Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Tổ Chim Sẻ

 


tản văn

Bà xã tôi nhấn nút cái bộ điều khiển gắn trên tường. Cánh cửa garage kêu cót két rồi từ từ cuốn lên. Ngoài mái hiên, đôi chim se sẻ giật mình vỗ cánh bay lên đậu trên thanh chắn lan can tầng một. Chúng không bay đi xa như mọi hôm. Thoáng thấy mấy bãi phân chim trắng bệch trên nắp mui xe, vợ tôi càu nhàu:
- Mấy con chim mắc dịch này lại ỉa tùm lum. Ghê quá!
Nhìn gương mặt nàng nhăn nhó chỉ vì mấy bãi phân chim, tôi chỉ muốn phì cười cho cái tính ưa quan trọng hóa mọi việc của nàng, nhưng giả bộ làm nghiêm, nói:
- Đất lành chim đậu mà em. Không chừng bọn chúng làm tổ trên mái nhà rồi cũng nên! – Nói xong tôi vội mở cửa xe, lấy mấy tờ giấy sát trùng mua để lau tay trong dịch Covid ra chùi mui xe.Vợ tôi ngước mắt nhìn mấy cây xà ngang đỡ mái che phía trước cánh cửa garage hồi lâu rồi reo lên như trẻ con.
- Đúng rồi nghen! Có cái tổ nè anh! – Nàng vừa nói vừa đưa tay chỉ lên chỗ giao nhau giữa thanh đà ngang và máng xối.
-Đâu?... Đâu?...
Tôi cũng không giấu được vẻ tò mò, háo hức, bỏ dở nhiệm vụ đang lau chùi mấy bãi phân chim chạy đến bên cạnh nàng ngước nhìn lên. Dưới góc mái hiên, có một nùi cỏ màu nâu lẫn lộn với đám lá liễu khô vàng. Dựng cái thang nhỏ có bốn chân như cái ghế đẩu cao, tôi trèo lên ngó thử. Đúng là có cái tổ chim sẻ vừa mới làm xong. Nó chỉ to bằng cái chén ăn cơm loại nhỏ. Những cọng rác đan ngang đan dọc trông rất chặt chẽ và công phu. Lòng ổ sâu, và dày. Dường như được bện kỹ lưỡng và giữ gìn rất sạch sẽ. Trong ổ chỉ mới có một cái trứng. Tôi bốc cái trứng đưa xuống cho vợ xem. Nàng hốt hoảng la lên.
- Coi chừng bể! Anh bỏ vào lại ngay đi!
Tôi cười cười:
- Lấy trứng, rồi phá tổ nó đi
- Úi, sao lại phá? Nhìn gương mặt vợ tôi mới vừa khi nãy còn cau có bỗng phút chốc tỏ ra lo lắng vì cái tổ chim tôi giả đò làm mặt lạnh như tiền, nói:
- Thì… để nó ỉa làm dơ xe em!
- Vậy chúng nó sẽ ở đâu? Chim có tổ, cũng giống như người có nhà mà! Anh muốn tụi nó trở thành homeless à? Sao anh ác thế?
Tự nhiên tôi lại bị nàng sạc cho một trận, nhưng trong bụng tôi cũng không hề giận gì nàng. Tôi bật cười hề hề làm hòa. Nàng giục tôi:
- Anh mau mau để cái trứng vào chỗ cũ đi!
Tôi tuân lệnh làm ngay. Dẹp cái thang vào góc garage xong, tôi mở cánh cửa xe bên phải cho vợ bước vào, rồi đi vòng lên mui xe, lau sạch chỗ cứt chim. Đâu đó xong yên, tôi ngồi vào chiếc ghế bên trái, thắt dây an toàn. Nổ máy xe. Liếc nhìn về phía vợ, thấy vẻ mặt nàng đăm chiêu, tôi ngỡ nàng còn đang giận tôi, Đột nhiên nàng nói trống không.
- Không biết có bị hôi ổ không nữa?
Tôi lui xe ra đường và nghĩ thầm: “À, thì ra nàng đang tâm tư về cái tổ chim se sẻ kia!”
Trong lúc tôi đẩy chiếc shopping cart chất đầy hàng hóa lẽo đẽo đi phía sau lưng bà xã, đầu óc tôi cũng nghĩ ngợi đến cái tổ chim ở nhà. Tôi thắc mắc không biết vợ chồng chim sẻ đến xây tổ từ lúc nào mà tôi không hề để ý. Từ ngày sang Canada định cư đến nay, đây là lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy một cái tổ chim. Mấy năm rồi tôi chỉ toàn thuê chung cư ở để tiết kiệm tiền. Đến nay con tôi đã lớn, chúng không thích ở chung cư nữa nên tôi mới vay nợ, mua một căn nhà nhỏ ở ngoài rìa thành phố. Nơi đây vắng vẻ, ít nhà cửa, có nhiều bãi đất trống và những cánh rừng thưa, nhỏ. Sáng sáng tôi được nghe bầy chim se sẻ kêu ríu rít. Thỉnh thoảng lại được nghe tiếng cu gù từ khu rừng phía sau nhà. Khung cảnh như vùng quê yên tĩnh làm tôi nhớ đến chuỗi ngày thơ ấu lang thang trong cánh rừng dương biển để tìm bắt tổ chim. Nhiều kỷ niệm xưa chợt ùa về xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi nhớ có lần đã leo lên một cây dương cao để bắt một tổ chim chèo bẻo, loài chim này có tiếng là hung dữ. Lúc đó chim bố và chim mẹ bay lượn vần vũ trên đầu ngọn cây, Chúng cất tiếng kêu thật thê thiết. Mặc kệ! Tôi cứ du mấy nhánh ngang mà leo lên thoăn thoắt. Khi tôi vừa mới giơ tay định nâng cái tổ thì một con liền lao ngay xuống nhanh như một tia chớp, mổ ngay vào bàn tay tôi. Đau quá tôi hét toáng lên. Con chim cũng ré to một tiếng rồi đập mạnh đôi cánh bay vút lên cao. Tôi vội vàng vòng cánh tay trái, ôm chặt lấy thân cây dương, tay phải móc chiếc ná cao su trong túi áo ra. Bắn liền mấy phát đạn bằng sõi tròn vo to như viên bi ve về phía chúng. Nhưng hai con chim kia cứ lượn vòng vòng trên đầu, không chịu bay đi. Tôi hối hả leo nhanh xuống đất cắm đầu bỏ chạy. Lại nhớ, có lần tôi phát hiện trên chái hiên nhà có một tổ chim sẻ đẻ được ba trứng. Vừa dựng cai thang định trèo lên bắt, mẹ tôi trông thấy liền bảo:
- Con muốn mỗi buổi sáng thức dậy còn được nghe tiếng chim kêu thì chớ có phá tổ của chúng.
Kể từ hôm ấy tôi không bao giờ đi tìm tổ chim để lấy trứng nữa. Và cũng không bao giờ dùng ná cao su để bắn bất cứ con chim nào.
 
 
22/4/2024
Trần Đức Phổ

Củi Gộc

Tú Điếc

Mấy anh trợ lý phải nằm lao
Thủ trưởng chẳng ai dám động vào
Củi nhỏ lò ton còn dễ đốt
Gặp thằng củi gộc biết làm sao?
 

 

Bằng Giả Hay Bằng Thật

Tú Điếc 

 
Tiến sĩ đông lào lắm kẻ siêu
Bàn dân thiên hạ đã nghe nhiều
Bà kia chống lụt dùng lu đựng
Ông nọ cầu mưa thỉnh đứa điêu
Có phải ham danh nên hóa dại?
Hay là mắc nợ mới đâm liều!
Ô hay! Bằng giả hay bằng thật
Mà đỗ ông nghè trí bấy nhiêu?
 
23/4/2024
 

 

Hồn Hoa

Điếc

Thiếp là hoa chàng cũng là hoa
Hai đoá yêu thương hợp một nhà
Nay cánh hoa chàng tơi tả rụng
Thiếp về sưởi ấm lại hồn hoa.



Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Tu Là Cõi Phúc

 


Bà Sáu cầm cái chổi lông gà quét sơ qua tấm kính thủy tinh trong suốt đặt trên mặt chiếc bàn, được vây quanh bởi sáu cái ghế dựa bằng gỗ, đánh vẹc-ni nhẵn bóng, phết sơn đỏ. Bên dưới tấm kiếng là cái bàn dài được phủ lên trên bằng một tấm vải trắng, có in hình hoa và lá sen. Treo cái chổi lên vách, bà Sáu bắt đầu dọn cơm tối. Chỉ trong phút chốc đã thấy bốn đĩa thức ăn đầy có ngọn và một tô canh khói bốc nghi ngút bày biện tươm tất, sẵn sàng cho người dùng. Mùi thức ăn xông thẳng vào mũi thơm phức. Bà Sáu cảm thấy bụng mình dường như sôi lên vì đói. Bà xoa xoa hai bàn tay vào nhau mỉm cười nhìn thành quả cặm cụi nấu nướng suốt buổi chiều nay của mình. Bà rót thêm một chén nước chấm xì dầu Magi, và đặt lên bàn một cái chén và một đôi đũa. Thế là mâm chén đã hoàn tất. Bà Sáu bước sang hậu điện gõ nhè nhẹ vào cánh cửa gỗ đóng im ỉm.
- Dạ, mời sư thầy trụ trì ra ăn cơm!
Đằng sau cánh cửa rộng, chẳng nghe có tiếng trả lời. Bà Sáu tằng hắng lấy giọng, rồi nói to hơn.
- Cơm nước đã xong, mời sư thầy ra dùng bữa!
Lần này, có tiếng trả lời vọng ra.
- Được rồi, thầy sẽ ra ngay.
Bà Sáu quay gót trở xuống nhà ăn. Cánh cửa phòng của sư trụ trì bật mở. Một người đàn ông trạc chừng bốn mươi tuổi, không cao lắm, nhưng cơ bắp rắn chắc, mình khoác chiếc áo tu hành màu vàng nhạt đủng đỉnh bước ra. Ông ta đưa bàn tay lên vuốt nhẹ vào cái đầu cạo trọc nhưng vẫn còn thấy rõ chưn tóc lún phún vừa mới nhú ra. Chắc có lẽ theo thói quen vuốt lại mái tóc của những người đàn ông trước khi xuất hiện trước mặt phụ nữ. Sư thầy ung dung tiến bước về phía nhà ăn. Bà Sáu đã chực sẵn, vội vàng kéo chiếc ghế ở ngay đầu bàn mời ông ta ngồi. Nhà sư vừa yên vị bà Sáu đã cầm lấy cái chén, đến bên nồi cơm điện bới một bát cơm lưng lửng đem về. Bà bưng hai tay dâng lên trước mặt nhà sư. Ông đưa bàn tay trắng trẻo ra cầm lấy, nhưng liền để xuống ngay, cất tiếng hỏi.
- Hôm nay bà cho thầy ăn món gì đây?
Bà Sáu bẽn lẽn, rụt rè thưa:
- Dạ, chỉ là những món đơn giản như mọi hôm như canh cua nấu mồng tơi, cá chẽm chiên xù… - Bà Sáu ngừng lậị giây lát rồi nói tiếp: - Nhưng bữa nay cũng có chút đặc biệt… Là như thế này! Vì mấy bữa liền, tui thấy sư thầy biếng ăn. Bữa nào cũng bỏ thừa lại nhiều quá, nên hôm nay tui tự ý chế thêm món giả cầy, mời sư thầy nếm thử. – Nói xong bà Sáu đi đến bên cái nồi đất đặt trên bếp ga, lửa cháy liu riu, múc một tô vừa thịt vừa nước thơm phưng phức mùi đậu, mùi riềng đem đến đặt trước mặt nhà sư. Sư thầy chẳng nói gì, lấy chiếc muỗng nhôm múc một ít nước đưa lên miệng nhấm nháp.
- Bà nấu ngon lắm. Tay nghề càng ngày càng cao. Món chay mà cứ y như là món mặn. Ngon tuyệt!
Đôi má bà Sáu chợt ửng hồng, bà lúng túng, ngượng nghịu như một thiếu nữ. Lúc này trông dáng điệu của bà thật tương phản với nét mặt cằn cỗi, khô khan ở cái tuổi sáu mươi của bà. Nhà sư trẻ thoáng liếc xéo bà Sáu, miệng nở nụ cười mỉm chi, khẽ bảo:
- Thôi, bà về nhà đi! Thầy ăn xong tự mình dọn chén đũa cũng được.
- Không được đâu! Xin sư thầy cho tui phục vụ thầy để tích chút công đức cho con cháu!
- Thầy nói rồi! Thầy làm được mà. Sáng mai bà đến rửa chén bát. Bà cứ yên tâm về đi! Công đức của bà chẳng mất đi đâu cả.
Ngó vẻ mặt nhà sư có vẻ không vui, nên bà Sáu cũng không dám nài nỉ gì thêm. Bà lủi thủi đi ra cửa hông nhà bếp, vòng qua chánh điện, qua cái sân rộng có trồng nhiều hoa và cây kiểng. Theo cổng tam quan bên trái, bà bước ra đường. Trời đã chạng vạng. Những bóng đèn điện tròn, gắn trên cọc tre cắm cách quãng bên lề đường, đã bật sáng, soi rõ con đường bê tông trải dài trước mặt bà. Một luồng gió mát rượi phả vào mặt bà Sáu xoa đi phần nào hơi nóng từ những tấm bê tông đương bốc lên ngùn ngụt. Một vài cô gái nói cười khúc khích đi ngược chiều với bà. Mùi nước hoa rẻ tiền của họ làm mũi bà nhồn nhột, ách xì luôn mấy cái.
 
 
Sáu bước thêm mấy bước nữa. Linh tính nhạy bén của một người phụ nữ khiến bà ngờ ngợ các cô gái kia chẳng phải là những tín nữ thường xuyên đến chùa này. Bà quay người, dưới ánh sáng bóng đèn hình trái lê vàng vọt, bà chợt ngó thấy ba cô gái mặc váy lúc nãy đi ngang qua đang bước vào cổng tam quan. Trong đầu bà bất chợt nảy sinh những thắc mắc khó trả lời. Giờ này các cô ấy đến chùa làm gì? Hay là mấy cô kia đến để cúng sao giải hạn? Nhưng nếu có cúng sao thì trụ trì đã yêu cầu bà ở lại chuẩn bị bày biện nghi lễ chứ? Suốt nửa năm nay, kể từ khi sư thầy Thích Không Đức về trụ trì ngôi chùa Duyên Hải tự này, tất cả mọi việc lớn nhỏ đều do tay bà quán xuyến mà. Vừa vì để thỏa mãn tính tò mò, vừa về nhà cũng chẳng có công việc chi để làm nên bà Sáu quyết định quay trở lại chùa xem thử. Bà nhẹ nhàng đẩy cánh cổng nhỏ bằng song sắt bước vào trong sân. Mùi trầm hương từ trong chánh điện len qua các khe cửa gỗ đóng kín, lọt ra ngoài làm cho không khí trong sân chùa thơm ngan ngát Bà Sáu nghiện thứ mùi này nên hít một hơi thật mạnh cho đầy buồng phổi. Từ thuở còn bé bà đã mộ đạo, theo mẹ đến chùa. Lớn lên lấy chồng nhưng không sinh được con bà càng sùng bái Đức Thích Ca mâu ni hơn. Lòng thành kính chuyên tâm bái lễ của bà làm động lòng Bồ tát nên đứa con trai duy nhất bà xin về nuôi từ bé đã được người anh ruột nó tìm được và bảo lãnh sang Mỹ năm ngoái. Năm nay khi chồng bà mất, thằng con hiếu thảo ấy muốn bảo lãnh mẹ đoàn tụ nhưng bà từ chối vì không muốn lìa xa quê hương. Được thằng con gửi tiền về nuôi, bà Sáu không cần phải lăn lộn mưu sinh. Thời giờ rảnh rỗi bà đến chùa làm công quả. Từ ngày sư thầy Thích Không Đức về trụ trì, bà kính phục thầy còn trẻ mà đã dành cuộc đời mình cho Phật đạo nên ở lại chùa để nấu nướng, giặt giũ chăm sóc cho thầy. Bà Sáu quý trọng và thương yêu thầy như con. Vả lại bà cũng muốn tạo thiện duyên cho con cháu mình về sau.
Bà Sáu đứng yên một lát để nghe ngóng động tĩnh. Có tiếng trò chuyện và cười đùa của sư thầy và ba cô con gái kia vang ra từ phòng ăn. Bà cố nén nỗi bực mình chẳng biết vì sao ùa đến. Bà men theo vách tối của chánh điện bước đến ẩn mình sau một cây hoa sứ đại, nhìn qua cửa sổ. Bà Sáu bỗng há hốc mồm, tim đập thình thịch, đầu óc quay cuồng khiến bà gần như muốn té xỉu. Trước mắt bà quang cảnh chẳng khác gì một ổ điếm. Sư thầy ngồi dựa ngửa trên ghế, đôi chân gác lên mép bàn ăn. Hai cô gái mặc váy ngắn, bó sát mông đứng hai bên, thay phiên nhau gắp thức ăn đút cho hắn. Một cô khác đứng sau lưng trụ trì, mặc chiếc áo thun dây, lộ đôi cánh tay trắng ngần, liên tục đấm bóp nhè nhẹ lên đôi vai cũng để trần cuồn cuộn cơ bắp của nhà sư. Chốc chốc tiếng cười lại rộ lên từ trong phòng dội ra làm cho bà muốn sởn cả gai ốc. Bà càng nhìn lâu, tinh thần càng thêm bấn loạn. Đột nhiên một dòng máu nóng trong người dâng lên khiến mặt bà đỏ bừng bừng. Bà Sáu đã mất hết tự chủ. Bà đi xăm xăm bước đến trước cửa phòng ăn. Lấy hết hơi sức bà thét lên:
- Đồ súc sinh!
Nghe tiếng quát bất ngờ giữa lúc đang chơi đùa vui vẻ, cả ba cô gái và sư thầy giật nẩy mình, thót cả tim. Trong phút chóoc tất cả mọi hoạt động của họ bỗng nhiên đứng khựng lại. Thật giống y chang như tiếng hét của bà Sáu là phép mầu của mụ phù thủy, kẻ đã hô biến những người dự tiệc mừng sinh nhật nàng công chúa trong truyện cổ tích hóa thành tượng đá hết. Lát lâu sau, sư thầy là người trấn tĩnh được tinh thần đầu tiên. Dù sao đi nữa, hắn cũng là trụ trì, là người lãnh đạo của ngôi chùa này. Quyền uy và sức mạnh chủ nhân ông đã đem lại tự tin cho hắn. Thích Không Đức đứng lên, quay người bước về phía bà Sáu, gằn giọng quát:
- Bà làm gì ở đây?
Bà Sáu lặng thinh, không trả lời. Vì thú thật bà cũnng chẳng biết trả lời làm sao. Chẳng lẽ lại bảo bà quay lại để rình rập họ? Tên hòa thượng thấy bà im lặng, vẻ mặt thộn ra đầy vẻ hoang mang nên sử dụng ngay quyền uy của mình.
- Tôi bảo bà về rồi mà! Sao còn ở đây?
Bà Sáu đứng tần ngần, quắc mắt nhìn trừng trừng mấy cô gái lạ. Họ ngoảnh mặt đi quay lưng về phía bà. Tên trụ trì nhìn theo hướng mắt bà Sáu, rồi rất ôn tồn, hắn bảo bà với cái giọng đầy vẻ bề trên:
- Bà về đi! Chuyện này tôi bỏ qua! Mai sáng bà hãy đến làm công đức!
Rất tức tối trước sự trơ trẽn của tên thầy chùa, bà Sáu nói gằn từng tiếng một.
- Tui-sẽ-không-đến-đây-nữa!
Nói xong bà Sáu vội vã đi nhanh ra khỏi chùa.
 
