Thứ Tư, 6 tháng 11, 2024
Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024
Thơ Đề Tà Áo Lụa
Trần Đức Phổ
Em mười lăm hay em mười bảy
Mắt nai ngời ánh chớp lưu ly
Miệng em cười lẽ nào chẳng phải
Mùa đang độ vào thu bảng lảng
Tà áo nào vương vít lòng trai
Đời một kẻ tình trường thua trận
Theo gót hoa dệt mộng ban ngày
Ôi, vạt áo áng mây trắng nõn
Cánh nàng tiên hay cánh hồn tôi
Cũng ngờ nghệch cái thời mới lớn
Bước lang thang theo mãi sau người
Bỗng chợt muốn đề thơ áo lụa
Đời mấy khi trên gấm thêu hoa
Nhưng hư ảo vẫn là hư ảo
Tận cuối trời tình ấy cách xa.
Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024
Chẳng Bể Dâu Mà Cũng Đổi Thay
Trần Đức Phổ
Tôi đã cùng em tự thuở nào
Ngày thì giỡn nước ở bờ ao
Trèo me, hái ổi nhà hàng xóm
Dưới ánh trăng vàng rủ kéo co
Gái trai lẫn lộn quá vô tư
Mồ hôi ướt áo xem như tắm
Chẳng ngượng vì luôn mãi hét hò
Theo tháng năm, rồi cũng lớn khôn
Em như hương cốm mới thơm giòn
Tôi như lá rụng dần xa cội
Quê nhà ngàn dặm khuất núi non
Trở lại chốn xưa thật nhói lòng
Tìm em chẳng gặp, gặp người chồng
Dắt theo đứa bé chừng mười tuổi
Bảo rằng: “Hãy chào chú đi con!”
Chẳng bể dâu mà cũng đổi thay
Thương câu ly biệt thế gian này
Có ai quay ngược thời gian nhỉ,
Để được chơi đùa trong phút giây?
Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024
Thu Về
Trần Đức Phổ
Những khóm hoa vàng toả sắc hương
Cành liễu thu về buông thấp thoáng
Mày cong sắc biếc đã pha hường
Đất khách mơ hồ buổi sớm mai
Hơi sương thấm lạnh ướt bờ vai
Vịt trời vỗ cánh về nam gọi
Ta nhớ quê xa những tháng ngày
Đâu những mùa thu của thuở nào
Ngồi trong lớp học ngó trời cao
Mắt xanh dõi bóng chim ngàn trượng
Giục chí giang hồ mộng khát khao
Rời bỏ quê nhà một sớm thu
Tha phương từ ấy đến bây giờ
Đường về quê mẹ xa hun hút
Cách một trùng dương chẳng thấy đò
Như trẻ thơ nhớ tiếng trống trường
Thu về ta chạnh nhớ quê hương
Nhớ mùi cốm dẻo chiều tan học
Nhớ cá rô đồng kho rất thơm
Hẹn một mùa thu sẽ trở về
Tìm ngày thơ ấu dưới trời quê
Lội dòng nước bạc, heo may lạnh
Theo đám mục đồng bắt cá thia.
Chỉ ước bấy nhiêu đã thoả lòng
Nhưng đời cách bể với ngăn sông
Thời gian như bóng câu qua cửa
Tóc bạc áo cơm nợ khốn cùng.
Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024
Đối Bóng
Trần Đức Phổ
Chán đời không muốn làm thơ nữa
Chẳng thích tâm tình với mỹ nhân
Chẳng mỉa mai cười chi những đứa
Chán đời chẳng thích chi kinh kệ,
Trà phai, rượu nhạt, mảnh trăng suông
Chẳng mơ đàn sáo, mơ hầu trẻ
Chỉ mỗi vợ nhà sai gãi lưng
Chán đời chợt thấy đời hiu quạnh
Đông đúc gì đâu tám tỉ người?
Thế thái nhân tình toàn ghẻ lạnh
Ta về đối bóng hát mà chơi.
Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024
Em Về Qua Lối Ngõ Hoàng Hoa
Trần Đức Phổ
Em đi từ độ tóc còn xanh
Qua chuyến đò ngang, bỏ cuộc tình
Mưa nắng xứ người phai má thắm
Từ đó lòng ta mộng cũng tàn
Bao mùa xuân đến vẫn cô đơn
Chờ em nơi ngõ vườn trăng cũ
Biền biệt phương trời một cố nhơn
Em về qua lối ngõ hoàng hoa
Mái tóc thơm hương để gió lùa
Đôi guốc khua tình thời tuổi dại
Lòng ta chua chát nỗi buồn xưa.
Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024
Khúc Du Ca Mùa Hạ
Trần Đức Phổ
Đi từ Vạn Kiếp, Ải Chi Lăng,
Đống Đa một thuở xương thành núi
Đất hiểm chôn thây giặc bắc phương
Giã biệt lầu cao đất thị thành
Về miền thôn dã chốn lều tranh
Cờ lau tập trận thời ly loạn
Mấy kẻ anh hùng sánh họ Đinh?
Anh dắt em qua những dòng sông
Nghe từng đợt sóng dội qua lòng
Bạch Đằng, Như Nguyệt lưu thanh sử
Nhật Tảo còn ghi đỏ chiến công
Ta lại về thăm đất cố đô
Phú Xuân, chúa Nguyễn dựng cơ đồ
Nhớ nàng Ngọc Vạn vì non nước
Theo gót Huyền Trân mở cõi bờ
Anh dắt em tới xứ phù sa
Cà Mau chót mũi của sơn hà
Chong đèn đốt đuốc nghe người kể
Lấn biển dựng làng tự thuở xưa
Căng buồm vượt sóng tiến ra khơi
Bát ngát biển xanh lẫn với trời
Phú Quốc, Côn Sơn hòn đảo ngọc
Hoàng, Trường Sa lính thú ngoài khơi
Tu hú râm ran gọi hạ về
Nắng vàng rực rỡ khắp sơn khê
Em ơi, hát khúc du ca nhé
Sông núi đang chờ ta bước đi!
Cái Ao Nhà Hàng Xóm
Tú Điếc
Nghe đâu hàng xóm mới vừa đào
Nước trong leo lẻo dường như cạn
Cỏ mượt lưa thưa chẳng quá cao
Trai tráng lăm le rình đóng cọc
Lão niên ngấp nghé đợi đâm sào
Trưa hè nóng nực thầm mơ ước
Tắm táp một lần đỡ khát khao!
Vẫn Còn Đợi Hồi Âm
Trần Đức Phổ
Cùng học một lớp, cùng ngồi cạnh nhau
Mười ba mười bốn tuổi đầu
Quả mơ chưa ngọt, quả cau chưa giòn
Bên nhà nàng một hoàng hôn
Dường như nàng thoáng chút buồn vu vơ
Tôi về đêm ấy làm thơ
Nhớ mùi hương tóc, nhớ bờ môi xinh
Sáng ra xếp lá thơ tình
Để vào cuốn vở lặng thinh trao nàng
Rồi từ hôm ấy hoang mang
Ngập ngừng tự hỏi rằng nàng đọc chưa?
Bể dâu nào có ai ngờ
Tình tôi từ ấy - bây giờ lặng câm
Tôi còn chờ đợi hồi âm
Nàng đi bỏ lại thăng trầm đời tôi!
Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024
Khất Tình
Trần Đức Phổ
Anh cũng muốn học đòi làm khất sĩ
Bước độc hành nửa trái đất tìm em
Không xiển dương điều gì ngoài chân lý:
Dưới chân anh không cần hoa sen nở
Trên đầu anh chẳng thiết tán bồ đề
Anh chỉ mơ một chân trời nào đó
Em đang chờ nơi bóng rợp cành me
Hãy bố thí một chút tình dù nhỏ
Đủ cho anh sống nốt cuộc đời này
Chiếc bình bát là trái tim anh đó
Đợi cúng dường món duyên nợ tình say
Người khất thực vì những điều cao cả
Anh khất tình bởi mộng ước được yêu
Nếu kiếp này không là vàng là đá
Mong kiếp sau ô thước bắt nhịp kiều.
