Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Tìm Đường Vượt Biên

 

TÌM ĐƯỜNG VƯỢT BIÊN
 
Tôii nghĩ, chưa có ai đi vượt biên mà làm cái việc nghịch lẽ thường, trái khoáy như tôi. Người thành phố muốn đi vượt biển hay về các miền duyên hải như Nha Trang, Vũng Tàu, Kiên Giang... để đi. Riêng tôi, từ nhỏ đến lớn sinh sống bên bờ thùy dương khi đi vượt biển lại vào Sài Gòn!
 
Chiếc xe đò chạy than vào đến Xa cảng miền Đông lúc bốn giờ chiều. Mới đầu tôi định xuống ngay Cảng cá Chánh Hưng để tìm tàu anh rể tôi. Suy đi nghĩ lại thấy trời sắp tối ngộ nhỡ tìm không gặp thì biết làm thế nào. Vậy là tôi thay đổi ý định, không xuống cảng cá nữa mà kêu xe về nhà bà chị con cô Ba tôi ở gần cầu Phạm Đình Hổ quận 6.
 
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân đến một thành phố lớn. Ngày còn bé ở Sa Huỳnh tôi đã từng nghe các chị tôi nhắc đến địa danh Sài Gòn nhiều lần. Sau năm 1975 tôi lại may mắn được đọc trong mọt cuốn sách giáo khoa cũ (không biết lớp mầy) bài học thuộc lòng viết về Sài Gòn như sau:
 
Sài Gòn
 
Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm
Có ô-tô-buýt khắp miền,
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn
Bến Thành đã tiếng tăm vang
Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi
Xe đò, xe máy, taxi
Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi
Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ
Trải bao thay đổi đến giờ
Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang
Sài Gòn - thủ phủ Việt Nam
Mai này kiến thiết mở mang còn nhiều. 
 
Bởi vậy cái tên Sài Gòn trong tôi không hề xa lạ như Hà Nội. Dù không biết Thành phố rộng lớn như thế nào nhưng tôi luôn nghĩ nơi đây là chốn phồn hoa, đô hội.
Chiếc xe xích lô đạp chở tôi qua các ngả đường. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi không nhìn thấy chiếc ô-tô hoặc taxi nào, cũng không nhìn thấy chiếc xe buýt nào. Đường xá thì rộng thênh thang những chỉ toàn là những chiếc xe đạp, xe xích lô, và bộ hành. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe Honda xuôi, ngược. Nhà cửa hai bên đường đóng cửa im ỉm. Phố xá vắng lặng, trông thật ảm đạm. Lạ thật! Thành phố Hồ Chí Minh biết mấy tự hào, hôm nay lại tiêu điều hơn thị xã Nha Trang mười năm trước.
Chiếc xe xích lô dừng tại một con hẻm. Tôi trả tiền rồi đi vào hẻm tìm nhà bà chị họ. Cầm mẩu giấy trong tay, tới đúng số nhà đã ghi, tôi kêu cửa. Đợi một lát, cánh cửa sắt kêu lên ken két, rồi một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi, dáng người hơi béo xuất hiện, hỏi tôi:
- Cậu tìm ai?
- Dạ, đây có phải là nhà chị Dân, con cô Ba Thiện không ạ?
- Đúng rồi! Cậu là...?
- Dạ... Em là Thư, con bà Thạnh ở Quảng Ngãi.
- Ồ,... con cậu Bốn!
 
Chị bảo tôi vào nhà. Hỏi tôi ăn gì chưa, và vào đây làm gì. Tôi thật thà kể mình ở Nha Trang thất nghiệp, nên anh rể bảo vào đi biển. Chị nói:
- Em vào đi biển với thằng Sáu hả? Mỗi lần tàu về Sài Gòn, hắn đều mang cá lên biếu chị. Em cứ việc ở đây, mấy ngày cũng được.
 
Được lời như cởi tấm lòng, tôi dạ vâng rối rít. Bà chị họ này của tôi vốn mau mồm mau miệng, tính tình rất vui vẻ.
 
Sáng hôm sau, chị bảo anh chồng dẫn tôi ra đầu con hẻm ăn sáng, Ăn xong tôi gọi xích lô để xuống Cảng cá. Phải mất một lúc lâu đi dọc những con tàu đậu san sát nhau tôi mới tìm ra chiếc tàu của anh rể tôi. Thấy tôi anh hỏi:
- Em vào với ai?
- Dạ, một mình.
 
