Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Về Đến Đồng Bằng

 

VỀ ĐẾN ĐỒNG BẰNG
 
Vừa mệt mỏi, vừa nản chí, tôi mơ màng hình như đã ngủ một giấc dài. Trong mơ tôi đã gặp một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên một phiến đá. Ông già đang mỉm cười nhìn tôi:
- Cậu trẻ, cậu đã ngủ một giấc dài cả năm trăm năm rồi đấy!
Nghe nói thế, tôi không hề ngạc nhiên mà còn vui mừng nữa. Tôi muốn ngủ một giấc ngủ xuyên thời gian để xóa bỏ cái hiện tại không hứa hẹn điều gì tốt lành. Trong mơ tôi cũng chợt nhớ hình như lúc nhỏ có đọc ở đâu đó một câu chuyện kể rằng, có một anh kia đang gặp cảnh khốn cùng, nợ như chúa chổm. Một hôm say rượu mệt mỏi dựa lưng vào một gốc cây trong vườn ngủ mê man như chết. Khi tỉnh dậy mọi vật quanh anh đã hoàn toàn thay đổi. Khắp xóm giềng không còn ai quen biết. Thì ra anh vừa ngủ một giấc dài cả năm trăm năm.
 
Ông già nói xong, vụt biến mất. Tôi giật mình mở mắt nhìn quanh, ngơ ngác. Thằng Minh cà khịa tôi:
- Đào ngũ bị bắt mà ngủ ngon dữ!
 
Lúc này, đã hoàn toàn quay trở về thực tại, không nhìn thấy hai anh cảnh vệ kia đâu, tôi hỏi Minh:
- Họ đâu rồi?
- Đi cả rồi!
- Ô! Thật vậy sao!
 
Thằng Minh gục gặc cái đầu húi cua. Tôi thì quá vui mừng. Không thể cắt nghĩa được giấc mộng là sự thật hay sự thật là giấc mộng. Chỉ biết ràng sự việc chuyển biến thật bất ngờ.
Cho đến giờ này, tôi vẫn không hiểu được nguyên nhân vì đâu hai anh cảnh binh kia không bắt chúng tôi giải về Trung đoàn bộ. Tôi đoán già đoán non là có thể họ tin lời tôi nói dối rằng chúng tôi là công nhân Nông trường Hà Tam. Nhưng nghĩ kỹ lại, người ngồi trên chiếc xe Jeep (chắc là sĩ quan cao cấp) đã nghi ngờ, nên mới sai hai anh cảnh binh đến khống chế bọn tôi. Nhưng vì sao cuối cùng lại “tha bổng”? Quả tình thật khó hiểu! Dù sao thì chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các anh!
 
Lúc đó chúng tôi không cần suy nghĩ nhiều. Được tự do đã là quá phúc đức rồi!. Tôi đứng dậy vươn vai, hít thở không khí trong lành buổi sớm của miền núi cao. Mặt trời đã lên khỏi đỉnh đèo An Khê từ lúc nào. Những tia nắng ấm áp làm cho cả người khoan khoái dễ chịu hẳn. Bỗng thằng Minh reo lên, tay chỉ về phía chân đèo:
 
- Có xe kìa!
Tôi bảo nó:
- Nhìn kỹ xem xe gì!
 
Đã đón nhầm xe của xếp lớn một lần nên tôi quá tởn, không dám vội vàng xông ra như trước.
- Xe bốn bánh! – Thằng Minh nói và đi ra vệ đường. Bấy giờ, tôi cũng nhận ra đó là chiếc xe bốn bánh màu nước cơm, đang chạy ì ạch lên dốc.
 
Chiếc xe dừng lại, lơ xe giục tôi leo lên. Minh trả tiền rồi lên sau. Trên xe quang gánh đầy sàn. Hai băng ghế toàn đàn bà. Họ bảo tôi và thằng Minh ngồi vào trong. Bọn tôi từ chối, nói rằng qua hết đèo sẽ xuống. Tôi ghé đít vào chỗ băng ghế trống một chị vừa xích vào trong. Minh đu ngay cửa xe. Chiếc xe chạy chậm rề rề, nhưng cuối cùng cũng qua hết cái đèo khúc khủy. Khi còn cách trạm kiểm soát Phú Phong chừng 200m thằng Minh đập vào thùng xe bảo tài xế dừng lại. Chúng tôi xuống xe. Lòng mừng khấp khởi vì không gặp cảnh binh. Chắc họ đã rút hết từ lâu.
 