Ta Chẳng Bao Giờ Gặp Được Em
Trần Đức Phổ
Ta ở phương này, em ở đâu?
Có nghe tha thiết áng thơ sầu
Có nghe mây gió đang thề ước
Ta chẳng bao giờ gặp được em
Dù đường thiên lý mãi đi tìm
Như tà huy cuối trời hư ảo
Như khói sương, và như bóng chim
Ta chẳng bao giờ có được em
Giữa muôn người lạ, triệu người quen
Em như ảo ảnh trong đời mộng
Như vì sao xẹt giữa màn đêm
Ta chẳng bao giờ se nguội quên
Cho dù lận đận cuộc tình duyên
Hẹn em nơi cõi thiên thai ấy
Em Giáng Kiều. Ta gã Tú Uyên.
Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024
Cánh Phượng Hồng Năm Cũ
Trần Đức Phổ
Rồi gió xuân đi, nắng hạ về
Trên cành phượng vỹ giọng đàn ve
Nỉ non ca khúc tình ly biệt
Hoa phượng màu môi thắm nụ cười
Ép vào lưu bút tặng người ơi,
Cô thầy, sách vở... thôi từ tạ
Xếp bút mực xanh bước xuống đời
Thương màu áo trắng kể từ đây
Cất kỹ vào rương với chuỗi ngày
Hoa mộng tan theo thời dĩ vãng
Dù lòng gió lộng, áo thôi bay
Phượng cũ mùa xưa lại trổ bông
Chiều nay có kẻ chợt bâng khuâng
Nhìn bầy con gái trao lưu bút
Như thấy người xưa nhặt phượng hồng.
Ánh Mắt
Thơ dịch trên iPad
Thị đao hoàn ca
Phiên âm:
Thường hận ngôn ngữ thiển,
Bất như nhân ý thâm.
Kim triêu lưỡng tương thị,
Mạch mạch vạn trùng tâm.
Dịch nghĩa:
Thường oán rằng lời nói thì nông cạn,
Chẳng diễn tả được lòng người sâu xa.
Sớm nay mới thấy chỉ cần đôi bên nhìn nhau đăm đắm
Là đủ trao đi biết bao tình cảm rối rắm ở trong lòng.
Dịch thơ
Hận thay lời nói nông choèn
Không sao diễn đạt nỗi niềm thâm sâu
Sáng nay âu yếm nhìn nhau
Biết bao tình ý thầm trao nồng nàn.
Trần BảoKim Thư
Mộ Khúc
Trần Đức Phổ
Rồi sẽ có một ngày anh chết
Em đừng ngồi than khóc bên mồ
Không cần như người xưa thủ tiết
Trên bia mộ đừng ghi gì hết
Không ngày sinh tháng tử trong đời
Thân là đất lại về lòng đất
Ngắn hay dài cũng một cuộc chơi
Anh chẳng mộng tượng đồng, bia đá
Anh chẳng mơ biển hiệu, tên đường
Chỉ ước mong vài lần đâu đó
Trong mắt huyền bụi đất còn vương.
Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2024
Ký Ức Ngày Hè
Trần Đức phổ
Tôi hồi bé vốn ham chơi lười học
Thích mùa hè như thích những đồng xu
Cứ mỗi lần trời trở gió sang thu
Đông chóng tàn, xuân đi, cho hạ tới
Với ngày dài thêm cái thú chơi rong
Sáng tinh mơ theo chân mẹ ra đồng,
Đứng thơ thẩn nom đàn bò gặm cỏ
Ngắm mặt trời cất lên từ gọng vó
Áng mây hồng bỡn cợt ngọn tre xanh
Một bầy chim chiền chiện thật hiền lành
Từ ruộng lúa vụt bay kêu inh ỏi
Bến đò ngang những tiếng cười giọng nói
Nón che nghiêng những đôi má bồ quân
Mùi hoa tươi, và trái chín thơm lừng
Chiều chầm chậm để tôi cùng lũ bạn
Hết bắt ve, thả diều, rồi đá bóng…
Ùa xuống sông thử sức trẻ ngư kình
Cánh tay trần ôm dòng nước trong xanh
Đêm buông xuống trăng lên là rồng rắn,
Bịt mắt bắt dê, kéo co, kích bắn
Những trò chơi của lũ trẻ nhà quê
Mãi âm vang trong ký ức ngày hè.
