Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Răng Khểnh

Tác giả: Trần Đức Phổ

Ngày nao khi mộng đời xanh
Hoa rơi hữu ý cho mình thương nhau

Hạ vàng trái chín chưa lâu
Sắc thu đã nhuộm úa màu tang thương

Người đi xót nỗi tha phương
Kẻ ôm gối chiếc cố hương quặn lòng

Bao mùa lá đổ bên song
Bóng con chim nhạn vẫn không trở về

Trần gian lỗi một câu thề
Sâu trong tấc dạ còn ghi lời nguyền

Mai này duyên tái sinh duyên
Tìm người răng khểnh phỉ nguyền tình xưa!

Đêm 24/8/2022









































































































Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Tây Môn Khánh Cưa Đổ Phan Kim Liên

Tác giả: Trần Đức Phổ

“Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng mang ra ngoài đồng”*

Em như một nụ tầm xuân
Cớ chi đem cắm vũng bùn em ơi!?

Lòng ta tiếc đóa hồng rơi
Ngày xanh ngắn ngủi, cuộc đời thê lê!
Lòng người ai chẳng ham mê
Hoa xuân nỡ chẳng dựa kề bướm xuân?

Em còn là một mỹ nhân
Ta còn là gã thi nhân đa tình
Phan Kim Liên! Hỡi Phan Kim Liên
Tây Môn Khánh quyết thề nguyền cùng em

Ngàn năm nát cả họ tên
Thân sa hỏa ngục cũng xin yêu nàng
Tiếc gì một Võ Đại Lang
Mà em ngoảnh mặt phũ phàng ngó lơ!

Yêu ta khúc nhạc, câu thơ
Yêu ta trăng gió mây mưa đề huề
Cùng nhau hòa điệu phu thê
Nên thiên tình sử ly kỳ muôn thu!

16/7/2022
_____
* Ca dao 
 

 

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Tháng Ngày Lận Đận

 

THÁNG NGÀY LẬN ĐẬN

 

Sáng hôm sau trời còn chưa tỏ rõ, mẹ đã quảy trên vai đôi quang gánh, đầu đội nón lá, mình choàng tấm áo ni-lon xuất hiện trước hiên nhà chị Ba giữa làn mưa phùn, gió bấc của thời tiết mùa đông lạnh lẽo. Mẹ tôi đạt đôi quang gánh trên thềm nhà. Bà cởi nón và áo mưa ra, rồi bưng vào một nồi cháo gà vẫn còn âm ấm, vì được ủ trong một lớp rơm dày dưới lớp ni lông đi mưa. Chị tôi dọn bát đũa ra mời cả nhà cùng ăn sáng. Ngay hôm ấy, mẹ con chúng tôi vội vã lên Đức Phổ đón xe cho tôi vào Nha Trang. Khi xe chạy tôi vẫn còn trông thấy mẹ đang đứng bên vệ đường nhìn theo trong màn mưa bụi mịt mờ.

Vào đến Nha Trang, tôi đi tìm nhà chị Sáu tôi. Hôm ấy đúng vào ngày 28 Tết âm lịch năm 1983. Nhà chị tôi đã trang hoàng để đón xuân. Giữa nha chưng một cây mai to nhiều búp xanh mơn mởn.Thấy tôi, chị Sáu rất ngạc nhiên, dẫn tôi ra sau nhà chỗ chái bếp bên mé sông, hỏi đầu đuôi sự tình. Khi biết tôi đang đào ngũ, chị trầm ngâm một lát rồi nói.

- Nhà chị dạo này bị công an phường, công an khu phố theo dõi hơi gắt gao quá, em ở lâu không tiện. Nhưng cứ ở lại đây vài ngày. Ăn Tết xong qua Núi Sạn hỏi cô Hai B. chỗ làm, nếu không được hãy liệu tiếp.

Thế là tôi không còn phải lo lắng gì chỗ ăn ở nữa. Chiều bữa sau, anh rể tôi chạy tàu từ miền trong về. Đến tối anh dẫn tôi đến một quán nhậu trên đường Phan Bội Châu. Anh em ngồi lai rai. Đó là lần đầu tiên tôi được nếm thử bia hơi. Bia được đựng trong một cái ấm thiếc. Mới rót ra ly tôi cứ tưởng là nước trà đá gião vì cái màu vàng vàng nhợt nhợt. Hai anh em nâng ly xong, anh tôi hỏi:

- Cậu thấy thứ nước uống này thế bào?

Tôi trước giờ chỉ uống nước lạnh, nước trà, hoặc rượu đế chứ chưa hề uống món nào đăng đắng, lờ lợ như thế này. Bị anh hỏi bất ngờ, tôi không dám trả lời ngay bèn bưng ly uống lại một ngụm nữa. Lần này tôi uống thật chậm để cảm nhận được mùi vị rõ ràng hơn. Đặt ly xuống tôi đáp:

- Nước gì em không biết, nhưng không ngon gì lắm, chỉ đỡ hơn nước lạnh một chút thôi. Anh rể nghe tôi nói vậy chỉ cười xòa.

Qua Tết, tàu anh Sáu tôi chạy biển. Tôi sang nhà cô Hai B. bên Núi Sạn để hỏi chỗ làm thuê. Dạo đó ở Nha Trang phong trào dệt mùng đang rầm rộ. Nhiều nhà sắm khung cưỡi, mướn thợ về dệt gia công cho các hợp tác xã vải sợi. Nhà cô hai B. có hai khung cưỡi. Một khung dệt khăn lông, khung kia dệt mùng. Cô mướn một người thợ dệt khăn lông quê Bình Định tên Chí. Chồng cô Hai B. thì dệt mùng. Thỉnh thoảng Hồng, em gái ruột cô Hai cũng vào đứng máy. Nhà hai khung dệt thiếu người làm sợi nên tôi mới hỏi cô đã đồng ý.

Tôi ở đó mấy tháng trời, chỉ quay sợi và đạp hồ, không được đứng máy. Lúc rảnh rổi tôi hay tò mò xem người ta dệt như thế nào. Nghề dệt mùng cũng không có gì khó lắm. Điều cần thiết phải nhanh tay, lẹ mắt, chú ý xem sợi dọc, sợi ngang. Hễ chúng bị đứt chỉ hoặc con suốt trong cái thoi hết sợi thì dừng máy ngay, nối chỉ, thay suốt rồi khởi động cho chạy lại. Máy đẹt sử dụng mô-tơ điện nên thợ cũng nhàn nhã. Cái quan trọng nhất cần đến thợ là khâu sửa chữa khung cưỡi. Bởi vậy người thợ càng có nhiều kinh nghiệm, tay nghề sửa chữa khung càng giỏi thì được hưởng lương càng cao.

