Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Giá Như Ta Vẽ Được Bùa Yêu

Trần Đức Phổ

Giá như ta vẽ được bùa yêu
Sẽ yểm bùa em sáng lẫn chiều
Để chốn hồng trần em chỉ biết
Mình ta trong cõi mộng phiêu phiêu
 
Ta yểm bùa yêu mái tóc mây
Cho làn gió thổi tóc huyền bay
Bốn mùa mưa nắng hương không nhạt
Chỉ mỗi mình ta được ngất ngây
 
Ta yểm bùa yêu khóe miệng cười
Nguyên màu son thắm, nét xuân tươi
Cấm loài ong bướm không lai vãng
Bên đóa hồng hoa đẹp tuyệt vời
 
Ta yểm bùa yêu lên áo em
Ở ngay trước ngực cạnh con tim
Để em rung cảm dù khe khẽ
Ta cũng giao thoa với nỗi niềm
 
Ta yểm bùa yêu dáng ngọc ngà
Để em mãi mãi thuộc về ta
Như con Ngọc thố trên Cung Quảng
Sẽ chẳng bao giờ bỏ cội đa!
 
23/5/2024
 

 

Con Chim Vành Khuyên

Trần Đức phổ

 
Ôi, con chim vành khuyên
Xưa cất cao giọng hót
Điệu xuân tình giao duyên
Trong vườn cây râm mát
 
Như loài chim chỉ biết
Xây tổ ấm lứa đôi
Anh chân thành trao hết
Cho em giấc mộng đời
 
Anh đọc thơ em nghe
Theo giọng vành khuyên hót
Ôi, cuộc tình nhà quê
Bên hoa đồng thơm ngát
 
Nhưng rồi mùa giông tố
Vườn xưa đã tan tành
Chim vành khuyên vỡ tổ
Lạc cuối trời mây xanh
 
Nay cánh chim lẻ bạn
Không hót những lời tình
Anh tháng ngày vô vọng
Thấm nỗi buồn mông mênh
 
Ôi, con chim vành khuyên
Còn những gì để nhớ
Còn những gì để quên?
Anh còn gì xa em?
 
24/5/2024
 

 

Thánh Địa

Trần Đức Phổ 

 
Ta, kẻ vô minh không tôn giáo
Chưa từng tin có thần thánh trên đời
Con thuyền bé chòng chành cơn giông bão
Không la bàn lạc lõng giữa trùng khơi
 
Rồi một hôm tấp vào hòn đảo nhỏ
Xanh cỏ đồng và thơm ngát hoa tươi
Ốc đảo ấy là trái tim em đó
Còn hoang sơ chưa dấu vết chân người
 
Ta vụng về chạy tung tăng khắp chốn
Khám phá từng kho báu bị vùi sâu
Như gã ăn mày trúng lô độc đắc
Một ngày kia bỗng chốc hóa sang giàu
 
Ta tin tưởng điều hiển nhiên mầu nhiệm
Trái tim em vi diệu nhất trần đời
Kiếp sau nữa cũng cam tâm tình nguyện
Hành hương về thánh địa của lòng tôi!
 
27/5/2024
 

 

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Champa (Kỳ cuối)

 

 
7
Trần Lai từ từ mở mắt ra. Trời vẫn còn tối. Bốn bề vắng lặng khác thường. Không nghe tiếng người kêu, cũng không nhìn thấy lửa cháy. Cả khu phố biến đâu mất. Chàng dụi mắt, đứng dậy, ngó dáo dác. Chỗ chàng đứng gần một cây đa cổ thụ, cạnh ngã ba đường. Nhìn kỹ chàng thấy nơi này dường như quen quen nhưng nhất thời chàng cũng không biết là nơi nào. Trần Lai đến ngồi dựa vào gốc đa hồi tưởng lại sự việc. Chàng nhớ là lúc mình đang ngủ thì cả quán trọ bị bốc cháy, chàng chạy ra lan can và trúng tên. Chàng hoảng hốt tưởng mình đã chết, chỗ này là âm ty. Chàng vội đưa tay sờ lên ngực, đụng phải lá bùa hộ thân. Ngực chàng không hề bị thương tích, cũng không có mũi tên nào ghim vào. Chàng chợt nghĩ thầm hay là mình lại xuyên không về thời đại khác? À, có thể lắm chứ? Lúc bị trúng tên mình cũng đã thấy vầng hào quang giống hệt trước khi mình xuất hiện ở Chăm-pa thời kỳ Quốc vương Trà Hòa. Chàng sờ vào thắt lưng túi gấm nàng Mị Cơ tặng cho vẫn còn đấy. Bỗng dưng chàng muốn òa khóc như một đứa bé lạc mẹ.
 
    Trời sáng dần. Trần Lai nhìn rõ hơn mọi vật. Chàng giật mình kinh ngạc khi nhận ra nơi đây chính là chỗ ngã ba cây đa gần nhà, lúc bé chàng vẫn thường ra chơi đùa cùng mấy đứa bạn hàng xóm. Tự nhiên chàng phấn chấn hẳn lên, đôi chân bước nhanh theo con đường cũ về chỗ có mái nhà xưa. Trần Lai đứng khựng lại trước cái cổng được làm bằng mấy thân cây dương đỡ tấm bảng hiệu có đề hàng chữ lạ hoắc: Nhà kho hợp tác xã nông nghiệp xã Tân Phong. Tòa trang viện năm nào không còn nữa, chỉ thấy những căn nhà mái tranh dài như trường học cất theo hình chữ U ôm lấy cái sân đất rộng thênh thang. Chàng bồi hồi xúc động đứng nhìn nơi chốn mình đã được sinh ra và lớn lên nay hóa thành nơi xa lạ. Những tháng ngày êm ấm xưa kia sống bên cạnh cha mẹ ùa về khiến chàng nghèn nghẹn trong tim. Biển dâu cuộc đời mấy ai có thể lường trước. Tất cả như một cơn mơ hãi hùng. Đôi dòng lệ lăn dài trên gò má chàng.
 
    Trên đường đã có người qua lại. Những đôi mắt tò mò liếc xéo khi đi ngang qua chàng. Không thể đứng tần ngần ở đây mãi chàng lầm lũi bỏ đi. Trần Lai lần mò tìm ra bờ sông, nơi mà chàng đã bơi lặn mỗi ngày. Dòng sông Thoa vẫn xanh trong như xưa. Chàng vốc nước rửa mặt. Và uống lấy uống để một hơi ngon lành. Dòng nước mát quê nhà thấm vào tận tâm can, làm tươi tỉnh từng nơ-ron thần kinh và từng thớ thịt trên cơ thể chàng. Đột nhiên chàng bỗng thấy mình trở nên minh mẫn lạ thường. Chàng nghĩ cả hai lần mình xuyên thời gian đều là do bản thân bị nguy hiểm nên bùa hộ mệnh hiển thị phép mầu dịch chuyển chàng xuyên không sang thời đại khác. Nay nếu chàng muốn trở lại Chăm-pa để gặp Mị Cơ thì phải làm cách y như vậy. Để cho mộng hồi Chăm-pa của mình không bị trở ngại chàng quyết định ngược lên phía bắc về nơi có dấu tích thành Châu Sa để thực hiện ý định. Lòng đã quyết Trần Lai vui vẻ ngắm bóng mình trong dòng nước sông Thoa. Chàng bật kêu ồ lên bởi nhận ra cách ăn mặc của mình thật là khôi hài. Mình mặc áo bà ba màu trắng, cổ tròn, tay áo rộng và dài. Nút áo bằng vải cài chéo từ cổ xuống hông bên phải. Phần dưới quấn xà rông thổ cẩm màu sắc xanh đỏ từng mảng. Đúng là một anh chàng thời trung cổ. Hèn chi những người gặp chàng đều trố mắt nhìn chàng như nhìn một anh ngợm.
 
    Nửa buổi trưa, Trần Lai đến thị trấn Mộ Đức. Chàng vào tiệm vàng bán một thỏi. Ông chủ tiệm không ngớt ngó ngang nhìn dọc chàng từ đầu đến chân. Ông ta cầm thỏi vàng săm soi một hồi lâu, sau cùng mới nói nhỏ với chàng.
    - Đây là thứ vàng tốt đó nghen! Anh có bao nhiêu bán tôi cũng mua hết.
Trần Lai lắc đầu:
    - Tôi chỉ bán mỗi thỏi này thôi!
    - Anh mới từ bên Miên về à?
    - Vâng! Trần Lai đáp bừa cho qua chuyện.
 
    Ông ta cất thỏi vàng vào ngăn tủ, khóa trái cẩn thận, xong lấy một xấp bạc đếm và đưa cho chàng.
Trần Lai đến chợ mua hai bộ quần áo, một con dao và một cái ba lô. Chàng tìm nơi vắng vẻ trút bỏ bộ đồ công tử Chăm-pa thế kỷ 14, mặc vào bộ đồ mới mua để trở về làm người Việt hiện đại. Chàng tìm một quán cơm, ăn uống qua loa rồi thuê xe đạp thồ đi thị xã Quảng Ngãi. Dọc đường chàng hỏi dò anh phu xe mới biết hiện tại là năm 1984. Có nghĩa là chàng đã quay lại sau ba mươi năm. Trong khoảng thời gian chàng biệt xứ ấy trên quê hương chàng biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra. Có điều lạ là thời gian thì tiến nhanh về phía trước nhưng mọi sinh hoạt hầu như đang đi thụt lùi. Đường xá vẫn như cũ, nhưng người đi lại thưa thớt. Nhìn ai cũng thấy họ lam lũ, vất vả hơn xưa. Cuộc sống căng thẳng hơn trước nhiều. Nhà cửa toàn bằng mái tranh vách đất, ít có nhà ngói tường gạch. Ruộng đồng cằn cỗi, cây lúa tong teo vàng vọt.
 
    Đến Quãng Ngãi Trần Lai trèo lên núi Thiên Ấn, vào chùa thắp nhang lễ phật. Khi chàng đi ra ngoài nhìn ngắm phong cảnh thì trời cũng đã xế bóng. Dưới ánh nắng chiều, dòng sông Trà Khúc xanh trong như một con đại mãng xà trườn mình về phía đông. Làn da của nó ngời lên sắc vàng óng ánh. Nơi chỗ bụng phình to, rẽ làm hai nhánh, ôm lấy hòn Đảo Ngọc. Nơi đó chàng và Mị Cơ đã tình cờ gặp nhau lần đầu tiên. Trong ý niệm thời gian của chàng nó chỉ vừa xảy ra cách nay chừng hai tháng. Hôm chàng và nàng gặp nhau là một đêm trăng tròn, hôm nay cũng là ngày tròn trăng. Hòn đảo ấy bây giờ giờ cây cỏ mọc xanh rì. Chàng nhìn về phương đông bắc, nơi trước kia là lũy thành Châu Sa. Chỉ thấy những ngôi nhà và ngọn cây nhấp nhô. Chỗ những bức tường thành xưa, nay chỉ còn là những gò đất chạy dài như sống trâu trên một bình nguyên rộng lớn. 
 
