Thứ Tư, 10 tháng 4, 2024

TƯ BEO (Kỳ 2)

 


(tiếp theo kỳ trước và hết)
 
Tư Beo ngồi tựa lưng vào chiếc ghế sa lông song làm bằng thứ gỗ hương lên nước vàng óng. Miệng hắn phì phà điếu thuốc lá. Hai bàn chân to bè như chân vịt gác lên cái bàn dài trước mặt. Hắn lim dim mắt nhưng không phải để mơ mộng mà để nghĩ ngợi, suy tính. Thỉnh thoảng từ cái miệng rộng có cặp môi dày và hàm răng vàng khè nhả ra những vòng khói thuốc chữ O tròn trĩnh từ từ bay lên cao, lan rộng và tan loãng vào không khí. Hôm nay, hắn thức dậy sớm nhưng cáo bệnh không xuống Ủy ban xã, vì suốt đêm qua, hắn trằn trọc, suy nghĩ cách viết báo cáo cho vụ bắn người bữa nọ, không hề chợp mắt được. Chiều hôm qua, hắn nhận được thông báo rằng người thanh niên trúng đạn đã chết trên đường đến bệnh viện. Gia đình anh ta đã làm đơn khởi kiện nhóm du kích xóm 8 lên tòa án tỉnh. Vì thế hôm nay hắn quyết định ở nhà một ngày để tìm cách giải quyết. Vợ hắn đã đi chợ, hai đứa con đến trường từ sớm, chỉ còn mình hắn ngồi nhà. Bầu không khí thật tĩnh lặng thuận tiện cho viết lách, nhưng cả tiếng đồng hồ trôi qua mà hắn vẫn chưa viết được chữ nào. Bởi lẽ, hắn không muốn báo cáo sự thật. Hắn không muốn bị mất chức, hoặc bị tù tội, thậm chí là bản án tử hình.
Tư Beo chồm người dậy, đưa tay với lấy cái bình trà kiểu xưa, vòi và quai cầm đều bịt đồng sáng bóng. Hắn mỉm cười, thoáng vẻ đắc chí khi ngắm nghía món đồ yêu thích đó. Hắn nhớ lại bộ tách này hắn đã lấy ở một gia đình cuối xóm hồi tháng trước, khi hắn ghé chơi. Nhà đó có đứa con trai vượt biên nên thấy hắn như mèo thấy chuột. Tìm cách lủi đi nhưng không được nên họ đành phải tiếp. Lúc họ mời nước trông thấy cái bình trà hắn đã muốn lấy ngay, nhưng giả vờ hỏi xin. Chủ nhà nhỏ nhẹ khước từ khéo. Hắn giận quắc mắt, chủi thề, rồi đứng dậy ra về, tiện tay cầm cái bình trà đi thẳng ra ngõ. Chủ nhà ngó theo tiếc của mà không dám đòi.
Tư Beo rót một tách trà, rồi bưng lên uống ực một hơi cạn sạch, vẻ mặt đầy khoan khoái. Chung trà làm cho đầu óc tỉnh táo hẳn lên. Hắn lại ngả người trên sa lông, nhưng lần này đôi mắt có nhiều lòng trắng mở to ngước nhìn trần nhà. Ngắm giàn xuyên trính vuông vức bằng gỗ dầu lai lên nước bóng loáng hắn gục gặc cái đầu tỏ ý rất đỗi hài lòng. Nhưng ô kìa, phía trên lớp mè, rui mạng nhện giăng mắc ngang dọc, mái ngói lâu ngày đen xỉn trông chả đẹp chút nào.. Hắn nghĩ bụng có lẽ chủ nhà trước đây đã mua trúng thứ ngói rẻ tiền, nên thế. Hắn chặc lưỡi tự nói thầm như để nhắc nhở mình: “Xong cái vụ giết người rắc rối này ta sẽ móc hầu bao vài kẻ chạy chọt nghĩa vụ quân sự cho con cháu để kiếm ít cây vàng thay lớp ngói cho ngôi nhà mới được .” Tính hắn xưa nay vẫn vậy thích lấy của người khác về làm của nhà mình. Với cái chức vụ xã đội trưởng trong thời buổi ngoài biên ải có giặc dữ, trong nước dân chúng bỏ quê hương ra đi, hắn mặc sức mà hoành hành ở cái làng biển hẻo lánh này.
