Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Buồn Vui Ngày Ấy

 

BUỒN VUI NGÀY ẤY 
 
Từ đường Phan Đình Phùng đi về hướng sông Cái đến cây cầu Ván, (thường được gọi là Cầu Xanh), bắc ngang qua con rạch chỗ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là đến khu vực Cồn Giữa. Tuy rằng thuộc thị xã Nha Trang nhưng nơi đây chỉ là một khu dân cư tự phát, chưa hề được quy hoạch. Nhà cửa cất tạm bợ, đa phần là nhà sàn, mái tôn, vách ván ép. Lác đác mới thấy có một căn nhà xây gạch khang trang. Khi mới tới nhìn thấy những căn nhà sàn tôi cũng hơi lạ lùng, về sau mới biết công dụng của chúng. Cồn Giữa vốn là một khu đất trũng ven cửa sông Cái nên năm nào cũng bị ngập lụt. Nhà sàn là cách chống lụt tốt nhất. 
 
Từ đầu Cầu Xanh có con đường đất chạy về phía biển khá rộng rãi. Đó là đ con đường chính của xóm Cồn Giữa. Trường Tiểu học tư thục Đức Hòa,, hàng quán, chợ, phòng mạch bác sĩ... đều nằm trên trục đường này. Còn lại là những con hẻm nhỏ, ngang dọc, ngoằn ngoèo, len lỏi trong những khu nhà chật chội của những người dân ngheo tứ xứ đến định cư. 
 
Ngay ngã ba trường Đức Hòa, men theo con hẻm nhỏ đi ra hướng bờ sông Cái, rồi lội qua một lạch nước cạn có lót vài tấm gi sắt cho dễ di, cứ tiếp tục đi thêm độ hơn trăm mét nữa, sẽ đến bến đò ông La. Đi đò là con đường ngắn nhất nối Cồn Giữa với Cồn Cỏ. Tôi vẫn luôn thắc mắc mãi không hiểu tại sao người ta gọi cái cồn bên mé tả ngạn, nơi tôi đang ở là Cồn Giữa? Trong khi đó cái cồn ở giữa sông lại gọi là Cồn Cỏ? Đến tận bây giờ tôi cũng chưa biết vì sao lạ thế. 
 
Từ bến đò đi qua con mương nhỏ có một doi đất hẹp và cao nằm kẹp giữa bờ sông Cái và khu đầm cạn. Đầu doi đất là một cái trụ điện cao thế hình tháp, được làm bằng những thanh sắt bắt chéo cao vút. Chân trụ đổ bê tông thành một cái ụ to đùng, vuông vức. Đỉnh có hình bánh ú. Gần đấy là cây keo tây khá lớn, tới mùa trái chín đỏ rực, nhưng cành lá gai góc nên ít ai trèo hái. Kế tiếp cây keo già là một dãy nhà sàn, trong đó có ngôi nhà nới nua của gia đình tôi.
 
Căn nhà đâu tiên của dãy chủ là ai tôi không quen biết. Căn thứ hai của chú Đạo, một ngư dân còn trẻ nhưng đầu hơi hói, có một vợ và hai đứa con. Đứa con gái lớn học chung lớp với tôi. Kế vách là nhà tôi. Căn thứ tư của bác Liêm già, góa vợ, làm thợ cắt tóc dạo. Nhà bác có ba cô con gái chưa chồng, cậu con trai út tên Sơn đang học lớp Đệ Thất. Cuối dãy, một ngôi nhà khá đồ sộ nằm hơi chếch về phía cái đầm cạn là nhà của cậu thằng Xê, chủ tàu đánh cá. Nhà đó có ba anh em, và một bà mẹ già. Người anh lớn nhất đã lập gia đình, nhưng không có con, hai cậu em còn độc thân. Tôi ít trông thấy họ vì họ thường vào Kiên Giang, Rạch Giá để làm biển, mỗi năm chỉ về vài lần. Ở nhà còn mỗi hai người đàn bà và thăng Xê.
 
