Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Bẫy Nhông

 

Ký ức tuổi thơ
.
 

BẪY NHÔNG


"Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha tắc ké, tắc ké là mẹ kỳ nhông."

Cái câu đồng dao ‘quái dị’ này lũ trẻ con ‘đi săn kỳ nhông’ chúng tôi thường hay đọc. Mặc dù chẳng hiểu y nghĩa nội dung, nhưng những con vật được nhắc tên, đặc biệt là con nhông (con dông), thì không đứa nào là không biết. 

 

Tuổi thơ của chúng tôi không ‘dữ dội’ về tài học tập hay tài hoàn thành xuất sắc ‘kế hoạch nhỏ’ như một số bạn cùng lớp; nhưng còn ‘vui thú điền viên’ thì chẳng thua ai. Ngoài những trò chơi ngu như lùng bắt tổ chim, chọc phá tổ ong, bọn tôi thường đi bắt ếch, chạy còng, đào nhông... Nghĩa là toàn những công việc ‘đổ mồ hôi, sôi nước mắt’. Ban ngày bọn chúng tôi lang thang dưới nắng gắt, đêm thì dầm sương lạnh, bận rộn với những thứ trò chơi (hay công việc?) mà ngày nay bọn trẻ không có mấy đứa thích.

Hàng năm, qua Tết âm lịch, tiết trời miền Trung bắt đầu ấm áp dần lên. Đó cũng là lúc lũ chúng tôi mong được chóng tới kỳ nghỉ hè. Mấy cái thú vui như tắm biển, tắm sông, thả diều, đá dế, chọi gà... thì không đứa nào chê chán. Lễ tổng kết năm học vừa xong cũng là lúc ‘chữ trả cho thầy’ để được thả ga với những trò chơi miền quê.

Bẫy nhông là thứ một thời khó quên. Con nhông cát thoạt nhìn cũng hơi giống con rắn mối, nhưng thân hình dẹt hơn, đuôi dài hơn. Chúng thường đào hang sống trong những cánh rừng phi lao dọc theo bờ biển hoặc trên những trảng cát hoang vắng. Chỉ cần một nơi khô cằn chỉ có vài bụi gai lưỡi hùm, gai kim đàn... là chúng có thể sinh trưởng được. Suốt mùa đông, kỳ nhông trốn dưới lòng đất, tự ăn đuôi mình để sinh tồn. Mùa xuân đến, chúng mới đào đất chui lên. Đến khoảng tháng 4, tháng 5 con nào con nấy đã mập mạp. Đó cũng là lúc bọn trẻ con chúng tôi được nghỉ hè; và cũng là lúc khởi đầu cho mùa “săn” kỳ nhông.

Kỳ nhông có thể thay đổi màu da cho phù hợp với cảnh vật xung quanh. Chúng chạy rất nhanh lại rất cảnh giác. Vì thế rượt bắt chúng là điều không thể. Muốn tóm được một con nhông phải truy tầm đến tận sào huyệt của nó. Hang của chúng thường nằm cạnh các lùm bụi hoặc các gò mả hoang.

Ai muốn bắt kỳ nhông bằng cách đào hang của nó phải đi từ lúc nửa buổi chiều. Khi đó mặt trời còn nắng gắt, nhông trốn vào hang tránh nóng. Phải tinh mắt và biết phân biệt hang mới hang cũ thì mới có thu hoạch. Cần tìm những cái hang có dấu đất mới và có dấu chân mới, tránh những hang cũ đã bị phế bỏ. Kỳ nhông đào hang rất sâu, nên cũng cần phải có cái que dài thọc vào hang để đo tầm mà đào. Nhiều con khôn ngoan kiến tạo hang theo hình chữ z và nhiều ngõ ngách rất khó lần. Có khi đào sâu cả mét rồi bị mất dấu, đành bỏ cuộc là chuyện thường.

 

Cách đơn giản, ít nhọc sức hơn là gài bẫy để bắt kỳ nhông.

Chẳng biết từ đời nào, và do ai sáng tạo ra, ở quê tôi có phổ biến một loại 'vũ khí' bẫy kỳ nhông vô cùng hữu hiệu. Người ta dùng một cái ống nhựa, hoặc một khúc tre ngọn rỗng ruột, to bằng cái ống giang thổi lửa. Đem cưa nó ra từng đoạn ngắn chừng 6 - 7 cm. Lại dùng một mảnh tre cật, già, có sức đàn hồi mạnh và dẻo dai, dài chừng bốn tấc, chuốt mỏng. Một đầu thanh tre kẹp vào ống nhựa; đầu kia buộc vào sợi dây nhợ đã có gắn sẵn một lưỡi gà (cái lẫy cò) cũng bằng tre. Trên cái ống nhựa, phía đối diện với thanh tre, ta dùi một lỗ nhỏ luồn sợi dây nhợ qua và thắt một cái thòng lọng ở cuối sợi dây. Đặt cái thòng lọng nằm sát vào bề mặt trong của ống nhựa. Gắn cái lưỡi gà vào mép ống nhựa để giữ thòng lọng ở yên vị trí. Lúc này thanh tre cong như một cánh cung. Khi con nhông chui từ hang ra, liền thò đầu vào thòng lọng, rồi chạm vào lưỡi gà khiến cánh cung bật lên. Thé là con nhông bị treo cổ lơ lửng khỏi mặt đất, hết cách thoát thân.

Ngày bé, chiều chiều chúng tôi thường lang thang nơi các trảng vắng, hoặc rừng phi lao để đặt những cái bẫy như thế. Qua một đêm, đến 10 giờ sáng hôm sau mới đi dạo gom lại. Những con nhông sa bẫy được buộc thành một xâu chiến lợi phẩm mang về.

Thịt nhông rất thơm ngon, có thể làm được nhiều món để nhậu như xào sả ớt, cuốn với lá lốt chiên như thịt bò, hoặc nấu cháo... ăn rất bổ dưỡng .

Còn món thịt nhông bằm sả ớt, cuốn với lá ổi non nướng trên than hồng, nếu ai đã từng ăn một lần chắc chắn sẽ muốn ăn lại lần thứ hai.


2/5/2021
 Trần Đình Thư



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.