truyện ngắn
Tên
hắn là Nguyễn Văn Cẩn, nhưng người trong cái làng Du Quang ven bờ sông
Thoa, bất cứ trẻ già đều quen gọi hắn là Cẩn Khùng. Nghe nói cái bệnh
khùng ấy đã có từ thời hắn còn trẻ. Thế nhưng bây giờ nhiều người gặp
hắn đều cảm thấy thực sự hắn không có chút gì khùng cả. Vả lại nhiều lúc
hắn ăn nói rất khôn ngoan, kể chuyện Tàu hay đáo để. Tuy vậy trẻ con
trong làng sợ hắn như sợ yêu quái. Hễ gia đình nào có đứa trẻ khóc nhè,
hoặc biếng ăn các bà mẹ thường dọa:
- Ngoan nào! Không thì tao kêu ông Cẩn Khùng đến bắt đi bây giờ! – Thế là đứa trẻ sợ, im thin thít, hoặc vội vã và cơm mà ăn.
Thật
ra Cẩn Khùng rất hiền lành, tốt bụng và yêu trẻ con nữa là đằng khác.
Hắn chỉ chửi bới, hù dọa đánh đập đứa nào theo chọc ghẹo hắn mà thôi. Có
lẽ trẻ con sợ Cẩn Khùng cũng bởi vì bộ mặt quái dị, gớm ghiếc của hắn.
Cái
đầu hắn trọc lóc, nhẵn bóng. Đôi hốc mắt sâu hoắm như hai cái hang
chuột nhắt, phía bên trong hai hốc mắt ấy là đôi con ngươi vàng đục lờ
đờ, được bao
quanh bởi lớp tròng trắng vằn vện những vệt đỏ li ti của những đường
gân máu. Phía trên đôi mắt kỳ dị ấy lại không có những sợi lông mày nên
thoạt
trông càng quái đản. Điều làm mọi người khiếp vía nhất khi nhìn vào mặt
hắn là từ bên má phải một cái sẹo to đùng choáng gần nửa khuôn mặt chữ
điền, quanh ra sau ót, chạy xuống đến cổ và vai. Cái vành tai biến đâu
mất chỉ còn là một cái hốc hang quăn queo, rúm ró. Mảng sẹo nham nhở,
sần
sùi là dấu tích của một vết bỏng nặng. Nghe người ta nói vết sẹo ấy là
do chính cha hắn rước cô đồng về đốt hắn cách nay mấy chục năm.
Hồi
thập niên 1950s nhà Cẩn Khùng thuộc hạng giàu có nhất nhì trong làng.
Cha hắn ông Nguyễn Văn Thận là một thầy lang mát tay, giỏi chữ Hán, rành
chữ Quốc ngữ. Cẩn Khùng là đứa con độc nhất của gia đình nên được cưng
chìu rất mực. Hắn cũng là một trong vài người được học hết bậc Trung học
Đệ nhất cấp ở cái làng Du Quang hồi ấy. Năm lên mười sáu tuổi, hắn thi
vào Đệ tam thì bị trượt. Từ đấy, hắn bắt đầu giở điên giở dại. Có người
nói hắn học hành nhiều quá nhưng thi trượt nên bị cú sốc nặng. Có người
lại bảo hắn yêu một cô gái cùng lớp nhưng bị phụ tình. Mỗi người nói
một quẻ nhưng rốt cuộc chẳng ai biết chính xác vì sao hắn hóa khùng.
Gia
đình hắn lo chạy chữa hết thuốc Đông y sang thuốc Tây y, nhưng bịnh
tình của hắn chẳng hề thuyên giảm. Bà mẹ đi coi đồng coi bóng, nghe cô cậu
nói Cẩn Khùng bị ‘mắc đàng trên.’ Cô đồng bảo: “Con bà bảnh trai, gia
đình lại giàu có nên có một con nữ quỷ trẻ đẹp theo ve vãn đêm ngày, và
nay đã hớp hồn con trai bà rồi. Bà muốn con khỏi bệnh phải làm chay đàn,
đến rằm tháng bảy lập đàn trai giới để tôi đuổi ma, trừ quỷ cho.” Bà mẹ
Cẩn Khùng nghe nói thế thì sợ điếng hồn, vâng dạ ríu rít, tạ ơn cô đồng
nhiều vàng bạc, rồi về thuật lại cùng chồng.
Rằm
tháng Bảy năm ấy cả nhà trai giới ba ngày, rồi cô đồng lập đàn ngoài
sân cúng vái. Mụ ta sai mọi người bắt Cẩn Khùng cột vào gốc cây dừa. Bản
thân mụ thì cầm kiếm múa máy làm phép, miệng không ngừng đọc thần chú.
Sau đó, mụ sai đổ dầu hỏa lên người Cẩn Khùng, rồi cho người châm lửa đốt
để xua đuổi yêu nữ ra khỏi người chàng.
Cả
người Cẩn Khùng lửa bốc ngùn ngụt, đau đớn, hắn kêu la vang động cả
xóm. Mọi người bu quanh lớp trong lớp ngoài để xem, nhưng chẳng ai dám
xông vào dập lửa. Cha mẹ Cẩn Khùng thì quỳ lạy như tế sao, nước mắt nước
mũi đầm đìa. Mụ đồng bóng tay cầm kiếm tay bắt ấn, miệng lảm nhảm đọc thần
chú, đi đi lại lại vòng quanh gốc dừa. Đột nhiên dây thừng đứt cái phựt,
rồi Cẩn Khùng như một cây đuốc sống từ gốc dừa lao nhanh ra ngõ. Mọi
người rú lên kinh hoàng. Cẩn Khùng vừa gào khóc vừa cắm đầu cắm cổ lao ra
đường như mũi tên rời khỏi dây cung, chạy thục mạng ra bờ sông, nhảy
ùm xuống nước. Có mấy người đàn ông vội vã chạy theo, kịp thời nhảy
xuống vớt chàng lên. Gia đình vội đưa ngay Cẩn Khùng ra bệnh viện tỉnh. Cũng
may, tính mạng chàng được cứu sống nhưng hậu quả của ngọn lửa trừ tà
thì khắc dấu mãi trên thân thể chàng. Mà cũng lạ, kể từ đó Cẩn Khùng trở
nên tỉnh táo trở lại, tuy thỉnh thoảng vẫn còn nổi lên những cơn điên
nhè nhẹ. Mỗi lần nổi cơn điên như thế chàng thường đi lang thang khắp
làng trên xóm dưới như để tìm kiếm một người nào đó.
Tháng
ba năm 1975, khi tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng nghe ai ai cũng ca
tụng ông Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; Cẩn Khùng
chỉ nhếch mép cười ruồi, nói vu vơ: “Gặp thời thế, thế thời phải thế, có
chi mà tài; không ông Hồ thì cũng có ông khác đánh đuổi Nhật-Pháp cút
khỏi đất nước mà!” Mấy ông cán bộ xã nghe hắn nói như thế thì căm ghét
lắm nhưng ai cũng nghĩ rằng hắn khùng nên chẳng đả động chi đến hắn.
Năm
1979, một lần nổi cơn điên, nửa đêm Cẩn Khùng đi lang thang trên bãi
biển. Công an vũ trang đồn Mỹ Á đi tuần kêu đứng lại vì nghi người đi
vượt biên. Chẳng biết Cẩn Khùng có nghe và hiểu mệnh lệnh không, hắn vẫn
cứ xăm xăm đi tới. Thế là công an họ nổ súng.
7/3/2024
Tú Điếc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.