Nhà tôi có hai cái cầu thang để lên xuống sàn. Một ở phía trước hướng ra bờ sông Cái, cái còn lại ở phía sau hướng ra khu đầm cạn, có lối dẫn đến nhà cậu thằng xê. Căn nhà chúng tôi ở rất nhỏ, chỉ có hai phòng ngủ một phòng khách, bếp và phòng ăn chung, không có nhà vệ sinh. Căn nhà nào cũng đều như thế ngoại trừ nhà thằng Xê có nhiều phòng ngủ hơn. Lúc cần thiết mọi người sử dụng mấy cái toilet công cộng ngay chỗ cột điện, do năm nhà cùng góp tiền làm, xả uế thẳng xuống con sông Cái, giống như kiểu nhà vệ sinh ở miền Tây.
 
Tuy cuộc sống mới có hơi chật vật và lạ lẫm mọi điều nhưng đêm đêm được ngủ thẳng giấc, không bị tiếng ca-nông làm giật mình hỏarng sợ nên mặt mày ai nấy cũng rạng rỡ, tươi vui. Tôi càng vui hơn khi được học trong một ngôi trường mái ngói tường vôi, và còn quen biết một số bạn mới. Ngoài thằng Xê, và con gái chú Đạo học cùng lớp, tôi chơi thân với thằng Đua nhà ở cạnh con hẻm, chỗ cái lạch có lót mấy tấm gi sắt. Chuyện tôi làm quen thằng này cũng từa tựa như chuyện “anh hùng võ hiệp, không đánh không quen nhau”. 
 
Số là một hôm tan học tôi và nó cãi cọ điều gì đó, tôi không còn nhớ nữa. Mấy đứa quỷ sứ lại đổ thêm dầu vào lửa. Thế là hai thằng nhốc láo vào đánh nhau túi bụi. Thằng Đua to khỏe nhưng lùn hơn tôi. Mỗi đứa có một lợi thế riêng. Kẻ năm lạng người nửa cân, cuối cùng cả hai lỗ mũi đều ăn trầu, cái đầu nổi u. Nhưng chỉ mấy hôm sau lại làm huề và kết bạn thân.
Một đứa bạn khác là thằng Tèo lai da đen. Nó nhỏ hơn tôi ba bốn tuổi, không đi học, nhưng nhà ở chung xóm. Tôi làm bạn với nó vì tính tình vui vẻ, tóc xoăn tít, cái miệng rộng, cười lộ cả hai hàm răng sún. Nó mê phim Lý Tiểu Long lắm. Hễ coi phim xong về nhà cứ bắt chước múa tay, đá chân, trông cứ như chú khỉ.
 
Dù học ở trường Đức Hòa chỉ có một năm nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa quên ngôi trường này. Trường gồm hai dãy nhà ngói, tường gạch, phết vôi vàng, hình chữ L. Một dãy quay lưng về phía con hẻm, dãy kia hướng mặt ra đường Cồn Giữa. Chính giứa là một cái sân rộng, lát gạch. Trong sân có cây cột cờ cao. Mỗi sáng thứ Hai chúng tôi đều xếp hàng chào cờ trước khi vào lớp. Cổng trường gắn một tấm biển sơn xanh. Hai chữ Đức Hòa màu đỏ to đùng, bên trên có ghi hàng chữ màu vàng nhỏ hơn: “Trường Tiểu Học Tư Thục”.
 
