Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Bến Bờ Tự Do

 

Quãng đời sau lưng. Phần ba:Thuyền Nhân

 

BẾN BỜ TỰ DO

 

Chẳng biết danh từ Thuyền nhân (boat people) do ai đặt ra? Nhưng thập niên 1980s của thế kỷ 20, hai từ này đã làm cho cả thế giới sững sốt. Làn sóng vượt biển của những người dân Việt Nam trong những năm đó rất rầm rộ, càng về sau càng tăng. Các quan chức chính quyền cộng sản Việt nam ngoài miệng thì oang oang cấm cản nhưng trong bóng tối đã âm thầm bán bãi, bán thuyền cho những ai chung chi hậu hĩnh. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi. Hàng trăm ngàn đã làm mồi cho hải tặc hoặc cho cá mập biển khơi. Đó là chưa kể cả hàng chục ngàn người phải bị tù gông xiềng xích. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo đã thuật lại cảnh đoạn trường bi ai của thuyền nhân Việt Nam. Với sự hiểu biết ít ỏi của mình, tôi cũng đã từng chứng kiến hoàn cảnh thê lương của nhiều người vượt biển bị mất tất cả người thân khi đến được bến bờ tự do. Ví như có một anh đi trên một chiếc tàu tổng cộng 269 người, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết rồi quăng xác xuống biển. May mà anh nhảy xuống biển kịp lúc và đu vào một tấm ván, trôi nổi trên mặt biển ba bốn ngày rồi được tàu chở hàng vớt. Hoặc một nhóm bảy tám cô gái bị hải tặc làm nhục lên tới đảo phải nhập viện. Tuy vượt biển nguy hiểm là thế, nhiều người vẫn chấp nhận trả giá đắt để ra đi. Có người phải tán gia bại sản, tù tội năm bảy lần mới vượt thoát.

Cuộc viến hành của tôi may mắn hơn rất nhiều người. Hôm đó, ngồi trên boong đến gần tối thì tôi cũng phải chui xuống hầm để tàu qua trạm biên phòng. Tôi đu hai tay trên miệng hầm, và thả người rơi xuống sàn. Trong hầm tối om om, nóng hâm hấp. Vài chục đầu người lố nhố. Mùi mồ hôi, mùi hời thở trong một căn hầm kín bưng càng làm cho không khí ngột ngạt, khó thở. Cả hầm hoàn toàn im lặng.

Đến nửa đêm, tàu dừng lại. Có tiếng ai đó đối đáp với anh rể tôi. Lát sau, tiếng nhiều gót giày bước lộp cộp trên sàn tàu. Cả hầm tàu nín thở, lắng tai nghe động tĩnh trên boong. Tính đến chuyên này tàu anh rể tôi đã chở khách vượt biển khá nhiều lần. Mọi sự chung chi đều rất hào phóng nên không hề gặp sự cố, kiểm soát gay gắt nào.  Các cán bộ trạm biên phòng cửa biển chỉ làm cho có hình thức và để kiếm thêm tuýp thuốc lá ba số 555.

Mười lăm phút sau, mọi việc trở về trạng thái yên tĩnh như trước, con tàu tiếp tục cuộc hành trình ra khơi. Chúng tôi ở dưới hầm, chẳng biết đã qua bao nhiêu ngày đêm. Một buổi sáng nắp hầm được mở ra và người thủy thủ thông báo tàu đã ra đến hải phận quốc tế. Sóng êm biển lặng. Mọi người được cho lên boong nhưng không được tự do đi lại nên nằm ngồi la liệt. Nhóm người đi vượt biên gồm cả thảy 23 người. Có một số phụ nữ, và hai trẻ em trên mười tuổi. Cơm nước dọn ra tinh tươm, nhưng tôi không ăn được vì say sóng. Trái lại, hai anh thanh niên cùng đi với tôi là dân Sài Gòn, lần đầu tiên đi tàu, lại ăn ngon lành.

Để tránh gặp bọn hải tặc Mã Lai, anh tôi cái la bàn cho tàu chạy 180 độ về hướng đông, sau khi vào vùng biển quốc tế mới quay quắc 90 độ về hướng nam. Do hải trình vòng vèo như thế nên phải mất gần cả tuần lễ, con tàu mới tiếp cận một hòn đảo của Indonesia.

