Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Ngày Đầu Tiên Đi Học

 

NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI HỌC
 
Tôi không có cái may mắn như nhà văn Thanh Tịnh. Dĩ nhiên nhiều người khác cũng đã có một ngày đầu tiên đến trường dễ thương và ngọt ngào như ông tả trong cuốn Quê Mẹ. Nói ra ít ai dám tin, nhưng ngày đầu tiên tôi vào lớp Vỡ Lòng là một ngày kinh hãi nhất suốt quãng đời thơ bé của tôi. Câu chuyện nho nhỏ mà tôi sắp kể ra đây là do chiến tranh gây ra, chứ không là lúc bình thường. 
 
Bài văn vần đầu tiên tôi phải học thuộc lòng ngay từ buổi học đầu tiên là bài “Trâu Ơi Ta Bảo Trâu Này.” Với tôi, đây là một bài ca dao thật khó quên. Khó quên không phải vì tôi là nông dân mà do đây là bài học có một kỹ niệm rất sâu sắc đối với tôi.
 
Năm tôi lên bảy, mẹ tôi cùng một bà láng giềng, mỗi người dẫn một cậu con trai đến lớp của một ông thầy già xin cho chúng tôi vào học. Ngôi trường là một căn nhà mái tôn nóng hầm hập trên bãi cát trống hơi xa làng chài nơi tôi đang ở. Đón tiếp chúng tôi là một ông thầy giáo già. Mái tóc đã ngả màu sương, phía sau ót có một cái búi to tướng. Đôi mắt có những ta nhìn sáng quắc, lạnh băng sau mục kỉnh. Ông mặc chiếc áo dài màu trắng, cái quần dài đến mắt cá chân cũng cùng màu trắng toát. Dáng người ông ốm và cao, lưng hơi rùa. Trông ông có vẻ rất nghiêm trang.
 
Sau khi nói chuyện với thày xong hai bà mẹ ra về. Còn lại hai đứa nhỏ chúng tôi cảm thấy rất bơ vơ. Chúng tôi ngơ ngác đứng nhìn theo phía sau lưng mẹ. Ông thầy già tháo đôi mắt kiếng xuống nhìn chúng tôi một lần nữa, rồi ra hiệu bảo vào lớp. Lớp học có hai dãy bàn ghế kê song song trên nền cát trắng. Hai đứa tôi được xếp ngồi bàn thứ ba dãy ghế phía trái từ cửa bước vào.
Tôi không còn nhớ được bài học đầu tiên là gì, nhưng cuối buổi thầy bảo cả lớp đọc bài “Trâu ơi!” được chép rất chân phương ngay ngắn trên tấm bảng bằng gỗ sơn đen. Sau khi cả lớp đã đọc ba lần, thầy bắt đầu xóa mỗi câu một chữ, và cứ thế cho đọc đến khi cả lớp thuộc lòng. Trên cái bảng đen be bé lúc này chỉ còn cái đầu đề và những chữ đầu câu, cùng với những vệt phấn loang lổ, ngoằn nghèo tạo ra bởi miếng giẻ lau . Bây giờ mới đến hồi gây cấn. Thầy bắt đầu chia ra cho mỗi dải bàn đọc riêng, theo nhịp gõ thước lốc cốc vào tấm bảng đen.
 
Phía dãy bàn bên phải đọc trước. Họ đọc vanh vách. Những tiếng trẻ thơ cố sức gào lên sang sảng mỗi lần thầy gõ nhịp rồi dần dần hạ thấp xuống vì đuối hơi, nghe cũng vui vui, ngồ ngộ. Họ đọc xong, thầy giáo vui vẻ gật gù, rồi vừa khoát tay vừa bảo các bạn ấy có thể ra về. Đứa nào đứa nấy chỉ chờ có thế hớn hở quơ lấy mấy cuốn vở trên bàn, lao phóc ra cửa.
Đến lượt chúng tôi. Thầy giáo vừa gõ nhịp xong, chúng tôi cũng cố hết sức gào lên. Nhưng đến giữa bài thì cả bọn ú ớ... rồi nín bặt. Thầy hơi bực mình gõ bồm bộp lên cái bảng gỗ.
Mỗi lần thầy gõ như vậy có đứa đọc có đứa lặng im. Âm thanh càng lúc càng rời rạc, xộc xệch. Lúc này thầy vẫn còn bình tĩnh, cho chúng tôi đọc lại từ đầu, đến đoạn quên thầy đọc nhắc cho nọi người đọc nối theo. Sau hai lần như thế, thầy lại gõ thước để cho chúng tôi tự đọc. Nhưng... vẫn có bạn đọc được, có bạn không.
 
Lúc này ông thầy già đã bắt đầu mất bình tĩnh. Ông nói, giọng tỏ vẻ hăm dọa:
- Lũ dốt! Chúng mày nghe đây! Đứa nào không đọc thuộc bài thì ở lại, đọc đến chừng nào thuộc thì mới được về! Nào, bắt đầu từ bàn thứ nhất. Đứng lên!
 
Để bớt dài dòng, xin kể tóm gọn. Cuối cùng, cả lớp ra về hết chỉ còn lại hai đứa học trò mới là chúng tôi còn ngồi lại nơi bàn. Ngoài trời bắt đầu tối dần. Hai đứa lúc này đã bắt đầu lo sợ, Càng hoảng loạn, chúng tôi càng không nhớ được câu nào. Ông thầy già nét mặt giận hầm hầm, ra cửa bỏ về. Trước khi đi ông còn vặn khóa cửa phía ngoài nhốt bọn tôi trong lớp. Hia đứa tôi sợ quá phát run, khóc thét lên, đạp vào cái cửa làm bằng tôn rầm rầm, nhưng vẫn không ai mở. Khóc chán, đạp cửa chán chúng tôi ngồi bệt xuống nền cát lau mước mắt và lặng im thin thít. 
 
Trời tối hẳn. Lúc hai đứa tôi vô cùng tuyệt vọng, vừa đói, vừa khát, không có ai để cầu cứu thì cánh cửa bật mở. Ông thầy giáo và hai bà mẹ của chúng tôi đang đứng trước cửa. Hai đứa chạy đến ôm chầm lấy mẹ mình và khóc rống lên vì quá vui sướng. Xóm chài đã lên đèn.
 
Chiều hôm sau, hai bà mẹ dù có đe dọa, la hét đến khản cả cổ chúng tôi cũng nhất quyết không đến lớp nữa. Cuối cùng hai bà cũng chịu thua, tìm trường khác cho chúng tôi. Sau này mới vỡ lẽ ra, lớp của ông thầy già dạy là lớp Một, chứ không phải là lớp Vỡ Lòng. Thấy tụi tôi đã bảy tuổi nên thầy cứ tưởng đã học xong i tờ nên cho vào lớp Một luôn. Thầy đâu biết rằng chúng tôi mới lần đầu tiên đến trường. Bào hại bọn tôi phải một phen kinh hãi.
 
8/7/2022
Trần Đức Phổ
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.