Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Thay Lời Kết

 Quãng Đời Sau Lưng - Tự Truyện

THAY LỜI KẾT

Tôi được sinh ra vào mùa thu năm 1963. Gần uối năm đó anh em ngài Tổng thống Ngô Đình Diệm Bị sát hại, miền Nam Việt Nam bước vào thời kỳ hỗn loạn. Tháng 11 năm 1965. những đơn vị thuỷ  quân lục chiến của Hải quân Mỹ đổ bộ lên Mũi Ba Làng An (Cape Batangan) nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, cách cửa Mỹ Á quê hương tôi khoảng chừng 50 km đường thẳng, về hướng bắc. Chiến tranh bắt đầu leo thang. Theo lời người lớn tuổi ở quê kể lại thì vào những năm cuối cùng của thập niên 1960s làng quê tôi bị tàn phá nặng nề. Toàn xã không còn một mái nhà hoặc một bóng cây xanh nào. Hố bom nhan nhản. Đứng từ đầu xã có thể nhìn thấu đến tận cuối xã, không bị vướng tầm mắt. Dân làng bỏ chạy tứ tán. Người ra Đà Nẵng, kẻ vào Nha Trang, Sài Gòn... Gia đình tôi di tản vào Sa Huỳnh. Dù răng ở đây cũng thuộc huyện Đức Phổ nhưng là “vùng quốc gia” nên không bị những trận càn quét như quê tôi. Nhưng rồi mùa hè năm 1972 khắp mọi nơi ở miền Nam thành bãi chiến trường. Cha tôi mất. Để bảo vệ mạng sống cho các con, mẹ tôi nuốt lệ di tản một lần nữa. Lần này đi xa hơn về phía nam, vào Nha Trang. Trong khi người lớn đau lòng phải lìa xa xứ xở, trái lại tôi vui sướng vì được đi đến những miền đất mới. Với cái lứa tuổi lên chín lên mười của tôi lúc ấy thì càng đi xa đi nhiều nơi tôi lại càng thích thú. Cho mãi đến lúc vượt biên, phải sống ở nước người, điền vào mẫu hồ sơ cá nhân chữ stateless tôi mới thấm thía được nỗi niềm của những kẻ mất quê hương.

Sau năm 1975, quê nhà không còn đạn bom nhưng lại lâm vào cảnh sống đói nghèo. Ngady đó cơm không có ăn, áo quần không đủ mặc. Một lần đi học, buổi tối ở trọ nhà người quen, tôi để quên đôi dép ngoài hè, sáng ra đã bị mất cắp. Thế là cả mấy tuần lễ liền tôi phải đi chân không đến trường. Bây giờ nghĩ lại tôi còn thấy ngượng.

Thời bao cấp, mỗi ngày làm hợp tác xã chỉ được chấm 10 công điểm. Ba, bốn tháng sau đến mùa thu hoạch, mười công điểm quy ra tương đương 7 lạng thóc! Vụ nào mất mùa thì chỉ còn 5 lạng. Vì nghèo khổ nên ngày ấy tôi rất chán đời, thích những bài thơ yếm thế, bi quan của Vũ Hoàng Chương, của Chế Lan Viên như:

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

(Phương Xa – Vũ Hoàng Chương)

Hay:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

(Xuân – Chế Lan Viên)

Bởi thế mới mười sáu, mười bảy tuổi đầu tôi đã viết những vần thơ đầy chua chát, giễu cợt như sau:

Cảnh Nghèo

Gạo hết tiền không cám cảnh nghèo
Bếp tro lạnh ngắt chiếc niêu treo
Cầm bầu nước lã tu ừng ực
Ngậm điếu thuốc lào rít xẻo xeo
Quá bữa đem cờ toan nghĩ nước
Hết ngày cắp chiếu đắp nằm queo
Con gì meo mẻo trêu ta đó
Ngơ ngẩn nghĩ ra đấy chú mèo!