Vịnh Gà Trống
Tú Điếc
Mỗi buổi bình minh gáy ó o…
Giục người thức dậy chớ nằm co
Cầm canh giờ giấc thay phu trực
Ngày sống phong lưu theo lắm ả
Đêm nằm hiu quạnh nhớ vài cô
Hình chim cốt phượng oai ra phết
Chẳng gã trống hoa cũng trống cồ.
Tuyết Lê
Hai quả tuyết lê chín mõm mòm
Đôi vòng nhụy thắm đỏ lòm lom
Trên cành xuân mộng khoe người ngắm
Dưới cội đào nguyên đợi khách dòm
Con dại no lòng khi khát sữa
Chồng yêu thỏa dạ lúc thèm cơm
Thi nhân từng ví là trăng mọng
Hai quả tuyết lê chín mõm mòm.
Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024
Giá Như Ta Vẽ Được Bùa Yêu
Trần Đức Phổ
Giá như ta vẽ được bùa yêu
Sẽ yểm bùa em sáng lẫn chiều
Để chốn hồng trần em chỉ biết
Ta yểm bùa yêu mái tóc mây
Cho làn gió thổi tóc huyền bay
Bốn mùa mưa nắng hương không nhạt
Chỉ mỗi mình ta được ngất ngây
Ta yểm bùa yêu khóe miệng cười
Nguyên màu son thắm, nét xuân tươi
Cấm loài ong bướm không lai vãng
Bên đóa hồng hoa đẹp tuyệt vời
Ta yểm bùa yêu lên áo em
Ở ngay trước ngực cạnh con tim
Để em rung cảm dù khe khẽ
Ta cũng giao thoa với nỗi niềm
Ta yểm bùa yêu dáng ngọc ngà
Để em mãi mãi thuộc về ta
Như con Ngọc thố trên Cung Quảng
Sẽ chẳng bao giờ bỏ cội đa!
Con Chim Vành Khuyên
Trần Đức phổ
Như loài chim chỉ biết
Xây tổ ấm lứa đôi
Anh chân thành trao hết
Cho em giấc mộng đời
Anh đọc thơ em nghe
Theo giọng vành khuyên hót
Ôi, cuộc tình nhà quê
Bên hoa đồng thơm ngát
Nhưng rồi mùa giông tố
Vườn xưa đã tan tành
Chim vành khuyên vỡ tổ
Lạc cuối trời mây xanh
Nay cánh chim lẻ bạn
Không hót những lời tình
Anh tháng ngày vô vọng
Thấm nỗi buồn mông mênh
Ôi, con chim vành khuyên
Còn những gì để nhớ
Còn những gì để quên?
Anh còn gì xa em?
Thánh Địa
Trần Đức Phổ
Ta, kẻ vô minh không tôn giáo
Chưa từng tin có thần thánh trên đời
Con thuyền bé chòng chành cơn giông bão
Rồi một hôm tấp vào hòn đảo nhỏ
Xanh cỏ đồng và thơm ngát hoa tươi
Ốc đảo ấy là trái tim em đó
Còn hoang sơ chưa dấu vết chân người
Ta vụng về chạy tung tăng khắp chốn
Khám phá từng kho báu bị vùi sâu
Như gã ăn mày trúng lô độc đắc
Một ngày kia bỗng chốc hóa sang giàu
Ta tin tưởng điều hiển nhiên mầu nhiệm
Trái tim em vi diệu nhất trần đời
Kiếp sau nữa cũng cam tâm tình nguyện
Hành hương về thánh địa của lòng tôi!
Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024
Mộng Hồi Champa (Kỳ cuối)
7
Trần
Lai từ từ mở mắt ra. Trời vẫn còn tối. Bốn bề vắng lặng khác thường.
