Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Quê Tôi

 

HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP QUÊ TÔI 

Người có tuổi thường hay viết hay kể về những chuyện trước đây. Cũng rất dễ hiểu, vi già yếu không còn xông xáo như thời trai tráng, mắt mũi kem nhèm nên đọc báo đọc tin cũng chậm chạp hơn. Đầu óc thì chậm lụt. Bởi vậy chuyện đương thời không cách nào bén nhạy bằng các bạn còn trẻ. Những chuyện mình không rành khi nói và viết đều rất khó. Vì thế cứ ‘ăn mày quá khứ’ là dễ dàng thuận lợi nhất.
Tôi dài dòng rào đón là mong muốn được mọi người cảm thông trước khi viết ra những điều xưa như trái đất, bị mọi người tránh né như tránh hủi, đó là chuyện Hợp tác xã nông nghiệp trong thời kỳ bao cấp 10 năm (1976-1986) ở miền Nam Việt Nam.
 
Như tôi đã nhiều lần nhắc đến, làng tôi vừa có ruộng vừa có rẫy lại có cả biển. Nhưng những năm bao cấp tôi còn bé không thể đi biển được nên chỉ có thể làm ruộng và làm rẫy. Làm rẫy thì nhà tôi có đất đai của ông bà để lại, nhưng không có một tấc đất ruộng nào. Do đó gia đình tôi thuộc thành phần bần nông nên được vận động vào Hợp tác xã đầu tiên. Ngày đó đọc những cuốn sách viết về nông thôn miền Bắc làm hợp tác xã với những cánh đồng lúa năm tấn, tôi ngưỡng mộ và ham muốn lắm. Ước ao rằng quê tôi cũng làm hợp tác xã để tôi có cơm ăn cho thỏa thích. Thế nên nghe nói địa phương sắp thành lập hợp tác xã nông nghiệp tôi mừng lắm, cố gắng thuyết phục mẹ tôi ghi danh đầu tiên. 
 
Tôi nói với mẹ:
- Ngoài Bắc người ta làm hợp tác xã năm nào cũng bội thu. Tất cả những chi phí sảm xuất nhà nước đều lo, mình chỉ cần đi làm công rồi cuối mùa thu hoạch gánh lúa về thôi.
Mẹ tôi nghi ngờ:
- Dễ ăn như thế sao trong ta nhiều người không chịu vào?
- Chắc là họ có nhiều ruộng quá. Vào hợp tác sẽ bị mất sạch nên họ chống đối thôi!
- Nhưng sao mẹ thấy mấy gia đình tập kết từ ngoài Bắc trở về đây còn nghèo hơn nhà mình?
- Có lẽ do họ ở thành phố, gốc công nhân vô sản mà mẹ! Hơn nữa nhà mình vào hợp tác xã được nhận vài chục mét vuông ruộng phần trăm cũng tốt mà!
Bị tôi làm thuyết khách mẹ tôi đồng ý. Hôm đi ghi tên về mẹ đưa cho tôi tờ giấy vẻ không vui:
- Con đọc đi! Sao họ bắt mình phải xin xỏ?
Tôi cầm tờ giấy đánh máy thấy ghi phía dưới câu khẩu hiệu bắt buộc cho tất cả mọi đơn từ, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc là dòng chữ: Đơn Xin Vào Hợp Tac Xã Nông Nghiệp. Tôi cũng ghét hai chữ “đơn xin” nhưng vội an ủi mẹ tôi:
- Họ máy móc làm theo thủ tục thôi mẹ ơi! Đề đơn xin coi như mình tự nguyện tham gia cũng hay hay mà!
Mẹ tôi không nói gì thêm.
 
Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đi làm hợp tác xã là một buổi sáng mùa hè. Đúng sáu giờ sáng trong xóm vang lên tiếng keng... keng... keng... của những mảnh kim loại đạp vào nhau. Người ta dùng cái búa to gõ vào một quả đạn pháo 175 ly rỗng ruột làm hiệu lệnh kêu gọi mọi người tập trung về ngôi trường tiểu học trước khi xuất phát. Hôm đó có chừng hai chục người cả nam và nữ. Mỗi người đều vác trên vai một cái cuốc. Anh đội trưởng đội sản xuất dẫn mọi người ra cánh động trống trụi trơ gốc rạ. Anh ta chỉ một đám ruộng vừa mới đốt rơm, bề mặt còn loang lổ những vũng tàn trò đen sì, bảo mọi người xuống đấy dàn thành hàng ngang để cuốc đất. Vì xóm tôi phần lớn các gia đình đều làm biển nên không nuôi trâu bò cày. Thỉnh thoảng những đội sản xuất khác có dư thợ cày mới được điều sang phụ giúp.
 
Mùa vụ đầu tiên ai nấy đều hăng hái làm việc vì cái hứng khởi được làm ăn trong một mô hình sản suất mới vĩ đại theo chủ trương của cách mạng: Làm ăn tập thể. Cuối vụ đó một ngày công vất vả 10 điểm được chia cho 1.2kg thóc. Nhưng dần dà cán bộ làm việc quan liêu. Chủ nhiệm không bước chân ra đồng, giao toàn bộ việc đồng áng cho các đội trưởng sản xuất. Ban quản trị ngồi mát ăn bát vàng, cấu kết với thủ kho, kế toán biển thủ ngân sách, phân bón, thóc giống, và tham ô nông sản... khiến người dân bất mãn, bỏ đi làm chuyện khác. Thời hợp tác xã nông nghiệp quê tôi không có cánh đồng lúa vàng trĩu hạt. Không có hình ảnh anh chủ nhiệm được ngợi ca với “bao tiếng thân thương, lời cảm mến” như trong bài thơ của Hoàng Trung Thông. Dạo đó, cánh đồng làng tôi chỉ có những thửa ruộng khô nức nẻ. Những thân lúa gầy ốm tong teo. Màu xanh của cỏ năng, cỏ lát bao trùm lấn át cả màu xanh của lúa. Để rồi mỗi vụ mùa thu hoạch một ngày công chỉ được vẻn vẹn 5 lạng lúa phơi một nắng có khi là lúa tươi! Không những thế, đội nào gặp phải tay thủ kho tham ô còn bị trộn cát vào trong lúa cho nặng cân để ăn chặn số thóc dư nữa! May là quê tôi còn có những vồng khoai lang, khoai mì. Những chiếc ghe mành sơn sớm chiều hăng hái vượt sóng. Nếu không, ngày đó dân làng đã chết đói hoặc tha phương cầu thực khắp mọi nơi rồi!
 
Sự vật cùng tấc biến. Nhờ phong trào đổi mới cải tổ, Hợp tác xã thay đổi cách làm ăn tập thể bằng “giao khoán sản phẩm.” Nông dân nhận ruộng về canh tác rồi đóng tô thuế cho hợp tác xã và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thật ra sự thay đổi này chẳng có gì mới mẻ cả chỉ là quay trở lại cảnh tá điền lãnh ruộng về cày thuê như thời phong kiến thực dân mà thôi. Dù sao thì cách làm đo cũng đã đem lại hiệu quả. Nông dân được chăm bón trên chính thửa ruộng nhà mình làm chủ nên khác hẳn kiểu “cha chung.” Năng suất tăng vọt. Đồng ruộng lại nghe sóng lúa rì rào.
 
6/9/2022
Trần Đức Phổ
 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.