oOo
 
Mặt trời đã ngả về phía tây hơn một cây sào, nhưng sức nóng của nó vẫn như thiêu như đốt ở cái vùng duyên hải nhiệt đới miền trung này. Dưới một mái lều rạ, xung quanh không vách che, trên nền cát trắng tinh ven biển, một toán nam nữ thanh niên đang ngồi xếp bằng tròn, lắng nghe sư thầy Thích Không Đức thuyết pháp về chủ đề “Tu là cõi phúc, tình là dây oan.” Giọng thầy êm ái, dễ nghe. Thỉnh thoảng nhà sư lại pha trò dí dỏm nên bọn trẻ thích chí cười vang. Sư thầy thao thao bất tuyệt thuyết giảng về cái lẽ vô thường của cuộc sống, về sự mong manh của ái tình. Thầy giảng giải sâu xa cái vòng luẩn quẩn oan khiên của kiếp sống vợ chồng. Cũng giống như thầy Nhất Hạnh ngày xưa nói với tuổi hai mươi, thầy Thích Không Đức khuyên các bạn trẻ nên đầu tư thời gian và sức lực vào Phật pháp, Phật đạo; chớ đừng phung phí vào những thứ vô bổ khác như chính trị và ái tình. Hãy đem nhiệt tâm của tuổi trẻ phụng sự cho Bồ đề đạo hạnh. Đám thanh niên trố mắt khâm phục và ngưỡng mộ sự thấu triệt cuộc đời là bể khổ của sư thầy mặc dù so ra ông cũng chẳng nhiều tuổi hơn chúng là bao lăm. Để làm minh chứng, thuyết phục cho những gì mình nói, sư thầy lấy câu chuyện của chính cuộc đời mình ra làm ví dụ điển hình. 
 
Theo lời kể của sư thầy thì tên cúng cơm của ông là Võ Cóc. Ông cười hóm hỉnh, nhìn ba cô gái đêm qua bà Sáu đã chộ mặt ở nơi phòng ăn nhà chùa, nói tiếp. Cóc ở đây không phải là loại động vật xù xì như là thứ cóc tía thích ăn thịt thiên nga đâu nhé. Chữ Cóc trong tên của thầy là một loại trái cây mà quý bà quý cô khi nhìn thấy đều thèm thuồng muốn ăn ngay lập tức. Nghe đến đây mấy cô gái ngồi quanh thẹn đỏ mặt, che miệng cười khúc khích. Nhưng những đôi mắt đẹp kia không quên liếc xéo nhà sư thật nhanh trước khi cúi mặt xuống đất, để che đi những đôi má đang ửng hồng. Thấy vậy, sư thầy cười khục khục, rồi kể tiếp. Năm thầy hai mươi tuổi, cha mẹ bắt thầy phải lập gia đình với một cô gái cùng thôn để còn lo chí thú làm ăn. Vốn là con của một gia đình ngư dân, sư thầy không được cho ăn học nhiều, và tất nhiên không dám cãi lời cha mẹ. Cũng như mọi gia đình khác làm nghề đánh lưới, hàng tháng thầy phải lênh đênh trên biển cả mười mấy hai chục ngày. Có khi thầy đi suốt ba bốn tháng mới về. Vì thế cuộc sống vợ chồng cũng không mấy mặn nồng. Tuy vậy họ cũng có với nhau hai mặt con. Cách đây ba năm, một lần đi biển, chẳng may tàu của sư thầy gặp phải một trận bão rất to. Thuyền trưởng liên tục gửi tín hiệu kêu cứu với các tàu bạn và những tàu cảnh sát biển. Thế nhưng suốt mấy tiếng đồng hồ liền chẳng thấy ai đến tiếp cứu. Tàu bị sóng đánh vỡ tan tành. Tất cả thủy thủ đều rơi xuống biển. Sư thầy may mắn vớ được tấm ván trôi lềnh bềnh bên cạnh. Lênh đênh đói khát suốt ba ngày đêm trên mặt biển cả, cuối cùng thầy được một tàu đánh cá cứu vớt trước khi kiệt lực.
Kể đến đây nhà sư Thích Không Đức lặng im. Đôi mắt mở to còn đầy vẻ tinh anh nhìn ra vùng biển khơi xa xanh thẫm. Thấp thoáng ngoài đó có mấy con tàu đang chạy dọc ngang. Đám nam thanh nữ tú cũng lặng im phăng phắc. Dường như có người sụt sịt khóc vì thương cảm cho nhà sư trẻ.
Ngừng một lát như để hồi tưởng lại cái dĩ vãng bi đát, rồi nhà sư tiếp tục kể. Sau đó, sư thầy phải đi ăn xin để kiếm tiền lần mò về quê. Nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ sống qua ngày chứ không có dư dật gì. Suốt mấy tháng liền thầy phải nhịn đói nhịn khát, ngủ bờ ngủ bụi. Thêm một tuần sau đó, thầy nghe tin trên đài truyền hình loan báo toàn bộ đoàn thủy thủ trong tàu của mình đã chết hết. Thế là hết sức đau khổ, tuyệt vọng cùng cực thầy tìm đến một ngôi chùa ở nơi vắng vẻ để đi tu, chấm dứt mọi phiền não trong cõi đời ô trọc này. Kể từ đó thầy không liên lạc với vợ con gia đình gì nữa. Thầy lấy chùa làm nhà, phật tử làm người thân. Câu chuyện của nhà sư Thích Không Đức gây xúc động mạnh cho đám thiện nam tín nữ. Họ nhìn ông với ánh mắt đầy thương yêu trìu mến và trọng vọng.
 
