Sáng nay, đọc trên Facebook của thi sĩ Nguyễn Hàn Chung về chuyện ông đã tặng thơ cho bạn bè, nhưng có người vì không biết trân quý tình cảm cũng như tác phẩm của ông mà đem sách ra bán ngoài chợ trời. Nhưng đây không phải là tình trạng hiếm hoi. Còn nhớ có lần tôi đọc được trên trang Facebook của thi sĩ Luân Hoán, cũng thấy ông tâm sự rằng đã tặng sách cho một người bạn và họ đã đem sách kê chân giường. Nhưng hai nhà thơ đều không giận bạn mình. Ôi, thật buồn cho những tác phẩm bị hất hủi của người làm thơ. Thật ngậm ngùi!
Luân Hoán và Nguyễn Hàn Chung đều là những nhà thơ lão làng, thành danh từ lâu lắm rồi, nhưng số phận tác phẩm của họ còn ‘chìm nổi’ như thế thì kẻ làm thơ trẻ trâu tập tễnh như tôi có là gì. Thế nên tôi cũng đã in được ba bốn tác phẩm nhưng không hề dám đem tặng bất cứ ai ngoài nột số thân quyến và bạn bè thân thiết. Tuy thế mà cũng gặp tình cảnh dở khóc dở cười.
Số là tôi đem cuốn “Áo Lụa Tình Quê” mới vừa in xong còn nóng hổi đến tặng cho một anh bạn thân mà tôi quen biết từ ngày mới đặt chân đến Canada. Người bạn rất vui vẻ, chúc mừng tôi, nhắc lại rằng anh vẫn còn nhớ bút hiệu Vũ Thế Sương của tôi trong đặc san Liên Hội Người Việt Canada mấy chục năm trước. Một tháng sau, tôi ghé lại nhà anh uống rượu. Lúc đi toilet tôi bất ngờ phát hiện ra cuốn sách của mình tặng nằm chung cùng số báo chợ, tờ rơi... ở góc phòng.
Thấy tôi đi toilet ra chị vợ anh bạn dường như đoán được những điều tôi thấy nên nhanh mồm nói:
- Tập thơ của anh, anh D để ở trong đó để lấy dọc cho tiện.
Tôi chỉ biết mỉm cười, nói cho qua chuyện:
- Đọc ở đâu cũng vậy thôi, miễn có đọc là tốt rồi.
Bạn tôi nói vuốt theo:
- Tui đọc gần xong rồi. Thơ hay lắm! Dzô... nào!
Tôi nghĩ trong bụng: “Xạo! Thơ hay mà để ở toilet!”
Làm thơ là để tâm tình, là để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình. Còn in sách là để thỏa mãn niềm vui khi thấy tác phẩm của mình có hình có dạng. Nhiều người cho rằng có thơ in thành sách mới là nhà thơ thành danh. Tôi thì nghĩ khác, đôi khi in thật nhiều sách nhưng chưa chắc đã nên danh. Ngược lại đăng vài bài lên mạng, nếu thực sự làm cảm động được lòng người như bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh" của cô giáo Trần Thị Lam thì tiếng tăm cũng nổi như cồn. Cảm khái về điều này năm ngoái tôi có viết một bài bốn câu:
NHÀ THƠ
(tặng thi sĩ facebook)
đêm ngày vắt óc mần thơ
bỏ tiền in sách tặng cho bạn bè
mua danh vất vả ê chề
chết đi có hóa cây đề, cây đa
Bài đăng Facebook, một số bạn còm dường như không đồng tình. Tôi nghĩ họ đã hiểu lầm từ “Mua danh” trong câu 3. Tôi cũng không thanh minh, Thật ra chữ ‘mua danh’ ở đây không giống như mua quan mua chức. Chữ ‘mua’ là một từ tôi đã lựa chọn kỹ, chữ dùng hoàn toàn với ý nghĩa tích cực. Mua danh bằng cách làm thơ, in sách là một việc làm vô cùng chính đáng. Vì cái danh thi sĩ “mua” hoàn toàn bằng tim óc của họ. Trong bài Vịnh Bức Dư Đồ Rách của cụ Tản Đà có câu: “Ấy trước ông cha mua để lại, mà sau con cháu lấy làm chơi.” Vâng. Ông cha ta đã mua sơn hà bằng xương máu, thật đáng kính phục thật đáng tự hào, trân trọng biết bao nhiêu. Chữ “mua” mà tôi dùng cũng mượn từ ý nghĩa đó nhưng với tầm mức thấp hơn, là tâm huyết của những người sáng tác thơ.
Thật ra chuyện thơ tặng bị vất bỏ vào thùng rác cũng là đều bình thường ở đời. Bởi lẽ với mình nó là đứa con tinh thần thai nghén vài ba năm nhưng với người khác chỉ là một tập giấy có chữ chi chít được cho không!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.