 1980

Chiến tranh, bom đạn, chết chóc... không ai bỏ nước ra đi, nhưng hòa bình người người rời bỏ quê cha đất tổ. Kẻ thắng cuộc mỉa mai họ ra đi vì cơm thừa sữa cặn của ngoại bang. Tôi thì nghĩ có thực mới vực được đạo. Để bụng đói mà cứ hô hào tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có ma cũng chẳng dám theo. Trong khi cuộc sống quá khốn khổ mà còn bị tước đi nhiều thứ quyền lợi căn bản thì không ai muốn sống ở nơi đó là điều dễ hiểu. Tôi thật thà thú nhận rằng tôi ra đi vì kế sinh nhai. Và tôi cũng ra đi vì đã mất quyên công dân trên quê hương mình. Ở đâu cũng phải làm việc cật lực, vất vả mới có thể thoát nghèo được. Không có nơi nào cho mình miễn phí thứ mình cần. Muốn có Tự do cũng vậy, thuyền nhân đã phải đánh đổi bằng thứ quý giá nhất của mình là sinh mạng và luôn cả gia đình.

Loài chim đại bàng bay trên mây xanh có thể ngắm nhìn được múi cao, biển rộng. Nhưng chim chích, chim sâu sinh sốmg ở những lùm bụi có thể nhìn thấy được giọt sương long lanh trên  lá, hoặc chú kiến cần mẫn xây tổ. Mỗi loài có một môi trường riêng để tồn tại, để khám phá, và để mơ ước khác nhau. Chưa hẳn loài nào là quý hiếm hơn loài nào. Cái quan trọng nhất không do người khác đánh giá mà do chính mình thật sự sống cuộc đời như thế nào. Thành công cũng được mà thất bại cũng xomg miễn sao chúng ta có tinh thần cầu thị và một tấm lòng biết tri ân cuộc đời.

Tôi trải lòng mình qua tập tự truyện này không ngoài múc đích nhằm để cảm ơn bậc sinh thành đã dưỡng nuôi tôi; những người thân thuộc, bà con, bạn bè, và cả những người xa lạ gặp nhau phút chốc trên đường cũng đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Cảm ơn những vùng đất yêu thương đã cho tôi nguồn sống, chốn dung thân trong kiếp này.

Đã là con người dĩ nhiên phải có những thăng trầm biến động. Tôi  không hề tự hào, hoặc ly kỳ, hoặc bi kịch hóa về những biến động trong quãng đời sau lưng tôi. Cuốn sách này chỉ là những ghi chép vụn vặt nhưng trung thực những gì tôi đã nếm trải, những gì đã thấy, đã nghe. Hẳn nhiên, với một kẻ không ở một vị trí quan trọng và cũng chẳng có vốn kiến thức sâu rộng như tôi thì những điều được kể chỉ là góc nhỏ trong một bức tranh vĩ đại. Dù sao đi nữa đó cũng là cái góc tôi đã sống, cảm nhận và yêu thương.

Năm hai mươi tuổi tôi đi lính. Đại đội trưởng huấn luyện tại quâm trường Phù Cat là một người có phong thái rất nghệ sĩ. Trong một lần cùng nhậu với đám tân binh, có người hỏi ông, cuộc đời là gì. Ông không cần suy nghĩ mà trả lời ngay:

- Cuộc đời là những chuỗi hít thở. Chúng mày muốn sống tốt thì phải biết hít thở cho sâu vào!

Chẳng biết đám tân bình có hiểu ý thủ trưởng nói gì không, nhưng đứa nào cũng cười xòa vui vẻ.

Năm nay tôi đã gần sáu chục tuổi đời, nghiệm ra rằng lời ông ấy nói cũng có phần chí lý. Sống mà cứ thở gấp như người chạy điền kinh là một tai họa. Thở sâu thư giản, điềm tĩnh trước mọi biến cố mới cho ta một cuộc đời tự tại.

Những trang hồi ký này ra đời không nhằm mục đích gì khác ngoài việc giúp cho chính tác giả thực hành thói quen thở sâu để vui hưởng đời người.

London, August 12, 2022

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.