Cô Hai B. đối với tôi khá tốt, nhưng anh chồng trái lại không ưa tôi gì mấy. Mỗi lần tôi đạp hồ nếu có anh ta thì thế nào cũng bị cằn nhằn. Tôi đạp nhẹ, y bảo hồ sẽ không thấm sợi vải. Tôi đạp mạnh y lại bảo đạp như thể nát hết sợi! Cô Hai tinh ý sợ tôi buồn nên lúc chỉ có mình tôi thường động viên, bảo tôi cố gắng làm việc.

Nhà cô Hai B. có một cái xe Honda 67. Nghe người lối xóm đồn rằng cái xe ấy có được là do chồng cô đi hôi của lúc Nha Trang hỗn loạn năm 1975. Lời ong tiếng ve còn nói lúc đó anh ta vơ được cả mấy bao thuốc tây bên thị xã nên nên sau này bán đi mới có tiền mua căn nhà đang ở. Ngôi nhà ba gian tường gạch mái ngói mà trước kia là của một ông Liên gia trưởng. Cộng sản vào ông bán rẻ căn nhà lấy tiền về quê sinh sống. Chuyện hôi của thực hư thế nào không biết nhưng gốc gác căn nhà đúng là như thế.

Một hôm vào ngày cúp điện định kỳ, tay Chí thợ dệt mượn chiếc Honda chở tôi qua đường Trần Phú dạo mát, uống cà phê sáng. Lúc quay về tôi nổi hứng bảo đưa xe cho tôi chạy thử. Tay Chí liền chỉ sơ sơ cho tôi biết cách sử dụng chiếc xe như vào số, tăng ga. Tôi cầm lấy tay lái, Chí ngồi sau, tay giữ yên xe. Tôi vào số và lên ga phóng đi. Ngồi đằng sau chí la oai oái:

- Ui... ui... mày chạy như thế hư hết xe!

- Làm sao mà hư?

- Nhớ bóp côn, rồi mới dzô số  chứ!

Tôi gục gặc cái đầu, cho Chí yên tâm:

- Được mà! Đừng lo!

Tôi sang số, tăng ga lên dốc cầu Xóm Bóng. Chí phát vào đùi tôi:

- Lại nữa! ...  Nhớ bóp côn!

Tôi hơi bực mình không giảm tốc, cho xe đổ dốc cầu!. Chí hét lên:

- Dừng lại!... Dừng lại! ...

Tôi thắng xe. Tay chí vội cầm lấy tay lái. Đoạn đường từ đó về nhà hắn không nói gì nữa với tôi. Chẳng biết Chí ton hót thế nào với Hai B. mà mấy hôm sau anh mỗi lần ta đối diện với tôi vẻ mặt cứ hầm hầm.

Giọt nước làm tràn ly. Một buổi tối, vợ chồng Hai B. chở nhau lên Thành ăn tiết canh vịt. Tôi và Chí cùng ba đứa con ở nhà. Hai đứa tôi ngồi nói chuyện chỗ bộ sa lông gỗ chấn song. Mấy đứa nhỏ  chơi đùa  ngay gian giữa, nơi có đặt kệ thờ và bộ bàn chân chữ U. Chí lấy từ chiếc ba lô bộ đội ra một mớ sợi giống như sợi thuóc lá vấn hút. Thấy tôi tò mò ngồi nhìn, anh ta quay sang hỏi:

- Mày có muốn hút thử không?

- Lá gì đấy?

- Bồ đà!

- Cho tôi thử một điếu xem sao!

Chí vấn một điếu nhỏ hơn điếu của y rồi đưa cho tôi. Tôi Châm lửa, rít một hơi. Khói thuốc nồng nồng và hôi hôi chứ không thơm như thuốc lá. Chí nhìn tôi, hỏi:

- Mày thấy sao?

- Chẳng thấy gì khác lạ!

Tôi lại rít một hơi nữa. Đầu óc bắt đầu lâng lâng. Có cảm giác vui vui, khác thường. Chí nhìn tôi cười cười:

- Thấm rồi! ... Thấm rồi! ...

Tôi cũng cười theo, rít luôn hai hơi liền. Đầu óc có vẻ mơ hồ, cảm giác như bềnh bồng trên mây. Nhưng tâm trạng lại rất vui vẻ. Thấy tôi như vậy, tay Chí vộii nói:

- Thôi! Thôi! ... Mày say rồi! Đừng hút nữa. – Vừa nói hắn vừa giật nửa điếu thuốc còn lại trên tay tôi, dụi tắt, và mang ba lô đi nơi khác. Tôi cảm thấy mắt mình dần dần trĩu nặng nên nằm luôn trên chiếc ghế sô pha đánh một giấc.

Nghe tiếng ồn ào, tôi giật mình thức dậy. Cả nhà đang quây quần bên thằng con út của cô Hai. Bên trái trán của nó có một vết xước, rươm rướm máu. Có tiếng của dượng Hai B.

- Giả đò, chớ ngủ gì mà ngủ! Đê tụi nhỏ chơi giỡn đổ máu như dzầy mà ngủ được à?

Tôi biết dượng ấy đang nói ai, nhưng nghĩ thân phận mình đang làm thuê ở mướn nên tôi đành im lặng, chẳng đôi co làm gì.

Trưa hôm sau, cô Hai B. gọi tôi ra chỗ vắng bảo:

- Anh xuống nhà vợ chồng Ba T. ở vài tháng giúp nó. Hiện chúng đang thiếu người làm.

Ngay chiều hôm đó tôi cuốn gói rời đi. Ở nhà Ba T. tôi cũng chỉ phụ làm sợi được mấy tháng thì gia chủ than vãn sợi vải đang trong thời kỳ khan hiếm, công việc không nhiều, nên bảo tôi tạm nghỉ. Cũng may. ngay lúc đó một anh bạn giới thiệu cho tôi chỗ làm mới trên Núi Sạn. Thế là tôi lại có công ăn việc làm. Ở nhà cô Hai và thím Ba trên danh nghĩa tôi là người học việc nên họ không trả tiền công cho tôi.

Gia đình người chủ mới của tôi gồm có hai vợ chồng già, một thằng con trai và một đứa con gái. Cả hai còn đang học trung học. Buổi sáng hai chúng đi học, không ai đứng máy nên phải mướn thêm người làm thuê. Buổi chiều, hai anh em thay phiên dệt, tôi làm sợi. Khi còn ở hai nơi cũ tuy không được đứng khung cưỡi nhưng nhìn thấy người ta dệt tôi cũng học lõm được đôi chút. Việc dệt mùng không có gì khó khăn, nên tôi tự tin mình có thể làm được. Tuy nhiên gặp lúc máy hư phải tự mình mò mẫm sửa chữa cũng là vấn đề khá phiền toái. Nhiều lúc tôi chữa lợn lành thành lợn què. Dù vậy tôi cũng làm ở nơi mới được ba bốn tháng.