Ánh nắng đã bớt oi ả. Nhà sư đứng lên, làm mấy động tác thể dục cho giãn gân cốt. Rồi ông cởi bỏ áo cà sa đang khoác trên người chỉ còn mặc độc chiếc quần đùi, cười thật tươi nói:
-Nào, chúng ta cùng xuống tắm biển thôi! Em nào không biết bơi, thầy sẽ tận tình chỉ bảo cho!
Nói rồi ông cất bước đi về mé biển. Bọn thanh niên nam nữ đứng dậy trút bỏ quần áo bên ngoài, mỗi người chỉ còn mặc bộ đồ bikini, vội vã chạy ùa theo sau lưng nhà sư. Một nam thanh niên nào đó bỗng hét toáng lên:
- Tu là cõi phúc! Tu là cõi phúc!
Rồi cả bọn đồng thanh hô lớn:
- Cõi phúc! Cõi phúc!
Cả đoàn chạy ùa xuống nước như một bầy thú hoang la hét, cười đùa ầm ĩ.
 

19/4/2024
Trần Đức Phổ

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Bụi Dứa Bà Hồng - Truyện ngắn

 



Giữa xóm 8, có một con đường đất nhỏ chạy len lỏi qua những ngôi nhà mái tranh vách đất, những đám khoai mì, rẫy mía và qua rừng dương xanh biếc, quanh năm gió thổi vi vu. Tiếp giáp rừng dương là dải cát trắng phau, chạy dài từ bắc xuống nam, dọc theo bờ biển. Trên dải cát ấy thấp thoáng ta nhìn thấy những lùm dứa dại và những đám muống biển bò lan trên mặt đất. Dứa dại trông giống như bụi thơm nhưng lùm cây to hơn. Lá xanh dài, dọc hai bên mép lá có hàng gai sắc nhọn. Trái thoạt nhìn bề ngoài cũng giống như trái thơm, nhưng lại có sự khác biệt ở bên trong. Đó là ta có thể lẩy từng mắt trái dứa ra thành mỗi múi riêng biệt. Đặc biệt hoa của loại cây này mọc thành chùm, màu trắng, lúc nở hương thơm ngát. 

Chỗ gần bìa rừng dương, ở cuối con đường xóm 8, về bên mé biển có một bụi dứa to, mọc kề cái gò đất cao, cát trắng tinh, không một bụi cỏ. Lùm dứa có chu vi chừng ba trượng, dưới gốc lá khô rủ xuống um tùm, mạng nhện giăng chi chít, nhìn vào trông thật âm u, lạnh lẽo, ghê rợn. Quanh đó hang còng hang nhông dày đặc, cái cũ, cái mới nhưng tuyệt nhiên không hề thấy có ai dám bén mảng đến để đào. Cái lùm dứa ấy nghe nhiều người nói là có ma. Có người khẳng định khi qua đây ban đêm hoặc giữa trưa tròn bóng họ đều trông thấy một cô gái xõa tóc, mình mặc bộ đồ trắng dính bê bết máu đỏ tươi. Có người lại bảo họ nghe tiếng kêu khóc, van lơn từ trong bụi dứa vang ra. Có người thì quả quyết họ đã nghe tiếng vãi cát rào rào phía sau lưng lúc đi một mình. Vì thế mỗi lần qua đây trẻ con hoặc người lớn đều sợ khiếp vía. Họ im lặng mà đi, dù cho số đông hay ít người. Nếu lỡ đi một mình thì họ phải bắt ấn trừ ma bằng cách lấy ngón cái bấm thật mạnh vào ngón út cho đau, và nín thở chạy nhanh qua. Một đồn mười mười đồn trăm ai ai cũng đều trở nên khiếp sợ và ít dám lai vảng đến nơi ấy. Bụi dứa được dân làng gọi là lùm dứa Bà Hồng. Cái gò đất cao bên cạnh chính là mả của một cô gái tên Hồng bị du kích địa phương xử tử hình hồi cuối năm 1969. Có điều lạ là lúc giết cô ta xong họ chỉ lấp đất chứ không vun thành mộ, nhưng qua nhiều năm tháng nơi ấy lại biến thành một cái gò cao. Mọi người cho rằng vì cô Hồng bị oan nên linh thiêng. Mặc dù vậy dân chúng sợ chính quyền địa phương vu cho tội hùa theo phản động, Việt gian nên chẳng dám thắp nhang khấn vái hay lập miếu thờ. Chỉ kiêng nể gọi là mả Bà Hồng cho dù khi chết bà vẫn còn là một thanh nữ. Và như thế lùm dứa kề bên cũng được ăn theo gọi là Bụi dứa Bà hồng.

Nhiều người già trong thôn, xã đã từng chứng kiến cảnh hành quyết cô Hồng kể lại. Ngay lúc hoàng hôn hôm đó, dân chúng địa phương đã được nhóm du kích xã đến từng nhà hối thúc đi nghe phiên tòa di động xử tử đứa chỉ điểm, việt gian phản cách mạng. Đến tối thì mọi người đã tề tựu đông đủ ở bìa rừng dương, cạnh con đường xóm 8. Đó là một đêm không trăng, nền trời đầy sao sáng. Ngọn gió biển thổi hiu hiu vẫn không làm dịu được cái hơi nóng hừng hực bốc lên từ mặt đất bị ông mặt trời nung suốt ngày hè nắng gắt. Một vài ngọn đuốc cháy lập lòe. Chỗ bụi dứa đã đào sẵn một cái huyệt nhỏ vừa vặn cho một người. Phía đông có kê cái bàn dài, sau bàn là ba cán bộ xã, gồm bí thư, chủ tịch và xã đội trưởng ngồi ghế quan tòa.

Hai anh du kích xốc nách một cô gái trạc chừng trên hai mươi tuổi, kéo lê chân cô trên mặt cát đem đến cột vào cái cọc vừa mới đóng bên miệng hố. Cô gái mình mặc bộ đồ bà ba trắng, nổi bật lên từng lằn máu đỏ, tay chân bị trói chặt bằng sợi dây thừng. Mái tóc dài rũ rượi phủ lòa xòa trên gương mặt nhợt nhạt, sưng bầm. Hai bên khóe miệng những vệt máu loằng ngoằng như vệt son môi ươn ướt.
Đám đông trước đó nói chuyện ồn ào, nhưng từ lúc cô gái nọ xuất hiện họ bắt đầu im phăng phắc. Hàng trăm con mắt đổ dồn về cô. Gọi là xử án nhưng chỉ thấy ông bí thư xã móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy gấp tư. Ông đưa tay vuốt lại phẳng phiu, rồi đứng lên. Một anh trên tay trái có cột rẻo băng đỏ cầm ngọn đuốc đưa đến gần soi cho ông đọc.
-Thưa đồng bào và các đồng chí. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và bác Hồ vĩ đại nên đội du kích xã An Quang đã phá vỡ được một tổ chức gián điệp, chuyên cung cấp tin tưc tình báo cho bọn ngụy quân ngụy quyền, nhằm đánh phá công cuộc cách mạng ở địa phương ta. Tên chỉ điểm Nguyễn thị Hồng, đêm qua đã bị lực lượng du kích xông vào tận nhà bắt trói để điều tra. Qua một ngày đêm nỗ lực đấu tranh, khai thác, y thị đã thú nhận tội làm chỉ điểm các cơ sở bí mật, các nơi trú ẩn cũng như những nơi cất giấu lương thực của du kích xã nhà cho tụi chi khu. Tội trạng của ả đã rành rành. Nay chúng tôi thay mặt tòa án xã An Quang tuyên bố thị Hồng tội tử hình, để trả nợ máu cho đồng bào và đồng chí chúng ta.