    Trần Lai xuống núi, chàng đã xác định được vị trí cửa thành Tây, nơi mà Mị Cơ hẹn gặp chàng. Chàng cứ men theo con đường đất đi đến nơi đó. Cổng thành ngày xưa bây giờ hóa ra cái truông nhỏ nàm giữa hai gò đất cao chạy dài về hai hướng nam và bắc. Bên chân gò đất còn vết tích của một khúc hào cạn. Trần Lai leo lên bờ thành phía nam. Chàng ngồi xếp bằng trên một tảng đá to, đen sì. Phương đông mặt trăng tròn vành vạnh vừa mới nhô lên, đỏ ối như một quả cà chua chín. Trước mắt chàng bóng đen của những lùm bụi cây cối rung rinh chuyển động theo làn gió đêm như những bóng ma chờn vờn, kỳ dị. Tiếng côn trùng tỉ tê, như giọng ngậm ngùi, oán than. Trần Lai lòng đầy thương cảm. Chàng hồi tưởng những ngày đã sống bên cạnh Mị Cơ. Tâm tư ngập tràn cảm xúc, chàng cất tiếng ngâm:
 
Anh về thăm lại đất Châu Sa
Tưởng nhớ người xưa mắt lệ nhòa
Vong quốc điêu tàn trơ lãnh địa
Phế thành đổ nát lạnh hồn ma
Vắng nàng mỹ nữ không thuyền mộng
Thiếu bóng lầu đài chẳng bướm hoa
Bao nỗi đau lòng khôn xiết kể
Mơ ngày trở lại xứ Chăm-pa.
 
    Ngâm xong, Trần Lai đưa tay áo lên lau nước mắt chảy giàn giụa trên đôi gò má thấm lạnh vì hơi sương đêm. Chàng mở ba lô lấy con dao nhỏ đào một cái hố sâu bên cạnh hòn đá chôn cái túi gấm. Xong yên, chàng cởi áo, ngồi thẳng lưng, hai tay cầm dao, nhắm mắt đâm mạnh vào chỗ lá bùa đeo trên ngực. Khi mũi dao sắp chạm vào người, bỗng đâu một luồng kình lực xô tới hất văng cái dao ra xa mấy trượng. Liền đó chàng nghe có tiếng nói khẽ bên tai, nhưng thanh âm sắc gọn và rõ ràng từng chữ một.
    -Công tử không nên làm thế!
Trần Lai mở bừng mắt ra xem là ai. Vầng trăng treo lơ lửng trên cành tre, đủ soi tỏ mọi vật. Chàng nhìn rõ trước mặt mình là một lão đạo sĩ, râu ba chòm trắng như cước tung bay trong gió. Một tay lão bắt ấn trước ngực, tay kia quơ phất trần nhè nhẹ. Con dao của Trần Lai văng đi chính là do cái vẫy phất trần của đạo sĩ. Trần Lai lạnh lùng hỏi:
    - Ông là ai?
Vị đạo sĩ vẫn không hề giận dữ trước câu hỏi thiếu lễ phép của chàng. Ông ôn tồn nói:
    - Bần đạo là người có duyên với công tử. Chắc công tử còn nhớ cách nay bốn mươi năm chúng ta đã từng gặp nhau một lần.
Nghe ông ta nói vậy Trần Lai cố lục tung ký ức của mình để tìm xem đã gặp lúc nào. Hồi lâu, chàng cũng nhớ mang máng là đã từng nhìn thấy ông hồi bốn năm tuổi gì đó. Chàng nhận ra được vì cách ăn mặc và phong thái rất khác người thường của ông. Phải nói là rất cá biệt nên đã tạo ấn tượng sâu sắc trong đầu óc chàng.
Không nghe Trần Lai nói gì, đạo sĩ nói tiếp:
    - Lá bùa là của bần đạo tặng cho công tử vì hữu duyên. Nó chỉ có công dụng che chở cho công tử mỗi khi gặp nguy hiểm, còn khi người đeo nó có ý định, mưu đồ riêng thì nó trở thành vô tác dụng. Nay phép mầu đã hết thiêng, bần đạo xin phép thu hồi lại.
 
    Nói xong ông ta vẫy nhẹ ngọn phất trần. Lá bùa rời khỏi cổ Trần Lai từ từ bay lên khỏi đầu chàng, và bay thẳng về phía đạo sĩ. Ông đưa bàn tay ra bắt lấy, và bóp nhẹ. Từ nơi bàn tay đạo sĩ một làn khói xanh bốc lên, tỏa mùi thơm phức như hương hoa quế. Trần Lai nhìn làn khói từ từ tan biến vào khoảng không mà lòng chàng tan nát theo. Thế là hoàn toàn tuyệt vọng. Thế là khong còn giấc mộng hồi Chăm-pa. Không còn mong gì gặp lại Mị Cơ. Trần Lai hét lên một tiếng và gục mặt xuống nền đất lạnh.
 
ĐOẠN KẾT
 
Reng… Reng… Reng…
Trần Lai choàng tỉnh, ngồi bật dậy, cầm lấy chiếc điện thoại.
    - A lô! … A lô! …
Giọng bà xã chàng ở bên kia đầu dây có vẻ hơi gắt gỏng.
    - Anh làm gì mà nghe máy chậm thế?
    - Đang ngủ trưa.
    - Thật không? Hay là đang chát chít với cô nào? Nghi quá!
    - Có đâu! Anh nằm trên sô pha nghe nhạc rồi ngủ quên luôn đấy chứ! Em khéo đa nghi!
    - Biết đâu được! Mà anh có mơ thấy gì không?
    - Có!
    - Gì?
    - Anh trở về Chiêm quốc!
    - Xuyên không à?
    - Ừ!
    - Gặp ai?
    - Thì em chứ còn ai! Trong mơ em là Công chúa Huyền Trân còn anh là vua Chế Mân.
Có tiếng cười khúc khích từ bên kia đầu dây. Trần Lai nghe thấy giọng vợ chàng bỗng nhiên ngọt ngào hơn.
    - Thôi, lại ba hoa nữa rồi! – Ngừng một lát nàng nói tiếp. – Chợ Loblaws đang sale tôm hùm đó, rẻ lắm! 11.99 đồng một pound. Anh ra mua hai pounds đi, chậm là hết. À… mà anh biết hôm nay là ngày gì không?
    - Ngày gì?
    - Hứ! Vậy mà kêu ngủ mơ thấy em!
    - À… nhớ rồi! Ngày em yêu anh chứ gì!
Lại cười khúch khích.
    - Thôi, em vào làm đây! Nghỉ trưa thấy tôm hùm sale nên gọi về nhắc anh mua. I love you. Bye!
    - I love you, too! Bye!
Trần Lai gác máy, lòng bồi hồi, bâng khuâng giữa mộng và thực. Ôi! Mộng hồi Chăm-pa, chứ không phải là giấc mơ kê vàng.
 
HẾT
Mạnh xuân 2024
Trần Đức Phổ

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Hổ Bỏ Rừng

Tú Điếc

 
Hổ xuống đồng bằng chó dễ ngươi
Sa cơ thì ắt sẽ toang đời
Thanh gươm sinh sát không thèm giữ!
Cái ghế hư vinh há dễ ngồi?
Bè đảng lăm le chờ trở mặt
Kẻ thù rình rập đợi vung roi
Cá thôi ăn kiến, kiến ăn cá
Thế sự xưa nay chín rõ mười!
 
22/5/2024
 

 

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Phượng Hoàng

Trần Bảo Kim Thư

Theo truyền thuyết dân gian thì Mẹ Âu Cơ là hóa thân của chim Phượng hoàng, một loài chim cao quý nhất trong cõi tiên và tục. Nhân ngày lễ Hiền Mẫu, xin trân trọng đăng tải bài thơ về loài chim thuộc hàng tứ linh này để ca tụng công đức những bà mẹ Việt nam, trong đó có mẹ của tác giả.
.
 
Không có mô tả ảnh.
PHƯỢNG HOÀNG 
 
Bách điểu tụng xưng chúa cả bầy
Ngô đồng chỉ đậu một loài cây
Mắt xanh ngọc bích hồ muôn trượng
Thân đỏ màu son lửa vạn ngày
Từ thuở vùng lên trong hỏa ngục
Ngàn năm bay lượn giữa tầng mây
Cái duyên thanh nhã đời trân trọng
Nết đẹp hy sinh nghĩa đủ dầy!
 
12/5/2024

Khất Sĩ

Tú Điếc

 
Khất thực! Khất thực! Thầy Khất thực!
Đầu trần chân đất bước phăng phăng
Đường dài chỉ sợ tâm chùn nhụt
Cõi tạm nào e miệng nói sằng
Đã nguyện xiển dương đời đạo hạnh
Đâu sờn hỉ nộ lũ ma tăng
Sống nhờ bố thí lòng thanh sạch
Áo vá mà tim có phật vàng.
 
15/5/2024
 
 Có thể là hình ảnh về 1 người và đường phố

Cổ Mộ Tình

Trần Đức Phổ


 
Nàng xoá hết mộng lòng
Trả cho thời thơ dại
Nước dưới cầu từ ấy
Hoà màu lệ thôi trong 
 
Xa rồi thời tuổi ngọc
Phất phơ dải lụa hồng
Xa rồi thời ngờ nghệch
Mơ hái lá diêu bông
 
Ai bên trời thương nhớ
Trăm năm lỗi hẹn thề
Tình nào thành cổ mộ
Không lưu dấu quay về
 
Qua bao mùa biển động
Mắt xưa đã khô tình
Môi xưa đã phai mộng
Hồn hoa tàn hương trinh?
 
Bao giờ gặp lại nhau
Cho trái tim thôi khuyết?
Bao giờ sẽ quên hết,
Cổ mộ tình vùi sâu?
 
16/5/2024

Mộng Hồi Champa (Kỳ 6)

 (tiếp theo)

6

    Trần Lai đi vào sảnh đường. Đó là một căn phòng hình chữ nhật, rộng rãi và thoáng đãng. Sàn lát gỗ màu nâu sẫm. Trong phòng không bày biện gì nhiều. Hai bên có kê những chiếc bàn nhỏ và ghế dựa bằng gỗ mun lên nước bóng nhoáng. Mỗi chiếc ghế đặt xen kẽ với mỗi chiếc bàn khoảng cách đều nhau. Chính giữa là lối đi rộng chừng hai trượng. Cuối lối đi có chiếc ghế gỗ cẩm lai to cao, được chạm trổ tinh vi. Phía sau là bức vách vẽ hình một con hổ rằn ri. Trên ghế một người đàn ông mặc quan phục, dáng vẻ đỉnh đạc, hùng dũng. Gương mặt đen sạm, râu quai nón lởm chởm. Đầu chít khăn màu huyết dụ. Một ông già mặc bộ áo dài màu trắng thắt lưng xanh, khoanh tay đứng hầu gần đó như đang chờ sai khiến.
 