Một đêm, đang ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa phòng, tôi choàng dậy, mở cửa. Bà chủ nhà đang đứng ngay trước mặt, thì thầm, giọng đầy vẻ lo sợ:

- Công an đang xét nhà! Con hãy trốn mau.

Tôi chạy ra ngoài, mở cửa lớn, bước xuống hè, không quên mang theo đôi dép, rồi chạy ra cổng. Ngó dáo dác, tôi nhìn thấy ánh đèn pin loang loáng phía dưới dốc. Lập tức, tôi chạy thục mạng về phía ngược lại, rôi rẽ phải. Đến một nghĩa địa hoang vu, tôi nhảy phăng qua hàng rào kẽm gai giăng cao ngang lưng quần. Vào trong ngĩa địa, tôi tìm một cái mộ đá, ngồi nấp vào nghe ngóng. Bốn bề yên tĩnh, màn đêm sáng nhờ nhờ. Mặt trăng hạ tuần như con mắt láo liên xoi mói. Mồ mả, lùm bụi lô nhô đầy vẻ ma quái, rình rập. Để trấn an cho bớt sợ hãi, tôi ngồi lặng thinh, bắt ấn kim cang quyền. Thời gian trôi đi quá chậm. Mãi rất lâu sau mới thấy bầu trời bắt đầu hừng sáng. Tôi đứng dậy, đi ra khỏi nghĩa địa, rồi tìm lối đi xuống đường Quốc lộ 1A. Nhà nhà còn đóng cửa im ỉm. Tôi thong thả đi đọc theo con lộ giả vờ như người tập thể dục buổi sáng. Chờ cho đến lúc mặt trời lên hẳn, tôi mới quay trở lại chỗ nhà làm thuê. Tôi vừa đi vừa nghe ngóng tình hình, mọi chỗ vẫn bình thường không có gì khác lạ. Trông thấy tôi về, bà chủ nhà líu lo:

- Cô xin lỗi con! Đêm qua, xóm dưới họ rút lưới cảng về nên ồn ào, huyên náo như thế, làm cô cứ tưởng công an phường xét nhà. Báo hại khiến con phải đi trốn suốt đêm.

Tôi chẳng biết nói gì hơn đành cười đáp:

- Không sao đâu cô! Như diễn tập thôi mà!

Trưa hôm đó cơm nước xong, cô gọi tôi ra ngồi ở hè nhà nói chuyện:

- Nói thật tình, cô cũng muốn con ở lại làm phụ với cô, nhưng con không có giấy tờ tuy thân nên là một trở ngại lớn. Tính cô hay lo sợ, và không muốn có phiền phức với công an nên mong con thông cảm đi kiếm việc nơi khác.

Tôi hiểu ý bà chủ nhà sợ bị liên lụy nên đáp:

- Dạ! ... Con cảm ơn cô! Chiều nay con sẽ sang bên nhà chị con để đi tìm việc.

Bà chủ nhà thanh toán tiền nong cho tôi. Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi trở lại nhà chị gái ở xóm Cồn giữa. Bắt đầu một chuỗi ngày thất nghiệp, lang thang.

 Trần Đức Phổ




 

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Dẫu Em Là Góa Phụ

Tác giả: Trần Đức Phổ

Dẫu em là góa phụ
Chẳng quạt nấm mồ xanh
Trái tim hồng còn đỏ
Làm sao phụ xuân tình?

Dẫu em là góa phụ
Đừng phong bảng tiết trinh
Hương vẫn còn say đắm
Sắc vẫn còn lung linh

Dẫu em là góa phụ
Vẫn mong cánh chim ngàn
Đâu chỉ riêng thiếu nhữ
Mới mộng hoài tin xuân?

Dẫu em là góa phụ
Vẫn thích đọc thơ anh
Như thuở nào xa ngái
Đợi từng dòng thư xanh.

Em chỉ là góa phụ
Trong cuộc tình đã qua
Đừng bắt em lần nữa
Chôn trái tim đàn bà!

15/8/2022 
 

 

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Thay Lời Kết

 Quãng Đời Sau Lưng - Tự Truyện

THAY LỜI KẾT

Tôi được sinh ra vào mùa thu năm 1963. Gần uối năm đó anh em ngài Tổng thống Ngô Đình Diệm Bị sát hại, miền Nam Việt Nam bước vào thời kỳ hỗn loạn. Tháng 11 năm 1965. những đơn vị thuỷ  quân lục chiến của Hải quân Mỹ đổ bộ lên Mũi Ba Làng An (Cape Batangan) nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, cách cửa Mỹ Á quê hương tôi khoảng chừng 50 km đường thẳng, về hướng bắc. Chiến tranh bắt đầu leo thang. Theo lời người lớn tuổi ở quê kể lại thì vào những năm cuối cùng của thập niên 1960s làng quê tôi bị tàn phá nặng nề. Toàn xã không còn một mái nhà hoặc một bóng cây xanh nào. Hố bom nhan nhản. Đứng từ đầu xã có thể nhìn thấu đến tận cuối xã, không bị vướng tầm mắt. Dân làng bỏ chạy tứ tán. Người ra Đà Nẵng, kẻ vào Nha Trang, Sài Gòn... Gia đình tôi di tản vào Sa Huỳnh. Dù răng ở đây cũng thuộc huyện Đức Phổ nhưng là “vùng quốc gia” nên không bị những trận càn quét như quê tôi. Nhưng rồi mùa hè năm 1972 khắp mọi nơi ở miền Nam thành bãi chiến trường. Cha tôi mất. Để bảo vệ mạng sống cho các con, mẹ tôi nuốt lệ di tản một lần nữa. Lần này đi xa hơn về phía nam, vào Nha Trang. Trong khi người lớn đau lòng phải lìa xa xứ xở, trái lại tôi vui sướng vì được đi đến những miền đất mới. Với cái lứa tuổi lên chín lên mười của tôi lúc ấy thì càng đi xa đi nhiều nơi tôi lại càng thích thú. Cho mãi đến lúc vượt biên, phải sống ở nước người, điền vào mẫu hồ sơ cá nhân chữ stateless tôi mới thấm thía được nỗi niềm của những kẻ mất quê hương.

Sau năm 1975, quê nhà không còn đạn bom nhưng lại lâm vào cảnh sống đói nghèo. Ngady đó cơm không có ăn, áo quần không đủ mặc. Một lần đi học, buổi tối ở trọ nhà người quen, tôi để quên đôi dép ngoài hè, sáng ra đã bị mất cắp. Thế là cả mấy tuần lễ liền tôi phải đi chân không đến trường. Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy ngượng.