 Bí thư xã vừa đọc xong mảnh giấy bỗng mọi người nghe cô Hồng gào lên trong hơi thở đứt đoạn.
- Oan quá! … Oan quá… trời ơi!
Tên xã đội trưởng quát:
- Bịt miệng nó lại!
Một tên du kích chạy tới nhét miếng giẻ vào miệng cô gái.
Đám đông im phăng phắc. Bỗng tiếng một người hô to:
- Đã đảo Việt gian! Đã đảo bọn chỉ điểm
- Bắn nó đi! Giết nó đi!
Có mấy tiếng hô theo loạc choạc. Mọi người ai cũng biết đó là bọn cò mồi, muốn tạo không khí chết chóc để trấn áp tinh thần đám đông. Số phận của cô gái kia dĩ nhiên đã được định đoạt sẵn. Không ai dám xì xầm điều chi để khỏi mang lấy họa vào thân. Dù cho có nhiều người biết rõ cô gái là vô tội cũng phải thủ khẩu như bình. Nếu không muốn ăn theo nói leo thì im lặng là vàng. Chẳng ai dại gì làm anh hùng rơm để chết uổng mạng.
Tên xã đội trưởng đứng lên ra hiệu cho đám cò mồi im lặng trở lại. Rồi hắn ra lệnh.
- Đội hành quyết chuẩn bị… Bắn!
Sau tiếng hô dõng dạc của hắn, những tràng đạn tiểu liên nổ ran. Cô Hồng rú lên một tiếng đau đớn, rồi đầu gục xuống. Máu từ người cô tuôn ra xối xả. Tấm thân mảnh dẻ giật giật liên hồi. Thêm hai lạot đạn nữa bắn vào cái xác không hồn. Bấy giờ tên xã đội trưởng bước đến bồi thêm một phát ân huệ nữa dù rằng hắn quá biết tử tù đã chết. Xong rồi hắn co giò đá cái xác xuống hố.
Đám đông khiếp đảm, họ đã phải chứng kiến một màn giết người rùng rợn, dã man như thời trung cổ. Có khác chăng ngày xưa người ta hành quyết bằng giáo mác thì ngày nay họ giết người bằng súng đạn mà thôi. Không ai dám nói một lời xót thương cho cô gái xấu số, nhưng dưới ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đuốc sắp tàn nhiều người đang lấy tay áo quệt nước mắt đang trào ra dưới mi mắt họ.
Lúc này, chủ tịch xã mới đứng lên tuyên bố bế mạc phiên tòa. Mọi người lê bước ra về mà đầu óc choáng váng vì cảnh hành quyết người con gái kia cứ lảng vảng trước mắt họ. Trong đám người lủi thủi ra về đó có một người cao niên vừa đi vừa nói nhỏ với người bạn đi bên cạnh.
- Tôi biết cô đó mà. Nhà nó ở trong khu dồn kế nhà tôi. Mấy tháng trước cô ta được nhận vô sở Mỹ làm công việc lặt vặt như giặt giũ lau chùi. Mấy ông Việt cộng muốn nó làm điệp báo đưa tin cho họ nhưng nó không chịu nên mới ra nông nỗi này.
Ông bạn phụ họa:
- Tôi cũng nghe người ta nói cô ấy là một người đàng hoàng, đâu phải hạng ăn chơi buông tuồng, dễ bị lợi dụng.

Hai ông già nói đến đây đều thở dài thương cảm cho cô gái và cho số phận hèn mọn của người dân trong cuộc chiến tranh khốc liệt đầy máu và nước mắt.

Câu chuyện cán bộ xử tử một cô gái làm tay sai cho giặc Mỹ loan truyền nhanh chóng trong dân chúng. Và cũng kể từ đó cái tên Bụi Dứa Bà Hồng có ma quỷ trú ngụ được lưu truyền rộng rãi. Đến mãi sau giải phóng hầu như ai ai trong xã An Quang cũng đều kiêng dè khi đi ngang qua đó. Một hôm, có ông Tám Búa ở xóm 7 là cán bộ tập kết ngoài Bắc mới về, nghe người ta nói chuyện ma quỷ ở Bụi Dứa Bà Hồng thì bực lắm. Ông ta thường tuyên bố chẳng có thần thánh hay ma quỷ gì ráo trọi, toàn là chuyện bịa đặt hoang đường. Ông ta nói sẽ đốt lùm dứa để xem thử mặt mũi con ma nó như thế nào. Nói là làm. Chiều hôm đó Tám Búa vào rừng dương hốt một giỏ rác khô đem tới Bụi Dứa Bà Hồng đổ quanh gốc rồi bật diêm đốt. Ông đánh diêm suốt cả buổi mà nhóm chẳng được ngọn lửa. Có que diêm gãy hai, có que xẹt lửa chút xíu rồi tắt ngấm. Ông loay hoay mãi đến chạng vạng thì đống rác dương mới bắt đầu bập bùng cháy. Ông khoái chí đứng dậy, xoa hai tay vào nhau, hí hửng vui mừng, phen này bụi dứa tất cháy rụi. Để xem ma với quỷ còn nơi nào mà nấp. Khi ngọn lửa vừa mới bén được vào mấy chiếc lá khô nơi gốc dứa, bỗng đâu một trận gió nổi lên đột ngột. Bụi cát bay mịt mù. Những cọng rác dương bị gió cuốn bay tứ tán như có ai đó đang bốc từng nhúm mà vãi. Sợ cát bay vào mắt, Tám Búa lật đật nhắm nghiền hai mắt lại. Cùng lúc ông ta vội vàng xoay lưng về hướng gió để đỡ rát mặt. Chỉ chừng một phút sau trận cuồng phong đã tan biến đâu mất. Tám Búa có cảm tưởng như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ông có cảm giác bị chưng hửng trong giây lát, rồi định thần quay trở lại nhìn vào lùm dứa. Trời đã nhá nhem, lùm dứa trở nên đen thui với những hình thù quái dị. thấp thoáng dường như có một bóng người mặc bộ đồ trắng, nhưng không thấy đầu đang đứng lơ lửng trên ngọn dứa. Tưởng mình bị hoa mắt, Tám Búa vội vã đưa tay lên dụi lia lịa, rồi mở hai mắt ra thật to mà nhìn. Đúng là dáng hình một người đàn bà mặc bộ bà ba trắng, đầu tóc xõa tung, màu tóc điệp vào bóng đêm nên lúc nãy ông tưởng không có đầu. Ông sợ quá, ù té chạy. Cát lún Tám Búa chỉ chạy được mấy bước rồi quýnh chân chúi nhủi ngã nhào về phía trước. Ông gắng sức đứng lên, chạy bán sống bán chết về nhà.

16/4/2024
Trần Đức Phổ


Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Nghệ Thuật Bất Vị Nhân Sinh

Tú Điếc

 
Chữ nghĩa ngày nay nghĩ chán phèo
Mười người viết lách chín người teo
Ngôn tình một mớ chua như dấm
Triết lý ba xu dỏm tựa bèo
Chính trị tránh xa mùi ghẻ lở
Văn chương cầu cạnh thói đời đeo
Thuở xưa bút thép nay bàn phím
Nên mấy thằng gian mới lộn lèo.
 
11/4/2024
 

 

Thà Dốt Còn Hơn Đọc Các Ngài

Tú Điếc

Những chữ tầm thường cũng viết sai
Thợ văn, lều báo nỗi bi hài
Học sinh trộm ngó cười toe miệng
Ông giáo liếc nhìn muốn bạt tai
Kẻ trước đã lầm âm Việt chuẩn
Người sau lại ngọng kiểu Tàu lai
Tuyên truyền đọc sách mà như thế
Thà dốt còn hơn đọc các ngài! 
 
12/4/2024
 

 

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

TƯ BEO (Kỳ 2)

 


(tiếp theo kỳ trước và hết)
 
