THÁNG NGÀY LẬN ĐẬN
Sáng hôm sau trời còn chưa tỏ rõ, mẹ đã quảy trên vai đôi quang gánh, đầu đội nón lá, mình choàng tấm áo ni-lon xuất hiện trước hiên nhà chị Ba giữa làn mưa phùn, gió bấc của thời tiết mùa đông lạnh lẽo. Mẹ tôi đạt đôi quang gánh trên thềm nhà. Bà cởi nón và áo mưa ra, rồi bưng vào một nồi cháo gà vẫn còn âm ấm, vì được ủ trong một lớp rơm dày dưới lớp ni lông đi mưa. Chị tôi dọn bát đũa ra mời cả nhà cùng ăn sáng. Ngay hôm ấy, mẹ con chúng tôi vội vã lên Đức Phổ đón xe cho tôi vào Nha Trang. Khi xe chạy tôi vẫn còn trông thấy mẹ đang đứng bên vệ đường nhìn theo trong màn mưa bụi mịt mờ.
Vào đến Nha Trang, tôi đi tìm nhà chị Sáu tôi. Hôm ấy đúng vào ngày 28 Tết âm lịch năm 1983. Nhà chị tôi đã trang hoàng để đón xuân. Giữa nha chưng một cây mai to nhiều búp xanh mơn mởn.Thấy tôi, chị Sáu rất ngạc nhiên, dẫn tôi ra sau nhà chỗ chái bếp bên mé sông, hỏi đầu đuôi sự tình. Khi biết tôi đang đào ngũ, chị trầm ngâm một lát rồi nói.
- Nhà chị dạo này bị công an phường, công an khu phố theo dõi hơi gắt gao quá, em ở lâu không tiện. Nhưng cứ ở lại đây vài ngày. Ăn Tết xong qua Núi Sạn hỏi cô Hai B. chỗ làm, nếu không được hãy liệu tiếp.
Thế là tôi không còn phải lo lắng gì chỗ ăn ở nữa. Chiều bữa sau, anh rể tôi chạy tàu từ miền trong về. Đến tối anh dẫn tôi đến một quán nhậu trên đường Phan Bội Châu. Anh em ngồi lai rai. Đó là lần đầu tiên tôi được nếm thử bia hơi. Bia được đựng trong một cái ấm thiếc. Mới rót ra ly tôi cứ tưởng là nước trà đá gião vì cái màu vàng vàng nhợt nhợt. Hai anh em nâng ly xong, anh tôi hỏi:
- Cậu thấy thứ nước uống này thế bào?
Tôi trước giờ chỉ uống nước lạnh, nước trà, hoặc rượu đế chứ chưa hề uống món nào đăng đắng, lờ lợ như thế này. Bị anh hỏi bất ngờ, tôi không dám trả lời ngay bèn bưng ly uống lại một ngụm nữa. Lần này tôi uống thật chậm để cảm nhận được mùi vị rõ ràng hơn. Đặt ly xuống tôi đáp:
- Nước gì em không biết, nhưng không ngon gì lắm, chỉ đỡ hơn nước lạnh một chút thôi. Anh rể nghe tôi nói vậy chỉ cười xòa.
Qua Tết, tàu anh Sáu tôi chạy biển. Tôi sang nhà cô Hai B. bên Núi Sạn để hỏi chỗ làm thuê. Dạo đó ở Nha Trang phong trào dệt mùng đang rầm rộ. Nhiều nhà sắm khung cưỡi, mướn thợ về dệt gia công cho các hợp tác xã vải sợi. Nhà cô hai B. có hai khung cưỡi. Một khung dệt khăn lông, khung kia dệt mùng. Cô mướn một người thợ dệt khăn lông quê Bình Định tên Chí. Chồng cô Hai B. thì dệt mùng. Thỉnh thoảng Hồng, em gái ruột cô Hai cũng vào đứng máy. Nhà hai khung dệt thiếu người làm sợi nên tôi mới hỏi cô đã đồng ý.
Tôi ở đó mấy tháng trời, chỉ quay sợi và đạp hồ, không được đứng máy. Lúc rảnh rổi tôi hay tò mò xem người ta dệt như thế nào. Nghề dệt mùng cũng không có gì khó lắm. Điều cần thiết phải nhanh tay, lẹ mắt, chú ý xem sợi dọc, sợi ngang. Hễ chúng bị đứt chỉ hoặc con suốt trong cái thoi hết sợi thì dừng máy ngay, nối chỉ, thay suốt rồi khởi động cho chạy lại. Máy đẹt sử dụng mô-tơ điện nên thợ cũng nhàn nhã. Cái quan trọng nhất cần đến thợ là khâu sửa chữa khung cưỡi. Bởi vậy người thợ càng có nhiều kinh nghiệm, tay nghề sửa chữa khung càng giỏi thì được hưởng lương càng cao.
