Sinh sống ở đất nước Canada cách xa quê hương cả ngàn dặm, thỉnh thoảng tôi lại dặn bà xã hễ đi chợ nhớ nua khoai lang về nấu ăn cho đỡ thèm. Mà lạ, cái đất nước tư bản ‘giẫy chết’ này không thiếu bất cứ món ăn gì. Khoai lang, khoai mì, khoai sọ... nhiều vô kể. Từ chợ Tàu đến chợ Tây đều có bán cả. Đủ các loại khoai lang, đủ các loại màu sắc: vàng, cam, tím, đỏ.... Giá cả cũng tùy loại, loại ngon thì mắc tiền, loại dở thì rẻ, tùy nghi chọn lựa.
Bữa sáng thay vì ăn một gói mì tôm có nhiều hóa chất bảo quản và muối, tôi thích luộc dăm cái củ lang, và chế (pha) một tách trà xanh cho nó lành mạnh, bổ dưỡng. Người ta ăn khoai mì nói chuyện thế giới còn tôi ăn khoai lang kể chuyện xưa.
Nhớ lại, hơn nửa thế kỷ trước, ông ngoại tôi sáng sáng thường ngồi bên nồi khoai luộc bốc khói nghi ngút hay ngâm nga cái câu tôi đã nghe đi nghe lại đến thuộc lòng: “Võng giá nghênh ngang, không bằng khoai làng với nước chè (trà)”
Tôi thắc mắc hỏi ông:
- Võng giá là gì hở ông?
Ông tôi không trả lời chỉ vuốt râu cười.
Là một miền đất pha cát, có màu sắc gần giống với đất đỏ bazan nên đất đai quê tôi rất thích hợp cho việc trồng khoai mì, khoai lang...
Không phải nói phét chứ không có khoai lang xứ nào ngon bằng khoai lang quê tôi. Đúng như câu ca dao:
"Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất động đã ngon lại bùi”
Chỉ cần ngắm nhìn hình dạng những củ khoai lang mới đào lên đã thấy ngon rồi. Khoai không to lắm, thường chỉ dài chừng một gang tay và tròn trĩnh mập mạp như những chú chuột chù. Màu da hơi hồng sẫm, vỏ mỏng, trơn láng, không bám nhiều bùn đất, ít sùng hà; ruột khoai trắng ngần. Khi nấu chín mùi thơm tỏa ra dìu dịu, thoang thoảng. Lớp vỏ mỏng dễ bóc, cắn vào có cảm giác bùi và bở, hơi có vị ngọt, ăn không ngán. Lúc nấu cần bỏ thêm chút muối vào cho vị càng đậm đà.
Mùa trồng khoai ở quê tôi bắt đầu từ cuối tháng bảy âm lịch, khi chiều chiều thường có những cơn mưa giông. Nhưng trước đó cả mấy tháng trời, mọi người đã lo chuẩn bị phân, giống. Khoảng thánh hai, tháng ba người ta đã mua dây lang về giâm (ươm mầm) trong vườn cho tiện tưới nước. Phân bón thì cắt các loại lá cây xanh hoặc lấy rơm rạ trộn với phân bò, phân heo ủ thành đống để sẵn.
Cuối mùa hạ, khi vừa có những trận mưa đầu mùa cũng là lúc mọi người đổ xô ra rẫy để trồng khoai. Trồng khoai trên rẫy phải đánh vồng. Dùng phân xanh đã ủ bón lót. Đàn ông con trai vun vồng; đàn bà con gái chỉ việc cắm những khúc dây lang đã cắt ra từ vườn giâm xuống vồng đất.
Sau khi trồng khoảng chừng bốn đến năm tháng là có thể bắt đầu đào khoai về nấu. QuaTết Nguyên Đán cũng là thời kỳ lá khoai tàn úa, cần phải thu hoạch gấp. Chiều chiều, nhà nhà đều kéo nhau ra rẫy, vỡ vồng đào khoai. Tiếng gọi nhau, tiếng cười nói í ới. Những gánh khoai nặng trĩu, làm oằn vai các cô thiếu nữ nối nhau trên đường làng. Nhà nào khoai cũng chất thành đụn thành đống to.
Đêm đến mọi nhà chong đèn xắt khoai thành từng lát, để rồi sáng hôm sau lại gánh ra dzông biển (dải cát dài dọc theo bờ biển) mà phơi phóng. Có nhiều người muốn cho thuận tiện, đỡ tốn công sức họ làm chòi ngay tại rẫy để chứa và xắt khoai tại chỗ.
Khoai lát phơi khô, cất trong lẫm trong vại hoặc bồ đựng lúa để dành ăn cả năm. Thỉnh thoảng nếu cần tiền mặt có thể đem vài thúng ra chợ bán. Món khoai lang khô nấu với đường, đậu phộng và dừa nạo cũng là một món ăn khoái khẩu. Ngoài ra, khoai lang tươi còn được dùng làm mứt, nấu chè, tráng bánh, và chà bông trộn đường cũng rất ngon và bổ.
Quê tôi không trù phú như những nơi khác, nhưng người dân chưa bao giờ phải chết đói cho dù là những năm tháng khắc nghiệt trong thời kỳ bao cấp hay năm Dậu 1945. Được như vậy cũng là nhờ những vồng khoai lang xanh mướt kia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.