Tư Beo ngồi tựa lưng vào chiếc ghế sa lông song làm bằng thứ gỗ hương lên nước vàng óng. Miệng hắn phì phà điếu thuốc lá. Hai bàn chân to bè như chân vịt gác lên cái bàn dài trước mặt. Hắn lim dim mắt nhưng không phải để mơ mộng mà để nghĩ ngợi, suy tính. Thỉnh thoảng từ cái miệng rộng có cặp môi dày và hàm răng vàng khè nhả ra những vòng khói thuốc chữ O tròn trĩnh từ từ bay lên cao, lan rộng và tan loãng vào không khí. Hôm nay, hắn thức dậy sớm nhưng cáo bệnh không xuống Ủy ban xã, vì suốt đêm qua, hắn trằn trọc, suy nghĩ cách viết báo cáo cho vụ bắn người bữa nọ, không hề chợp mắt được. Chiều hôm qua, hắn nhận được thông báo rằng người thanh niên trúng đạn đã chết trên đường đến bệnh viện. Gia đình anh ta đã làm đơn khởi kiện nhóm du kích xóm 8 lên tòa án tỉnh. Vì thế hôm nay hắn quyết định ở nhà một ngày để tìm cách giải quyết. Vợ hắn đã đi chợ, hai đứa con đến trường từ sớm, chỉ còn mình hắn ngồi nhà. Bầu không khí thật tĩnh lặng thuận tiện cho viết lách, nhưng cả tiếng đồng hồ trôi qua mà hắn vẫn chưa viết được chữ nào. Bởi lẽ, hắn không muốn báo cáo sự thật. Hắn không muốn bị mất chức, hoặc bị tù tội, thậm chí là bản án tử hình.
Tư Beo chồm người dậy, đưa tay với lấy cái bình trà kiểu xưa, vòi và quai cầm đều bịt đồng sáng bóng. Hắn mỉm cười, thoáng vẻ đắc chí khi ngắm nghía món đồ yêu thích đó. Hắn nhớ lại bộ tách này hắn đã lấy ở một gia đình cuối xóm hồi tháng trước, khi hắn ghé chơi. Nhà đó có đứa con trai vượt biên nên thấy hắn như mèo thấy chuột. Tìm cách lủi đi nhưng không được nên họ đành phải tiếp. Lúc họ mời nước trông thấy cái bình trà hắn đã muốn lấy ngay, nhưng giả vờ hỏi xin. Chủ nhà nhỏ nhẹ khước từ khéo. Hắn giận quắc mắt, chủi thề, rồi đứng dậy ra về, tiện tay cầm cái bình trà đi thẳng ra ngõ. Chủ nhà ngó theo tiếc của mà không dám đòi.
Tư Beo rót một tách trà, rồi bưng lên uống ực một hơi cạn sạch, vẻ mặt đầy khoan khoái. Chung trà làm cho đầu óc tỉnh táo hẳn lên. Hắn lại ngả người trên sa lông, nhưng lần này đôi mắt có nhiều lòng trắng mở to ngước nhìn trần nhà. Ngắm giàn xuyên trính vuông vức bằng gỗ dầu lai lên nước bóng loáng hắn gục gặc cái đầu tỏ ý rất đỗi hài lòng. Nhưng ô kìa, phía trên lớp mè, rui mạng nhện giăng mắc ngang dọc, mái ngói lâu ngày đen xỉn trông chả đẹp chút nào.. Hắn nghĩ bụng có lẽ chủ nhà trước đây đã mua trúng thứ ngói rẻ tiền, nên thế. Hắn chặc lưỡi tự nói thầm như để nhắc nhở mình: “Xong cái vụ giết người rắc rối này ta sẽ móc hầu bao vài kẻ chạy chọt nghĩa vụ quân sự cho con cháu để kiếm ít cây vàng thay lớp ngói cho ngôi nhà mới được .” Tính hắn xưa nay vẫn vậy thích lấy của người khác về làm của nhà mình. Với cái chức vụ xã đội trưởng trong thời buổi ngoài biên ải có giặc dữ, trong nước dân chúng bỏ quê hương ra đi, hắn mặc sức mà hoành hành ở cái làng biển hẻo lánh này.
Chả thế mà cả căn nhà hắn đang ở, kể luôn nội thất cũng đều là tài sản của người bỏ trốn ra nước ngoài, và hắn đã tịch thu. Nhà này nguyên ủy là của một gia đình giàu có, chủ tàu hành nghề lưới cảng đường dài. Hồi đầu năm 1979 cả xóm 8 bỗng nhiên náo động vì qua một đêm sáng dậy nghe người ta đồn ầm lên, toàn bộ gia đình ông Phú đã đi vượt biển. Người dân trong xóm lúc đó bàn tán ì xèo. Ai cũng khen họ khéo ngụy trang giấu giếm kế hoạch, và tổ chức chu đáo nên không bị lộ. Họ có biết đâu chính hắn đã ăn rơ với chủ tịch, công an trưởng và bí thư xã bán bãi cho ông Phú để lấy hàng trăm cây vàng đút túi. Phần gã lại viện cớ chưa có chỗ ở nên làm đơn xin luôn căn nhà và mảnh vườn. Vì lúc ấy hắn vẫn còn là một cán bộ vô sản, sống nương nhờ vào gia đình mẹ đẻ,. Thế nên Ủy ban cấp luôn cho hắn làm phần thưởng cho công tác tịch biên. Cũng nhờ khôn khéo và biết nịnh nọt cấp trên nên hắn dễ dàng đạt được mọi mục đích.
Tư Beo có ngày nay là cũng nhờ vào cuộc đổi đời tháng Tư năm 1975. Hắn vốn là con của một gia đình có công với cách mạng. Cha hắn đảng viên kỳ cựu từ hồi Khởi nghĩa. Năm hắn lên hai tuổi, ông tập kết ra Bắc. Trước khi đi ông nhờ một đồng chí của mình còn ở lại trông nôm giùm vợ con. Họ tưởng đâu hai năm sau sẽ đoàn tụ. Dè đâu ông đi biệt từ đó. Chuyện gì phải xảy ra ắt xảy ra. Trai chưa vợ, gái đã có chồng, nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy bùng khó lòng dập tắt. Thế là bà mẹ Tư Beo cùng ông đồng chí của cha hắn góp gạo thổi cơm chung với nhau và sinh ra mấy cô cậu nữa. Để tránh bị chính quyền thời ông Ngô Đình Diệm nghi ngờ, theo dõi gia đình có người tập kết ra Bắc, bà mẹ cho Tư Beo lấy theo họ của cha dượng. Cuối năm 1967 chiến tranh ở vùng này vô cùng khốc liệt, gia đình Tư Beo di tản vào Sa Huỳnh. Nhưng ông cha dượng vẫn tiếp tục hoạt động cho cộng sản. Ông thường xuyên theo ghe lưới quay về cửa Mỹ Á để tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân du kích. Đầu năm 1972, ông bị lực lượng cảnh sát tuần duyên bắt vì tội kinh tài và vận chuyển nhu yếu phẩm cho Việt Cộng. Cha dượng Tư Beo bị kết án ba năm tù giam, đày đi côn đảo. Tư Beo lo sợ bị liên lụy nên nhảy theo ghe lưới trốn về quê cũ tham gia đội du kích xã. Lúc này hắn đổi lại họ cha đẻ, khai ông tập kết vào lý lịch để được hưởng quyền lợi đãi ngộ của Việt cộng địa phương. Xét thấy hắn cũng là một hạt giống đỏ của cách mạng xã nhà nên cấp ủy xã Bằng An gửi hắn lên đào tạo ở miền rừng núi phía tây huyện Đức Phổ. Tại đây hắn được biên chế vào đội canh phòng và bảo vệ mấy lán trại của cơ quan huyện uỷ. Vì tướng tá cao to, và bàn tay có vết chàm đầu báo, tính tình lại hung hãn, cộc cằn nên mấy đồng chí du kích đặt cho hắn cái tên rất rừng rú là Tư Beo để phân biệt với một người khác cũng tên Tư.
 
Từ năm 1972 đến cuối năm 1974, Sư đoàn 2 Bộ binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa làm cỏ vùng duyên hải Mộ Đức, Đức Phổ. Các cơ sở thân Việt cộng đều bị đánh bật gốc. Sau nhiều trận săn lùng và tiêu diệt, du kích xã Bằng An chết sạch, không còn ai sống sót. Đầu năm 1975, Huyện đội điều Tư Beo về gây dựng lại đội du kích xã Bằng An. Thế là đêm đêm hắn cho người đột nhập vào nhà thường dân hăm dọa, bắt bớ thiếu niên mười ba mười bốn tuổi thoát ly gia đình tham gia vào đội. Dù hắn hết sức cố gắn nhưng cả mấy tháng cũng chỉ gom được vẻn vẹn chừng một tiểu đội mười hai người. Số phận quả thật rất ưu ái với Tư Beo. Gần cuối tháng ba năm 1975 thì tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng. Nhiều gia đình chạy nạn chiến tranh từ Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn lần lượt về quê. Chớp lấy cơ hội ấy Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền, kêu gọi thanh niên tích cực tham gia du kích bảo vệ quê hương. Với nhiệt tình và hăng hái của tuổi trẻ rất đông thanh niên nam nữ đã đăng ký vào đội du kích thôn, du kích xã. Thanh thế và địa vị của Tư Beo nổi lên từ đó, mặc dù hắn chưa hề tham gia trận đánh nào từ khi được cầm súng, hoặc có thành tích gì. Rồi kế đến khi biên giới phía Bắc bị quân Tàu tràn ngập thì phong trào du kích, địa phương tự vệ được hô hào, cổ động mạnh, Tư Beo càng thấy vai trò mình quan trọng càng trở nên hống hách và ngang ngược với dân lành.
Giờ đây Tư Beo đang ngồi tư lự, hắn lo sợ bị bay mất cái chức xã đội trưởng muốn gió có gió, muốn mưa có mưa ở cái xã toàn những người ngư dân dễ bảo này. Đêm qua, hắn cũng đã từng suy nghĩ muốn nhờ cha ruột can thiệp, nhưng mà ông ở tít ngoài Bắc. Nước xa không cứu được lửa gần. Sau năm 1975, người cha đi biền biệt suốt 22 năm trời lù lù quay về. Tưởng đâu lúc gặp nhau cha mẹ hắn rất khó xử, nhưng không, họ coi nhau như bạn. Ông đã có gia đình ngoài Bắc, bà thì đã ôm cầm thuyền khác. Thế là huề cả làng. Hiện tại ông đang làm phó bí thư huyện ủy một huyện miền núi thuộc vùng Tây bắc rất xa xôi nên chẳng dễ gì liên lạc được.
Tư Beo đốt thêm điếu thuốc lá nữa, đứng lên đóng cửa, và đi xuống sân, dắt chiếc xe đạp ra ngõ. Vừa qua khỏi ngõ nhà thì gặp vợ đang khệ nệ bưng một thúng đầy ăm ắp từ chợ về. Hắn nói với vợ: “Tui đi xuống nhà thằng Quấc có công chuyện chút!” Nói xong, không chờ nghe vợ trả lời, hắn đạp xe đi thẳng. Lúc qua ngã ba chỗ trường tiểu học đúng vào giờ ra chơi, Tư Beo suýt tông vào một đám học sinh đang bắn bi ngoài đường. Hắn ngừng xe trợn mắt quát:
- Bọn bây hết chỗ chơi rồi à? Muốn chết sao chơi bắn bi ngoài đường?
Có mấy đứa sợ hãi bỏ chạy tán loạn, duy nhất một cậu bé gầy nhom còn đứng lại cãi.
- Bọn cháu chỉ chơi ven lề đường thôi, chú đi xe ẩu còn đổ thừa.
Tư Beo đỏ mặt tía tai, nạt.
- Còn cãi! Đ.M. Tránh ra không tao đá cho một cái bây giờ.
Tư Beo bước xuống xe, bặm môi, trợn mắt. Thằng nhỏ thấy thế co giò, cắm cổ chạy biến vào trong trường.
Đến ngõ nhà Quấc, Tư Beo đứng ngoài hàng rào, gọi:
- Quấc! … Quấc!
Có tiếng đáp từ trong nhà vọng ra:
- Ai đó?
- Anh Tư đây! Ra ngoài này nói chuyện chút.
Quấc lững thững đi ra. Tư Beo dựng xe đạp vào hàng rào cây ngũ sắc nở đầy hoa.
- Trên huyện gửi giấy về đòi chúng ta tuần tới phải ra hầu tòa. – Tư Beo nói xong móc túi đưa tờ giấy cho Quấc. Anh thanh niên xem xong, mặt mày tái mét, hỏi Tư Beo.
- Làm sao bây giờ anh Tư?
Chờ cho chàng trai thấm đòn cân não, Tư Beo thủng thẳng nói:
- Chỉ còn cách là em nhận tội đã ngộ sát thôi.
Quấc giẫy nẫy:
- Anh bắn mà! Đâu phải em!
Tư Beo ôn tồn:
- Đ.M. Nhưng súng và đạn là của em! Tòa án họ căn cứ vào bằng chứng. Hơn nữa một người bị tù còn hơn cả bọn, đúng không nào? Mấy đứa khác đã thống nhất khai như vậy rồi! Chỉ còn có mỗi mình em khai khác đi, tòa cũng không tin đâu.
- Em phải ở tù bao lâu? – Giọng Quấc đầy rầu rĩ, tuyệt vọng.
- Bọn thanh niên Lý Sơn đã sai trước, vì chúng xâm phạm, đánh mìn phá hoại vùng biển của ta. Mình vì bảo vệ tài sản cho nhân dân mà ngộ sát nên tòa chỉ phạt nhẹ thôi, chừng vài năm tù là cùng. Em yên chí, ở nhà gia đình cha mẹ em có anh lo cho tất cả. – Tư Beo Trấn an Quấc. Rồi hắn nói thêm. – Nhưng em phải nhận trách nhiệm là chỉ mình em nổ súng, cho khớp với lời khai của mọi người. Rõ chưa?
Anh thanh niên khờ khạo, thiểu não gật gật đầu.
 