Cô Hai B. đối với tôi khá tốt, nhưng anh chồng trái lại không ưa tôi gì mấy. Mỗi lần tôi đạp hồ nếu có anh ta thì thế nào cũng bị cằn nhằn. Tôi đạp nhẹ, y bảo hồ sẽ không thấm sợi vải. Tôi đạp mạnh y lại bảo đạp như thể nát hết sợi! Cô Hai tinh ý sợ tôi buồn nên lúc chỉ có mình tôi thường động viên, bảo tôi cố gắng làm việc.
Nhà cô Hai B. có một cái xe Honda 67. Nghe người lối xóm đồn rằng cái xe ấy có được là do chồng cô đi hôi của lúc Nha Trang hỗn loạn năm 1975. Lời ong tiếng ve còn nói lúc đó anh ta vơ được cả mấy bao thuốc tây bên thị xã nên nên sau này bán đi mới có tiền mua căn nhà đang ở. Ngôi nhà ba gian tường gạch mái ngói mà trước kia là của một ông Liên gia trưởng. Cộng sản vào ông bán rẻ căn nhà lấy tiền về quê sinh sống. Chuyện hôi của thực hư thế nào không biết nhưng gốc gác căn nhà đúng là như thế.
Một hôm vào ngày cúp điện định kỳ, tay Chí thợ dệt mượn chiếc Honda chở tôi qua đường Trần Phú dạo mát, uống cà phê sáng. Lúc quay về tôi nổi hứng bảo đưa xe cho tôi chạy thử. Tay Chí liền chỉ sơ sơ cho tôi biết cách sử dụng chiếc xe như vào số, tăng ga. Tôi cầm lấy tay lái, Chí ngồi sau, tay giữ yên xe. Tôi vào số và lên ga phóng đi. Ngồi đằng sau chí la oai oái:
- Ui... ui... mày chạy như thế hư hết xe!
- Làm sao mà hư?
- Nhớ bóp côn, rồi mới dzô số chứ!
Tôi gục gặc cái đầu, cho Chí yên tâm:
- Được mà! Đừng lo!
Tôi sang số, tăng ga lên dốc cầu Xóm Bóng. Chí phát vào đùi tôi:
- Lại nữa! ... Nhớ bóp côn!
Tôi hơi bực mình không giảm tốc, cho xe đổ dốc cầu!. Chí hét lên:
- Dừng lại!... Dừng lại! ...
Tôi thắng xe. Tay chí vội cầm lấy tay lái. Đoạn đường từ đó về nhà hắn không nói gì nữa với tôi. Chẳng biết Chí ton hót thế nào với Hai B. mà mấy hôm sau anh mỗi lần ta đối diện với tôi vẻ mặt cứ hầm hầm.
Giọt nước làm tràn ly. Một buổi tối, vợ chồng Hai B. chở nhau lên Thành ăn tiết canh vịt. Tôi và Chí cùng ba đứa con ở nhà. Hai đứa tôi ngồi nói chuyện chỗ bộ sa lông gỗ chấn song. Mấy đứa nhỏ chơi đùa ngay gian giữa, nơi có đặt kệ thờ và bộ bàn chân chữ U. Chí lấy từ chiếc ba lô bộ đội ra một mớ sợi giống như sợi thuóc lá vấn hút. Thấy tôi tò mò ngồi nhìn, anh ta quay sang hỏi:
- Mày có muốn hút thử không?
- Lá gì đấy?
- Bồ đà!
- Cho tôi thử một điếu xem sao!
Chí vấn một điếu nhỏ hơn điếu của y rồi đưa cho tôi. Tôi Châm lửa, rít một hơi. Khói thuốc nồng nồng và hôi hôi chứ không thơm như thuốc lá. Chí nhìn tôi, hỏi:
- Mày thấy sao?
- Chẳng thấy gì khác lạ!
Tôi lại rít một hơi nữa. Đầu óc bắt đầu lâng lâng. Có cảm giác vui vui, khác thường. Chí nhìn tôi cười cười:
- Thấm rồi! ... Thấm rồi! ...
Tôi cũng cười theo, rít luôn hai hơi liền. Đầu óc có vẻ mơ hồ, cảm giác như bềnh bồng trên mây. Nhưng tâm trạng lại rất vui vẻ. Thấy tôi như vậy, tay Chí vộii nói:
- Thôi! Thôi! ... Mày say rồi! Đừng hút nữa. – Vừa nói hắn vừa giật nửa điếu thuốc còn lại trên tay tôi, dụi tắt, và mang ba lô đi nơi khác. Tôi cảm thấy mắt mình dần dần trĩu nặng nên nằm luôn trên chiếc ghế sô pha đánh một giấc.
Nghe tiếng ồn ào, tôi giật mình thức dậy. Cả nhà đang quây quần bên thằng con út của cô Hai. Bên trái trán của nó có một vết xước, rươm rướm máu. Có tiếng của dượng Hai B.
- Giả đò, chớ ngủ gì mà ngủ! Đê tụi nhỏ chơi giỡn đổ máu như dzầy mà ngủ được à?