    Đến cách chừng ba trượng Trần Lai dừng lại, chấp tay khom lưng thi lễ.
    - Kính chào ngài. – Chàng nói bằng thứ tiếng Chăm lơ lớ mới học được từ Mị Cơ.
Chủ nhà khoát tay miễn lễ, và ra hiệu cho chàng ngồi xuống ghế. Chờ chàng an tọa xong, ông ta mới mở miệng.
    - À… thì ra công tử không phải là người bản xứ?
    - Dạ, tiểu nhân là người Đại Việt!
    - Công tử có nói giỏi tiếng Chăm không?
    - Dạ, chỉ biết được chút ít thôi. Nếu ngài có thể cho phép tôi nói tiếng Việt thì tốt quá.
Ông ta quay sang nói gì đấy với người đàn ông đứng bên cạnh. Ông này gật gật đầu rồi nói với Trần Lai bằng tiếng Việt rất trôi chảy.
- Công tử cứ sử dụng tiếng Đại Việt của anh, tôi sẽ phiên dịch lại. – Ngừng một chút ông ta tự giới thiệu mình là sư gia. Còn vị đang ngồi oai vệ trên ghế cao kia là ngài Tín Nhân Hầu. 
 
    Cuộc trò chuyện không có gì là lý thú. Trần Lai có cảm giác như là hầu gia đang điều tra lý lịch nhân thân của chàng. Chỉ có ông ta hỏi và chàng thì trả lời. Chàng thành thật kể lại tất cả mọi chuyện từ khi gặp gỡ MỊ Cơ. Nhưng tuyệt nhiên không cho ông ấy biết chàng là người từ tương lai sáu trăm năm sau trở về. Chàng phịa ra một nhân thân khác. Trần Lai vốn biết rằng thời bấy giờ các tàu buôn Trung Hoa và tàu các nước Đông Nam Á thường ra vào tấp nập ở cửa biển Hội An và Thị Nại. Chàng nói rằng mình khách thương trên một tàu buôn Hoa kiều đến Chiêm Động tìm mua quế và trầm hương. Nhưng lạc đường và gặp bọn thổ phỉ nên lưu lạc đến nơi này. Chủ nhà nghe qua câu chuyện chàng kể vẫn không có biểu hiện gì. Quả là một người cảm xúc không lộ ra mặt, tính tình trầm tĩnh, khó đoán. Trần Lai thoáng nghĩ mình ba xạo như thế không biết có bị lộ tẩy không. Mình đã nói với MỊ Cơ là mình từ tương lai đến, nhưng với cha nàng lại nói khác đi. Mong sao nàng chưa nói cho ông ta biết mình xuyên thời gian tới đây. Chàng nghĩ kỹ rồi. Nếu chàng nói thật hết thì chỉ tự gây thêm phiền phức mà thôi.
Đến lúc này mới có một gia nô bưng nước mời Trần Lai. Chờ cho chàng uống xong, Tín Nhân Hầu đổi giọng vui vẻ nói.
- Ta cảm ơn công tử đã chăm sóc cho con gái ta suốt thời gian nó lưu lạc bên ngoài. Ta là võ tướng không nói dài dòng quanh co mà đi thẳng vào đề. Nói thật với công tử con gái ta nó đã trót thương ngươi. Vậy không biết ý ngươi thế nào? Có đồng ý để nó cưới làm chồng không?
 
Quá bất ngờ trước câu hỏi của chủ nhà, Trần Lai đâm ra lúng túng. Chàng ú ớ như người nói ngọng.
    - Cái này… Cái này…
Hầu gia nghiêm giọng, bảo chàng.
    - Ta chỉ hỏi ngươi cho biết vậy thôi, nhưng cho dù ngươi có đồng ý thì cũng phải vượt qua hai điều kiện của ta đưa ra thì mới được làm con rể nhà này.
Trần Lai đã lấy lại bình tĩnh. Chàng chấp tay thi lễ và nhã nhặn đáp:
    - Xin hầu gia đưa ra điều kiện ạ!
    - Vậy là ngươi đã đồng ý?
    - Dạ, vâng!
 
Trần Lai đưa mắt liếc nhìn vẻ mặt hầu gia. Dường như trên khuôn mặt râu ria kia thoáng có nét cười. Chàng mạnh dạn ngó sang hai bên, mơ hồ như nhìn thấy chỗ tấm màn vải che khung cửa đi ra phía sau, sát vách tường ngang lay động. Một đôi mắt đen lay láy đầy trìu mến đang chăm chăm nhìn chàng.
Chủ nhà giọng ôn tồn.
    - Điều kiện đầu tiên là ngươi phải trả lời đúng một câu hỏi của ta.
    - Mời ngài ra đề!
    - Câu hỏi là như vầy: Làm thế nào để có thể nối liền được trời với đá?
 
    Vừa nghe xong, Trần Lai ngờ ngợ, dường như chàng đã đọc cái đè tài này ở đâu thì phải. Rất nhanh chàng cố lục lọi các ngăn của trí nhớ để tìm câu trả lời. Chàng nhủ thầm, chắc chắn là mình biết, vì mình đã đọc điều tương tự như thế ở đâu đó rồi. Hình như là trong một cuốn sách. Trần Lai hít một hơi thật sâu, thở ra từ từ theo phép dưỡng sinh để thư giãn. Hầu gia thấy chàng tập trung suy nghĩ thì im lặng, thong thả vuốt râu chờ đợi câu trả lời.
Một lát lâu sau, Trần Lai bỗng chợt nhớ ra hai câu thơ trong tập Giai thoại Hồ Xuân Hương. Chàng liền đứng bật dậy:
    - Bẩm, tiểu nhân xin trả lời. – Ngừng một chút để lấy giọng rồi chàng cất tiếng ngâm: 
 
“Thiên thạch nguyên lai bản thậm huyền
Nhất triêu vân vũ thạch liên thiên.”
(Nghĩa là những hòn đá do trời sinh huyền bí lắm, một sớm kia trải qua mây mưa thì đá trở nên cùng một màu liền với trời.)
 
   Hầu gia nghe sư gia dịch lại, vỗ đùi đánh đét một cái, bật cười ha hả:
    - Hay! Hay lắm! Rất thông minh!
Trần Lai nghe khen trong lòng không hề sung sướng mà vô cùng xấu hổ. Mặt chàng đỏ bừng bừng đến tận mang tai. Chàng đã chôm thơ của người khác để làm vừa lòng cha nàng Mị Cơ chứ không do tài năng đích thực. Chàng ngượng quá nên ù cả tai, loáng thoáng nghe hầu gia nói.
    - Được rồi! Công tử đã đáp ứng tốt điều kiện thứ nhất. Việc thứ hai cần làm là phải có công danh. Chúng ta hẹn một năm sau, nếu công tử có chút thành tựu trong cuộc đời thì con gái ta sẽ đến hỏi cưới. Bây giờ hãy tạm biệt.
Trần Lai đứng dậy cáo từ ra về. Trước khi quay lưng bước đi chàng không quên liếc nhìn chỗ bức rèm. Dường như chàng thấy đôi mắt đen long lanh ngấn lệ.
 
Trần lai vừa ra đến cổng, một cô tỳ nữ không biết đứng đợi từ lúc nào dúi vào tay chàng cái túi gấm và nói nhỏ chỉ vừa đủ cho chàng nghe.
    - Đầu giờ Mão ngày mai, tiểu thư đợi công tử ở cổng thành Tây. Không gặp không về.
    Nói xong, ả thị tỳ vội vã bỏ đi. Trần Lai mở hé túi gấm, bên trong là mấy đỉnh vàng hình trái cau bổ đôi. Chàng liền cột nó vào thắt lưng. Tất cả những việc đã xảy ra giữa hai người không thoát khỏi cặp mắt của tên gia nô trong phủ đang đứng rình họ sau cây cột to nơi mái hiên. Đợi Trần Lai ra khỏi cổng, hắn vào báo ngay với tên sư gia, gã này liền bẩm lên chủ của hắn. Để dò ý chủ nhân hắn hỏi:
    - Hầu gia thật lòng muốn gả tiểu thư cho người đó?
    - Ngươi đoán xem?
    - Dạ, tiểu nhân làm sao biết được ý ngài! Xin Hầu gia chỉ dạy cho!
Tín Nhân Hầu cười ruồi:
    - Hắn đừng có mơ! Cóc ghẻ mà đòi ăn thịt thiên nga!
    - Vậy sao Hầu gia lại ước hẹn một năm sau?
    - Ngươi ngốc quá! Đó là kế hoãn binh. Hiểu chưa? Ta đã có cách đối phó rồi. Tối nay ta nhờ ngươi làm giùm ta một việc. Nói đến đây, Hầu gia ngừng lại, đảo mắt nhìn quanh, thấy không có ai, nhưng ông ta vẫn ghé sát tai tên sư gia nói nhỏ. Ngươi phải làm như vầy như vầy. Tên gia sư hai mắt lóe hào quang, luôn mồm vâng vâng dạ dạ và gục gặt cái đầu.
 
    Tối hôm ấy ở quán trọ Trần Lai nằm trằn trọc mãi. Nghĩ đến Mị Cơ chàng vô cùng cảm kích trước tấm chân tình của nàng. Chàng cũng hết sức thương yêu và quý trọng nàng tuy rằng hai người chỉ mới gặp nhau không lâu. Cả hai đều thật lòng nên rất muốn nên duyên cầm sắt. Nhưng hiện thời khoảng cách giữa chàng và nàng quá chênh lệch làm sao mà xứng đôi. Nàng là con nhà trâm anh quý tộc, còn chàng đúng là một kẻ cầu bơ cầu bất. Dẫu biết thời bấy giờ ở Chăm-pa phụ nữ đi cưới đàn ông là chuyện thường tình. Và Mị Cơ đã ghé mắt xanh đến chàng thì chàng chỉ việc đồng ý là xong. Nhưng dù sao thì vẫn còn có cha mẹ, dòng tộc nên chàng vẫn thấy khó khăn trùng trùng. Cha nàng đặt điều kiện chàng phải lập công danh trước. Thế nhưng, một người tứ cố vô thân, lưu lạc nơi xứ lạ. Khác chủng tộc, khác ngôn ngữ, và văn tự thì làm gì có cơ hội thăng tiến? Chỉ có mỗi cách là đi đầu quân đánh giặc lập công mà thôi? Nhưng chuyện vào sinh ra tử ai biết đâu mà lường? 
 
