Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Tôi Bắt Chước Làm “Nhà Xuất Bản”


Tạp văn
 
Đọc cái nhan đề bài viết có cụm từ “làm nhà xuất bản,” chắc rằng nhiều người bật cười và bảo: “Chà, tay này nổ banh ta lông!” Bỏi lẽ theo lý thường, ai cũng nghĩ phải là người có mặt mũi trong làng văn, làng báo thì mới dám mở nhà xuất bản chứ lị! Hoặc giả ít nhất cũng rành về ngành xuất bản, và có nhiều bạn bè có chuyên môn về ngành nghề in ấn hỗ trợ thì mới dám mon men tìm đến cái công việc ‘chữ nghĩa’ này chứ! Thưa không! Những điều kiện cần mà tôi nói ở trên là phải có ở thế kỷ trước. Ngày nay, mọi cá nhân ở xứ tự do như Canada, hoặc Hoa Kỳ… đều có thể tự túc đứng ra mở nhà xuất bản để in ấn thơ, văn hoặc sách dạy nấu nướng đem tặng bạn bè! Vâng! Chỉ mở nhà xuất bản để in sách của mình thì dễ ợt! Cái này tôi đã làm rồi nên mới dám nói chắc. Tôi từng tự mình xuất bản 3 cuốn thơ, có nộp lưu chiểu hẳn hoi, bằng cách này. Điều quan trọng khi tự mở nhà xuất bản là bạn phải chịu khó mò mẫm học hỏi và bắt chước thiên thạ! Đúng vậy! Phải bắt chước! Ngày nay muốn bắt chước người khác thì rất dễ. Cứ lên mạng Internet mà học! Tuần tự trong bài viết này tôi sẽ kể về cách học lõm, học mót của tôi.
Nếu điều tôi hiểu không lệch lạc thì dường như con người sinh ra ở đời đều có khả năng bắt chước người khác. Nhà trường là một nơi truyền thụ kỹ năng bắt chước có hệ thống. Muốn sáng tạo ra cái mới, cái lạ trước tiên anh phải biết cách làm cho được cái người ta đã làm, sau đó mới bày vẽ thêm những chi tiết mới. Kể cả ngành khoa học kỹ thuật cũng mô phỏng rất nhiều vào thiên nhiên. Ví như người ta bắt chước khớp xương con người để nối các cánh tay đòn trong máy móc. Hoặc bắt chước hình dáng con chim để làm ra chiếc máy bay chẳng hạn. Khả năng bắt chước thì ai cũng có nhưng thành công hay không là tùy vào tài sức mỗi người.
 
Riêng tôi cái tính bắt chước đã xuất hiện từ thời tấm bé. Nhất là những thứ có liên quan đến chữ nghĩa văn chương tôi càng muốn bắt chước thiên hạ nhiều hơn, đôi khi nó trở thành nỗi đam mê, ví dụ như việc làm thơ phú này nọ. Ngày học lớp bốn, lớp năm tôi đã bắt chước những bài văn mẫu để làm văn. Sau đó, thì tôi bắt chước làm thơ lục bát, và rồi đến thơ Đường luật…
Có dạo năm học lớp chín tôi còn rủ bạn bè làm báo nữa chứ! Tờ báo chúng tôi cho ra đời lúc ấy là một tờ giấy đôi được rứt ta từ ruột một tập vở học trò mới mua. Báo có cả mục thơ, văn và tin tức quốc tế! Mục thơ do tôi phụ trách, văn thì một bạn khác. Còn phần tin quốc tế do thằng Mừng, cái thằng có bố làm phó phòng lương thực huyện mà tôi đã kể trong tự truyện. Nhà nó có cái đài radio nên được giao cho việc nghe, và chép tin thời sự. Chúng tôi lựa một đứa có chữ viết đẹp nhất, dành cả ngày chủ nhật ngồi lên báo tại ‘tòa soạn’ là nhà tôi. Tờ báo ra mắt bạn bè hôm trước, hôm sau đã loan đi khắp cả khối lớp chín. Học sinh bàn tán xôn xao, dù nội dung toàn là chuyện ‘xe cán chó’ chẳng chính trị chính em gì, nhưng cuối cùng tờ báo giấy vở cũng nằm chình ình trên mặt bàn thầy hiệu trưởng. Thế là lũ chúng tôi được thầy gọi lên văn phòng và ra lệnh đình chỉ tức khắc và vô thời hạn!

Cách đây chừng năm, sáu năm khi số lượng thơ đăng Facebook của tôi đã có gần nghìn bài, tôi rất muốn in một tập, để xem cái cảm giác được đề tên tác giả trên một cuốn sách nó ra sao. Lúc bấy giờ, tôi có một người bạn cùng chơi trên mạng rất tâm đầu ý hợp. Thế là tôi rủ người bạn này cùng góp bài in chung một cuốn thơ cho đỡ tốn ngân khoản. Vì chúng tôi chỉ muốn in mỗi người dăm ba cuốn để xem chơi nên không liên lạc với những nhà xuất bản. Vả lại, thơ của tụi tôi cũng chỉ là thơ nông dân sáng tác tromg lúc nông nhàn nên không cần thiết in tặng bạn bè. Khi ấy, tôi không coi việc in sách là quan trọng gì, nên cũng chẳng thèm tra cứu, tìm hiểu chi trên mạng. Tôi giao phó hết mọi việc cho bạn làm. Tôi chỉ gửi bài và gửi tiền. 
 