Xuống xe, tôi mới để ý, thằng Minh hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên. Nó dẫn tôi đi ngược lên phía bắc, qua một cánh đồng ruộng, một xóm nhà, lại một quãng đồng nữa thì nhìn thấy dòng sông Côn. Từ đó chúng tôi cứ nương theo bờ sông mà đi băng ngang nhiều cánh đồng và nhiều bãi đất hoang. Dường như thằng Minh rất thông thạo vùng này. Nó chỉ con sông Côn cuồn cuộn nước, bảo tôi, bơi qua sông là về đến nhà chị nó. Có dám bơi không.? Tôi nhìn dòng sông, dù là đoạn trung du nó vẫn rộng và sâu gấp mấy lần con sông Thoa quê tôi. Nước sông đầy ăm ắp, chảy xiết. Tôi lắc đầu. Nó cười.
Xế chiều, chúng tôi đến một cây cầu bê tông khá rộng, lâu lâu mới có người qua lại. Hai đứa thoang thả bình tĩnh bước đi như những kẻ nhàn du. 
 
Chúng tôi đã về tới đồng bằng!
Đến lúc này thì thằng Minh tạm coi như đã đào tẩu thành công; còn tôi chỉ mới được nửa đường thiên lý. 
 
Minh dẫn tôi vào một khu chợ lồng. Tới một cái sạp chao vịt, nó kêu hai tô. Cả hai ngồi húp xì xụp. Tiếng là tô cháo vịt nhưng kỳ thực lỏng bỏng chỉ có nước và gạo, chẳng thấy miếng thịt nào. Ăn xong thằng Minh còn ngồi tán chuyện với bà chủ một lát. Tôi giục vài lần, nó mới trả tiền và đứng lên. Lúc ra tới đường cái nó bảo tôi, tới nhà rồi, nhưng cứ chờ đến tối hãy về, không việc gì phải hấp tấp. Nó nói có lý. Không ai trong xóm đó nhìn thấy chúng tôi mới là thượng sách.
 
Đến chín giờ đêm, hai đứa tôi về đến nhà chị nó, một căn nhà trong cái xóm làm chiếu gần thị trấn Đập Đá. Nó gõ của, chỉ nó cầm cái đèn ra xem là ai. Trông thấy nó mừng rỡ xuýt làm rớt cái đèn hột vịt. Chúng tôi vào nhà, nghỉ ngơi một lát rồi ra cái giếng bên hông nhà tắm rửa. Bôn ba suốt hai đêm hai ngày, bữa nay mới thật sự được thoải mái. Tắm xong, thằng Minh hỏi chị nó kiếm cho tôi một bộ đồ khác để thay. Cái áo cũ đã rách bươm. Cái quần toạc ống, hỏng phéc-mơ-tuya.
 
Nghỉ ngơi một lát bà chị thằng Minh dọn ra một nồi cháo gà bốc hơi nghi ngút để đãi chúng tôi. Anh chồng chị đi ngủ từ sớm, không ăn. Thằng Minh đớp ngon lành. Còn tôi hơi lo vì không biết làm cách nào để về Đức Phổ khi trong túi không có tiền, nên ăn cũng chả thấy ngon.
 
Sáng hôm sau, Minh bảo tôi ở lại Đập đá chơi ít ngày để nó dẫn đi tán gái Bình Định! Tôi cười như mếu. Cái thằng! Buồn thúi ruột, nó còn nghĩ chuyện gái gú! Tôi tỏ ý muốn ngày mai đi về nhưng không có tiền. Chị nó bảo vài hôm nữa chị có chuyến hàng đi Đà Nẵng, lúc đó hãy đi với chị.
 
