhiều chổ màu sắc chuyển từ xanh sang vàng sẫm hoặc đỏ gạch cua. Cành lá bạc màu, lốm đốm trắng. Những cây tre già thường có vô số cây tre non bao bọc xung quanh, gai sắc nhọn, cành lá chằng chịt, nên rất khó chặt. Nhưng với những phụ nữ lớn lên từ làng quê như chị tôi thì việc đó chỉ như ăn một bát cháo nóng.
Gần một tháng sau khi tôi trở về quê, một buổi trưa có một tay xã đội phó du kích thân hình cao lớn, vạm vỡ, trông rất bặm trợn, vai mang khẩu AK, tay xách chiếc đài radio, đi từ dông biển vô,
ghé nhà chú tôi nghỉ ngơi uống nước. Đang ngồi nghe đài bỗng hắn bật đứng lên reo to, mừng rỡ:
- Sè Gòn giải phóng rồi! - Rồi hắn cầm lấy cái đài chạy ra sân
Tôi buộc miệng hỏi:
- Giải phóng gì?
Hắn quay mặt lại trợn mắt nhìn tôi, quát:
- Tao đập mầy bây giờ! – Quát xong, hắn tiếp tục chăm chú lắng nghe radio.
Thật ra không phải tôi hỏi khích bác gì hắn. Lúc đó, tôi chưa đủ tầm cỡ hiểu biết để nói khích như thế. Tôi chỉ buộc miệng hỏi vì hắn nói từ Sè Gòn làm tôi không hiểu.
Một lat sau tay xã đội phó thông báo cho chú tôi biết:
- Dương Văn Minh đã đầu hàng! ... Hô...hô... hô... – Mỗi lần gào lên một tiếng “hô” như thế hắn lại nhảy cẫng lên, hai chân búng ra phía sau như một con ếch khổng lồ.
Hơn một tháng rưỡi sau khi chúng tôi rời Nha Trang, mẹ tôi cũng dẫn em trai tôi và thằng cháu về đến quê. Bà cho chở theo tàu bốn tấm tôn, một số cây gỗ và những vật dụng linh tinh khác. Ngôi nhà sàn để lại cho anh chị tôi ở.
Lúc này, khu vườn đã được dọn dẹp tinh tươm. Một đống tre mới đốn chất ngay ngắn dưới gốc đào. Cái ngõ ra vào được phát rộng, giẫy sạch cỏ. Mẹ tôi dùng mấy tấm tôn và tre gỗ dựng một căn lều ở tạm. Ban đêm hun trấu và cũi đốt khói để đuổi muỗi. Do nhà cửa thưa thớt nên muỗi rất nhiều. May mà mẹ tôi đã chu đáo mang mấy cái mùng tuyn xanh từ Nha Trang về nên cũng không có gì đáng ngại.
Đã có chỗ để che mưa tránh nắng, một buổi sáng mẹ bảo chị em tôi thay đồ mới chỉnh tề để đi viếng mộ cha tôi. Từ ngày về cho đến nay chúng tôi không biết mộ cha tôi ở đâu. Chú tôi cũng không biết. Ngày cha tôi mất chú Bảy đang ở tù tại Côn Đảo, còn chú Sáu ở Nha Trang cũng không về được. Lúc chôn cất chỉ có mỗi mẹ tôi.
Mặt trời vừa mọc, mẹ đã thúc giục mọi người ra khỏi lều. Chúng tôi đi qua một cái trảng cát rộng có nhiều gò mã đến cuối con dốc thì tới nơi an nghỉ của cha tôi. Ngôi mộ là một gò đất cát hơi trệt, có những bụi cỏ chân tượng mọc bốn chung quanh nên gió mưa cũng không làm cho xói mòn nhiều, chỉ có đôi chỗ bị khuyết lõm nông. Chính giữa mộ cỏ một chùm cỏ dại xanh um.Vị trí ngôi mộ không xa con đường cái tơ ích là mấy. Mộ yên vị theo hướng đông bắc – tây nam. Phía đầu mộ được vun cao, lưng tạo hình yên ngựa. Cuối mộ có ba ụ đất nhỏ sắp xếp theo hình bán nguyệt. Nhìn ngôi mộ ai cũng thấu hiểu rằng mẹ tôi thương yêu cha tôi biết chừng nào! Giữa thời buổi súng bay đạn lạc mà mẹ tôi đã lo cho cha tôi một nấm mộ đúng quy cách chỉnh tề chứ không hề tạm bợ, sơ sài.
Chúng tôi đi xung quanh nhổ những bụi cỏ dại và vốc cát bồi đắp vào những chỗ khuyết ổ gà trên mộ Mẹ tôi quỳ bên chân mộ lấy tay bang mặt đất cho bằng phẳng, rồi đặt mấy cái đĩa trên mặt đất. Bà lấy trong cái giỏ nhựa mang theo một nải chuối và mấy xấp tiền vàng mã đặt lên mấy cái đĩa. Chiị Hai tôi thắp một bó nhang cắm bên nải chuối. Chúng tôi quỳ cả xuống chấp tay trước ngực, phía sau lưng mẹ. Bà bắt đầu khấn vái lầm thầm trong miệng, rồi dập đầu cúi lạy. Chị em tôi làm theo. Mẹ vái lạy ba lần như thế, lúc an vị nước mắt bà đã rưng rưng. Mấy chị em tôi cũng sụt sùi khóc theo. Mẹ bảo chị Hai đốt xấp giấy vàng mã. Lúc vừa đốt xong, một làn gió nhẹ cuốn mớ tàn tro bốc lên cao, rồi tan loãng vào không gian buổi sớm. Chúng tôi nhìn theo, có cùng cảm nghĩ rằng cha tôi trên trời linh thiêng đã thấu hiểu được nỗi niềm thương nhớ kính yêu mà chúng tôi đã dành cho Người.
Mẹ tôi lau nước mắt, bảo chị em tôi đứng lên, vái ba vái nữa tạm biệt cha tôi, rồi mới ra về. Mặt trời vừa lên đến ngọn tre đầu làng. Những tia nắng vàng ong lung linh trên nền cát trắng trước mỗi bước chân quay trở lại nhà.
14/7/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.