Tôi ở lại trên tàu mấy ngày. Sáng nào cũng vậy tôi đến một cái quán bên bờ sông làm tô-ly-điếu (tô phở, ly cà phê, và điếu thuốc lá) rồi về ngồi trong cabin ngắm sông nước, hoặc xem nhóm thủy thủ trên tàu binh xập xám ăn tiền. Một hôm anh rể chơi bài thắng lớn, liền dẫn tôi và vài người bạn đến nhà hàng Maxim uống la-de, và nghe nhạc sống. Đó là lần đầu tiên tôi được nếm mùi vị bia Sài Gòn.
Những ngày sống ở trên tàu cá, có một chuyện hi hữu, buồn cười đã xảy ra với tôi. Tàu neo ở bến, thủy thủ thường thức rất khuya, hoặc đi chơi phố, hoặc đánh bài bạc. Từ chín giờ đêm đến gần sáng trên sông thường xuất hiện những chiếc xuồng con con rao bán thuốc lá hoặc hột vịt lộn của các cô gái phục vụ món ăn khuya cho họ. Tiếng rao lảnh lót, “ai... vịt lộn... hông...?” tối tối lại vang lên làm xáo động cả màn đêm.
 
Lần đó anh rể tôi kêu một cô còn trẻ mang lên một rổ trứng lộn. Anh nói thì thầm gì đó với cô gái rôi mua luôn cả rổ hột vịt. Anh nháy mắt với tôi:
- Cô ấy thích cậu đấy! Dẫn vào khoang máy mà tâm tình!
Tôi chẳng biết cầu cua tai nheo thế nào, nhưng vẫn dắt cô ta chui vào khoang máy. Trong khoang chật chội, mùi dầu nhớt bốc lên làm khó chịu, cô gái bịt mũi nói:
- Em ngộp thở, ra ngoài thôi!
Hai đứa bước ra. Anh rể tôi kề tai tới hỏi nhỏ:
- Sao nhanh thế!
- Cô ta than, ở trong ấy khó thở.
 
Anh rể đưa cho tôi một cái mền, bảo dẫn tới trước mũi tàu.
Mới đầu hai đứa tôi ngồi trùm mền lại ngắm sao, và nói chuyện lông bông. Lát sau, cô ta hỏi:
- Anh có tiền không?
- Có!
- Bao nhiêu?
- 50 đồng.
Cô gái chợt nói:
- Em buồn ngủ rồi!
 
Hai đứa tôi, nằm và trùm mền kín đầu, quần áo vẫn mặc trên người. Mùi da thịt con gái có làm cho tôi rạo rực, tôi quàng tay ôm ngang người cô. Cô nàng nằm im mặt chạm vào mặt tôi. Tôi cũng lặng im, nghe hơi thở mình nóng hổi và nhịp tim đạp nhanh. Không thấy tôi động tĩnh gì cô gái hỏi:
- Anh ngủ rồi à?
- Chưa!
- Sao im lặng thế?
- Chứ làm gì bây giờ!
Tôi nói tình thiệt. Cô gái bỗng chép miệng, và tung mền ra:
- Khuya rồi! Em phải đi bán!
- Ừ!
 
Cô gái leo xuống chiếc xuồng đang cột bên hông tàu. Chiếc xuông nhẹ nhàng lướt đi trên mặt sông tối đen. Tiếng rao: “Ai... vịt lộn... hông...?” lại vang lên lanh lảnh trong màn đêm Sài Gòn.
 
 Tôi sờ vào bốn cái túi quần jean. Tờ bạc 50 đồng không cánh mà bay!
 
 


Sáng hôm sau đi ăn phở về tôi thấy dượng Hai B. ở trên tàu, trong cabin buồng lái, đang nói chuyện to nhỏ với anh rể tôi và Năm Tấn, người chung phần hùn với anh tôi. Sau đó Hai B. ra về với vẻ mặt không vui. Anh tôi và Năm Tấn còn bàn luận thêm một lát nữa. Đến trưa ăn cơm xong, anh rể bảo tôi về lại nhà chị Dân ở tạm vài ngày. Ngày mốt hãy xuống để đi biển. Chiều nay tàu đi lấy nước đá cây (dùng để ướp cá). 
 
Tôi về nhà chị Dân gặp Hồng, cũng là con gái chú tôi, em út của cô Hai B. tôi ngạc nhiên hỏi:
- Em vào đây làm gì?
- Đi theo anh! – Hồng trả lời nửa đùa nửa thật. Tôi cứ nghĩ con bé nói chơi nên không hỏi gì thêm.
 
Ở nhà chị Dân rảnh rỗi quá, không biết làm gì cho hết thì giờ, tôi rủ Hồng đi chơi, “khám phá” Sài Gòn. Hai anh em cùng là nhà quê lên tỉnh lơ ngơ như nhau nên chị Dân sai đứa con gái trạc tuổi của Hồng dẫn chúng tôi đi.
 