Hai đêm liền, thằng Minh dẫn tôi đến nhà những cô gái mà nó quen biết. Mặc cho nó tán hưu tán vượn với các cô, tôi chỉ quan tâm công việc họ làm. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người ta làm ra một chiếc chiếu hoa nó như thế nào. Dù ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cũng có nghề dệt chiếu nhưng tôi chưa hề được trông thấy lúc thợ làm. Muốn làm ra một chiếc chiếu lác công phu không phải ít. Ngoài công đoạn làm sợi cói, nhuộm màu; còn phải biết đan kết chúng lại với nhau theo mẫu mã. Khi dệt cần phải có hai người phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau. Hễ một người đưa cái lược đẹt ra xa để cho những sợi dọc tạo thành hai hàng trên dưới, thì người kia phải nhanh tay phóng sợi ngang qua bằng một cái que dài và nhỏ, rồi thu que về. Lúc này người thợ chính mới kéo cái lược về phía họ, ép cho sợi cói ngang sát vào nhau. Cứ thế hết sợi này đến sợi khác tạo thành tấm chiếu hoa xinh đẹp. Tôi thấy các cô gái ở đây tay làm thoăn thoắt mà miệng vẫn đối đáp với thằng Minh nhưng chiếc chiếu không bị lỗi, thật đáng khâm phục tài nghệ thủ công của các cô vô cùng.
 
Ở lại Đập Đá đến sáng ngày thứ ba, thì tôi chào từ biệt thằng Minh, theo chị nó xuống ga Diêu Trì. Kể từ đó tôi và Minh không còn gặp lại nhau lần nào nữa. Đúng là bèo dạt mây trôi.




Đến ga Diêu Trì, chúng tôi ngồi đợi hơn một tiếng đồng đồ chuyến tràu chợ Sài Gòn – Đà Nẵng mới tới nơi. Chị Hai thằng Minh bảo tôi khuân một đống bao tải lớn chất vào toa tàu. Tôi không tiện hỏi nên chẳng biết trong bao chứa những thứ gì. Cứ im lặng làm theo lời bà chị Xong việc, hai chị em mới bước lên toa tàu. Trong toa hàng hóa chất ngổn ngang, chỉ có dăm ba người ngồi trên sàn, không có ghế. Toa này là toa chở hàng, những người ngôi đây toàn là chủ hàng hoa buôn bán lén lút. Tàu hú còi rời ga. Chạy được một lát thì có anh nhân viên soát vé từ đầu tàu đi lại. Tay anh ta cầm một cuốn sổ nhỏ và một cây viết. Vừa đến bên tôi, anh chưa kịp mở miệng hỏi vé thì chị thằng Minh đã nói nhỏ:
 
- Em họ tôi đấy xếp!
- Đi đâu?
- Nó về Đức Phổ. – Vừa nói chị vừa nhét vào tay anh ta một tờ giấy bạc. Anh kía mỉm cười chớt nhả:
- Tưởng ai chứ em của người đẹp thì vô tư! - Anh ta nói, rồi bước đi đến chỗ người khác.
 
Tàu dừng lại ở ga Tam Quan hơi lâu để tránh một đoàn tàu Thống Nhất chạy ngược chiều. Một vài cô bé bán trà đá, bánh tráng (bột) mì nước dừa, đặc sản địa phương chào khách í ới. Có một bà sồn sồn quảy gánh cơm lên toa bán cho mọi người. Một bên quang gánh là nồi cơm trắng còn đương bốc khói, bên kia là xoong thịt kho trứng sắc nâu, điểm thêm mấy trái ớt màu đỏ thơm lừng. Đã quá trưa, chị Hai thằng Minh mua một tô cơm để ăn. Chị cho tôi mười đồng, bảo có đói bụng thì mua ăn. Quả thật tôi cũng đói bụng lắm, nhưng nghĩ để tiền đó phòng thân, và cũng đã gần về đến nhà nên rán nhịn.
 
