Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Những Điều Nghe Thấy Ở Làng Quê

 

NHỮNG ĐIỀU NGHE THẤY Ở LÀNG QUÊ

Mùa hè đầu tiên sống nơi miền thôn dã tôi đã khám phá ra nhiều điều lý thú. Ngoài cái thú đi hái chùm chu, chùm chay, chọc phá tổ ong, tôi còn biết lội ruộng bắt cá lia thia hoặc trèo cây để bắt chim con hoặc lấy trứng.

Thằng Long con chú tôi từ nhỏ lớn lên sông ở nơi đây nên nó rành mọi đường ngang lối dọc. Nó hay dẫn tôi len lỏi trong các vườn hoang hoặc rừng dương ven biển để lùng tìm ổ chim. Mỗi loài chim đều có những cách làm ổ khác nhau và những nơi chốn khác nhau. Ví như loài chim quành quạch, chim đội mũ thường hay làm ổ trong các ổi cây, cây nhãn thâm thấp trong vườn nhà. Tổ của chúng chỉ to băng cái chén ăn cơm nhưng đan dày và kín. Giống chim gáy lại ưa làm ổ ở rừng dương ven biển xa làng mạc.. Chim cu gáy có hai loại. Một loại lông cánh màu nâu, đầu xám, cổ có nhiều vòng cườm, gù rất hay gọi là cu cườm. Loại thứ hai lông cánh màu hung hung đỏ, đầu xám, cổ không có vòng cườm mà chỉ có nửa vạch lông đen sau gay, tiếng hót ngắn và không du dương như cu cườm. Chúng được gọi là cu lửa; ngoài Bắc gọi chim này là chim ngói. Tổ chim gáy lớn hơn tổ chim quành quạch. Nhưng lại sơ sài hơn. Tổ của nó thường được bện bằng những cộng lá dương biển hình kim. Tổ được bện không dày và không kín kẽ như tổ quành quạch. Trong các kiểu tổ chim, tôi có ấn tượng nhất là tổ chim dồng dộc. Một loại chim thích làm tổ ở những ngọn tre ngoài đồng hoặc ven xóm làng. Tổ được bện bằng rơm rất dày và có chiều sâu dài cả gang tay, trông như một cái túi miệng rộng, đáy thắt. Dù treo lơ lửng trên cao đong đưa trước gió nhưng hiếm khi bị rơi.

Những ngày còn ở tạm nhà chú thím Bảy, cứ mỗi buổi trưa thằng Long lại rủ tôi trốn ngủ đi ra dông biển lùng tìm ổ chim. Ngày đó dân cư còn thưa thớt, chim chóc thì nhiều nên nên ngày nào cũng có trứng mang về. Nhưng chim con hiếm hoi hơn. Vì hễ gặp những con chim mới nở, có bắt về cũng không nuôi được. Muốn bắt chim non phải lựa những con đã dập bao tử, đã ra lông cánh nhưng chưa thể bay được đem về nuôi mới cơ hội sống sót.

Bắt ổ chim chán, bọn tôi lại rủ nhau đi bắt cá lia thia. Một loại cá đồng có sắc xanh đen, đuôi và vây đỏ hồng, trông rất đẹp. Chúng là loại ca hiếu chiến và hung hãn, chỉ cần bỏ hai con cá đực vào chung một cái chai là chúng phùng mang, xòe vây, cong mình uy hiếp nhau liền. Dù đối phương kháng cự hoặc bỏ chạy con kia cũng đều lao tới tân công ngay lập tức. Loài cá này thường sinh sống bên cạnh bờ cỏ trong các rạch nước tù đọng, hoặc bờ ao, bờ đầm. Muốn bắt chúng chỉ cần dụng cụ là một cái vợt hay một cái rổ tre đều được. Cứ đi men theo bờ mương nhìn thấy nơi nào có một đám bọt như bọt xà phòng thì nhẹ nhàng thả cái vợt xuống cho sâu rồi rê lại đám bọt và nâng lên. Thế nào cũng có một con hoặc cả một cặp lia thia lọt vào vợt. Điều cần chú ý là phải tìm đám bọt còn mới. Bọt mới có màu trắng hơi đùng đục, còn bọt cũ thì ngả sang màu vàng ố, chứng tỏ cá đã bỏ ổ lâu rồi. Chúng tôi chỉ lấy cá đực về nuôi cho chúng đá nhau còn cá mái thả đi.

Một bữa sau khi bắt cá xong, thằng Long dẫn tôi ghé chơi nhà bác thôn trưởng ở cuối xóm. Cũng không biết là chơi hay là trình diện. Bác này khoảng chừng ba mấy bốn mươi tuổi. Tay trái bị cụt gần đến vai. Trong nhà còn có hai người phụ nữ, và hai đứa nhỏ, một trai một gái. Bà cụ già lưng còng gần sát đất. Miệng nhai trầu bỏm bẻm.