Thời bao cấp, mỗi ngày làm hợp tác xã chỉ được chấm 10 công điểm. Ba, bốn tháng sau đến mùa thu hoạch, mười công điểm quy ra tương đương 7 lạng thóc! Vụ nào mất mùa thì chỉ còn 5 lạng. Vì nghèo khổ nên ngày ấy tôi rất chán đời, thích những bài thơ yếm thế, bi quan của Vũ Hoàng Chương, của Chế Lan Viên như:

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

(Phương Xa – Vũ Hoàng Chương)

Hay:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

(Xuân – Chế Lan Viên)

Bởi thế mới mười sáu, mười bảy tuổi đầu tôi đã viết những vần thơ đầy chua chát, giễu cợt như sau:

Cảnh Nghèo

Gạo hết tiền không cám cảnh nghèo
Bếp tro lạnh ngắt chiếc niêu treo
Cầm bầu nước lã tu ừng ực
Ngậm điếu thuốc lào rít xẻo xeo
Quá bữa đem cờ toan nghĩ nước
Hết ngày cắp chiếu đắp nằm queo
Con gì meo mẻo trêu ta đó
Ngơ ngẩn nghĩ ra đấy chú mèo!

 1980

Chiến tranh, bom đạn, chết chóc... không ai bỏ nước ra đi, nhưng hòa bình người người rời bỏ quê cha đất tổ. Kẻ thắng cuộc mỉa mai họ ra đi vì cơm thừa sữa cặn của ngoại bang. Tôi thì nghĩ có thực mới vực được đạo. Để bụng đói mà cứ hô hào tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có ma cũng chẳng dám theo. Trong khi cuộc sống quá khốn khổ mà còn bị tước đi nhiều thứ quyền lợi căn bản thì không ai muốn sống ở nơi đó là điều dễ hiểu. Tôi thật thà thú nhận rằng tôi ra đi vì kế sinh nhai. Và tôi cũng ra đi vì đã mất quyên công dân trên quê hương mình. Ở đâu cũng phải làm việc cật lực, vất vả mới có thể thoát nghèo được. Không có nơi nào cho mình miễn phí thứ mình cần. Muốn có Tự do cũng vậy, thuyền nhân đã phải đánh đổi bằng thứ quý giá nhất của mình là sinh mạng và luôn cả gia đình.

Loài chim đại bàng bay trên mây xanh có thể ngắm nhìn được múi cao, biển rộng. Nhưng chim chích, chim sâu sinh sốmg ở những lùm bụi có thể nhìn thấy được giọt sương long lanh trên  lá, hoặc chú kiến cần mẫn xây tổ. Mỗi loài có một môi trường riêng để tồn tại, để khám phá, và để mơ ước khác nhau. Chưa hẳn loài nào là quý hiếm hơn loài nào. Cái quan trọng nhất không do người khác đánh giá mà do chính mình thật sự sống cuộc đời như thế nào. Thành công cũng được mà thất bại cũng xomg miễn sao chúng ta có tinh thần cầu thị và một tấm lòng biết tri ân cuộc đời.

Tôi trải lòng mình qua tập tự truyện này không ngoài múc đích nhằm để cảm ơn bậc sinh thành đã dưỡng nuôi tôi; những người thân thuộc, bà con, bạn bè, và cả những người xa lạ gặp nhau phút chốc trên đường cũng đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Cảm ơn những vùng đất yêu thương đã cho tôi nguồn sống, chốn dung thân trong kiếp này.

Đã là con người dĩ nhiên phải có những thăng trầm biến động. Tôi  không hề tự hào, hoặc ly kỳ, hoặc bi kịch hóa về những biến động trong quãng đời sau lưng tôi. Cuốn sách này chỉ là những ghi chép vụn vặt nhưng trung thực những gì tôi đã nếm trải, những gì đã thấy, đã nghe. Hẳn nhiên, với một kẻ không ở một vị trí quan trọng và cũng chẳng có vốn kiến thức sâu rộng như tôi thì những điều được kể chỉ là góc nhỏ trong một bức tranh vĩ đại. Dù sao đi nữa đó cũng là cái góc tôi đã sống, cảm nhận và yêu thương.

Năm hai mươi tuổi tôi đi lính. Đại đội trưởng huấn luyện tại quâm trường Phù Cat là một người có phong thái rất nghệ sĩ. Trong một lần cùng nhậu với đám tân binh, có người hỏi ông, cuộc đời là gì. Ông không cần suy nghĩ mà trả lời ngay:

- Cuộc đời là những chuỗi hít thở. Chúng mày muốn sống tốt thì phải biết hít thở cho sâu vào!

Chẳng biết đám tân bình có hiểu ý thủ trưởng nói gì không, nhưng đứa nào cũng cười xòa vui vẻ.

Năm nay tôi đã gần sáu chục tuổi đời, nghiệm ra rằng lời ông ấy nói cũng có phần chí lý. Sống mà cứ thở gấp như người chạy điền kinh là một tai họa. Thở sâu thư giản, điềm tĩnh trước mọi biến cố mới cho ta một cuộc đời tự tại.

Những trang hồi ký này ra đời không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp cho chính tác giả thực hành thói quen thở sâu để vui hưởng đời người.

London, August 12, 2022

 


 

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Vui Buồn Nơi Trại Tị Nạn

 

Galang II gồm có bốn Zone. Các Zone A, B, C, dành cho người tị nạn đã ở trên đảo hơn một năm, hoặc người được nước thứ ba chấp nhận chờ ngày đi định cư. Riêng Zone D thuộc về phái đoàn Mỹ dành cho những công dân tương lai của họ Học Anh văn, hoặc đời sống văn hóa Mỹ. Những năm 1985 – 1986 có nhiều đợt đồng bào tị nạn từ Pulau Bidong, Malaysia chuyển qua học ‘khóa Mỹ’ tại đây. Vì thế lúc bấy giờ Galang rất đông vui, nhộn nhịp. Dường như cứ ít ngày là có đợt người mới đến. Lần nào cũng từ vài trăm người trở lên. Chợ búa, quán cà phê, rạp chiếu phim... mở ra vô số. Nơi nào cũng đông nghịt người. Các siêu thị tạp hóa của người In-đô thi đua bán hàng cạnh tranh với người Việt. Có thể nói Galang thuở đó đông vui, phồn thịnh hơn những thị trấn mà tôi đã từng đi qua ở Việt Nam.
 