    Chàng lại nghĩ ngợi đến việc hẹn hò với Mị Cơ sáng mai, lòng càng thêm bối rối. Chàng băn khoăn không biết có nên tiếp tục cuộc tình với nàng hay không? Bỏ thì thương vương thì tội. Dù sao đây cũng là mối tình đầu của hai người, vả lại đang trong giai đoạn si mê nên khó lòng chia xa được. Cuối cùng tình yêu vẫn thắng. Trần Lai quyết định ngày mai sẽ y hẹn đến gặp Mị Cơ. Nghĩ đến lại được gặp người yêu lòng chàng tràn ngập nỗi hân hoan. Chàng nở một nụ cười hài lòng vì đã không có ý phụ bạc người tình. và bình thản nhắm nghiền đôi mắt dỗ dành giấc ngủ.
 
    Đang mơ màng giấc điệp, Trần Lai bỗng cảm thấy khắp người nóng ran, hơi thở khó khăn, chàng liền giật mình choàng tỉnh. Khói đen cuồn cuộn tuôn vào phòng. Tai chàng nghe có tiếng kêu la cầu cứu. Chàng mở cửa phòng chạy ra lan can, xung quanh quán trọ lửa cháy ngùn ngụt. Chưa kịp có phản ứng gì thì một trận mưa tên bắn xối xả về phía chàng. Chàng đưa hai tay ra gạt và lui về sau. Nhưng không còn kịp nữa, một mũi tên xuyên qua lớp áo đâm vào ngực chàng. Trần Lai nhói đau. Bỗng một vầng hào quang sáng lòa vụt tỏa ra trước mặt chàng. Toàn thân chàng bị vòng hào quang như vòi rồng hút mạnh, xoay tròn, bay tít lên không và tan vào bầu trời đầy sao.

 

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Mộng Hồi Chămpa (Kỳ 5)

 (tiếp theo)


 5

Nửa trưa hôm đó, họ đi đến làng Bình Sơn cách Châu thành chừng năm dặm thì bị chận lại. Phía trước, một toán quan binh cầm giáo mác chận đường. Hỏi ra mới biết trong thôn đang có nạn dịch hoành hành. Nghe nói đã có nhiều người chết. Các lang y ở địa phương bó tay. Đây là một chứng bệnh lạ lần đầu tiên xuất hiện nơi địa phương này. Họ chẳng biết là bệnh gì. Triệu chứng của người mắc phải như bệnh cảm mạo, nhưng ho nhiều, khó thở, và co giật khi lên cơn sốt. Vốn đã từng đọc qua nhiều sách y học Trần Lai cũng am hiểu đôi chút về phép chữa bệnh. Từ nhỏ chàng đã có tâm nguyện giúp đỡ những người khốn khổ, bệnh tật. Nghe nói nơi đây đang bị dịch bệnh, chàng rất muốn góp chút ít sức lực cho dân làng. Chàng biêt mình được chích ngừa cẩn thận từ hồi đi học đủ các thứ bệnh rồi. Vả lại chàng tin tưởng rằng chàng là người của thế kỷ hai mươi trong người chắc đã có sẵn hệ miễn dịch di truyền. Nghĩa là chàng đã được miễn nhiễm với vi trùng thời xa xưa. Nghĩ thế chàng nói ý mình muốn được vào giúp đỡ cho nạn nhân, nhờ Mị Cơ phiên dịch lại. Không ngờ đề nghị của chàng nhanh chóng được quan binh chấp nhận. Thật ra mấy tên quan binh này đang tìm người vào thu gom xác chết cũng như phục vụ thuốc men cho bệnh nhân mà tìm chưa được vì ai ai cũng sợ hãi bỏ trốn. Nay có người tình nguyện thì chúng mừng lắm. Trần Lai bảo Mị Cơ trở về thị trấn Thu Xà đợi chàng, nhưng nàng nhất quyết không chịu.
    Làng Bình Sơn có chừng hai chục mái nhà tranh, nằm án ngữ trên con đường từ Thu Xà đến Bến Tam Thương. Trần Lai bảo Mị Cơ lấy khăn trùm kín mặt chỉ chừa ra đôi mắt. Chàng cũng làm y như thế, rồi cả hai tiến vào trong làng. Cảnh tượng nơi đây thật là thê lương. Tiếng người gào khóc, rên la vọng ra từ những căn nhà mái rạ. Tiếng ho khan nhói cả lồng ngực. Không có tiếng chó sủa gà gáy như những thôn xóm bình thường. Nhà nào cũng có người bệnh. Chỉ năm bảy thanh niên thiếu nữ là vẫn còn khỏe mạnh.
    Trần Lai nhờ Mị Cơ hỏi thăm qua tình hình. Trận dịch lướt qua đây đã được mấy hôm. Quan chức địa phương chỉ biết cách ly phong tỏa cả làng vì các thầy lang đã vô phương cứu chữa. Khi Trần Lai đến họ đã bỏ trốn hết. Xem qua triệu chứng của những người bệnh Trần Lai đoán là họ đã mắc bệnh cúm. Dân chúng trong làng thì cho rằng đây là sự trừng phạt của thần linh nên chỉ biết thắp nhang cúng bái.
    Trần Lai đã có phương án trị bệnh. Chàng nhớ có lần đọc được đâu đó rằng hương thơm cũng có thể khử trùng trong không khí.
Lợi dụng sự tin tưởng vào thần thánh của người địa phương, chàng lập ra một kế hoạch chữa trị cụ thể. Chàng nhờ Mị Cơ cho tập hợp những người còn khỏe mạnh, bảo họ thắp nhang và bày biện hoa thơm khắp nơi để cầu nguyện thầnh linh phù hộ. Chàng cũng nhờ Mị Cơ cùng các cô gái hằng ngày đi tìm các loại hoa dại có mùi thơm mang về trồng quanh vườn nhà. Đặc biệt là loại cây hoa sứ hương thơm nồng nàn. Chàng lại cho những chàng trai vào rừng vạt những cây quế lấy vỏ, phơi khô để làm thuốc. Mỗi ngày ba lần người bệnh đều xông nước lá sả, lá chanh. Chàng bắt chước người Nga dùng tỏi thay trụ sinh để chữa bệnh cúm. Rất may là vùng này nông dân trồng nhiều hành tỏi. Trần Lai biết để trị cho dứt loại cúm này ít nhất cũng mất vài tuần lễ. Chàng đem ý định muốn ở lại đây chữa dứt bệnh cho mọi người rồi mới lên đường với Mị Cơ. Nàng vui vẻ đồng tình với chàng. Họ tìm một căn nhà lá ở cuối thôn chĩ có mỗi một bà cụ già sinh sống để tạm trú. Bà cụ cũng mắc bệnh nhưng không nặng lắm. Có lẽ do nhà bà lẻ loi cách xa xóm giềng. Họ ở đấy vừa tiện săn sóc cho bà, vừa yên tĩnh.
Hằng ngày Trần Lai dành ra hai buổi sáng và chiều để đi thăm bệnh nhân và phục vụ thuốc men. Thời gian còn lại chàng nhờ Mị Cơ dạy cho chàng học tiếng Chăm. Một tuần lễ sau nhiều người bệnh đã khỏe lên dần, không còn cảnh chết chóc nữa. Xóm làng đang từ từ hồi sinh.
Mị Cơ gầy hẳn vì ngày nào cũng chỉ ăn khoai và cháo, Trần Lai trông thấy vậy rất thương cảm. Thế là một hôm chàng chặt tre, làm một cái nôm để ra đồng bắt cá cải thiện bữa ăn. Mị Cơ thấy chàng lúi húi đan vót, đến ngồi gần bên khẽ hỏi:
    - Anh làm cái gì thế?
Trần Lai muốn chọc cho nàng vui, bèn nói đùa.
    - Tôi làm cái lồng càn khôn.
    - Lại ba hoa rồi! … Nhưng dùng nó để làm gì?
    - Chừng nào xong cô sẽ biết.
Chiều hôm đó, cái nôm đã được làm xong. Trần Lai đưa cho Mị Cơ xem. Từ bé đến giờ quen sống cảnh cao sang nên nàng đâu biết cái lồng đầu nhỏ đít to tua tủa những thanh tre nhọn hoắc này dùng để làm gì. Trần Lai đeo cái giỏ tre vào hông, một tay cầm cái nôm tay kia nắm lấy tay Mị Cơ, bảo cô.
    - Chúng ta đi bắt cá thôi.
Mị Cơ đôi má nóng bừng nhưng vẫn để yên cho chàng nắm lấy tay mình. Cả hai chạy nhanh ra ngoài đồng ruộng. Nàng đứng ở trên bờ, còn chàng thì lội ngay xuống ruộng bì bõm, hì hục vung nôm lên chụp những con cá rô, cá sặc chạy lạc ven bờ. Chốc chốc chàng lại giơ lên một chiến lợi phẩm bắt được trong tay. Mỗi lần như thế MỊ Cơ vỗ tay ngợi khen không ngớt lời. Cả hai nói cười vui vẻ suốt cả buổi chiều ngoài đồng.
    Một tháng sau tất cả người bệnh trong làng đã bình phục. Lệnh phong tỏa được giở bỏ. Lúc này, Mị Cơ lại ngã bệnh nên cả hai không thể lên đường. Hằng ngày Trần Lai lo chăm sóc thuốc thang cho Mị Cơ. Nhìn nàng ngày càng hốc hác lòng chàng thêm quặn đau. Bà cụ già cho hai người tá túc thấy họ tận tình thương yêu nhau như thế cứ tưởng là một đôi vợ chồng dị chủng bỏ nhà đi xây tổ uyên ương nên cũng để mặc kệ họ.
    Ngoài việc ra đồng bắt tôm cá, Trần Lai còn làm một bộ nỏ bằng gỗ cây dầu rái để vào rừng săn bắt. Hôm nào chàng cũng mang về một chú gà rừng hoặc con chồn, con cáo để cải thiện bữa ăn. Thấy chàng tận tụy lo cho mình Mị Cơ rất cảm kích. Nàng cũng đã dần dần bình phục.
Hơn một tuần lễ sau, một buổi tối lúc chàng và nàng ngồi ngắm sao trời nàng bảo:
    - Mai chúng ta về Thành Châu Sa thôi!
    - Em đã khỏe hẳn chưa?
    - Em đã bình phục rồi. Cảm ơn anh đã vì em mà vất vả bao nhiêu ngày qua.
Nàng tựa đầu vào vai chàng. Trần Lai cảm thấy cả người như run lên vì cái cảm giác mới lạ và tuyệt vời ấm áp mà người con gái bên cạnh đã đem đến cho chàng. Chàng quàng tay ôm chặt lấy bờ vai nhỏ bé của nàng. Những ngôi sao trên trời sáng lấp lánh như những đôi mắt của họ.
 