Một buổi trưa trời yên gió lặng, mặt nước phẳng phiu như mặt hồ. Tàu đang thả neo nghỉ ngơi. Tôi bỗng dưng nổi hứng muốn tăm biển. Anh rể tôi lấy một chiếc dây thừng buộc vào một cái trụ phía sau lái, đầu dây kia thả xuống nước. Tôi đu theo sợi gây buông mình vào trong lòng đại dương mênh mông, mất lạnh mà bơi lội vùng vẫy. Mặc dù tôi không dám bơi xa con tàu vì sợ cá mập và dòng thủy lưu nhưng anh rể tôi vẫn ngồi trên be tàu canh chừng.

Chuyến hải hành này ấn tương nhất đối với tôi là được ngắm đàn cá ông he (cá heo) đông cả chục con thi nhau chạy đua trước mũi tàu một buổi rạng đông. Những chú cá heo thân mình tròn trịa, bóng lưỡng, háo thắng luôn luôn phóng mình vượt lên trước. Tàu chạy nhanh, chúng chạy nhanh; tàu chạy chậm, chúng chạy chậm. Những chiếc mõm dài rít lên những tiếng kêu kỳ quái. Cuối cùng thì đàn cá bỏ xa tàu chúng tôi.

Nửa đêm ngày thứ bảy, con tàu tiếp cận một hòn đảo nhỏ. Tài công cài số đứng, vẫn để máy nổ. Hai cái thúng chai được thả xuống, đưa hành khách vào đảo rồi trở ra. Tôi cùng mấy người khác xuống chiếc thúng sau chót. Trước khi đi anh rể tôi bảo còn bao nhiêu tiền đưa hết cho ảnh. Anh cởi ba chiếc nhẫn trên tay đưa cho tôi, dặn để phòng thân. Tôi bịn rịn chào anh, rồi trèo ngay xuống thúng.

Chiếc thúng của tôi cập vào ghềnh đá của đảo. Anh thủy thủ liền quay thúng trở lại. Chúng tôi vội vã leo lên những hòn đá to đen đúa,. Tôi bám theo mọi người, tiến sâu vào hòn đảo lạ. Đứng trên một mỏm đá nhìn về chỗ con tàu lúc này, một màn đên dày đặc bao quanh, chẳng thấy gì  cả.

Một người bật cái máy lửa ga, dưới ánh sáng chập chờn leo lắt, cả đoàn lần mò tìm đến một cửa hang động. Tất cả không ai bảo ai lặng lẽ đi vào trong ngồi đợi trời sáng.

Trời sáng. Có mấy người vừa đàn ông vừa đàn bà ra đứng ở một mỏm đá cao, giơ tay không hoặc cầm một chiếc áo trắng vẫy vẫy những chiếc xuồng của ngư dân trên biển. Khoảng chừng nửa giờ sau một chiếc cano chở một toán lính tiến về phía chúng tôi. Khi còn cách bờ đá chừng hai mươi mét, chiếc cano dừng lại. Trước mũi thuyền cắm lá cờ nửa trắng nửa đỏ. Bên cạnh một anh lính cao to, có bộ râu quay nón, nước da đen nhẻm đứng kê chân lên be thuyền, hướng về chúng tôi, nói xì xồ.

Mọi người nổi lên tiếng bàn tán. Ai đó nói to:

- Có ai biết anh ta nói gì không?

- Tôi! – Một người đàn ông đeo kiếng trắng giơ cao tay.

- Anh ra nói chuyện với hắn đi!

Người đàn ông đeo kiếng nhảy lên một hòn đá và trăm xí lô xí là một tràng dài. Bên kia anh lính quay nón cũng trăm một tràng. Mọi người hỏi nó nói gì vậy?

Người kia ú ớ không nói rõ. Thấy vậy, một chị ăn mặc lòe loẹt, môi tô son, mắt vẽ chì xanh đứng ra nói:

- Hắn bảo anh ấy nói gì hán chẳng hiểu!

- Vậy... chị nói đi! – Mọi người lao nhao.

Chị kia với người lính trên thuyền nói chuyện một hồi, rồi  chiếc cano chạy đi. Người đàn bà phiên dịch lại:

- Ông ta nói, ổng tên là Jasma, trung úy đội trưởng đội cảnh sát biển của quốc gia Indonesia.  Tôi nói với ổng chúng tôi là người Việt Nam tị nạn cộng sản. Ông ta bảo cứ ở yên đấy, đợi một lát sẽ có thuyền đến đón về chỗ tạm dung.

