MẸ TÔI
Mẹ
tôi là một mẫu người phụ nữ chịu thương chịu khó, suốt cuộc đời khổ nhọc thờ
chồng nuôi con. Cha tôi mất sớm, khi đó mẹ tôi chỉ mới 44 tuổi. Bà đã ở vậy
nuôi nấng 5 đứa con (chị Hai và chị Ba đã có chồng), và một đứa cháu ngoại, đứa
nhỏ nhất 5 tuổi, đứa lớn nhất 17 tuổi cho đến lúc chúng tôi trưởng thành.
Cũng
như nhiều cô gái thôn quê Việt Nam hồi đầu thế kỷ trước, mẹ tôi có chồng từ năm
17 tuổi. Nhà ông bà ngoại tôi rất nghèo, chỉ có vài sào đất thổ cằn cỗi, trồng
khoai mì, khoai lang nên thiếu ăn quanh năm. Từ nhỏ mẹ tôi đã phải theo bà
ngoại trồng khoai thuê, gặt lúa mướn, để phụ giúp gia đình. Tuy cuộc sống vất
vả, dãi nắng dầm sương nhưng mẹ tôi cũng khá xinh đẹp. Dáng người bà nhỏ nhắn, cao dong dỏng, nước da
trắng, mái tóc hơi dợn sóng. Cho dù năm nay mẹ tôi đã 95 tuổi nhưng bà vẫn đi
đứng thẳng boong, lưng không còng, chân không run.
Theo
lời mẹ tôi kể lại thì ông bà nội tôi khá khó tính nên bà làm dâu cũng không mấy
vui vẻ. Cha tôi thứ Tư, bác Hai (theo cách gọi ở quê tôi là lớn nhất, không có
bác Cả) mất khi còn bé, cô Ba là con gái, nên cha tôi thành trai trưởng trong
họ tộc.
Bởi
thế ông nội tôi rất kỳ vọng cha tôi sinh được một cậu con trai để nối dõi tông
đường. Oái ăm thay, mẹ tôi sinh một lúc cả 6 cô con gái (một chị đã mất lúc
chưa đầy tháng). Ông bà nội rất buồn, cứ chì chiết cha mẹ tôi vô phúc tuyệt
hậu. Cha tôi tuy không hất hủi mẹ tôi, nhưng cũng không mấy vui. Để chấm dứt
tình trạng sinh con gãi mãi, ông nội đã đặt tên cho bà chị thứ bảy của tôi cái
tên không mấy đẹp là Thôi. Có nghĩa là đừng đẻ con gái nữa! Mà quả thật, không
hiểu sao điều mong ước ấy lại được linh nghiệm. Sau đó, mẹ đã sinh ra tôi, một
cậu con trai. Mẹ tôi kể lại, lúc bà chuyển bụng đẻ thì cha tôi đang ở ngoài
biển. Được tin sinh con trai, cha tôi hối hả chạy về để quạt than, đun nước cho
mẹ tôi hơ (xông). Công việc mà từ trước đến nay cha tôi chưa hề làm khi mẹ tôi
sinh các người chị. Còn ông nội tôi thì vui mừng khôn xiết tả. Hôm ấy, ông uống
cả nửa lít rượu đế! Rồi cười nói: “Ta có cháu đích tôn rồi!” Ông tôi mất, khi
tôi vừa tròn một tuổi.
Những
năm 1967 - 1972, ở quê tôi chiến tranh vô cùng ác liệt. Đạn bom cày xới từng
tấc đất. Xe tăng san phẳng cả xóm làng, Dân làng bỏ xứ sơ tán. Gia đình tôi di
cư vào Sa Huỳnh. Tại đây cha tôi mất trong một trận đụng độ ác liệt giữa quân
đội Quốc gia và Việt cộng. Mẹ tôi không nỡ để cha tôi nằm ‘nơi đất khách, quê
người’ nên đích thân bà đưa cha tôi về mai táng ở làng cũ, mặc dù lúc đó đang
giữa mùa chiến dịch tổng tấn công Xuân-Hè của quân Cộng sản. Đoạn đường từ Sa
Huỳnh ra Đức Phổ chỉ độ 25km mà xe lam đi hơn nửa ngày trời vì bị băm nát như tương.
Sau
khi cha tôi yên nghỉ, mẹ tôi đưa chị em tôi vào Nha Trang. Trước khi đi bà đã
bán tất cả sản nghiệp ghe thuyền lưới chài của cha tôi để lại. Vào Nha Trang bà
lặn lội tìm kiếm chỗ ở, lo giấy tờ để hợp thức hóa cho chúng tôi được đi học.
Hàng ngày, bà dậy từ lúc ba giờ sáng để đến chợ đầu mối mua hàng về bán lại ở
các chợ nhỏ. Mỗi ngày hai buổi chợ không ngày nào nghỉ. Lúc bấy giờ chỉ có tôi
và thằng em trai cùng thằng cháu con chị Hai là còn chơi rông chứ các chị tôi
đều phải nghỉ học đi làm cả. Sau vài năm, cuộc sống lúc đó đã dần dần ổn định,
đi vào nề nếp. Nhưng đâu có ai ngờ biến cố lại xảy ra một lần nữa. Đầu tháng Tư
năm 1975, Cộng quân tiến chiếm Nha Trang. Người dân lại rùng rùng kéo nhau bỏ
chạy. Lần này thì mẹ tôi quyết định không chạy đâu nữa mà quay trở về làng xưa.
Thế là giữa tháng Tư năm 1975, gia đình tôi lại lên ghe, bồng bế nhau về quê.
Những
ngày đầu mới trở về quê thật vô cùng vất vã khó khăn. Lúc ấy làng xóm vườn tược
hoang vu như một khu rừng. Cỏ tranh mọc lút đầu người. Con đường làng chỉ rộng
chừng nửa mét cỏ cây lu lấp. Cả xóm chỉ có vài túp lều tranh. Mẹ tôi cho dựng
tạm vài tấm tôn mỏng chở từ Nha Trang về trên bãi biển để có nơi chất đồ đạt.
Ban ngày vào vườn cắt tranh, giẫy cỏ, chặt cây... dựng tạm mái lều nơi nền nhà
cũ. Sau một tháng trời cả nhà miệt mài lao động thì căn nhà cũng được hoàn tất
Theo
lời mẹ tôi kể lại, cuộc đời của mẹ đã phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu
căn nhà mà kể. Lúc ra riêng làm nhà. Máy bay phóng rocket cháy, làm lại. Tàu
Khò “khạc lửa” cháy, làm lại. Lính Mỹ đi càn, đốt. Làm lại. v.v. ... v.v. ...
Bây
giờ thì những đứa con mà mẹ một đời vất vã nuôi lớn đã thành gia lập thất. Cuộc
sống của mẹ đã được thư nhàn. Các chị tôi đều muốn tổ chức Lễ Đại Thọ cho Mẹ
nhưng bà cương quyết không cho, sợ con cháu tốn kém. Mẹ tôi vốn tính giản dị,
suốt cuộc đời mẹ không hề thích phô trương, rườm rà. Mẹ chỉ mong muốn duy nhất
là con cháu sống hạnh phúc, hòa thuận.
Với
chị em tôi (có người đã có chắc) Mẹ luôn luôn là người Mẹ đáng kính nhất trần
gian.