Sau khi bị phái đoàn Úc “đá đèn” tôi không cam tâm. Vốn liếng tiếng Anh của tôi lúc này cũng đã kha khá nên quyết định viết một lá đơn khiếu nại gửi lên đại diện Cao ủy ở Galang. Trong đơn, tôi trình bày mong muốn tìm hiểu vì sao tôi vị từ chối mà không có lý do. Một tuần sau, tôi được mời lên. Tiếp tôi là ông George chánh văn phòng cao ủy tị nạn Galang lúc bấy giờ. Sau thủ tục chào hỏi, ông ấy bảo tôi không có giấy sponsor từ Úc. Và tai hại hơn người tôi khái là bác đã không công nhận tôi. Thế nên tôi bị phái đoàn Úc bác đơn không cho gặp. Ông ta khuyên tôi nên nạp đơn xin định cư với một nước khác, đừng dại dột chờ đợi trong vô vọng. Tôi cảm ơn ông rồi ra về với một tinh thần phấn chấn và hy vọng mới.
 
Chiều hôm đó, tôi đem bán nốt chiếc đồng hồ đeo tay lấy tiền mua bia về nhậu. Đây là những đồng bạc cuối cùng của tôi. Trước khi xuống tàu, anh rể cho ba chỉ vàng, dặn trao một chỉ cho thằng cháu ảnh đã đến Galang trên hai năm mà chưa đi. Hai chỉ còn lại, tôi tiêu xài tiết kiệm từ đó đến nay. Bữa nhậu này là tiệc tựchúc mừng tôi vì đã tỉnh ngộ và quyết tâm bắt đầu lại từ đầu. 
 
Khoảng hai tháng sau phái đoàn Canada sang. May mắn đến với tôi khi lần đầu tôi nạp đơn đã được gọi lên phỏng vấn. Hôm ấy, tôi ăn mặc thật gọn gàng tinh tươm, và đến nơi phỏng vấn rất sớm. Bà trưởng phái đoàn Canada tiếp kiến tôi là một người nhã nhặn, vui vẻ. Sau lời chào buổi sáng, bà bảo tôi an vị. Câu đầu tiên bà hỏi là:
 
- Why did you leave Vietnam?
 
Câu này tôi đã học tủ nên không cần thông dịch, trả lời ngay:
- I left Vietnam because there was no freedom in Vietnam.
- What do you know about freedom?
- I think freedom means we can go everywhere or do anything accordingly to the laws of our country.
- what did you do in Vietnam?
- I was a weaver.
Bà nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi tiếp:
- Did you go to the Vietnamese People Army?
- Yes! But I escaped when we’ve moved into Cambodia.
- What’s year?
- It’s 1983
- How long were you in the army?
- It’s six months.
- What would you like to do when you come to Canada?
- I’d go looking for a job.
- What kind of job?
- It can be any general labour job.
Đến đây, bà dừng lại, ghi chép cái gì đó vào tập hồ sơ của tôi. Lat sau, bà ngước lên tươi cười, nói:

Congratulations! You passed.
- Thank you very much!
 
Bà đứng lên và đưa tay bắt tay tôi. Tôi mừng quá, vội vàng đứng dậy đưa cả hai tay đỡ lấy tay bà. Tôi cúi chào và bước ra khỏi văn phòng Cao ủy. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời Galang đẹp như hôm nay. Trên đường trở về barrack tôi không bước nữa mà nhảy như chim sáo.
 
Sau khi được phái đoàn Canada nhận, tôi xin chuyển về Galang II dạy để khỏi đi xa, đỡ vất vả và ít tốn thời gian. Ở Galang II, baracks là những dãy nhà sàn được ngăn chia thành mười phòng giống hệt nhau. Tầng trên dùng làm phòng ngủ và cất đồ đạt. Tầng dưới là bếp, bàn ăn, và sàn rửa chén bát. Phòng tôi ở gồm có bốn người. Tôi, Lê Thanh Kim, Nguyễn Văn Huệ, và thằng Hiệp. Nhưng thằng Hiệp có người quen ở Zone khác nên dọn về sống với họ. Kế phòng tôi bên phải là cặp vợ chồng người Bắc. Bên trái là gia đình hai chị em người miền Tây. Cô chị bụng mang dạ chửa, có chồng làm baracks trưởng. Cô em tuổi mười chín đôi mươi, có đôi mắt lá răm sắc lẽm. Phía đối diện là bốn anh em thủy thủ người Vũng Tàu, suốt mùa hè chỉ mặc trên người mỗi cái quần đùi không mặc áo. Anh nào anh nấy bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Người em út tên Nguyễn Văn Lỳ, thường hay sang phòng chúng tôi chơi. Anh ta và cô em miền Tây coi bộ rất tình thương mến thương. Họ luôn nói cười vui vẻ. Lâu ngày hình như hai anh chị phải lòng nhau. Ba người anh trai thấy vậy ngăn cản, vì Lỳ đã có vợ và con ở Việt Nam. Nhưng khi ngọn lửa tình yêu đã cháy bùng thì những lời khuyên can chỉ như là nước xao đầu vịt. Anh em bất hòa, Lỳ chuyển sang ở cùng với chúng tôi. Không lâu sau, vợ chồng anh người Bắc đi định cư Canada, Lỳ và cô gái kia chuyển vào căn phòng đó chung sống như vợ chồng.
 
Ở Galang đời sống tinh thần cũng không kém phần phong phú. Ngoài nhà thờ, chùa chiền, và thánh thất còn có Trung tâm thanh niên (Youth Centre) mỗi dịp xuân về Tết đến đều có tổ chức văn nghệ mừng xuân. Trên đảo còn có nguyệt san Tự Do ấn hành song ngữ. Tôi may mắn được tham gia góp bài và đọc bản thảo phần tiếng Việt một ấn bản trước khi rời đảo. Tập san lúc đó do anh Bùi Văn Phú làm chủ bút. Thầy Nguyễn Ngọc Bích chuyển ngữ. Họa sĩ Vị Ý vẽ minh họa. Lê Thanh Kim viết nhan đề. Khi ròi đảo tôi có mang số báo này đi. Nhưng sau nhiều lần dọn nhà tờ báo đã thất lạc. Chỉ còn nhớ được bài thơ của tôi.
 
Quê tôi
 
Quê tôi đó một làng duyên hải
Bờ cát dài nối tiếp bãi dương xanh
Ngoài khơi xa là biển rộng mênh mông
Từng đoàn thuyền sớm chiều lướt sóng
 
Dân quê tôi vốn yêu đời lao động
Cánh tay trần vật lộn với phong ba
Vồng ngực căng như một mảnh buồm già
Lộng gió lớn từ ngàn xa thổi lại
 
Đã từ lâu sống nhờ vào bờ bãi
Nên dân làng tha thiết mến quê hương
Nhưng giặc về gây tang tóc, đau thương
Sóng thổn thức đưa người thân biệt xứ
 
Giải khăn sô quấn quanh đầu thiếu phụ
Trẻ nhà ai thơ thẩn trước mộ cha
Tấm thân gầy vàng vọt, tuyết sương pha
Đời đã mất những tháng ngày vui cũ
 
Hàng dương biếc như gọi buồn, ủ rủ
Nhân nghĩa chừ vất vưởng xó rừng xa
Đau đớn sao mắt nhòa lệ mẹ già
Mòn mỏi đợi đứa con ngoài ngàn dặm
 
Quê tôi đó ai nghe chăng tiếng sấm
Trong đêm dài tăm tối gọi bình minh
Hỡi những người cùng đau khổ điêu linh!
 