Chúng tôi ngồi ngoài hiên, trước của một căn nhà tranh mái chái ba gian, vách đất nhưng nhỏ bé, cất theo kiểu nhà miền Trung. Bác ấy hỏi tôi về những ngày gia đình tôi sinh sống ở Nha Trang. Tôi thật thà kể hết mọi chuyện tôi biết. Thằng Long ngồi kể bên nãy giờ lắng tai nghe bỗng bậtt cười, lên tiếng:

- Bác coi! Anh Tám thật thà ghê! Kiểu này ảnh mà làm liên lạc, tụi ngụy nó bắt được, chắc sẽ khai hết!

Bác trưởng thôn nháy mắt với nó, như bảo biết rồi. Bị chê là bụng để ngoài da trước mặt người lạ tôi hơi bực mình nhưng cũng im lặng.

Dọc đường về tôi hỏi nó tại sao không nên nói thật thà. Nó không đáp mà hỏi lại tôi:

- Anh có biết là em từng bị tụi lính ngụy nó chôn sống không?

Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn nó, ngỡ rằng mình nghe nhầm nên hỏi lại:

- Chôn sống? ... Sao “anh” còn sông đến bây giờ? – Tuy nó là em họ tôi nhưng lại lớn tuổi và cao hơn tôi cả cái đầu nên tôi ngại gọi nó bằng em.

 

Nó nghe tôi hỏi vậy, cười hềnh hệch, đôi mắt nhắm tít lại, hai vai rung rung liên hồi. Cái thằng có kiểu cười rất khác người. Cười dứt nó nói:

- Anh khờ quá! Nó chỉ chôn đến cổ thôi!

- À! ...

Không đợi tôi hỏi gì, nó kể:

“Hôm đó, chúng đi càn. Lùa cả xóm ra dông biển để hỏi hầm bí mật, nơi cán bộ, du kích trốn.  Không ai khai gì. Hỏi gì mọi người cũng đều nói không biết nên tụi nó tức giận bắt đàn bà con gái cởi truồng đứng xếp một hàng dài bên mép sóng. Còn tụi em thì bọn chúng đào một cái hố bắt nhảy xuống và lấp đất đến cổ.”

- Đàn ông, thanh niên thì sao?

- Họ chạy trốn từ trước hết cả rồi!

- Rồi sao nữa?

- Xế chiều, bọn lính rút về chi khu mọi người đào tụi em lên.

Tôi bán tin bán nghi về câu chuyện nó kể, nhưng im lặng không hỏi gì thêm. Nó cũng lặng im lầm lũi đi về nhà.

Chuyện phụ nữ bị bắt cỡi truồng, hơi khó kiểm chứng vì ngoài thằng Long tôi không còn nghe ai nói đến. Việc hỏi một phụ nữ về chuyện như thế thật thiếu tế nhị nên cũng không ai làm, Và có lẽ họ cũng không dám nói thật nếu có. Nhưng còn chuyện mấy đứa trẻ choai choai ở xã Phổ Xuân bị chôn sống trong một trận càn thì tôi cũng có nghe nhiều người nói. Hình như đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam cũng nói đến. Sau này trong một bài đọc thêm trong cuốn Tập đọc lớp Hai tôi cũng có đọc được chuyện này. Hôm cùng bị nạn với thằng Long còn ba đứa khác nữa. Năm 1976 tôi có gặp một đứa trong bọn chúng. Thằng này được đưa ra Bắc, cán bộ ngoài Bắc dùng nó làm vật chứng sống dẫn đi khắp nơi tuyên truyền về tội ác Thiệu-Kỳ. Biết nó từ Bắc về tôi tò mò hỏi thăm cho biết miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa như thế nào. Nó chỉ cười cười mà không nói. Năm 1978, nó vào Nha Trang đi biển rồi vượt biển luôn. Hiện nay đang sống bên Mỹ. Năm 2009, nó bảo lãnh cả gia đình đứa em sang Mỹ đoàn tụ.

Tôi kể lại chuyện trên không nhằm mục đích xuyên tạc, tố cáo, chỉ trích gì ai hoặc bất cứ nhóm người nào mà chỉ là nhắc lại một câu chuyện buồn của quá khứ chiến tranh đã xảy ra trên quê hương tôi. Nó như một vết sẹo nhỏ ghi dấu một thời khói lửa. Nó cũng là một phần ít ỏi hiểu biết về cuộc chiến tranh Việt Nam của tôi trong những ngày thơ ấu. và chỉ vậy thôi!

15/7/2022
Trần Đức Phổ

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.