Mấy anh em đón hai chiếc xích lô đến khu vui chơi giải trí Hồ Kỳ Hòa. Ngày đó, công viên này còn đang trong thời kỳ kiến tạo nên không có nhiều du khách. Lèo tèo chỉ có hồ đạp vịt, đu quay... và một cửa hàng bán thức ăn, giải khát. Chúng tôi ở đấy chơi một buổi, chụp hình kỷ niệm rồi ra về. Những tấm hình chụp hôm đó tôi không hề được nhìn thấy, vì thợ ảnh bảo ba ngày sau hãy đến lấy.
Sáng hôm sau là đúng hẹn ngày mốt, tôi trở xuống Cảng cá Chánh Hưng. Không thấy tàu anh tôi đâu cả! Tôi tưởng mình nhìn không kỹ, bỏ sót nên đi đọc từng số hiệu của mỗi con tàu. Vẫn không tìm thấy! Tôi bước lên một chiếc tàu có ký hiệu PK (Phú Khánh) hỏi một anh thủy thủ:
 
- Anh có biết tàu anh Năm Tấn số hiệu PK ... đậu đâu không?
- Chạy biển hai hôm rồi!
 
Nghe câu trả lời như thế tôi hỡi ôi! Thất vọng tột cùng! Miệng tôi đắng chát! Chán nản quá, tôi chỉ biết đứng im như trời trồng hồi lâu. Lúc sau bình tĩnh lại tôi lủi thủi quay về nhà chị Dân. Định bụng hôm sau sẽ khăn gói quả mướp về lại Nha Trang.
Thấy tôi quay về, mặt mày buồn bã chị Dân hỏi:
 
- Sao buồn thế em?
- Tàu của anh Sáu chạy biển rồi!
Thấy tâm trạng tôi không vui nên chị cũng không nói gì thêm. Cuộc sống đôi khi có những biến chuyển không ai có thể lường trước được. Nhiều việc của chính ta nhưng cũng không vì thế mà do ta quyết định. 
 
Giữa lúc tôi không còn hy vọng gì nữa, bỗng nhiên anh Năm Tấn đột ngột xuất hiện tại nhà chị Dân. Gặp tôi anh chỉ nói gọn lỏn:
- Lấy đồ, rồi theo tao!
- Đi đâu?
- Đưa mày về quê!
- Mình tôi đi cũng được, đâu cần anh đưa!
- Anh Sáu mày nhờ tao. Đi ngay, đừng cãi!
 
Nghe nói anh rể tôi nhờ cậy, tôi không nói gì nữa, chào tạm biệt chị Dân, rồi xách gói quần áo theo Năm Tấn.
Amh ta dẫn tôi lên Tân Phú, tìm đến một ngôi nhà tranh nhỏ, ở nơi hoang vắng thưa thớt nhà cửa, xung quanh cỏ mọc và sình lầy. Lúc đi trên con đường nước đọng thành vũng ổ voi, ổ trâu, anh này mặt mày cau có, hầm hè với tôi:
 
- Mày đã nói với những ai tao chở khách vượt biên?
- Em có nói gì với ai đâu?
- Còn chối! Tao giết mày bây giờ!
Tôi cũng nổi cáu:
- Sao tự nhiên anh đòi giết tôi? Anh làm gì làm sao tôi biết mà nói?
- Mày có nói với ai mày dzô đây làm gì không?
- Tôi chỉ nói vào đi biển.
 
Anh ta hơi nguôi giận. Sau đó khong nói gì thêm.
Gần tối thì chúng tôi đến nơi cần đến, Năm Tấn dương như rất thân quen với chủ nhà. Anh bảo tôi ở đó đợi, không được đi đâu, rồi bỏ đi.
 
Chủ nhà là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, mình trần, chỉ mặc độc nhất một chiếc quần xà lỏn. Trong nhà không thấy có ai khác. Sau khi tiễn Năm Tấn ra khỏi sân, anh ta quay vào dọn lên bộ phản gỗ kê sát vách, một chai rượu đế, hai cái ly nhỏ, và một đĩa ổi xá lị đã chẻ làm tám. Chủ nhà mời tôi nhậu. Tôi lịch sự từ chối, nói là chẳng biết uống rượu. Một mình anh ta ngồi uống tì tì, vừa uống vừa nghêu ngao hát vọng cổ, tay cầm chiếc đũa tre gõ nhịp vào chai rượu trong vắt. 
 