 


 

 

Mọi người nghe nói thế hớn hở ra mặt. Tôi ngước nhìn chị kia chợt nhận ra đã gặp chị vài lần trên tàu lúc còn ở cảng Chánh Hưng. Khi đó chị hay cặp xà nẹo với anh Năm Tấn trong cabin buồng lái. Tôi cứ ngỡ chị là vợ bé ảnh. Những người đàn ông quê tôi vào đi biển ở miền trong cả năm mới về nhà một lần nên thường có “phòng nhì” trong Nam. Các bà vợ ở nhà dẫu có biết cũng không làm gì được, phần vì xa xôi, phàn vì cách nghĩ rất phong kiến, cổ hủ rằng đàn ông đi làm ăn xa cần có người chăm sóc. 
 
Tôi đến gần, chào chị. Chị cũng nhận ra tôi, nháy mắt cười:
- Lúc ờ cảng chị đã biết chú không phải là thủy thủ.
- Em thì cứ ngỡ chị là “bà hai” của anh Tấn.
Chị cười ha hả:
- Chú khéo nghĩ tầm bậy! Chỉ là bạn bè thôi!
- Sao chị biết nói thứ tiếng ngoại quốc đó?
- Ý chú là tiếng Anh đấy hả?
- Dạ!
- Trước năm 1975 chị làm ở sở Mỹ mà. Thằng cha In-đô nói tiếng anh khó nghe bỏ mẹ!
- Chị đi một mình à?
- Ừ, còn chú?
- Em cũng vậy!
 
Hơn một tiếng đồng hò sau, chiếc ca-nô chở vị sĩ quam cảnh sát kia trở lại, và dẫn theo một chiếc thuyền khác. Anh Trung úy nói một tràng tiếng Anh. Chị kia nghe xong quay lại bảo chúng tôi, họ cho phép lên thuyền. Mọi người hối hả trèo qua ghềnh đá, lội xuống nước, và leo lên chiếc thuyền đang cập sát bờ.
 
Con thuyền chạy vòng quanh hòn đảo một quãng rồi cập vào cầu tau. Chúng tôi được dẫn đến một căn nhà dài, trông giống như lớp học, nhưng không có bàn ghế. Buổi trưa hôm đó mọi người sắp hàng nhận phần cơm hộp cấp phát từ một phòng lân cận. Hai giờ chiều, Trung úy Jasma gọi mọi người lên lên văn phòng ông ta để kiểm tra hành lý. Lần lượt, mỗi cá nhân vào phòng móc hết tất cả vật dụng, giấy tờ trong túi và xách tay ra, đồng thời cởi bỏ quần áo, chỉ mặc độc đồ lót trên người. Họ chỉ kiểm tra bằng mắt, hoàn toàn không đụng chạm đến cơ thể bất cứ ai. Trẻ em được miễn.
 
Hòn đảo chúng tôi “đổ bộ”vào là đảo Tarempa của Indonesia. Ở đây có người bản địa sinh sống, không có cơ quan Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc. Họ tạm thời cho thuyền nhân tạm trú vài ngày chờ tàu đến chuyển đi nơi khác.
 
Tarempa là một hòn đảo nhỏ nhưng khá phồn thịnh. Nhà cửa tuy nhỏ nhưng được dựng xây ngay hàng thẳng lối. Đường xá tráng nhựa láng mức. Trên đảo có trường tiểu học, khu thể thao, chợ, và đồn hải quân. Chúng tôi ở lại đây ba ngày, bữa trưa và bữa tối được phát cơm hộp. Buổi sáng mọi người tự túc. Tôi và hai thanh niên người Sài Gòn thường ra chợ ăn sáng và uống cà phê, sau đó dạo chợ giết thời giờ. Chợ Terempa là một gian nhà lồng lớn, rộng rãi và sạch sẽ. Cũng giống như chợ Việt Nam chính giữa là lối đi, hai bên là những sạp hàng hóa. Nơi đây có bán nhiều loại sản phẩm, rau trái... Vải vóc, áo quần may sẵn nhiều vô kể. Đặc biệt những người dân bản địa rất thích mua vàng vòng nữ trang của người tị nạn Việt Nam. Buổi chiều chúng tôi ra khu thể thao xem các em gái đảo mặc mini jupe chơi quần vợt. Tối, được chiếu phim Honkong cho xem miễn phí.
 