Bạn tôi sống ở Việt Nam liên hệ với một chị có cái nick là T.T. đang cư ngụ ở Sài gòn để in thơ. Theo lời bạn tôi kể, chị ta khoe đã làm trên mười năm trong nghề in sách, bây giờ nghỉ hưu, mở xưởng in tư nhân, in sách theo nhu cầu, số lượng bao nhiêu cuốn cũng nhận. Chị ta bảo bạn tôi gửi 2 triệu đồng, chị sẽ in cho 10 quyển. Chúng tôi thấy giá cả cũng phải chăng nên đồng ý và gửi tiền. Cả hai không một chút nghi ngờ gì, hý hửng chờ đợi xem đứa con tinh thần của mình chào đời. Thật ra bọn tôi là hai con nai tơ, đang sắp bị sập bẫy mà không biết.
 
Một tháng sau, chị ta nhắn tin nói là sách sắp được in, nhưng số lượng ít quá, rất mất công vẽ bìa và dàn trang. Nếu chúng tôi đồng ý in thêm 10 cuốn nữa, chị chỉ lấy thêm chừng một triệu và cộng với 500 ngàn tiền cươc phí. Tôi bảo bạn tôi yêu cầu chị chuyển mẩu bìa cho tôi xem thử. Phải mất một tuần sau, bạn tôi mới inbox cho tôi xem hình bìa. Nó chỉ là một bức hình trên mạng được copíed thêm vào cái tiêu đề tập thơ và hai tên tác giả! Màu sắc thì nhợt nhạt. Chỗ sáng chỗ tối chưa sạch nước cản theo nguyên tắc 80/20 của hình bìa. Chữ nhan đề tập thơ quá bé, và không gây ấn tượng bắt mắt. Cho dù là không đánh giá cuốn sách qua cái bìa, nhưng nhìn xem đã biết là thiếu chuyên nghiệp. Tôi vô cùng thất vọng. Tôi liền vào trang Facebook của chị ta xem thử, mới biết chị ấy là gíao viên trung học, có làm thơ, nhưng chả thấy quảng cáo in ấn gì. Tôi nghĩ, bạn tôi đã bị mắc lừa nên khuyên chấm dứt giao dịch và lấy tiền lại. Bạn nghe theo nhắn tin cho chị T.T. đòi tiền. Nhưng đợi mãi cũng chẳng thấy tiền đâu, tin tức cũng chả thấy hồi âm. Cuối cùng chị ta chẳng trả tiền cũng không gửi sách, và hủy kết bạn luôn.
 
Thất bại lần đó không làm tôi nản lòng nà trái lại kích thích ý tưởng tại sao mình không tự in sách của mình trong tôi. Lâu nay tôi biết ở Canada có nhiều xưởng in nhỏ sãn sàng nhận in tài liệu, sách báo, hoặc album ảnh gia đình… theo nhu cầu. Tôi liền gọi phone cho những nơi gần chỗ tôi ở. Quả thật họ nhận in số lượng ít, nhưng giá cả không hề rẻ. Tôi thì không muốn tiêu phí nhiều tiền cho việc in thơ, nên thôi. Thế nhưng ý định tự in thơ của tôi vẫn không hề nguội lạnh. Tôi suy nghĩ tìm cho được cách khác. Lật bìa sau của những cuốn sách tiếng Việt tôi đã mua, thử xem họ in ở đâu. Nhập những từ khóa ấy vào Google Search và rồi từ đó tôi lần ra manh mối. Thì ra có rất nhiều nơi nhận in sách theo yêu cầu trên mạng, ví như KDP, Noble & Barns, Baby Books… Đặc biệt là LuLu Press nhận in rất dễ dàng cho dù chỉ là một cuốn! Giá một cuốn 200 trang khoảng 5 USD.
 
Có chỗ in sách rồi những công việc kỹ thuật khác cứ lên mạng mà tra, và bắt chước làm theo là xong. Công việc dàn trang, nếu ai sử dụng thành thạo Microsoft Word thì làm được dễ dàng. Bìa sách đã có các Websites như Adobe Designe hoặc Canva trợ giúp.
Khi tác phẩm Áo Lụa Tình Quê của tôi được LuLu Press chấp nhận bản gửi in thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng, nếu như cuốn sách không có mã số ISBN thì giống như đứa trẻ không có giấy khai sinh. Lulu Press cho miễn phí ISBN nhưng với điều kiện cuốn sách ấy nếu sau này in ở nơi thì không được dùng lại, và phải thay đổi mẫu bìa. Tôi không thích thế, nên lại tra Google. Ơe Mỹ người ta bán một mã số như thế trên 100 USD. Canada thì phát không, nhưng với điều kiện phải là nhà xuất bản. Thế là tôi không ngần ngại mà mở một tài khoản với Thư khố Canada và điền vào mẫu đơn xin thành lập nhà xuất bản Tranducpho. Tôi đợi chừng hai tuần lễ thì có email trả lời, và tôi cũng nhận được mã số ISBN đầu tiên cho cuốn thơ Áo Lụa Tình Quê. 
 
Nhà xuất bản Tranducpho chính thức ra đời! Kể từ đấy nếu tôi muốn in cuốn sách nào cứ việc log in vào tài khoản nxb Tranducpho, điền vào mẫu có sẵn là ngay lập tức nhận được ISBN qua email, đơn giản và không tốn tiền.
 
3/5/2023
Tú Điếc
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.