    Sáng sớm ngày hôm sau Mị Cơ và Trần Lai về đến thành Châu Sa. Cảnh tượng nơi đây nhộn nhịp như một thành thị nhỏ thời hiện đại. Nhà cửa san sát nhau. Cửa hiệu buôn bán người ra kẻ vào tấp nập. Vài quán xá thực khách ăn uống, nói cười ồn ào. Đường phố hẹp nhưng sạch sẽ. Mấy chiếc xe ngựa chạy xuôi ngược, móng sắt gõ lộc cộc nhịp điệu đều đều, buồn buồn. Trần Lai không nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng đồ sộ. Nhưng chàng đặc biệt chú ý đến cách xây dựng không cần lớp vôi vữa hay mạch hồ như ở quê chàng. Không biết họ nung gạch bằng cách nào mà nhiều ngôi nhà trông rất cổ kính cũng không thấy gạch đổi màu hay bị rêu mốc bám vào. Chàng thật sự khâm phục biệt tài đúc gạch của những người nơi đây.
Có một đám đông tụ tập tại khu đất rộng bên cạnh tấm bảng lớn dựng dưới mái che. Chàng và Mị Cơ tò mò dừng ngựa lại xem. Bên cạnh bản cáo thị là bức hình của hai hán tử họ đã gặp trên đoạn đường gần Thu Xà, lúc đi ngang qua khu rừng cây dầu rái. Mị Cơ đọc xong tái mặt bảo chàng.
    - Anh nói đúng rồi!
    - Sao? Trên bảng viết gì thế?
    - Chế Bồng Nga và thái phó Bố Đề Ni của hắn đã làm phản. Đấy là bố cáo của triều đình.
    - A! Thì ra là vậy!
 
    Trần Lai gật gù. Theo sự hiểu biết về lịch sử Chiêm Thành của chàng thì trước khi chết vua Trà Hòa đã trao quyền lại cho Chế Bồng Nga. Ông ta lên ngôi quốc vương Chăm-pa năm 1360. Nhưng ở thời điểm hiện tại tính theo dương lịch mới là năm 1354, nên Chế Bồng Nga có làm phản thì cũng phải. Vì năm ấy Trà Hòa còn khỏe mạnh mà ngôi vương có được là do ông ta đã đoạt lấy từ dòng họ Chế. Hoàng tử Chế Bồng Nga cùng gã thái phó đã kêu gọi quần chúng ở Chiêm động đứng lên lật đổ Trà Hòa, giành lại vương vị. Bá tánh tại đây hết lòng ủng hộ vì hắn ta mới thuộc dòng dõi chính thống. Trong một thời gian ngắn phản quân đã nhanh chóng tăng lên vài ngàn người. Thanh thế của họ Chế  nổi lên rất lớn. Nhiều đám giặc cướp quanh vùng về quy hàng. Bọn tàn binh của Chế Mỗ cũng hùa theo dưới trướng. Chế Bồng Nga đánh chiếm cổ thành Trà Kiệu chỉ trong mười ngày. Triều đình thất kinh, Trà Hòa điều quân tái chiếm nhưng thất bại. Bất lực trước sức mạnh của quân nổi loạn, quốc vương Chiêm Thành treo giải thưởng ai bắt sống hoặc chém được đầu Chế Bồng Nga sẽ phong cho tước hầu và trọng thưởng một vạn lượng bạc.
Mị Cơ nghe người dân bàn tán, mặt buồn rười rượi, nói với Trần Lai.
    - Bây giờ chúng ta nên bán hai con ngựa này. Anh lấy tiền thuê quán trọ ở tạm ít hôm. Còn em về nhà xem sao.
 
    Trần Lai đồng ý ngay vì chàng cũng không có cách gì tốt hơn. Họ đi đến một khu chợ sầm uất. Sau khi bán xong ngựa, Mị Cơ dẫn chàng dạo quanh chợ và mua các thứ lặt vặt cho chàng. Lúc sắp ra về bỗng trước mặt họ có một đám phụ nữ cãi vã ồn ào. Họ không có ý dừng chân nghe chuyện thị phi, nhưng đám cãi lộn này chắn mất lối đi. Cả hai đành đứng lại, Trần Lai nghe được lõm bõm hình như là chị bán cá bị ai đó lấy trộm mất một con. Tất cả mọi người đều nghi ngờ một cô bé quần áo rách rưới ăn xin đang ngồi gần đó đã lấy cắp. Nhiều người hăm dọa đòi đánh nếu cô bé không trả lại con cá cho chị kia. Cô bé khóc nức nở, cố gắng phân bua, nhưng chẳng ai chịu tin. Động lòng trắc ẩn Trần Lai ghé vào tai Mị Cơ thì thầm một hồi. Nàng mỉm cười gật gật đầu, rồi bước tới chỗ đám người cãi nhau. Mị Cơ nói với bọn họ rằng nàng có thể tìm ra thủ phạm nếu được phân xử vụ này. Mọi người trông thấy một cô gái trẻ, xinh đẹp, lại có vẻ sang trọng muốn đứng ra giải quyết vấn đề cho họ thì vui vẻ chấp nhận. Mị cơ theo cách của Trần Lai, bảo tất cả mọi người đứng xếp thành một hàng ngang, đưa hai tay ra trước mặt để cho cô khám xét. Vì ăn cắp cá thì thế nào cũng còn có dấu vết trên tay. Một bà sồn sồn đứng cạnh bên cô bé ăn mày, lén lút đưa hai bàn tay ra phía sau váy chùi vội. Mọi cử động của mụ ta đều không thoát khỏi cặp mắt sắc xảo của Mị Cơ. Nàng thong thả đi đến trước mặt từng người quan sát, và ghé mũi ngửi vào từng đôi tay của mỗi người. Cuối cùng nàng quay về đứng đối diện trước đám phụ nữ và nghiêm giọng tuyên bố:
    - Thủ phạm chính là y thị! – Nàng vừa nói vừa đưa ngón tay chỉ vào mặt bà sồn sồn nọ.
    - Sao lại là tôi? – Nét mặt mụ ta tái mét nhưng vẫn cố cãi.
    - Tôi biết là bà. Tuy bà đã chùi đi nhớt của con cá dính trên tay, nhưng mùi tanh của nó thì không sao chùi được. Ai không tin hãy đến ngửi thử xem!
 
    Bà kia nghe nói thế liền vùng bỏ chạy. Mị Cơ ngó thấy phía sau chỗ bà ta đứng có lớp đất khác lạ liền bước đến lấy chân hất sơ qua lớp đất mỏng. Tức thì một con cá ngừ bằng cổ tay trốc lên. Mội người “ồ” lên một tiếng kinh ngạc. Cô bé ăn mày thích quá mỉm cười, vỗ tay reo, và cảm ơn Mị Cơ rối rít.
    Trần Lai ở lại quán trọ được hai hôm thì Mị Cơ sai người mang thiệp mời của cha nàng đến. Trần Lai chẳng biết đọc chữ Chăm nên phải nhờ ông quản lý nhà trọ đọc giúp. Bức thiệp ghi rõ mời chàng giờ Tỵ sáng mai đến phủ hầu gia để đàm đạo. Chiều hôm đó chàng đi sắm một bộ đồ vía thật đẹp, thời trang của các công tử xứ Chiêm Thành lúc bấy giờ.
 
    Đúng giờ Tỵ đã có một cỗ xe ngựa chờ Trần Lai trước quán trọ. Chàng bước ra cửa. Tên xa phu tiến tới mời chàng lên xe. Chỉ nửa canh giờ sau là họ đã đến cổng một phủ đệ nguy nga. Nhìn vào bề thế thì phủ hầu tước cũng chỉ tầm cỡ trang viện của cha chàng ở quê mà thôi. Nhưng ở thế kỷ 14 như thế đã là hoành tráng lắm rồi. Trần Lai theo chân tên gia nhân tiến vào đại sảnh.
 
    Tín Nhân Hầu Trần Sơn giữ nhiệm vụ trấn thủ đồn Cổ Lũy, nhưng nửa tháng trước, ông đã được điều về giữ thành Châu Sa nhằm ngăn chặn đội quân của Chế Bồng Nga tiến về phía nam. Từ ngày con gái mất tích ông hết sức lo lắng, đã sai nhiều người đi thám thính khắp nơi, nhưng bặt vô âm tín. Mấy hôm trước con gái ông bỗng nhiên ở đâu trở về, mặt mũi gầy nhom, áo quần lôi thôi lếch thếch chẳng ra làm sao cả. Mị Cơ về đến nhà, mới nghỉ ngơi chưa được một ngày lại nằng nặc đòi đi ra phố. Ông gặn hỏi mãi mới được con gái thổ lộ sự tình. Sau khi kể hết những biến cố mà nàng đã trải qua, Mị Cơ ngỏ ý muốn dẫn Trần Lai đến gặp ông. Nàng còn cả gan dám xin ông cưới chàng trai không rõ xuất thân kia làm chồng. Ông giận dữ trách mắng. Nhất định không đồng ý thì đứa con gái cưng làm mình làm mẩy bỏ ăn bỏ uống suốt một ngày. Thương con nên ông đành nghe theo lời, cho gọi Trần Lai đến phủ để xem tướng mạo của chàng ra sao, rồi mới quyết định.
 