Ba ngày sau, đoàn chúng tôi lên ca-no chuyển sang đảo Kuku. Kuku là một trại chuyển tiếp, có rất đông đồng bào tị nạn. Khi chúng tôi đến, con số thuyền nhân ở nơi đây đã vượt lên trên vài ngàn người. Các barracks không còn chỗ trống. Nhóm người chúng tôi phải dựng những căn lều bạt tạm thời để ở. Chiều hôm sau, nhân viên Văn phòng Cao Ủy tị nạn cho nhân viên xuống kê khai hồ sơ lý lịch từng người. Đối với rất nhiều thuyền nhân tị nạn Việt Nam Kuku là một địa danh khó quên. Bởi lẽ, đây là vùng đất tự do, an toàn sau những ngày dài lênh đênh trên biển với muôn vàn hiểm nguy. Nơi mà họ đã tìm thấy được một niềm hy vọng. Nó cũng là nơi chốn đã khiến cho hàng vạn trái tim con người thấm thía nỗi buồn ly hương.
 
Bờ biển Kuku hẹp, màu cát không trắng mà có sắc vàng như cát biển Sa Huỳnh. Đêm đêm chúng tôi ngồi trên bờ biển đốt lửa ca hát để động viên nhau và cũng để vơi bớt nỗi buồn.
Đoàn chúng tôi chỉ lưu lại KuKu hai tuần lễ. Sau đó được đưa lên một chiếc phà lớn, do một con tàu kéo chạy vòng quanh các hòn đảo khác gom người di tản đưa về đảo Galang. Pulau Galang mới thật sự là vương quốc của người tị nạn.
 
Galang gồm có hai trại: Galang I và Galang II. Những người mới đến, tạm thời cư ngụ ở Galang I. Sau đó nếu được nước thứ ba chấp nhận cho định cư thì chuyển vào Galang II. Hoặc những ai ở lâu trên sáu tháng mà vẫn chưa được quốc gia nào phỏng vấn cũng phải chuyển vào Galang II. Giữa hai trại là một con đường trải nhựa phẳng phiu xuyên qua những khu rừng cây và những quả đồi. Mỗi trại đều đông nghịt người. Trại nào cũng có nhà thờ, chùa, thánh thất, trường học, bệnh xá, chợ và bưu điện. Để đi và về giữa Galang I & II làm việc, luôn có xe của Cao ủy đưa đón cho nhân viên thiện nguyện..
Thật ra còn một Galang III nữa. Đó là cách gọi của mọi người ở đây về khu nghĩa trang, nằm giữa Galang I & II, nơi để chôn cất những người xấu số qua đời trên đảo. 
 
Khi tôi đến, mỗi trại Galang đều do ban đại diện của người Việt mình quản lý. Vì thế đã tránh được rất nhiều điều bất công, ngược đãi từ cảnh sát Indo.
 
 

 
Nhóm tôi được bố trí về một barrack phía dưới chân dốc đi lên quả đồi có ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo tọa lạc. Mỗi gia đình đều được cấp phát mùng mền và chiếu. Khẩu phần lương thực thì nhận hàng tuần. Gia đình nào đông con, lớn bù nhỏ cũng dư ăn. Những kẻ độc thân như tôi dĩ nhiên sẽ không đủ để sống qua ngày. Vì thế mới lên đảo, tôi đã phải lo đi tìm việc làm thiện nguyện với hy vọng có thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn. Cũng không giúp được bao nhiêu, vì mỗi tuần chỉ được một hộp thịt. Tuy vậy nếu nhịn ăn, đem bán lấy tiền mua rau cũng được vài bữa. Tôi không biết tiếng Anh, nên lên trường tiểu học xin dậy các em nhỏ. Tiếp kiến tôi hôm ấy là thầy hiệu trưởng, nhạc sĩ Tràn Đình Quâm. Thầy chỉ hỏi sơ lược vể tên tuổi, trình độ học vấn của tôi. Hỏi tôi đã từng dạy học chưa. Tôi thưa thật chưa bao giờ dạy ai cả. Thầy cười, hỏi:
 
- Vậy, anh dạy được môn gì?
- Dạ... môn lịch sử.
- Lớp mấy?
- Thưa thầy... lớp ba.
- Sáng mai anh đến dạy thử.
 
Tôi cảm ơn và ra về. Thế là, hôm sau tôi trở thành giáo viên tiểu học!
Mới ổn định xong chỗ ở, Phòng trật tự đã kêu lên làm việc. Khi tôi chuẩn bị đi thì gặp chú Quận, (người đàn ông đi cùng hai con, tôi thấy ở bến xe miền Tây) vừa về, nói với tôi:
- Yên tâm đi đi! Chỉ làm theo thủ tục cho có lệ.
 