Tôi ở bên chầu rìa một lát cảm thấy mỏi lưng nên đứng dậy bước ra sân. Tiết trời cuối tháng bảy dương lịch oi bức, không một làn gió. Tiếng ếch nhái ễnh ương không ngừng kêu ồm ộp càng khiến cho cảnh vật thêm hoang vu. Đây là vùng ‘ven đô’ không đèn điện, cách vài thửa ruộng mới có một căn nhà chong đèn dầu leo lắc. Nghĩ lại lời của anh Năm Tấn đòi giết tôi lúc nãy, tôi giận muốn sôi gan. Không hiểu vì sao anh ta đổ oan cho tôi để lộ thông tin chở khách vượt biển, chuyện mà thực ra tôi chẳng biết tí gì.
 
Sau này gặp nhau bên Mỹ, anh rể tôi mới kể cho tôi nghe. Hôm ấy dượng Hai B. gặp anh và Năm Tấn xin cho Hồng, cô em vợ anh ta đi cùng tôi. Thì ra, cô Hai B. đoán được tôi vào Sài Gòn sẽ đi vượt biên nên phái anh chồng vào làm thuyết khách, gửi cô em quá giang! Anh rể tôi và Năm Tấn từ chối. Bởi lẽ, ai cũng xin cho thân thuộc đi “quá giang” thì lấy của đâu mà trả tiền lương cho thủy thủ. Làm chuyện bất hợp pháp, một tù hai tội chớ đâu phải chuyện chơi. Chính tôi là em của chủ tàu, anh tôi cũng phải xuất ra ba cây vàng để được đi chuyến đó. Sau khi không nhận lời Hai B. sợ sự việc lộ tẩy, anh tôi thay đổi kế hoạch, chạy tàu xuống đậu ở Sa Đéc, vờ nói là chạy biển. Năm Tấn ở lại thông báo cho số khách Sài Gòn đỉa điểm tập kết mới.
 
Đến khoảng chín mười giờ đêm, Năm Tấn trở lại, dẫn tôi đến một nhà khác ở quận Tân Bình. Anh ta gõ vào cửa năm tiếng, cánh cửa bật mở, chúng tôi bước vào. Trong nhà có một người đàn ông sồn sồn và một cô gái chừng mười bảy mười tám tuổi. Năm Tấn ngồi nói chuyện với ông già, còn cô gái bưng đèn dẫn tôi lên một căn gác xếp. Trên ấy có một cái giường rộng chừng một mét hai, chỉ có chiếu và gối nhưng không có mền. Đặt cái đèn hột vịt đã vặn nhỏ lên sàn gác rồi cô ta bước xuống. Tôi nhình quanh. Ngoài cái giường, căn gác không có vật gì khác, mái tôn thấp lè tè.
 
Lát sau, anh Năm Tấn lên, dặn tôi ở đây một đêm, sáng mai có người đến đón thì đi theo họ. Nói xong anh bỏ đi.
 

 

Bảy giờ sáng, có hai thanh niên người Sài Gòn đến tìm tôi. Họ dẫn tôi đi loanh quanh trong khu phố một hồi rồi mới gọi xích lô đến Bến xe miền Tây. Tại đây, chúng tôi gặp một nhóm người khác gồm ba cha con. Hai thanh niên đi cùng tôi và người cha trong nhóm kia nhận biết nhau. Họ trao đổi với nhau gì đó rồi tất bật lên xe. 
 
Tôi là người đi xe đò không bao giờ ngủ gật vì rất thích ngắm phong cảnh dọc đường. Miền Tây trong tâm trí tôi là mảnh đất trù phú, màu mở, với những cánh đồng lúa vàng cò bay thẳng cánh, những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả qua từng trang sách mà tôi đã đọc, hoặc qua lời ca tiếng hát trên đài phát thanh mà tôi đã từng nghe. Nhưng hôm ấy, mắt tôi cứ nhíu lại không làm sao mở ra ra được. 
 
Đêm hôm trước tôi bị mất ngủ vi suy nghĩ lung tung. Tôi nằm trằn trọc thử đoán Năm Tấn có lừa gạt tôi không? Sao tàu anh tôi chạy biển mà anh rể không cho tôi biết trước? Nếu ngày mai không có ai tới tôi sẽ đi đâu? Có nên về lại Nha trang sống những ngày không có hộ khẩu, không một mảnh giấy tùy thân để nửa đêm giật mình sợ hãi khi có người gõ cửa?
 