Không nghe tiếng người kêu, cũng không nhìn thấy lửa cháy. Cả khu phố
biến đâu mất. Chàng dụi mắt, đứng dậy, ngó dáo dác. Chỗ chàng đứng gần
một cây đa cổ thụ, cạnh ngã ba đường. Nhìn kỹ chàng thấy nơi này dường
như quen quen nhưng nhất thời chàng cũng không biết là nơi nào. Trần Lai
đến ngồi dựa vào gốc đa hồi tưởng lại sự việc. Chàng nhớ là lúc mình
đang ngủ thì cả quán trọ bị bốc cháy, chàng chạy ra lan can và trúng
tên. Chàng hoảng hốt tưởng mình đã chết, chỗ này là âm ty. Chàng vội đưa
tay sờ lên ngực, đụng phải lá bùa hộ thân. Ngực chàng không hề bị
thương tích, cũng không có mũi tên nào ghim vào. Chàng chợt nghĩ thầm
hay là mình lại xuyên không về thời đại khác? À, có thể lắm chứ? Lúc bị
trúng tên mình cũng đã thấy vầng hào quang giống hệt trước khi mình xuất
hiện ở Chăm-pa thời kỳ Quốc vương Trà Hòa. Chàng sờ vào thắt lưng túi
gấm nàng Mị Cơ tặng cho vẫn còn đấy. Bỗng dưng chàng muốn òa khóc như
một đứa bé lạc mẹ.
Trời
sáng dần. Trần Lai nhìn rõ hơn mọi vật. Chàng giật mình kinh ngạc khi
nhận ra nơi đây chính là chỗ ngã ba cây đa gần nhà, lúc bé chàng vẫn
thường ra chơi đùa cùng mấy đứa bạn hàng xóm. Tự nhiên chàng phấn chấn
hẳn lên, đôi chân bước nhanh theo con đường cũ về chỗ có mái nhà xưa.
Trần Lai đứng khựng lại trước cái cổng được làm bằng mấy thân cây dương
đỡ tấm bảng hiệu có đề hàng chữ lạ hoắc: Nhà kho hợp tác xã nông nghiệp
xã Tân Phong. Tòa trang viện năm nào không còn nữa, chỉ thấy những căn
nhà mái tranh dài như trường học cất theo hình chữ U ôm lấy cái sân đất
rộng thênh thang. Chàng bồi hồi xúc động đứng nhìn nơi chốn mình đã được
sinh ra và lớn lên nay hóa thành nơi xa lạ. Những tháng ngày êm ấm xưa
kia sống bên cạnh cha mẹ ùa về khiến chàng nghèn nghẹn trong tim. Biển
dâu cuộc đời mấy ai có thể lường trước. Tất cả như một cơn mơ hãi hùng.
Đôi dòng lệ lăn dài trên gò má chàng.
Trên
đường đã có người qua lại. Những đôi mắt tò mò liếc xéo khi đi ngang
qua chàng. Không thể đứng tần ngần ở đây mãi chàng lầm lũi bỏ đi. Trần
Lai lần mò tìm ra bờ sông, nơi mà chàng đã bơi lặn mỗi ngày. Dòng sông
Thoa vẫn xanh trong như xưa. Chàng vốc nước rửa mặt. Và uống lấy uống để
một hơi ngon lành. Dòng nước mát quê nhà thấm vào tận tâm can, làm tươi
tỉnh từng nơ-ron thần kinh và từng thớ thịt trên cơ thể chàng. Đột
nhiên chàng bỗng thấy mình trở nên minh mẫn lạ thường. Chàng nghĩ cả hai
lần mình xuyên thời gian đều là do bản thân bị nguy hiểm nên bùa hộ
mệnh hiển thị phép mầu dịch chuyển chàng xuyên không sang thời đại khác.
Nay nếu chàng muốn trở lại Chăm-pa để gặp Mị Cơ thì phải làm cách y như
vậy. Để cho mộng hồi Chăm-pa của mình không bị trở ngại chàng quyết
định ngược lên phía bắc về nơi có dấu tích thành Châu Sa để thực hiện ý
định. Lòng đã quyết Trần Lai vui vẻ ngắm bóng mình trong dòng
nước sông Thoa. Chàng bật kêu ồ lên bởi nhận ra cách ăn mặc của mình
thật là khôi hài. Mình mặc áo bà ba màu trắng, cổ tròn, tay áo rộng và
dài. Nút áo bằng vải cài chéo từ cổ xuống hông bên phải. Phần dưới quấn
xà rông thổ cẩm màu sắc xanh đỏ từng mảng. Đúng là một anh chàng thời
trung cổ. Hèn chi những người gặp chàng đều trố mắt nhìn chàng như nhìn
một anh ngợm.