Thế Sương – Nguyệt san Tự Do 9/1986
 
Bài này được gửi đăng lại trên Đặc san Liên Hội Người Việt Canada năm 1989 với bút hiệu Vũ Thế Sương. Đến năm 2017, tôi sửa lại hai khổ thơ cuối cho cập nhật rồi đăng lên mạng với bút hiệu Trần Đức Phổ.



Galang thuở ấy là nơi đông đảo đồng bào Việt Nam tứ xứ chạy nạn cộng sản quy tụ về. Hòn đảo này giống như một làng xã thu nhỏ của người Việt, gồm đủ các thành phầ xã hội sinh sống nên không tránh được sự phức tạp. Có rất nhiều người lương thiện, nhưng cũng có lắm kẻ bất lương. Có thể có cả những tay cộng sản nằm vùng, trá hình là thuyền nhân. Thành phần trộm cắp, đĩ điếm cũng không hề thiếu. Và dĩ nhiên đầy rẫy các tay anh chị đầy máu mặt.
 
Lúc tôi ở đảo đã từng nghe thấy mẩu chuyện ly kỳ, nhiều kịch tính như phim Hongkong về một vị hảo hán chuyên hành nghề phi pháp. Hùng Thẹo là một ông trùm tổ chức đánh bạc, cá độ và buôn bán rượu lậu trên đảo. Một lần bị bọn cảnh sát Nam Dương bắt vì hành vi phạm pháp. Bọn chúng vòi tiền anh không được nên cho anh ăn no đòn . Sau khi được tha về, vừa bình phục anh này đã tìm cách trả thù. Anh cho đàn em theo dói và tìm hiểu sinh hoạt của tụi cảnh sát trên đảo. Biết được một tên hạ sĩ quan cặp bồ với một cô gái Việt, tối nào hắn cũng từ đồn lái mô-tô vào Galang II. Sai khi theo dõi nhiều ngày, anh liền cho đàn em mai phục trong một cánh rừng ở đoạn đường vắng. Xẩm tối hôm đó như thường lệ, anh chàng hạ sĩ lái xe vào gặp người tình. Lúc qua đoạn đường rừng, bỗng thấy xuất hiện hai cô gái chận xe xin sửa giùm chiếc xe đạp bị tuộc xích. Anh kia dừng xe, loay hoay gắn sợi xích giúp hai cô. Bỗng đâu một cái bao tải vung lên trùm kín đầu anh ta. Chưa kịp phản ứng, hắn đã bị ba bốn anh thanh niên từ đâu ùa tới lôi vào trong rừng. Bọn chúng đập cho hắn một trận tơi bời, sau đó trốn biệt. Anh nọ bấy giờ mới hoàn hồn, lóp ngóp bò ra đường, quay trở về đồn. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau tụi cảnh sát Nam Dương lùng sục tất cả các Zone để tìm bắt cho được bọn Năm Thẹo. Nhóm này lẫn trốn vào trong rừng ven bờ biển. Đàn em giả dạng đi đánh ca tiếp tế lương thực cho ăn. Về sau không rõ như thế nào.
 
Cuộc sống ở trại tị nạn rất nghiệt ngã, nhất là đối với những người trẻ tuổi độc thân không có thân nhân ở nước ngoài để hộ trợ về mặt tinh thần cũng như vật chất. Do đó không ít người tuyệt vọng, nghĩ quẩn làm những điều dại dột. 
 
Ngay tại ngã rẽ con đường đi vào Zone D, chỗ cây cổ thụ, có một cái miếu nhỏ thờ Hai cô gái xấu số. Theo lời người trên đảo kể lại, ngôi miếu này có khá lâu. Câu chuyện của Hai cô thật bi thảm, lúc vượt biên bị hải tặc cưỡng bức. Lên đảo không có thân nhân ở nước ngoài, lại bị phái đoàn từ chối cho tái định cư nên phẫn uất tự vẫn tại nơi cành cây cổ thụ ấy. Đồng bào trên đảo rỉ tai nhau là ngôi miếu rất linh thiêng. Nhiều người đi ngang qua đây ban đêm đều tỏ ra kiêng dè, sợ hãi. Hai cô không có thân nhân, nhưng người dân đảo vì thương xót cảnh ngộ, và muốn cầu xin các cô phù hộ sớm được rời đảo nên đến thắp nhang cúng bái thường xuyên. Tôi theo đạo thờ cúng ông bà. Nhưng lên đảo, bạn bè rủ đi chùa, đi nhà thờ, hoặc đi thánh thất tôi đều không từ chối. Tôi cũng đã cùng bạn bè đến thắp hương ở Miếu Hai Cô.
 
Một câu chuyện khác cũng có nhiều người biết đến. Đó là chuyện hai anh em thủy thủ nhà kia nửa đêm đột nhập bến tàu. Họ tìm đúng chiếc tàu cá của họ, nổ máy chạy ra biển tìm đường hồi hương. Họ Chở người vượt biển bị bắt lên đảo. Trình độ văn hóa thấp kém, không có thân nhân nước ngoài; và vì nhớ vợ nhớ con nên họ làm liều. Họ tẩu thoát được vài tiếng đồng hồ thì bị hải quân Nam Dương bắt lại. hai anh em bị giam cầm trên đảo. Chiếc tàu bị tháo máy làm sắt vụn.
 
Chuyện không như ý ở đảo chắc còn rất nhiều người gặp phải. Riêng tôi vì chơi bạn không chọn lựa nên cũng vướng vào cảnh lao tù. Như đã nói ở phần trước, phòng tôi ở có ba người. Kim và tôi không có thân nhân nước ngoài nên chịu khó học Anh văn và làm thiện nguyện để mong sớm được tái định cư. Huệ có một người anh trai ở Mỹ bảo lãnh, nhưng giấy tờ trục trặc sao đó mà hơn hai năm vẫn chưa được đi. Thỉnh thoảng anh trai nó gửi sang một ít tiền để nó tiêu xài.
 