(còn tiếp)

Mộng Hồi Chămpa (Kỳ 4)

 (tiếp theo)

4
Mị Cơ và Trần Lai vừa lặn vừa bơi xuôi theo dòng nước chảy. Cả hai vất vả vật lộn với nhiều chỗ nước xoáy gần một giờ đồng hồ mới vào được phía bờ hữu. Họ vừa bò vừa leo lên bãi cát thoai thoải. Vừa khỏi mép nước cả hai đã nằm sóng soài, thở dốc.
Trời hừng sáng. Phương đông những dải mây hồng như máu tươi loang ra, mỗi lúc càng rộng, dần dần chiếm lĩnh cả một góc trời. Trần Lai đang nhủ chập chờn, mơ hồ mình đang tắm sông cùng bạn. Bên tai chàng văng vẳng có tiếng khóc rấm rứt. Chàng giật mình tỉnh ngủ, xoay người qua nhìn. Mị Cơ quay lưng về phía chàng, hai tay bưng mặt, đầu cúi thấp, đôi vai rung rung liên hồi. Trông dáng vẻ của nàng lúc này thật tội nghiệp. Không còn cái oai quyền tiểu thư nhà thế phiệt nàng chỉ như là một cô gái bé bỏng yếu đuối, cần người quan tâm. Trần Lai muốn ngỏ lời an ủi, nhưng vốn là người không giỏi ăn nói nên chàng chẳng biết mở miệng làm sao. Trước giờ chàng chưa hề gặp tình cảnh như thế này. Chàng là người rất sợ nước mắt, nhất là nước mắt của các cô gái và của những người già nua. Chàng nhỏm người dậy, đến ngồi bên cạnh nàng, nhìn về hướng đảo Hòn Ngọc. Xa xa một cột khói đen hình cái nấm từ từ bốc lên cao. Chàng khẽ nói vu vơ, như nói cho chính mình nghe.
    - Trời sáng rồi!
Mị Cơ đưa tay quệt nước mắt, xuất kỳ bất ý, nàng tát luôn vào mặt Trần Lai một cái nẩy lửa.
    - Ngươi tránh xa ta ra!
Trần Lai vừa xoa xoa cái má bỏng rát vừa nói:
    - Tôi… Tôi…
Mị Cơ trừng đôi mắt đen láy còn đầy ngấn lệ.
    - Có phải ngươi là đồng bọn với bọn cướp?
Trần Lai vừa bị đánh đau, vừa bị đổ oan nên nổi cáu.
    - Cô bị khùng à? Nếu tôi là đồng bọn với chúng thì tôi vất vả cứu cô làm gì?
    - Ai mượn ngươi cứu?... Biết đâu bọn ngươi còn có âm mưu gì nữa thì sao? Phải không? Nói đi!
Tức khí dâng lên tận cổ, Trần Lai cũng trợn mắt, gằn giọng:
    - Phải! Tôi âm mưu… - Chàng ngừng lại vì chưa nghĩ ra được mình có âm mưu gì!
    - À… thú thật rồi phải không? Âm mưu gì? Nói mau!
Bị Mị Cơ truy vấn ráo riết, Trần Lai đáp bừa.
    - Bắt cô về làm sơn trại phu nhân của bọn ta!
Mị Cơ bỗng phá lên cười ngặt nghẽo.
    - Ngươi dám?
Tiếng cười trong veo như pha lê của nàng làm cho bầu không khí giữa hai người bớt căng thẳng. Như sực nhớ ra điều gì, nàng quay sang Trần Lai, hỏi:
    - Làm sao ngươi thoát ra được?
    - Tôi có cách của tôi! Không nói cho cô biết.
Nàng nguýt chàng.
    - Xí… ta cũng chỉ hỏi chơi vì thấy ngươi cũng có chút bản lãnh. Nói thật đi, Ngươi từ nơi nào đến đây? Trông bộ dạng dị hợm của ngươi chẳng giống người Đại Việt sinh sống ở đây chút nào!
 
    Hai người đều còn trẻ tuổi lại trải qua hoạn nạn cùng nhau nên dễ dàng thân thiết hơn bình thường. Trần Lai không còn cảm thấy tức giận nữa trước giọng nói dịu dàng, đầy ma lực của Mị Cơ. Chàng thật thà kể hết những chuyện mình đã trải qua. Nhìn vẻ mặt chàng, Mị Cơ tin tưởng đến tám chín phần những điều chàng nói. Nhưng nàng không hề tin con người có thể dịch chuyển thời gian và không gian. Nàng biết chỉ có thần Siva mới có phép thần thông làm được điều ấy. Đấy là một vị thần toàn năng của người Chăm có thể hủy diệt vạn vật rồi tái tạo lại. Nàng nhìn chàng lơ mơ suy nghĩ. Chẳng lẽ chàng trai trước mặt mình là người đã được thần Siva tái tạo lại và đưa đến bên cạnh nàng? Trầm ngâm giây lát, Mị Cơ hỏi:
    - Bây giờ ngươi định đi đâu?
    - Tôi cũng không biết nữa! Hy vọng rằng tôi sẽ tìm ra được cách trở lại quê hương tôi. Nghĩa là trở về tương lai.
    - Hay là ngươi đến thành Châu Sa với ta?
Được lời như cởi tấm lòng, vì Trần Lai còn biết đi đâu nữa. Xứ lạ quê người trong tay chàng chẳng có một xu. Trong bụng mừng thầm, muốn nhận lời ngay, nhưng ngoài miệng trả lời nửa đùa nửa thật.
    - Nếu như cô nương không bắt giam tôi vào ngục.
 
    Họ cùnng nhìn nhau cười giòn. Cả hai vui vẻ rời bờ sông. Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ấm áp bắt đầu làm áo quần của hai người dần dần khô ráo. Họ thong thả bước đi cạnh nhau như đôi tình nhân dạo chơi trên đồng cỏ buổi sớm mai đầy nắng. Bây giờ Trần Lai mới có dịp nhìn kỹ nàng Mị Cơ. Tuy nước da có hơi ngăm đen, nhưng những đường cong trên thân thể nàng thì tuyệt mỹ. Vóc dáng nàng như một vũ nữ Apsana trong trang phục còn ẩm ướt áp sát vào người tạo nên vẻ đẹp rất phồn thực. Thấy Trần Lai nhìn mình với ánh mắt kỳ dị, Mị Cơ đỏ mặt gắt.
    -Ngươi nhìn gì dữ thế!
Không bỏ lỡ một câu nịnh đầm đúng lúc như mọi thanh niên khác, Trần Lai ghé sát vào tai nàng thì thầm:
    - Cô đẹp lắm! Cứ như là tiên nữ.
Mị Cơ vừa thẹn vừa thích, nàng nhoẻn một nụ cười tươi.
    - Chỉ giỏi ba hoa lẻo mép. Mà này… ngươi tên gì nhỉ?
    - Lai, Trần Lai. Còn cô?
    - Trà Mị Cơ. Anh cứ gọi tôi là MỊ Cơ.
 
    Bỗng nhiên được một cô gái đẹp đi bên cạnh gọi bằng anh, cả người Trần Lai bay bổng lên chín tầng mây xanh. Tâm hồn phơi phới phiêu diêu trong nỗi hân hoan tột độ. Chưa bao giờ chàng có cái cảm giác đặc biệt như lúc này, cho dù là khi còn ở quê nhà được các cô gái cùng thôn luôn luôn gọi bằng anh và xưng em ngọt xớt.
Hai người đi qua hết bãi cỏ lớn, tiếp đến là cánh đồng lúa. Vào tháng này lúa đang trong thời kỳ trổ đòng đòng. Ruộng được những con mương ăm ắp nước từ ngoài sông dẫn vào tưới tiêu nên chẳng thấy ai làm cỏ hay tát nước. Thấp thoáng một đàn bò đang gặm cỏ ở quả đồi thấp phía xa. Cả hai đi vòng vèo theo đường bờ ruộng để tiến về phía con đường đất đỏ vừa trông thấy xa xa.
 
    Nửa buổi trưa hôm đó Mị Cơ và Trần Lai đến một xóm nhà lá nghèo nàng. Họ hỏi thăm đường đi thị trấn Thu Xà. Theo lời Mị Cơ đó là một khu phố sầm uất có nhiều hiệu ăn và cửa tiệm tạp hóa. Họ dự tính đến đấy mua hai con ngựa để về Châu thành.
Buổi trưa, hai người vào một cái quán bên đường để ăn uống và nghỉ ngơi. Ttrong túi họ lúc này không có lấy một cắc bạc. Ăn xong, Mị Cơ tháo vòng đeo tay trả tiền cơm nước. Chủ quán nhìn hai người với ánh mắt dò xét, nhưng không nói gì. Có lẽ ông ta tưởng đây là một cặp tình nhân trẻ bỏ nhà trốn đi. Tình trạng như vậy ông cũng thường thấy xảy ra. Mị Cơ hỏi thuê một chiếc xe ngựa nhưng nơi đây không có dịch vụ đó. Hai người đành tiếp tục hành trình bằng cước lực. Trần Lai hỏi:
    - Chừng nào thì mình đến Thu Xà?
    - Chắc độ chừng hai canh giờ nữa. – Ngừng một lát nàng chép miệng. – Nếu có ngựa để cỡi thì tốt quá! Mà này… anh có biết cỡi ngựa không?
Trần Lai làm gì biết cỡi ngựa. Chàng là người của thế kỷ hai mươi, ngựa sắt may ra còn biết cỡi chứ ngựa thật thì chàng chưa từng được vuốt thử bộ lông bờm chứ nói chi đến cỡi. Nhưng chàng nghĩ thầm, cỡi ngựa chắc cũng giống như cỡi trâu hay cỡi bò thế thôi chứ gì! Trước kia, nhà chàng có nhiều trâu bò phải mướn người chăn giữ. Có lần chàng lén cha theo bọn họ ra đồng chơi. Lúc thấy mấy đứa mục đồng cỡi trên lưng trâu chàng thích quá đòi cỡi thử. Nài nỉ mãi họ mới để chàng leo lên một con trâu to nhất đàn. Một gã mục tử dắt con trâu đi đủng đỉnh. Trần Lai ngồi vắt vẻo trên lưng trâu miệng huýt sáo, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng trâu rất ư là lý thú. Bỗng một thằng chăn bò trạc tuổi Trần Lai đi đến gần, nó giơ roi quất mạnh vào đít con trâu một phát. Đau quá con vật rống lên ra sức phi nước đại. Người dắt trâu bị lôi đi. Anh ta chạy theo không kịp đành buông dây mũi. Trần Lai sợ muốn vãi đái ra quần vội nằm rạp xuống mình trâu. Hai tay ôm chặt cái u vai trên lưng, chân ghì vào hông nó như con nhái bén điu trên tàu lá sen. May mà lưng trâu to bè nên chàng không bị văng xuống đất. Hú hồn! Nhớ lại chuyện đó chàng cười cười nói.
    - Cũng như cỡi trâu chớ gì?
Mị Cơ phá lên cười khanh khách.
    - Anh ngốc thật hay giả đò? Ngựa nó phi như bay chứ có chậm chạp như trâu đâu! Không biết điều khiển là té gãy cổ. Anh có dám cỡi thử không?
    - Tôi chưa cỡi ngựa bao giờ. Ở quê tôi, có nhiều thứ để cỡi thú vị hơn cỡi ngựa nhiiều. – Trần Lai bị chạm tự ái nên né tránh câu hỏi của nàng. Rồi chàng dùng chiêu gậy ông đập lưng ông – Còn cô? Có biết cỡi không?
    - Sao lại không? Về tới thành Châu Sa tôi sẽ dạy anh…. À, quê anh không cỡi ngựa thì đi lại bằng gì?
    - Gần thì đi xe đạp, xa thì đi xe lửa. À… mà cô đâu biết tàu lửa và xe đạp là gì đâu nhở.
 
