Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Sông Thoa Xanh Dòng Ký Ức

 

SÔNG THOA XANH DÒNG KÝ ỨC

“Con Sông Thoa không dài, không rộng
Nước trong xanh soi bóng tre, dừa
Cũng êm ả ngày hè thơ mộng
Cũng dữ dằn lũ lụt tháng mưa”
Nhớ Dòng Sông Thoa - Trần Đức Phổ

Hơn một lần, tôi đã viết về con sông nhỏ chảy ngang qua làng tôi, một con sông có cái tên rất ư mềm mại. Sông Thoa. Với tôi, tên sông luôn luôn gợi lên sự tò mò, thắc mắc, không hiểu cái tên ấy bắt nguồn từ đâu? Có từ bao giờ? Do ai đặt ra? Và cớ sao lại giống như tên của một người con gái như thế? Đến bây giờ tôi vẫn chưa giải đáp được những câu hỏi đó.

Từ thành phố Quảng Ngãi đi theo Quốc lộ số 1 về phía Nam khoảng 40km là đến thị tứ Trà Câu. Tại đây, có một con đường rẽ về phía đông, xuống biển. Chạy xe Honda trên con lộ này khoảng mười lăm phút, ngang qua những ruộng lúa thay đổi sắc màu theo từng mùa, nằm xen kẽ giữa những khu dân cư là bạn sẽ đến cầu Bến Đò Mốc, bắc ngang dòng sông Thoa.

Xin mở ngoặc nói sơ về cầu Bến Đò Mốc một chút. Trước kia, chỗ này là bến đò, cây cầu chỉ mới được xây vào đầu thập niên 1990. Nó là cầu bê-tông đầu tiên ở xã tôi. Khoảng năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được trả về tên cũ sau khi tách ra từ tỉnh Bình Định (lúc hợp nhất hai tỉnh gọi là tỉnh Nghĩa Bình). Lúc đó, thằng em con ông chú tôi đang làm kỹ sư xây dựng thuộc sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh nhà. Cám cảnh bà con đi lại bằng đò giang khi lên huyện, tỉnh bất tiện nên góp ý cùng cán bộ địa phương làm đơn kiến nghị xin tỉnh chi phí làm cầu. Đây là cây cầu thuộc loại ‘cầu tràn’ nên được xây thấp cỡ ngang mặt đường. Mùa đông nước lũ chảy tràn qua. Cầu hẹp chỉ vừa đủ cho một chiếc xe tải lớn chạy, vì thế ở mỗi nhịp được xây thêm “ô né” phình to ra để xe máy có thể tránh nếu đột ngột gặp xe lớn trên cầu. Thuở ấy, có được cây cầu như thế cũng đã là quá tốt rồi. Bây giờ thì tỉnh xây thêm cây cầu bê-tông hiện đại rộng rãi bắc qua sông Thoa đoạn gần cửa biển Mỹ Á. Đó là cầu Hải Tân được khánh thành vào năm 2020. Giao thông thuận tiện, đất đai cũng lên giá vùn vụt. Đóng ngoặc.

Chào mừng các bạn đã đến miền gió cát Phổ Quang.
Làng tôi nằm ngay bên cạnh bờ biển Đông. Phía nam là đầm và cửa biển. Phía tây là dòng sông Thoa êm đềm chảy dọc từ bắc xuống nam, làm ranh giới giữa hai xã Phổ Văn và Phổ Quang, rồi hợp lưu với sông Trà Câu trước khi đổ ra cửa biển Mỹ Á. Dòng sông không rộng lắm, có nơi bề ngang chỉ độ vài chục thước. Mùa hè nước ròng, bọn trẻ con chúng tôi cũng có thể bơi qua lại dễ dàng. Tuy là con sông nhỏ nhưng sông Thoa không kém phần quan trọng. Ngoài việc thoát lũ cho dòng Vệ giang, con sông còn là nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng lúa màu mỡ Phổ Thuận, Phổ Văn (các xã này năm 2020 đã lên phương, khi Đức Phổ trở thành thị xã), và phía nam huyện Mộ Đức. Đồng thời, nó cũng là kho thủy sản dồi dào vô tận, và là thủy lộ quan trọng cho cư dân ven sông.
 
Quê tôi có hai mùa mưa nắng. Sông Thoa theo đó mà có mùa nước lũ, mùa nước ròng. Tuy nhiên bốn mùa đều có cá, tôm, ốc, hến... Nhiều người dân nghèo nuôi con cái học hành đỗ đạt đều cậy trông vào nguồn thủy sản của con sông nhỏ này. Từ thuở xa xưa người ta đã biết chặt cây tre, cây duối, cây chà là... thả xuống những vùng nước sâu, tĩnh lặng để cho cá tôm quy tụ lại sinh sôi nảy nở. Cứ mười bữa, nửa tháng họ lại ra dỡ chà, quây lưới để thu hoạch. Mỗi lần như thế dòng sông lại rộn rã, âm vang tiếng nói cười. Ngoài ra nơi đây cũng có nhiều hộ gia đình làm nghề đóng đáy, giăng câu, tung chài, kéo vó, cào ốc... mưu sinh quanh năm.
 
