Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

CHẠY CÒNG

 

Ký ức tuổi thơ



 

CHẠY CÒNG

 

Quê tôi nằm sát bờ Biển Đông. Từ nhà ra đến bãi biển khoảng chừng 500 mét. Có những hôm biển động mạnh, nằm ở nhà vẫn nghe tiếng sóng vỗ. Trong không khí, hít thở luôn cảm giác được vị mặn của muối.

Những ngày hè nóng bức, chiều chiều cả xóm thường kéo nhau ra tắm biển. Thuở ấy, dân cư còn ít, không có hồ tôm, ao cá nên bãi sạch trơn. Nước trong xanh, lội tới ngực vẫn nhìn thấy đáy cát. Đôi khi còn nhìn thấy cả con ngao, con cúm núm nằm sát mặt đất. Ngoài xa, những chiếc ghe buồm, ghe chèo ngang dọc trên mặt biển xanh. Mấy chú chim hải âu chao đôi cánh trắng lượn lờ, thỉnh thoảng lại kêu lên inh ỏi. Trong bờ, những con sóng nhỏ lăn tăn, sủi bọt trườn mình lên bãi cát, nơi có những con còng đang mải miết đào hang.

Thú vị nhất là vào những đêm mùa hè. Ở miền Trung, đêm mùa hạ, trời rất nóng nực, khó ngủ. Bọn trẻ chúng tôi thường chờ trời sụp tối là rủ nhau cuộn chiếc chiếu cũ đem ra trải trên bãi cát để nằm ngắm trăng, sao. Những đêm rằm, mười sáu mà nhìn trăng đúng lúc vừa nhô lên khỏi đường chân trời thì thật là tuyệt. Mặt trăng to, tròn vành vạnh vàng ối như một quả hồng khổng lồ từ từ trồi lên khỏi mặt nước đen ngòm mênh mông. Những tia sáng đầu tiên trải một vệt dài trên mặt biển lấp lánh, lung linh như những chuỗi đồng tiền vàng. Khi trăng lên cao bọn trẻ chúng tôi xúm lại tổ chức những trò chơi như kéo co, rượt bắt, bỏ khăn... Cuộc vui kéo dài mãi đến khuya, khi đã thấm mệt mới giải tán đi ngủ.

Những đêm có trăng đã vui, những đêm không trăng lại càng lý thú hơn. Chờ lúc trời vừa tối, các anh chị lớn tuổi thường tổ chức “chạy còng”. Đó là cách gọi trò rượt đuổi để bắt những chú dã tràng bên mép sóng. Chạy còng thường có hai cách. 

Cách thứ nhất là dùng một cái đèn măng-xông thắp sáng rực. Một người lớn cầm đèn đi trước, bọn nhóc chúng tôi đi phía sau, chia ra hai bên tả, hữu như dàn quân đánh lộn. Những chú còng gió to đùng chẳng quản ngày đêm se cát lấp biển, đột nhiên nhìn thấy đất trời sáng lóa, liền ngừng chân đứng lại giương đôi mắt ngờ nghệch lên nhìn. Chỉ đợi có thế bọn trẻ theo sau chạy ào lên, dùng những bàn tay thô kệch vồ lấy chúng. Nhiều con thoát được cố tìm đường tháo chạy về phía biển. Ngay lập tức vài đứa nhanh nhẹn lao theo túm lấy. Nhiều đứa vì quá hăng say bị vấp té, hoặc sóng đánh ướt mèm. Tuy vậy hẽ bắt được chú còng là coi như lập được công trạng rồi, nên khoái trá ra mặt. Còng bắt được vội vàng bỏ vào thùng thiếc có nắp đậy do một bạn xách theo sau. Đội hình không ngừng di chuyển theo bề dài của bờ biển.

Cách thứ hai là dùng một mảnh lưới cước mềm, mắt lưới nhỏ, quê tôi gọi là lưới bén, người miền Tây dùng để đánh bắt cá sông, làm dụng cụ vây bắt. Tấm lưới giăng ngang, kéo dài từ mép sóng lên phía trên bãi khoảng 2 đến 3 mét. Mỗi đầu do một người cầm mí lưới (đầu phao), còn đáy lưới (đầu chì) thì thả sát mặt đất. Hai người một trên một dưới cùng kéo tấm lưới chạy về phía trước, chạy hơi chênh chếch nhau. Phía mép nước chạy trước vài bước để đón lỏng khi bị kinh động những con còng tháo chay về phía biển là sa ngay vào lưới. Hễ chạy được một đoạn thì ụp chiếc lưới lại, bật đèn pin lên để soi bắt những con còng đã dính vào lưới, gỡ chúng ra bỏ vào cái thùng thiếc. Và cứ thế quy trình lại tiếp tục bắt đầu lại từ đầu. Có hôm ‘trúng mánh’ có thể bắt được cả một thùng thiếc to.

Cuối buổi chạy còng xong, mọi người quây quần lại đốt một đống lửa thật lớn để nướng hoặc rang số còng chiến lợi phẩm. Những con còng mập mạp vừa béo vừa thơm, ăn nóng bên bếp lửa giữa khung cảnh vắng lặng mênh mông chỉ có ánh sáng sao mờ mờ như thời tiền sử, cảm giác cũng thật là lạ.

Cuộc sống của những đứa trẻ miền bãi ngang thuở trước thật vô cùng gần gũi với mẹ thiên nhiên. Đứa trẻ nào cũng đen nhẻm. Da thịt, tóc tai thấm mùi biển mặn. Tuy thế, đứa nào trông cũng khỏe mạnh, rắn rỏi. Tuổi thơ của tôi là như vậy, ngập tràn những kỷ niệm về miền thùy dương sóng xanh cát trắng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.