    Mị Cơ tròn xoe mắt, lắc đầu. Những thứ ấy nàng làm sao mà biết được. Nhân loại lúc bấy giờ có lẽ chỉ mỗi Trần Lai là biết. Tuy thế nàng cũng không hỏi gì thêm. Nếu không thì cho dù Trần Lai có thông minh cũng không làm sao giải thích cho một cô gái ở thế kỷ 14 hiểu được sự kỳ diệu tối tân của những phương tiện chuyên chở của thời đại chúng ta.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Họ đến một khu rừng thưa. Những cây dầu rái cao và suôn đuột ngả bóng mát trên đường. Gió nồm thổi dìu dịu khiến cả hai cảm thấy rất dễ chịu. Bỗng phía sau lưng có tiếng ngựa hí vang. Họ vội vàng đứng nép vào một bên vệ đường. Hai kỵ mã phi vút qua trước mặt họ. Bụi vàng cuốn lên mù trời.
    - Bọn nào mà nghênh ngang thế! – Mị Cơ lầu bầu. Cả hai dừng lại phủi bụi vàng bám đầy áo quần, rồi tiếp tục cất bước. Nửa canh giờ sau, họ đã đến một ngã ba. Cả hai trông thấy hai người kỵ mã lúc nãy đang ngồi trên một phiến đá to. Hai con ngựa được thả cho gặm cỏ cạnh đấy. Thấy họ đi tới một đại hán tuổi trạc ngũ tuần đứng dậy tiến ra chận đường. Ông ta chắp tay thi lễ, nói bằng tiếng Chăm. Trần Lai chẳng hiểu gì, còn Mị Cơ lơ đãng ngoảnh mặt đi nơi khác. Đại hán kia tưởng hai người chưa nghe rõ nên lặp lại một lần nữa. Mị Cơ vẫn không trả lời. Trần Lai nắm tay áo nàng giật giật. Nàng thấy vậy chỉ trả lời một câu ngắn gọn, cụt ngủn. Nói xong nàng lách người sang bên, rẽ vào con đường hẹp về phía phải. Trần Lai bước vội theo. Chàng tò mò.
    - Họ hỏi gì thế?
    - Hỏi đường đi Bến Tam Thương?
    - Bến Tam Thương? – Chàng lập lại, và liếc xéo Mị Cơ – Ôi, cái tên nghe thật hay!
Không nghe Mị Cơ nói gì, Trần Lai im lặng một lúc, rồi nói tiếp.
    - Mà này, tôi thấy cái người thanh niên đi với ông lão kia hơi quen quen đấy!
    - Sao? Anh quen với họ à? Sao lại như thế được?
    - À, tôi chỉ ngờ ngợ trông anh ta rất giống với một nhân vật trong truyện tranh tôi đọc hồi nhỏ thôi!
Mị Cơ nghe nàng nói thế bật cười ngặt nghẽo. Dứt tràng cười nàng mới hỏi:
    - Thế, nhân vật ấy tên là gì?
    - Chế Bồng Nga! Vị vua tương lai của vương quốc Chăm-pa.
    - Ui! Đừng có ngoa ngôn, coi chừng mất đầu bây giờ. Quốc vương Chăm-pa họ Trà. Anh nhớ chưa?
 
    Trần Lai biết mình đã lỡ miệng nên im bặt. Chàng bốc đồng tán phét vì nhìn thấy dáng vẻ oai dũng của người kỵ mã trẻ tuổi cùng đi với ông già lúc nãy. Anh ta trạc chừng hai lăm, hai sáu. Người cao lớn khỏe mạnh. Mặt vuông, quai hàm rộng, mắt to, dáng dấp đường đường là một trang tuấn kiệt. Trần Lai vốn là người mê đọc truyện tranh lịch sử, đã đọc qua cuộc chiến giữa Chế Bồng Nga và Đại Việt. Huyền diệu thay chàng xuyên thời gian đến nước Chiêm Thành vào đúng giai đoạn lịch sử sau cuộc nội chiến giữa Chế Mỗ và vua Trà Hòa. Theo như sử sách thì lúc này Chế Bồng Nga đang còn lẫn trốn, phải năm, sáu năm sau hắn mới lên làm vua. Bởi vậy vừa trông thấy dáng điệu anh tuấn và việc phi ngựa như đào tẩu của hai người kia, chàng đã liên tưởng đến cuộc trốn chạy của Chế Bồng Nga ngay. Chàng khẽ cười thầm vì tính hay tưởng tượng viễn vông của mình.
Xế chiều hôm đó Trần Lai và Mị Cơ đến thị Trấn Thu Xà. Nàng bán hết tất cả nữ trang để mua cho mỗi người một bộ quần áo mới, và hai con ngựa. Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách điếm, sáng hôm sau, cả hai cùng ra roi giục ngựa nhắm Bến tam Thương mà phóng đi.
 
(còn tiếp)

Mộng Hồi Champa (Kỳ 3)

 


(tiếp theo)
 
3
Trần Lai hai tay bị trói giật ra sau, im lặng bước giữa hai tên lính Chiêm. Cả ba sắp hàng một đi lên chiếc du thuyền đầu tiên. Tên đội trưởng đi trước, hông đeo thanh kiếm dài, nét mặt gân guốc, bậm trợn. Tên đi sau, chốc chốc lại dùng cán cây giáo thúc vào lưng chàng, giục đi nhanh hơn. Trên boong, đèn đuốc sáng choang. Bốn tên lính người Chăm sắc phục xanh đỏ tay cầm giáo nhọn đứng thành hàng dọc bên mỗi be thuyền như đang mở công đường xử án. Mị Cơ mặc áo lụa đỏ, thắt lưng vàng, ngoài khoác áo choàng nỉ màu đen viền lông thú xám. Trên đầu đội phượng quan bằng bạc đính kim cương lấp lánh. Trông dáng vẻ trầm trọng như một nữ quan tòa. Nàng ngồi trên cái kỷ gỗ rộng nơi lầu thuyền. Hai bên là hai ả thị nữ thân cận. 
 
    Tên cai đội đi đến cách lầu thuyền chừng năm thước thì dừng lại. hắn thi lễ và báo cáo điều gì đó với Mị Cơ bằng thứ ngôn ngữ của người Chăm. Trần Lai đứng nghe họ nói chuyện một cách lơ đãng vì có chú ý cũng chẳng hiểu mô tê gì. Đột nhiên, gã đội trưởng quay lại nhìn chàng, quát lớn. Trần Lai tuy có tai nghe mà cũng như điếc, không hiểu hắn nói chi nên cứ đứng trơ trơ như trời trồng tại chỗ. Thấy thế, tên cai đội giận tím mặt, lại quát lên một tràng ba lý ba tú. Lần này, Trần Lai cũng không hề nhúc nhích. Sự bất đồng ngôn ngữ đôi khi cũng có cái hay. Tên cai đội vì muốn nịnh chủ nhân và ra oai với chàng nên ra lệnh cho Trần Lai phải quỳ mọp xuống tham kiến Mị Cơ. Nhưng do không hiểu được tiếng Chăm nên chàng cứ đứng yên bất động. Việc này vô tình đã khiến cho Mị Cơ có ấn tượng tốt với chàng. Nàng ngỡ rằng chàng là người can đảm, uy vũ bất năng khuất, đáng mặt nam nhi. Vốn là người tập võ nghệ nên Mị Cơ rất ghét kẻ mềm yếu, nhu nhược. Chính nàng cũng là một nữ lưu cương cường. Giữa lúc Trần Lai còn đang lơ ngơ láo ngáo thì tên lính phía sau đá mạnh vào khủy chân chàng. Trần Lai khuỵu người xuống, nhưng rồi bật đứng dậy ngay. Đến lúc này, Mị Cơ mới thong thả lên tiếng. Nàng nói câu gì đó với tên cai đội, rồi khoát tay làm hiệu cho tên lính áp giải lui ra sau lái thuyền.
Mị Cơ nhìn thẳng vào mắt của Trần Lai hỏi chàng bằng tiếng Việt, giọng thổ âm Thuận Hóa:
     - Ngươi là ai? Làm gì ở nơi đây?
    Trần Lai há hốc mồm kinh ngạc. Chàng không ngờ cô nương trẻ tuổi, xinh đẹp, ăn mặc kỳ dị như trong phim ảnh này lại biết nói tiếng Việt. Chàng hiểu rằng mình đang lạc loài đến một đất nước xa lạ nào đó. Chỉ tiếc rằng chàng chưa đủ kiến văn để hiểu ra mình đã trôi dạt đến nơi nào. Với trí óc nhạy bén của mình chàng biết nhóm người trên thuyền này không cùng chủng tộc với mình. Điều làm chàng bất ngờ là họ thông thạo tiếng Việt.
Quả thật cả ngày hôm nay Trần lai đã chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện lạ lẫm. Từ cái vầng hào quang huyền bí phát ra nơi lá bùa hộ mạng của chàng, cho đến việc chàng đằng vân giá vũ đến được nơi đây. Đã mấy lần chàng tự hỏi: Không biết mình đang ở nơi đâu? Những người này là ai? Có phải họ là một nhóm dân tộc thiểu số? Nhưng sao họ lại đi trên những con thuyền trông có vẻ kỳ bí, chẳng giống loại tàu thuyền của thế kỷ hai mươi như thế kia? Thật may cho chàng cuối cùng cũng có người biết nói tiếng Việt. 
 