Tôi cười cảm ơn chú. Trong bụng cũng cảm thấy đỡ lo.
Tôi rụt rè bước vào căn phòng có ghi tấm biển “Phòng trật tự”. Một người đàn ông ngồi sau chiếc bàn làm việc kê đối diện với của ra vào, chỉ cái ghế đẩu bảo tôi ngồi. Vừa yên vị, ông ta liên hỏi:
 
- Anh tên gì?
- Dạ... Trần Văn Thư
- Năm sinh?
- Ngày 20, tháng 9, năm 19....
- Ở Việt Nam làm gì?
- Dạ, thợ dệt.
- Thời học sinh có vào đoàn, đội gì không?
- Dạ, không! – Cái này tôi nói thật hoàn toàn. Tôi chưa bao giờ vào đội thiếu niên Tiền phong hoặc đoàn thanh niên Cộng sản. Năm học lớp 10, một bạn học cùng lớp ngỏ ý muốn mời tôi tham gia lớp cảm tình Đoàn. Tôi hỏi nó “đòn gì?” Nó nổi cáu đòi đánh tôi. Từ đó không ai bảo tôi vào đoàn đội gì nữa.
- Anh nói dối! Lúc đi học sao không vào đoàn, vào dội được?
- Vì thế nên em bị đuổi học!
- Ngày sinh của anh rất đặc biệt!
- Có gì đặc biệt ạ?
- Ngày 20 nếu bỏ đi số không thì là ngày gì?
- Dạ, Em chưa từng nghĩ đến!
Im lặng. Hình như ông ta hơi bực mình.
- Có phải tàu anh đi, anh rể anh là chủ tàu không?
- Dạ, đúng!
- Anh có phải trả tiền không?
- Có ạ?
- Bao nhiêu?
- Anh em trả, em không biết!
- Anh rể anh cho anh bao nhiêu vàng?
- Dạ, không có ạ!
- Số tàu anh đi là gì?
- Em không để ý!
 
Đến đây cuộc chất vấn kết thúc. Tôi bước ra về mà trong bụng cứ mãi nghĩ tại sao chú ấy lại chú ý đến ngày sinh của tôi? Bảo tôi bỏ số không đi? Nếu bỏ số không tức là ngày 2... tháng 9. A! Thì ra chú kia nghĩ ngày sinh của tôi là biến tấu của ngày lễ Quốc khánh nước Việt Nam cộng sản. Ôi, những người bỏ nước ra đi vì yêu chuộng tự do và quyền riêng tư của người khác lại có ý nghĩ lắc léo, kiểu chụp mũ như vậy!
 
Giấc mộng của tôi ngày mới lên đảo là được đi định cư ở Úc. Ngày còn đi học, tôi chỉ biết nước Mỹ và Canada. Nước Mỹ thì ai cũng biết rồi, kể cả đứa bé học lớp Một. Bởi vì sách báo, loa phóng thanh, bài học ở trường... bên Việt Nam luôn chửi Mỹ ra rả. Lại còn kể nhiều thứ tội ác ghê rợn của quân đội Mỹ như uống máu, ăn gan người. Riêng Canada tôi chỉ biết qua những câu chuyện cổ tích, với hình ảnh không thể quên là những cây sồi. Còm nước Úc thì chưa hề nghe đến. Chỉ biết châu Úc mà thôi! Lúc lên Galang nghe người ta bàn tán Mỹ rất khó khăn trong việc nhận người. Những ai có thân nhân đang ở Mỹ, hoặc có quan hệ với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới được cho đi định cư Hoa Kỳ. Canada và Úc đều nhận diện nhân đạo. Nhưng Canada lạnh lắm. 
 