Chả thế mà cả căn nhà hắn đang ở, kể luôn nội thất cũng đều là tài sản của người bỏ trốn ra nước ngoài, và hắn đã tịch thu. Nhà này nguyên ủy là của một gia đình giàu có, chủ tàu hành nghề lưới cảng đường dài. Hồi đầu năm 1979 cả xóm 8 bỗng nhiên náo động vì qua một đêm sáng dậy nghe người ta đồn ầm lên, toàn bộ gia đình ông Phú đã đi vượt biển. Người dân trong xóm lúc đó bàn tán ì xèo. Ai cũng khen họ khéo ngụy trang giấu giếm kế hoạch, và tổ chức chu đáo nên không bị lộ. Họ có biết đâu chính hắn đã ăn rơ với chủ tịch, công an trưởng và bí thư xã bán bãi cho ông Phú để lấy hàng trăm cây vàng đút túi. Phần gã lại viện cớ chưa có chỗ ở nên làm đơn xin luôn căn nhà và mảnh vườn. Vì lúc ấy hắn vẫn còn là một cán bộ vô sản, sống nương nhờ vào gia đình mẹ đẻ,. Thế nên Ủy ban cấp luôn cho hắn làm phần thưởng cho công tác tịch biên. Cũng nhờ khôn khéo và biết nịnh nọt cấp trên nên hắn dễ dàng đạt được mọi mục đích.
Tư Beo có ngày nay là cũng nhờ vào cuộc đổi đời tháng Tư năm 1975. Hắn vốn là con của một gia đình có công với cách mạng. Cha hắn đảng viên kỳ cựu từ hồi Khởi nghĩa. Năm hắn lên hai tuổi, ông tập kết ra Bắc. Trước khi đi ông nhờ một đồng chí của mình còn ở lại trông nôm giùm vợ con. Họ tưởng đâu hai năm sau sẽ đoàn tụ. Dè đâu ông đi biệt từ đó. Chuyện gì phải xảy ra ắt xảy ra. Trai chưa vợ, gái đã có chồng, nhưng lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy bùng khó lòng dập tắt. Thế là bà mẹ Tư Beo cùng ông đồng chí của cha hắn góp gạo thổi cơm chung với nhau và sinh ra mấy cô cậu nữa. Để tránh bị chính quyền thời ông Ngô Đình Diệm nghi ngờ, theo dõi gia đình có người tập kết ra Bắc, bà mẹ cho Tư Beo lấy theo họ của cha dượng. Cuối năm 1967 chiến tranh ở vùng này vô cùng khốc liệt, gia đình Tư Beo di tản vào Sa Huỳnh. Nhưng ông cha dượng vẫn tiếp tục hoạt động cho cộng sản. Ông thường xuyên theo ghe lưới quay về cửa Mỹ Á để tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân du kích. Đầu năm 1972, ông bị lực lượng cảnh sát tuần duyên bắt vì tội kinh tài và vận chuyển nhu yếu phẩm cho Việt Cộng. Cha dượng Tư Beo bị kết án ba năm tù giam, đày đi côn đảo. Tư Beo lo sợ bị liên lụy nên nhảy theo ghe lưới trốn về quê cũ tham gia đội du kích xã. Lúc này hắn đổi lại họ cha đẻ, khai ông tập kết vào lý lịch để được hưởng quyền lợi đãi ngộ của Việt cộng địa phương. Xét thấy hắn cũng là một hạt giống đỏ của cách mạng xã nhà nên cấp ủy xã Bằng An gửi hắn lên đào tạo ở miền rừng núi phía tây huyện Đức Phổ. Tại đây hắn được biên chế vào đội canh phòng và bảo vệ mấy lán trại của cơ quan huyện uỷ. Vì tướng tá cao to, và bàn tay có vết chàm đầu báo, tính tình lại hung hãn, cộc cằn nên mấy đồng chí du kích đặt cho hắn cái tên rất rừng rú là Tư Beo để phân biệt với một người khác cũng tên Tư.
 