    Quá bất ngờ, quá vui sướng Trần Lai líu cả lưỡi, cứng cả họng; mặt mũi chàng hiện rõ nỗi hân hoan. Trần Lai có biết đâu gần năm chục năm về trước, kể từ khi Quốc vương Chế Mân lập Huyền Trân công chúa làm Hoàng hậu, con cháu các vương tôn quý tộc Chiêm Thành đều đua nhau học tiếng nước Đại Việt. Thứ nhất là để thắt chặt tình giao hảo. Thứ hai là để dễ dàng thấu hiểu phong tục tập quán của nhau. Tuy rằng sau khi vua Chế Mân qua đời, Đại Việt dùng mưu đưa công chúa Huyền Trân quay về cố quốc, gây bất hòa cho hai dân tộc, nhưng nước Chăm-pa vẫn có nhiều người học tiếng Việt với mục đích ‘biết người biết ta trăm trận trăm thắng’ để tìm cách rửa mối hờn kia.
Mị Cơ không bỏ qua bất kỳ biến đổi nào trên sắc mặt hay cử chỉ của Trần Lai. Nàng cất tiếng cười khanh khách. Dứt tràng cười dài như tiếng ngọc trai rơi, nàng nói:
    - Ta biết tỏng, ngươi chính là một tên do thám của Đại Việt. Đúng không?
Trần Lai cảm thấy bên tai lùng bùng như có ai đang đánh trống ngũ liên. Bụng dạ chàng hoang mang, lo lắng. Chàng tự nhủ thầm không biết nàng kia đùa giỡn kiểu gì, hay là nàng ta bị khùng? Sao lại bảo chàng là người Đại Việt mà không nói là người Việt Nam? Chẳng lẽ ta đã xuyên không vượt thời gian về những thế kỷ trước, khi Việt nam còn gọi là Đại Việt? Tuy nghĩ thế nhưng chàng cũng trả lời rành rọt.
    - Cô nói đúng một nửa. Tôi là người Việt Nam. Nhưng tôi đến đây vì tình cờ ngẫu nhiên chứ không phải để do thám!
Mị Cơ lại cười vang.
    - Ngươi cũng khá thú vị đấy! Ăn nói rất khôi hài! Từ trước đến nay ta chỉ nghe người ta nhắc đến nước Đại Việt hay còn gọi là An Nam chứ chưa từng nghe quốc hiệu Việt Nam bao giờ. Ngươi cũng khéo bịa chuyện lắm! Ta cho thêm ngươi một cơ hội nữa. Hãy khai rõ họ tên và lý do xâm nhập vương quốc Chăm-pa.
    Trần Lai thoáng nghe qua bỗng giật mình, thầm nghĩ: “Đúng là ta đã xuyên thời gian về quá khứ rồi! Nhưng bây giờ là triều đại nào của Chiêm Thành nhỉ?
    - Tôi tên Trần Lai, người phủ Tư Nghĩa. Bởi quê nhà tôi chiến tranh tàn phá thê lương nên mới lưu lạc đến đây chứ tôi chẳng phải đến để làm mật thám. – Ngừng lại một lát, Trần Lai đánh bạo hỏi:
    - Thưa cô nương, mong cô cho biết Chăm-pa hiện nay là triều đại nào?
    - Lại giả đò ngốc! Nhưng thôi, để ta nói cho ngươi nghe. Ngươi đang ở trên vùng đất Cổ Lũy Động thuộc lãnh thổ của Vương quốc Chăm-pa. Người đang trị vì đất nước hùng mạnh này là minh chúa Trà Hòa Quốc vương . Nghe rõ chưa? 
 
    Trần Lai nghe Mị Cơ nói một hồi, đầu óc chàng choáng váng, chân đứng không vững, cơ hồ muốn té xỉu. Lúc này, chàng chắc chắn trăm phần trăm là mình đã xuyên không về đất nước Chiêm Thành thời hậu bán thế kỷ 14 rồi. Trước kia học quốc sử chàng được biết giai đoạn này người Chăm-pa oán thù nước Đại Việt ngút trời. Dù trên đất Chăm-pa lúc ấy cũng có nhiều người Đại Việt sinh sống. Vì trước kia hai nước qua lại thân thiết nên nhiều người Việt đã lập gia đình với người Chăm. Đa phần họ nói được cả hai thứ tiếng. Còn chàng ở đây không ai thân thích, một chữ Chăm bẻ đôi cũng không biết thì làm sao tránh được sự nghi kỵ.
Trong lúc đầu óc Trần Lai suy nghĩ miên man thì Mị Cơ ngẩng mặt nhìn vầng trăng đang sáng vằng vặc trên không trung, trầm ngâm một lát rồi nàng quay lại ngó thẳng vào mặt chàng, nghiêm giọng phán:
    - Tạm thời ta tha tội chết cho ngươi!
Nói xong nàng gọi bọn lính hầu:
    - Người đâu, đem hắn nhốt dưới hầm tàu. Ngày mai về đến thành Châu Sa sẽ tiếp tục thẩm vấn.
Ra lệnh xong nàng đứng dậy rời lầu thuyền.
 
Tên lính đẩy Trần Lai vào khung cửa cầu thang bước xuống tầng hầm. Họ đi vào một hành lang hẹp. Ánh sáng leo lắt từ mấy ngọn bạch lạp treo trên trần chỉ đủ soi lờ mờ lối đi. Trần Lai bước thong thả. Trong đầu chàng, ý định chạy trốn bỗng nảy sinh. Nếu như lúc này chàng xoay người lại tung một đòn Kim kê cước thì chắc hạ gục được tên lính áp giải này. Nhưng chàng lại nghĩ không biết những căn phòng cửa đóng im ỉm kia có người không? Ngộ nhỡ có bọn lính ở trong ấy, nghe tiếng động, chúng ùa ra bắt lại thì mắc công toi. Hơn nữa bứt dây động rừng, e sẽ khó có cơ hội tẩu thoát về sau. Tính toán thiệt hơn chàng quyết định chờ dịp thuận tiện mới ra tay. Nghĩ vậy chàng cứ im lặng, lầm lũi bước. Đến trước một căn phòng ở mé cuối hành lang, tên lính xô Trần Lai sang một bên. Hắn bước tới trước, móc xâu chìa khóa dắt chỗ thắt lưng, loay hoay lựa một chiếc mở cửa. Đúng lúc hắn đang sơ ý, chẳng đề phòng; Trần Lai khẽ nhấc chân phải tiến lên một bước. Ngay lập tức chàng sử dụng sức lực nửa thân trên, lấy đà đập mạnh đầu mình vào gáy đối phương. Tên lính chẳng kêu lên được tiếng nào, gục ngay xuống dưới chân chàng. Trần Lai đưa chân hất hắn sang bên. Một thanh mã tấu, ánh thép lên nước sáng trưng lòi ra bên hông . Dưới ánh sáng chập chờn của đèn nến, chàng cẩn thận hất thanh mã tấu ra chỗ trống. Giờ đây chỉ có nó là có thể giúp được chàng trốn thoát ra khỏi chỗ này. Trần Lai ngồi quỳ xuống, xoay người lại, hai bàn tay chậm chạp, sờ soạng nắm lấy cái cán mã tấu. Chàng kẹp nó vào giữa hai cẳng chân. Đưa hai tay đang bị trói từ từ chậm rãi khứa sợi dây thừng lên bề lưỡi sắc ngọt. Chỉ một lát sau, sợi dây trói đã đứt. Chàng được tự do hoàn toàn. Trần lai vội cởi chiếc áo của tên lính Chăm mặc vào người mình. Xong chàng mở cửa căn phòng tống cái xác vào và khóa trái lại.
Trần lai xách mã tấu, quay người đi về phía cầu thang lên boong. Vừa đến chân cầu thang, chàng đã nghe tiếng gươm giáo va vào nhau chát chúa. Tiếng la hét ì xèo. Chàng hít một hơi thở thật sâu tự trấn tĩnh tinh thần. Trần Lai cẩn thận ló đầu lên trên boong quan sát tình hình. Đèn đuốc trên những chiếc thuyền đã tắt ngấm. Dưới ánh sáng trăng bàng bạc chàng nhìn thấy bọn lính trên thuyền đang chiến đấu kịch liệt với một đám người mặc toàn đồ đen. Bọn này trông rất hung hãn cứ lăn xả vào những người trên thuyền, gặp ai cũng đâm chém. Đao quang lấp loáng. Tiếng người rú lên thảm thiết. Tiếng kêu khóc rên la vang động cả một khúc sông. Bọn người áo đen quân số rất đông. Chúng đã chiếm được thế thượng phong. Tuy chiến đấu dũng mãnh nhưng số binh lính trên thuyền quá ít nên dần dần bị cô lập thành từng nhóm nhỏ. Nhiều kẻ đã bỏ mạng. Máu chảy thây rơi nhầy nhụa khắp sàn thuyền. Đột nhiên, chàng nghe có tiếng kêu cầu cứu thất thanh của một cô gái trên con thuyền kế bên. Không suy nghĩ gì, Trần Lai vội vàng nhảy vọt lên trên boong. Thoáng thấy một bóng áo đen cầm đao nhào tới nhắm đầu chàng mà chém; Trần Lai vội nghiêng người né tránh. Thuận đà chàng đưa ngay lưỡi mã tấu vào cổ tên kia. Hắn rú lên một tiếng thê lương. Một vòi máu từ cổ hắn vọt ra suýt chút nữa thì bắn ngay vào mặt chàng. Trần Lai chạy băng băng qua sàn thuyền. Chàng lấy đà nhảy vọt sang chiếc thuyền đậu giữa. Nơi cửa lầu thuyền chàng nhìn thấy hai cô gái đang múa kiếm chống trả lại với bốn tên đại hán áo đen. Chàng nhận ra đó là Mị Cơ và một cô tỳ nữ. Bên be thuyền xác cô nữ tỳ thứ hai đang nằm trong vũng máu. Trần Lai còn chưa kịp đến gần họ thì Mị Cơ đã bị một tên đại hán sử dụng đại đao đánh văng lưỡi kiếm trong tay. Lúc này nàng chỉ còn dùng những chiêu quyền cước để chống cự. Trần Lai hú lên một tiếng, vọt người lăng không chém vào đầu tên đại hán nọ. Nghe tiếng gió rít, đang tấn công Mị Cơ, đại hán vội xoay người một vòng xuống tấn, hai tay nâng thanh đại đao đưa lên đỡ. Một tiếng “choang” vang lên nhức óc khi hai món vũ khí va vào nhau. Cánh tay Trần Lai tê rần. Thanh mã tấu rung lên bần bật. Cô tỳ nữ thứ hai vừa lúc đó cũng bị gục ngã bởi một mũi trường thương. Mị cơ mấy lần bị đâm sướt qua da thịt, nhưng nàng quyết tử chiến. Trần Lai thấy thế liền bỏ tên đại hán nọ, lao tới chém bừa vào ba tên kia. Thấy chàng quá dũng mãnh cả ba tên này lùi về một bước. Chớp lấy thời cơ vòng vây nới rộng, Trần lai múa tít cây mã tấu như gió táp mưa sa, tạo nên một vòng ngân quang bao bọc lấy thân, rồi bất thình lình hét lên một tiếng, nhảy vọt lại bên cạnh Mị Cơ. Chàng tức tốc quàng tay ôm ngang eo nàng, tiến ra be thuyền nhanh như tia chớp, và nhảy ngay xuống nước. Bốn tên áo đen cùng lúc nhào tới nhưng đã muộn. Họ chỉ nhìn thấy một cột nước vọt lên cao.
 
    Lúc này trận chiến đấu trên những con thuyền khác cũng đã kết thúc. Bọn người áo đen chừng hai ba chục tên chia nhau cướp lấy của cải, quần áo, nữ trang… trên ba chiếc du thuyền. Chúng la hét, nói cười, và rượt bắt những cô gái còn sống sót đưa lên những chiếc thuyền nhỏ của chúng. Cả bọn hối hả chèo về hướng tây. Trước khi bỏ đi bọn cướp cũng không quên phóng hỏa đốt ba chiếc du thuyền. Chẳng mấy chốc ngọn lửa bốc cao rừng rực, đỏ ối cả một khúc sông.
 
(còn tiếp)