Nửa buổi trưa, Trần Lai đến thị trấn Mộ Đức. Chàng vào tiệm vàng bán một thỏi. Ông chủ tiệm không ngớt ngó ngang nhìn dọc chàng từ đầu đến chân. Ông ta cầm thỏi vàng săm soi một hồi lâu, sau cùng mới nói nhỏ với chàng.
- Đây là thứ vàng tốt đó nghen! Anh có bao nhiêu bán tôi cũng mua hết.
- Tôi chỉ bán mỗi thỏi này thôi!
- Anh mới từ bên Miên về à?
- Vâng! Trần Lai đáp bừa cho qua chuyện.
Ông ta cất thỏi vàng vào ngăn tủ, khóa trái cẩn thận, xong lấy một xấp bạc đếm và đưa cho chàng.
Trần Lai đến chợ mua hai bộ quần áo, một con dao và một cái ba lô. Chàng tìm nơi vắng vẻ trút bỏ bộ đồ công tử Chăm-pa thế kỷ 14, mặc vào bộ đồ mới mua để trở về làm người Việt hiện đại. Chàng tìm một quán cơm, ăn uống qua loa rồi thuê xe đạp thồ đi thị xã Quảng Ngãi. Dọc đường chàng hỏi dò anh phu xe mới biết hiện tại là năm 1984. Có nghĩa là chàng đã quay lại sau ba mươi năm. Trong khoảng thời gian chàng biệt xứ ấy trên quê hương chàng biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra. Có điều lạ là thời gian thì tiến nhanh về phía trước nhưng mọi sinh hoạt hầu như đang đi thụt lùi. Đường xá vẫn như cũ, nhưng người đi lại thưa thớt. Nhìn ai cũng thấy họ lam lũ, vất vả hơn xưa. Cuộc sống căng thẳng hơn trước nhiều. Nhà cửa toàn bằng mái tranh vách đất, ít có nhà ngói tường gạch. Ruộng đồng cằn cỗi, cây lúa tong teo vàng vọt.
Đến Quãng Ngãi Trần Lai trèo lên núi Thiên Ấn, vào chùa thắp nhang lễ phật. Khi chàng đi ra ngoài nhìn ngắm phong cảnh thì trời cũng đã xế bóng. Dưới ánh nắng chiều, dòng sông Trà Khúc xanh trong như một con đại mãng xà trườn mình về phía đông. Làn da của nó ngời lên sắc vàng óng ánh. Nơi chỗ bụng phình to, rẽ làm hai nhánh, ôm lấy hòn Đảo Ngọc. Nơi đó chàng và Mị Cơ đã tình cờ gặp nhau lần đầu tiên. Trong ý niệm thời gian của chàng nó chỉ vừa xảy ra cách nay chừng hai tháng. Hôm chàng và nàng gặp nhau là một đêm trăng tròn, hôm nay cũng là ngày tròn trăng. Hòn đảo ấy bây giờ giờ cây cỏ mọc xanh rì. Chàng nhìn về phương đông bắc, nơi trước kia là lũy thành Châu Sa. Chỉ thấy những ngôi nhà và ngọn cây nhấp nhô. Chỗ những bức tường thành xưa, nay chỉ còn là những gò đất chạy dài như sống trâu trên một bình nguyên rộng lớn.