Đường về miền Tây phẳng phiu, không đèo dốc như miền Trung nên tôi đã ngủ một giấc rất ngon. Khi một trong hai thanh niên kêu tôi dậy, xuống xe để lê phà thì trời cũng đã đứng bóng. Chúng tôi chia ra hai tốp riêng biệt bước lên một cái phà lớn. Đứng dựa trên lan can nhìn dòng nước sông Tiền đỏ quạch phù sa, cuốn theo những đám lục bình xanh biếc có điểm những bông hoa tím khiên tôi bất chợt nhớ đến bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.
 
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
 
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
 
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."
 
Vâng! Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;Củi một cành khô lạc mấy dòng. Nhánh củi trôi sông chính là tôi lúc này.
 
Qua khỏi phà chúng tôi ghé vào một quán cơm. Từ sáng đến giờ chưa có gì bỏ vào bụng nên tôi cảm thấy đói, liền gọi một đĩa cơm tôm, sườn nướng. Không biết vì quá đói hay cơm miền Tây ngon mà tôi ăn hết một đĩa vẫn thấy còn thèm!
Ăn xong chúng tôi tiếp tục hành trình. Không bao lâu sau, chiếc xe đò về đến thị xã Sa Đéc. Tại đây lần đầu tiên tôi được trông thấy những chiếc xe lôi, một loại xe đặt biệt của miền Tây. Khách ngồi đằng sau, gọng xe gắn vào chiếc xe đạp của người phu ngồi trước để họ kéo đi. Mới bước ra khỏi xe đò, phu xe đã ùa đến đon đả chào mời. Mỗi người trong chúng tôi thuê một chiếc để về chợ Sa Đéc.
Ngôi chợ lồng nằm bên bờ một con kênh. Chúng tôi giả dạng thành khách đi chợ mua hàng, đủng đỉnh tiến vào chợ. Giữa chợ có một lối đi, hai bên hai dãy sạp hàng bán đủ các thứ hàng hóa nông sản. Tôi rảo bước theo hai thanh niên, ba cha con nhà kia biến đâu mất. Đi được chừng một đoạn khá dài trong lồng chợ, chúng tôi rẽ vào một lối khác có bậc tam cấp bước xuống dòng kênh. Dưới kênh một thủy thủ đang ngồi trong một cái thúng chai chờ sẵn. Anh hối hả giục chúng tôi leo vào thúng và vội vã mở dây cột, chèo ra chiếc tàu đang đậu ngoài con sông Tiền. 
 
Tất cả mọi hành khách lên tàu đều phải chui ngay xuống hầm cá ở khoang trước. Riêng tôi, vì là em vợ tài công nên được cho ở trên boong. Tàu nhổ neo, xuôi theo một nhánh của dòng Tiền Giang chạy ra cửa Cổ Chiên. Tôi ngồi trên mũi thuyền, phóng tầm mắt về phía trước. Nắng chiều loang loáng trên sông. Một chiếc ghe nhỏ dài, chất đầy rau quả chạy băng băng phía trước, mặt nước sau đuôi thuyền rẽ ra như đuôi quạt. Bỗng dưng lòng tôi cũng bị rẽ đôi như mặt nước sông kia. Nửa muốn ra đi, nửa muốn quay trở về. Cái cảm xúc trước khi rời bỏ quê hương đất nước thật là khó tả. Rồi đây, phiêu bạt nơi xứ người chắc chắn chỉ có mình tôi, giống như con thuyền độc mộc đang chạy nhanh ở phía trước không biết đâu là bến bờ. Ngay lúc đó, tôi muốn làm thơ lắm nhưng không có giấy bút. Sau này hồi tưởng lại, tôi viết bài “Hành Tha Hương” bày tỏ tâm trạng của mỗi thành vuên trong một gia đình biệt xứ.
 
Hành Tha Hương 
 
Những cuộc chia ly đầy ngấn lệ
Những hồn thấp thỏm nỗi âu lo
Tâm can quặn thắt, lòng đau xé
Họ đã ra đi lúc gãy cờ!
 
Cha đứng nghiêm trang chào lần cuối
Quân kỳ vấy máu bạn hùng binh
Nghe trong gió thoảng lời trăn trối
Vì nước sá gì chuyện tử sinh!
 
Mẹ đã bao lần luôn gượng dậy
Cố nhìn vút mắt cuối trời xa
Tận cùng biển lớn mênh mông ấy
Là chốn thương yêu – một mái nhà!
 
Em bỏ trường xưa rời sách vở
Làm chim mất tổ sống quê người
Tha hương mấy kẻ là không nhớ
Áo trắng, một thời mộng thắm tươi!
 
Chiều nay đọc lại dòng di cảo
Thấm nỗi hờn đau của núi sông
Nghĩ thẹn vì miếng cơm mảnh áo
Mà ta đánh mất chí tang bồng!
 
Trần Đức Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.