Từ năm 1972 đến cuối năm 1974, Sư đoàn 2 Bộ binh của quân lực Việt Nam Cộng hòa làm cỏ vùng duyên hải Mộ Đức, Đức Phổ. Các cơ sở thân Việt cộng đều bị đánh bật gốc. Sau nhiều trận săn lùng và tiêu diệt, du kích xã Bằng An chết sạch, không còn ai sống sót. Đầu năm 1975, Huyện đội điều Tư Beo về gây dựng lại đội du kích xã Bằng An. Thế là đêm đêm hắn cho người đột nhập vào nhà thường dân hăm dọa, bắt bớ thiếu niên mười ba mười bốn tuổi thoát ly gia đình tham gia vào đội. Dù hắn hết sức cố gắn nhưng cả mấy tháng cũng chỉ gom được vẻn vẹn chừng một tiểu đội mười hai người. Số phận quả thật rất ưu ái với Tư Beo. Gần cuối tháng ba năm 1975 thì tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng. Nhiều gia đình chạy nạn chiến tranh từ Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn lần lượt về quê. Chớp lấy cơ hội ấy Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền, kêu gọi thanh niên tích cực tham gia du kích bảo vệ quê hương. Với nhiệt tình và hăng hái của tuổi trẻ rất đông thanh niên nam nữ đã đăng ký vào đội du kích thôn, du kích xã. Thanh thế và địa vị của Tư Beo nổi lên từ đó, mặc dù hắn chưa hề tham gia trận đánh nào từ khi được cầm súng, hoặc có thành tích gì. Rồi kế đến khi biên giới phía Bắc bị quân Tàu tràn ngập thì phong trào du kích, địa phương tự vệ được hô hào, cổ động mạnh, Tư Beo càng thấy vai trò mình quan trọng càng trở nên hống hách và ngang ngược với dân lành.
Giờ đây Tư Beo đang ngồi tư lự, hắn lo sợ bị bay mất cái chức xã đội trưởng muốn gió có gió, muốn mưa có mưa ở cái xã toàn những người ngư dân dễ bảo này. Đêm qua, hắn cũng đã từng suy nghĩ muốn nhờ cha ruột can thiệp, nhưng mà ông ở tít ngoài Bắc. Nước xa không cứu được lửa gần. Sau năm 1975, người cha đi biền biệt suốt 22 năm trời lù lù quay về. Tưởng đâu lúc gặp nhau cha mẹ hắn rất khó xử, nhưng không, họ coi nhau như bạn. Ông đã có gia đình ngoài Bắc, bà thì đã ôm cầm thuyền khác. Thế là huề cả làng. Hiện tại ông đang làm phó bí thư huyện ủy một huyện miền núi thuộc vùng Tây bắc rất xa xôi nên chẳng dễ gì liên lạc được.
Tư Beo đốt thêm điếu thuốc lá nữa, đứng lên đóng cửa, và đi xuống sân, dắt chiếc xe đạp ra ngõ. Vừa qua khỏi ngõ nhà thì gặp vợ đang khệ nệ bưng một thúng đầy ăm ắp từ chợ về. Hắn nói với vợ: “Tui đi xuống nhà thằng Quấc có công chuyện chút!” Nói xong, không chờ nghe vợ trả lời, hắn đạp xe đi thẳng. Lúc qua ngã ba chỗ trường tiểu học đúng vào giờ ra chơi, Tư Beo suýt tông vào một đám học sinh đang bắn bi ngoài đường. Hắn ngừng xe trợn mắt quát:
- Bọn bây hết chỗ chơi rồi à? Muốn chết sao chơi bắn bi ngoài đường?
Có mấy đứa sợ hãi bỏ chạy tán loạn, duy nhất một cậu bé gầy nhom còn đứng lại cãi.
- Bọn cháu chỉ chơi ven lề đường thôi, chú đi xe ẩu còn đổ thừa.
Tư Beo đỏ mặt tía tai, nạt.
- Còn cãi! Đ.M. Tránh ra không tao đá cho một cái bây giờ.
Tư Beo bước xuống xe, bặm môi, trợn mắt. Thằng nhỏ thấy thế co giò, cắm cổ chạy biến vào trong trường.
Đến ngõ nhà Quấc, Tư Beo đứng ngoài hàng rào, gọi:
- Quấc! … Quấc!
Có tiếng đáp từ trong nhà vọng ra:
- Ai đó?
- Anh Tư đây! Ra ngoài này nói chuyện chút.
Quấc lững thững đi ra. Tư Beo dựng xe đạp vào hàng rào cây ngũ sắc nở đầy hoa.
- Trên huyện gửi giấy về đòi chúng ta tuần tới phải ra hầu tòa. – Tư Beo nói xong móc túi đưa tờ giấy cho Quấc. Anh thanh niên xem xong, mặt mày tái mét, hỏi Tư Beo.
- Làm sao bây giờ anh Tư?
Chờ cho chàng trai thấm đòn cân não, Tư Beo thủng thẳng nói:
- Chỉ còn cách là em nhận tội đã ngộ sát thôi.
Quấc giẫy nẫy:
- Anh bắn mà! Đâu phải em!
Tư Beo ôn tồn:
- Đ.M. Nhưng súng và đạn là của em! Tòa án họ căn cứ vào bằng chứng. Hơn nữa một người bị tù còn hơn cả bọn, đúng không nào? Mấy đứa khác đã thống nhất khai như vậy rồi! Chỉ còn có mỗi mình em khai khác đi, tòa cũng không tin đâu.
- Em phải ở tù bao lâu? – Giọng Quấc đầy rầu rĩ, tuyệt vọng.
- Bọn thanh niên Lý Sơn đã sai trước, vì chúng xâm phạm, đánh mìn phá hoại vùng biển của ta. Mình vì bảo vệ tài sản cho nhân dân mà ngộ sát nên tòa chỉ phạt nhẹ thôi, chừng vài năm tù là cùng. Em yên chí, ở nhà gia đình cha mẹ em có anh lo cho tất cả. – Tư Beo Trấn an Quấc. Rồi hắn nói thêm. – Nhưng em phải nhận trách nhiệm là chỉ mình em nổ súng, cho khớp với lời khai của mọi người. Rõ chưa?
Anh thanh niên khờ khạo, thiểu não gật gật đầu.
 
oOo
 
Phiên tòa xét xử vụ nổ súng trên vùng biển xóm 8 kết thúc chóng vánh. Thẩm phán tuyên án du kích Võ Quấc tội ngộ sát khi đương làm nhiệm vụ mười năm tù giam. Những người khác trong toán cùng đi hôm ấy vô tội. Nghe xong lời tuyên bố của tòa Tư Beo nở một nụ cười vừa sung sướng vừa thâm hiểm trên đôi môi chì dày cộm như hai thỏi thịt trâu.
 
HẾT
10/4/2024
Trần Đức Phổ
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.