oOo
 
Phiên tòa xét xử vụ nổ súng trên vùng biển xóm 8 kết thúc chóng vánh. Thẩm phán tuyên án du kích Võ Quấc tội ngộ sát khi đương làm nhiệm vụ mười năm tù giam. Những người khác trong toán cùng đi hôm ấy vô tội. Nghe xong lời tuyên bố của tòa Tư Beo nở một nụ cười vừa sung sướng vừa thâm hiểm trên đôi môi chì dày cộm như hai thỏi thịt trâu.
 
HẾT
10/4/2024
Trần Đức Phổ
 


TƯ BEO (Kỳ 1)

 

Truyện ngắn
 
Tiếng loa phóng thanh chốc chốc lại vang lên giọng của một người đàn ông khô khan và cộc cằn như ban lệnh:
- A lô… A lô… Các đồng chí du kích xóm 8 ngay bây giờ về tại nhà anh Quấc có việc gấp! Khi đi nhớ mang theo súng. Alô… Alô…
Buổi trưa mùa hạ ở cái xóm bãi ngang ven biển không có lấy một làn gió. Mấy khóm tre uể oải rủ ngọn đứng im lìm. Trên nhánh cây sầu đông tiếng loa rè rè hòa lẫn với tiếng ve rỉ rả tạo thành một bản hòa tấu hổ lốn, nhức cả óc. Đang thiu thiu ngủ trưa người trong xóm 8 bỗng giật mình tỉnh giấc. Trẻ con nằm trong võng ré lên. Có tiếng ru hời ngáy ngủ, rồi tiếng khóc lại im bặt.
Dưới gốc xoài, trước sân nhà Quấc, một người đàn ông cao to, tuổi trạc ba mươi, mặc bộ đồ bà ba đen, trên vai khoác khẩu AK 47, đang đi đi lại lại. Lưng áo ướt mồ hôi từng vạt. Mặt mũi hắn cau có, trên trán cũng mồ hôi nhễ nhại. Miệng lầm bầm điều gì không rõ, hình như đang chửi thề văng tục một thứ gì đó. Đang đi hắn chợt ngừng lại móc trong túi áo ra bao thuốc lá Vàm Cỏ, lấy một điếu châm lửa, rít một hơi dài. Hắn đưa bàn tay trái có cái vết chàm thâm sì chiếm gần hết cả mu bàn tay lên quẹt mồ hôi trán. Một thanh niên từ trong nhà bước xuống bậc tam cấp, tay xách khẩu CKC, cái báng gỗ lên nước bóng loáng, nổi bật những đường vân đỏ au, vừa đi về phía hắn vừa cất tiếng hỏi:
- Chưa ai đến sao anh Tư?
- Đ.M. Tụi nó chết đâu hết rồi, loa kêu từ nãy giờ mà chẳng thấy mặt mũi đứa nào. – Hắn nói xong nhổ toẹt một bãi đờm dãi, xuống nền đất trước mặt.
- Chắc tụi nó đang ngủ trưa nên chưa kịp đến đấy thôi. Ta chờ thêm một lát nữa.
- Đ.M. Ban đêm làm cái con c*t gì mà ban ngày ngủ trưa? – Tư Beo nói xong đến dựa vào gốc xoài, khẩu AK hạ xuống khỏi vai, đem dựng trước mặt. Hai tay cầm lấy nòng súng như người già cầm cái gậy. Anh thanh niên vội chạy vào nhà mang ra một cái băng ngựa gỗ (băng ghế dài) để dưới bóng xoài và mời mọc.
- Anh ngồi đây!
Tư Beo chễm chệ ngồi xuống băng ghế, nhả khói phì phèo. Chừng mười lăm phút sau, từ ngoài cổng lục rục năm sáu thanh niên tiến vào. Trên vai mỗi người đều mang súng tiểu liên AK 47 hoặc CKC, đầu mũi súng chúc xuống đất, báng súng chổng lên trời. Đến dưới gốc xoài, trước mặt Tư Beo, cả bọn cất tiếng chào đồng thanh:
- Chào xã đội trưởng!
Chào xong họ đứng vòng quanh Tư Beo. Một thanh niên cất giọng rụt rè, hỏi:
- Có chuyện gì dzậy anh Tư?
Tư Beo liếc qua cả bọn một lượt, không thèm trả lời người vừa hỏi. Hắn đứng lên, vênh mặt, chìa cái cằm lún phún râu, cất giọng nghiêm trang, hô to:
- Tất cả xếp hàng một!
Mấy anh thanh niên mới đến cùng với Quấc đứng xếp thành một hàng dọc trước mặt Tư Beo. Chờ cho đám du kích dưới quyền đứng ngay ngắn, chỉnh tề, Tư Beo nói giọng đầy vẻ trịnh trọng.
- Các đồng chí du kích xóm 8 thân mến! Hôm nay đảng, nhà nước và nhân dân giao phó cho các đồng chí một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và đặc biệt. Các đồng chí có biết đó là nhiệm vụ gì không? – Hỏi xong hắn tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp, dường như cũng không cần nghe câu trả lời của những anh du kích tuổi mới đôi mươi đang đứng im phăng phắc lắng nghe. – Tui vừa nhận được báo cáo từ các chủ rạng mành sơn rằng là bọn thanh niên từ đảo Lý Sơn vào vùng biển xóm ta cho nổ mìn đánh bắt cá bừa bãi, gây mất trật tự an ninh và thiệt hại kinh tế cho đồng bào ta. Vì thế nhiệm vụ của các đồng chí bữa nay là phải đuổi cổ bọn chúng đi để bảo vệ yên bình cho các rặng san hô của chúng ta. Các đồng chí nghe rõ chưa?
Có tiếng đáp rân:
- Dạ, rõ!
Tư Beo nói tiếp:
- Mấy lần trước các chủ ghe mành đã đuổi cổ bọn chúng đi. Nhưng bọn này lì lợm, không chưà thói trộm cắp xấu xa nên vài hôm sau là quay trở lại. Lần này các đồng chí phải mạnh tay. Nếu cần khi tôi ra lệnh nổ súng thì các đồng chí phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh. Kẻ nào bất tuân sẽ xử nghiêm theo quân pháp. Rõ chưa? – Nói đến đây nét mặt của Tư Beo đanh lại. Mắt hắn long lên như đang đứng trước kẻ thù.
- Dạ, rõ, thưa đồng chí xã đội trưởng!
Tư Beo vừa ý lắm. Mặt y giãn ra. Hắn nhìn thẳng vào đám đồng chí của mình và ra lệnh:
- Tốt! Bây giờ các đồng chí hãy theo tôi đi làm nhiệm vụ. Xuất phát!
Tư Beo nói xong tiến lại bên gốc xoài xách chiếc loa cầm tay sử dụng pin nãy giờ đang để chỏng chơ cạnh mấy cái rễ xoài lồi lên trên mặt đất nên không ai để ý. Hắn khoác súng lên vai, dẫn đầu đám du kích tiến ra ngõ. Theo con đường chính trong xóm họ đi về phía biển. 
 