Tôi học lớp Hai, do cô Lầm phụ trách. Cô có dáng người đạm nhưng cao ráo, nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường. Đứa nào không thuộc bài hoặc không làm bài tập cô bắt nằm dài trên ghế đánh từ năm đến mười thước gỗ. Bọn học trò lớp lớn đồn rằng mấy năm trước cô đánh một đứa rướm máu cả mông. Bọn nhóc tôi đứa nào cũng sợ cô. Quả nhiên suốt cả năm học tôi thấy có nhiều đứa bị đòn, nhưng không đến nổi chảy máu mông. Tôi là đứa trẻ sợ roi nên luôn chăm chỉ học hành. Vì thế đã không bị ăn đòn mà thỉnh thoảng được ghi tên lên bảng danh dự, lúc bằng mảnh giấy màu xanh, lúc màu vàng.
Ba năm sống ở Nha Trang, tôi có đi xem xi-nê vài lần ở các tạp Tân Tân, Tân Tiến với các anh chị. Lần khác, vào khoảng đầu năm 1975, tôi và thằng Xê đang xem phim ở rạp Tân Thanh thì bỗng dưng có ai đó hô to: “Bom!” Thế là cả rạp đứng lến, ùn ùn bỏ chạy. Nhiều người bị mất cả dép guốc. Khi ra đến ngoài đương tôi mới biết mình cũng bị mất một chiếc dép. Thằng Xê nhìn tôi đi dép một chân cười ngặt nghẽo.
 
Trước ngày Nha Trang bị “giải phóng” thị xã vô cũng hỗn loạn. Những toán hôi của tỏa ra mọi ngả đường. Chúng vào các cửa hiệu buôn, tiệm thuốc tây, các nhà kho... đập phá lấy đồ. Thỉnh thoảng có tiếng súng trường nổ râm ran. Nhưng là súng của bọn hôi của chứ không phải đánh nhau.
Hôm Việt cộng tiến vào thị xã, thằng Xê rủ tôi đi coi xe tăng. Nó dẫn tôi lên đường Quốc Lộ 1A đoạn bên này cầu Hà Ra, gần chỗ Ty Thông Tin. Lúc đi trên đường Phan Bội Châu, tôi thấy tấm ảnh ông Tổng Thống Thiệu nằm phơi trên mặt đường, cúi xuống định nhặt lên. Thằng Xê đánh vào tay tôi, nó nói to: 
 
- Mầy lượm làm gì? Coi chừng bị bắt đó!
 
Nó nói bị “bắt” hay bị “bắn”, tôi không nghe rõ nhưng thôi không nhặt nữa. Tiếp tục đi theo nó đến ngã ba Ty Thông tin. Nơi đó có một đán đông đang tụ tập, đa phần là phụ nữ và những đứa trẻ choai choai. Lác đác thấy có một vài ông mặc áo sơ mi, quần tây, chân mang giầy da đen đứng xen lẫn vào. Một đoàn xe tăng có nòng pháo dài ngoằn ngụy trang bằng vài chùm lá chạy qua. Trên nóc mỗi thùng xe có một vài bộ đội đang ngồi vắt vẻo, đưa tay vẫy vẫy. Dân chúng hai bên đường nhao nhao vẫy tay reo hò. Thằng Xê nắm tay tôi chạy ra một chiếc xe tăng, đưa tay bắt với một anh bộ đội. Nó vui mừng cười toe toét khi được người lính chìa tay bắt lại. Năm đó đó, nó đã cao lớn rồi nên mới chìa tay bắt được, còn tôi thấp bé không thể làm như nó. 
 
Xem chừng một lúc lâu, thấy chán, tôi giật áo nó rủ về. Nó hất tay, bảo tôi về trước. Tôi bỏ về một mình vì không muốn mẹ ở nhà lo lắng vì vắng mặt quá lâu trong thời buổi loạn lạc. Lúc tôi đi ngang qua trụ sở phường Xương Huân nhìn thấy có treo một lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chính giữa là ngôi sao vàng. Lòng tôi trống rỗng, chẳng vui mà cũng chẳng buồn.
 
Chiều hôm đó có hai chiếc máy bay phản lực lướt qua vòm trời Nha Trang. Một tiếng nổ to vang lên, một cột khói và lửa bốc cao bên phía bắc cầu Xóm Bóng. Hàng loạt tiếng sung phòng không nổ đì đùng. Bầu trời có những cụm mây nhỏ màu trắng bung ra như những bông hoa đang nở.
 
12/7/2022
Trần Đức Phổ
 
 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.