Tôi biết dượng ấy đang nói ai, nhưng nghĩ thân phận mình đang làm thuê ở mướn nên tôi đành im lặng, chẳng đôi co làm gì.
Trưa hôm sau, cô Hai B. gọi tôi ra chỗ vắng bảo:
- Anh xuống nhà vợ chồng Ba T. ở vài tháng giúp nó. Hiện chúng đang thiếu người làm.
Ngay chiều hôm đó tôi cuốn gói rời đi. Ở nhà Ba T. tôi cũng chỉ phụ làm sợi được mấy tháng thì gia chủ than vãn sợi vải đang trong thời kỳ khan hiếm, công việc không nhiều, nên bảo tôi tạm nghỉ. Cũng may. ngay lúc đó một anh bạn giới thiệu cho tôi chỗ làm mới trên Núi Sạn. Thế là tôi lại có công ăn việc làm. Ở nhà cô Hai và thím Ba trên danh nghĩa tôi là người học việc nên họ không trả tiền công cho tôi.
Gia đình người chủ mới của tôi gồm có hai vợ chồng già, một thằng con trai và một đứa con gái. Cả hai còn đang học trung học. Buổi sáng hai chúng đi học, không ai đứng máy nên phải mướn thêm người làm thuê. Buổi chiều, hai anh em thay phiên dệt, tôi làm sợi. Khi còn ở hai nơi cũ tuy không được đứng khung cưỡi nhưng nhìn thấy người ta dệt tôi cũng học lõm được đôi chút. Việc dệt mùng không có gì khó khăn, nên tôi tự tin mình có thể làm được. Tuy nhiên gặp lúc máy hư phải tự mình mò mẫm sửa chữa cũng là vấn đề khá phiền toái. Nhiều lúc tôi chữa lợn lành thành lợn què. Dù vậy tôi cũng làm ở nơi mới được ba bốn tháng.
Một đêm, đang ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa phòng, tôi choàng dậy, mở cửa. Bà chủ nhà đang đứng ngay trước mặt, thì thầm, giọng đầy vẻ lo sợ:
- Công an đang xét nhà! Con hãy trốn mau.
Tôi chạy ra ngoài, mở cửa lớn, bước xuống hè, không quên mang theo đôi dép, rồi chạy ra cổng. Ngó dáo dác, tôi nhìn thấy ánh đèn pin loang loáng phía dưới dốc. Lập tức, tôi chạy thục mạng về phía ngược lại, rôi rẽ phải. Đến một nghĩa địa hoang vu, tôi nhảy phăng qua hàng rào kẽm gai giăng cao ngang lưng quần. Vào trong ngĩa địa, tôi tìm một cái mộ đá, ngồi nấp vào nghe ngóng. Bốn bề yên tĩnh, màn đêm sáng nhờ nhờ. Mặt trăng hạ tuần như con mắt láo liên xoi mói. Mồ mả, lùm bụi lô nhô đầy vẻ ma quái, rình rập. Để trấn an cho bớt sợ hãi, tôi ngồi lặng thinh, bắt ấn kim cang quyền. Thời gian trôi đi quá chậm. Mãi rất lâu sau mới thấy bầu trời bắt đầu hừng sáng. Tôi đứng dậy, đi ra khỏi nghĩa địa, rồi tìm lối đi xuống đường Quốc lộ 1A. Nhà nhà còn đóng cửa im ỉm. Tôi thong thả đi đọc theo con lộ giả vờ như người tập thể dục buổi sáng. Chờ cho đến lúc mặt trời lên hẳn, tôi mới quay trở lại chỗ nhà làm thuê. Tôi vừa đi vừa nghe ngóng tình hình, mọi chỗ vẫn bình thường không có gì khác lạ. Trông thấy tôi về, bà chủ nhà líu lo:
- Cô xin lỗi con! Đêm qua, xóm dưới họ rút lưới cảng về nên ồn ào, huyên náo như thế, làm cô cứ tưởng công an phường xét nhà. Báo hại khiến con phải đi trốn suốt đêm.
Tôi chẳng biết nói gì hơn đành cười đáp:
- Không sao đâu cô! Như diễn tập thôi mà!
Trưa hôm đó cơm nước xong, cô gọi tôi ra ngồi ở hè nhà nói chuyện:
- Nói thật tình, cô cũng muốn con ở lại làm phụ với cô, nhưng con không có giấy tờ tuy thân nên là một trở ngại lớn. Tính cô hay lo sợ, và không muốn có phiền phức với công an nên mong con thông cảm đi kiếm việc nơi khác.
Tôi hiểu ý bà chủ nhà sợ bị liên lụy nên đáp:
- Dạ! ... Con cảm ơn cô! Chiều nay con sẽ sang bên nhà chị con để đi tìm việc.
Bà chủ nhà thanh toán tiền nong cho tôi. Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi trở lại nhà chị gái ở xóm Cồn giữa. Bắt đầu một chuỗi ngày thất nghiệp, lang thang.
Trần Đức Phổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.