Trần Lai xuống núi, chàng đã xác định được vị trí cửa thành Tây, nơi mà Mị Cơ hẹn gặp chàng. Chàng cứ men theo con đường đất đi đến nơi đó. Cổng thành ngày xưa bây giờ hóa ra cái truông nhỏ nàm giữa hai gò đất cao chạy dài về hai hướng nam và bắc. Bên chân gò đất còn vết tích của một khúc hào cạn. Trần Lai leo lên bờ thành phía nam. Chàng ngồi xếp bằng trên một tảng đá to, đen sì. Phương đông mặt trăng tròn vành vạnh vừa mới nhô lên, đỏ ối như một quả cà chua chín. Trước mắt chàng bóng đen của những lùm bụi cây cối rung rinh chuyển động theo làn gió đêm như những bóng ma chờn vờn, kỳ dị. Tiếng côn trùng tỉ tê, như giọng ngậm ngùi, oán than. Trần Lai lòng đầy thương cảm. Chàng hồi tưởng những ngày đã sống bên cạnh Mị Cơ. Tâm tư ngập tràn cảm xúc, chàng cất tiếng ngâm:
Anh về thăm lại đất Châu Sa
Tưởng nhớ người xưa mắt lệ nhòa
Vong quốc điêu tàn trơ lãnh địa
Phế thành đổ nát lạnh hồn ma
Vắng nàng mỹ nữ không thuyền mộng
Thiếu bóng lầu đài chẳng bướm hoa
Bao nỗi đau lòng khôn xiết kể
Mơ ngày trở lại xứ Chăm-pa.
Ngâm xong, Trần Lai đưa tay áo lên lau nước mắt chảy giàn giụa trên đôi gò má thấm lạnh vì hơi sương đêm. Chàng mở ba lô lấy con dao nhỏ đào một cái hố sâu bên cạnh hòn đá chôn cái túi gấm. Xong yên, chàng cởi áo, ngồi thẳng lưng, hai tay cầm dao, nhắm mắt đâm mạnh vào chỗ lá bùa đeo trên ngực. Khi mũi dao sắp chạm vào người, bỗng đâu một luồng kình lực xô tới hất văng cái dao ra xa mấy trượng. Liền đó chàng nghe có tiếng nói khẽ bên tai, nhưng thanh âm sắc gọn và rõ ràng từng chữ một.
-Công tử không nên làm thế!
Trần Lai mở bừng mắt ra xem là ai. Vầng trăng treo lơ lửng trên cành tre, đủ soi tỏ mọi vật. Chàng nhìn rõ trước mặt mình là một lão đạo sĩ, râu ba chòm trắng như cước tung bay trong gió. Một tay lão bắt ấn trước ngực, tay kia quơ phất trần nhè nhẹ. Con dao của Trần Lai văng đi chính là do cái vẫy phất trần của đạo sĩ. Trần Lai lạnh lùng hỏi:
- Ông là ai?
Vị đạo sĩ vẫn không hề giận dữ trước câu hỏi thiếu lễ phép của chàng. Ông ôn tồn nói:
- Bần đạo là người có duyên với công tử. Chắc công tử còn nhớ cách nay bốn mươi năm chúng ta đã từng gặp nhau một lần.
Nghe ông ta nói vậy Trần Lai cố lục tung ký ức của mình để tìm xem đã gặp lúc nào. Hồi lâu, chàng cũng nhớ mang máng là đã từng nhìn thấy ông hồi bốn năm tuổi gì đó. Chàng nhận ra được vì cách ăn mặc và phong thái rất khác người thường của ông. Phải nói là rất cá biệt nên đã tạo ấn tượng sâu sắc trong đầu óc chàng.
Không nghe Trần Lai nói gì, đạo sĩ nói tiếp:
- Lá bùa là của bần đạo tặng cho công tử vì hữu duyên. Nó chỉ có công dụng che chở cho công tử mỗi khi gặp nguy hiểm, còn khi người đeo nó có ý định, mưu đồ riêng thì nó trở thành vô tác dụng. Nay phép mầu đã hết thiêng, bần đạo xin phép thu hồi lại.
Nói xong ông ta vẫy nhẹ ngọn phất trần. Lá bùa rời khỏi cổ Trần Lai từ từ bay lên khỏi đầu chàng, và bay thẳng về phía đạo sĩ. Ông đưa bàn tay ra bắt lấy, và bóp nhẹ. Từ nơi bàn tay đạo sĩ một làn khói xanh bốc lên, tỏa mùi thơm phức như hương hoa quế. Trần Lai nhìn làn khói từ từ tan biến vào khoảng không mà lòng chàng tan nát theo. Thế là hoàn toàn tuyệt vọng. Thế là khong còn giấc mộng hồi Chăm-pa. Không còn mong gì gặp lại Mị Cơ. Trần Lai hét lên một tiếng và gục mặt xuống nền đất lạnh.