Một buổi chiều, nấu cơm xong không có gì ăn, thấy vậy, thằng Huệ mới rủ thằng Kim và thằng Lỳ ra siêu thị của bọn Nam Dương nua thịt hộp. Tôi ở nhà ngồi không một mình cũng buồn nên đứng dậy cùng đi với bọn chúng. Thằng Huệ khuyên tôi:
 
- Anh Thư ở nhà đi, đi làm chi cho đông!
Thằng Kim nói xen vào:
- Đông vui mà!
Thế là tôi cùng đi với bọn chúng ra một siêu thị cạnh con đường trục của đảo. Tại cửa siêu thị, thằng Huệ bảo tôi:
- Thôi, anh Thư cứ đứng ngoài này, để bọn tui vào trong.
 
Nghe lời hắn, tôi đứng lại ngoài cửa. Hai tay thọc túi quần, tôi đưa mắt nhìn con đường rải nhựa ngoằn ngoèo trước mặt lúc hoàng hôn vắng người. Chừng mười phút sau, ba đứa trở ra, tay thằng Huệ xách một cái túi ni-lon, bên trong có hai hộp thịt. Ba đứa nói cười vui vẻ. Cả bọn kéo nhau ra về.
Tối hôm đó đang ngủ, nửa đêm bỗng có tiếng gõ cửa. Thằng Kim ngồi dậy mở cánh cửa gỗ. Tôi vẫn nằm trong mùng nhưng đã thức. Một vệt đằng pin quất vào mặt tôi. Có tiếng quât to:
 
- Tất cả ngồi dậy, và đi ra khỏi phòng!
- Các anh là...? – Thằng Kim lí nhí hỏi.
- Nhân viên phòng trật tự.
 
Tôi và thằng Kim bước xuống cầu thang gỗ. Tối nay không thấy có thằng Huệ ngủ ở nhà.
Hai người trên phòng cũng bước xuống theo, sau đó họ lên gõ cửa phòng thằng Lỳ.
Bốn gã nhân viên dẫn ba chúng tôi về phòng trật tự. Mỗi đứa tôi bị đưa vào một căn phòng tối om. Sau khi tôi bước vào phòng, một anh nhân viên liền đứng chặn ngay cửa. Một chốc có thêm hai nhân viên khác đến. Họ mang theo một cây đèn hột vịt, một cái bàn con, mấy tờ giấy và một cây bút. Đặt cái bàn xuống cạnh cửa ra vào, để giấy bút và cái đèn trên mặt bàn rồi họ bước ra ngoài. Anh nhân viên đứng chặn cửa xách đến cho tôi chiếc ghế đẩu và bảo:
 
- Ngồi xuống đó viết bản tự khai đi!
 
Tôi thật sự chẳng hiểu điều gì đã xảy ra nên nhìn anh ta hỏi lại:
- Tôi phải khai điều gì bây giờ?
- Chiều nay mày đã làm gì thì khai nấy!
 
Tôi không biết anh ta nói về vấn đề gì, nên không cầm bút lên. Chợt tôi nghe phòng bên cạnh tiếng thằng Lỳ khóc hu hu. Tôi giật mình, nghĩ bụng chắc là thằng Lỳ bị đánh hội đồng rồi! Cơ thể nó khỏe và rắn chắc thế mà chịu đòn không nổi huống hồ là tôi! Tôi cầm lấy cây bút. Tôi viết in hoa ba chữ “Bản tự Khai”. Phía dưới ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, và địa chỉ barrack. Viết xong những thứ đó, tôi không biết viết thứ gì thêm nữa. Anh kía nhìn tôi tức giận hét:
 
- Mày có chịu viết không?
Tôi đáp:
- Tôi không biết viết... – Tôi chưa nói hết câu, thằng kia đã ra đòn đấm tới tấp vào người tôi. Tôi choáng váng, bật ngửa người ra sau suýt té, miệng la lên oai oái. Tên nhân viên ngừng lại trừng mắt nhìn tôi:
- Khôn hồn thì khai ra!
Lúc đó đầu óc tôi nghĩ: Ước gì mình có công phu như Lý Tiểu Long hoặc Jacky Chan để đập cho thằng này một trận. Buồn thay, đó chỉ là ao ước! Biết mình thân yếu thế cô, tôi nói với nó như van xin:
 
- Thật tình em không biết gì cả. Anh cứ nói đại khái chuyện gì đã xảy ra để em theo đó mà viết.
Thằng kia còn đang lưỡng lự thì hai thằng khác đến. Tôi nghe chúng nói nhỏ với nhau thằng Lỳ đã khai rồi. Một thằng đến gần, nhìn vào tờ giấy của tôi, rồi nói:
 
- Chiều qua, mấy đứa mày đến siêu thị ăn cắp đồ như thế nào thằng Huệ đã khai hết rồi. Mày đứng canh cửa còn mấy thằng kia vào lấy phải không?
 
Thì ra là thế! Thật tình tôi không phải được thằng Huệ phân công gác cửa, cũng không biết bọn nó đi ăn cắp ở siêu thị. Tôi sắp được đi định cư Canada đâu có ngu gì làm chuyện xấu xa như thế,? Ngộ nhỡ bị báo cáo lên Cao ủy thì sao? Nhưng cãi lại thì ăn no đòn. Đến nước này tôi chỉ còn cách dựa theo lời nói của thằng kia và thêm mắm thêm muối vào cho xong “khẩu cung”. Tôi viết một mạch y chang lời mớm cung. Xong, đề ngày tháng và ký tên. Bọn chúng cầm xem có vẻ vừa ý. Sau đó, hai tên nhân viên dẫn tôi tới một dãy phòng có song sắt và tống tôi vào căn ngoài cũng. Chúng khóa cửa lại rồi bỏ đi. Từ phòng bên cạnh thằng Lỳ đứng bên song sắt hỏi tôi:
 
- Anh khai sao?
Tôi gắt:
- Tôi có biết gì đâu mà khai!
- Rồi nó có đánh anh không?
- Có!
Thằng Lỳ cười hì hì, khuyên tôi:
- Lần sau, chúng kêu anh lên bảo làm gì thì cứ làm theo cho khỏi bị đòn!
 
 

 
 
Một giờ chiều hôm sau, một nhân viên trật tự xuống mở cửa song sắt dẫn tôi lên lên văn phòng làm việc của BanTrật tự Galang II. Căn phòng không có ai cả. Anh ta chỉ cho tôi chiếc ghế trước một cái bàn làm việc bỏ trống. Trên bàn có mấy cuốn sách được xếp chồng lên nhau ngay ngắn. Tôi ngồi một lát thì có một người đàn ông từ cửa bước vào, đi vòng qua tôi, đến ngồi phía bên kia chiếc bàn. Dáng người ông hơi thấp, gầy. Mình mặc chiếc áo sơ mi màu đen, cộc tay. Nước da ngăm ngăm. Khuôn mặt xương, lộ rõ cặp lưỡng quyền. Trông ông ta có vẻ rắn rỏi, cương nghị. Đôi mẳ sáng quắc dễ làm người khác run sợ khi nhìn vào. Chưa ngồi xuống cái ghế dựa ông đã nói to:
 
- Bây giờ không còn là cái thời cho nhà văn, nhà thơ vào sống trong tù để lấy tài liệu sáng tác như Duyên Anh đâu nhé!
 
