Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Thơ Mình Vợ Người

 

Tôi nghe câu “thơ mình vợ người” cách đây đã 35 năm trong một lần không phải là tình cờ nói chuyện vui với một vị cựu giáo sư văn khoa, ông Khải Chính Phạm Kim Thư. Ngày đó tôi chân ướt chân ráo từ bên đảo mới qua Canada đang rất hăng hái tham gia công việc cộng đồng. Ông Khải Chính đương làm chủ tịch Hội Người Việt thành phố London kiêm phụ trách tờ đặc san Người Việt London của hội. Khi chúng tôi tham gia vào hội, chú ấy giao tờ đặc san lại cho tôi và anh Nguyễn Thanh Đạm. Tết năm 1988 chúng tôi cho ra mắt số báo xuân. Thanh Đạm chịu trách nhiệm xin bài và xin quảng cáo từ các chợ của người đồng hương. Còn tôi đánh máy và layout cho tờ đặc san. Nhà thơ Khải chính đem in và phân phối vì chỉ mỗi mình ông là có xe.

Lúc ấy, thuyền nhân mới đến định cư ở London tham gia gởi bài rất đông. Có cả mấy bác lớn tuổi ở thành phố khác gửi bài vở đến. Một hôm, tôi đánh máy bắt gặp một bài thơ bảy chữ rất hay nói về nỗi buồn ly hương. Nhan đề bài thơ là lấy từ câu đầu. Đó là một câu cảm thán nhưng tác giả không đánh dấu than. Tôi đọc đi đọc lại hai ba lần để cảm nhận cho đầy đủ ý tứ của bài thơ và cả nhan đề. Đúng là một bài thơ bi ai làm não lòng người. Tôi hỏi anh Thanh Đạm có nên thêm dấu chấm than vào cái nhan đề không, vì câu mở đầu cũng y chang lại có dấu than! Thanh Đạm bảo tôi cứ thêm vào đi, có lẽ tác giả vô ý bỏ sót! Người gửi bài không đề số điện thoại liên lạc nên tôi đành tự ý thêm vào mà không xin ý kiến. Tập san in ra được hơn tháng, một hôm chú Phạm Kim Thư gặp tôi trách móc:
- Sao cháu sửa thơ của ông L.H.H. ở Calgary?
- Cháu có sửa thơ của ai đâu?
- Sửa cái nhan đề ấy! Thêm dấu cảm thán vào, cháu nhớ không?
-Dạ... cháu tưởng ông ấy bỏ sót. Cháu xin lỗi!
- Ông ấy vừa gửi thư complain chú đấy! Lần sau đừng làm như thế! – Nói rồi ông đọc hai câu thơ của ông cho tôi nghe:

“Xưa nay thế thái nhân tình
Vợ người thì đẹp, thơ mình lại hay”
Đấy, cháu hiểu chưa?

Thật ra cái nhan đề có dâu câu hay không có dấu câu hoàn toàn không làm thay đổi nội dung bài viết. Nhưng tác giả đã viết như thế thì nên tôn trọng họ. Có điều lúc bấy giờ tôi còn trẻ và hiểu biết nông cạn nên đã làm ẩu theo ý mình. Vâng! Thơ mình dĩ nhiên là phải hay rồi! Nếu không hay thì “thơ thẩn” làm chi cho nó mất thì giờ. Con người ta chỉ sống tối đa ba vạn sáu ngàn ngày chứ mấy! Mà một phần ba thời gian đã dùng để ngủ, một phần ba còn lại phải lo kiếm cơm ăn áo mặc, chỉ có một phần ba còn lại là để enjoy thôi. Cho nên đã thơ thẩn thì phải thẩn thơ cho ra hồn. Ngày xưa người ta còn dùng thơ văn để kiếm chút công danh nữa kìa. Bởi vậy nếu thơ mình mà mình cảm thấy nó không hay thì ma nào chịu đọc, làm sao thi đỗ công danh? Các cụ ngày trước chẳng đã từng nói rồi đó sao:

Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong!

Vâng! Thơ mình vợ người. Câu này chưa hẳn là nhằm chỉ trích cái thói hư hay “khoe mẽ” và mê sắc lạ của thi nhân đâu! Nó chỉ phản ảnh một thực trạng tâm lý của những người có cá tính tự tin mạnh mẽ. Hoặc có ý chê trách nhẹ nhàng cái nết ngông của giới văn chương. Cho dẫu các nhà thơ có khiêm tốn đến thế nào đi nữa, trong thâm tâm họ chắc chắn rằng thơ của họ chẳng thua ai. Hoặc có thua đề tài này thì cũng hơn về đề tài khác. Tôi luôn luôn thích tìm đọc những nhà thơ có tính khí kiêu ngạo, kiểu:

Ta là Một là Riêng là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cũng ta!
Hy Mã Lạp Sơn – Xuân Diệu

Hay:
“Bởi ông hay quá ông không đỗ!”
Tự Trào – Tản Đà

Chơi Facebook tôi gặp nhiều người chẳng dám nhận mình là nhà thơ, tôi cũng là một trong số đó, vì tự nghĩ thơ mình chưa đạt. Có người lại chê không muốn người khác gọi mình là nhà thơ vì có quá nhiều người được gọi như thế. Lại có người tự cho mình là đại bàng thi sĩ, có thể đoạt được giải Nobel dễ dàng nếu có ai đó chuyển ngữ thơ họ. Những người này nếu thật sự có tài làm được việc đó thì chắc chắn rằng làng thơ Việt Nam vui sướng biết bao nhiêu. Chỉ sợ lực bất tòng tâm, dễ bị người ta cười mắc bệnh “vĩ cuồng” . Tôi thích câu “thơ mình vợ người” bởi nó bộc lộ tâm lý thật, không giả dối cái kiểu giả vờ khiêm tốn để người khác tâng bốc mình. Nhưng cũng chúa ghét những kẻ hợm hĩnh tự đem thơ của mình ra bình rồi khen lấy khen để theo tinh thần 'tự sướng.’ Cái kiểu không ai khen ta thì chính ta khen ta đúng theo cách của bác Trần Dân Tiên. Nói thơ mình vợ người chỉ là cái “ngông” đáng yêu, còn ví mình là đại bàng thi sĩ là cái “cuồng” đáng ghét. Vì thế nên mới có bài thơ rằng:

Đại Bàng Thi Sĩ

Có một loài đại bàng
Hay nổi máu khoe khoang
Vỗ ngực và xòe cánh
Là vút đến thiên đàng

Loài đại bàng chột mắt
Tưởng mình rất tinh anh
Nhìn trời lại hóa đất
Tưởng thấu đến non xanh

Loài đại bàng giả hiệu
Cứ ngỡ mình thiên tài
Chuyện trên đời đều hiểu
Không còn ai ngang vai

Loài đại bàng mồm mép
Ba hoa có ích gì?
Có giỏi hãy chơi đẹp
Đoạt giải Nobel đi?

Ôi, đại bàng thi sĩ
Chữ nghĩa là con dao
Đừng giỡn mặt như thế
Có ngày chết bỏ bu!

London, cuối hạ 2022
Trần Đức Phổ
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.