ĐOẠN KẾT
Reng… Reng… Reng…
Trần Lai choàng tỉnh, ngồi bật dậy, cầm lấy chiếc điện thoại.
- A lô! … A lô! …
Giọng bà xã chàng ở bên kia đầu dây có vẻ hơi gắt gỏng.
- Anh làm gì mà nghe máy chậm thế?
- Đang ngủ trưa.
- Thật không? Hay là đang chát chít với cô nào? Nghi quá!
- Có đâu! Anh nằm trên sô pha nghe nhạc rồi ngủ quên luôn đấy chứ! Em khéo đa nghi!
- Biết đâu được! Mà anh có mơ thấy gì không?
- Có!
- Gì?
- Anh trở về Chiêm quốc!
- Xuyên không à?
- Ừ!
- Gặp ai?
- Thì em chứ còn ai! Trong mơ em là Công chúa Huyền Trân còn anh là vua Chế Mân.
Có tiếng cười khúc khích từ bên kia đầu dây. Trần Lai nghe thấy giọng vợ chàng bỗng nhiên ngọt ngào hơn.
- Thôi, lại ba hoa nữa rồi! – Ngừng một lát nàng nói tiếp. – Chợ Loblaws đang sale tôm hùm đó, rẻ lắm! 11.99 đồng một pound. Anh ra mua hai pounds đi, chậm là hết. À… mà anh biết hôm nay là ngày gì không?
- Ngày gì?
- Hứ! Vậy mà kêu ngủ mơ thấy em!
- À… nhớ rồi! Ngày em yêu anh chứ gì!
Lại cười khúch khích.
- Thôi, em vào làm đây! Nghỉ trưa thấy tôm hùm sale nên gọi về nhắc anh mua. I love you. Bye!
- I love you, too! Bye!
Trần Lai gác máy, lòng bồi hồi, bâng khuâng giữa mộng và thực. Ôi! Mộng hồi Chăm-pa, chứ không phải là giấc mơ kê vàng.
HẾT
Mạnh xuân 2024
Trần Đức Phổ
Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024
Hổ Bỏ Rừng
Tú Điếc
Hổ xuống đồng bằng chó dễ ngươi
Sa cơ thì ắt sẽ toang đời
Thanh gươm sinh sát không thèm giữ!
Bè đảng lăm le chờ trở mặt
Kẻ thù rình rập đợi vung roi
Cá thôi ăn kiến, kiến ăn cá
Thế sự xưa nay chín rõ mười!
Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024
Phượng Hoàng
Trần Bảo Kim Thư
Theo truyền thuyết dân gian thì Mẹ Âu Cơ là hóa thân của chim Phượng hoàng, một loài chim cao quý nhất trong cõi tiên và tục. Nhân ngày lễ Hiền Mẫu, xin trân trọng đăng tải bài thơ về loài chim thuộc hàng tứ linh này để ca tụng công đức những bà mẹ Việt nam, trong đó có mẹ của tác giả.
.
PHƯỢNG HOÀNG
Ngô đồng chỉ đậu một loài cây
Mắt xanh ngọc bích hồ muôn trượng
Thân đỏ màu son lửa vạn ngày
Từ thuở vùng lên trong hỏa ngục
Ngàn năm bay lượn giữa tầng mây
Cái duyên thanh nhã đời trân trọng
Nết đẹp hy sinh nghĩa đủ dầy!
12/5/2024
Khất Sĩ
Tú Điếc
Khất thực! Khất thực! Thầy Khất thực!
Đầu trần chân đất bước phăng phăng
Đường dài chỉ sợ tâm chùn nhụt
Đã nguyện xiển dương đời đạo hạnh
Đâu sờn hỉ nộ lũ ma tăng
Sống nhờ bố thí lòng thanh sạch
Áo vá mà tim có phật vàng.
15/5/2024
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)