Nghe ông ta nói, tôi muốn phì cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh của ông cho rằng bọn chúng tôi vào tù để tìm cảm hứng về du đảng như tác giả Điệu Ru Nước Mắt. Nhưng nhìn vẻ nghiêm nghị của ông, tôi không dám cười! Ông ta ngồi xuống ghế rồi nói tiếp:
 
- Nghe họa sĩ Vị Ý nói anh cũng biết làm thơ, sao lại đi làm cái việc đáng xấu hổ kia?
Tôi hơi nóng mặt, đáp:
- Thưa chú, tôi bị oan!
Ông ta hừ một tiếng, nhìn xoáy vào tôi:
- Anh viết bản khai cung rành rành còn oan nỗi gì?
- Thưa chú... cháu viết theo lời các anh nhân viên trật tự nói lại; chứ cháu không biết gì về chuyện thằng Huệ ăn cắp mấy hộp thịt.
Người đàn ông dương như bực mình vỗ vỗ lên mặt bàn:
- Anh bảo anh bị ép cung à?
- Dạ! Cháu sợ bị đánh!
- Vậy anh có muốn xé tờ khẩu cung của mình không?
 
Mấy ý nghĩ lướt nhanh qua đầu tôi. Có phải ông này lừa mình xé tờ khai để buộc thêm tội không? Nhưng nếu mình xé nó đi sẽ không còn chứng cứ buộc tội? Lưỡng lự một chút tôi đáp:
 
- Cháu đâu dám xé khẩu cung trước mặt chú!
- A! ... Anh này ngộ nhở! Bảo anh nhận tội, anh nói bị ép cung. Bảo anh xé tờ khai anh không xé. Tôi phải xử anh như thế nào đây?
Chộp ngay cơ hội để minh oan, tôi nói liền:
- Chú cho cháu đối chất với thằng Huệ và những đứa khác!
 
Người đàn ông ngửa lưng ra chiếc ghế dựa, nhìn tôi chăm chú một lát rồi nói.
- Tôi là trưởng phòng trật tự Galang II, đã từng làm Thiếu tá cảnh sát Đô thành nên ai oan ai không tôi nhìn qua đã biết. Vụ này tôi xử, nếu đưa các anh cho tụi Nam Dương, chắc chắn các anh bị no đòn.
- Dạ... mọi chuyện nhờ chú giúp cho.
- Thôi! Khỏi đối chất đối chiết gì hết! Anh cứ về nhà. Có gì tôi sẽ gọi lên nói chuyện sau.
- Cháu cảm ơn chú!
 
Tôi bước ra khỏi căn phòng ngột ngạt kia. Ánh nắng chiều vàng ong lấp loáng trên con đường trải nhựa. Tôi nghũ bụng phải cảm ơn họa sĩ Vị Ý, chắc có lẽ chú ấy đã đến nói chuyện với ông trưởng phòng nên tôi mới được ra tù sớm thế. Một ngày tù nghìn thu ở ngoài. Cái cảm giác tự do lâng lâng trong tôi.
Về đến barrack, tôi gặp một người đàn ông hàng xóm. Ông ta hỏi tôi:
- Anh ở Phòng trật tự về à?
- Sao chú biết?
- Sáng nay loa phóng thanh réo tên mấy đứa bây om sòm!
- Họ nói gì?
- Ăn cắp vặt ở siêu thị.
Tôi xấu hổ muốn độn thổ.
- Có bị đánh không?
Tôi gật gật đầu.
- Anh nên làm đơn khiếu nại lên Cao ủy.
- Thôi chú ơi, thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện. Hơn nữa tôi cũng sắp đi định cư rồi!
Ông ta không nói gì thêm, khoát tay, bỏ đi.
 
Gần tối thì thằng Kim và thằng Lỳ cũng về đến. Còn thằng Huệ hai hôm sau mới được thả ra. Gặp tôi, nó cười cười xin lỗi. Tôi nói nửa đùa nửa thật:
 
- Nhờ Huệ tôi mới nếm được mùi vị ở tù!
 
***
 
Một tháng sau, tôi có tên trong danh sách ròi đảo đi định cư Canada. Bọn tôi không có tiền để mở party Nhưng ngày tôi lên đường, Kim, Huệ, Lỳ và cô bạn gái của y cái bụng giờ đã nhô lên khá cao cũng ra cầu tàu đưa tiễn. Lúc tàu ròi bến, tôi còn nghe tiếng chúng nó hét to:
 
- Đừng quên Galang!
- Đừng quên bọn mình!
 
Tôi không đáp lời, nhưng trong bụng thầm nghĩ: Làm sao quên được vùng đất đã cho mình chốn dung thân đầu tiên khi rời xa tổ quốc? Làm sao quên được cái cầu tàu đã đón đưa bao nhiêu bước chân người Việt Nam? Hoặc những dãy barrack vách gỗ mái tôn là tổ ấm cho bao nhiêu lớp người tị nạn? Rồi còn những chiếc dù đen, vật bất ly thân che nắng che mưa trên tay khách bộ hành ở đảo nữa chứ?
 
Làm sao quên được những người bạn chỉ sống chung một thời gian ngắn nhưng đã cùng chia ngọt, xẻ bùi, hoạn nạn có nhau? Làm sao quên được phút giây thất vọng, nản lòng khi bị phái đoàn từ chối? Hoặc niềm vui vỡ òa lúc nghe có tên gọi định cư trên loa phóng thanh?
 
Tôi sẽ mãi mãi nhớ về Galang!
Tôi sẽ luôn luôn nghĩ về các bạn!
 
Chiếc ca-no rẽ nước chạy phăng phăng. Cách đây mười lăm tháng, tôi được đưa đến Galang. Khi đó bị nhốt trong hầm một chiếc xà lan đông đúc. Vài trăm người mặt mũi phờ phạt, ủ ê, dưới ánh sáng mờ mờ từ những ngọn đèn vàng vọt. Hôm nay tôi rời đảo trên một chiếc ca-no xinh xắn cùng với hơn chục con người mặt mày hớn hở, tươi cười, trong một buổi sơm mai tràn ngập nắng hồng. Tôi quay lại nhìn Galang lần cuối. Chỉ còn thấy những dãy núi xanh uốn lượn như trường thành trên mặt biển bao la.
 
Trần Đức Phổ