Lên đảo Galang chừng được một tháng, tôi bỗng nghe tin có chiếc tàu cá Phú Khánh chở người vượt biên bị bắt lại. Tôi hỏi thăm và tìm đến xem thử có gặp người quen nào không. Trong nhóm thủy thủ bị bắt, có một bác lớn tuổi, mái tóc bạc phơ. Tôi nhận ra đó là bác Trần N. một người bà con xa của tôi. Bác này gặp được tôi rất mừng. Bác nhờ tôi viết thư báo tin cho hai anh con trai đang định cư ở bên Úc. Nhân dịp đó, tôi liền đề nghị bác nhận tôi làm cháu ruột để nhờ hai anh kia bảo lãnh đi Úc luôn. Tôi nghe phong thanh rằng, chỉ cần có ai ở Úc làm sponsor là sẽ được phái đoàn Úc chấp nhận cho định cư. Bác ta vui vẻ gật đầu. Kể từ hôm ấy, mọi thư từ liên lạc với hai người con trai đều do tôi đảm nhận. Hồ sơ của tôi cũng được bổ sung thêm là có thân nhân tại Úc Và đảo Galang. Theo quy định của Cao ủy, nếu ai có thân nhân nước nào, phải xin đi nước đó. Chỉ khi nào bị nước kia từ chối mới nộp đơn xin đi nước khác. Thế là tôi tự trói chân mình với một ý nghĩ viễn vông, và với một cái gật đầu thiếu bảo chứng. Tôi nhận được lá thư từ người con bác Trần N. rằng anh ta đã làm giấy tờ bảo lãnh cho tôi. Tôi liền nộp đơn xin đi Úc.
 
Tôi đợi suốt sáu tháng trời không thấy tăm hơi gì, nhưng cũng yên chí vì phái đoàn Úc cũng chưa gọi bác Trần N. lên phỏng vấn. Những bạn bè cũng đi với tôi, dù không có thân nhân nhưng chịu khó học tiếng Anh và làm thiện nguyện đến lúc này đều được Canada nhận cả.
Trại tị nạn Galang đầu năm 1986, con số tăng vọt lên hơn mười ngàn người. Những ai ở Galang I trên sáu tháng như chúng tôi đều phải di chuyển vào Galang II, để có chỗ cho thuyền nhân mới đến. Nhóm người đi cùng tàu không còn được ở chung. Tôi bị đưa vào một phòng ở Zone A cùng những thanh niên độc thân khác.
 
Một hôm tôi nghe loa phóng thanh kêu tên bác Trần N. và tôi lên gặp phái đoàn Úc. Hai bác cháu đến văn phòng Cao ủy đợi từ sớm. Lúc ngồi chờ tôi dặn dò bác nhớ nói tôi là cháu bác. Bác gật gật, nhưng không nói gì. Hôm ấy, người được phỏng vấn khá đông nên mãi tới mười giờ sáng, nhân viên mới gọi bác Trần N. tiếp kiến. Tôi ngồi lại bên ngoài, hồi hộp chờ đợi đến lượt mình. Mười lăm phút... hai mươi phút... rồi ba mươi phút... trôi qua. Không ai đả động đến tên tôi. Tôi sốt ruột, ngong ngóng nhìn vào cánh cửa văn phòng Cao ủy. Cửa mở, bác Trần N. ung dung bước ra, gương mặt tươi rói. Tôi chạy tới. Bác cười, khoe:
 
- Nhận rồi, bác được nhận rồi!
- Sao chẳng ai gọi con? Bác có nói với phái đoàn con là cháu bác không? – Tôi hỏi dồn dập.
Gương mặt bác bỗng dưng khác lạ bác nói:
- Phái đoàn họ không tin cháu là cháu ruột của bác! – Nói xong, bác ấy bỏ đi về, không thèm gọi tôi theo. 
 
Tôi đứng sững như trời trồng. Sau khi bình tĩnh lại liền tìm gặp anh nhân viên phòng Cao hủy hỏi cho biết sự tình. Anh này nói, ông nhân viên phái đoàn có hỏi nhưng bác Trần N. bảo Trần Văn Thư không phải là cháu ổng. Phái đoàn nghĩ anh mạo nhận nên gạt hồ sơ của anh rồi.
Tôi nghe anh kia nói mà chết lặng. Tôi cứ đinh đinh bác Trần N. là người thật thà, một lòng muốn giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh khó khăn. Thật không ngờ bác cũng chỉ là người qua cầu rút ván. Bây giờ tôi mới biết lòng người tráo trở còn nhanh hơn cái chớp mắt. Ai cũng nói “Kuku tình hờ, Galang tình xù!” Tôi cứ tưởng câu ấy chỉ áp dụng cho tình cảm gái trai, không dè cũng đúng ngay chốc với tình đời. Tôi thuật lại câu chuyện trên mục đích để nhắc nhở mình bài học không nên giở trò gian dối, mưu mô trong bất cứ điều gì, chứ không hề có ý thù oán ai.
 
Trần Đức Phổ
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.