Toán du kích ra đến bãi biển. Tư Beo cho trưng dụng ngay một chiếc ghe mành, hô hào cả bọn khẩn trương đẩy xuống nước. Đang là giữa trưa hè oi ả mà được lội xuống biển, cảm giác dễ chịu hẳn lên, trông ai cũng tươi tỉnh. Mùa này nước cạn. Từng con sóng nhỏ vỗ bờ lăn tăn. Đó đây có vài người cào chang chang, chang chép. Ngoài khơi xa vài ba chiếc ghe nhỏ loanh quanh chỗ cây chà mành sơn. Toán du kích đẩy chiếc ghe vừa tới chỗ nước sâu thì nghe tiếng Tư Beo la toáng lên:
- Đ.M. tụi nó kéo neo bỏ chạy rồi! Nhanh lên! Nhanh lên tụi bây!
Đám dân quân trẻ nín thở, gồng mình lấy sức mà đẩy, rồi vội vàng nhảy lên ghe, chộp nhanh lấy những cây chèo đã gay sẵn, chèo cật lực. Chiếc ghe rẽ sóng lướt đi vùn vụt, nhắm mấy con thuyền đang hối hả kéo neo mà lao tới. Tư Beo cầm cái loa đưa lên kêu gọi.
- A lô… A lô… chúng tôi là du kích xã Bằng An đang làm nhiệm vụ tuần tra. Yêu cầu những chiếc ghe đang kéo neo hãy ngừng lại, đứng yên tại chỗ để chúng tôi đến kiểm tra.
Giọng của Tư Beo léo nhéo, tan loãng vào trời nước mênh mông. Chẳng biết người trên những chiếc ghe nhỏ kia có nghe được hay không. Nhưng chắc họ đã nhìn thấy toán du kích mang súng ống hăm hở tiến về phía họ nên vội vã chặt dây neo, quay mũi ghe nhắm hướng bắc mà chèo. Ghe của những người kia nhỏ lại không có lưới chài gì nên lướt đi trên mặt biển như bay. Thấy vậy Tư Beo giơ loa về phía họ la lớn.
- Đứng lại! Đứng lại ngay lập tức!
Hai chiếc ghe trước mặt vẫn rẽ sóng lướt đi như kình ngư, mặc xác cho tên xã đội trưởng kêu gào. Không ghìm được cơn giận dữ Tư Beo chửi thề ong óng:
- Đ.M. không đứng lại tao bắn!
Những người trên hai chiếc ghe phía trước vẫn không ngừng tay chèo. Tư Beo ra lệnh cho một anh du kích nãy giờ đang đứng kế bên, không phải chèo chống gì.
- Quấc! mày bắn đi!
- Bắn thật sao anh Tư? – Quấc dớn dác hỏi lại.
- Đ.M. Chứ còn giả nữa à? Mau!
Quấc đưa khẩu CKC lên nhắm người chèo sau lái của chiếc ghe đang chạy đằng trước bóp cò. Đoàng! Đoàng! Hai phát đạn nổ chát chúa. Một tia lửa đỏ lóe ra từ nơi nòng súng. Đàn hải âu kêu lên kinh hãi, vỗ cánh nhắm phương nam mà bay đi. Trong bờ mấy người đàn ông đàn bà ngừng tay cào ốc, đưa mắt ngó ra biển.
Bắn xong hai phát súng, hồn vía của Quấc hình như cũng theo đầu đạn mà bay đi đâu mất. Anh ta ngồi bệt xuống sàn ghe. Bên tai nghe Tư Beo cằn nhằn.
- Trật lất! Đ.M. Bắn dở như hạch.
Nghe Tư Beo nói vậy trong bụng Quấc mừng rơn. Hắn nghĩ may mà ta chưa giết người. Quấc là một thanh niên nhút nhát, con trai độc nhất trong một gia đình có chín chị em. Vì thế từ nhỏ đến lớn hắn chỉ chơi bời lêu lổng chớ chẳng thèm học hành hay làm lụng thứ chi. Bà mẹ hắn xem hắn như hủ mắm treo đầu giàn, chưa bao giờ nói nặng lời với hắn. Sợ hắn bị bắt đi nghĩa vụ quân sự trong thời buổi chiến tranh liên miên với Khơ-me, với Tàu nên bà cho hắn tham gia du kích, một kiểu đi lính địa phương. Từ trước đến nay Quấc chỉ toàn bắn đạn mã tử khi tập luyện chứ chưa hề bắn đạn thật bao giờ. Hôm nay là lần đầu tiên hắn bắn đạn thật mà lại nhắm bắn vào người nữa nên bắn xong hắn sợ muốn vãi đái.
Tư Beo đưa cái loa cho Quấc cầm, chàng trai đỡ lấy như cái máy. Tên xã đội trưởng chộp ngay khẩu CKC của Quấc nâng lên, hướng đầu ruồi ngắm vào bắp đùi của người chèo chiếc ghe phía trước, rồi giục.
-Tụi bây chèo nhanh lên.
Bọn du kích ra sức chèo. Tư Beo chờ cho chiếc ghe lao lên một quãng nữa cho vừa tầm đạn. Hắn nín thở, bóp cò. Đoàng! Đoàng! Cùng lúc với tiếng súng, toán du kích nghe có tiếng người rú lên thất thanh. Liền đó, người chèo lái chiếc ghe phía trước gục ngay xuống như một cây chuối bị chặt ngang. Nhưng chiếc ghe phía trước vẫn không ngừng lại. Một người khác đưa tay cầm ngay lấy cây chèo lái, anh ta đứng vào chỗ người vừa trúng đạn tiếp tục chèo. Tên xã đội trưởng lại đưa súng lên. Bọn du kích đồng thanh la lớn.
- Thôi! Anh Tư, đừng bắn nữa! Chết một người rồi kìa!
Cả bọn quát xong, buông lơi tay chèo. Chiếc ghe chạy chậm dần rồi dừng lại giữa khoảng trời nước mênh mông. Tư Beo gương mặt đỏ gay. Đôi mắt long lên sòng sọc. Trông hắn như một con dã thú đang say mùi máu tanh. Quấc đứng dậy giằng lấy cây súng của hắn, và rên rĩ.
- Chết người rồi, làm sao bây giờ đây?
Tư Beo vẻ mặt lầm lì không nói một lời. Chiếc ghe trước mặt đã chạy xa tít tắp. Hắn khoát tay ra hiệu cho quay mũi ghe vào bờ. Toán du kích mặt mày phờ phạc, thất thần như một toán quân thua trận. Quần áo ướt sũng mồ hôi và nước mặn. Tư Beo ngồi phệt xuống sàn ghe. Cái vẻ hùng hổ, cuồng ngạo của hắn tan biến đâu mất. Hắn cúi gục mặt, đôi mắt nhắm nghiền, vầng trán nhắn tít như đang toan tính điều gì lung lắm trong đầu.
 
(còn tiếp)

Lý Tưởng Sao Bằng Một Cái Trai

Tú Điếc

 

Nghe nói ấu thơ bác rất tài
Học đèn đom đóm đếch thua ai
Mỗi năm mỗi lớp như ăn oản
Bữa đói bữa no cũng thuộc bài
Yêu đảng lòng trung tâm chỉ một
Thương người bể ái vợ đành hai
Cổ kim mấy kẻ không mê sắc?
Lý tưởng sao bằng một cái trai!
 
10/4/2024