Người sông Thoa còn sáng tạo ra một cách bắt cá độc đáo, có một hai trên đời. Bạn hãy thử nghĩ đánh cá mà không thả lưới xuống nước thì có khả thi không? Riêng tôi, tưởng tượng cũng không thể có, chứ đừng nói là làm. Thế mà người nẫu sông Thoa làm được đấy. Cách đánh cá đó gọi là “dọa cá nhảy vào ghe” - Theo bài báo đăng trên Thanh Niên Online của nhà báo Trang Thy. Nghe nói thôi cũng đã quá ngạc nhiên rồi.
Trích:
“Họ cột chặt 2 chiếc cọc đứng rồi giăng lưới dọc giữa ghe chứ chẳng cần buông xuống nước. Xong xuôi, nhiều người cùng nhau chèo ghe song song với gương mặt rạng ngời, cười nói rộn ràng vang động cả khúc sông. Những đôi tay rắn chắc đập sào xuống nước khiến cá giật mình nhảy loạn xạ, tìm cách thoát thân khỏi nơi nguy hiểm. Thế là chúng mắc vào lưới hay rơi xuống lòng ghe trước khi bị bắt cho vào giỏ tre sẫm màu vì mưa nắng.”- Hết trích.

Sông Thoa không những là nguồn cung cấp thủy sản phong phú mà còn là nơi để tôi luyện tinh thần thể thao mạnh mẽ, kiên trì cho người dân quê tôi. Hằng năm, vào đầu mùa thu, những chàng trai trong thôn xã khỏe mạnh được tuyển chọn để thành lập những đội ghe đua. Cứ mỗi sáng sớm hoặc chiều tà, mặt sông lại xao động bởi những mái chèo, những chiếc ghe đua đang nỗ lực tập luyện, và tiếng reo hò cỗ vũ của đám trẻ con trên bờ. Để rồi đến dịp đầu năm mới, sau Tết Nguyên Đán, những chiếc ghe rồng, ghe phụng với những chàng thủy thủ trẻ măng ra sức trổ tài chèo lái, ganh đua giành chức vô địch. Đấy là dịp cửa Mỹ Á cuốn hút du khách từ khắp nơi trong huyện nhà đổ về.

Ngày còn học trung học, mỗi sáng chúng tôi phải dậy thật sớm, từ lúc gà gáy canh năm để có thể đi chuyến đò đầu tiên qua dòng sông Thoa đến trường. Những hôm nào có gió mùa đông bắc hoặc mưa áp thấp thì vất vả vô cùng. Thương nhất là các cô nữ sinh, vừa ướt vừa lạnh còn bị những thằng con trai quái quỷ cười trêu. Cha mẹ thương con nên thường gói ghém gạo khoai, cá mắm; hỏi nhà cho con ở trọ gần trường. Thời đó, lòng người còn thật thà, tốt bụng. Ai cũng cho ở trọ miễn phí, chỉ tự túc phần ăn. Cuối tuần, trở về nhà gặp lúc lũ đang dâng, con đò bé nhỏ chòng chành cũng thật hiểm nguy. Ngày xưa kiếm cái chữ cũng gian nan, không như bây giờ, các em đi học đều có xe đưa xe đón.

Tuổi thơ, được đi tắm sông, tắm biển ai mà không thích, nhất là những ngày hè có gió Lào nóng hầm hập. Dòng sông cạn nước, nhiều cồn cát trắng dài nằm phơi mình giữa lòng sông, dưới ánh nắng chói chang. Nước sông Thoa trong xanh, chảy chầm chậm, cạn hều, chỉ còn như một con lạch nhỏ. Chiều chiều, lũ trẻ chăn bò chúng tôi ra cồn cát đá banh, chơi đùa khi đã mệt thì lao mình xuống sông mà tắm. Những con bò lông vàng sung sướng rống vang theo bọn nhóc chúng tôi lội ào xuống nước. Bên mé sông, những chiếc gàu sòng, gàu giai đang hối hả múc những gàu nước cuối cùng trước khi ông mặt trời lặn hẳn sau dãy núi xa.

Quảng Ngãi tuy có nhiều con sông lớn cảnh quang đẹp đẽ, nhưng với tôi sông Thoa vẫn là con sông đẹp nhất, thơ mộng nhất. Bởi lẽ nó gắn liền với tháng ngày tuổi thơ tôi. Dù nay đã xa cách bốn mươi năm nhưng những kỷ niệm xưa vẫn còn nguyên vẹn, xanh biêng biếc như dòng sông quê nhà.

May 18, 2022
Trần Đức Phổ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.