Tàu vào ga Đức Phổ khoảng ba giờ chiều. Tôi cảm ơn và chào tạm biệt bà chị tốt bụng, rồi lật đật bươc xuống sân ga. Đức Phổ là một nhà ga nhỏ nên không mấy người lên xuống. Chỉ có vài người đàn bà chở những can nước mắm từ Nha Trang về lục tục gánh gồng vào nhà ga. Tôi vì không có vé nên chẳng dám theo chân họ. Tôi đi dọc theo đường rầy, qua khỏi nhà ga có một lối đi nhỏ, rẽ phải về thị trấn. Xuống đến thị trấn, xem như đã an toàn về đến nhà. Bây giờ tôi mới cảm thấy bụng đói cồn cào. Ghé vào một quán phở tôi gọi một tô phở bò và vài điếu thuốc lá. Cái thói hư hút thuốc lá là do mấy thằng ‘đàn anh’ hồi học cấp Hai tập tành cho tôi. Lúc ở nhà tôi vẫn thường lấy thuốc bổi của mẹ tôi dùng để chà răng mỗi lúc ăn trầu, vấn hút. Vào quân đội vì không có tiền nên tôi bỏ. Không hiểu sao hôm nay tôi lại cảm thấy thèm thuốc nên mua để phì phà.
 
Trả tiền xong, tôi theo con đường tắc băng ngang Gò Hội đi về Phổ Minh. Lúc đi qua cánh đồng Tân Tự tôi gặp anh bạn thơ Mai Hoàng Dũng (tức nhà thơ Vũ Thụy Nhung, tác giả bài thơ Em Có Về Quảng Ngãi Với Anh Không được phổ nhạc, có nhiều ca sĩ hát.) Thấy tôi đang bước lang thang, Dũng ngạc nhiên hỏi:
 
- Uả, nghe nói anh đi bộ đội rồi mà?
Không muốn cho Dũng biết rõ sự tình, tôi đáp:
- Đơn vị cho về ăn Tết!
 
Nói xong, tôi vội vàng từ biệt Dũng để về cho kịp chuyến đò cuối ngày. Đến bến đò Du Quang cũng vừa đúng lúc hoàng hôn. Con đò đang cắm sào phía bên này sông, để đợi những người khách muộn. Sông Thoa nước duềnh lên lái láng. Những con sóng nhỏ lăn tăn vỗ vào mạn thuyền. Anh lái đò đang ngồi ngắm trời mây, có lẽ đã chờ khách khá lâu, cũng đang muốn về nhà, nên thấy tôi bước lên liền nhổ sào, đẩy thuyền lướt băng băng trên sông. Sang đến bờ bên kia, còn một ít tiền lẻ, tôi đưa cả cho anh lái rồi bước lên bờ.
 
Nhà chị Hai tôi ở sát bến đò Du Quang. Anh rể tôi là đảng viên, có chân trong Hội đồng nhân dân xã, vì thế tôi không muốn ghé vào. Nhà chị Ba tôi ở giữa thôn Du Quang, tôi cũng không ghé đến. Dù trời đã tối, và phải đi ngang một cái trảng lớn có rất nhiều mồ mả, tôi vẫn quyết định đi thẳng về nhà.
Tôi bước vào trong ngõ nhà mình. Đứng khựng lại một lúc. Trong sân một ngọn đèn hột vịt chong leo lắt. Mẹ tôi đang ngồi chăm chú xắt khoai. Mái tóc bạc của mẹ như trắng hơn dưới ánh đèn. Lưng mẹ đã còng. Rất nhiều cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi đứng lặng yên một hồi lâu mà mẹ không hề hay biết.
Tôi rón rén đi lại gần. Khi còn cách mấy bước tôi khẽ gọi:
 
- Mẹ...!
 
Mẹ tôi nghe gọi giật mình, ngước lên, quay sang nhìn tôi. Ngập ngừng một chú mẹ mới nhận ra tôi. Hai mẹ con ôm nhau cùng khóc. Vào nhà, tôi nói sơ lược tình hình cho mẹ biết. Em trai tôi hôm ấy đi biển ở Đà Nẵng gần Tết mà cũng vẫn chưa về. Mẹ quyết định ngay tức khắc dẫn tôi xuống nhà chị Ba tôi tá túc qua một đêm, rồi sáng mai cho tôi vào Nha Trang.
 
Nhà chị Ba tôi tuy ở giữa thôn nhưng mảnh vườn rất rộng, cách xa nhà hàng xóm xung quanh. Thấy mẹ dẫn tôi đến anh chị tôi đều có vẻ ngạc nhiên. Mẹ nói chuyện với anh chị tôi một lúc, dặn dò tôi ở lại, rồi ra về. Chị Ba tôi dọn giương măc màn cho tôi ngủ qua đêm.
 
2/8/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.